Kỳ 6: Hồi ký bác lethaitho - Phần 2
Tôi nằm mấy tháng an dưỡng tại đại đội an dưỡng của Trung đoàn tại Bến Cầu, Tây Ninh. Thực tế chỉ có an mà không có dưỡng. Tức là chỉ có nghỉ ngơi còn ăn uống thì cực vô cùng ( kém xa hồi còn đang tác chiến ). Thương binh lúc nào cũng đói, đói đến quằn ruột. B tôi ( cũng chia thành các B như bình thường ) nằm tại một túp lều ( nó chỉ là nơi nhốt cặp bò của chủ nhà đã đi sơ tán ) của chú Tư cạnh rìa làng. Cách nhà đại đội chừng 200m. Ăn uống chỉ có 2 bữa ăn chính là trưa và tối. Hàng ngày thương binh chia nhau đi cắm câu, tát cá để cải thiện. Tối tối lại thêm nghề đi soi ếch. Nhưng mặc dù đã hết sức cố gắng nhưng đói vẫn hoàn toàn đói. Một đêm mưa to gió lớn ( mà sao kỳ vậy, các bài viết của tôi hay rơi vào những đoạn có thời tiết xấu tệ ). Cả B quá đói mà chẳng biết làm gì để có cái cho vào bụng. Tôi nảy ra ý định đi bắt trộm gà. Lập tức toàn bộ " cán bộ chiến sỹ " đều hưởng ứng nhiệt liệt. Nhà chú Tư ( chủ nhà cho chúng tôi ở nhờ ) đều đã đi sơ tán hết vì ở đó rất gần đường biên ( cách khoảng 400 mét ), chú có để lại 1 cặp bò ngủ cùng chúng tôi - Giường chúng tôi kê gọn một đầu, phía cuối giường là chỗ ngủ của 2 con bò - ngoài ra còn có mấy con gà thả rông. Tôi và anh Tâm ( cùng C11 với tôi - người Thanh hoá ) được phân công đi bắt gà, còn anh Cảnh cụt ( người Đông anh - HN ) được phân công sang anh nuôi đại đội xin gạo. Tôi đi ra ngoài vườn. Lũ gà nhà chú Tư toàn ngủ đậu trên các cành cây. Tôi khe khẽ luồn tay vào bụng con gà mái to nhất đang ngủ ngà ngủ gật. Con gà chỉ kêu nho nhỏ, vả lại trời đang mưa to nên có kêu tôi cũng không sợ gì. Qu..o..á ..c , con gà đã bị tôi vặn ngéo cổ. Anh Cảnh cụt nhờ tài ăn nói nên cũng xin được một mũ cối gạo. Lông, lòng ruột tất cả được cho vào túi nilon dấn chìm xuống ruộng lúa cạnh nhà. Cơm nóng, thịt gà rang... ôi sao mà ngon đến vậy. Chỉ có 4 anh em mà chơi hết cả nồi cơm to tướng ( một mũ cối gạo chứ đâu có ít ).
Chỉ khổ chú Tư, sáng hôm sau phát hiện mất con gà cứ đi tìm khắp xóm. Mấy anh em chúng tôi cũng hè nhau toả đi tìm giúp chú. He he.... Tìm mãi chẳng thấy !!!? Cả lũ liên an ủi chú Tư : Có lẽ hôm qua, trời mưa sấm chớp ầm ầm nên có lẽ nó sợ nên chạy đi đâu đó mất tiêu rồi chú ạ.
Có lẽ trong đời lính của tôi, không có thời gian nào trôi đi vô vị như những ngày nằm tại đại đội an dưỡng này. Suốt ngày chỉ nghĩ đến ăn mà cũng không xong. Cái đói lúc nào cũng thường trực trong dạ dày. Đói đến mức không thể đi đâu chơi được, ngày chỉ nằm chờ hai bữa cơm như cơm phát chẩn. Cả tháng chỉ có ngày lĩnh nhu yếu phẩm và phụ cấp là mặt mũi lũ thương binh chúng tôi mới tươi lên đôi chút. Có tiền, tôi và thằng Dụ ( Thanh hoá ) lập tức phải san sẻ cho những bà bán hủ tiếu ngoài thị trấn Gò Dầu ngay. Để lâu cũng không được, mất ngay ! Vì đói quá nên trong đại đội an dưỡng xuất hiện nhiều vụ lấy cắp quân tư trang của nhau. Tối nằm ngủ, tôi phải gối đầu mình lên chiếc ba lô, nhưng không thể lại được với các " Bố " nhà ta. Toàn cỡ ...trinh sát đặc công cấp....Bộ cả. Chúng nó chỉ rình lúc mình trở mình là...xong. Thế là lại trở về với nhất bộ quần áo mặc.... cả ngày.
Trên đơn vị, cả sư đoàn vừa tháo chạy sau một đợt tấn công của Pôn Pốt tại cầu Prasaut. Cả sư đoàn về đóng hết xung quanh Chi phu - phía đông cầu Tà yên. Đơn vị nghỉ ngơi, bổ xung trang bị, quân số.
Tháng 11.1978, nghe tin trên cứ Trảng lớn có đợt lính mới bổ xung về toàn lính Hà nội. Tôi liền nhảy xe đò về Trảng lớn tìm bạn và đồng hương Hà nội để hóng chuyện về quê hương. Chẳng có ai quen mặt nhưng cũng thoả được phần nào nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương. Rất nhiều lính Hà, lại Hoàn kiếm đàng hoàng nhé.
Sau 2 ngày, tôi trở về Tà beng ( À, bây giờ tôi nhớ ra rồi. Xóm ấy có tên là Tà Beng ). Cả đại đội vắng tanh như chùa Bà đanh. Hỏi những người còn lại, họ cho tôi biết cả đại đội lên D32 an dưỡng tại Trảng lớn để khám sức khoẻ và đi A.
Ôi, đi A - Chữ A đơn giản mà sao có sức hấp dẫn lũ thương binh chúng tôi lúc ấy đến thế. Đi A - là về quê hương, là về với gia đình thân thuộc, là sự sống, là hoà bình... đi A là tất cả với chúng tôi lúc đó.
Tôi lập tức nhảy xe quay lại Trảng lớn.
D32 an dưỡng của F9 nằm gọn ở một góc căn cứ Trảng Lớn, bên cạnh đại đội " thu dung ". Cả D bao gồm 5,6 dãy nhà tôn. Mái lợp tôn, tường cũng bằng tôn, gường nằm bằng sắt..." ấm " đáo để. Mặc dù tháng 11, 12 ngoài Miền Bắc đang rét cắt da, cắt thịt thì lũ chúng tôi đang bị hầm đến chảy mỡ trong những cái...lò tôn này. Thương binh thằng cụt tay, thằng cụt chân, thằng sọ não... đều chỉ " đánh " mỗi chiếc quần đùi, còn thì trần trùng trục hết. Ăn uống có khá hơn khi còn nằm dưới an dưỡng trung đoàn. Đại khái bữa ăn còn có tí rau, tí thịt mặc dù phần ngon thì cũng chẳng đến lượt thương binh, " Gà teo cơ, canh rau toàn quốc, nước chấm đại dương ". Thương binh ăn đủ ngày 3 bữa. Ăn xong là trà lá, cờ quạt... ( Cờ quạt chứ không phải là cờ bạc đâu nhé ) và...bắt rệp. Chao ôi, tôi chưa thấy ở đâu nhiều rệp như ở D32 này. Hôm nào nắng to, chúng tôi mang giát giường ra phơi. Từng đoàn quân họ nhà rệp lũ lượt kéo nhau từ những khe kẽ giát giường ra vì ánh mặt trời thiêu đốt. Chúng tôi không dám giết chúng bằng tay vì quá hôi. Một mảnh báo cuộn lại rồi đốt là xong. Rệp nổ lép bép như thóc rang.
Thương binh tại D32 này có phong trào thi đua rất sôi nổi. Đó là " treo tay " - Khẩu hiệu " chịu khó treo tay, có ngày ra Bắc " được thực hiện tương đối triệt để. Thằng cụt, thằng bị đạn nó phang trúng tay thì treo đã đành. Nhưng có những thằng bị mảnh M79 nó xiên, sẹo chỉ to bằng nốt ghẻ ruồi cũng rất " nhiệt tình, chịu khó " treo tay. Phải nói là một sự kiên trì ghê gớm, sự kiên trì khủng khiếp. Cánh tay bị dính ( dù chỉ rất nhẹ thôi ) được dùng một dải băng cứu thương treo cố định trước ngực. Cánh tay đó nằm cố định, không tham gia bất cứ hoạt động gì. Dần dần qua thời gian dài, nó teo lại. Chỉ còn da bọc xương, trông phát khiếp. Bác sỹ giám định y khoa nhìn thấy đã muốn ...đuổi ra Bắc rồi. Cánh tay như vậy còn " đánh đấm " gì nữa !!!? Vậy là thành công.. thành công... đại thành công rồi. Mời anh đóng vai chính bộ phim .... đường về quê Mẹ. Sướng !!!!
Rồi thì cũng đến ngày giám định y khoa, thương binh sau khi giám định xong được phân loại. Ai yếu sức khoẻ thì ra bắc, ai còn đủ sức khoẻ thì lên đường trở lại đơn vị. Tôi khám đạt thương binh loại 1 ( cũ ), không đủ tiêu chuẩn đi A nên chuẩn bị sẵn sàng trở về đơn vị. Được thôi, đây đâu có ngán gì !!!
Một buổi sáng, cán bộ đại đội gọi tôi lên giao nhiệm vụ :
- Các anh bên phòng chính trị của sư đoàn có sang xin em về ban chính sách sư đoàn. Ý em thế nào ?
- Dạ thưa, sang bên ấy làm công việc gì ạ? Tôi hỏi.
- Thì lo cất bốc hài cốt liệt sỹ chứ làm gì nữa.
- Vậy thì cho em về đơn vị chiến đấu. Tôi trả lời. Tôi nghĩ đến cảnh phải đi đào mộ, bốc xương bốc cốt mà rùng mình. Tôi vốn sợ ma lắm do vậy chẳng thà đi đánh nhau còn dễ chịu hơn. Anh cán bộ phòng 2 ( phòng chính trị ) không nói gì và ra về. Tôi đã xác định tư tưởng sẽ trở về trung đoàn tiếp tục tham gia chiến đấu. Mấy hôm sau, đại đội lại gọi tôi lên. Một sỹ quan đeo quân hàm thiếu uý tiếp tôi. Anh tự giới thiệu là Bùi Xuân Hùng - thiếu uý trợ lý phòng hậu cần sư đoàn. Anh hỏi tôi về trình độ văn hoá, quá trình công tác và có ý muốn xin tôi về phòng làm văn thư, thống kê. Văn thư, thống kê à? OK ! Tôi đồng ý ngay lắp tự. Ngay sáng hôm ấy, tôi làm thủ tục và khoác ba lô theo anh Hùng về phòng Hậu cần sư đoàn.
Phòng hậu cần sư đoàn nằm ngay cạnh đường băng sân bay Trảng lớn. Tôi được sắp xếp nơi ăn, chốn nghỉ khá là tươm tất. Ăn uống thì tự nấu lấy theo từng ban. Ở hậu cứ này, chỉ còn tôi, anh Hùng và thằng Nghĩa. Tất cả phòng chủ yếu nằm trên tiền phương hết. Bình thường, bữa ăn cũng chẳng có gì nhưng thỉnh thoảng anh Hùng lại đi ra chợ mua đồ ăn tươi về thế là... nhậu. Bia 33 con cọp thì " tạm ứng " ngay kho hậu cần. Cuộc sống có vẻ ngon lành, êm đềm. Nhưng, cái số tôi không thể ngồi yên một chỗ được. Nó cứ luôn nhấp nhổm, bứt dứt khó chịu. Cả ngày chẳng làm cái gì, chỉ chăm chăm đun nước, nấu ăn chán chết đi được.
Công việc của thằng lính nhân viên thống kê, kế hoạch cũng giúp cho tôi hay được " bát ngát " đi đây đi đó. Khi thì Phú giáo ( Bình dương ), khi thì Sóng thần ( QĐ4 ). Sư đoàn có một nông trường ở tại Phú giáo. Tôi thỉnh thoảng đi xuống lấy số liệu vớ vẩn về tăng gia sản xuất, nhận các yêu cầu về cung cấp phân bón, thuốc trừ sâu... Một lần tôi đi xuống bằng xe Reo, gần đến nông trường thì xe bị mất phanh ( mất thắng ). Chú Bảy lái xe ( lái xe của QLVNCH cũ ) liền bảo tôi đi mua cho chú xị rượu. Chết mẹ ! Ông này không sửa nổi xe nên bảo tôi mua rượu về nhậu suông đây. Tôi vừa đi mua, vừa lầm bầm. Tôi mua rượu về, chú Bảy liền đổ xị rượu vào thay cho dầu phanh. Xe tiếp tục lên đường. Hoá ra, khi " bí " rượu có thể thay cho dầu phanh được.
Một lần, cả lũ nhân viên của phòng hậu cần chúng tôi được cử đi nhận dầu Diesel tại căn cứ Sóng thần. D29 có nhiều xe bồn loại 4000 lít, 6000 lít nhưng chỉ có 1 chiếc 11.000 lít là chiếc xe cũ của Mỹ. Chúng tôi lên từ chiều hôm trước. Sáng hôm sau làm thủ tục nhận 11.000 lít dầu. Máy bơm không có, mấy thằng thay nhau bơm tay từ sáng đến quá trưa mới đủ số lượng. Cánh tay thằng nào, thằng ấy mỏi rã rời. Khoảng 3,4 chiều xe mới ra đến xa lộ Đại hàn. Anh lái xe gạ :
- Làm trận " cầy tơ bảy món " chứ chúng mày?
Đang đói và mệt, nghe đến nhậu mắt thằng nào thằng ấy rạng rỡ như " những ánh sao đêm ". Nhưng tiền thì tất cả đều " trên răng dưới... cát tút " lấy đâu ra tiền mà nhậu với chả nhẹt. Anh lái xe vừa nói vừa cười :
- Mấy thằng ngố, cứ nhậu thả dàn đi. Tao đảm bảo ngày mai sẽ giao đủ, thậm chí còn giao dư 11000 lít dầu.
Nói thực hiện ngay đi đôi với làm. Anh gọi chủ quán xách " can " tháo luôn 5,6 can đầy. Cả lũ nhậu nhẹt mệt nghỉ. Sau khi ăn uống đã đời. Anh cho xe chạy một đoạn chừng vài chục cây số. Đến khu rừng cao su ven đường thì dừng xe.
- Thôi, đêm nay chúng ta nghỉ tại đây.
Chúng tôi nằm ngủ ngổn ngang ngay trên đường quốc lộ. Nằm cạnh anh lái xe, anh giải thích để tôi yên tâm:
- Cả ngày phơi nắng, xe dầu này nó nở ra cả trăm lít. Mình có bán tí chút cũng chẳng " nhằm nhò " gì. Bây giờ đừng về sư đoàn vội. Về sớm, sáng mai giao hàng dầu nó hao. Ngày mai mình chạy về đến nhà vào tầm quá trưa, dầu nó lại nở ra. Giao có dư luôn.
Bài học đầu tiên của ngành " hậu cần " với tôi là như vậy. Quả nhiên, chiều hôm sau chúng tôi giao hàng đầy đủ. Dầu không thiếu một giọt. Tóm lại khi nhận xăng dầu thì phải nhận hàng từ sáng sớm, giao hàng thì phải giao buổi chiều.
Rồi thì những tháng ngày vô vị nằm tại cứ Trảng lớn cũng đã trôi qua.
Ngày Chủ nhật 17.06.1979 tôi được lệnh đi tiền phương. Lâu lắm rồi bây giờ mới lại được cầm khẩu súng trên tay, dù chỉ là khẩu AK nhỏ bé. Một chút bồi hồi, một chút lạ lẫm. Xe D29 đón chúng tôi, trên xe toàn là cán bộ chiến sỹ của các phòng ban và lính D29 lên tiền phương. Các anh chắc đi đi về về nhiều lần nên không thấy lạ chứ còn tôi thì có đôi chút hồi hộp. Hôm qua tôi đã đi mua sắm cho mình đầy đủ mọi thứ cần thiết, tất cả cho hết vào chiếc thùng gỗ đựng đạn B40. Đúng là lính sư đoàn đi chiến trường cũng khác với lính trận. Lính trận càng gọn nhẹ bao nhiêu thì lính " kiểng " càng kềnh càng bấy nhiêu. Thử xem trong thùng gỗ B40 mang theo những gì?
- Quần áo dài, quần áo lót : 2, 3 bộ ( lính chốt chỉ có nhất bộ ).
- Xà bông thơm, xà bông giặt ( quá xa xỉ với lính chốt )
- Giấy viết vài tập, bút bi vài chiếc..
- Nilon, tăng võng...đầy đủ.
và nhiều thứ khác.
Trên xe các anh cũng toàn mang thùng gỗ, thùng tôn chứ rất ít người mang ba lô. Xe chạy qua nhưng địa danh mang bao kỷ niệm đối với tôi. Mộc bài, ba vét... kia rồi ngã tư Rừng Sở, Chi Phu, cầu Tà Yên những địa danh thấm máu biết bao đồng đội. Nhìn hai chiếc T54 bị bắn cháy, màu đỏ gạch cua nằm gục nòng bên cạnh cầu Prasaut tôi chợt nhớ đến câu chuyện " đổi hai xe lấy một mã " vang khắp sư đoàn của Trung đoàn trưởng trung đoàn tôi vài tháng trước. Đường xóc kinh khủng mãi đến tối mịt, chúng tôi mới đến PhnomPenh. Xe nghỉ lại tại một căn nhà nhỏ hai tầng rất đẹp cạnh cầu " Sập ". PhnomPenh đã hồi sinh, điện nước đầy đủ. Ban đêm, thành phố hoàn toàn yên tĩnh. Tôi mắc mùng trên ban công lầu hai để ngủ. Đêm an toàn nhưng phải cái rất nhiều muỗi.
Xe chạy theo lộ 5 hướng thị xã Congpongchnang thẳng tiến. Dọc đường, thỉnh thoảng chúng tôi bắt gặp những chiếc xe quân sự cháy đen nằm chỏng chơ ven đường. Đoạn dốc gần ngã tư rừng dừa, có tới 5, 6 chiếc T54, T59 của ta cháy đen thui. Đến ngã tư rừng dừa, chúng tôi tạm dừng chân nghỉ uống nước. Đây là hậu cứ cũ của D29. Trong căn nhà ven đường, loáng thoáng vài ba anh bộ đội ngồi đung đưa trên cánh võng. Một anh dáng người đậm chắc đang nằm ngủ trên chiếc võng màu xanh " sĩ lâm " lạ mắt. Một anh cán bộ trong đoàn chúng tôi đến bên cạnh đập đập vào thành võng. Người đang nằm trên võng vung tay nhảy bật dậy đứng thế thủ. Nhận rõ anh cán bộ vừa đánh thức mình, người kia cười ha hả và nói một tràng tiếng Miên. Lúc ấy, qua giới thiệu, tôi mới được biết đó là thằng cha tiểu đoàn trưởng D10 Quân đội CM CPC - Khi đó, các sư đoàn của ta đều phải có nghĩa vụ xây dựng 01 tiểu đoàn cho bạn gọi là " tiểu đoàn dân vận ". Thằng cha này rất giỏi võ nghệ. Trông mặt thấy ghét. Mặt vuông, góc cạnh, tóc xoăn...phải nói là đàn ông Campuchia nhiều cha rất đẹp trai, công bằng mà nói là ăn đứt anh em mình chỉ tội da đen và tóc xoăn tít thôi. Gặp thằng cha này ở ngoài mặt trận, chắc nó lãnh đủ ...cả băng.
Xe chạy đến thị xã vào lúc quá trưa. Một thị xã nhỏ đẹp nằm nép mình ven bờ tonlesap.
Chạy miết luôn qua thị xã không dừng lại. Đi khoảng vài cây số, chiếc xe rẽ vào con đường lát bê tông chạy êm ru. Bộ tư lệnh tiền phương của sư đoàn nằm xung quanh khu vực sân bay Kampongchhnang.
Đây là một sân bay quân sự lớn do Trung quốc giúp PônPốt xây dựng đang trong thời kỳ hoàn thiện. Đường băng chạy dọc theo hướng bắc - nam. Toàn bộ khu vực phía nam của sân bay tựa vào dãy núi cao chừng 200 mét. Phía đông là khu vực trú quân của 3 phòng ( Tham mưu - Chính trị - Hậu cần ). Phòng tham mưu ăn ở khang trang nhất nằm ngay ngoài cùng ( chắc khu này là dành cho phi công và chỉ huy sân bay ), kế đến là phòng hậu cần, gần cạnh đường băng là phòng chính trị. D29 ở ngay đầu đường băng. Lính có câu : " Ăn hậu cần, nằm tham mưu, lên sao chính trị " chẳng sai tẹo nào. Phía tây đường băng là các đơn vị trực thuộc lần lượt D10 ( dân vận - sau một thời gian thì giải tán), D26 ( thông tin ), D27 ( trinh sát ). Sát đường băng phía đông cạnh đài chỉ huy là trại tù binh.
Tôi về phòng hậu cần, do thiếu tá ( sau đó lên trung tá ) Nguyễn Do ( Mười Do ) làm trưởng phòng.
Công việc ở tại tiền phương này chẳng có gì cố định. Khi thì xuống các trung đoàn lấy số liệu tiện xe chở luôn mấy tử sĩ về sư, khi thì đi chốt của phòng ở các điểm chốt như ngoài thị xã, trên thị trấn Pôlây, Cô cháp, Tà lia, chùa Lông chó.... ( mà tôi cũng chẳng biết tại sao chúng tôi đặt tên là chùa Lông chó nữa ). Nhiệm vụ quan trọng nữa là tổ chức, kết hợp cùng với dân đánh cá trên sông Tônlêsap và biển hồ để cung cấp thực phẩm cho bộ đội. Do có những chốt như vậy, việc chúng tôi chạm và đấu súng với Pốt là chuyện đương nhiên. Hóa ra làm lính " kiểng " trên sư cũng chẳng an toàn lắm.
Sau khi nghỉ ngơi mấy ngày, tôi được lệnh cùng với một xe của D29 chở đạn và gạo lên tiếp tế cho chốt Pôlây. Cùng đi với tôi có Đức ( tức Đức cối ), Tâm cả hai đều là dân Thanh Hoá. Chúng tôi chuẩn bị súng ống, đạn dược đầy đủ. Con đường lộ 5 từ sân bay lên Pô lây thật vắng vẻ, ít xe cộ qua lại. Tất cả cầu cống trên đường đều có chốt của F15. Xe chạy không nhanh lắm vì đường rất xấu. Anh lái xe bảo chúng tôi phải giao hàng nhanh để còn về sớm, cứ quá 2 giờ chiều vẫn còn lang thang trên đường dễ bị " phục " lắm. Chúng tôi lên tới thị trấn, xe rẽ phải vào một con đường nhỏ hướng ra phía Biển Hồ. Đường hẹp và khó đi, xe len lỏi luồn lách qua những rặng cây loà xoà. Một ngôi chùa nhỏ nằm ngay ven đường, đứng trên thùng xe, tôi nhìn thấy trong gian chính ngôi chùa chứa đầy ắp sọ người. Tôi thoáng nghĩ đây chỉ mới là một thị trấn nhỏ mà số người chết dưới chế độ Pôn Pốt còn nhiều như thế này, nếu cả đất nước CPC thì số lượng người chết còn khủng khiếp tới đâu !!!? Xe đi tới khu vực Biển hồ, chốt của đơn vị tôi nằm ngay trên sông. Tôi giương AK bắn ba phát súng báo hiệu là xe chúng tôi đã tới. Một lát sau, một chiếc xuồng ra đón chúng tôi. Anh em trong chốt đã cho cả người ra canh giữ xe ô tô cẩn thận. Chúng tôi chuyển súng đạn, gạo, nhu yếu phẩm xuống xuồng và cùng đi ra chốt.
Chốt trên sông - một trận địa chốt hoàn toàn mới và lạ đối với tôi. Đó là hai, ba chiếc nhà bè được ghép lại. Nhà làm bằng gỗ, mái lợp tôn. Nhà tương đối rộng rãi, thoáng mát. Cả chốt ước chừng một trung đội " cứng ". Ở đây, hoàn toàn bất ngờ tôi gặp lại Lợi " Bọ " người cùng huấn luyện ở ngoài 308 với tôi, hiện nay phụ trách tại đây. Chốt trang bị hoả lực mạnh : một 12.8 ly, một cối 60, một RPD, một B40 và còn lại là AK, AR15... anh em toàn bộ là thương binh nhưng chưa được xếp hạng thương tật hoặc xếp hạng rồi nhưng chưa đủ điều kiện ra Bắc. Lợi, Vân, Sơn, Mạnh Đạt.... toàn những lính đã từng chinh chiến cả. Sau bữa cơm trưa rất thịnh soạn gồm các món toàn làm từ cá tươi ( bọn ở chốt này không bao giờ phải lo đến thực phẩm ), Mạnh Đạt ( Thái lọ ) nguyên lính thông tin hữu tuyến của E2 vui vẻ giới thiệu với tôi về chốt của chúng nó qua mấy câu thơ tự viết :
" Chúng tôi ở trên sông
Nơi có những cánh rừng ngập trong lòng nước
Con chim có nhiều nhưng không làm tổ được
Lũ giặc rình mò, cái chết ở bên trong
Chúng tôi ở trên sông
Nơi có những chiều thuyền về đầy cá
Cô gái Khơ me ửng hồng đôi má
Gọi tên chúng tôi, anh Coong tóp Việt nam
Khi mây lặng trời êm
Chiếc Ca nô nhẹ lướt
Có những lúc sông giận mình mấy lượt
Là khi mây đen giăng đầy trời
.....
Toàn con trai nhưng rất yêu nhau
Đứa nào cũng đòi lên cạn
Nhưng chẳng bù cho mùa hạn
Đi mấy lần đã ngại đau chân.......... "
Chẳng là chốt cách thị trấn Pô lây rất xa, nếu mùa nước nổi thì còn có xuồng đưa đến sát thị trấn. Mùa khô, nước rút ra xa, muốn đi chơi Pôlây phải " cuốc bộ " xái cẳng.
Sau khi chuyển, bàn giao xong hàng hoá, chúng tôi nhanh chóng lên đường trở về. Phải khẩn trương, kẻo về muộn sẽ không được an toàn trên đường.
Xe qua một chiếc cầu ngoài thị trấn một đoạn, một anh lính của F15 xin đi nhờ xe. Qua câu chuyện góp vui, chúng tôi được biết anh được đi phép nên đang tìm cách quá giang về Việt nam. Biết chúng tôi chỉ về đến thị xã nhưng anh vẫn xin đi. Được đoạn nào, hay đoạn đó.
Chiếc xe Gát chầm chậm chạy như rùa bò lên chiếc dốc Rừng xanh nằm khoảng giữa hai chiếc cầu từ Phum Tuol Roko đến Phum W. Thnna Keo, mấy thằng ngồi trên xe đang cười ngả cười nghiêng khi nghe tôi kể chuyện tiếu lâm... Vừa lên đỉnh dốc, bỗng toác.. toác... toác tiếng súng AK, AR15 nổ xung quanh như xé vải. Địch phục kích !!! Tôi xoay người lại nép mình vào góc thành xe, giương súng bắn trả. Cậu lính của F15 từ ghế băng cuối xe lao về phía tôi chúi đầu xuống như tránh đạn. Đức " cối ", Tâm cũng bò ra sàn xe vừa tránh đạn vừa ... bắn lên trời. Anh lái xe tăng tốc miết bàn đạp ga phóng như điên như dại. Bắn hết đạn, tôi quanh sang thằng Đức hét :
- Đưa tao một băng !
- Băng bằng sắt, băng bằng sắt... Thằng Đức vừa trả lời lạc giọng, vừa lấy tay vỗ vỗ vào băng đạn.
Thì ra, tôi hét nó đưa cho tôi băng đạn, trong lúc cuống cuồng nó lại tưởng tôi bảo nó đưa cho tôi cuộn băng cứu thương nên mới có sự nhầm lẫn như vậy. Đến chiếc cầu sắt gần Phum W, Thnna Keo, chiếc xe dừng lại vì có chốt của F15 ở đó. Thôi chết rồi, tôi lại bị thương rồi. Máu phun ra ướt sũng chiếc áo lính tôi đang mặc. Nhưng sao tôi không có cảm giác đau gì nhỉ !!!? Tôi ngoái nhìn lại phía sau. Cậu lính của F15 đi nhờ đã dính một viên xiên qua thái dương, gục đầu lên vai tôi và chết tại chỗ. Thằng Tâm thì dính một viên vào ngực bên phải đang nằm thở khò khè. Tôi nhờ mấy anh em của F15 nhanh chóng băng bó cho Tâm và chúng tôi cho xe chạy nhanh về thẳng D33 nằm ngoài thị xã. Bàn giao thương binh tử sỹ xong, xe chúng tôi chạy về Sân bay. Lúc ấy mới khoảng 5.30 chiều.
Những tháng ngày cuối năm 1979 sang đầu 1980, nhiệm vụ chủ yếu của tụi lính chúng tôi vẫn là đi áp tải đạn, gạo, quân nhu cho các đơn vị ở tuyến trước. Tiện chuyến xe thì lại nhận liệt sỹ chở về. Những tuyến đuờng từ Sân bay đi xuống ga Bamnak ( chỉ huy sở E2 - của Trungsy1 ) hay theo lộ 27 xuống ga Romeas ( chỉ huy sở E1 ) là những tuyến đường " chết chóc ". Thằng nào ở trong danh sách phải đi áp tải là coi như... đi vào cửa tử. Hai bên đường toàn rừng Khộp xen lẫn cỏ tranh. Vắng lặng...vắng ngắt ... cả một đoạn dài mấy chục cây số mà cấm thấy bóng dáng chiếc xe ô tô nào cùng đi cho...đỡ sợ. Bác tài xế thì cắm đầu chạy, không nói không rằng, mặt mũi căng thẳng. Cánh cửa cabin xe bên phía tay lái bao giờ cũng chỉ khép hờ hờ. Cứ nghe Oành... là bác phi cả người ra khỏi xe mà không cần biết tiếng nổ ấy là gì. Lính tráng chốt một chỗ còn yên tâm. Nếu nó đánh vào cũng nổ súng trước, cũng còn chỗ ẩn nấp. Đằng này xe là một mục tiêu rõ ràng và duy nhất. Trên xe chỉ có mỗi khẩu AK hay AR15 đánh đấm cái giề !!!? Nhiều khi thoáng thấy bóng người lại căng thẳng hơn vì không phân biệt nổi đây là dân hay là địch??? Địch hay là " du kích "
Tôi dám cá một ăn mười rằng nếu cho các bạn chọn giữa làm lính chiến dưới đơn vị chiến đấu với làm lính áp tải phòng Hậu cần thì bạn sẽ chọn PHƯƠNG ÁN 1. Tuần nào cũng mang bản thân mình ra làm mục tiêu di động vài lần thì cái cảm giác ấy rất là...Yomost. Tốp người đang ngồi trên xe bò lăn bánh lộc cộc trước mặt là ... địch đấy ! Ồ, không có lẽ là dân đi làm rẫy.. Không, không phải dân đâu.. địch đấy. Trong đầu cứ luôn căng ra để ra câu hỏi và tự trả lời. Trả lời sai là... tiêu. Và nhiều anh lính trong đơn vị đã trả lời sai !!! Tôi cũng có vài lần trả lời sai nên trên người lại thêm vài ba cái sẹo nữa. He ..he..he ..Ơn trời, số tôi đẻ ra đã tên là ..Thọ.
Năm 1980, lính tráng bên K bắt đầu rơi vào tình cảnh thiếu lương thực, thực phẩm trầm trọng. Chúng tôi ở Hậu cần sư đoàn mà cũng đã bắt đầu phải ăn độn...đậu xanh. Lúc đầu cũng dễ ăn. Mình cứ nghĩ là giống như ngày tết, Mẹ có nấu đậu xanh để gói bánh chưng, bánh tét mà mình thó được một nắm. Đậm đậm, bùi bùi... ngon đáo để. Nhưng đến khi phải ăn trừ bữa bằng đậu xanh thì ... ớn luôn. Cũng may mà thời gian thiếu thốn ấy kéo dài không lâu.
Để tăng thêm thức ăn cho bộ đội, nhất là các đơn vị đóng gần sư đoàn. Phòng Hậu cần đã hợp tác với dân Khơme sống ven sông Tonlesap tổ chức đánh bắt cá. Dòng sông Tonlesap và Biển hồ quả là một vựa cá khổng lồ. Mùa mưa, Biển hồ dâng nước tràn lên khắp các cánh rừng ven hồ. Lũ cá thi nhau sinh sôi trong các cánh rừng ngập nước đầy ắp thức ăn. Chúng lớn nhanh như thổi. Đến mùa khô, Biển Hồ thu nhỏ lại chỉ còn 1/10 diện tích. Cá từ các cánh rừng đổ về Biển Hồ và các lạch sông. Cá tra, cá lóc trắng, lóc đen, cá hô, cá chẻm, cá chày, cá trôi... trên là trời dưới là cá. Bộ đội lập các chốt đóng ở những vị trí ngã ba các rạch sông bảo vệ địa bàn đánh bắt cá cho dân. Ăn chia theo tỷ lệ 40/60, bộ đội lấy 40 %. Trung bình mỗi tháng, chúng tôi được chia khoảng 250 tấn cá. Cá tươi cấp thẳng cho các đơn vị, cá mang về đổ ra sân bay phơi làm cá khô, làm nước mắm.... Cả đường băng sân bay Congpôngchnang ngập toàn cá lá cá.
Vậy, người dân Khme họ đánh bắt cá như thế nảo? Câu cá, quăng lưới... Không, sai hết. Họ dùng búa gỗ đóng những cây gỗ lớn xuống lòng sông. Cứ cách 5 mét đóng một cọc, đóng ngập xuống đáy lòng sông, phần trên còn nhô lên mặt nước khoảng 4,5 mét. Dùng một loại dây rừng gọi là dây Trại ( càng ngấm nước càng dai ) đan kết hợp với tre tạo thành những tấm phên lớn chặn xuống lòng sông. Cả dòng sông được ngăn lại chỉ hở ra 1, 2 cửa gọi là cửa đáy. Ở đó họ quây lưới và... xúc cá. Cá nhiều đến nỗi cứ một hai tiếng, nếu xúc không kịp thì phải xả đáy lưới ra một lần để xả cá xuống hạ lưu, kẻo cá dồn về làm rách đáy. Xúc đầy những ca nô loại lớn lại chạy vào bờ đổ lên xe của D29 chạy về sân bay. Cả đêm, chúng tôi cứ rầm rập chở cá về lên kế hoạch cung cấp cho các đơn vị, không chia hết thì đổ ra sân bay làm nước mắm và phơi khô. Cá chỉ đổ về nhiều vào các đêm từ mùng 8 âm lịch đến hết ngày 15 âm lịch là bắt đầu ít dần và chỉ đổ về đêm chứ ban ngày thì không có.
Lũ chúng tôi khi đó bữa ăn chỉ toàn cá là cá. Cá nướng, cá kho, nấu canh chua, nấu cháo cá... Thằng nào trực nhật thì quả là khố nạn vì ... cá.
Một hôm, phiên tôi trực nhật. Thằng Đạt " Thái lọ " nó đi áp tải cá mang về bắt tôi phải làm một con cá Hô nặng chừng 30 kg. Vẩy cá Hô to bằng ba ngón tay, cứng như đá. Tay tôi bị thương cầm dao không chắc nên không thể nào mổ được con cá. Cuối cùng, tôi phải bảo thằng Thanh - đồng hương Thanh trì - nó làm giúp, trầy trật mãi hai đứa mới làm được con cá cho anh em ăn. Tôi " căm " thằng Đạt lắm. Tôi chờ đến phiên thằng Đạt trực nhật, tôi và thằng Thanh đi lấy về hai bao tải toàn cá rô đuôi hồng ( một loại cá rất ngon nhưng chỉ nhỏ bằng lòng bàn tay ) về bắt thằng Đạt làm. Làm suốt từ sáng đến trưa vẫn chưa hết số cá tôi và thằng Thanh mang về. Thằng Đạt ngồi dưới bếp khóc hu hu.... ( Anh em đã ra " sắc lệnh " thằng nào trực nhật phải làm hết những thứ mà anh em đi " cải thiện " được ) vừa khóc vừa chửi là hai thằng chó khố nạn... nó thù tao đây mà....
Cá nhiều quá, chúng tôi liền nghĩ đến việc đào hố, đổ cá xuống để ngâm làm nước tưới rau tăng gia. Rau muống, đậu đũa, bí xanh bí đỏ... cứ tốt ù ù nhờ được tưới thứ nước ngâm cá ấy.
Phòng Hậu cần tổ chức chăn nuôi heo, nuôi vịt. Chúng tôi cũng làm một chiếc chuồng nuôi mấy con heo. Chẳng biết giống má như thế nào mà trông đàn heo như đàn heo rừng. Con nào cũng vằn vện vàng vàng đen đen nhưng lớn nhanh như thổi. Heo ăn cám nấu với cá và rau mà. Thấy chúng tôi nuôi heo mau lớn, đại úy Ba Vinh - phó chủ nhiệm phòng Hậu cần cũng nuôi một chú. Heo của thủ trưởng cũng lớn rất mau. Muỗi thì nhiều, sợ nó đốt con heo yêu quý. Ông ba Vinh lấy luôn màn tuyn để mắc trong chuồng cho heo ngủ. Chúng tôi nhìn thấy phát ghét. Lính tráng chẳng có mùng để ngủ, đây heo của thủ trưởng lại có màn tuyn xịn để dùng. Một đêm, trong lũ chúng tôi, có thằng ( bây giờ tôi vẫn không biết là thằng nào? ) bò vào chuồng heo của thủ trưởng Ba Vinh, nổi lửa đốt chiếc màn tuyn vẫn đang mắc cho heo ngủ. Lửa cháy bùng bùng... Thủ trưởng hô tụi lính ra dập lửa. Than ôi, dập xong lửa thì chú heo của thủ trưởng cũng bị bỏng rộp, da cháy loang lổ. Thủ trưởng nhìn thấy chú heo như vậy liền ra sức cứu chữa bằng cách lấy mật ong bôi lên các vết bỏng. Báo hại cho chú heo, thấy mật ngọt, lũ kiến rừng bâu vào đốt cho kêu eng éc suốt đêm. Sang ngày thứ ba, cảm thấy không thể kéo dài được, thủ trưởng nhờ đến bọn tôi cứu chữa chú heo tội nghiệp kia bằng ... dao, bằng thớt. Lâu lắm, chúng tôi mới được bữa thịt lợn tươi ngon đến vậy.
Tháng 6/1980, sư đoàn tổ chức phát thẻ Đảng viên đợt đầu tiên. Trong số được phát thẻ đợt này có chuẩn úy Lập - chúng tôi thường gọi là anh Năm Lập - người Thái Bình - đi lính từ năm 1966/67 nhưng chẳng hiểu sao đến lúc này vẫn mang quân hàm chuẩn úy. Anh Năm Lập ở cùng với hạ sỹ Vi Văn Tởm người dân tộc Thổ - Thanh Hóa. Cả hai người phụ trách trông coi kho lúa chiến lợi phẩm do sư đoàn thu được của địch hồi đánh vào Âm leng. Kho lúa nằm ngay chân núi cạnh phòng Tham mưu sư đoàn.
Ngày 09/06/1980 anh nhận được quyết định phục viên về quê với vợ con. Thôi mừng ơi là mừng. Vốn là một tay thiện xạ nổi tiếng trong khối các cơ quan trong BTL sư đoàn, anh Năm Lập thường hay đi săn đêm. Chúng tôi ở nhà, cứ nghe tiếng súng nổ là chuẩn bị sẵn đòn khênh, dây thừng để đi khiêng thú về. Hầu như ít khi anh phải về tay không. Nhưng anh chưa về với chị được ngay vì phải đến ngày 15/06 thì đảng ủy sư đoàn mới phát thẻ đảng viên. Anh quyết định ở lại chờ nhận thẻ Đảng. Mấy chục năm còn ở đuợc nữa là chỉ còn có vài ngày !!! Vả lại không nhận thẻ Đảng bây giờ, khi trở về địa phương lại lằng nhà lằng nhằng chẳng biết đến bao giờ mới nhận được thẻ Đảng.
Ngày 15/06, sau khi dự lễ nhận thẻ Đảng đợt đầu tiên. Anh mừng vui và tuyên bố sẽ vào rừng kiếm con gì về nhậu một bữa để chia tay với anh em chúng tôi. Tối hôm đó vừa đi một lúc, chúng tôi đã nghe thấy tiếng súng bắn báo hiệu của anh. Chúng tôi đi và khiêng về một con Mễn. Vậy là nhậu tơi bời. Thịt Mễn mềm, ngọt ngon không thể nào tả đuợc. Con Mễn này đang có thai. Anh Năm Lập bèn lấy ngay cả bọc bào thai của nó cho vào nồi cháo đang sôi sùng sục. Nồi cháo hầm xương Mễn nay lại thêm bọc bào thai nên thơm ngon và sánh vô cùng. Ngọt, ngon và bổ hết sảy.
Sau khi nhận thẻ Đảng xong, anh Năm Lập cũng chưa thể về Việt nam ngay được vì chưa có xe về nước. Thời gian này, tình hình xăng dầu gặp nhiều khó khăn. Phòng Hậu cần chúng tôi được lệnh hạn chế cấp lệnh cho các chuyến xe về nước. Ngày trước, khi xăng dầu còn xông xênh chỉ cần sư đoàn có một thi hài liệt sỹ là chúng tôi cũng cấp lệnh một chuyến xe chở liệt sỹ về Việt nam. Nay tình hình có khó khăn, sư đoàn lệnh phải chờ mỗi xe chở đủ 4 liệt sỹ mới được cấp lệnh điều động xe. Mà những ngày này, liệt sỹ chưa... chết đủ nên chưa có xe về nước. ( Xin lỗi, tôi không biết dùng từ gì chính xác hơn từ chờ...chết cho đủ ) .
Ngày 16/06 anh Năm Lập lại đi săn. Lần này anh cũng nhanh chóng hạ được một con heo rừng. Chúng tôi lại nhậu và lần này con heo lại có...bầu. Trong dạ con của con heo là một bọc 5 chiếc bào thai heo bé tí xíu. Bạn đã ăn bào thai heo rán bao giờ chưa? Ngon tuyệt vời, nhất là đối với những con... sâu rượu.
Đến ngày 18/06, chúng tôi được nhận nhu yếu phẩm hàng tháng. Xà bông, đường, thuốc lá, bánh kẹo... Nhân dịp nhận nhu yếu phẩm, anh Năm lại bảo đi kiếm cái gì về nhậu chơi. Nếu săn được sẽ bảo thằng Tởm xuống gọi chúng tôi lên để nhậu. Nhưng hôm đó chúng tôi chẳng thấy ai gọi lên kho lúa để nhậu cả. Chắc hôm nay anh Năm về không rồi.
Chiều hôm sau, 19/06 thằng Tởm hớt hải chạy xuống báo cho chúng tôi biết : Cả đêm qua, anh Năm đi săn không thấy về. Hóa ra đêm qua khi thấy anh Năm không về, thằng Tởm một mình một súng đã vào rừng đi tìm anh Năm. Thỉnh thoảng nó lại bắn mấy viên đạn lửa vạch đường để báo cho anh Năm nhưng chẳng thấy gì. Sáng nay, nó lại một mình vào rừng tìm tiếp cũng chẳng thấy nên bây giờ mới xuống báo cho chúng tôi. Phòng tham Mưu liền điều vệ binh sư đoàn, D27 trinh sát kết hợp cúng chúng tôi vào rừng tìm anh Năm. Đến tận chiều ngày hôm sau 20/06, chúng tôi mới tìm thấy anh Năm Lập nằm vắt người trên con đường mòn dành cho xe bò đi trong rừng cách sư đoàn bộ chừng hơn ba cây số.
Anh Năm đã dính phải lựu đạn gài, người nằm úp sấp. Súng và tư trang cá nhân không còn gì. Mới có hai ngày mà người anh Năm đã trương lên bốc mùi nồng nặc. Anh lại bị Kỳ đà nó gặm nham nhở cả mặt mũi, chân tay trông rất sợ. Tôi, Tởm và Chung " Mập " khiêng anh Năm về mà lòng đau đớn vô cùng. Thật thương cho anh, anh ra đi mà không được hưởng quyền lợi gì cả. Anh đã bị cắt quân số từ ngày mùng 9/06 lại chết trong hoàn cảnh như vậy nên vợ con chẳng được hưởng tiêu chuẩn Liệt sỹ. Tôi là người được cử ra để cùng với tổ khám nghiệm tử thi lập biên bản. Thật kỳ lạ, trong hòm đạn B40 đựng tư trang cá nhân. Chúng tôi thấy anh đang viết dở dang khoảng 10 lá thư. Thư cho vợ, thư cho con gái, con trai, thư cho bố mẹ nuôi, thư cho ban bè.... nhưng tất cả đều viết dở, không có lá nào viết trọn vẹn. Tất cả đều đề ngày 18/06/1980. Anh Năm Lập về nước ngay ngày hôm sau, trên xe đã có đủ 4 thi hài liệt sỹ.
Giữa năm 1980, anh Bảy Việt - chủ nhiệm hậu cần E2 về phụ trách đơn vị tôi. Đại uý Phạm quốc Việt là một chỉ huy thông cảm và hiểu lính vô cùng. Anh có dáng người thấp, hơi đậm, đầu hói lơ thơ vài sợi tóc ( bọn tôi toàn gọi trộm là Việt " hói " ). Nghe anh em đồn rằng : mỗi sợi tóc trên chiếc đầu hói của đại uý Bảy Việt rụng xuống đất là ở đó có một cây vàng ( 10 chỉ đó ) mọc lên. Việc kiện toàn lại đơn vị được thực hiện ngay sau khi anh Việt về nắm quyền chỉ huy. Tất cả các sỹ quan trợ lý đều được đưa ra các chốt để nằm cùng với anh em. Trước đây, các chốt đều do các hạ sỹ quan chỉ huy ( mà cao nhất là trung sỹ ), nay thì Thượng uý Hai Thí đi chốt Pô lây, trung uý Ba Vui chốt ở ngoài thị xã Congpongchnang. Các chốt ở Tà lia, Cô tráp, chùa Lông chó... đều được tăng cường thêm quân số và vũ khí trang bị. Các sỹ quan trợ lý nằm lì ở cứ Trảng lớn và Đồng dù đều được gọi lên tiền phương hết. Anh em lính tráng mừng ra mặt vì đời sống các chốt được quan tâm đúng mức. Súng đạn, phương tiện được tăng cường để đảm bảo tuần tra, đánh địch trên sông.
Để có thêm xuồng máy phục vụ công tác đánh địch trên sông, đơn vị tôi nhất trí cử Trung uý Ba Vui và tôi về Phnompenh liên hệ với Bộ Thuỷ sản Campuchia để xin thêm 02 chiếc máy Bobo. Hai anh em mang theo giấy giới thiệu của Phòng Hậu cần F9 đi làm việc.
Đến Phnompenh, hai anh em đến Bộ thuỷ sản CPC để xin máy. Ở đó, người ta giải thích rằng việc xin máy Bobo này bộ Thuỷ sản không có quyền cấp mà việc duyệt cấp máy thuỷ cho bộ đội phải do Bộ quốc phòng CPC phụ trách. Người ta hướng dẫn chúng tôi sang chỗ ông Pensovan để làm việc. Thời điểm đó, Pensovan đang chức vụ cao ngút trời. Tổng bí thư Đảng NDCM Campuchia, chủ tịch Hội đồng bộ trưởng kiêm bộ trưởng bộ quốc phòng. Ôi dào, sang thì sang sợ chó gì !!! Hai anh em đi bộ sang Bộ quốc phòng CPC lúc đó đóng ở cạnh sở chỉ huy tiền phương QĐ4. Vòng trạm gác, người ta yêu cầu xuất trình giấy tờ. Hai anh em, ngoài tờ giấy giới thiệu của phòng Hậu cần F9 gửi bộ Thủy sản thì chẳng có thứ giấy tờ gì nữa. Họ yêu cầu để súng đạn ngoài trạm gác cổng và cho vào phòng khách ngồi chờ. Một cô gái Khme xinh như mộng, mặc quân phục ra pha trà mời chúng tôi uống và nói chúng tôi đợi một chút rồi bộ trưởng sẽ ra tiếp. Một lát sau, ông Pensovan ra tiếp chúng tôi. Sau khi nghe chúng tôi trình bày về việc đi xin máy về phục vụ chiến đấu, Ông ôn tồn bảo ( tất nhiên là cuộc nói chuyện toàn bằng tiếng.... Việt ):
- Về việc này, chúng tôi sẵn sàng cấp cho các đồng chí ngay để phục vụ công tác. Nhưng để cho tiện việc theo dõi về sau, các đồng chí nên sang gặp đồng chí Sáu Nam nhờ đồng chí ấy cho mấy chữ sang đây, tôi sẽ cấp ngay.
He ... he... he thế là thành công rồi, hai anh em tí tớn khoát súng sang tiền phương Bộ Quốc phòng của ta. Đang trình bày với anh lính cảnh vệ ngoài vọng gác, bỗng thấy một ông đeo quân hàm thượng tá đầu hói hất hàm hỏi :
- Hai đồng chí đi đâu thế này ?
Lại mất công trình bày từ đầu cho ông thượng tá phe ta nghe rõ ngọn ngành câu chuyện đi xin máy của hai anh em. Nghe xong, ông thượng tá trợn mắt :
- Hai đồng chí liều thật, chẳng biết phép tắc, nghi lễ ra sao? Hai ông lính quèn mà dám lên tận Bộ Quốc phòng người ta để gặp Bộ trưởng !!! May mà hai đồng chí gặp tôi ở đây chứ lại vào gặp đồng chí Sáu Nam thì tôi nghĩ thủ trưởng đồng chí, người ký giấy giới thiệu chắc chắn sẽ ... rớt sao và bị kỷ luật.
Ôi trời, nghe ông thượng tá nói mà hai anh em sợ run như dẽ. Anh em rón rén xin phép ông thượng tá rồi... chuồn thẳng. Hoá ra Pensovan đã có ý định nhờ tay Ông Sáu Nam trị chúng tôi về tội lếu láo mà chúng tôi ngu ngơ không hề nghĩ tới. Hú vía......
Mùa khô 1980, nước non trở nên thiếu trầm trọng. Mỗi lần tắm giặt mấy thằng lại xin thiếu tá Ba Hoành - Trưởng ban kỹ thuật công trình một chiếc xe giải phóng hoặc " vọt tiến " chở anh em lên chiếc hồ phía đầu sân bay để tắm giặt, nước hồ thì đục ngầu, bẩn dễ sợ. Nước ở mấy cái giếng chỉ đủ để phục vụ nhu cầu ăn uống... khổ quá trời.
Ông Mười Do - Trung tá trưởng phòng ra lệnh cho mấy anh em chúng tôi phải xây một chiếc bể nước thật to để đựng nước mưa. Gạch thì có sẵn ở ngay sân bay, toàn một loại gạch đúc bằng xi măng vuông thành sắc cạnh. Chỉ thiếu mỗi xi măng. Nghe nói dưới ga Romea - nơi Trung đoàn 1 đứng chân có rất nhiều kho xi măng. Lập tức một xe Hồng hà chở lính tráng với đầy đủ súng đạn lên đường. Chúng tôi bốc lên đầy một xe xi măng đủ để xây bể nước cho cả các phòng ban trên sư.
Có gạch, có xi măng chúng tôi bắt tay vào xây bể dưới sự chỉ đạo kỹ thuật của anh Nguyễn hữu Tình - Hạ sỹ già nhất đơn vị. Lính 78 đi bộ đội khi đã 30 tuổi.
Tôi không biết xây nhưng cũng bị " động viên " vào đội xây bể. Chiếc bể được xây rất to, đựng được khoảng 20 m3 nước nằm ngay đâu hồi của dãy nhà tôi ở. Anh em vừa làm, vừa tán chuyện lếu láo, vui vẻ. Tính tôi hay tếu táo, trêu trọc mọi người. Tôi vừa xây, vừa " mắng " thằng Ninh " mường " ( Nó là dân Hà tây nên anh em chúng tôi gọi nó như vậy ) :
- Đù má, mày xây kiểu gì mà cái thành bể trông cứ như " eo " ông Mười Do thế này.
Chẳng là thủ trưởng Mười Do có cái bụng rất " vĩ đại " như chị em có bầu được 7,8 tháng mà cái thành bể chỗ thằng Ninh " mường " xây cũng cong cong như vậy. Tôi đâu có ngờ rằng thằng công vụ của ông Mười Do đang ngôi trên bậu của sổ nghe thấy tôi nói vậy, nó liền " bẩm báo " cho xếp của nó biết. Thôi rồi lượm ơi !!! Đời tôi thế là ra cái .. tóp. Ông này trước lính Miền nam tập kết, học ở trường Lục quân Sơn tây. Chắc nhiều lần chốn trường về Hà nội bát phố bị đám thanh niên Hà thành cho ăn đòn vì tội nghênh ngang, đi chợ Đồng xuân thì bị móc ví nên căm lính Hà nội lắm. Nay lại nghe thằng công vụ nói vậy nên càng muốn " ăn tươi nuốt sống " tôi. Khổ cái thân tôi, nào có phải tôi có ác ý gì đâu. Chỉ tại cái mồm tôi hay tếu táo, đùa cợt mà mang vạ. Sau tôi nghe anh Mười Nhạc nói với tôi :
- Mày nói chi mà ổng " hận " mày lắm đó. Ổng nói là còn Mười Do thì thằng Thọ đừng bao giờ mong lên cấp, lên chức. Đừng bao giờ nghĩ chuyện ra quân hay đi phép.
Chao ôi là ngao ngán. Mà ổng làm thế thật. Tròn ba tuổi quân, đánh nhau cũng chai cả tay nhưng tôi vẫn mang quân hàm binh nhất - phụ cấp cả thâm niên 17 riên không hơn không kém. Anh em lục tục được đi phép về thăm gia đình, nhiều thằng vào sau tôi nhiều cũng vẫn được đi nhưng cứ nhìn thấy tên tôi trong danh sách đề nghị là ổng gạt. Mẹ kiếp ! đời chó má thật. Trong khi Mẹ tôi đang ốm rất nặng, không biết sống chết lúc nào, muốn được về nhìn mặt Mẹ lần cuối cũng không xong.
Trong khi mấy ông sỹ quan có gia đình ở T.P Hồ chí Minh thì cứ vù một cái lại tót về, xe đơn vị đưa đón tận nơi. Hỏi không hận sao đượcCó chuyện trung uý bác sỹ của D33 ( bệnh xá sư đoàn ) quê Hải hưng tôi quên mất tên rồi. Anh có điện báo của gia đình gửi vào :
- Bố chết, về ngay. Cầm bức điện, anh cầm lên thủ trưởng xin đi phép. Thủ trưởng động viên anh nên vượt qua đau thương, đằng nào thì bố... cũng chết rồi ráng ở lại phục vụ công tác. Đơn vị đang bước vào chiến dịch nên thương binh về nhiều.. vv... và ...vv. Anh sang bên ban tôi ngồi uống trà và ..chửi đổng :
- Mẹ chúng nó chứ, chúng nó vợ ỉa không ra cũng về, mà mình thì bố chết chúng nó cũng không giải quyết. Ngày mai tao nhờ chính chúng nó về Việt nam điện hộ tao trả lời gia đình tao mấy chữ.
- Thế anh điện nội dung như thế nào? chúng tôi nhao nhao hỏi.
- Chôn ngay kẻo thối. Anh trả lời tưng tửng.
Đầu năm 1981 sau tết Âm lịch Tân Dậu, trong lúc thủ trưởng Mười Do lên đường đi học Học viện Hậu cần ngoài bắc mấy tháng. Thiếu tá Tư Thu ( Dân Hàn Thuyên - Hà nội ) lên giữ chức quyền trưởng phòng HC cho gọi tôi lên và nói :
- Chú em có muốn đi phép mấy tháng không? Tôi muốn nhảy lên vì sung sướng lắp bắp :
- Có chứ, có chứ. Thế anh cho em đi mấy tháng? Đối với anh Tư, bọn chúng tôi có thể vui vẻ thân mật nói năng bỗ bã được. Anh Tư cười và bảo tôi :
- Theo quy định, chú mày chỉ được nghỉ phép một tháng nhưng tao cho mày ở nhà 3, 4 tháng tuỳ ở mày. Cho mày và thằng Thanh ( dân Thanh Trì - lính 78 ) đi luôn đợt này cho có bạn có bè.
Vậy là tôi " mồm huýt sáo vang " về thông báo cho thằng Thanh biết và chuẩn bị lên đường. Tôi ra ngoài thị xã Congpongchnang nhờ mấy thằng ngoài chốt mua được một thùng đại liên mật ong rừng về làm quà cho Mẹ, mua mấy mảnh vải Tê tơ rông, vài tút Samit về cho Bố và mấy đưa em. Bạn bè đồng đội trong đơn vị đứa ở Vĩnh phú, đứa Hà tây, đứa Hải phòng đều viết thư và gửi quà về gia đình và nhắn nhủ " nhớ phải đến thăm nhà tao đấy ". Ok, tôi ừ hết. Tôi và Thanh lên đường về cố hương với ba lô con cóc lặc lè trên vai mà chẳng thấy chút nặng nhọc nào, lòng vui phơi phới.
Xe đơn vị đưa chúng tôi về căn cứ Trảng lớn - Tây ninh. Ở đấy, nghỉ một hai hôm, hai chúng tôi đưa về trạm giao liên Long bình để nhập vào đoàn cán bộ, chiến sỹ đi ra bắc.
Trạm Long bình đây. Cảnh vật vẫn như xưa, vẫn chiếc giếng nước khổng lồ và những dãy nhà gió thổi ù ù suốt ngày đêm. Chính cái nơi này mấy năm trước tôi, Minh và Long còn ao ước đến ngày nào được nhập trạm trở về quê Bắc. Nay tổ Tam Tam chỉ còn mình tôi trên cõi đời này được trở về sứ Bắc. Hai người bạn, người đồng chí đồng đội thân thương đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường ác liệt. Và còn biết bao nhiêu người lính trẻ trong cái đoàn quân hơn 900 người năm ấy không có được cái may mắn như tôi hôm nay. Ôi, chiến tranh ! Mi đã nuốt biết bao nhiêu mạng người vào cái dạ dày khổng lồ của mi rồi hả???
Chúng tôi nhanh chóng được cấp vé tàu và hướng dẫn nhập trạm 99 ( quân khu Thủ đô ) khi trả phép.
Con tàu đưa chúng tôi về quê hương. Trên tàu, rất ít bộ đội chẳng giống như chuyến tàu quân sự đưa chúng tôi ra đi năm nào. Những người dân trên tàu tranh thủ buôn bán ngay trên tàu. Qua ga nào bán gạo rẻ họ mua gạo, ga bán miến rẻ họ mua miến. Hàng hoá chất đầy trong toa cứ ngồn ngộn. Qua ga Mương mán thấy dân họ mua nhiều Miến dong, Tôi và Thanh cũng làm mua vài " vác " Miến để buôn lấy tí tiền tiêu vặt.
Con tàu từ từ trườn qua đèo Hải vân. Cái không khí lạnh miền bắc quen thuộc bắt đầu tràn vào khoang tàu. Bao nhiêu năm, bây giờ tôi mới được hưởng lại cái cảm giác lành lạnh, gai gai người thân thuộc mà cứ ngỡ rằng mình sẽ không bao giờ gặp lại. Càng ra phía Bắc, cái lạnh càng dữ dội. Hai chúng tôi vẫn cứ phong phanh bộ quân phục hè, mặt mũi hai thằng cứ tái dần như miếng thịt trâu chết. Vinh, Thanh hoá, Nam định... và kia rồi Hà nội. Hà nội đây rồi ! Hai chúng tôi ngó qua cửa sổ ngắm nhìn công viên Thống nhất khi tàu chạy ngang qua. Cảm giác bồi hồi thật khó tả, ruột gan cứ nhộn nhạo. Tàu dừng bánh tại ga Hàng cỏ, hai thằng nhìn đống miến dong mà phì cười ngao ngán. Lẽ ra khi đến Thanh hoá, Nam định lúc con buôn tràn lên tàu gạ bán thì phải bán quách nó đi có phải bây giờ nhẹ tênh không nhưng thằng Thanh lại muốn về Hà nội bán chắc có lãi hơn.
" Mua tận gốc, bán tận ngọn " thằng Thanh nói giọng rất có nghề. Tại ga Hà nội, bọn con buôn cũng tràn lên đòi mua nhưng chúng nó chỉ trả giá bằng đúng giá bọn tôi mua tại trong kia, thế mới tức. Cuối cùng, để cho nhẹ gánh Tôi bảo Thanh bán mẹ nó đi cho rồi. Thế là công cốc chẳng lãi được xu nào mà mệt cả người vì khuân với vác.
Hai thằng lững thững ra khởi ga. Xích lô nhao đến. Tôi bảo Thanh :
- Thôi, bọn mình đi bộ cho khoẻ. Bộ đội mà ngồi xích lô kiểm soát QS nó túm được rách việc lắm. Mày về nhà tao nghỉ ngơi rồi tao sẽ lấy xe đạp đèo mày về nhà.
Hai thằng cuốc một mạch về đến bờ hồ. Nhà tôi đây rồi nhưng cái cổng lớn ngày tôi đi vẫn còn, nay Intimex nó đã chiếm dụng và xây bịt vào mất. Nhà tôi đi đường nào nhỉ? Hai thằng đặt ba lô xuống chiếc ghế đá trước cửa ngồi nghỉ chân. Hồ Hoàn kiếm vẫn như xưa, chỉ khác nỗi cảnh đó đây mọc lên mấy chiếc hầm trú ẩn, lô cốt ở góc hồ. Dấu tích của cuộc chiến tranh biên giới phía bắc năm trước còn sót lại.
Chân tay đã đỡ mỏi, đầu óc đã đã hồi hộp. Tôi và Thanh khoác ba lô lên vai bước qua đường xanh rì bóng Sấu để về nhà. Vừa mới bước đến vì hè bên này, chú Tỵ người hàng xóm nhận ngay ra tôi, chú quăng chiếc xe đạp và chạy vào chiếc ngõ nhỏ hét ầm lên : Ông bà Hào ơi, thằng Thọ nó về đây này ! Thằng Thọ nó về này !
Cả cái ngõ nhỏ xôn xao, phút chốc đã đông đặc người dân trong " xóm ". Một lũ trẻ lộc ngộc cứ cuống quýt ôm lấy tôi. Trong đám trẻ này đứa nào là thằng Dũng, thằng Giang em tôi? Đứa nào cũng luôn miệng em đây, em đây. Tôi không thể nhận ra đứa nào hết, mới có mấy năm mà đứa nào cũng cao lớn lộc ngộc, đầu tóc bù xù dài lết bết ( hồi ấy thanh niên vẫn còn mốt để tóc dài ). Bố mẹ tôi đây rồi ! Cả hai cụ đều gầy vêu vao nhất là Mẹ tôi. Mẹ mừng rỡ ôm lấy tôi, bàn tay cứ vuốt ve khuôm mặt tôi, Mẹ thì thầm :
- Mẹ tưởng không bao giờ còn được gặp con nữa.
Nước mắt mẹ chảy dài trên khuôn mặt gày yếu, xanh mướt.Tôi giới thiệu Thanh với cả nhà. Thằng Giang bây giờ đã cao trông ra dáng thanh niên lắm rồi, mái tóc để dài xoăn tít ôm lấy khuôn mặt gầy nhẳng trông lại càng gầy hơn. Tôi nhìn quanh nhà, ngôi nhà vẫn không có gì thay đổi. Vẫn mái nhà bán mái lụp xụp khi xưa. Một mâm cơm thịnh soạn đã dọn sẵn từ bao giờ. Hóa ra hôm nay nhà tôi có khách. Ông anh con bác ruột tôi từ Đà nẵng ra chơi. Ngồi hàn huyên một lúc thì thằng Dũng em tôi đi đón ông chú ruột tôi cũng về đến nhà. Chú tôi và em Dũng ôm lấy tôi mừng rỡ, chú cứ nhắc đi nhắc lại : Niềm vui hôm nay thật bất ngờ, rất bất ngờ. Ôi sau bao năm gặp lại mà tôi thấy ai cũng gày gò, mặt mũi xanh sám đi. Chắc mấy năm nay, cuộc sống ngoài này vô cùng thiếu thốn, cực khổ.
Cơm nước xong xuôi, em Dũng xung phong đèo xe đạp đưa Thanh về nhà dưới Thanh trì. Tôi hẹn Thanh sẽ xuống nhà chơi sau vài hôm nữa.
Trong thời gian nghỉ phép tôi tranh thủ đi khắp nơi để đến thăm và đưa quà cho các gia đình bè bạn, đồng đội cùng đơn vị. Đến đâu tôi cũng được tiếp đón thân tình, họ coi tôi như con em của họ nay đã trở về vậy. Miền bắc những tháng năm này đang oằn mình chịu đựng sự thiếu thốn. Thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu hàng hóa tiêu dùng. Đi đến đâu tôi cũng chỉ thấy những khuôn mặt gầy gò, xanh xám ốm yếu. Quần áo ít khi nhìn thấy lành lặn.
Thấm thoắt hai tháng đã trôi qua, tôi bắt đầu cảm thấy ... chán ở nhà. Tôi nhớ đơn vị, nhớ đồng đội. Cái cảnh ở nhà cứ hết ra lại vào không có việc gì làm, ăn không ngồi rồi thật vô vị. Tôi bàn với Thanh đi trả phép sớm. Trong tâm trạng cũng như tôi, Thanh nhanh chóng đồng ý. Chúng tôi ra trạm 99 ( đối diện ga Hàng cỏ ) trình giấy và xin nhập trạm. Hai hôm sau chúng tôi lên đường trở lại đơn vị.
Vào đến đơn vị, người chúng tôi chạm mặt đầu tiên là.... thủ trưởng Mười Do. Ông đang chăm chút cho mấy cây Đậu bắp đang xanh um trổ hoa kết trái. Nhìn thấy chúng tôi khoác ba lô vào cổng, ông cười nửa miệng, khuôn mặt to béo đầy rỗ hoa gần như ...méo lại :
- Ừ..hừ.... Mầy mà cũng đi phép hả Thọ? Tôi cười ..cũng như mếu :
- Vâng ! Mời thủ trưởng tối sang ban em uống chút trà bắc quê hương.
Tôi lẩm bẩm sao mình xui thế, vừa vào đã chạm mặt lão già này rồi. Anh em trong đơn vị thấy chúng tôi vào ùa đến hỏi han, chuyện trò vui vẻ. Thuốc sợi Lạng sơn vàng ươm thơm ngào ngạt, trà Thái nguyên được mở ra. Anh em từ quan đến lính quây quần bên ấm trà chuyện nổ như ngô rang. Nào chuyện nhà chuyện cửa, chuyện phố phường, chuyện quê hương. Trong thời gian hai tháng tôi cũng đã cố đi đến nhiều nhà bạn bè trong đơn vị nên cũng có nhiều chuyện để kể, mang quà của gia đình cho chúng nó... các câu chuyện cứ kéo dài mãi đến nửa đêm.
Sáng hôm sau, anh Bảy Việt bảo tôi và Thanh :
- Tao thấy chúng mày gầy đi nhiều đấy, chắc Miền bắc đói ăn nên chúng mày vào sớm chứ gì? Nghỉ thêm một hai hôm nữa, hai đứa chúng mày áp tải mấy bè cá đi Phnompenh bán nhé.
Mấy hôm sau, chúng tôi ra thị xã xuống bè đi Phnompenh.
Ở đơn vị, thằng nào được đi Phnompenh áp tải cá thì sướng như vua con. Sáng dậy có trà, cà phê ( loại cafe tan của Mỹ ) uống, ăn sáng thì bánh bao, xôi dừa. Trưa, tối đến thì có cá đầy bè muốn ăn con nào thì ăn, chán cá thì có thịt heo, thịt vịt, rau xanh ê hề... Tối thay nhau đi bát phố vì tiền tiêu cũng rủng rỉnh. Cơm nước có người nấu phục vụ. Công việc là ghi chép xem hàng ngày bán được bao nhiêu tấn cá, bảo vệ không cho dân bán cá trộm qua mặt mình. Công việc chỉ có vậy. Thời gian kéo dài chừng một tháng đến một tháng rưỡi. Hết cá, chúng tôi lại quay trở về căn cứ sư đoàn ở sân bay.
Cuối năm 1981. sư đoàn 9 nhận lệnh lật cánh sang lộ 6 - Stung, Siêm riệp. Tất cả các phòng ban của cơ quan sư đoàn bộ đều lục tục xuống tàu tại cảng CPChnang. Mỗi đơn vị để lại một ít lính tráng để trông coi cứ đợi bàn giao cho đơn vị bạn. Riêng các chốt của phòng hậu cần vẫn ở lại bảo vệ dân đánh cá để có cái mà cải thiện cho sư đoàn. Thằng Thanh trố ở lại tại sân bay trông " cứ " để đợi bàn giao. Ban ngày nằm nghêu ngao vớ vẩn cùng một thằng nữa tôi quên mất tên. Ban đêm, hai cu cậu ra dân mượn xe bò đánh vào doanh trại gỡ ngói ( ngói lợp vẫn còn mới lắm ), gỡ vì kèo, xà gồ... mang ra bán cho dân K lấy tiền. Gì chứ những mánh kiếm tiền thì Thanh trố thuộc loại cáo già. Sau này hắn kể với tôi là hắn gỡ hết bốn dãy nhà của phòng 3, rồi ăn sang cả khu phòng 2 thì bọn lính đơn vị khác mới đến nhận địa bàn.
Tôi và một anh em khác như Tàm, Hiển cào cào, Thượng uý Hai Thí... nằm trong danh sách đi Stung. Con tàu đưa chúng tôi sang CP Thơm xuất phát từ sáng ở CPChnang đi dọc theo dòng sông Sen, đến quá chiều thì tới CP Thơm. Mấy thằng chúng tôi đổ bộ vào ngôi chùa lớn ngay sát bờ sông. Nơi ăn chốn nghỉ là hành lang rộng mênh mông, sạch sẽ của ngôi chùa. Sắp xếp xong xuôi, chúng tôi cùng nhau đi ra sông tắm, tiện thể mua ít thức ăn chuẩn bị bữa cơm chiều. Dòng sông không rộng lắm lại nông, chúng tôi bơi qua bên kia sông chơi và để mua thực phẩm. Giá cả đắt hơn ở CPChnang. 8 Riel một kg rau cải, 3.5 - 4.0 Riel một kg cá trắng. Thôi đành ăn cá vậy, chúng tôi chẳng có nhiều tiền để ăn rau. Chúng tôi lang thang đi xem phố xá. Cạnh bờ sông, một chuồng nuôi cá sấu được rào chắc chắn bằng hàng rào sắt xung quanh. Nghe những người dân bảo rằng ngày xưa, dưới thời Pôn pốt lũ cá sấu này toàn được nuôi bằng thịt trẻ em. Thỉnh thoảng, chúng cứ quoăng vào chuồng sấu vài đứa trẻ. Thế là xong một bữa.
Chúng tôi trở về " doanh trại " chùa. Mượn nồi niêu của dân, của các vị sư sãi để nấu ăn với lời căn dặn là nấu xong phải rửa thật sạch sẽ, đừng để những mùi " trần tục " bám vào. Các vị sư sãi trong chùa chỉ ăn một bữa vào lúc chính ngọ do đi khất thực mà có. Khi họ ăn xong, nhân dân hay bộ đội nếu đói có thể vào lấy đồ thừa của họ mà dùng ( Tất nhiên là vẫn ngon lành, sạch sẽ ). Buổi tối tiếng ê a...AK...DK...M79...12 ly 8... của kinh kệ của sư sãi vang lên trong khung cảnh tĩnh mịch, buồn buồn của không gian chùa rộng lớn. Chúng tôi vào chùa xem họ cầu khấn rất thoải mái... Ngày hôm sau, hàng loạt lều bạt dã chiến được dựng lên bên bờ sông Sen ngay cạnh chiếc chuồng nuôi cá sấu. Chúng tôi trở về trú trong những cái lều bạt để đợi ô tô sư đoàn đến đón đưa lên Stung.
Stung, một thị trấn ven lộ 6 rợp bóng xoài. Các phòng ban sư đoàn đều trú tạm trong nhà dân. Mấy thằng chúng tôi được phân về ở trong nhà của đôi vợ chồng dân K tuổi đã tam tứ tuần. Ông chồng suốt ngày đi vắng còn bà vợ ở nhà thỉnh thoảnh lại giã một nồi " cốm " mang tiếp tế cho thằng con chắc là lính Pốt vẫn ở trong rừng. Bà vợ thấy tôi suốt ngày nằm nhà, chẳng hay đi chơi bèn lân la trò chuyện. Có lần bà ta hỏi giọng tỉnh bơ : Bòng Thọ, Chuây Camphuchia Vietnam hao ây? Tôi nhe răng ra cười trừ.... mặt đỏ gay mà không biết trả lời ra sao. Tết năm ấy, chúng tôi đón tết Nhâm tuất tại thị trấn Stung trong cái lạnh ghê người. Năm ấy sao lại lạnh dữ thế. Mỗi đứa chúng tôi chỉ có mong manh một mảnh khăn dù làm chăn, lại phải ngủ ngoài hiên nhà. Gió thổi ù ù, mấy thằng nằm ôm nhau theo kiểu úp thìa mà vẫn không bớt lạnh. Trong nhà, vợ chồng thằng cha chủ nhà dưới chiếu, trên chăn ấm áp nên đâm rửng mỡ. Rúc rích mèo chuột rung cả ngôi nhà sàn ọp ẹp làm chúng tôi càng thêm khó ngủ.
Tết nhất đã qua, phòng hậu cần giao cho bọn tôi đi xây dựng căn cứ mới cách Stung khoảng 10 km về phía CP Thơm. Đây là một khu rừng Khộp ngay sát đường lộ 6. Bọn tôi đóng quân tạm trong vườn xoài của dân. Những ngày đầu, chúng tôi dựng lều bạt dã chiến để ở, đào hầm hào để sẵn sàng chiến đấu. Ông Hai Thí mặc dù đã 47 - 48 tuổi nhưng vẫn đào đất rất hăng. Những bắt thịt ở tay chân ông cuồn cuộn, gân guốc. Bụng, ngực ông đầy những đám lông soăn tít. Chúng tôi vẫn nói đùa gọi ông là người tiền sử, có " lông từ cần cổ xuống tận cuống đít ". Ông dùng xẻng phá một góc bụi tre gai để làm hầm chiến đấu, nhìn cái hầm đâm đầu vào bụi tre, tôi thầm cười không hiểu hướng xạ kích mà ông định làm sẽ nhằm vào đâu đây mà không dám nói. Thôi kệ ông ấy, việc mình là ông đào đất thì mình xúc đất đổ ra ngoài. Chỉ có xúc đất đổ ra ngoài mà ba thằng chúng tôi đã mệt nhoài, chẳng theo kịp nổi ông. Tôi và Tàm bỏ đi làm một chiếc bếp dã chiến. Cơm ăn chẳng có gì ngoài cá khô và bát canh rau cải thiện. Xong xuôi nơi ăn chốn ở, tôi và ông Hai Thí thường vác súng đi săn bắn, đánh cá để cải thiện. Mất mấy quả M26 mà chẳng được con cá nào. Chiếc hồ sen rất lớn ngay gần nơi đóng quân vậy mà chẳng có chút cá nào. Ông Hai Thí còn có biệt tài bẫy gà rừng, chỉ với một ít sợi dây dù, vài cành tre nhỏ là thỉnh thoảng chúng tôi lại được cải thiện bằng mấy chú gà rừng ông bẫy được. Thơm ngon vô cùng. ( Đoạn tiếp theo tôi đã kể với các bạn về việc thằng Hiển làm cháy lều bạt, còn tôi bắn chó của dân rồi - ở đây tôi không nhắc lại nữa )
Sau khi nhận án kỷ luật " nâng lên hạ xuống " chỉ trong 5 phút. Tôi, Tàm và Hiển cào cào lĩnh án ...đi chốt tại khúc sông phía trong chốt Cô Cháp.
Chiếc xuồng lớn chở Tôi, Tàm, Hiển cùng một khẩu 12 ly 8, một B40, một RPD và 2 khẩu AK cúng đạn gạo, mắm muối ( không có thực phẩm ), xoong nồi... hướng về phía Biển Hồ. Khúc sông Tonlesap đoạn đổ ra Biển hồ chia thành hàng trăm nhánh lớn nhỏ như một mê hồn trận không biết đâu mà lần. Ngay sát bờ sông là những cánh rừng Tràm xanh rì mọc um tùm, dây leo chằng chịt. Thỉnh thoảng chúng tôi gặp đôi ba chiếc xuồng của dân đánh cá qua lại. Chúng tôi đi qua chốt Tà lia. Ở đấy có Thanh, Quân, Đào lé chốt ngay dòng sông lớn. Thấy xuồng chúng tôi chạy qua, chúng nó đưa tay vẫy vẫy. Chúng tôi ghé vào và được chúng nó cho một chiếc xuồng ba lá nhỏ xinh với đầy đủ mái chèo. Sống ở vùng toàn sông nước này mà không có xuồng thì kể như bó chặt tay chân lại. Chúng nó ném cho chúng tôi vài ba con cá để ăn ngay trong buổi chiều, con nào con ấy vẫn còn giẫy đành đạch nặng chừng 2 kg.
Ngay đối diện chốt Tà lia, có một nhánh sông nhỏ dẫn vào sâu trong khu rừng rậm rạp. Chúng tôi men theo nhánh sông đến một ngã ba nối với một dòng sông lớn khác thì dừng lại. Được mấy người dân tốt bụng giúp sức, chẳng bao lâu một cái lán nhỏ được dựng lên làm nơi ở cho chúng tôi ngay trên bãi đất rìa ngã ba sông. Xung quanh là nước, đằng sau là rừng. Địa thế chốt thật nguy hiểm cho chúng tôi. Nếu chúng nó từ những cánh rừng sau lưng đánh hất ra thì không hiểu chúng tôi biết chạy đằng nào? Lán dựng xong, những người dân đưa chúng tôi lên đây chào tạm biệt ( hay vĩnh biệt nhỉ? ) để ra về.
Ba thằng hì hục lắp súng, lắp đạn sắp xếp nơi ăn ngủ và phân công nhau các hướng phụ trách khi lâm trận. Đánh nhau cũng đã được mấy năm, cũng ít nhiều trải qua các cảm giác khác nhau trong chiến đấu nhưng chưa bao giờ tôi có cái cảm giác " lạnh lưng " như ở chốt này. Một vùng sông nước, rừng rậm bao la trước mặt, sau lưng vậy mà chỉ có 3 thằng lính trơ trọi trên cái rìa sông mỏng dính như lưỡi mèo. Tôi bần thần đứng suy nghĩ và đưa ra các tình huống khi xảy ra chiến sự. Địch dùng xuồng có gắn máy đánh vỗ mặt vào chốt hay nó đánh tập hậu từ khu rừng sau lưng? hay cả hai? Nếu cả hai hướng thì.... Tôi chẳng thèm nghĩ tiếp nữa.
- Đi vơ củi nấu cơm tụi mày. Tôi hô thằng Hiển và Tàm.
Mỗi thằng một tay, chẳng mấy chốc cơm nước đã xong xuôi. Ở chốt này, thực phẩm, thức ăn không đáng ngại. Chỉ cần khẩu AK. Bòm ! thế là cá rán, cá nấu canh chua, cá kho đầy đủ. Chỉ ngại duy nhất là nước ăn. Sống giữa vùng sông nước mênh mông mà lại thiếu nước. Nước sông đục ngầu và tanh ngòm toàn mùi cá. Để tam thời có nước nấu nướng, chúng tôi đã phải dùng phèn chua ( chuẩn bị sẵn ở " nhà " ) để đánh. Tuy có hơi chát nhưng vẫn còn hơn là dùng ngay nước sông.
Chiếc lán chúng tôi ở có chiều ngang chừng 3 mét, chiều dài chừng 4 - 4.5 mét, trên lợp lá Thốt lốt, xung quanh trống hoếch trống hoác. Có một cái sàn cách mặt đất chừng 70 - 80 phân, sàn làm bằng cành cây có rải một lớp đăng ( dùng đánh bắt cá ) cho êm. Cơm nước xong, trời chưa tối mà muỗi đã nhiều như vãi trấu. Đánh hơi thấy mùi thịt người, chúng xông vào đốt như bầy thiêu thân. Chúng tôi vội vã lên sạp mắc mùng rồi chui vào nằm nói chuyện phiếm mặc dù ánh mặt trời vẫn chưa tắt hẳn. Trời tối dần, xung quanh bóng đêm bắt đầu dần buông. Khu rừng Tràm phía sau lán lào xào trong tiếng gió thổi ào ào. Mặt sông rộng nên gió thổi càng dữ. Trong tiếng gầm gào của thiên nhiên, chúng tôi chẳng nghe được những tiếng động xung quanh. Thế này thì địch vào đến tận nơi tôi nằm, tôi cũng chẳng thể phát hiện ra. Tôi bảo thằng Hiển nằm bên cạnh :
- Đêm phải tổ chức gác thôi mày ạ. Tao thấy ớn lắm.
- Đ.M, Bây giờ mà ra ngoài gác thì chết vì Miên đâu chẳng thấy mà chết ngay vì muỗi đốt đã.
Thằng Tàm thủng thẳng trả lời. Thằng Tàm nguyên là lính chiến, đã ít nhiều trải qua chiến đấu nên chuyện sống chết đối với nó dù sao đã từng chứng kiến. Còn thẳng Hiển cào cào nguyên là lính trồng sắn của sư đoàn tại nông trường Phú giáo ( Bình Dương ) đã đánh đấm trận nào đâu, kinh nghiệm chẳng có nên tôi cũng hơi ngài ngại. Mả cha nó, bọn ngoài chốt Tà lia đã được ở ngoài ngã ba sông lớn, hoả lực mạnh, quân số đông ( chúng nó có tận 4, 5 thằng lận ) mà lính thì toàn thương binh, đánh đấm có sỏi trong đầu. Còn chốt của mình đã ẻo về quân số lại yếu về kinh nghiệm cho nên cảm thấy lạnh sườn cũng phải. Nghe theo thằng Tàm tham mưu, cả ba đứa liều chết nằm lì trong mùng, ôm súng ngủ một mạch đến sáng.
Sáng hôm sau, thằng Tàm bảo chúng tôi đắp ụ cho khẩu 12ly8. Khẩu 12.8 được giá ngay cạnh lều có tầm xạ kích cả hướng mặt sông và rừng phía sau lưng. Khẩu RPD sẽ phụ trách hướng sau lưng chếch bên tay phải.Thế bố trí đội hình thế là tạm ổn. Thằng Tàm lại nêu " sáng kiến " đào giếng lấy nước ăn. Từ chiều hôm ấy đến suốt cả ngày hôm sau, chúng tôi hì hụi đào giếng. Giếng sâu tới cả 4 mét mà chẳng có tí nước nào mặc dù nằm ngay cạnh bờ sông ! Thế mới lạ. Công toi vô ích, mệt cả người. Lại đành dùng nước sông đánh phèn vậy.
Xác định với nhau rằng nếu địch vào, đánh không nổi thì chạy. Chạy bằng cách nào? Mấy thằng ngồi uống trà nghe Radio ( có một cái Radio, các chốt thay nhau mỗi chốt được giữ một tuần ) nhưng bàn tính rất sôi nổi. Có lẽ còn hơn bọn tác chiến tiểu đoàn, trung đoàn chuẩn bị vào chiến dịch. Trước mắt, tất cả phải chèo xuồng thật giỏi. Thế là nghị quyết " chèo xuồng " ra đời. Ban ngày, mấy thằng thay nhau tung tăng tập tành. Ban đầu, cái xuồng nó chẳng theo ý mình cứ quay ngang quay dọc như chong chóng. " Không thày đố mày làm nên ", các cụ đã dạy thế. Thằng Tàm, Tôi và thằng Hiển nhảy ra mấy khẩu súng. Cùng...cùng...cùng... Tằng ...tằng ... tằng... Tiếng 12ly8, tiếng RPD, tiếng AK nổ giòn giã... Chỉ một lúc sau, chiếc xuồng chở bọn thằng Quân cụt, Đào lé, Thanh trố với súng ống đầy đủ lướt sóng băng tới. Cả lũ chúng tôi nhe răng ra cười.
- Mẹ khỉ. chúng tao ngoài kia tưởng chúng mày bị úp nên vội vào chi viện. Có chuyện gì vậy ? Đào lé ( Thanh Hoá ) văng tục tùm lum. Mà cái thằng này đến lạ. Mắt nó lé đến híp cả lại mà sao vẫn trúng tuyển đi bộ đội nhỉ???
Nghe chúng tôi " trình bày ", cả lũ hiểu ra và nhiệt tình dạy bảo. Thằng Quân cụt chèo xuồng thiện nghệ, chân nó cũng vung vẩy, đá đá rất điệu, cả thân mình cũng uốn éo theo nhịp tay. Nhìn nó chèo xuồng, khăn Cà ma cuốn vai ai mà bảo nó là Công tóp Việt nam? Nhờ các " thày " tận tình chỉ bảo, chỉ mấy hôm sau cả ba chúng tôi đã có thể ngược xuôi khắp khu vực. Tối đến, khi thì thằng Thanh, khi thì Quân cụt, Đào lé... chèo xuồng vào với chúng tôi để ... ngủ và tán phét. Có chúng nó qua lại, bọn tôi cũng bớt đi nỗi sợ hãi.
Một buổi tối, vào khoảng 8 - 9 giờ, Tôi nằm ngoài cùng bỗng nghe thấy tiếng mái chèo khua róc rách lẫn trong tiếng gió thổi ù ù. Có địch tập kích ! Cả ba thằng ôm súng lăn nhanh ra khỏi lán. Tôi lao về khẩu 12.8, thằng Tàm ôm lấy khẩu RPD, thằng Hiển cào cào lập cập cầm khẩu AK nằm lăn ra bên cạnh ụ 12.8. Phía hạ lưu, hai ba chiếc xuồng nhỏ lố nhố bóng người từ từ tiến đến gần. Tôi khéo khoá nòng khẩu 12.8... Roạt... Tiếng la thất thanh:
- Ấy ấy... bọn tao... bọn tao ..đừng bắn... đừng bắn.
Hoá ra ngoài chốt Tà lia, chúng nó đi bảo vệ dân Việt kiều vào đánh cá trộm trong khu vực chúng tôi quản lý. Tý nữa thì ăn đòn cả nút. Hôm sau, thằng Thanh trố ra bật mí với chúng tôi :
- Ở chốt này kiếm được nhiều tiền lắm chúng mày ạ! Cứ cho dân Việt kiều vào khu vực mình bảo vệ để nó đánh cá. Cho một hai thằng cầm súng đi bảo vệ, ăn chia tứ - lục. Mình 6 nó 4. Mỗi đêm làm vài tạ cá lóc ( cá trắng dính lưới thì lại thả ra không lấy vì rẻ tiền - 1.5 - 2.0 riel một kí, cá đen ( lóc, lóc bông ) 4 - 5 riel một kí ). Tiền tiêu thoải mái, cải thiện ăn uống mệt nghỉ.
Thảo nào, ngoài chốt chúng nó hút toàn Samit, In tẹc, ba con một, ăn uống thì thịt heo, thịt vịt, dưa leo đầy đủ.... Còn chốt mình quanh đi canh cá, quẩn lại cá kho, cá nướng...phát ớn luôn.
Nghe kinh nghiệm từ thằng Thanh truyền lại, lập tức chúng tôi thực hiện liền. Chốt tôi nhất trí cử thằng Tàm đi nhờ xuồng dân về thị xã CP Chnang móc nối với dân Việt kiều từ miền tây sang đánh cá. Hôm sau, thằng Tàm đã dẫn lên một gia đình Việt kiều, người chồng thứ tư nên chúng tôi gọi là anh chị Tư. Anh chồng khoảng 26 - 27 còn người vợ chắc chừng trên hai chục, Gia đình họ có hai đứa con, một đứa mới sinh chừng vài tháng. Cả hai đứa con đều ở lại trên một chiếc xuống lớn nằm ngoài thị xã - đối diện với khu nhà chúng tôi trú quân. Còn hai vợ chồng cùng nhau vào khu vực sông rạch chúng tôi quản lý để đánh cá. Tỷ lệ ăn chia nhanh chóng được thống nhất. Hàng ngày, chúng tôi thay nhau cử người đi bảo vệ, anh chồng giăng lưới bắt cá trong các luồng lạch vắng vẻ khắp các cánh rừng ven cửa Biển hồ. Thỉnh thoảng, chị vợ lại ở lại lán của chúng tôi cơm cơm nước nước, còn anh chồng một mình cặm cụi kiếm ăn. Kể từ khi có vợ chồng anh Tư, cuộc sống của chốt bọn tôi trở nên sinh động. Từ trước chỉ có ba thằng đực rựa, nay đã có bóng người con gái ra ra vào vào. Chị Tư đun nước pha trà, đôi khi nấu cơm cho cả bọn tôi ăn luôn thể. Vui ra phết! Nghe hai vợ chồng anh chị Tư xưng hô với nhau, bọn tôi cứ cười vật vã. Chị Tư gọi chồng bằng anh xưng tui, còn anh Tư gọi vợ bằng mày xưng tao ! Ngồi uống trà tán láo tôi liền bảo hai vợ chồng :
- Này, anh chị Tư. Vợ chồng " đầu gối tay ấp " sao anh lại gọi vợ bằng mày tao như vậy, tôi nghe hổng có vô. Thế ngày xưa khi hai người yêu nhau cũng gọi nhau như vậy à?
Anh Tư cười ha hả :
- Yêu đương gì mấy ông ơi, Ba má kêu lấy vợ thì lấy vợ chứ có biết yêu đương nỗi gì. Gọi riết thành quen rồi. Mà dân miền tây tụi em toàn gọi nhau như vậy không hà.
Tôi nói bây giờ sống phải khác đi, gọi anh em cho nó có tình nghĩa. Anh Tư nghe vậy vừa cười, vừa gọi vợ :
- Em ơi, châm cho anh ấm trà. Nói xong anh cười ha hả ra chiều vừa thích chí vừa ngượng miệng lắm lắm.
Cứ hai ba ngày, cá lóc đầy ghe là anh Tư cùng một trong ba đứa chúng tôi vọt về thị xã cân, bán cá chia nhau. Khi kéo ghe lên chốt, chúng tôi lại sắm bột ngọt, thuốc lá, me nắm, rau cỏ thịt thà... và cả gạo ngon nữa. Gạo đơn vị cấp phát vừa hôi, vừa mốc vứt mẹ nó đi cho rồi. Cuộc sống lên hương trông thấy. Thỉnh thoảng, khi vào rừng chúng tôi còn phát hiện những tổ ong rừng, nhiều tổ to gần bằng nửa chiếc chiếu đơn. Chúng tôi nhờ dân ( hay bắt dân nhỉ? ) trèo lên lấy tổ, vắt lấy mật. Đầu lán là 3 chiếc can 25 lít treo lủng lẳng lúc nào cũng đầy ắp mật ong rừng ngọt ngào, thơm ngát. Thừa mật ong, chúng tôi nhờ mua gạo nếp về nấu chè. Nồi chè đặc sánh, ngọt đến xít họng.
Có một ngày chủ nhật, thằng Thanh trố chèo xuồng sang chốt của bọn tôi chơi. Nghe Radio phát buổi ca nhạc " theo yêu cầu thính giả ", thằng Thanh ma giáo nhờ tôi viết thư " tình " ( thằng này văn hoá có lớp 7 trường làng, đang học dở thì...cô giáo chết ). Cứ lấy tên và địa chỉ em nào nghe ngon lành một chút là gửi thư tình.... " Theo yêu cầu của bạn....Thu Hương, sinh viên lớp... trường đại học sư phạm Vinh... " thế là nó túm lấy địa chỉ nhờ tôi viết mấy trang tán tỉnh ba lăng nhăng. Vậy mà khoảng một hai tháng sau nó cũng được hồi âm. Cô nàng gửi ảnh cho nó đàng hoàng và cũng xin ảnh của nó để biết mặt. Thằng này chuyên có những trò tếu táo. Nghe " em " xin ảnh, nó cắt luôn cái hình quảng cáo kem đánh răng Hynos có in hình thằng da đen nhe răng cười và gửi lại cho nàng. Thế là mất đứt liên lạc.
Thằng Thanh nằm kể tôi nghe về quê hương Yên sở của nó, nó cứ ước ao ngày mai yên hàn sẽ về quê làm ao nuôi cá. Thỉnh thoảng sẽ trở về quê nội tận Thái nguyên buôn về Hà nội vài ba lô chè " móc câu " là tiền tiêu thoải mái. Nó bảo tôi sau này tôi lấy vợ, mỗi mâm cỗ cưới của mày tao mua cho một con cá chép là cực sang rồi, chè Thái mày khỏi lo đi. Của nhà trồng được mà!
Tối tối, chúng tôi vẫn lên " giường " khi mặt trời chưa đi ngủ để tránh muỗi. Lên " giường " sớm, trời nóng bức mà nằm trong mùng thì làm sao ngủ được? Thế là nảy sinh ra chuyện. Thằng Tàm ra một quy định là mỗi thằng phải kể một câu chuyện " yêu đương " của bản thân, đến 9 giờ thì tắt " đài ". Đến lượt thằng nào mà không kể được, nó sẽ thò chân sang nhấc mùngcủa thằng ấy lên. Chỉ trong chốt lát, muỗi mẹ muỗi con sẽ tràn vào đầy trong mùng là ...hết ngủ. Nghe thấy hình thức " kỷ luật " như thế, chẳng thằng nào dám ho he. Để làm gương, nó sẽ là ngưởi mở đầu.
Rồi một ngày tháng 4 năm 1982, thủ trường phòng HC - trung tá Mười Do xuống kiểm tra đơn vị. Sau khi làm việc với anh Sáu Ngân, tôi và mấy thằng nhận lệnh trở lại Stung. Chiếc xe giải phóng của D29 chở chúng tôi ( đâu khoảng 4, 5 đứa tất cả ) cùng với thủ trưởng lắc lư trên con đường dài tít tắp, xóc kinh hồn. Những địa danh đã trở nên quen thuộc như phà Nếch đăm, ngã ba Scun, CP Thơm... và kia căn cứ sư đoàn kia rồi. Quang cảnh đã khác xưa rất nhiều, những dãy nhà lá mọc lên trên những khu rừng xưa kia còn hoang vắng. Doanh trại các đơn vị, phòng ban được tổ chức ngăn nắp, gọn gàng. Tôi trở về ban mà cảm thấy cái gì cũng mới, cái gì cũng là lạ. Có lẽ những tháng ngày nằm chốt, được tự do tung tẩy đã tạo thành thói quen, nay phải gò mình vào kỷ luật nên tôi cảm thấy lạ và bức bối.
Một ngày đầu tháng 6/1982, hôm ấy tôi phải nằm gác điện thoại ở ngôi nhà trực ban của phòng. Khoảng gần 6 giờ sáng, tiếng chuông điện thoại reo lên cành cạch. Tôi ể oải cầm lấy ống nghe :
- A lô, phòng hậu cần nghe đây.
- A lô, phòng hậu cần F9 đấy hả? Tôi trên mặt trận 479 đây.
- Dạ, có tôi đang nghe ạ.
- Đồng chí báo cho đồng chí phụ trách phòng HC, đồng chí Mười Do thủ trưởng phòng HC F9 đã hy sinh sáng nay tại bệnh viện của mặt trận. Tôi la lớn :
- Rõ !
Lúc ấy chưa đến giờ báo thức, tôi vội chạy ba chân bốn cẳng lên nhà của anh Tư Thu - thiếu tá phó phòng. Tôi gõ cửa dồn rập :
- Anh Tư, anh Tư... Anh Tư ra mở cửa và hỏi :
- Cái gì vậy chú mày?
- Thủ trưởng Mười Do hy sinh rồi, điện của mặt trận vừa báo về anh Tư ạ.
Nói thật lòng, tin thủ trưởng hy sinh mà trong tôi cảm thấy vừa trút đi được một gánh nặng. Rồi đây tôi sẽ được phục viên, được chuyển ngành như tôi mong muốn. Anh Tư xem chừng đọc được ý nghĩ của tôi, anh bảo :
- Liều liệu cái thần hồn, đi báo tin thủ trưởng hy sinh mà mặt mày trông tươi hơn hớn thế kia à? Thôi, về phòng trực ban đi.
Tôi chạy như bay về căn nhà trực ban mà trong lòng cứ khấp kha khấp khởi.
Chiều hôm ấy, một chiếc máy bay trực thăng phành phành bay qua đầu chúng tôi, anh Tư Thu ngước nhìn theo và bảo tôi :
- Máy bay chở anh Mười về nước đấy.
Thế là cũng xong một đời người. Hóa ra lời nói " độc " của ông Mười đã trở thành sự thật.
Hai hôm sau khi anh Mười chết, anh Tư gọi tôi lên bảo tôi :
- Chú mày lên phòng TM , trên ấy đang tổ chức khám sức khỏe cho quân nhân ra quân đợt này. Chú mày phục viên hay đi lao động nước ngoài?
Dạo ấy, những người lính ra quân như bọn tôi được ưu tiên đi lao động ở các nước Đông Âu, nếu đi sẽ về Quân đoàn để tập trung học chính trị trước khi lên đường. Tôi chẳng còn bụng dạ nào để đi nữa, tôi chỉ muốn chạy như bay về thăm Mẹ mà thôi. Tôi đề nghị anh Tư cho tôi chuyển ngành về ngành Ngoại thương Hà nội, nơi tôi đã có quyết định tiếp nhận từ khi tôi về phép. Ngày 6/6/1982, tôi rời Stung lên xe về nước. Ngày 8/06/1982, chiếc xe chở tôi lao qua cửa khẩu biên giới Mộc bài. Tôi đã chắp tay lạy chín vái thề rằng không bao giờ tôi trở lại mảnh đất này nữa. Mảnh đất đã lấy đi của tôi tuổi trẻ, sức lực và biết bao bạn bè, đồng đội. Ngày 15/06/1982, tôi trở về đến Hà nội.
Thanh không hy sinh mà chết sau khi đã về quê hương, sứ sở Yên sở, Thanh trì..
Sau khi ra quân năm 1982, Thanh không về quê mà đi lao động nước ngoài theo tiêu chuẩn của đơn vị. Hắn được đi Nga nhưng bị đi đày tận Arkhangelsk, một thành phố phía cực bắc Liên xô ( cũ ) quanh năm lạnh thấu xương, tiền lương không đủ mua thuốc lá hút cho dỡ lạnh. Sau mấy năm, hết hạn lao động, hắn về nước và đến thông báo cho tôi biết là hắn sắp ...lấy vợ. Cô người yêu là một cô gái Hà nội cùng là công nhân lao động ở bên ấy. Sau khi lấy nhau, hai vợ chồng có được một cậu con trai nhưng đời sống thì khá vất vả. Ông chồng thì công ăn việc làm bấp bênh, nay làm thợ chỗ nọ, mai hết việc chạy sang làm thợ chỗ kia. Cô vợ thì cũng vậy, đành ở nhà phụ chồng bằng việc chạy chợ bán cá. Nó đâm ra chán đời, suốt ngày rượu chè. Một buổi tối đi làm về ( làm thuê một công ty tư nhân ở dốc Minh khai ) bị ô tô cán chết. Thằng lái xe sau khi đâm chết người đã chạy mất tiêu không truy tìm được tung tích. Thanh là thương binh nên cũng may là địa phương có quan tâm cấp cho một mảnh đất hơn 40m2 để làm nhà. Chẳng biết sau khi nó chết, tiêu chuẩn ấy vợ con có được hưởng không vì khi đó mới đang làm hồ sơ.
Chú Mười Do - ( Bây giờ ổng chết rồi nên gọi vậy cho thân mật, mặc dù ổng chẳng ưa gì hạ sỹ nầy ) hy sinh vào khoảng ngày mùng 1, mùng 2 tháng 6/1982 ( lâu quá rồi nên không nhớ chính xác ). Buổi sáng sớm hôm ấy, chú Mười phải lên mặt trận 479 ở Siêm riệp họp nên ổng dậy rất sớm. Anh Dũng " ét " lái xe riêng cho thủ trưởng chuẩn bị chiếc Jep lùn quen thuộc từ chiều hôm trước. Khoảng 5g sáng, cả hai thày trò lên đường. Đến 6 - 6.30 thì tôi đã nhận được điện báo của mặt trận rằng chú Mười đã hy sinh trên đường đi từ Stung lên SRiệp. Trường hợp cụ thể ra sao thì tôi không nắm rõ.
Chú Mười Do năm đó khoảng 53 - 54 tuổi, chưa có vợ con gì ( chính thức ). Nhưng về sau tôi được biết là Tỉnh hội phụ nữ tỉnh Tây ninh ( đơn vị kết nghĩa với sư đoàn 9 ) có mai mối cho chú một cô ở trong tỉnh hội. Hai người đã gặp mặt nhau vài lần nhưng chưa có thời gian tổ chức đám cưới. Chắc là cô chú cũng có dự định chuẩn bị báo cáo tổ chức và tiến hành thủ tục đám cưới. Nhưng đột nhiên chú bị hy sinh, nên việc hôn nhân không thành. Không may là cô kia lại đang có bầu, chú hy sinh nhưng về mặt tổ chức, luật pháp cô chú chưa phải là vợ chồng nên cô và đứa con không được hưởng chút gì về mặt chính sách. Thật đáng thương.
Đến bây giờ, mỗi khi nghĩ về đời lính, nghĩ về đơn vị cũ, tôi chẳng còn giận gì chú nữa mà chỉ thương cho một người lính cống hiến cả cuộc đời từ trẻ đến lúc nhắm mắt cho quân đội, cho cách mạng nhưng lại chẳng được may mắn cho cuộc sống riêng tư.
Từ ngày ra quân tới giờ, và có lẽ suốt cuộc đời, tôi mang trong người một cảm giác mắc nợ. Sau hơn bốn năm quân ngủ, tôi lành lặng trở về. Vì tôi hên? Đúng! Nhưng đúng hơn nữa là vì trong chốn hòn tên mũi đạn, cái chết là đương nhiên, đạn tránh người chứ người sau tránh đạn, tôi được lành lặng trở về là nhờ có bao thằng lính trẻ khác đui, què thay tôi, vì có bao thằng lính trẻ khác chết thay tôi. Má tôi không phải khóc con vì đã có bao bà mẹ khác khóc thay má tôi. Cái ơn nầy lớn lắm, suốt đời không trả được.
Chuyện bên lề:
- Chuyện 1: nghe bác lethaito kể chuyện cá tui tuổi cho phận tui quá.F tui cũng có hẳn 1C ở biển hố làm công tác cải thiện cho tòan F nhưng thiệt tình là cả E tui chưa bao giờ thấy con cá hoặc miếng khô nào,khổ thiệt.năm 80 cũng có nghe nói các MT khác thiếu gạo riêng các F chiến đấu MT 479 thì vô tư.D phó chính trị cũa chúng tôi phổ biến như thế.Thực đơn muôn thở cũa tụi tui là 2 lon thịt xay(hàng viện trợ made in hà lan) hòa cùng nước muối làm màu bằng nước gạo rang, rau muốn luộc,nước canh là nước luộc rau và mì chính theo định lượng ,bấy nhiêu đó là bữa ăn cũa 40 con người.Dòng suối mongco boray chúng tôi ném bộc phá mải cá cũng trốn hết, muốn đánh có cá phải lần lên tận đầu nguồn tiếp giáp với biên giới xa hơn chục km, mà phải đi cả 1c, trang bị đầy đủ,căng ra mà bão vệ mấy người đánh bắt cá, rầm rộ như thế nhưng thu họach chẳn được bao nhiêu,được vài chục ký là mừng lắm rồi.Lâu lâu tổ chức 1 lần như thế, rối cũng phải ngưng, chúng tôi đành phải nhịn thèm vì nếu mà bị địch phục, tổn thất vài em là D trưởng bị rớt sao như không.Rừng khộp mùa khô cũng không dể kiếm được con mang, con mển nào, lâu lâu độp được con cheo là mừng húm.Súng nổ đì dùng hòai có con thú nào dám ỡ gần cho mà bắn, hở các bác.Có 1hôm D phổ biến xuống các B là mổi B cữ ra 3 đ/c súng đạn đầy đũ đi gùi thị voi??? chúng tôi đi tất cả 15 người, địa điểm là C21 trinh sát E96, thằng c21 nầy nó nằm hơi xa Ebộ 96 từ chổ chúng tôi cuốc bô cũng phải mất 1 buổi cứng mới đến nơi.Ra đi từ sáng sớm khỏang 1h trưa thì chúng tôi tới nơi, cả bọn ngồi nghĩ ăn cơm vắt uống nước, xong thì anh khanh Btruởng cũa tôi mới đến hầm BCH C và xin được nhận thịt,bác C trưởng niềm nở mời anh khanh và chúngtôi uống nước, sau 1 hồi thăm hỏi qua lại bác ấy đột ngột hỏi là đi nhận thịt voi có đem theo búa và đục sắt không, tôi và A khanh ngớ người chẳng hiểu gì sất còn bác ấy và mấy anh c21 cười sặc sụa làm chúng tôi càng thêm ngơ ngác.Thì ra là như thế nầy: khuya đêm hôm trước có 1 con voi dẩm phải mìn tăng cũa các bác ấy gài, vì mấy hôm nay nghe tiếng chúng nó kêu rất gần, cả đàn gần chục con, nên các bác đem mìn tăng ra gài hy vọng kiếm 1 con cải thiện.Con voi nầy cừ thiệt từ nơi mìn nổ nó lếch đi được hơn 2km rồi mới chết, đến chổ xác voi chết các bác ấyhết hồn vì tưởng nó nhỏ chỉ khòang 1,2 tấn là cùng ai ngờ nó to cở 5,6 tấn, phải dùng búa xẽng, đục đá mới tốc lớp da nó lên , lấy thịt phải đục xương mất cả buổi, thịt nhiều quá ăn không hết nên BCH mới điện báo cho E thông báo cho các D khác xuống ăn phụ.Mượn dụng cụ, chúng tôi ra hiện trường, xác con voi chỉ còn cái đầu và phần thân mà phần thân chỉ còn thịt nằm phía dưới , bên trên chỉ còn trơ xương sườn và gân, cái vòi và 4 cái chân mất tiêu không thấy.Chúng tôi tiến hành đục tiếp, rất nhiều đơn vị đến lấy nên cũng vui, mỗi người 1 tay nên chẳng mấy hồi phá bõ được mười cái xương sườn mấy chục người hè nhau kéo bỏ bộ lòng thối um, rồi mới chia nhau khu vực đục lấy thịt.Chúng tôi lấy 15 balô thịt đầy, mổi cái cũng phải trên 20kg.Trong khi xã hơi chúng tôi đốt lữa lên nướng mạnh ai nấy ăn, ăn cho đã thèm, thịt voi nướng chấm muối hầm sao mà nó ngon lạ lùng( thực ra nó nhạt thết hà các bác ạ mà lại nhão nửa chứ so với thịt nai,cheo,mển thua xa lắc).Nhìn chúng tôi vừa ăn vừa khen 1 bác lính c21 người thanh hóa( bác nầy sau mới biết la người dan tộc quê ở hoằng hóa thì phải) nhìn chúng tôi cười cười nheo mắt nói :cũa ngon người ta ăn hết rồi mà không biết.Thì ra con voi có mấy món ngon nhất là vòi ,và 4cái dựng cũa nó, hầm nó lên cho mềm ăn ngon tuyệt, theo tôi tính mấy món đó cũng phải có hơn 100 cân...hic hic mấy bác c21 chả mời tụi nầy 1 bát, nhưng cũng rất là cám ơn các bác ấy đãchiêu đải tụi nầy 1 bữa thịt ngon nhất trong đời.Chúng tôi lên đường về đơn vị, chắccác bạn của tôi cũng đang chờ có 1 bữa ăn ngon.../
- Chuyện 2: Nghe bác kể chuyện anh bác sỹ mà em nhớ anh Tuyển C phó chính trị - quê Nam định . Anh này tướng nhỏ con giống em mà đánh nhau rất gan lì , sống rất hoà đồng nên anh em ai cũng thương . Do thương lính nên thường cãi nhau với các ông D để bảo vệ quyền lợi cho anh em . Thế là bị đì mấy năm không cho đi phép mặc dù anh Tuyển có bà mẹ già yếu sống một mình không ai chăm sóc .Nhớ có 1 lần D phân công tụi em phục trong rừng cách phum 500m chờ các đơn vị khác lùa địch vào chạy vào phum . Trận này là trận lớn có sự tham gia của F 302 , E6 cơ động của MT và các D địa bàn . Trời tờ mờ sáng anh Tuyển cắt rừng dẫn anh em đi trúng phóc điểm đón lõng , đội hình nằm phục ở 1 bờ đập cách phum 500m . Lúc này có 2 thằng dân K từ phum mò ra rừng thế là mình phải bắt lại nhưng không may 1 thằng chạy thoát về phum nên anh Tuyển quyết định đánh phum trước vì đã bị lộ . Vào phum không phát hiện địch nên em bàn với anh Tuyển là rút ra bờ dập lại vì mình đã nằm sai vị trí qui định thế nào cũng bị kỷ luật ( em tính chơi ăn gian cấp trên ) . Vừa ra tới bờ đập thì các đơn vị bắt đầu nổ súng . Địch từ các hướng trong rừng chạy ra đen ngòm cả trảng nhìn phát ham . Nhưng sui cho bọn em nó lại không thèm chạy vào cái phum mà tụi em phục . Thế là trên đường về Dtrưởng ĐM anh Tuyển liên tục vì bị trên cho rằng chỉ huy lính kém làm địch phát hiện . Nhìn anh Tuyển mặc quần đùi , mặt mũi toàn sình đất lầm lũi bước bên cạnh nghe chửi mà thấy thương quá . Ông kia được thể càng chửi dữ . Anh Tuyển mắt đỏ ngầu móc K54 ra lên đạn và quát ĐM hôm nay tao cùng chết với mầy , mọi người hết hồn nhảy vào tước súng . Tay kia khiếp quá lủi mất . Thế là thù càng chất lên thù nên khi mẹ anh bệnh nặng cũng không cho đi phép ( ông C trưởng và C phó quân sự đi phép chưa sang ) anh Tuyển uất quá nên sinh bệnh tâm thần . Đến lúc này mới được đưa về nước . Mấy tháng sau tụi em cũng rút quân nên cũng không biết anh ấy ra sao .
- Chuyện 3: Lại nói chuyện lựu đạn.
Dạo đánh bọn ZM41 bên sông Sê-Công, chúng tôi được một đơn vị phòng không 23ly của mặt trận đi phối thuộc. Đây là loại pháo phòng không nhỏ nhất có ô-tô kéo, súng 2 nòng.
Tụi pháo thủ 23 ly triển khai trận địa ở bìa rừng ven sông, còn bọn lo hậu cần của chúng nó thì ở ngay cạnh chỗ trú quân của C tôi. Trong bọn 23 ly có thằng Thắng đen, đồng hương Hà Nội. Nhà nó ở cạnh chùa Hưng Ký, đường Minh Khai, gần chợ Mơ.
Lúc còn ở nhà, ngoài buổi học, nó hay ra sông Hồng kiếm ăn. Câu được cá sông là cũng thuộc loại giỏi lắm. Nhưng nó còn kiếm ăn nhiều kiểu khác. Có tối, nó ra bến phà Đen bốc vác thuê chuối xanh cho những thuyền buôn. Từ thuyền lên bờ khoảng năm chục mét, công vác mỗi buống chuối là 2 xu. Thời đó giá một que kem cốm là một hào. Bốc vác chừng hai tiếng là đủ tiền kéo nhau đi ăn kem. Mỗi tội các hiệu kem ngon toàn ở xa: Hồng vân, Long Vân, Bốn mùa đều quanh Bờ Hồ. Lúc ấy chưa có kem 35 Tràng tiền. Góc đường Phùng Hưng với Hàng Bông có hiệu kem Cẩm Bình cũng rất ngon. Thắng đen còn có kiểu kiếm ăn "quái" khác, nhanh ra tiền hơn. Ấy là khi có những thuyền (hay bè) nứa từ mạn ngược về, neo đậu gần bến phà. Vào đêm tối đen, Thắng cùng vài đứa khỏe mạnh bơi lội tốt, bơi vòng từ xa rồi tiếp cận thuyền. Chúng nó lặng lẽ gỡ một hai bó nứa rồi thả nhẹ xuống sông. Mỗi bó nứa đóng bè thường độ dăm chục cây. Chỉ cần gỡ trộm hai bó, kéo xuôi sông dăm trăm mét rồi lôi lên bờ bán cho dân buôn là có khá tiền.
Bọn pháo 23 ly thuộc quyền Mặt trận, thường đóng quân tít phía sau nên có điều kiện cải thiện. Thắng đen cũng thích cái trò ném cá cải thiện ở suối. Khi đi phối thuộc với bộ binh chúng tôi, tôi và nó nhận đồng hương rồi cứ bám riết lấy nhau trò chuyện lúc ở khu cứ. Bộ binh chúng tôi có cà phê bột tự gia công, nhưng không có đường để pha. Thằng Thắng thấy thế tặng hẳn tôi một hộp đường to, loại nửa cân đóng viên vuông vuông làm từ củ cải đường của Liên-xô. Cánh Phòng không sang thế, chẳng bù cho chúng tôi, vài tháng mới có một lần phát đường, mỗi suất một bát ăn cơm. Loại đường củ cải ăn lộp xộp, không ngọt bằng đường cát của ta, nhưng không hề gì, có được là quý lắm rồi. Cả lũ hối hả pha cà phê rồi cùng nhau uống, hút thuốc rê và tán chuyện rôm rả. Tôi nghĩ, bạn kỷ niệm cho hộp đường, không lẽ mình không có gì tặng lại. Tôi lân la gợi chuyện thằng Thắng, không ngờ gãi đúng chỗ ngứa của nó. Thắng bảo lính pháo chúng nó rất thích dù, loại dù hàng ấy, chứ không phải dù pháo sáng vừa bé vừa mỏng toẹt đâu. Chuyện quá đơn giản. Bên kia sông, chúng tôi đánh nhau với bọn Thái, chúng nó thả dù tiếp tế rơi tứ tung. Cả ta và địch đều hành quân bộ, nên những cái dù được cuộn lại rồi vất bỏ quanh hầm, không ai hơi sức đâu mà lấy. Mỗi cái dù hàng tở ra to như mái cái rạp xiếc lưu động, nặng cả chục cân. Chúng tôi cũng chỉ cắt mỗi thằng vài múi, khâu lấy mỗi đứa cái chăn đắp 3 lớp là đã hoành tráng lắm rồi. Thằng Thắng nghe kể mắt sáng lên, tỏ vẻ thèm. Mày yên tâm đi. Hôm sau tôi rủ hai thằng cùng tiểu đội bơi qua sông, đến trận địa cũ tha về đem tặng cho cánh 23 ly sáu chiếc dù. Chúng nó sướng mê tơi. Tôi còn tặng riêng cho thằng Thắng hai múi dù lụa, loại dù hàng của sĩ quan, hiếm hơn. Mỗi múi dù to vừa đúng bằng cái võng của lính ta, dai và bền. Khâu thành võng, dùng luôn dây dù của nó, khi vo lại nhét vừa cái túi cóc con, tha hồ gọn.
Ngồi vơ vẩn, tôi thấy thằng Thắng có một quả lựu đạn M26. Chúng mày có bộ binh bảo vệ, đánh đấm gì mà phải dùng lựu đạn, tôi hỏi. Đánh đấm gì đâu, để hôm nào về cứ đem ném cá ấy mà, Thắng bảo vậy. Tôi táy máy cầm lên xem. Sao lại có mỗi chấm đỏ thế này. Tôi vặn luôn phần củ của quả lựu đạn ra xem. Trên cái vỏ kíp chỉ có mỗi một khoanh khắc chìm. Bỏ mẹ, đây là lựu đạn tức thì. Loại này không có giây cháy chậm, chỉ dùng để gài bẫy. Tôi bảo Thắng:
- Ai lại cho mày quả lựu đạn thế này. Quả này mà mày đem ném cá thì nó sẽ nổ ngay trên tay, mày chết trước chứ không phải cá.
Thằng Thắng xanh mặt, lắp bắp nói nó nhặt được. Tôi bảo vứt mẹ nó đi, để tao cho mày quả khác. Rồi tôi lấy quả lựu đạn của tôi, vặn củ ra chỉ cho nó xem hai cái khoanh khắc chìm.
- Loại có 2 khoanh thế này mới là loại bình thường, mày hiểu chưa.
Thắng nghệt ra, nhưng thấy vẻ mặt hơi tần ngần của nó, tôi biết nó chưa hoàn toàn tin. Tôi kéo nó ra rừng khôộc cách xa đơn vị. Tôi buộc quả lựu đạn của nó vào một gốc cây gần một khe suối cạn, buộc một sợi dây dù vào cái khong chốt, uốn thẳng cái chốt rồi kéo dây ra suối. Tôi và Thắng núp dưới suối, rồi tôi kéo mạnh sợi dây. Ngay lập tức, một tiếng nổ vang trời, đất cát rào rào. Chúng tôi lên chỗ gốc cây kiểm tra, cả cái gốc cây bị xé toác.
- Mày đã tin chưa,- tôi bảo Thắng.- Nó nổ ngay chứ đâu còn chờ vài giây cho mày quăng xuống suối nữa.
Thằng Thắng rụt cổ, lè lưỡi. Bây giờ thì phải tin bạn một trăm phần trăm rồi. Chắc tim nó cũng phải đập nhanh thêm mấy nhịp. Về tới chỗ trú quân, tôi lấy hai quả M26 khác đưa cho nó. Lúc đang đánh nhau thì dễ kiếm, chứ về hẳn hậu cứ làm công tác cùi cõng rồi thì lại cũng không sẵn.
Nữa tháng sau, chúng tôi chuyển địa bàn. Tôi chia tay, rồi từ đó cũng không gặp lại Thắng nữa.
- Chuyện 4: Thằng Quí lính 87 dân quận tư , tướng cao dong dỏng , mặt nhìn như tây lai , nói chung là rất ư đẹp trai . Tốt nghiệp lớp 12 rồi mới đi lính nên được cho học lớp y tá . Vì cùng là lính Sài Gòn lại cùng trình độ nên rất thân nhau . lần đó hoạt động hướng bắc phum Đôn Em lại bị lạc rừng từ sáng đến 3 giờ chiều mới mò vào được phum Đôn Em , may mắn là đụng địch nên sau khi vào được phum lính ta tha hồ phá , dừa , thốt nốt được hái xuống uống no căng bụng vì khát quá . Uống no nê thì được lệnh hành quân về 1 phum nhỏ ở hướng tây d8ẻ nghỉ đêm . Khoảng gần 6 giờ khi gần d8ến phum thì đụng địch đánh khoảng 1 2 phút địch rút chạy , thằng Hùng cóc ( cái thằng vá xe ở lề đường em đã kể ) cao hứng vác PRC 25 đứng trên gò mối ưởn ngực chửi theo chây me à Pốt bên kia táng trả 1 trái B làm nó té từ trên gò mối xuống thằng Quí y tá đứng dưới gò mối dính 1 mảnh vào đùi máu tuôn xối xả , thằng Đở cũng là y Tá chạy tới garô vết thương rồi cáng nó vào phum , vào tới phum nó nói vết thương không sao đừng garô vì như vậy sẽ bị cưa chân là tàn đời , không hiểu thằng Đở xử lý như thế nào mà khi bàn giao cho đơn vị bạn cáng nó ra tuyến sau thì nó tắt thở trên đường đi . mấy ngày hôm sau tụi em rút ra theo con đường đó thì thấy có nhang cắm ở ven đường sinh nghi hỏi dân thì họ nói bộ đội VN cáng tới đó thì chết . Thằng Đở khóc nói tại nó thương bạn đâm ra hại bạn với lại tại thằng Quí uống nước dừa nhiều quá khó cầm máu . Đấy các bác thấy nổi sợ cụt giò ám ảnh bọn em như thế nào .
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top