hội chợ phù hoa 7

Chương 61: TẮT ĐI HAI NGỌN ĐÈN

Một bữa kia, cả chuỗi dài những cuộc giải trí kiểu cách trang trọng trong gia đình Joe Sedley bỗng bị ngắt đoạn vì xảy ra một việc, cái việc phải xảy ra trong bất cứ gia đình nào. Lần theo cầu thang dẫn tới phòng khách lên buồng ngủ trên gác, ta sẽ nhìn thấy trên tường ngay trước mặt có một cái cửa tò vò nhỏ, nó dùng để soi sáng chiếc cầu thang dẫn từ tầng gác hai lên tầng gác ba (là phòng ngủ của người làm và chỗ chơi của trẻ con), đồng thời nó còn dùng vào một việc khác chỉ có mấy bác phu đám mới hiểu. Lúc khiêng quan tài từ trên gác xuống nhà, họ sẽ ghếch tạm một đầu quan tài lên thành cửa sể để nghỉ cho đỡ mỏi rồi lại tiếp tục chuyển đi, như thế sẽ không làm phiền mấy tý đến giấc ngủ cuối cùng của người nằm trong hòm sàng.

Trong các ngôi nhà ở Luân-đôn, chính cái cửa tò vò này vẫn đứng giữa dãy cầu thang mà ngó lên ngó xuống, để chứng kiến sinh hoạt của tất cả những người trú ngụ trong nhà...Chị đầu bếp dậy từ sáng sớm đi xuống nhà cọ rửa xoong chảo cũng như ông chủ nhà trẻ tuổi sau những trận cười thâu đêm suốt sáng, trút bỏ đôi giầy dưới phòng khách mà rón rén mò lên gác, đều phải đi qua đấy; các cô thiếu nữ áo mới sột soạt đăng-ten, rạng rỡ vẻ mỹ miều, sửa soạn để chinh phục trong những buổi dạ hội cũng phải đi qua đấy; cái cửa tò vò ấy còn làm chứng cho thói tinh nghịch của chú bé Tomy thích ngồi trượt trên lan can cầu thang, không biết sợ là gì; nó cũng đã nhìn bà chủ nhà tươi tỉnh âu yếm khoác tay ông chồng, vững vàng bước từng bước một xuống thang gác, theo sau là chị hầu gái, vào hôm viên thầy thuốc tuyên bố rằng người bệnh nhân xinh đẹp đã có thể xuống nhà giải trí được. Anh John vừa uể oải ngáp dài vừa giơ cây nén chập chờn soi tìm những đôi giày đang chờ anh ta trong hành lang vào lúc trời sắp sáng cũng phải đi qua đấy; cái vòm cửa sổ này đã soi sáng chiếc cầu thang để cho người ta đi lên đi xuống, bế những đứa trẻ sơ sinh, dìu những ông bà già, dẫn các vị khách xuống nhà dự tiệc; viên mục sư đến làm lễ rửa tội, ông thầy thuốc vào phòng người ốm nghe bệnh, các bác phu đám lên gác hộ việc tang, ai mà không phải đi qua... Nếu ngài ngồi khoảng giữa mà ngó lên nhìn xuống bạn sẽ thấy cái cửa tò vò và cái cầu thang chính là cuốn nhật ký của sự sống chết và sự phù hoa vậy!... Này, ông bạn bận áo sặc sỡ của tôi ơi, rồi sẽ có ngày vị bác sĩ đến thăm chúng ta một lần cuối cùng tại đây; chị hầu gái sẽ vén màn ngó vào nhìn mà chúng ta không hề hay biết... rồi chị ta sẽ đẩy cửa sổ hé ra một chút cho không khí ùa vào trong phòng. Và tất cả các cửa trước nhà sẽ đóng kín mít, mọi người chỉ dùng những phòng bên trong... sau đó người ta cho đi mời luật sư và mấy bác chuyên bận áo màu đen() đến bàn việc... Lúc ấy tấn hài kịch ngài và tôi vẫn đóng sẽ hạ màn; và chúng ta được đưa đi một nơi rất xa không một tiếng kèn trống ồn ào nào còn vẳng đến tai được nữa. Nếu chúng ta thuộc dòng dõi quý phái, họ sẽ treo lên trước ngôi nhà cuối cùng của chúng ta một tấm huy hiệu mạ vàng có ghi câu "Yên nghỉ trên thiên đường". Con trai ngài sẽ trang hoàng lại nhà cửa, hoặc cho thuê lại để dọn đến một khu phố sang trọng. Hôm năm sau, tên tuổi ngài sẽ được liệt vào danh sách "những hội viên đã quá cố" của câu lạc bộ ngài vẫn lui tới. Mặc dầu rất có thể thương nhớ chồng đến đứt ruột ra được, bà vợ góa của ngài vẫn đòi thợ may cắt bộ áo tang sao cho thật khéo mới nghe... ngày ngày chị đầu bếp vẫn phải lên gác hỏi bà chủ sẽ ăn những món gì hôm ấy... và dần dần những người còn sống không muốn cứ phải nhìn mãi bức hình của ngài treo trên lò sưởi, họ sẽ hạ xuống cất vào kho nhường chỗ danh dự ấy cho tấm chân dung đứa con trai kế nghiệp trị vì trong nhà.

Không biết trên đời này loại người chết nào được ta thương tiếc nhiều nhất nhỉ?...Tôi tin rằng đó là loại người ít yêu quý kẻ còn sống nhất. Chết một đứa con, người ta thường khóc lóc thảm thiết, giá chính ngài từ giã cõi đời cũng không được ai thương xót đến thế. Ví thử ngài mất một đứa con còn sơ sinh, chưa biết bố mẹ mấy, chỉ xa ngài một tuần nó cũng đã quên ngài thế mà ngài sẽ đau khổ gấp mấy lần mất người bạn nối khố hoặc mất đứa con đầu lòng bây giờ đã lập gia đình, vợ con đề huề. Chúng ta có thể tàn nhẫn, nghiệt ngã với Judah và Simeon. Nhưng đối với thằng nhỏ Benjamin () chúng ta vẫn động tâm thương xót. Một ngày kia, đến tuổi già, già mà giàu có, hoặc già mà nghèo khổ cũng thế, rất có thể ngài sẽ tự nhủ thế này: "Xung quanh ta thiên hạ ai cũng tốt cả; nhưng ta chết đi họ cũng chẳng buồn rầu lắm đâu. Ta có của, họ chỉ nghĩ tới chuyện xâu xé thôi... hoặc ta nghèo quá, họ chịu đựng ta đã quá mệt rồi.

Vừa hết tang bà Sedley, Joe chưa kịp bỏ bộ đồ tang để diện tấm áo chẽn lộng lẫy vẫn thích xưa nay thì mọi người trong nhà đã nhận thấy ông lão Sedley cũng đang ở tình trạng gần đất xa trời, sắp sửa đi theo bà lão sang thế giới bên kia mất rồi. Joe Sedley trịnh trọng tuyên bố ở câu lạc bộ thế này:

- Tình trạng sức khỏe của cha tôi không cho phép tôi tổ chức nhiều cuộc họp mặt "ra trò" mùa này. Nhưng anh Chutney, nếu anh quá bộ lại chơi vào khoảng sáu giờ rưỡi tối, dùng tạm mấy ly rượu nhạt với vài anh em cánh ta... thì tôi cũng rất lấy làm hân hạnh.

Thế là Joe và "anh em cánh ta" cứ lặng lẽ chè chén với nhau, trong khi ấy ngay trên gác, ông lão cứ trút dần sinh lực của mình như cát trong chiếc đồng hồ. Bác quản lý đi rón rén đem rượu ra cho Joe và khách khứa; ăn xong cả bọn chơi vài ván bài; thỉnh thoảng thiếu tá Dobbin đến làm một chân. Đôi khi Amelia cũng từ trên gác xuống góp mặt, ấy là những lúc cô đã sắp đặt chu đáo, yên trí không có gì làm kinh động giấc ngủ chập chờn của ông bố già.

Từ khi bị ốm, lúc nào ông Sedley cũng đòi con gái có mặt bên mình. Nếu không phải là tự tay con gái bưng lên mời, ít khi ông chịu ăn cháo hoặc uống thuốc. Công việc duy nhất trong đời Amelia bây giờ hầu như chỉ là săn sóc ông bố ốm đau. Amelia kê giường ngủ của mình kề sát cửa thông sang phòng của cha; ông lão chỉ hơi cựa mình rên rỉ, cô đã trở dậy sang thăm rồi. Nhưng thật ra phải nói rằng nhiều đêm ông lão nằm thao thức hàng giờ yên lặng không động đậy, và không muốn làm phiền người con gái hiền thục hết lòng phụng dưỡng mình.

Có lẽ kể từ khi Amelia còn bé đến giờ, hồi này ông cụ quý con gái nhất. Lòng hiếu thảo của người con có dịp bộc lộ rõ rệt qua những việc thuốc thang săn sóc cho cha. Dobbin thấy Amelia ra vào trong gian phòng của ông cụ dáng điệu nhẹ nhàng, uyển chuyển, mặt vẫn tươi tỉnh, bước đi không một tiếng động nhỏ thì nghĩ thầm: "Nàng bước vào buồng êm ái như tia nắng ấm".

Người đàn bà nào khi cho con bú hoặc săn sóc người ốm trong phòng bệnh mà không được ánh sáng thiêng liêng của tình yêu và lòng thương chiếu rạng rỡ vẻ mặt?

Mối giận của ông bố ngấm ngầm mang trong lòng từ mấy năm nay đối với con gái bây giờ đã nguôi hẳn; tuy không nói ra, nhưng ông đã hoàn toàn tha thứ cho con gái. Trong những ngày cuối cùng của đời mình và nhất là thấy con gái hiếu thảo, ông lão cảm động quên hết chuyện cũ; trước kia nhiều lần hai ông bà già đã bàn tán với nhau suốt đêm về những lỗi lầm của con gái; nào là Amelia hy sinh tất cả chỉ biết có thằng Georgy, Amelia thờ ơ đối với cha mẹ lúc già nua túng thiếu, chỉ nghĩ đến con trai; lúc thằng cháu về ở với ông nội nó, hai ông bà già thấy con gái đau khổ quá đáng một cách vô lý và kỳ quái. Trong những giờ gần đất xa trời, ông già Sedley mới xóa bỏ cho con hết thảy những tội lỗi trên, và mới tỏ ra công bằng với người đàn bà đau khổ quen cắn răng chịu đựng không than vãn nửa lời.

Một đêm, Amelia rón rén bước vào phòng thăm cha, thấy ông Sedley vẫn thức; ông cụ thổ lộ với con gái thế này: "Emmy ơi, ba đang nghĩ rằng trước kia ba má đối với con bất công quá, thật là không phải". Vừa nói ông lão vừa đặt bàn tay yếu đuối lạnh lẽo vào tay con gái. Amelia quỳ xuống bên giường cha, lẩm nhẩm cầu nguyện; ông lão vẫn nắm tay con cũng khe khẽ cầu kinh. Ông bạn ơi, ước gì khi nào đến lượt chúng ta, cũng có được một người con như vậy cùng cầu kinh, trước khi từ giã cõi đời nhỉ.

Có thể trong những giờ nằm thao thức trên giường bệnh ông lão đã thấy cả cuộc đời mình lại hiện ra trước mắt... những cuộc vật lộn đầy hy vọng hồi còn trẻ... cuộc sống sung túc phát đạt lúc đứng tuổi...sự thất bại khi về già và tình trạng tuyệt vọng hiện tại...bây giờ thôi còn mong gì chống lại số mệnh, ông đã hoàn toàn thất bại rồi... còn gì để lại cho con cái đâu, tiền nong chẳng có, tên tuổi cũng không; hết đời lại chỉ là một kẻ thất bại khốn cùng? Nhưng thưa bạn đọc, thử hỏi rằng chết trong cảnh phú quý tiếng tăm và chết trong cảnh bần cùng đau khổ, đằng nào sung sướng hơn? Kẻ được của rồi bắt buộc phải nhả ra là khổ hay người đã chơi trọn canh bạc thua cháy túi rồi lặng lẽ bước ra ngoài cuộc sống mới đáng thương?

Cứ kể cuộc đời đến một ngày kia, khi chúng ta phải nói rằng: "Mai đây thắng lợi hay thất bại đối với mình đều vô nghĩa; mặt trời cứ mọc, cái nhân loại vô vàn hỗn độn kia vẫn cứ làm việc hoặc giải trí như lệ thường, nhưng riêng mình sẽ bước ra khỏi cái vòng luẩn quẩn" thì âu cũng là một cảm giác kỳ lạ vậy. Thế rồi một buổi sớm kia, mặt trời vẫn mọc, và thiên hạ trở dậy, kẻ lo làm, người lo chơi như thường ngày, riêng ông lão John Sedley mãi mãi không còn phải vật lộn với số mệnh, không phải tính toán, và cũng không còn hy vọng gì được nữa. Ông lão chỉ phải làm công việc cuối cùng là đi về nghĩa trang Brompton kiếm lấy một chỗ ở lặng lẽ và không người biết đến bên cạnh bà vợ già.

Thiếu tá Dobbin, Joe và thằng Georgy theo sau chiếc linh xa phủ vải đen đưa thi hài ông già về nơi an nghỉ cuối cùng. Joe rời khách sạn "Ngôi sao và Huy chương" tại Richmond về nhà dự lễ mai táng; sau khi ông lão từ trần, anh ta dọn đến khách sạn, không muốn ở nhà vì lẽ...chắc các bạn đoán ra cũng hiểu, nhưng Emmy vẫn ở lại để làm nhiệm vụ của mình như mọi ngày. Cô không có vẻ bị quỵ hẳn trước một nỗi đau thương lớn lao; thái độ của cô hầu như trang trọng hơn là rầu rĩ. Amelia cầu trời sao cho mình cũng sẽ được từ giã cõi trần một cách êm ái, nhẹ nhàng như vậy; với một thái độ thành kính và tin tưởng, cô nhớ những lời nói đầy tín ngưỡng, biểu lộ một thái độ nhẫn nại và tin tưởng vào tương lai ở thế giới bên kia.

Quả thật, riêng tôi tin rằng được chết trong cảnh thanh bần mà lại hóa hay. Hãy giả thử rằng bạn giàu có nứt đố đổ vách, và trong cái ngày cuối cùng của đời mình, bạn đã nói thế này: "Tôi rất giàu, tôi cũng gọi được là có tiếng tăm đôi chút. Cả đời, tôi đã từng giao thiệp với giới thượng lưu trong xã hội, và cảm ơn trời đất, tôi cũng được sinh trưởng trong một gia đình nền nếp. Tôi đã phục vụ Đức vua và đất nước tôi một cách xứng đáng. Tôi cũng đã từng có chân trong quốc hội trong một thời gian khá lâu, và tại đây, có thể nói rằng thiên hạ rất ưa nghe tôi diễn thuyết, và tỏ ra cũng khá tán thưởng. Tôi không nợ ai xu nào; trái lại, tôi còn cho ông bạn già đồng môn của tôi là Jack Lazarus vay những năm mươi đồng; luật sư của tôi sẽ không cần giục ông ta về món nợ này. Tôi để lại cho các con gái tôi mỗi đứa một vạn đồng phần gia tài... cứ kể hồi môn của con gái như thế cũng đã tốt lắm. Ngoài món "niên kim chung thân", tôi còn để lại cho bà vợ góa của tôi tất cả đồ đạc, bát đĩa trong nhà, thêm ngôi nhà ở phố Baker; con trai tôi thừa hưởng phần đất ruộng, số tiền còn lưu ký tại Ngân hàng quốc gia, và toàn bộ hầm rượu hảo hạng của tôi ở phố Baker nữa. Thằng hầu việc của tôi mỗi năm sẽ được chia hai mươi đồng bảng. Cuối cùng tôi thách bất cứ ai có thể tìm ra được tính tình tôi có điểm gì đáng trách". Hoặc giả, ví thử ngược lại, bạn là một người quanh năm vắt mũi chẳng đủ đút miệng, lúc kề miệng lỗ, than thở thế này: "Thật suốt đời tôi chỉ là một thằng nghèo xác, hoàn toàn bị phá sản rồi. Trời sinh ra thằng tôi thông minh chẳng có mà may mắn cũng không. Tôi thú thực mình đã nhiều phen hành động rất hớ, rất vụng. Tôi cũng công nhận rằng nhiều lần có thiếu sót trong nhiệm vụ. Những ngày cuối cùng của đời tôi hoàn toàn trơ trọi, nhục nhã. Tôi cầu xin Bề trên tha thứ cho những sự yếu đuối đã qua, và xin phủ phục dưới chân Đấng tối linh rộng lượng, lòng đầy hối hận".

Bạn thử nghĩ xem, câu nói nào thích hợp nhất đối với tang lễ của chính bạn nhỉ?

Ông già Sedley đã chọn câu nói sau. Thế là với những ý nghĩ tầm thường ấy trong đầu, ông già nắm chặt lấy bàn tay con gái và để cho cuộc sống với hết thảy những nỗi ưu tư cũng như những chuyện phù hoa trút theo hơi thở cuối cùng của mình.

Ông Osborne bảo thằng Georgy:

- Cháu xem, con người ta có tài mà chịu khó, lại khéo kinh doanh, được đền bù như thế nào. Cháu hãy nhìn ông đây, và xem ngân khoản tại nhà băng của ông có bao nhiêu. Lại coi ông ngoại cháu làm ăn thất bại ra sao thì biết. Thế mà cũng ngày này cách đây hai mươi năm, ông ngoại cháu khá hơn ông bây giờ nhiều...giàu hơn ông đến một vạn đồng.

Không kể hai ông cháu nhà này, chỉ có gia đình ông Clapp là còn nhớ đến ông già Sedley mà đến hỏi thăm chia buồn. Ngoài ra không một ma nào buồn để ý đến ông lão, cũng chẳng thèm nhớ rằng trong cuộc đời đã có mặt một con người như vậy nữa.

Một lần nghe thấy ông bạn đại tá Buckler nói chuyện rằng Dobbin trước kia là một sĩ quan rất có tài (như thằng Georgy đã có dịp cho ta biết), ông tỏ thái độ hết sức hoài nghi và khinh miệt; ông rất ngạc nhiên không sao tin được rằng ngữ ấy lại có thể thông minh và nổi tiếng. Nhưng rồi khá nhiều người khác quen biết ông cũng nhác đến tiếng tăm của viên thiếu tá. Tôn ông William Dobbin đối với con trai rất mực coi trọng; ông kể lại nhiều chuyện chứng tỏ con trai ông là người học rộng, biết nhiều, có tài năng, và được thiên hạ rất mến phục. Không những thế, tên Dobbin còn được ghi trên danh sách tân khách đến dự một hai buổi họp mặt quan trọng của giới quý tộc. Chuyện này đã tác động rất mạnh đến tâm trí ông già quý phái của chúng ta ở khu phố Russell. Với tư cách là người đỡ đầu của thằng Georgy, Dobbin không thể tránh khỏi những cuộc tiếp xúc với ông Osborne, vì bây giờ ông nội thằng bé đứng ra lãnh trách nhiệm này. Cũng trong một cuộc tiếp xúc ấy, nhân cùng viên thiếu tá xét lại việc thanh toán những khoản chi phí về thằng Georgy và mẹ nó trong thời gian qua, một mối ngờ khiến ông bàng hoàng, vì ông vốn là một thương gia có con mắt nhận xét rất sắc sảo. Mối ngờ ấy làm cho ông bực mình lắm, nhưng đồng thời cũng khiến ông rất vui vẻ; ông thấy trong số vốn chu cấp cho hai mẹ con người đàn bà góa, có một phần là tiền túi của chính Dobbin.

Ông buộc anh ta phải giải thích rõ về khoản này; vốn không quen nói dối, Dobbin đỏ mặt, lúng túng một hồi, cuối cùng đành thú nhận:

- Thưa cụ, việc anh chị ấy thành hôn với nhau (mặt ông già bỗng xám lại) phần lớn là do tôi thu xếp. Tôi nghĩ rằng bạn tôi đã đi quá xa, nếu từ hôn sợ mất danh dự, mà còn có thể gây ra cái chết của chị Osborne. Cho nên, khi chị ấy trơ trọi không nơi nương tựa, tôi thấy có nhiệm vụ phải dành dụm tiền nong giúp đỡ.

Ông Osborne nhìn trừng trừng vào mặt Dobbin; chính mặt ông cũng đỏ tía lên; ông nói:

- Thiếu tá Dobbin, ông đã gây ra cho tôi nhiều chuyện tai hại. Nhưng xin cho phép tôi được nói rằng ông là một người rất tốt. Chúng ta hãy bắt tay nhau; tôi thực không hề ngờ rằng cháu tôi đã phải nhờ tiền của của ông mới sống được đến bây giờ.

Hai người bắt tay nhau; Dobbin có vẻ sượng sùng vì thấy hành động giả dối tuy rất nhân đạo của mình bị khám phá. Anh ta cố tìm cách làm dịu bớt sự giận dữ của ông Osborne và khuyên ông lão hãy tha thứ cho người con trai đã chết.

Dobbin nói:

- Anh ấy thật là một người cao quý; chúng tôi ai cũng mến, sẵn sàng vì anh ấy làm bất cứ việc gì. Hồi ấy tôi còn thanh niên; được anh George coi là bạn thân, tôi cũng cảm thấy tự hào lắm. Được mọi người thấy mình cùng đi chơi với anh ấy, có lẽ tôi còn hãnh diện hơn được đi cùng ngài Tổng tư lệnh quân đội. Tôi chưa từng gặp một sĩ quan nào dũng cảm và có đầy đủ những đức tính thượng võ như anh George đấy.

Dobbin lại cố nhớ những chuyện về tài năng và sự can đảm của bạn đem ra kể cho ông lão nghe, rồi nói thêm:

- Má thằng cháu Georgy sao mà giống bố nó như đúc, cụ ạ.

Ông nội thằng bé đáp:

- Trông nó giống quá, nhiều khi tôi đến phát sợ.

Có một hai buổi tối Dobbin đến dùng bữa với ông Osborne (ấy là vào hồi ông Sedley đang ốm); ăn xong hai người ngồi nói chuyện với nhau; suốt buổi tối, câu chuyện xoay quanh kỷ niệm về người anh hùng đã chết. Vẫn do thói quen, ông bố huênh hoang kể lại những cái hay của con trai, lấy việc khoe những chiến công và lòng dũng cảm của con để đề cao chính mình. Từ xưa đến nay chưa bao giờ đối với người con trai bất hạnh đã chết, ông lão tỏ ra rộng lượng như vậy.

Anh chàng thiếu tá có tâm hồn cao quý kia cũng lấy làm hể hả vì thấy đó là triệu chứng báo hiệu ông già bát đầu nghĩ lại mà tha thứ cho con trai. Lần thứ hai đến chơi: Dobbin đã được ông Osborne gọi bằng tên tục là William, y như ông vẫn gọi anh ta hồi Dobbin và George cả hai còn là trẻ con. Anh chàng thấy ông lão đã nguôi giận, cũng lấy làm vui lắm.

Ngày hôm sau, nhân cùng ngồi ăn sáng với cha, cô Osborne đã táo bạo dám đưa ra vài nhận xét ngụ ý giễu cợt hình dáng và cử chỉ của Dobbin - cái thói soi mói của cô ta vốn do bản tính và do cảnh chồng con muộn mằn - lập tức cô bị ông bố chặn lời:

- Này cô Osborne, ví thử được anh ta hỏi làm vợ, cô cũng nên cảm ơn thượng đế. Nhưng chùm nho ấy xanh lắm, phải không con. Ha! ha! Thiếu tá Dobbin trông cũng đẹp trai đấy chứ.

Georgy tán thành ý kiến của ông nội, đáp:

- Đúng, ông ạ. Thiếu tá Dobbin tốt lắm.

Rồi nó đến cạnh ông già đưa hai bàn tay lên túm lấy bộ ria mép to tướng, nhìn vào tận mặt ông nội mà cười vui vẻ, rồi hôn một cái. Đêm hôm ấy nó kể chuyện lại cho mẹ nó nghe; Amelia hoàn toàn đồng ý với con trai. Cô nói:

- Đúng thế. Bác Dobbin tốt lắm. Ngày xưa cha con cũng vẫn bảo thế. Bác Dobbin là người tốt bụng và trung thực nhất trên đời này đấy, con ạ.

Ngẫu nhiên, hai mẹ con vừa nói chuyện với nhau thế được một lúc thì Dobbin rẽ vào chơi; hình như Dobbin đến đúng vào lúc này khiến cho Amelia hơi đỏ mặt thì phải; thằng bé tinh quái lại đem ngay câu chuyện lúc nãy ra kể lại, làm cho mẹ nó càng bối rối hơn. Nó nói:

- Bác Dob ạ, cháu biết có một cô đẹp tuyệt đang muốn lấy bác đấy. Cô ấy nhiều tiền lắm, cô ấy lại đeo cả một mớ tóc quăn giả trên trán. Cô ấy mắng chửi bọn đày tớ suốt từ sáng sớm tới tối mịt.

Dobbin hỏi:

- Ai thế cháu?

Thằng bé đáp:

- Cô Osborne nhà cháu ấy mà. Ông nội cháu bảo thế. Bác Dob ạ, cháu mà được gọi bác bằng "bác" thì cháu thích ghê cơ.

Vừa lúc ấy ông già Sedley nằm trong phòng bên cất tiếng run rẩy gọi Amelia, mọi người mới ngớt cười.

Bây giờ ai cũng thấy rõ ông già Osborne đã đổi tâm tính.

Thỉnh thoảng ông ta cũng có hỏi thăm thằng Georgy về bác nó; nghe thằng cháu nội bắt chước Joe ề à nói: "Cầu Chúa ban phúc cho tôi" và húp món xúp soàn soạt, ông Osborne phì cười; nhưng rồi ông bảo cháu:

- Này cháu, trẻ con dám làm điệu bộ bắt chước các bậc cha chú trong nhà như vậy là hỗn. Cô Osborne, hôm nay cô đánh xe ngựa đi chơi đâu, nhớ rẽ vào nhà ông Sedley gửi lại danh thiếp cho ba, nghe không? Dẫu sao đi nữa thì giữa ba và ông ta cũng không có chuyện gì.

Joe cũng gửi danh tiếp đáp lại, ông Osborne mời viên thiếu tá và Joe đến nhà ăn tiệc... một bữa tiệc sang trọng nhất và cũng vớ vẩn nhất, kể từ khi ông Osborne mở tiệc thết khách đến nay. Trong nhà có bao nhiêu bát đĩa quý giá ông sai mang ra bày kỳ hết, khách khứa được mời toàn những người sang trọng. Joe Sedley khoác tay cô Osborne xuống cầu thang vào phòng ăn, cô thiếu nữ tỏ ra rất lịch sự đối với anh ta; trong khi ấy hầu như cô không nói một lời nào với anh chàng thiếu tá; Dobbin ngồi cách xa cô thiếu nữ, chọn một chỗ ngay cạnh ông Osborne, anh ta có vẻ nhút nhát. Joe tuyên bố rất trịnh trọng rằng hôm nay đã được ăn món xúp rùa ngon nhất đời mình; anh ta lại hỏi ông Osborne mua được rượu madera ở đâu mà ngon thế?

Bác quản lý thì thầm vào tai ông chủ:

- Bẩm cụ, chỗ rượu mua đấu giá của nhà cụ Sedley còn lại đấy ạ.

Ông Osborne bèn quay ra trả lời khách:

- Rượu này tôi mua đã lâu lắm, mà cũng phải trả khá đắt cơ đấy.

Rồi ông quay sang thì thầm với ông khách ngồi bên tay phải về việc mình đã mua rượu trong vụ phát mại tài sản của "lão già" như thế nào.

Cũng đã có một vài lần ông Osborne hỏi thăm Dobbin về...về "bà George Osborne"; dĩ nhiên, đụng đến vấn đề này, anh chàng tỏ ra hết sức hoạt bát. Anh ta kể lại bao nỗi khổ cực Amelia đã phải chịu... anh ta kể lại mối tình nồng thắm chung thủy của Amelia đối với chồng, người chồng đến nay cô vẫn tôn thờ trong tâm tưởng...

Dobbin kể lại việc Amelia đã phụng dưỡng cha mẹ và gây dựng cho con trai thật chu đáo vì coi đó là nhiệm vụ của mình. Anh chàng thực thà giọng hơi run run vì xúc động nói:

- Thưa cụ, cụ không thể hiểu thấu chị ấy đã phải chịu đựng đến thế nào. Tôi hy vọng, tôi tin tưởng rằng rồi đây cụ sẽ vui lòng tha thứ cho chị ấy. Nếu trước kia cụ đã bị chị ấy cướp mất con trai, thì nay chị ấy thay thằng con trai của mình cho cụ. Và xin cụ cứ tin rằng cụ yêu quý anh George một phần, thì chị ấy còn yêu quý thằng Georgy mười phần nữa cơ.

Ông Osborne chỉ biết trả lời:

- Lạy Chúa, ông thật là người rất tốt.

Từ trước, ông chưa hề bao giờ nghĩ rằng người đàn bà góa kia lại cảm thấy đau khổ vì phải xa con; ông cũng không tin rằng Amelia thấy con trai được thừa hưởng một gia tài lớn, lại có thể lấy việc ấy làm đau lòng. Thế là việc ông bố chồng tha thứ cho con dâu coi như chắc chắn sẽ thực hiện trong một ngày rất gần đây. Nhưng mới nghĩ tới cuộc gặp gỡ đáng sợ với ông thân sinh ra George mà trống ngực Amelia đã dồn dập vì lo lắng.

Tuy thế nhưng cuộc hội kiến ấy cũng không bao giờ có. Sau đó, xảy ra việc ông Sedley bị ốm, rồi chết; thành ra trong một thời gian coi như không thể nào tổ chức một cuộc gặp gỡ được. Sự kiện tai hại ấy cùng nhiều việc khác nữa hình như tác động mạnh đến tinh thần ông Osborne. Gần đây, sức khỏe ông sa sút rất nhanh vì tuổi đã cao, lại thêm nỗi âm thầm lo nghĩ. Ông đã cho đi mời mấy viên luật sư riêng lại bàn việc. Có lẽ ông muốn thay đổi một vài điều khoản nào đó trong tờ di chúc thì phải. Viên thầy thuốc được mời đến thăm sức khỏe cho ông tuyên bố rằng ông yếu lắm, tâm thần bất định. Ông ta bảo cần trích huyết và mang bệnh nhân đi an dưỡng tại bờ biển ít lâu; nhưng ông Osborne không chịu trích huyết, cũng chẳng đi an dưỡng.

Một hôm, đến giờ lẽ ra ông Osborne phải xuống nhà dùng bữa sáng, người hầu không thấy ông chủ đâu bèn vào trong phòng rửa mặt của ông để tìm; anh ta thấy ông chủ bị cơn bệnh vật và đang nằm sóng sượt ngay dưới chân bàn, vội báo tin ngay cho cô Osborne; người nhà lập tức đi mời thầy thuốc. Thằng Georgy được phép nghỉ học ở nhà; lần này đành phải triệu đến những thầy lang chuyên giác huyết. Nhưng ông Osborne chỉ gọi là hơi tỉnh lại; có hai lần ông cố gắng một cách thê thảm, hình như muốn trối trăng lại điều gì, nhưng không sao nói ra tiếng được nữa. Bốn hôm sau, ông tắt thở.

Mấy ông thầy thuốc xuống thang gác ra về, đến lượt các ông chủ đòn đám ma leo thang gác lên làm nhiệm. vụ. Tất cả cửa sổ mặt chính tòa nhà trông ra công viên Russell đóng kín mít. Từ khu City, Bullock hối hả chạy xổ đến. "Ông cụ để lại cho thằng nhóc bao nhiêu tiền đấy hả?... Nhất định không phải là một nửa gia tài chứ? Phải chia làm ba phần đều nhau, dứt khoát thế". Việc cửa việc nhà lúc ấy thật rối như bòng bong.

Chẳng rõ lúc hấp hối ông già đáng thương kia có định cố gắng trối trăng lại điều gì cho con cháu không? Tôi hy vọng rằng ông tỏ ý muốn gặp mặt Amelia và trước khi từ giã cõi đời muốn tha thứ cho người vợ thân yêu và trung thành của đứa con đã khuất.

Nhất định là như thế, vì xem nội dung chúc thư, ta thấy rằng ông già đã gột sạch được mối căm thù từ lâu vẫn ủ ấp trong thâm tâm.

Người nhà lục trong túi áo ngủ của ông thấy một lá thư có đóng con dấu lớn màu đỏ, tức là lá thư George gửi từ Waterloo về cho ông. Ông cũng đã đọc lại nhiều giấy má khác có liên quan đến con trai, vì trong túi áo của ông người ta thấy cả chìa khóa chiếc hộp ông vẫn dùng để cất những giấy tờ ấy; trong hộp, phong bì đều để ngỏ, dấu xi gắn đã bị bóc.. việc này có lẽ đã xảy ra ngay buổi tối trước hôm ông bị lên cơn bệnh bất thình lình; lúc ấy bác quản lý mang nước trà vào trong phòng làm việc cho chủ, thấy ông đang ngồi đọc cuốn thánh kinh đồ sộ của gia đình, bìa bọc da màu đỏ.

Xem đến tờ di chúc, thì ra ông để lại cho Georgy một nửa gia tài phần còn lại chia cho hai cô con gái. Chúc thư còn ghi rõ rằng ông Bullock có thể hoặc tiếp tục hùn vốn trong công ty của ông Osborne để chia lợi nhuận như cũ, hoặc rút vốn ra, tùy ý. Hàng năm sẽ trích một số tiền là năm trăm đồng bảng, tính vào phần tài sản của Georgy được hưởng, để trợ cấp cho Amelia "người vợ góa của George Osborne, con trai yêu dấu của tôi", quyền đỡ đầu đứa cháu nội cũng trao lại cho mẹ nó. Người thực hiện chúc thư là phiếu tá William Dobbin, bạn của con trai tôi".

Tờ di chúc viết tiếp: "Để tỏ lòng biết ơn thiếu tá đã có lòng hào hiệp và rộng lượng, bỏ tiền riêng ra trợ cấp cho cháu nội tôi và người vợ góa của con trai tôi, trong thời gian hai mẹ con lâm vào hoàn cảnh quẫn bách không người giúp đỡ, tôi muốn ông ta nhận ở đây những lời cảm tạ chân thành về sự quan tâm ấy; tôi lại khẩn cầu ông ta nhận cho một món tiền đủ để lo được thăng lên cấp bậc trung tá, hoặc để dùng vào bất cứ việc nào khác tùy sở thích".

Nghe tin bố chồng đã tha thứ cho mình, Amelia lòng tràn ngập niềm vui; cô cũng cảm tạ lòng tốt của ông bố chồng quá cố đã để lại số tiền trợ cấp cho mình. Nhưng khi cô hay tin Georgy sắp được trở về với mình, nhất là được biết chính Dobbin đã can thiệp để đi đến kết quả này, chính Dobbin đã trợ cấp cho mình trong cơn hoạn nạn, chính Dobbin đã mang đến cho mình cả chồng, cả con...thì cô đã quỳ ngay xuống để cầu Chúa ban phúc lành cho con người quý hoá và chung thủy; có thể nói cô muốn tự hạ mình, gục xuống mà hôn bàn chân của một tấm lòng rộng lượng và cao đẹp tuyệt vời như vậy.

Song Amelia cũng chỉ có thể lấy sự biết ơn để đáp lại tấm tình chung thủy và cao quí kia... chỉ có sự biết ơn mà thôi? Vì mỗi khi cô nghĩ tới một sự đền đáp nào khác, lập tức cô thấy hình ảnh George từ dưới mộ đứng dậy bước ra, lên tiếng: "Em thuộc về anh; em chỉ là của anh mà thôi, bây giờ và vĩnh viễn sau này nữa".

Wiham rất hiểu tâm tư của Amelia, anh ta chẳng đã sống suốt đời để đón ý người mình yêu đấy sao?

Khi nội dung tờ di chúc của ông Osborne được tuyên bố cho mọi người rõ, tự nhiên Amelia được những người quen biết săn đón trọng vọng khác thường; âu cũng là một việc đáng suy nghĩ. Mọi lần, bọn gia nhân phục dịch trong tòa nhà Joe mới tậu vẫn quen cãi lại Amelia, mặc dầu cô chỉ dám dùng những lời lẽ thật nhã nhặn mỗi khi sai bảo; chúng nói bướng rằng để sẽ đi "hỏi lại ông chủ" xem có nên vâng lời hay không đã; bây giờ tất cả một mực gọi dạ bảo vâng răm rắp. Chị đầu bếp không còn dám cười cợt chế giễu Amelia vì cô bận những bộ áo cũ kỹ tồi tàn (vì, dĩ nhiên, những buổi tối chủ nhật đi lễ nhà thờ, đầu bếp, gia nhân ăn bận thật lịch sự át hẳn bà chủ); những đứa đầy tớ khác cũng không còn càu nhàu mỗi khi nghe tiếng chuông Amelia gọi, và khi nghe rõ vội thưa ngay. Anh xà ích trước kia vẫn cấm cẳn phàn nàn tỏ ý không muốn cặp ngựa của mình phí sức, không muốn xe ngựa của chủ biến thành một cái nhà thương vì phải giong xe cho "lão già" và bà Osborne đi chơi; bây giờ chính y lại xun xoe chỉ mong được đánh xe hầu, vì y đang thấp thỏm sợ bác xà ích nhà ông Osborne hất cẳng vào chiếm chỗ làm của mình. Gặp ai anh ta cũng rêu rao: "Cái bọn xà ích ở khu phố Russell chúng nó có biết phố xá trong tỉnh mô tê đâu vào đâu! Mặt chúng nó mà xứng đáng ngồi giong cương xe ngựa cho một bậc mệnh phụ à?" Bỗng nhiên đám bè bạn của cô cả đàn ông lẫn đàn bà ai cũng săn đón hỏi thăm Emmy; trên mặt bàn trong phòng khách thư từ mọi chỗ quen thuộc gửi đến chia buồn chất thành đống. Chính Joe xưa nay cũng vẫn quen coi em gái chỉ là một người đàn bà nghèo túng tốt bụng và vô hại, mình có nhiệm vụ phải chu cấp nơi ăn chốn ở; bây giờ đối với hai mẹ con thằng cháu trai triệu phú, anh ta cũng đâm ra hết sức kính nể... Joe sốt sắng khuyên em gái thay đổi cách sinh hoạt, nên tìm cách giải trí đôi chút để khuây khỏa nỗi sầu muộn sau bao cơn thử thách... "Con bé đáng thương quá"... Anh ta lại bắt đầu xuống cùng dự bữa sáng với gia đình, và đặc biệt lại hỏi ý em gái xem nên sử dụng ngày hôm ấy như thế nào.

Với tư cách là người đỡ đầu của Georgy, và được sự đồng ý của thiếu tá Dobbin tức là người được ủy nhiệm thực hiện di chúc, Amelia ngỏ ý muốn lưu cô Osborne ở lại khu phố Russell; cô muốn ở đến bao giờ cũng được, nhưng cô Osborne cảm ơn, đáp rằng mình không sao chịu đựng nổi cuộc sống trơ trọi giữa tòa nhà đầy những kỷ niệm đau buồn này; cô buồn bã bỏ về Cheltenham cùng hai người đầy tớ già. Amelia trả tiền công hậu hĩnh cho tất cả bọn gia nhân còn lại, rồi cho họ thôi việc. Riêng bác quản lý có tuổi và trung thành được Amelia giữ lại tiếp tục giúp việc, nhưng bác từ chối; bác muốn đem số vốn liếng đã gom góp được ra mở một quán rượu; chúng ta hy vọng rằng việc làm ăn của bác cũng không đến nỗi đáng phàn nàn. Cô Osborne không muốn ở lại khu phố Russell; sau khi đã suy đi tính lại kỹ càng, Amelia cũng tỏ ý không muốn sống trong tòa nhà cổ kính âm thầm này làm gì. Vì vậy, người ta dẹp hết cả đồ đạc đi; những bộ bàn ghế quý giá, những cây đèn cổ kính trang nghiêm, những tấm gương nước thủy mờ mờ rầu rĩ, tất cả đều được bọc lại cẩn thận mang cất đi; gian phòng khách lộng lẫy bằng gỗ hồng cũng được che cẩn thận dưới một lượt rơm phủ kín; người ta cuộn tất cả những tấm thảm và bó lại, những tác phẩm chọn lọc đóng bìa rất đẹp vẫn bày trong chiếc tủ sách nhỏ, nay đem chất đống vào trong hai cái tủ rượu. Cuối cùng tất cả mọi thứ đồ đạc vặt vãnh cũng được mang chất vào trong mấy chiếc xe chở đồ, chờ khi nào Georgy đến tuổi thành niên. Riêng về khoản bộ bát đĩa cổ bằng bạc thì mang đến gửi tại nhà ngân hàng Stumpy và Rowdy; nó sẽ nằm yên trong nhà kho của mấy vị này và cũng chờ đến ngày đó.

Một hôm Amelia giắt tay Georgy, hai mẹ con cùng bận đồ tang, đến thăm tòa nhà trống trải, nơi từ hồi còn con gái đến giờ cô mới đặt chân đến là lần đầu. Ngoài sân còn bừa bãi những rơm rác, đấy là chỗ người nhà đã chất đồ đạc lên xe mang đi. Hai mẹ con bước vào những căn phòng cô quạnh mênh mông, trên mặt tường còn để lại vết những bức tranh và những tấm gương soi đã gỡ mang đi. Hai mẹ con lại theo chiếc cầu thang lớn bằng đá dẫn lên tầng trên; bước vào một gian phòng, Georgy thì thầm bảo mẹ rằng "ông nội chết ở đây", rồi dắt mẹ lên tầng gác thứ ba, vào trong gian phòng riêng của mình. Đứa con trai vẫn đứng bên, tay níu chặt áo mẹ, nhưng lúc này Amelia đang nghĩ đến cha nó... Cũng như nó, xưa kia George đã từng sống trong căn phòng này đây. Cô bước lại bên một khung cửa sổ vẫn để ngỏ (hồi trước, khi đứa con trai của cô bị bắt mang đi, đã bao lần cô đứng dưới đường đăm đăm nhìn lên những khung cửa sổ phòng này. Từ trong phòng trông ra, Amelia có thể nhìn qua ngọn những hàng cây trồng trong khu phố Russell thấy ngôi nhà cổ kính, nơi chính cô đã lọt lòng mẹ ra chào đời, nơi cô đã được sống bao ngày tháng của tuổi hoa niên đẹp đẽ thiêng liêng. Bao kỷ niệm xa xưa dồn dập trở lại trong ký ức. Những tháng nghỉ hè đầy hạnh phúc, những bộ mặt thân thuộc dịu dàng, những trò giải trí thoải mái hồn nhiên, và cả những cuộc thử thách, những nỗi sầu muộn đã sớm ùa đến mà dìm cô xuống trong sự đau khổ. Cô nhớ lại tất cả những chuyện ấy, nhớ lại cả con người chung thủy vẫn đùm bọc che chở cho mình, vị thần hộ mệnh, người bạn trìu mến và rộng lượng của mình.

Georgy bỗng nói:

- Nhìn kìa, má. Có hai chữ G.O. vạch bằng kim cương lên mặt ô kính cửa sổ; trước kia con chưa trông thấy bao giờ; con cũng không vạch hai chữ ấy.

Amelia trả lời con:

- Georgy, đây là phòng riêng cha con vẫn dùng ngày xưa... đã lâu lắm, lâu lắm rồi, trước khi con ra đời, con ạ.

Rồi cô cúi xuống hôn con, mặt đỏ lên.

Lúc hai mẹ con ngồi xe ngựa trở về Richmond, Amelia lặng thinh có ý đăm chiêu; cô thuê tạm một ngôi nhà ở đây. Người ta thấy mấy ông thầy kiện mặt mũi hể hả vẫn ra vào ngôi nhà này, coi bộ bận rộn lắm (ta có thể yên trí rằng họ tính cẩn thận từng buổi đến thăm trong bản thanh toán tiền công với thân chủ); và dĩ nhiên trong nhà cũng có một gian phòng dành riêng cho thiếu tá Dobbin; anh ta cưỡi ngựa đến chơi luôn; Dobbin cũng đang bận túi bụi lên vì phải lo thu xếp công việc cho đứa trẻ vị thành niên được mình đỡ đầu.

Hồi này Georgy được phép từ giã ông Veal; nó được nghỉ học trong một thời gian không hạn định; đồng thời nhà học giả cũng được thuê tiền để sáng tác nội dung một tấm bia tạc bằng đá cẩm thạch quý sẽ dựng trong nhà thờ cô nhi viện, mé dưới bức tượng kỷ niệm đại úy George Osborne.

Vợ Bullock, tức là cô thằng Georgy, cũng đối xử thân mật với hai mẹ con người đàn bà góa; mụ tỏ ra vẫn có tấm lòng bao dung mặc dầu đã bị cái thằng oắt con quỷ quái cướp mất nửa số tiền lẽ ra mình được hưởng trong phần gia tài của cha để lại.

Roehampton cũng không cách xa Richmond là bao cho nên một buổi kia, người ta thấy một chiếc xe ngựa có treo huy hiệu mạ vàng của gia đình Bullock chạy thẳng đến cửa nhà Amelia ở Richmond thì đỗ lại. Lũ con nhà Bullock ngồi trong xe, mặt mũi xanh xao. Mấy mẹ con kéo nhau ùa vào trong vườn, thấy Amelia đang ngồi đọc sách, và Joe thì đang ngồi dưới một vòm cây uốn, ung dung thả những quả dâu tươi vào rượu vang; lại thấy cả thiếu tá Dobbin bận bộ áo nhà binh Ấn Độ đang cúi khom khom lưng để cho thằng Georgy chơi trò nhảy ngựa.

Nó nhảy qua đầu Dobbin rơi xuống ngay trước mặt đám trẻ nhà Bullock; mấy đứa này bận áo tang đen, đội mũ có đính những túp lông màu đen to tướng, líu ríu theo sau ba mẹ cũng bận áo đại tang.

Trông thấy thằng Georgy, bà mẹ quý hóa nghĩ thầm ngay:

- Thằng bé vừa xuýt xoát tuổi con Rosa nhà mình đây! Và liếc nhìn sang cô con gái quý báu, một cô tiểu thư ốm o mới lên bảy tuổi. Bà Frederick bảo con gái:

- Rosa, lại hôn anh đi, con. Georgy, cháu có biết cô là ai không nào? Cô là cô ruột cháu đây mà.

Georgy đáp:

- Cháu biết thừa đi rồi. Nhưng mà xin lỗi, cháu không thích hôn đâu.

Con Rosa ngoan ngoãn vâng lời mẹ chạy đến hôn thằng anh con nhà bác; nhưng thằng Georgy không chịu, lảng ra.

Bà Frederick lại bảo:

- Con nhà đến hay. Thế đưa cô đến gặp má cháu vậy.

Lần đầu tiên hai người đàn bà gặp lại mặt nhau, sau hơn mười lăm năm trời xa cách. Suốt thời gian Emmy lâm vào cảnh nghèo túng khổ cực cô em chồng chưa hề bao giờ nghĩ đến chuyện lại thăm chị dâu; nhưng bây giờ Amelia đã tạm gọi là mở mặt ra với thiên hạ thì cô em chồng lại mò đến hỏi han là chuyện tất nhiên. Vô khối người khác cũng thế. Một hôm, cô bạn cũ của chúng ta là cô Swartz cùng chồng từ Hampton "tiền hô hậu ủng" đến Richmond chơi, mang theo cả một bầy gia nhân bận chế phục rực rỡ màu vàng; cô vẫn tỏ ra nồng nàn đối với bạn như trước. Cô Swartz thề rằng mình vẫn yêu quý bạn như xưa, hiềm nỗi không có điều kiện đi lại thăm bạn luôn được. Ta cũng đành tin như vậy. Vì biết làm sao được?() trong cái kinh thành mênh mông này ai là người có đủ thì giờ đi tìm lại đám bạn cũ mà thăm hỏi cho xuể. Nếu họ trót rời khỏi hàng ngũ thì xin họ cứ việc tự do biến mất, chúng ta tiếp tục tiến lên không cần đến họ nữa. Trong Hội chợ phù hoa này, có ai là người được kẻ khác thương nhớ bao giờ đâu.

Vậy thì tóm lại, trước khi hết tang ông Osborne, Emmy đã thấy mình sống giữa một xã hội thượng lưu nho nhỏ. Đám người này không bao giờ tưởng tượng được rằng trong giới mình lại có thể có kẻ gặp chuyện không may trong đời. Ít có bà nào không có họ hàng với một nhà quí tộc, mặc dầu chồng các bà chỉ là một bác lái buôn quèn ở khu City. Cũng được vài bà có học vấn, có kiến thức; họ đọc sách của Somerville, và có đến Hàn lâm viện của Hoàng gia luôn; nhiều bà khác tính tình khắc khổ, không bỏ sót buổi họp mặt nào ở Exeter Hall không đến. Phải thú thực rằng sống giữa đám các bà các cô tai to mặt lớn này, Emmy thấy lúng túng khó cư xử quá.

Hai lần cô bắt buộc phải nhận lời mời của vợ Frederick Bullock đến dự tiệc thì hai lần cô cảm thấy vô cùng khổ sở. Cái cô em chồng mệnh phụ này cứ nhất định lên mặt bề trên với Amelia, và cương quyết một cách vô cùng lịch sự đòi dạy cô bằng được những kiểu cách của xã hội thượng lưu. Mụ dắt đến cho Amelia lũ thợ trang sức của mụ; mụ còn đòi điều khiển cả việc gia đình hộ Amelia, cũng như muốn uốn nắn cả từ lời ăn tiếng nói cho chị dâu. Mụ đánh xe ngựa từ Roehampton đến chơi luôn, kể lể con cà con kê toàn những chuyện nhạt phèo trong giới thượng lưu và trong triều đình. Joe nghe chuyện khoái tai lắm, còn anh chàng thiếu tá hễ thấy mụ đàn bà lò dò đến với cái món quý phái rẻ tiền của mụ là lẩm bẩm bực mình bỏ đi nơi khác.

Một buổi tối, sau bữa tiệc thịnh soạn do Frederick Bullock thết, Dobbin lim dim ngủ (Bullock vẫn đang xoay đủ cách để chuyển số vốn của ông Osborne gửi tại nhà ngân hàng Stumpy and Rowdy về ngân hàng của mình), trong khi ấy Amelia ngồi giữa đám khách khứa phụ nữ sang trọng trong gian phòng khách rộng bát ngát, yên lặng nhìn ra ngoài vườn ngắm những thảm cỏ mịn như nhung, những lối đi sạch sẽ trải đá cuội và những ngôi nhà kính trồng hoa sáng lấp lánh; bởi vì cô không hiểu tiếng La-tinh, không biết cả tên tác giả vừa viết một bài xã luận nổi tiếng trong tờ "Tuần báo Edinburgh", cũng như không buồn chú ý đến những lời kêu ca phàn nàn của ông Peel về vấn đề trưng cầu ý kiến giải phóng tôn giáo rất sôi nổi vừa qua. Thấy thế, bà Rowdy bảo:

- Bà ta nom cũng hiền lành, nhưng phải cái vô vị quá. Thế mà coi bộ ông thiếu tá say sưa () đáo để..

Bà Hollyock thêm:

- Xem ra thiếu kiểu cách () lắm, không thương được. Bà bạn của tôi ơi, đố bà làm sao uốn nắn nổi đấy.

Bà Glowry thì buồn bã lắc đầu cái đầu quấn khăn, giọng nói như vang từ đáy mồ:

- Bà ta dốt nát một cách kinh khủng, nếu không thì cũng là quá sức lơ đãng. Tôi hỏi bà ta Đức giáo hoàng tạ thế năm nào; năm 1836, theo ông Jowls, hay là năm 1839 theo ông Wapshot, bà ta đáp: "Tôi không rõ;đáng thương thay cho đức Giáo hoàng... ông ấy làm gì nhỉ?".

Bà Frederick Bullock đáp:

- Các bà bạn ơi, vợ góa của ông anh ruột tôi đấy. Bởi thế tôi nghĩ rằng chúng ta có nhiệm vụ hết sức chú ý săn sóc và dạy dỗ chị ấy để đưa vào xã hội thượng lưu. Xin các bà đừng hiểu lầm rằng vì tôi hám lợi, các bà còn lạ gì chuyện thất vọng của tôi vừa qua.

Lúc ra về, Rowdy và Hollyock cùng đi, họ bàn tán với nhau:

- Cái mụ Bullock quý hóa đáng thương kia lúc nào cũng thấy tính toán mưu mẹo. Mụ đang tìm cách chuyển số tiền lão Osborne gửi chúng mình về ngân hàng của chồng mụ đấy...Nom cách mụ mơn trớn thằng bé, và cố ghép nó ngồi sát cạnh con Rosa mắt chó giấy mới tức cười làm sao.

Lão kia đáp:

- Mong rằng Glowry xưa đã chết quách cùng với kẻ phản chúa và trận Armageddon của mụ ().

Xe chuyển bánh chạy về phía Putney Bridge.

Nhưng cái xã hội thượng lưu này đã lịch sự một cách quá tàn nhẫn đối với Emmy, khi có ý kiến bàn nên đi du lịch nước ngoài, tất cả mọi người nhảy cỡn lên vì sung sướng.

Chương 62: TRÊN BỜ SÔNG RHEIN

Sau ngày xảy ra những việc lặt vặt kể trên được vài tuần lễ, một buổi sáng đẹp trời kia, những con người lịch sự thành Luân- đôn rủ nhau rời khỏi thành phố để bắt đầu cuộc du lịch hàng năm của họ đi tìm thú giải trí hoặc để lấy lại sức khỏe. Quốc hội đã tạm ngừng hoạt động vì thời tiết mùa hè oi bức.

Chiếc tàu thủy chạy hơi nước Batavier từ giã cầu Tháp Luân- đôn chật ních toàn du khách người Anh đi nghỉ mát. Trên boong tàu đằng lái đã căng lên nhiều chiếc lều vải bạt; hành khách chen chúc nhau trên những chiếc ghế dài, và bên hàng lan can thành tàu: Những đứa trẻ bụ bẫm hồng hào, những chị vú nuôi bận rộn tíu tít, những bà sang trọng bận áo mát mùa hè, đội mũ màu hồng thật diêm dúa, và những ông sang trọng trong những bộ áo vải, đầu chụp mũ lưỡi trai du lịch, với bộ râu vừa mới để rậm cốt dùng riêng trong cuộc viễn du. Ấy là chưa kể các vị du khách lão luyện ăn bận lịch sự, vóc dáng béo tốt, cổ áo đính nơ, hồ bột cứng nhắc, mũ chải thật tươm tất. Từ hồi chiến tranh chấm dứt, đám khách du lịch này vẫn ồ ạt kéo vào Âu châu bất cứ mùa nào trong năm. Họ đem cái phong cách đặc biệt dân tộc của người Anh đi giới thiệu tại tất cả các thành phố trên lục địa. Hộp mũ, va ly, và những hộp đựng đồ trang sức chất thành đống trên tàu. Đây là những cậu sinh viên trẻ tuổi trường đại học Cambridge cùng những giảng viên hướng dẫn, đi tham quan Nonnenwerth và Konigswinter; kia là mấy chàng thanh niên Ai len để râu mép nom thật bảnh, đeo cả đồ trang sức nữa; họ luôn mồm kháo nhau về chuyện đua ngựa, và tỏ ra hết sức lịch sự với các bà các cô cùng đi trên tầu. Trái lại, các cậu sinh viên Cambridge và mấy vị giảng viên hướng dẫn nước da tai tái, thấy phụ nữ lại cứ lẩn như trạch, e lệ như con gái. Người ta thấy trong số hành khách còn có cả những ông vẫn quen la cà ở Pall Mall; họ đi Ems và Wiesbaden để tiêu bớt số mỡ thừa trong người vì những bữa tiệc ê hề mùa hội vừa qua, và đồng thời cũng tìm cách kích thích thêm lòng yêu đời bằng những ván bài xì () và trò chơi quay số. Này là ông lão Methuselah vừa vớ được một cô vợ trẻ măng, có đại úy Papillon () thuộc Ngự lâm quân đi kèm, mang quyển sách hướng dẫn du lịch và cầm hộ ô cho cô dâu mới; kia là cậu May() trẻ trai dẫn vị hôn thê đi đổi gió tìm thú vui (vị hôn thê của cậu là bà Winter (), xưa kia có hồi đã là bạn đồng học của bà nội chính cậu May), lại có cả tôn ông John cùng phu nhân và con cái, lau nhau vừa đúng một tá, kèm theo vú bõ một đoàn, ta còn thấy gia đình quý tộc Bareacre ngồi trơ trọi mé gần bánh lái, cứ giương mắt lên mà ngó tất cả mọi người, nhưng không thèm hỏi ai cả. Xe ngựa của gia đình này với đủ cả huy hiệu quý tộc đỗ trên boong tàu đằng mũi, chen chúc bên cạnh một tá xe ngựa khác tương tự. Kiếm cho ra một lối đi lách qua đám xe cộ kềnh càng này thật khó. Đám hành khách đáng thương thuê ca-bin phía mũi tàu phải vất vả lắm mới tìm được chỗ ra vào. Đó là mấy ông Do-thái ăn mặc thật lãng lẫy; họ hà tiện mang theo thức ăn của nhà; nhưng thật ra, họ có đủ tiền để mua đến nửa số các ông bà sang trọng đang giải trí vui vẻ trong phòng khách lớn của con tàu. Một vài anh chàng coi bộ đứng đắn để râu mép, mang theo những mảnh bìa cứng rộng, khoảng nửa giờ trước khi tàu chạy đã thấy họ lúi húi giở giấy bút ra vẽ ký họa rồi. Có một hai chị hầu phòng người Pháp đã bắt đầu say sóng lúc tàu mới đi ngang Greenwich; một vài anh xà ích cứ loanh quanh bên cạnh chỗ nhốt ngựa để trông nom ngựa nhà, hoặc đứng tỳ vào bánh lái trên khoang tàu mà tán chuyện gẫu với nhau về những chiến công của con "Nhẹ nhàng", và đoán phỏng người nào sẽ chiếm giải trong cuộc đua tranh giải Goodwood.

Bọn đầy tở đã quen chịu đựng tàu chòng chành, không còn ngã bổ chửng như trước nữa; họ thu xếp chỗ nằm ngồi của chủ trong ca-bin hoặc trên boong tàu xong xuôi, bèn túm năm tụm ba đứng kháo chuyện và hút thuốc lá với nhau. Mấy ông sang trọng người Do-thái bèn lân la lại gần cùng đứng ngắm mấy cỗ xe. Tôn ông John có cỗ xe to chứa được đến mười ba người cùng ngồi; này là xe của bá tước Methuselah, xe của bá tước Bareacre; xe cỡ lớn, xe cỡ nhỏ, và cả loại xe hạng tồi, ai muốn cũng có thể sắm được.

Không hiểu mấy nhà quý tộc đào đâu ra tiền mà chi phí trong cuộc du lịch này nhỉ? Riêng các ông khách người Do-thái biết rất rõ tiền ấy ở đâu ra. Các ông biết cả số tiền hiện nằm trong túi các vị là tiền nào, vay của ai và chịu lãi bao nhiêu phần trăm. Cuối cùng bọn này duyệt đến một cỗ xe du lịch thật sự; một bác hầu việc tai đeo khuyên vàng, khoác một cái túi da đựng tiền, hỏi một bác hầu việc khác cũng khoác túi da và đeo khuyên ở vành tai:

- Xe này của ai nhỉ ?()

Bác kia đáp lại cũng bằng tiếng Pháp lơ lớ pha giọng Đức:

- Chắc là xe của lão Kirsch... vừa nãy tôi nom thấy lão ngồi ăn bánh xăng-uych trong xe. ()

Kirsch đang đứng gần đó; hắn đang bận gân cổ hò hét ra lệnh cho bọn phu khuân vác phải buộc néo hành lý của khách đi tàu sao cho thật chặt, vừa văng tục bằng đủ các thứ tiếng trên thế giới. Hắn bước lại cho các bạn đồng nghiệp biết về lý lịch chiếc xe. Hắn bảo rằng chiếc xe này là của một ông "Nabopp" ở Calcutta Jamaica; ông này giàu có không biết để đâu cho hết của; ông ta thuê hắn đi theo hầu hạ trong cuộc du lịch này. Lúc ấy có một thằng bé vừa hì hục leo được lên đống hòm xiểng va ly cao ngất, lại đứng ngay tại đấy mà nhảy đánh huỵch một cái xuống nóc xe của bá tước Methuselah, rồi cứ thế thằng bé chuyền qua nóc các xe khách cuối cùng đến xe của gia đình; nó leo xuống chui qua cửa sổ xe vào trong. Bọn hầu việc đứng nom coi bộ phục lăn.

Bác hầu việc, vừa cười vừa lật chiếc mũ lưỡi trai chào thằng bé:

- Hôm nay, cuộc vượt biển của chúng ta chắc sẽ dễ chịu lắm, cậu George ạ. ().

Thằng bé văng tục:

- Vứt mẹ nó cái tiếng Pháp của anh đi. Bánh bích quy để đâu, hả?

Kirsch đành nói với thằng Georgy bằng tiếng Anh, hoặc đúng hơn bằng một thứ tiếng đại khái như tiếng Anh... Kirsch biết nói đủ các thứ tiếng, nhưng không có một thứ tiếng nào hắn nói được gọi là thạo; hắn cứ liến thoắng nói tất cả các thứ tiếng một cách vô tội vạ như nhau, bất cần ngữ pháp.

Cậu công tử hách dịch đang đứng ngốn lấy ngốn để bánh bích-quy chính là thằng Georgy Osborne người bạn quen thuộc của chúng ta. Lúc này nó đã thấy đói, vì từ lúc cu cậu ăn điểm tâm ở Richmond đến bây giờ đã có tới ba tiếng đồng hồ. Mẹ nó và bác Joe đang ở trên boong tàu đằng lái, cùng với một người bạn vẫn đi lại thân mật với gia đình. Cả bốn người định đi du lịch xa trong mùa hè năm nay.

Joe đang ngồi trên boong, dưới một chiếc lều vải bạt, gần như đối diện với chỗ gia đình bá tước Bareacre ngồi. Hầu như Joe tập trung hết cả sự chú ý của mình vào cử chỉ của gia đình nhà này. Cả hai vợ chồng lão bá tước nom trẻ ra so với hồi Joe gặp họ ở Brussels năm 1815 (hồi ở Ấn Độ, anh chàng thường khoe ầm lên rằng mình có đi lại rất thân mật với họ). Hồi ấy tóc của Bareacre phu nhân màu sẫm, bây giờ đổi thành màu vàng óng rất đẹp; còn bộ râu của lão bá tước trước kia màu đỏ sẫm, bây giờ lại hóa thành màu đen; ánh nắng chiếu vào làm ánh lên những sợi pha màu đỏ sẫm và xanh tím. Tuy hình dáng bề ngoài của vợ chồng nhà này có thay đổi nhưng Joe vẫn nhận ra, anh chàng rất chú ý đến cử chỉ của họ.

Đứng trước một vị bá tước, Joe như bị thu mất hồn, không thiết để mắt nhìn một vật gì khác.

Dobbin ngắm Joe, bật cười nói:

- Hình như cái bọn kia làm anh thú vị lắm thì phải?

Amelia cũng cười. Cô đội một chiếc mũ rơm có băng đen, vẫn mặc áo tang; nhưng sự ồn ào xung quanh và cuộc hành trình giải trí thoải mái khiến cô dễ chịu và cảm thấy hào hứng; xem ý cô thích thú lắm.

- Trời hôm nay đẹp tuyệt!

Emmy thốt lên, và tiếp theo một nhận xét thực là đặc sắc:

- Tôi mong rằng chuyến đi này trời im bể lặng.

Joe xua xua bàn tay tỏ ý coi thường nguy hiểm, mắt vẫn liếc nhìn sang cái gia đình quý phái ngồi mé trước mặt. Anh ta nói:

- Nếu cô đã từng đi đây đi đó nhiều như chúng tôi đây, cô sẽ không buồn quan tâm lắm đến thời tiết làm gì.

Nhà du khách lão luyện của chúng ta tuy huyênh hoang nói thế, nhưng đêm hôm ấy anh chàng chui vào xe nằm, trong người nôn nao tưởng gần chết. Bác hầu việc Kirsch phải đem rượu mạnh trợ lực cho chủ, săn sóc thật chu đáo. Đúng giờ đã định, đoàn khách du lịch vui vẻ này cập bến ở Rotterdam, rồi lại xuống một chuyến tàu thủy khác đi Cologne. Đến đây mọi người đặt chân lên đất liền; chiếc xe ngựa cũng được chuyển lên bộ. Thấy báo chí ở Cologne đăng tin: "Ngài bá tước von Sedley từ Luân-đôn vừa đến Cologne"() Joe lấy làm hãnh diện lắm; anh ta cẩn thận mang theo cả bộ lễ phục dùng riêng trong những cuộc triều kiến, và cũng đã nhất định buộc Dobbin phải đem theo bằng được bộ quân phục. Joe tuyên bố rằng phen này mình có ý định vào thăm triều đình các nước ngoài, để tỏ lòng trân trọng đối với các vị quốc vương những nước có hân hạnh được anh ta đặt chân tới du lãm.

Mỗi lần dừng chân ở bất cứ đâu, và hễ có dịp thế nào Joe cũng tìm đến tòa lãnh sự Anh ở địa phương để đưa bằng được danh thiếp của mình và của Dobbin vào. Lần viên lãnh sự Anh ở Judenstadt mời họ đến dự tiệc, mọi người phải can mãi anh ta mới thôi không đội chiếc mũ vành tam giác có đính băng kim tuyến để ra mắt nhà ngoại giao có bụng hiếu khách. Joe còn viết một tập nhật ký, trong đó anh ta ghi lại tất cả những ưu điểm cũng như khuyết điểm của những khách sạn anh ta đã đặt chân đến, cùng đặc điểm của các thứ rượu và các món ăn đã thưởng thức.

Riêng Emmy thấy cuộc du lịch rất thú vị. Trong những buổi đi chơi, Dobbin vẫn mang hộ người bạn gái một chiếc ghế xếp nhỏ và một tập sách vẽ. Anh ta cứ tấm tắc khen mãi những bức ký họa của nhà nghệ sĩ xinh xinh; lần đầu tiên trong đời, Amelia được người khác ca tụng những bức vẽ của mình như vậy. Cô ngồi trên boong tàu thủy nhìn lên bờ sông vẽ những mỏm đá hoặc những tòa lâu đài. Cũng có khi Amelia cưỡi lừa leo lên thăm những chiếc tháp cổ kính trơ trọi trên đỉnh đồi, gọi là tháp của trộm cướp, có Dobbin và Georgy đóng vai kỵ sĩ phụ tá theo hầu. Nhìn Dobbin cưỡi lừa, hai chân dài nghêu thõng xuống sát đất, Amelia không sao nhìn được cười; Dobbin cũng cười theo, Dobbin lãnh nhiệm vụ thông ngôn cho cả đoàn, vì anh ta biết khá nhiều tiếng Đức trong thời gian tại ngũ. Anh ta đem những chuyện về chiến dịch sông Rhine và chiến dịch Palatinate kể lại cho thằng Georgy nghe, thằng bé khoái lắm. Chỉ trong khoảng vài tuần sau, nhờ chịu khó thảo luận với tôn ông Kirsch lúc ngồi trên ghế xà ích, Georgy đã có những tiến bộ trông thấy trong việc học tiếng Đức. Nghe nói có chuyện với bọn đầy tớ trong các khách sạn và bọn bồi ngựa, mẹ nó sung sướng quá.

Dobbin cũng lấy làm thú vị.

Joe rất ít khi tham dự những cuộc đi chơi buổi chiều cùng các bạn đồng hành. Ăn xong, anh ta lăn ra đánh một giấc thật cẩn thận, nếu không thì cũng ngồi lim dim sưởi nắng dưới vòm cây trong những khu vườn xinh xắn của các khách sạn. Những khu vườn vùng sông Rhine mới đẹp làm sao! Thật là một xứ sở thần tiên của thanh bình và ánh nắng... những ngọn núi hùng vĩ màu đỏ tía, đỉnh núi soi bóng xuống dòng sông trắng lệ. Ai đã từng thưởng thức cảnh đẹp này, sẽ không bao giờ quên được những nét mỹ lệ mang lại cho người du khách sự thư thái trong tâm hồn.

Chúng ta hãy tạm dừng bút và để cho tâm hồn mình bay tới vùng sông Rhine kiều diễm... chỉ cần thế thôi cũng đủ khiến cho chúng ta sung sướng rồi. Vào hồi này, những buổi chiều mùa hạ, từng đàn bò lũ lượt từ sườn đồi kéo xuống vừa kêu rống lên vừa lắc lắc những cái chuông đeo ở cổ kêu leng keng, chúng tiến về một thị trấn cổ kính còn giữ lại đủ cả những hào nước, những chiếc cổng đồ sộ, những mái nhà nhọn hoắt cũ kỹ, và những hàng cây dẻ trải bóng mát màu xanh thẫm dài ra trên mặt cỏ. Nền trời và mặt sông cùng ánh lên một màu ráng vàng đỏ ối như rực lửa. Và kìa mặt trăng đã vội hiện ra mờ mờ ngó xuống cảnh hoàng hôn.

Mặt trời lặn dần sau những dãy núi hùng vĩ, trên đỉnh nổi bật bóng đen của những tòa lâu đàn màu đêm buông xập xuống, mặt sông tối dần, từ những khung cửa sổ trên mặt sông run rẩy chập chờn, hoặc thấp thoáng êm đềm trong những xóm làng dưới chân đồi bên kia bờ sông.

Còn Joe thì sau bữa ăn hay ngồi thu hình trong ghế bành thật thoải mái, kéo khăn quàng che kín mít mặt đánh một giấc ngon lành; sau đó anh ta đọc tất cả các tin tức đăng trên báo Galignani, nghiền ngẫm từng câu từng chữ (mọi người Anh du lịch ra ngoại quốc đều cầu Chúa ban phúc lành cho người sáng lập ra tờ báo quý ghê quý gớm này!); nhưng dù Joe thức hay ngủ, thì mấy người bạn đồng hành cũng không hề cảm thấy thiếu sự có mặt của anh ta.

Quả thật họ đang sống tràn trề hạnh phúc. Buổi tối, họ thường rủ nhau đi coi hát tại rạp Opera...những rạp Opera ấm cúng; khiêm tốn, cũ kỹ nhưng rất thân mật trong các thị trấn nước Đức; tại đây người ta thấy một bên các ông bà quý tộc vừa coi hát vừa hò hét, hoặc đan bít tất; họ ngồi tách biệt hẳn với bọn thị dân mé bên kia.

*

* *

Ngài quận công () cùng gia đình cao quý lịch sự của ngài tiến vào lô ghế dành riêng ở khu giữa. Tầng dưới chật ních toàn những sĩ quan dáng điệu phong nhã, bận áo chèn bó khít lưng, để bộ ria mép màu vàng óng, mặc dầu lương chính của các vị chỉ có hai penni một ngày. Chính tại nơi này, Emmy đã vô cùng sung sướng vì lần đầu tiên được làm quen với âm nhạc kỳ diệu của Mozart và Cimarosa. Ở trên, chúng ta đã có dịp biết Dobbin cũng yêu âm nhạc và lại có dịp thưởng thức tài thổi sáo của anh ta. Nhưng có lẽ ngồi trong rạp Opera, anh ta thú nhất là được ngắm Emmy say sưa thưởng thức âm nhạc. Nghe những bản nhạc thần tiên này, Emmy cảm thấy trước mặt mình mở ra cả một thế giới mới của tình yêu và mỹ lệ.

Người đàn bà ấy vốn có một khả năng cảm xúc vô cùng tế nhị và sâu sắc, làm sao mà thờ ơ được khi nghe nhạc của Mozart? Có những đoạn trong bản nhạc Don Juan dịu dàng êm ái quá; đánh thức trong tâm hồn Amelia những khoái cảm đầm ấm vô cùng đến nỗi ban đêm, những lúc ngồi cầu kinh, cô băn khoăn tự hỏi không biết rằng khi thưởng thức vở nhạc kịch 'Vedrai Carino' và 'Batti Batti', trái tim bé nhỏ của mình rung động mãnh liệt như thế có phải là một tội lỗi hay không. Cô đem thắc mắc của mình ra hỏi ý kiến Dobbin; anh chàng thiếu tá vẫn đóng vai cố vấn về giáo lý cho người bạn gái (và chính anh ta cũng là một người rất ngoan đạo) đáp rằng, theo ý riêng, bất cứ vẻ đẹp nào của nghệ thuật hoặc của tạo vật cũng chỉ giúp cho con người thêm hạnh phúc. Anh ta nói thêm rằng được nghe một bản nhạc hay, được ngắm những ngôi sao trên bầu trời, cũng như được thưởng thức một phong cảnh kỳ thú hoặc một bức họa thiên tài, những sự thích thú ấy đều khiến cho chúng ta chân thành cảm tạ Thượng đế như khi được hưởng bất cứ một hạnh phúc trần tục nào khác. Amelia rụt rè đưa ra vài ý kiến phản đối (rút trong những cuốn sách đạo lý đại khái như cuốn "Người đàn bà giặt thuê ở Finchley" hoặc những tác phẩm tương tự cùng loại, mà cô đã được đọc hồi còn ở Brompton). Dobbin bèn kể một câu chuyện cổ tích Đông phương đại ý nói con cú cho rằng ánh sáng mặt trời không thể thích hợp với mắt, và con chim họa mi được người ta đánh giá tài năng quá mức(). Anh ta cười nói thêm: "Trời sinh ra con họa mi để hót, và con cú để rúc; chị có giọng nói trong trẻo như thế, chị phải thuộc về loài chim họa mi mới đúng.

Tôi muốn nói dài một chút về quãng đời này của Amelia, vì tôi tin rằng thời kỳ này cô có nhiều hạnh phúc và sung sướng. Các bạn đã rõ, từ nhỏ Amelia chưa mấy khi được hưởng một cuộc sống như vậy; trí thông minh và những năng khiếu của cô cũng chưa hề có điều kiện được giáo dục đến nơi đến chốn. Cho đến nay, cô vẫn chỉ được thụ hưởng sự giáo huấn của những nhà trí thức quá tầm thường. Rất nhiều người phụ nữ phải chịu chung số phận như vậy.

Và cũng vì mỗi một người thuộc phái đẹp là kẻ thù của tất cả những người đàn bà khác trên đời, cho nên những người này sẵn sàng rộng lượng đánh giá người e lệ là vớ vẩn, người thùy mị là ngốc nghếch... và sự yên lặng - tức là một cách phản ứng rụt rè đối với lời gièm pha xấu thói của những kẻ cứ muốn lên mặt khống chế thiên hạ - thì không bao giờ được Tòa án tôn giáo của giới phụ nữ tha thứ. Bởi thế cho nên, hỡi bạn đọc thân mến và văn minh của tôi, nếu tối hôm nay chúng ta đến dự một buổi họp mặt của các bác bán hoa quả, rất có thể câu chuyện chúng ta không được các bác chú ý lắm. Ngược lại ví thử có một bác bán hoa quả nào đó lại lạc vào ngồi uống trà cùng bàn với các vị khách lịch sự nhã nhặn như bạn, để nghe người ta thi nhau ăn nói bóng gió, kiểu cách, để nghe các ông các bà thượng lưu tai mặt bôi nhọ danh dự của bè bạn một cách thật thú vị, rất có thể người khách lạ mặt kia sẽ gìn giữ không dám nói nhiều, và dĩ nhiên không được ai chú ý, cũng như không buồn chú ý đến ai.

Chúng ta cũng cần nhớ rằng, cho đến nay, chưa bao giờ Amelia có dịp tiếp xúc với một nhân vật thượng lưu. Có lẽ những con người thực sự thượng lưu trên đời này hiếm hơn nhiều người vẫn tưởng. Thử hỏi chúng ta ai là người có thể tìm thấy được nhiều nhân vật thượng lưu thực sự trong số những người quen thuộc... nghĩa là những người biết lấy việc làm điều tốt lành là mục đích của cuộc sống, biết trung thành tôn trọng sự thực, không những trung thành mà còn biết vươn tới những sự thực cao đẹp, những con người tính tình giản dị vì xa lạ với những thói đê tiện, những người có thể thẳng thắn ngẩng cao đầu nhìn vào mặt cuộc đời, với một thái độ thông cảm rất cao quý đối với kẻ giàu sang cũng như người nghèo hèn? Chúng ta đều có thể đếm được hàng trăm người thuộc loại sang trọng nghĩa là bận quần áo may cực khéo; nhưng chúng ta chỉ có thể tìm được khoảng chục người gọi là có tư cách đáng trọng, còn loại người biết giữ vững được bản lĩnh, mình vẫn là mình, mà bước chân vào cái giới thượng lưu đầy những con mắt cú vọ soi mói để giễu cợt, thì lại càng hiếm lắm, chỉ có độ một hai là cùng. Vậy thì được bao nhiêu người thực sự là quý phái? Mỗi người chúng ta hãy lấy giấy bút ra liệt kê danh sách coi thử.

Lẽ dĩ nhiên, đứng đầu danh sách của tôi, phải là anh bạn thiếu tá Dobbin. Anh ta có bộ giò dài ngoằng ngoẵng, một bộ mặt vàng khè, đôi môi hơi mỏng, thoạt nhìn trông anh ta hơi tức cười. Nhưng anh ta tính tình trung thực, trí óc sáng suốt, đời sống trong sạch không một vết nhơ, có tâm hồn nồng nàn nhưng kín đáo. Kể ra bàn chân bàn tay anh ta cũng to quá thật; thằng Georgy, và cả cha nó hồi còn sống nữa vẫn hay vẽ biếm họa để lôi anh ta ra làm trò cười. Những chuyện cười cợt nghịch ngợm ấy có thể đã làm cho Emmy lạc hướng không nhìn thấy chân giá trị của Dobbin. Nhưng chẳng phải đã hàng trăm lần chúng ta lầm lẫn đối với thực chất của những kẻ được ta quý mến, để rồi sau này lại thay đổi ý kiến đó sao? Cho nên trong thời gian này Emmy cũng thấy những thành kiến của mình đối với chân giá trị của anh chàng thiếu tá bị lay chuyển dữ dội.

Có lẽ đấy là thời kỳ cả hai người cùng được hưởng hạnh phúc đầy đủ nhất trong đời họ, nếu như họ hiểu đó là hạnh phúc, nhưng ai là người biết được mình đang có hạnh phúc? Liệu trong chúng ta, ai có thể chỉ rõ ra rằng đâu là tột đỉnh của hạnh phúc loài người? Dẫu sao đi nữa thì đôi trai gái này cũng rất bằng lòng với cuộc du lịch mùa hè của họ, không kém gì bất cứ một cặp tình nhân nào rời nước Anh ra du ngoạn nước ngoài trong năm nay. Cuộc đi chơi nào cũng có mặt Georgy, nhưng khi ra về, người choàng khăn san lên đầu cho Emmy bao giờ cũng là anh chàng thiếu tá. Những buổi đi dạo mát hoặc đi thăm phong cảnh, thằng Georgy thường hay chạy trước; nó leo lên cầu thang gác lâu đài hoặc trèo lên cây một mình; trong khi ấy cặp du khách từ tốn hơn ngồi chơi dưới cỏ, anh chàng thiếu tá thản nhiên hút thuốc lá như thường lệ, còn Emmy thì ngồi hý hoáy vẽ phong cảnh hoặc ghi lại hình ảnh tòa lâu đài đổ nát.

Chính trong cuộc du lịch lý thú vừa tả ở trên, kẻ chép câu chuyện toàn sự thực này đã có may mắn gặp họ lần đầu tiền, và được làm quen với họ.

Lần đầu tiên tôi gặp trung tá Dobbin và các bạn của anh ta là tại thị trấn xinh xinh Pumpernickel, một thị trấn lịch sự, thủ phủ của một quận (nơi tôn ông Pitt Crawley có hồi đã từng thực hiện nhiệm vụ của mình một cách xứng đáng với tư cách là tùy viên sứ quán; nhưng ấy là câu chuyện quá khứ, đã lâu lắm rồi, trước khi xảy ra trận Austerlitz, làm cho các nhà ngoại giao Anh ở nước Đức phải cắp cặp lên đường về nước). Họ cùng người hầu việc ngồi xe ngựa riêng đến khách sạn "Hoàng thái tử" là khách sạn lịch sự nhất của thị trấn. Tối hôm ấy, tất cả mọi người cùng ngồi dùng bữa tại phòng ăn công cộng của khách sạn. Ai cũng phải chú ý đến dáng điệu bệ vệ của Joe, và thái độ sành sỏi của anh ta khi nhấm nháp, đúng hơn là tu ừng ực những cốc rượu vang Johannisberger anh ta đã gọi trong bữa ăn. Tôi nhận thấy thằng bé cũng ăn khỏe ra phết; nó ngốn hết món nọ đến món kia, sườn rán, thịt bò nướng, khoai tây (), rồi mứt quả, rau tươi, pa-tê, chim quay, bánh ngọt, xơi cật lực, rõ xứng đáng là một người dân Anh quốc. Thanh toán xong khoảng mười lăm món ăn thằng bé bắt đầu sang mục tráng miệng; nó thậm chí còn chiếu cố mang theo về một vài thứ. Có vài người trẻ tuổi ngồi cùng bàn thấy thằng bé ăn uống tự nhiên thoải mái như thế, lấy làm thú vị, xui nó bốc một ít bánh hạnh nhân bỏ vào túi. Trên đường đi xem hát, thằng Georgy mới móc ra nhấm nháp dần. Ở cái thị trấn nhỏ bé của nước Đức này rạp hát chính là nơi họp mặt của mọi người khi ăn xong. Mẹ thằng bé, người đàn bà bận áo tang, nhìn con cười và đỏ mặt lên; suốt bữa ăn, người đàn bà này tỏ ra hết sức e lệ nhưng vui vẻ, nhất là những khi thấy con trai láu lỉnh nghịch ngợm (). Viên trung tá - bởi vì ít lâu sau Dobbin được thăng một cấp - hay giả bộ nghiêm trang nói trêu thằng bé; anh ta chỉ cho nó biết những đĩa ăn nó còn chưa đụng đến, và khuyên nó không nên ăn uống quá dè dặt; Dobbin còn bảo nếu cần thì gọi lấy thêm vài món nữa cho đủ.

Tối hôm ấy, người ta tổ chức một buổi dạ hội tại hý viện riêng của tiểu triều đình Pumpernickel. Bà Schroeder Devrient đóng vai chính trong vở nhạc kịch Fidelio; hồi này sắc đẹp cũng như tài nghệ của bà ta đang độ nở hoa rực rỡ. Từ chỗ tôi ngồi giáp sân khấu nhìn lên, có thể nhận ra bốn người bạn của chúng ta trong lô ghế đặc biệt mà ông Schwendler chủ khách sạn "Hoàng thái tử" đã giữ dành riêng cho các vị khách quý của ông. Tôi cũng nhận thấy tài nghệ của diễn viên và bản nhạc diệu kỳ đã khiến cho bà Osborne xúc động mạnh mẽ; tôi biết đúng là bà ta vì có lần nghe thấy người đàn ông to béo để râu rậm gọi như vậy. Lúc trình diễn vở nhạc kịch thiên tài "Bản đồng ca của những tù nhân", tiếng hát thánh thót của người nữ nghệ sĩ vươn cao lên và vang ra khắp phòng trong một hòa âm tuyệt diệu; trên nét mặt người thiếu phụ Anh lộ ra một vẻ đặc biệt vừa ngạc nhiên vừa say sưa, khiến cho ngay anh chàng Fipps bé nhỏ, tùy viên ngoại giao, con người vẫn tự cho mình là kẻ chán đời (), phải thốt lên khi hướng ống nhòm về phía Amelia: "Trời ạ, sung sướng thay cho người ta vì còn được thấy có người đàn bà say sưa đến mức như vậy! Rồi đến cảnh trong nhà tù, lúc Fidelio nhảy xổ vào ôm lấy chồng mà kêu lên: "Không, không, anh Florestan của em!"() thì Amelia gần như ngất lịm đi, vội đưa mùi xoa lên che kín mặt. Hôm ấy, tất cả phụ nữ trong rạp đều ứa nước mắt vì cảm động. Nhưng tôi chú ý đặc biệt đến Amelia, vì số trời đã định cho tôi phải viết tập ký ức này về cô.

Hôm sau, rạp hát trình diễn một vở kịch khác của Beethoven, vở "Trận đánh Vittoria"(). Màn vừa mở, Malbrook xuất hiện báo hiệu cuộc tiến quân của quân Pháp; rồi tiếp đến tiếng kèn tiếng trống, tiếng đại bác gầm thét, tiếng người bị thương rên rỉ, cuối cùng vở kịch kết thúc bằng bản nhạc hùng hồn "Cầu chúa che chở cho Vua ta".

Hôm ấy trong rạp có khoảng hơn một chục người Anh đến xem. Lúc bản nhạc thân yêu và quen thuộc kia nổi lên, tất cả đều đứng bật dậy tỏ ra vô cùng tự hào được là công dân của đất nước Anh cổ kính đáng yêu, tất cả, từ chúng tôi là những người trẻ tuổi ngồi sát sân khấu, đến tôn ông John và Bullminster phu nhân (hai vợ chồng nhà quý tộc này đã thuê nhà ở Pumpernickel để tiện săn sóc việc học hành của chín đứa con), người đàn ông to béo để bộ râu rậm, viên thiếu tá cao lêu đêu bận chiếc quần màu trắng, cùng hai mẹ con thằng bé mà anh chàng thiếu tá săn sóc rất chu đáo và cả bác hầu việc Kirsch ngồi ở hạng bét nữa. Riêng Tapeworm, đại biện sứ quán Anh, thì đứng hẳn dậy trong lô ghế của mình mỉm cười và cúi chào mọi người, y như thể lão đang đại diện cho tất cả dân tộc Anh vậy. Tapeworm là cháu trai, và người thừa kế của thống chế Tiptoff, tức là người đã có lần ra mắt bạn đọc trong truyện này với tư cách là trung tướng Tiptoff trước khi xảy ra trận Waterloo; trước kia ông ta chỉ huy trưởng trung đoàn thứ... tức là trung đoàn của Dobbin; năm xảy ra chiến dịch lớn lao này, ông ta tạ thế vì trót sơi quá nhiều trứng chim óc cau. Tang lễ rất linh đình, do đó quyền chỉ huy trung đoàn chuyển sang trung tá Michael O'Dowd, tước tùy giá hiệp sĩ, là người đã từng có thành tích chỉ huy đơn vị, lập rất nhiều chiến công hiển hách.

Chắc Tapeworm đã có dịp gặp Dobbin tại nhà riêng của ông chú là thống chế Tiptoff, cho nên tối hôm ấy anh ta nhận ra ngay viên thiếu tá ở rạp hát. Nhà ngoại giao đại diện cho Hoàng đế tỏ ra hết sức bình dân, đích thân rời "lô" ghế của mình và, trước mặt tất cả mọi người, tiến đến bắt tay người bạn mới gặp lại.

Fipps ngồi sát sân khấu soi mói nhìn theo cấp trên của mình, thì thầm với bạn:

- Nom mặt lão Tapeworm quỷ quyệt kìa; chỗ nào thấp thoáng có bóng đàn bà con gái xinh xinh y như lão lách vào bằng được.

Nói cho đúng thì trời sinh ra các nhà ngoại giao còn để làm việc gì khác kia chứ? Viên đại biện sứ quán mỉm cười một cách hất sức duyên dáng nói:

- Thưa, chúng tôi có hân hạnh được tiếp kiến bà Dobbin chăng? Georgy phá ra cười:

- Lạy chúa, ông nói đùa thế thì chết thật.

Từ chỗ tôi ngồi nhìn ra thấy cả Dobbin và Emmy cùng đỏ mặt.

Viên thiếu tá trả lời:

- Thưa ngài, đây là bà George Osborne; còn đây là anh trai của bà Osborne, ông Sedley, một viên chức lỗi lạc tòng sự tại Sở Hành chính Belgan. Xin cho phép tôi được giới thiệu ông Sedley cùng ngài.

Ngài đại biện quay sang Joe, vẫn với một nụ cười vô cùng hấp dẫn, hỏi tiếp, khiến cho Joe cảm động quá:

- Ngài có định lưu lại Pumpernickel lâu không? Ở đây buồn lắm. Chúng tôi không có ai là người lịch sự để đánh bạn. Nhưng chúng tôi sẽ cố gắng làm vui lòng các ngài, ông... a hèm... bà... ư hừm... tôi mong sáng mai có hân hạnh được đến thăm các vị tại khách sạn.

Nói đoạn lão trở về chỗ ngồi, vừa mỉm cười ngoái cổ gửi lại một cái liếc tình sắc như mũi tên của dân Parthia (). Lão yên trí bà Osborne hẳn là bị mình thu mất hồn.

Xem kịch xong, bọn trai trẻ kéo nhau đi la cà trong hành lang, các ông bà lịch sự lũ lượt ra về. Bà quận chúa già góa bụa bước lên chiếc xe ngựa cũ rích kêu lọc cọc, có hai người thị nữ trung thành mặt mũi nhăn nheo theo hầu. Một nhà quý tộc bé nhỏ có tuổi đã đứng túc trực sẵn; lão bận một cái quần màu nâu, một cái áo màu xanh lá cây, trên ngực la liệt toàn huy chương... chiếc giải áo màu vàng trên có đính tấm bội tinh thánh Michael của triều đình Pumpernickel nom nổi bật, ai cũng phải chú ý. Một hồi trống nổi lên, hàng lính cận vệ đứng nghênh chào; chiếc xe ngựa cũ kỹ lắc lư chuyển bánh.

Tiếp đến quận công và gia đình của ngài, cùng đi với các sĩ quan cao cấp và các quan chức trong triều. Ngài quận công điềm đạm cúi chào đáp lễ tất cả mọi người. Hàng lính cận vệ bồng súng chào; đám gia nhân bận chế phục màu tía tíu tít chạy, giơ cao những bó đuốc sáng rực; toàn xe ngựa của nhà quý tộc tiến về phía tòa lâu đài cổ kính của quận công, có những chòi tháp cao vút đứng sừng sững giữa thị trấn. Ở Pumpernickel, không ai lạ ai. Hễ có một người khách lạ đến thị trấn, ngài tổng trưởng Bộ ngoại giao, hoặc một vị quan to quan nhỏ nào đó trong triều, lập tức đến ngay khách sạn "Hoàng thái tử" để tìm cho ra tên tuổi của người du khách.

Chúng tôi đang đứng ngoài cửa rạp hát nhìn họ ra về. Vừa lúc ấy Tapeworm bước ra, khoác một tấm áo choàng; một bác lính hộ vệ to lớn như hộ pháp lúc nào cũng ôm tấm áo nói trên túc trực sẵn sàng; trông lão có vẻ Don Juan lắm. Thủ tướng phu nhân cũng vừa ép được cái thân hình phì nộn của bà vào trong lòng chiếc ghế cáng; lệnh ái của bà, tức là cô Ida kiều diễm cũng vừa quàng khăn san, vừa sỏ chân vào đôi giày xong. Đám du khách người Anh bước ra khỏi rạp; thằng bé ngáp dài mệt mỏi, viên thiếu tá choàng tấm khăn san thật cẩn thận lên đầu Amelia; Sedley coi bộ rất hiên ngang, chiếc mũ đội lệch về một bên đầu, một tay thọc vào tiếng túi chiếc áo gi-lê trắng to tướng. Chúng tôi ngả mũ chào mấy người bạn ngồi cùng bàn ăn bữa chiều; người đàn bà hơi mỉm cười và cúi đầu đáp lễ, thái độ nhã nhặn của người đàn bà khiến chúng tôi rất vui vẻ.

Kirsch lúc nào cũng lăng xăng bận rộn, đã về khách sạn bảo giong ngựa đến đón sẵn. Nhưng người đàn ông to béo bảo rằng mình thích đi bộ về nhà vì còn muốn hút thuốc lá. Ba người kia mỉm cười gật đầu với chúng tôi rồi lên xe về trước để Sedley đi sau; bác Kirsch cầm hộp thuốc lá lẽo đẽo theo hầu chủ.

Chúng tôi cũng đi bộ trở về khách sạn, vừa đi vừa tán chuyện với người đàn ông to béo về những cái thú vị ()của thị trấn này đối với người Anh, đây cũng là một nơi khá dễ chịu. Người ta thường tổ chức những cuộc săn bắn; triều đình rất hiếu khách, dạ hội khiêu vũ và tổ chức những trò giải trí thường xuyên; xã hội thượng lưu ở đây nói chung lịch sự, rạp hát diễn toàn vở hay, và giá sinh hoạt lại rất rẻ.

Ông bạn mới của chúng tôi nói:

- Vị đại diện nước tôi có vẻ là một nhân vật rất lịch thiệp, tính tình ngài dễ chịu lắm. Với một vị đại diện như vậy và nếu lại có có thêm một ông thầy thuốc lành nghề nữa, thì tôi thấy chỗ này thật là thần tiên. Xin chúc các vị ngon giấc.

Nói đoạn Joe lê đôi ủng kêu cọt kẹt trèo lên cầu thang về phòng ngủ, Kirsch cầm bó đuốc đi theo sau. Hình như chúng tôi ai cũng hy vọng rằng người đàn bà xinh đẹp kia sẽ lưu lại ít lâu tại thị trấn nhỏ bé này.

Chương 63: CHÚNG TA GẶP LẠI MỘT NGƯỜI BẠN CŨ

Ngài Tapeworm đối xử lịch thiệp đến như thế, thảo nào chẳng khiến cho Sedley có cảm tình; cho nên ngay sáng hôm sau, trong bữa điểm tâm, anh ta lên tiếng tuyên bố rằng kể từ khi bắt đầu cuộc du lịch, chưa thấy nơi nào thú vị bằng thị trấn Pumpernickel. Vì sao Joe hào hứng đến thế, kể cũng chẳng có gì là khó hiểu. Anh chàng Dobbin vẫn cười thầm mỗi khi nghe ngài cựu ủy viên tài phán lên mặt hiểu biết tả lại lâu đài Tapeworm và lai lịch họ hàng nhà quý tộc này, tự nhiên cứ như không; thật ra mới sáng nay, anh ta dậy sớm ngồi giở cuốn "Danh bạ quý tộc" mang theo ra tra cứu mãi mới biết. Theo lời Joe thì chính anh ta đã có lần gặp bá tước Bagwig thân sinh ra ngài Tapeworm; rõ ràng là anh ta đã gặp một lần, gặp ở... ở buổi lễ "Ngự tẩy"... Dobbin còn nhớ không nhỉ? Và khi nhà ngoại giao giữ đúng lời hứa đến thăm, Joe đã tiếp đãi hết sức long trọng, cúi rạp xuống mà chào, chưa bao giờ nhà ngoại giao được tiếp đón như vậy. Ngài đại biện vừa tới, Joe quay sang nháy mắt với bác Kirsch người phái viên này đã có chỉ thị từ trước, lập tức bước ra ngoài, ra lệnh chuẩn bị đủ các thứ: Thịt nguội, nước hoa quả ép, và các thứ kẹo mứt; bác đặt tất cả lên khay bưng vào. Joe nhất định nài vị quý khách phải dùng một ít mới chịu.

Tapeworm không mong gì hơn là có cớ ngồi lại để ngắm đôi mắt long lanh của bà Osborne (nước da tươi mịn của Amelia gặp ánh sáng ban ngày lại càng đẹp), cho nên lão vui vẻ nhận lời mời ngồi nán lại. Lão lựa vài câu hỏi cực khéo, yêu cầu Joe cho biết về Ấn Độ và về những vũ nữ ở đó; lão lại hỏi Amelia có phải đứa trẻ xinh xắn vẫn đi theo cô là con trai không, rồi lão ca tụng mãi Amelia, bảo rằng cô làm cho bao nhiêu người trong rạp hát phải chú ý đến; Amelia nghe nói ngạc nhiên lắm. Lão còn cố hấp dẫn cả Dobbin bằng những câu chuyện về cuộc chiến tranh vừa qua; lão kể rằng đoàn quân tình nguyện quận Pumpernickel dưới quyền chỉ huy của vị thế tử, hiện nay là quận công Pumpernickel, đã lập rất nhiều chiến công hiển hách.

Tapeworm quả đã thừa hưởng được của dòng họ khá nhiều đức tính lịch thiệp; xưa nay lão vẫn sung sướng đinh ninh rằng một khi lão đã đưa mắt tống tình người đàn bà nào thì nhất định người ấy phải xiêu lòng. Từ biệt Emmy ra về, lão chắc mẩm trong bụng rằng khoa tán và cái mẽ người hấp dẫn của mình hẳn đã làm cho người đàn bà chết mê chết mệt. Lão bèn về nhà ngồi viết một lá thư tình thật hay ho gửi cho Emmy. Nhưng Emmy không bị chết mê chết mệt; cô chỉ hơi bối rối trước cái cười đờ đẫn nhăn nhở của lão, trước cái khăn tay lụa nõn sực mùi nước hoa và đôi ủng gót cao bóng loáng của lão. Nghe lời lão tán tụng, cô chỉ hiểu đại khái. Vốn rất ít kinh nghiệm trong việc giao tiếp với đàn ông (Emmy chưa hề bao viờ tiếp xúc với một tay tán gái lành nghề) cho nên cô chỉ thấy ngài quí tộc Tapeworm là một cái gì kỳ quái hơn là đáng yêu; và nếu như cô không phải lòng lão ta, chắc chắn đối với lão, cô rất ngạc nhiên. Trái lại, Joe tỏ vẻ rất hài lòng. Anh ta nói:

- Ngài bá tước mới lịch sự làm sao chứ. Ngài bảo rằng sẽ phái viên thầy thuốc riêng đến đây thăm bệnh cho tôi, con người quý hóa có một. Kirsch, anh mang danh thiếp của chúng ta đến nhà bá tước Schlusselback ngay, nghe không: Thiếu tá và ta đang muốn vào triều kiến càng sớm càng hay đây. Sửa soạn sẵn bộ lễ phục của ta, Kirsch... cả lễ phục của thiếu tá nữa. Phàm là người Anh thượng lưu hễ ra ngoại quốc là phải đến thăm vị đại diện của nước mình và đến ra mắt vị quốc vương xứ mình đến du ngoạn, như thế mới là có lễ độ. Khi viên thầy thuốc của bá tước Tapeworm, tức là bác sĩ Von Glauber, thầy thuốc riêng của ngài quận công, đến thăm sức khỏe cho Joe, lão tán tỉnh làm cho anh chàng tin ngay rằng muốn trẻ lại như con trai và làm cho người thon bớt đi thì không gì bằng theo thuốc của lão và tắm suối nước nóng ở Pumpernickel. Lão tán:

- Năm ngoái tướng Bulkeley có đến đây; ngài cũng là một vị tướng người Anh, to béo còn gấp đôi ông nữa cơ. Thế mà chỉ theo thuốc của tôi có ba tháng, ngài đã gầy hẳn đi; và sau có hai tháng ngài đã khiêu vũ được với Glauber nam tước phu nhân rồi đấy.

Vậy là ý Joe đã quyết: ở đây có nước suối nóng, có ông bác sĩ, có triều đình, lại được ngài đại biện sứ quán khuyến khích, anh ta bèn tuyên bố sẽ lưu lại thị trấn thú vị này nốt mùa thu. Và giữ đúng lời hứa, ngày hôm sau, vị đại biện sứ quán đưa Joe và viên thiếu tá đến ra mắt Victor Aurelius XVII, bá tước Schlusselback, thị vệ đại thần của hoàng gia, đích thân ra tiếp để dẫn vào triều kiến vị tiểu quốc vương ().

Thế là lập tức họ được mời vào dự tiệc trong triều. Joe quyết định lưu lại chơi Pumpernickel một thời gian; tin này được tung ra, các bà các cô lịch sự nhất trong tỉnh ùa nhau kéo đến thăm Osborne. Trong đám này, bà nào nghèo rớt mùng tơi cũng phải là nam tước phu nhân trở lên; Joe khoái trí vô kể.Anh ta viết thư gửi về Anh cho Chutney báo tin rằng uy tín của Công ty Đông Ấn Độ ở nước Đức rất lớn; Joe kể thêm rằng mình đang dạy cho người bạn mới là bá tước Schlusselback cách săn lợn rừng theo lối Ấn Độ, và hai vợ chồng người bạn mới của mình tức là bá tước và phu nhân thật là những con người lịch sự tốt bụng nhất trần đời.

Emmy cũng được đưa đến ra mắt hoàng gia, theo phong tục của triều đình, hàng năm không được phép bận áo tang vào triều trong một số ngày nhất định; cho nên bữa ấy Emmy khoác một tấm áo choàng màu hồng, trên ngực đính một hạt kim cương. Cô được anh trai dẫn vào triều kiến. Bộ áo tôn hẳn vẻ đẹp của Emmy lên, khiến cho Quận công và khắp mặt quận chúa trong triều ai cũng phải trầm trồ khen ngợi (dĩ nhiên ta không cần nói tới anh chàng thiếu tá; từ trước đến giờ ít khi Dobbin có dịp thấy Amelia bận áo dạ hội, lần này anh ta nhất định tuyên bố rằng Emmy trẻ hẳn ra, trông như chưa đến hai mươi lăm tuổi).

Hôm đến dự cuộc dạ hội do Hoàng gia tổ chức Emmy cũng bận tấm áo ấy; cô nhảy một điệu vũ Ba-lan với thiếu tá Dobbin.

Điệu nhẩy cũng dễ, nên Joe có hân hạnh được trổ tài với Schlusselback bá tước phu nhân, một bà lão gù lưng rắn eo, nhưng đã trải qua đến mười sáu đời quý tộc cha truyền con nối, và có họ với đến một nửa số hoàng gia nước Đức.

Thị trấn Pumpernickel nằm trong một cái thung lũng êm đềm, có dòng sông mầu mỡ Pump chảy qua...dòng sông này đổ vào sông Rhine, nhưng vì hiện không có bản đồ trong tay, nên chúng tôi không thể nói thật đích xác là ở chỗ nào. Một đôi chỗ, mặt sông khá rộng, phải dùng phà để qua lại; có vài khúc sông nước chảy mạnh, đủ sức cho chạy một cái cối xay bột. Ngay tại thị trấn Pumpernickel, vị anh hùng vĩ đại lừng danh Victor Aurelius XIV vốn là quận công cách đây ba đời đã cho xây một chiếc cầu rất đẹp; trên cầu có dựng tượng của chính mình đứng giữa một bầy nữ thủy thần, và những biểu tượng của chiến thắng, của hòa bình, và của sự phồn vinh. Tượng tạc ngài đứng đặt một chân lên cổ một tên Thổ Nhĩ Kỳ nằm phủ phục (sử chép rằng trong trận Sobieski giải phóng thành Vienna, ngài có tham chiến và đã cầm giáo xuyên thủng ngực một tên lính ngự lâm Thổ). Tên lính địch hấp hối giãy giụa một cách khủng khiếp ngay dưới chân, nhưng ngài hoàn toàn bình tĩnh, vẫn điềm nhiên mỉm cười, cầm cây kiếm chỉ về phía quảng trường Aurelius; lẽ ra ngài định dựng lên tại nơi này một lâu đài tuyệt đẹp, một kỳ quan của thời đại. Tiếc thay bậc vương công có chí lớn ấy không đủ tiền; cho nên công trình kiến trúc của Monplaisir tiên sinh (người Đức vẫn gọi là Monplaisir) mới bị đình lại; và hiện nay quảng trường cũng như tòa lâu đài rơi vào một tình trạng điêu tàn, tuy rất rộng, gấp đến mười lần diện tích cần thiết cho triều đình của vị đương kim quốc vương. Khu vườn thượng uyển của hoàng gia được sắp đặt như để ganh đua với kiểu vườn hoa của cung điện Versailles. Trong vườn có đắp nhiều nền cao, và đặt những bồn nước; ở giữa dựng vài cái máy phun nước đồ sộ tạc theo những hình có ý nghĩa tượng trưng; mỗi khi có lễ hội, máy nước lại thi nhau phun ra những tia nước đủ mọi cỡ, làm cho người xem mất vía vì cơn giận của thủy thần. Có cái hang Trophonius () trong đó các vị thần nửa người nửa cá đúc bằng chì không những phun nước mà còn phát ra từ hai lỗ tai những tiếng kêu ghê khiếp, nhờ có một cái máy đặc biệt giấu ở trong; lại có một bồn nước có tạc hình nữ thủy thần đang tắm; một cái khác dựng theo hình thác Niagara. Hàng năm đều có mở hội vào ngày khai mạc khóa họp quốc hội, hoặc nhân những dịp kỷ niệm sinh nhật hoặc ngày thành hôn của hoàng gia, nhân dân địa phương đến xem, ai cũng trầm trồ khen ngợi. Từ kháp các tỉnh, tỉnh xa nhất chỉ cách Pumpernickel khoảng gần mười dặm... từ tỉnh Bolkum nằm trên miền biên giới phía tây, ngạo nghễ nhìn sang nước Phổ, từ tỉnh Growitz, ngăn cách với địa phận thuộc quyền quốc vương Potzenthal bởi con sông Pump (tại tỉnh này quốc vương có một tòa lâu đài riêng dùng để nghỉ ngơi khi ngài ngự đi săn), nhân dân bận áo chẽn màu đỏ, đầu đội mũ nhung, hoặc mũ vành ba góc, miệng ngậm tẩu thuốc phì phèo lũ lượt kéo nhau từng đoàn từ những thôn xóm làng mạc rải rác giữa ba thị trấn lớn trong nước và nằm dọc theo dòng sông Pump đổ về kinh đô, chen lấn nhau trong lâu đài của hoàng gia để thưởng thức những cuộc vui tổ chức trong ngày hội. Những dịp ấy, rạp hát mở cửa cho xem không mất tiền; những máy phun nước của Monblaisir tiên sinh được dịp thi thố tài năng (cũng may mà lại có đông người xem, vì nếu chỉ có một mình thì mới nhìn cũng đủ chết khiếp)... rồi vô khối những thầy lang đến rao hàng, đoàn xiếc cưỡi ngựa đến trổ tài (ai cũng còn nhớ có lần ngài quận công chết mê chết mệt vì một chị đào hát tên là chị Vivandiere xinh xinh () Nghe nói chị này là một tay gián điệp hoạt động cho nước Pháp). Dân chúng được phép thả cửa vào thăm các gian phòng trong tòa lâu đài mông mênh của hoàng gia. họ tha hồ mà trầm trồ khen ngợi cái sàn nhà nhẵn thín trơn tuột, những bức thảm thêu và những chiếc ống nhổ đặt trước cửa bao nhiêu là gian phòng nhiều không đếm xuể. Có cả một gian phòng đặc biệt do ngài Aurelius Victor XV tự tay vẽ kiểu - ngài vốn là một vương công ưa hành lạc có phần hơi quá độ - người ta kể chuyện với tôi rằng gian phòng này là một công trình tuyệt tác kỳ diệu để phục vụ cho sự khoái lạc hào hoa. Trên tường toàn những tranh vẽ về sinh hoạt của Bacchus và Ariadne() tình tự với nhau, trong phòng đặt những cần trục đặc biệt có thể nhấc bàn ăn đưa ra ngoài, hoặc mang từ ngoài vào, như vậy người ngồi dự tiệc được tự nhiên không cần đến đầy tớ hầu hạ. Sau khi Victor Aurelius XV chết đi, bà vợ góa là công chúa Bacbara giữ quyền nhiếp chính trong thời gian con trai chưa đến tuổi trưởng thành. Bà là một người tính tình khắc khổ và mộ đạo, thấy chồng chết vì quá say mê tửu sắc bà bèn ra lệnh cấm không được dùng đến gian phòng này nữa.

Hý viện của thị trấn Pumpernickel rất nổi tiếng trong khu vực này của nước Đức. Hồi vị đương kim quận công còn trẻ, ngài cứ nhất định bắt rạp phải công diễn những tác phẩm ca vũ nhạc do chính ngài sáng tác, thành thử có một thời gian tình hình hý viện có phần hơi tiêu điều; người ta đồn rằng một bữa ngài ngồi tại chỗ dàn nhạc dự nghe một buổi tổng diễn tập; đang lúc quá nóng, ngài phang vào đầu viên nhạc trưởng một cái vỡ cả một cây kèn đồng vì ông này điều khiển dàn nhạc quá chậm chạp. Trong thời kỳ này, quận chúa Sophia cũng sáng tác nhiều vở hài kịch, giá đem diễn thì khán giả đến ngáp dài. Bây giờ thì vị quý tộc này chỉ cho biểu diễn sáng tác của mình cho riêng mình xem thôi, còn quận chúa cũng chỉ cho đem các vở kịch của mình ra trình diễn khi nào có các vị quý khách nước ngoài đến thăm cái triều đình bé nhỏ của bà.

Cái triều đình ấy cũng được tổ chức huy hoàng ra trò. Mỗi khi có dạ hội, dù có tới bốn trăm thực khách được mời ăn, cứ bốn người lại có riêng một gia nhân bận chế phục màu tía có đính đăng- ten đứng hầu. khách khứa dùng toàn bát đĩa bằng bạc. Hội hè yến tiệc tổ chức thường xuyên. Quận công có đủ các quan thị vệ, các quan giám mã theo hầu, và quận chúa cũng có một bầy thị nữ và một nữ quan chuyên việc trang phục, không kém gì hoàng gia của bất cứ một nước lớn nào khác.

Hiến pháp của xứ này dựa trên cơ sở một chế độ chuyên chế ôn hòa; một quốc hội được lập nên để kiềm chế bớt quyền hạn của chính phủ; nhưng Quốc hội có khi được bầu lên. cũng có khi không.

Suốt thời gian sống ở Pumpernickel, tôi chưa hề nghe nói đến họp quốc hội lần nào. Dinh của thủ tướng đặt ở tầng gác hai trong tòa Quốc hội; còn văn phòng của ngài Tổng trưởng Bộ ngoại giao thì đặt ở tầng trên cửa hiệu bán bánh ngọt Zwieback. Quân đội của Nhà nước gồm có một đám nhạc binh khi cần, phụ trách cả những công việc linh tinh trên sân khấu. Cứ kể cảnh tượng cũng thú vị: Ban ngày vừa mới nghe họ biểu diễn âm nhạc suốt buổi sáng tại quảng trường Aurelius, đối diện với quán cà-phê chỗ chúng tôi ngồi dùng điểm tâm, đến tối đã lại thấy mấy ông tướng lên sân khấu rồi; họ đánh phấn, bôi môi, bận quần áo Thổ Nhĩ Kỳ,khi ra trò thì đeo gươm gỗ, hoặc đóng vai các chiến sĩ La-mã thời cổ vác kèn đồng thổi. Ngoài đội nhạc binh ra, quân đội còn gồm một số rất đông sĩ quan giàu có, nhưng theo chỗ tôi biết thì lính chỉ có một nhúm. Không kể đội lính phòng vệ, còn có độ ba bốn người bận sắc phục khinh kỵ binh vẫn đứng canh gác trước tòa lâu đài của quận công - nhưng tôi không thấy họ cưỡi ngựa bao giờ; vả lại đang thời buổi thái bình thịnh trị, việc quái gì mà phải dùng đến kỵ binh cơ chứ?... mà xét cho cùng() thì kỵ binh còn biết phóng ngựa đi đâu?

Ở đây ai ai cũng đi lại thăm viếng láng giềng của mình - ấy là tôi nói những nhà quý tộc, vì dĩ nhiên không lẽ tôi lại quan tâm đến giới bình dân. Phu nhân de Burst tiếp khách mỗi tuần một lần; de Schnurrbart phu nhân cũng có buổi tiếp khách thường kỳ đã ấn định... Mỗi tuần hý viện mở cửa hai lần, triều đình mở tiệc chiêu đãi một lần, tóm lại cuộc đời trôi đi trong một chuỗi ngày toàn những trò du hý liên tiếp, rất đúng kiểu sinh hoạt bình thường của Pumpernickel.

Dĩ nhiên không ai chối cãi được rằng tại đây không có những vụ xung đột. Sinh hoạt chính trị ở Pumpernickel cũng khá sôi nổi, đảng phái tranh chấp cũng gay go ra trò. Có nhóm của bà Strumpff; có đảng của bà Lederlung: Một bên được sứ bộ của chúng ta nâng đỡ, còn bên kia thì được vị đại biện sứ quán nước Pháp là de Macabau tiên sinh ủng hộ. Ngay từ khi vị đại diện của nước ta tuyên bố nâng đỡ bà Strumpff (ai cũng phải công nhận bà này hát hay hơn bà Lederlung nhiều, vì giọng bà cao hơn giọng của kẻ thù những ba cung) thì hễ ngài đưa ra bất cứ một ý kiến gì là lập tức bị nhà ngoại giao đại diện cho nước Pháp lên tiếng phản đối ngay.

Giới quý tộc trong thị trấn không người nào là không đứng về phe này hoặc phe kia. Bà Lederlung là một người đàn bà mảnh dẻ xinh đẹp, có giọng hát rất trong (quả có thế); còn bà Strumpff thì, nói của đáng tội, sắc đẹp và tuổi trẻ không còn ở thời kỳ "trăng tròn gương, hoa phong nhị" nữa rồi, mà vóc người lại đang phát phì ra.

Thí dụ như trong màn cuối của vở kịch "Thụy du" ()chẳng hạn; bà này, bận áo ngủ, tay cầm cây đèn bước ra sân khấu, rồi phải trèo qua cửa sổ bước lên tấm ván của cái cối xay gió bên ngoài; lúc ấy khó khăn làm bà ta mới chui lọt được qua khung cửa, và tấm ván phải chịu đựng một sức quá nặng, võng hẳn xuống mà rít lên ken két... Nhưng đến lúc bà ta hát đoạn kết thúc của bản vũ nhạc thì tuyệt! Nhất là khi bà ta sôi nổi say sưa nhảy xổ vào hai cánh tay của chàng Elvino - gần như có thể đè chết tươi anh chàng - Còn cái bà Lederlung bé nhỏ kia... nhưng thôi, chuyện trò lan man mãi.

Sự thật là hai người phụ nữ ấy đã đóng vai đại diện cho hai đảng phái ở Pumpernickel, một đảng có cảm tình với nước Anh, một đảng có cảm tình với nước Pháp; và xã hội thượng lưu ở đây cũng chia ra hai phe hướng về hai nước lớn kia. Ủng hộ phe chúng ta thì có ngài tổng trưởng Bộ nội vụ, ngài giám mã đại quan, ngài bí thư đặc biệt của quận công, và quan thiếu phó; nâng đỡ phe thân Pháp thì có ngài tổng trưởng Bộ ngoại giao, tổng tư lệnh quân lực phu nhân (ngài tổng tư lệnh đã từng chiến đấu dưới cờ của Napoléon): ngài thị vệ đại thần và phu nhân (phu nhân ưa nhất là ăn mặc theo mốt Paris; muốn mua mũ hoặc tìm hiểu điều gì về khoa phục sức của người Pháp thì đã có de Macabau tiên sinh phụ trách). Viên bí thư sứ quán Pháp là Grignac, một người trẻ tuổi xảo quyệt không kém gì quỷ Xa tăng; khắp thị trấn chỗ nào cũng thấy những tập an-bum có những tranh biếm họa do hạn vẽ để liễu cột Tapeworm.

Trụ sở và chiêu đãi sở của đảng thân Pháp đặt tại "Khách sạn Paris"; khách sạn này ra sức ganh đua với khách sạn "Hoàng thái tử" về mặt tiện nghi sang trọng. Dĩ nhiên, trước công chúng, các vị thượng lưu thuộc hai phe đối với nhau rất mực lịch sự; nhưng họ tấn công nhau bằng những bài thơ châm biếm lời lẽ cay độc cứ y như hai bác đấu sĩ ở Devonshire cầm roi quật đen đét vào cẳng chân nhau mà mặt cứ lạnh như tiền, không động đậy một thớ thịt. Tapeworm cũng như de Macabau, khi gửi công văn về cho chính phủ mình, thế nào cũng kèm theo một tràng dài toàn những lời công kích đối phương. Đại khái, sứ quán của chúng ta thường viết thế này: "Quyền lợi của các Anh quốc tại đây cũng như trong toàn thể nước Đức đang bị đe dọa nghiêm trọng vì sự có mặt của phái bộ nước Pháp hiện đảm nhiệm sứ mệnh; viên đại sứ người Pháp thuộc hạng người vô cùng xảo quyệt; hắn không từ một thủ đoạn đê tiện nào không làm; để đạt mục đích hắn không do dự trước mọi tội ác. Hắn gièm pha đại diện của nước Anh với triều đình; hắn vu cáo chính phủ nước ta một cách vô cùng bỉ ổi; và không may thay, hắn lại được một vị tổng trưởng đặc biệt có thế lực trong triều, nhưng nổi danh dốt nát ủng hộ". Về phía phái bộ của Pháp, họ viết như sau: "Ông Tapeworm vẫn tiếp tục biểu lộ một thái độ khiêu khích ngu xuẩn đặc biệt Anh-cát-lợi, và một thái độ bần tiện đối với một quốc gia vĩ đại nhất thế giới là nước ta. Mới hôm qua, người ta nghe thấy hắn nói xấu quận chúa Berri; trước đó ít lâu hắn đã phỉ báng quận công Angouleme anh hùng của chúng ta; hắn còn táo gan dám nói bóng rằng ngài quận công Orleans đã âm mưu khởi loạn chống lại ngai vàng nước Pháp. Ở chỗ nào không giở thủ đoạn đe dọa ngu xuẩn ra được, thì hắn không tiếc vàng bạc để mua chuộc. Hoặc bằng cách này, hoặc bằng cách kia, hắn cũng đã tranh thủ được sự nâng đỡ của một số yếu nhân trong triều... Tóm lại, Pumpernickel không thể nào yên ổn, nước Đức không thể nào thái bình, nước Pháp không thể nào được tôn trọng, và Âu châu không thể nào ổn định nếu con rắn độc kia chưa bị chà nát dưới gót chân!" Và đại khái như thế... Mỗi khi phe này hoặc phe kia thảo một lá công văn lời lẽ "cay cú" như vậy gửi về nước, thế nào tin ấy cũng lọt ra ngoài.

Bước vào mùa đông chưa được bao lâu thì Emmy đã phải lo tổ chức một buổi tối tiếp tân, cô đã khoản đãi khách khứa một cách giản dị nhưng không kém phần lịch sự. Cô đã mướn một ông thầy giáo người Pháp để luyện thêm - ông này khen cô nói tiếng Pháp rất đúng giọng, và học tập rất mau tiến bộ. Sự thật thì Emmy đã học tiếng Pháp từ lâu, và đã có dịp củng cố lại môn ngữ Pháp để có đủ sức kèm Georgy học thêm. Bà Strumpff được mời đến để dạy cô học hát. Cô hát rất hay, giọng hát trong trẻo, hấp dẫn đến nỗi mỗi khi bên này học hát thì Dobbin ở căn nhà bên kia đường phía dưới phòng ông thủ tướng cũng mở cửa sổ ra để lắng nghe. Một vài bà mệnh phụ người Đức vốn tính đa cảm, lại cũng không kiểu cách câu nệ lắm, cứ xoắn lấy Emmy và đã bắt đầu "chị chị em em" với cô rồi. Những câu chuyện vặt ấy kể cũng nhàm, nhưng lại liên quan đến quãng đời hạnh phúc nhất của Emmy. Viên thiếu tá tự lãnh nhiệm vụ kèm Georgy học; anh ta dạy nó dịch tập lịch sử Caesar bằng tiếng La-tinh và khoa toán học, mặc dầu thằng bé đã có một ông thầy người Đức thuê riêng để săn sóc việc học vấn. Chiều chiều Emmy ngồi xe ngựa đi chơi, có Dobbin và Georgy cưỡi ngựa đi kèm.

Tính cô vẫn nhút nhát như cũ, con ngựa thằng Georgy cưỡi chỉ hơi tỏ ra trái chứng một chút cũng đủ làm cho cô kêu ầm lên vì sợ hãi. Trong những cuộc dạo chơi ấy, Emmy ngồi cạnh một người bạn người Đức giong xe đi loanh quanh, còn Joe thì ngả lưng trên ghế sau, lim dim ngủ.

Hồi này Joe càng ngày càng có cảm tình sâu sắc đối với nữ bá tước Fanny de Butterbrod, một người đàn bà trẻ tuổi xinh xắn, đa cảm, tính tình khiêm tốn. Bà này tuy là nữ bá tước thật nhưng nghèo xác, lợi tức đồng niên không được lấy mười đồng tiền vàng.

Fanny cũng thẳng thắn tuyên bố rằng được làm chị dâu của Amelia ấy là trời ban cho mình một hạnh phúc lớn nhất trên đời. Vậy thì suýt nữa Joe đã có thể sơn thêm một cái huy hiệu nữ bá tước bên cạnh huy hiệu riêng trên vách xe và trên cán dĩa của mình...nhưng bỗng xảy ra một việc làm đảo lộn hất cả mọi dự định tốt đẹp nói trên.

Nhân lễ thành hôn của vị thế tử giữ ngôi trừ nhị ở Pumpernickel với quận chúa Amelia ở Humbourg - Schlippenschloppen, hoàng gia tổ chức một cuộc hội lớn. Trong dịp này, người ta cũng đã phô trương nọi sự lộng lẫy chưa hề thấy kể từ khi ngài Victor XIV ưa xa xỉ kia tạ thế đến nay. Khắp mặt các vị thế tử, quận chúa và các quan đại thần các tiểu quốc láng giềng đều được mời đến dự hội. Tại Pumpernickel giá thuê phòng cao vọt, lên tới nửa cơ-rao một giường mỗi đêm. Các bậc vương công quý tộc khắp nơi đổ về lắm quá; quân đội của nhà nước cạn sạch người vì phải cung cấp lính hộ vệ cho các ngài. Quận chúa lấy chồng theo thủ tục đại diện, bá tước Schlusselback thay mặt chú rể, đám cưới tổ chức tại nhà ông cụ thân sinh ra nữ bá tước. Nhân dịp này, nhân dân được mua vô khối hộp đựng thuốc lá (bác thợ kim hoàn của triều đình nói với tôi thế, bác được lệnh bán ra, nhưng sau đó lại mua vào).

Hàng thúng huy chương thánh Michael của hoàng gia Pumpernickel được mang ban phát cho cá nhà quý tộc trong triều. Chúng tôi cũng nhận được hàng bó dây đeo huy chương và bội tinh thánh Catherine Schlippenschloppen. Viên đại diện nước Pháp vớ được cả hai loại. Theo nguyên tắc, Tapeworm không được quyền nhận bội tinh của nước ngoài, lão nói:

- Thằng cha đeo huy chương đầy mình, nom chẳng khác gì con ngựa kéo xe trưng bày trong hội chợ nông nghiệp. Cho chúng nó đeo huy chương; nhưng rồi xem thắng lợi về tay đứa nào.

Cuộc hôn nhân này là một thắng lợi của chính sách ngoại giao của Anh, vì bọn thân Pháp đã đề nghị và cực lực ủng hộ một cuộc hôn nhân với quận chúa thuộc hoàng gia Potztausend- Donnerwetter; lẽ dĩ nhiên sứ quán của ta phản đối ông này.

Cuộc lễ hội mở ra đón tiếp hết thảy bàn dân thiên hạ. Trên khắp các nẻo đường người ta đã dựng lên những cổng chào kết hoa để mừng đón cô dâu mới. Chiếc vòi nước thánh Michael to tướng phun ra một thứ rượu vang chua loét, đồng thời vòi nước ở quảng trường pháo binh cũng tia lên những dòng rượu bia. Các loại vòi nước thi nhau hoạt động. Người ta lại trồng "cột mỡ" trong các công viên để các bác nông dân các nơi về xem hội đua tài; ai muốn leo thì leo; leo được thì vớ đủ thứ: Đồng hồ, đĩa bạc, xúc xích có tết nơ hồng, tất cả treo lủng lẳng trên ngọn. Thằng Georgy hì hục leo lên với được một cái xúc-xích, nó giật phắt lấy rồi tụt một mạch xuống đất nhanh như chớp, ai nom thấy cũng phục lăn. Nhưng Georgy leo cột mỡ cốt để trổ tài cho thiên hạ xem thôi. Nó đem khúc xúc-xích lấy được cho một bác nông dân; bác này leo mãi được gần đến nơi thì tuột xuống, cứ đứng tần ngần dưới chân cột vì thất bại.

Sứ quán Pháp thắp nhiều hơn chúng ta sáu cái đèn, nhân dịp này. Nhưng để trả miếng, chúng ta đưa ra một cái đèn đặc biệt có vẽ hình Sự Bất hòa chạy trốn khi nhìn thấy cặp tân lang và tân giai nhân tiến lại; thú vị nhất là hình thù Sự Bất hòa, nom giống hệt viên đại sứ Pháp; ấy thế là bọn Pháp thua trắng mắt. Tôi tin chắc rằng sau này Tapeworm được thăng chức và được ban Bội tinh Tùy giá, chính là nhờ đã lập nên chiến công hiển hách này.

Khách ngoại quốc đến dự hội đông nghìn nghịt. Dĩ nhiên là có rất nhiều người Anh. Không kể những buổi dạ hội do triều đình tổ chức, còn có những buổi hội khiêu vũ mở ra cho quần chúng tại tòa thị sảnh và tại khu du hý công cộng. Tại tòa thị sảnh lại dành riêng một gian phòng để đánh bài và chơi trò quay số. nhưng chỉ chơi trong thời gian mở hội. Một công ty của người Đức ở Ems hoặc Aix-la-Chapelle đứng ra tổ chức những trò giải trí này. Sĩ quan và dân chúng trong thị trấn Pumpernickel tuyệt đối không được tham dự trò chơi này nhưng người ngoại quốc, dân quê và phụ nữ thì tha hồ; ai muốn mất tiền hoặc vét túi thiên hạ thì cứ việc vào.

Cái thằng Georgy quỷ sứ lợi dụng lúc người lớn đi dự dạ hội trong triều, bèn bảo Kirsch dẫn đến xem hội ở tòa thị sảnh; túi nó lúc nào cũng sẵn tiền. Có một lần nhân cùng đi với Dobbin đến đây chơi, nó đã ngó trộm vào gian phòng đánh bạc, nhưng dĩ nhiên không được phép vào. Lần này được tự do, thằng bé hối hả mò ngay đến chỗ giải trí đặc biệt này, cứ loanh quanh mãi bên bác hồ lỳ và các con bạc đang bận rộn tíu tít về chuyện ăn thua. Đàn bà đến đánh bạc cũng nhiều. Một số đeo mặt nạ che kín mặt; phong tục này phổ biến trong thời gian hội hè hỗn độn.

Có một người đàn bà tóc vàng bận một bộ áo xoàng xĩnh, trông đã tàng tàng, đeo mặt nạ, để lộ ra hai con mắt sáng quắc một cách kỳ lạ. Mụ ngồi bên một cái bàn chơi trò quay số, tay cầm một mảnh bìa và một cái ghim, trước mặt đặt hai đồng flô-rin. Mỗi khi nhà cái tuyên bố màu và số trúng giải, người đàn bà lại lấy ghim vạch vào mảnh bìa đánh dấu thật cẩn thận. Mụ chỉ dám đặt tiền khi nào thấy màu đen hay màu đỏ đã lên thông vài bận liền. Cử chỉ người đàn bà này khiến cho người ta ngạc nhiên.

Dầu đã thận trọng và kiên nhẫn đến thế, nhưng mụ vẫn đoán lầm. Hai đồng flô-rin cuối cùng theo nhau chui tọt vào trong ngăn kéo của bác hồ ly, lúc bác lạnh lùng tuyên bố màu và số nào trúng giải. Người đàn bà thở dài nhún đôi vai để trần vốn đã quá lộ liễu trong tấm áo buổi tối, rồi cắm mạnh cái ghim xuống mặt bàn xuyên qua mảnh bìa; mụ gõ gõ ngón tay, ngồi yên một lúc. Lát sau mụ lên nhìn quanh, gặp ngay bộ mặt thực thà của Georgy đang ngó chăm chăm vào cái bàn quay số, thằng bé mới hay chứ! Không biết nó mò đến đây làm gì thế. Lúc người đàn bà nhìn thấy thằng bé, mụ giương đôi mắt lóng lánh sau chiếc mặt nạ ngó trân trân vào mặt nó một hồi rồi hỏi:

- Cậu không chơi à? ()

Thằng bé đáp:

- Thưa bà, không.()

Nhưng có lẽ người đàn bà nghe giọng nói của thằng bé đã biết nó là người nước nào, cho nên mụ dùng tiếng Anh hỏi tiếp, tiếng nói lơ lớ pha giọng ngoại quốc.

- Cậu chưa đánh bạc bao gờ... cậu giúp chị một tý nhé?

- Giúp cái gì cơ?

Thằng Georgy lại đỏ mặt đáp. Bác Kirsch đang ham cuộc đỏ đen () không để ý đến cậu chủ.

- Cậu chơi hộ chị một cái tý nhé. Cậu cứ đặt tiền hộ vào số nào cũng được, bất cứ số nào.

Mụ lôi trong ngực ra một cái túi, móc ra một đồng tiền vàng, đồng tiền vàng duy nhất còn lại, và đặt vào tay thằng Georgy.

Thằng bé cười và làm theo lời người đàn bà. Lần này trúng ngay số ấy được giải. Người ta vẫn bảo rằng "đánh bạc có thần hay đãi tay mới", đúng thật.

Người đàn bà vơ tiền về, nói:

- Cảm ơn cậu nhé. Tên cậu là gì nhỉ?

- Tên cháu là Osborne.

Georgy vừa đáp vừa thọc tay vào túi mân mê mấy đồng tiền vàng sắp sửa thử một tiếng bạc, thì đúng lúc ấy viên thiếu tá bận bộ quân phục và Joe mặc theo lối hầu tước vừa dự dạ hội trong triều về, bước vào. Nhiều người khách thấy buổi dạ hội trong triều tẻ quá, bỏ về sớm; họ ưa những thú vui xô bồ tại tòa thị sảnh hơn. Có lẽ Joe và Dobbin đã về nhà, nhưng không thấy Georgy đâu, hai người lại đi tìm. Vừa nhìn thấy thằng bé, Dobbin lập tức tiến lại nắm lấy vai nó kéo sềnh sệch ra khỏi nơi giải trí tai hại này. Đoạn anh ta mới nhìn quanh, thì thấy ngay Kirsch đang mải chúi mũi vào đám bạc. Dobbin bước lại hỏi tại sao bác dám dắt Georgy đến một nơi như thế này.

Bác Kirsch vừa say rượu lại đang mê lên vì canh bạc, đáp:

- Mặc xác tôi, cũng phải giải trí một tý chứ, Ơ kìa! Tôi có phải là người hầu của ông đâu?().

Thấy bác đang cơn máu mê, Dobbin không buồn nói thêm làm gì. Anh ta kéo Georgy đi ra và hỏi xem Joe có muốn cùng về không. Lúc ấy Joe đang đứng kề sát người đàn bà đeo mặt nạ, mụ này xem ra đang gặp vận đỏ. Joe có vẻ rất chú ý đến canh bạc.

Viên thiếu tá hỏi:

- Joe, có nhẽ anh nên cùng về với tôi và Georgy thì hơn.

Joe đáp:

- Tôi ở lại một tý rồi về sau với thằng cha Kirsch kia cũng được.

Dobbin vì nhã nhặn nghĩ rằng không nên phản đối Joe ngay trước mặt tháng cháu trai; anh ta để Joe ở lại, đưa Georgy về trước.

Ra khỏi tòa thị sảnh, trên đường về nhà, Dobbin hỏi Georgy:

- Lúc nãy cháu có đánh bạc không?

Thằng bé đáp:

- Không ạ.

- Cháu hãy lấy danh dự của một người thượng lưu hứa với bác rằng sẽ không bao giờ đánh bạc nhé?

Georgy hỏi lại:

- Tại sao, hở bác? Cháu thấy vui lắm mà.

Viên thiếu tá, với giọng nói sôi nổi hùng biện, giải thích cho nó rõ tại sao không nên đánh bạc. Dobbin định lấy ngay George là cha nó ngày trước làm thí dụ để thuyết phục thằng bé, nhưng nghĩ lại, không muốn nói bất cứ điều gì không tốt đẹp về người bạn đã quá cố nên anh ta lại thôi. Đưa Georgy về nhà cẩn thận rồi, Dobbin về giường nằm, nhưng vẫn để ý nhìn xem ánh đèn trong phòng thằng bé sát ngay mé ngoài phòng của Amelia đã tắt chưa. Độ nửa giờ sau, đèn trong phòng Amelia cũng tắt. Không rõ vì cớ gì anh ta để ý tỷ mỷ đến thế.

Riêng Joe vẫn la cà ở lại bên bàn quay số. Anh ta không phải là người máu mê cờ bạc, nhưng giá thỉnh thoảng giải trí tý chút cho vui thì cũng không phản đối. Nhân sẵn mang theo trong túi mấy đồng Napoléon, Joe bèn móc ra một đồng, với tay qua cái vai đẹp để trần của người đàn bà bé nhỏ ngồi trước mặt đặt xuống bàn. Cả hai người cùng được. Người đàn bà hơi nhích người ra, vơ vạt áo lại cho gọn nhường chỗ cho Joe ngồi xuống chiếc ghế cạnh mình.

- Ông ngồi xuống đây; mong rằng ông sẽ đem lại may mắn cho tôi.

Giọng nói của người đàn bà lại lơ lớ pha giọng ngoại quốc, khác hẳn lúc nãy khi cảm ơn thằng Georgy đã chơi giúp tiếng bạc may mắn, mụ nói bằng tiếng Anh rất thoải mái và đúng giọng. Anh chàng to béo đưa mắt ngó quanh xem có ai là người tai mặt để ý đến mình không, rồi mới ngồi xuống. Anh ta lẩm bẩm:

- A, hay lắm; cầu chúa ban phúc lành cho tôi... Tôi đang cầu sao được vậy, chắc chắn tôi sẽ đem sự may mắn đến cho bà.

Joe còn lúng túng tiếp theo mấy lời chúc tụng không nghe rõ.

Người đàn bà đeo mặt nạ hỏi:

- Ông có hay chơi luôn không?

Joe hãnh diện quăng ra một đồng tiền vàng đáp:

- Chơi tý ty gọi là thôi.

Người đàn bà láu lỉnh đáp:

- Phải, gọi là cho đỡ buồn ngủ sau bữa ăn, phải không?

Nhưng thấy Joe nhìn mình tỏ vẻ hốt hoảng, mụ tiếp theo bằng giọng nói thanh thanh của người Pháp:

- Ông đánh bạc không cốt được tiền. Tôi cũng vậy. Tôi đánh bạc để quên, nhưng không sao quên nổi. Tôi không sao quên nổi quá khứ ông ạ. Thằng cháu gọi ông bằng bác sao mà giống bố nó như đúc. Còn ông... trông ông vẫn như xưa... nhưng không, cũng có thay đổi ít nhiều. Ai cũng thay đổi, ai cũng quên hết cả; không có người nào là chung tình.

Joe bối rối hỏi:

- Trời đất ơi, bà là ai vậy?

- Joseph Sedley, ông không đoán ra ư?

Người đàn bà bé nhỏ đáp bằng một giọng buồn rầu; đoạn gỡ chiếc mặt nạ xuống nhìn thẳng vào mặt Joseph:

- Anh quên em rồi.

Joe há hốc mồm ra vì ngạc nhiên:

- Lạy Chúa tôi. Bà Crawley!

Người đàn bà đặt tay mình lên tay Joe, chữa lại:

- Rebecca.

Nhưng trong lúc nói chuyện với Joe, Rebecca vẫn không quên để ý theo dõi canh bạc. Cô ta nói tiếp:

- Em trọ ở khách sạn "Con Voi". Anh cứ hỏi thăm bà de Raudon thì tìm thấy. Hôm nay em có gặp chị Amelia thân yêu của em một lần. Hồi này chị ấy đẹp ra nhiều; chị ấy sung sướng thật! Anh cũng vậy. Tất cả mọi người đều có hạnh phúc, chỉ riêng em là khổ sở, anh Joseph Sedley ạ.

Nói đoạn cô ta đẩy đồng tiền của mình đặt bên cửa màu đỏ sang bên màu đen. Nhưng làm như vì vô tình chạm bàn tay vào chứ không phải là cố ý, đồng thời cô ta đưa chiếc mùi xoa có viền một hàng đăng-ten đã rách bươm lên chùi mắt.

Lần này vẫn lên màu đỏ,. thế là Rebecca mất sạch số tiền được từ nãy. Cô ta bảo Joe:

- Chúng ta đi thôi. Anh đi với em một tý nhé... đối với nhau, chúng là bạn có...có phải thế không anh Sedley thân mến?

Vừa lúc ấy Kirsch tiên sinh cũng cạn túi. Hắn đi theo ông chủ ra ngoài đường. Trời sáng trăng; đèn bắt đầu tắt dần từng ngọn một. Trong bóng tối lờ mờ, khó lòng theo dõi được cặp trai gái cho rõ ràng.

Chương 64: MỘT CHƯƠNG LÔNG BÔNG

Chúng ta bắt buộc phải bỏ qua một thời kỳ trong cuộc đời của Rebecca Crawley không nói đến, như vậy cốt thỏa mãn cái gọi là tính tế nhị của người đời... cái bọn người đời đứng đắn, tuy không đặc biệt phản đối những thói xấu xa, nhưng hình như lại cứ muốn có thái độ ghê tởm mỗi khi nghe ai gọi những thói xấu ấy bằng đúng tên tục. Trong Hội chợ phù hoa, có những việc xảy ra hàng ngày ai cũng thừa rõ, nhưng không ai chịu nói ra; chẳng khác gì bọn người theo tôn giáo Ahrimania thờ cúng quỷ sứ, nhưng không bao giờ dám hé miệng nhắc đến tên nó. Bởi vậy, công chúng lịch sự mới không thể chịu đựng nổi một cuốn tiểu thuyết miêu tả chân thực những thói ô uế của người đời, cũng như những phụ nữ chân chính lịch sự người Anh hoặc người Mỹ không bao giờ chịu để cho danh từ "cái quần" lọt vào đôi tai tinh khiết của họ. Vậy mà thưa quý bà, hàng ngày cái quần vẫn cứ nghiễm nhiên đi lại trước mặt chúng ta mà cũng chẳng thấy ai lấy làm khó chịu lắm. Ví thử mỗi lần nhìn thấy cái quần bà lại ngượng đến đỏ mặt lên, thì ôi thôi, sắc mặt bà không biết rồi sẽ ra sao. Song cũng may thay, chỉ khi nào nghe nhắc đến có tên thô bỉ ấy, thì sự e lệ của bà mới có dịp giật mình hoảng hốt và công phẫn. Kẻ viết truyện này, vì cũng muốn chiều theo thói tục của người đời, cho nên từ đầu đến cuối cuốn sách chỉ nhắc tới sự có mặt của tội lỗi trên trái đất bằng những lời lẽ nhẹ nhàng bóng bẩy, dễ ưa, cốt cho không một ai có tâm hồn tế nhị phải khó chịu. Tôi thách người nào dám nói rằng tôi đã không trình bày Becky trước công chúng với một dáng vẻ hoàn toàn nhã nhặn và vô hại đấy, mặc dầu không phải là cô ta không có một vài thói xấu.

Trong khi miêu tả con nữ thủy quái luôn luôn mỉm cười ca hát, mơn trớn nịnh nọt cực khéo, tác giả rất khiêm tốn xin hỏi khắp các vị độc giả xem có một lúc nào hắn đã quên không tôn trọng những quy tắc của sự lễ độ mà cho con thủy quái thò cái đuôi đáng ghê tởm của nó lên khỏi mặt nước chăng? Không! Tùy sở thích, ai muốn, xin cứ việc ghé mắt nhòm kỹ xuống mặt nước cũng khá trong; qua những đợt sóng, họ sẽ thấy cái đuôi uốn éo, dẫy dụa, nhầy nhụa bùn đất và xấu xí một cách đáng tởm của nó đang phe phẩy bên đám xương trắng, hoặc cuốn lấy thi thể của những kẻ nạn nhân. Nhưng thử hỏi rằng, trên mặt nước, có cái gì gọi là không đúng đắn lịch sự, nhã nhặn, khiến cho kẻ đạo đức giả soi mói nhất trong Hội chợ phù hoa có quyền lên tiếng phản đối? Tuy vậy, khi con thủy quái nhào xuống nước mà biến mất, dĩ nhiên mặt nước sẽ lầm lên, chúng ta có cố tò mò nhìn theo cũng chỉ mất công toi mà thôi. Khi những con quái vật ấy ngồi trên tảng đá nhấn những cung đàn, cầm lược chải mớ tóc mượt mà, và hát, và soi gương, và vẫy bạn đến gần, thì trông cũng xinh đẹp lắm lắm. Nhưng một khi chúng đã lặn sâu xuống cái môi trường thích hợp với bản chất của chúng thì chẳng còn gì đáng hấp dẫn nữa; tốt hơn là chúng ta không nên theo dõi những con quái vật ăn thịt người ấy làm gì, nhất là lúc chúng đang say sưa chè chén trên những thi thể bị ướp của nạn nhân. Cho nên xin các bạn hãy tin rằng, khi Becky thoát khỏi tầm mắt của chúng ta, hành động của cô ta chắc chắn không được tốt đẹp lắm, và càng ít nhắc đến những hành động của cô ta bao nhiêu càng tốt.

Nếu phải kể lại đầy đủ hành vi của Becky suốt hai năm trời sau khi xảy ra câu chuyện tai hại ở phố Curzon, e rằng có một số người sẽ vin vào đó mà nói rằng cuốn truyện này không đứng đắn. Xưa nay cách ăn ở của hạng người ưa thú phù hoa, vô tình và ham khoái lạc thường vẫn không được đứng đắn (cũng như khá nhiều hành vi của chính ngài, hỡi ông bạn mặt mũi nghiêm trang và đạo đức không ai chê vào đâu được kia... nhưng ấy là nói chơi thế thôi); trách chi một người đàn bà không có đức tin... không biết đến tình yêu, sống không có một nguyên tắc nào? Cho nên tôi muốn nghĩ rằng trong cuộc đời của Becky, có một thời gian cô ta bị một nỗi thất vọng nào đó - chứ không phải là sự hối hận - giày vò, do đó đã hoàn toàn chán chường đối với chính mình, và chẳng thiết gì đến chuyện gìn giữ danh giá làm chi cho mệt.

Không phải đột nhiên sự rã rời (), sự sa đọa ấy xảy ra ngay một lúc; sau cơn hoạn nạn của cô ta, nó đến từ từ bước một bước một, mặc dầu Becky cũng đã gắng gỏi vật lộn nhiều lần để ngóc đầu dậy; cũng như một người bị rơi khỏi mạn tàu xuống bể, cố sống cố chết bám lấy một mảnh ván trôi dạt chừng nào trong đầu còn le lót một tia hy vọng; nhưng tới lúc thấy rõ vật lộn mấy nữa cũng chỉ vô ích, người ấy sẽ quăng mảnh ván kia đi và cứ thế mà chìm sâu xuống nước.

Trong thời gian chồng đang lo sửa soạn lên đường nhận chức vụ của chính phủ giao cho, Becky còn nấn ná lang thang trong thành phố Luân-đôn ít lâu. Như ta có thể dự đoán, cô ta đã nhiều lần tìm cách gặp mặt ông anh chồng tức là tôn ông Pitt Crawley, hòng lợi dụng cảm tình của người đã hầu như được cô ta để lọt vào mắt xanh. Một hôm tin ông Pitt cùng đi bộ với Wenham đến Hạ nghị viện, Wenham nhác thấy Rebecca che chàng mạng đen kín mặt đang lượn đi lượn lại gần tòa quốc hội. Gặp tia mắt Wenham, cô ta vội lảng đi chỗ khác; về sau cũng không lần nào Becky thực hiện được ý định lợi dụng anh chàng nam tước.

Cũng rất có thể chính công nương Jane đã nhúng tay vào việc này. Có người bảo với tôi rằng ông chồng ngạc nhiên không thể tưởng tượng được khi thấy vợ tỏ ra quá hăng hái trong vụ xích mích vừa rồi, và cương quyết tuyệt giao hẳn với Becky. Công nương Jane tự ý mời Rawdon dọn đến ở với anh trai ở phố Gaunt trong thời gian chưa lên đường đi Coventry, vì cô hiểu rằng có Rawdon đóng vai trò hộ vệ cho chồng, chắc chắn không khi nào Becky dám liều lĩnh bén mảng tới. Công nương Jane còn cẩn thận xem xét từng phong thư gửi đến cho ông Pitt, sợ rằng chồng và cô em dâu thư từ đi lại với nhau chăng. Giả thử Becky muốn viết thư cho Pitt Crawley cũng không thể được, nhưng cô ta không viết thư cũng không tìm cách đến nhà riêng để gặp mặt; sau vài lần thất bại, Becky đồng ý nhận lời đề nghị của Pitt, nghĩa là tất cả những giấy tờ có liên quan đến vụ xích mích của vợ chồng cô ta sẽ do luật sư chuyển giao. Nói cho đúng thì cảm tình của Pitt Crawley đối với cô em dâu đã bị người khác cắt đứt rồi. Sau câu chuyện không may của hầu tước Steyne, Wenham có dịp ngồi chơi với Pitt. Hắn mới dụng ý trình bày một bản lý lịch của Becky, đủ để cho ông chủ trại Crawley Bà chúa phải tròn mắt vì ngạc nhiên. Hắn am hiểu chân tơ kẽ tóc về cuộc đời của cô ta; hắn cho biết bố đẻ ra Becky là ai; mẹ cô ta là vũ nữ nhảy múa ở rạp Opera vào những năm nào; trước khi lấy chồng, quá khứ của Becky ra sao, và suốt thời gian ăn ở với Rawdon tư cách của cô ta thế nào... Tôi không muốn nhắc lại những điều hắn kể ở đây, vì tôi tin rằng phần lớn là những chuyện bịa đặt do dụng ý xấu xa của hắn. Chỉ biết rằng Becky đã để lại một ấn tượng rất đáng buồn cho nhà quý tộc xứ quê và cũng là ông anh chồng, người đã một thời đặc biệt có cảm tình đối với cô em dâu.

Lương bổng của vị thống đốc đảo Coventry không được hậu hĩnh lắm. Ngài thống đốc dành riêng một phần lợi tức để thanh toán một số món nợ cấp bách nhất; vả chăng ở địa vị cao quý này, ngài cũng phải chi tiêu nhiều. Cuối cùng tính ra ngài chỉ có thể trợ cấp cho bà vợ cũ mỗi năm khoảng hơn ba trăm đồng. Rawdon đặt điều kiện là muốn lấy tiền, Rebecca không được tìm cách làm phiền đến mình nữa. Nếu không muốn thế thì...cho câu chuyện xấu xa vỡ lở ra, và ly dị, và đưa nhau ra tòa cũng không cần. Nhưng đã có Wenham, đã có hầu tước Steyne, đã có Rawdon, đã có tất cả mọi người lo việc tống khứ cô ta ra khỏi nước Anh, để bịt cái hũ mắm thối lại.

Có lẽ Becky quá bận bịu trong việc giao thiệp với luật sư của chồng, nên quên bẵng không nghĩ đến chuyện đòi giữ đứa con trai tức là thằng Rawdy, mà cũng không hề lần nào ngỏ ý muốn tìm gặp mặt nó. Thằng bé được đưa về cho hai bác nó trông nom. Xưa nay bác gái nó vẫn được nó quý hơn cả. Sau khi rời nước Anh ra đi, Rebecca từ Boulogne gửi cho con một lá thư lời lẽ thật ngọt ngào; trong thư, cô ta dặn con phải chăm chỉ học tập; còn mình thì sẽ đi du lịch một thời gian trên lục địa, và sẽ viết thư gởi về cho con nữa.

Nhưng một năm sau, cũng chẳng thấy thư từ gì của cô ta. Mãi tới khi thằng con một ốm o loẻo khoẻo của tôn ông Pitt bị chết vì bệnh ho gà và lên sởi thì Becky lại viết cho đứa con trai yêu quý một bức thư lời lẽ cực kỳ nồng nàn. Thằng bé anh họ chết đi, thế là Rawdy trở thành người thừa kế quyền sở hữu trại Crawley Bà chúa.

Đối với người bác gái tốt bụng, nó càng quý mến hơn trước, vì công nương Jane đã coi nó như con đẻ. Bây giờ Rawdy Crawley đã là một thiếu niên vạm vỡ, xinh trai; nhận được thư mẹ, nó đỏ mặt nói:

- Ồ, bác Jane ơi, bác mới chính là mẹ của cháu chứ không phải... không phải người kia đâu.

Tuy vậy nó cũng viết một lá thư lời lẽ ngọt ngào lễ độ gửi cho Rebecca; hồi này cô ta đang ở trọ trong một gia đình tại Florence.

Nhưng đó là chuyện sẽ nói đến ở dưới.

Chuyến bay nhảy đầu tiên của Becky cũng không xa lắm. Cô ta đỗ lại ở Boulogne, bên bờ biển nước Pháp; đó là chỗ trú ẩn của khá nhiều người Anh trong trắng vô tội. Ở đó, cô ta thuê hai gian phòng khách sạn; một chị hầu phòng giúp việc, sống như một người đàn bà góa hiền lành. Cô ta dùng bữa tại phòng ăn công cộng của khách sạn; ai cũng cho Becky là người vui tính, vì cô ta hay kể chuyện với những người bên cạnh về anh chồng mình là tôn ông Pitt và về những bạn bè toàn những bậc tai mặt ở Luân-đôn. Đối với một số người tầm thường, những câu chuyện vẩn vơ ấy và khoa ăn nói giảo hoạt của cô ta rất được tán thưởng. Nhiều người cứ yên trí rằng cô ta là một nhân vật quan trọng. Becky tổ chức những buổi tiệc trà thân mật nho nhỏ, thết khách tại phòng riêng, và cũng tham dự những thú giải trí thông thường khác trong thành phố đại khái như đi tắm bể, ngồi xe ngựa bỏ mui đi chơi mát, đi bách bộ hứng gió bể trên bãi cát, đi xem hát v.v... Bà Burjoice, vợ một ông chủ nhà in, cùng con cái đến thuê phòng tại khách sạn suốt mùa hạ; hàng tuần cứ thứ bảy và chủ nhật, ông Burjoice lại đến thăm vợ con. Bà này thấy Becky đáng yêu lắm, cho tới khi ông chồng bắt đầu tỏ ra săn sóc hơi quá đáng đến cô bạn. Nhưng chuyện ấy không có liên quan gì đến chúng ta; chỉ biết rằng Becky bao giờ cũng hòa nhã, duyên dáng và vui vẻ... đặc biệt là với đàn ông.

Hàng năm vào hồi này, người Anh có thói quen ra nước ngoài du lịch rất đông. Becky có nhiều dịp để biết giới thượng lưu thành Luân-đôn nghĩ thế nào về cách ăn ở của mình. Một bữa Becky đang bình thản dạo chơi trên bến tàu Boulogne vừa hướng tầm mắt ra ngoài bể ngắm những vách đá của xứ sở Albion lóng lánh dưới ánh mặt trời trên làn sóng xanh biếc thì trạm trán với Partlet phu nhân đi cùng mấy cô con gái. Partlet phu nhân lập tức nghiêng chiếc ô che kín mặt và ra hiệu cho mấy cô con gái đứng quây quần lại quanh mình. Đoạn bà ta vừa đi khỏi bến tàu vừa liếc cặp mắt giận dữ nhìn lại Becky đứng trơ trọi một mình. Một bữa khác, Becky đứng xem tàu từ Anh sang cập bến. Vừa qua, trời nổi lại gió; Becky có cái thú đặc biệt là ngắm những bộ mặt phờ phạc của hành khách dưới tàu bước lên. Hôm ấy Slingstone phu nhân cũng đi tàu. Cuộc hành trình vất vả vừa qua làm cho phu nhân mệt nhoài, hầu như không còn đủ sức để bước qua mảnh gỗ bắc từ mạn tàu lên bờ. Nhưng chợt thấy Becky đội chiếc mũ hồng đứng mỉm cười diễu cợt nhìn mình, bà này bỗng thấy khỏe mạnh hẳn lên. Bà liếc nhìn Becky với cặp mắt khinh miệt đủ khiến cho mọi người đàn bà khác phải chui xuống đất vì hổ thẹn, rồi rảo bước tiến về phía phòng quan thuế không cần ai nâng đỡ. Becky chỉ cười nhưng chắc trong thâm tâm cô ta cũng không vui vẻ gì. Bây giờ cô ta cảm thấy mình trơ trọi, hoàn toàn trơ trọi. Không còn hy vọng gì qua được cái vách đá sáng lóng lánh của nước Anh, xa tít tắp kia mà về nước nữa rồi.

Thái độ đàn ông đối với cô ta bây giờ cũng đổi khác thế nào ấy. Gặp Becky, Grinstone nhe bộ răng trắng nhởn ra cười, và ăn nói suồng sã một cách khó chịu. Mới ba tháng trước đây cái anh chàng bé nhỏ Bob Suckling hễ thấy cô ta là vội ngả mũ cầm tay chào thật lễ phép; khi ấy anh ta sẵn sàng đi bộ một dặm đường dưới trời mưa tầm tã cốt đến phố Gaunt nhìn mặt Becky ngồi trong xe ngựa một tý.

Một hôm Becky đi chơi trên kè đá gặp anh ta đứng nói chuyện với Fitzoof, sĩ quan ngự lâm quân (con trai bá tước Heehaw); anh chàng Bobby ngoái cổ lại khẽ gật đầu chào cô ta một cái chiếc mũ vẫn úp lù lù trên đầu, cũng không thèm tạm ngừng câu chuyện đang nói dở với bạn. Tom Raikes thì có lần định mò vào tận phòng khách của Becky, mà trên mồm vẫn phì phèo điếu xì gà. Cô ta đóng sập cửa lại, chỉ hận một điều là không kịp làm cho anh chàng bị kẹp nát ngón tay. Becky bắt đầu cảm thấy từ nay mình hoàn toàn trơ trọi.

Cô ta tự nhủ: "Ôi chao, nếu anh ấy có mặt ở đây, cho ăn kẹo mấy thằng hèn nhát này cũng không dám lếu láo với mình". Becky nghĩ đến "anh ấy" trong lòng buồn bã quá thể, và có lẽ lúc này cô ta đang nhớ tiếc con người hiền lành, đần độn, nhưng rất mực ngoan ngoãn và chung tình, nhớ tiếc con người luôn luôn vâng lời vợ, luôn luôn vui tính, và can đảm. Không biết chừng Becky đã khóc, vì lúc xuống nhà dùng bữa tối, thấy cô ta vui vẻ hẳn lên một cách khác thường, đánh phấn hồng bôi môi thật lộng lẫy.

Hồi này ngày nào Becky cũng đánh phấn bôi môi cẩn thận, và và ngoài số rượu cô-nhắc có tính trong hóa đơn của khách sạn, cô ta còn bảo chị hầu gái mua ngoài để dùng thêm.

Đối với Becky, có lẽ sự bỉ báng của bọn đàn ông không đáng giận bằng thái độ thương hại của nhiều người đàn bà khác. Bà Crackenbury và bà Washington White nhân sang Thụy Sĩ có đi qua Boulogne (cuộc du lịch này do đại tá Horner và anh chàng Beaumoris tổ chức, dĩ nhiên có cả ông già Crackenbury và cô con gái nhỏ của bà White cùng đi). Họ lại không tránh mặt Becky mới lạ chứ. Họ chỉ tíu tít cười nói, rồi thăm nom, rồi an ủi với thái độ hết sức kẻ cả, kỳ cho cô ta uất đến điên người lên được. Sau khi hôn Becky để từ biệt, họ vừa đi vừa cười với nhau, Becky nhìn theo nghĩ thầm: "Cái bọn chúng nó mà lại dám lên mặt ta đây với mình". Từ cầu thang gác còn vẳng lên tiếng cười của anh chàng Beaumoris, Becky hiểu rõ ý nghĩa cái cười ấy lắm. Becky vẫn thanh toán tiền phòng đều đặn hàng tuần, vẫn tỏ ra khả ái đối với tất cả mọi người ở đây; gặp bà chủ khách sạn bao giờ cô ta cũng mỉm cười chào; nói với bọn hầu phòng và hầu ăn thì một điều thưa hai điều gửi tử tế, thái độ này bù đắp lại rất nhiều thói keo kiệt của cô ta (xưa nay Becky vẫn keo kiệt), thế mà sau cuộc viếng thăm nói trên, đột nhiên Becky nhận giấy báo của ông chủ khách sạn yêu cầu cô ta dọn đi chỗ khác, vì có người cho biết là không nên để cho hạng người như Becky ngụ tại khách sạn này và vì các bà thượng lưu người Anh không chịu cùng ngồi ăn với cô ta.

Thành thử Becky bắt buộc phải đi trọ nơi khác; không gì khiến cô ta chán nản bằng phải sống ở nơi tiêu điều vắng vẻ. Mặc dầu bị vấp váp như vậy, Becky vẫn còn chống trọi, vẫn tìm cách gây dựng lại tín nhiệm cho bản thân, cố xóa bỏ lời miệng thế gièm pha. Cô ta chịu khó đi lễ nhà thờ rất chăm chỉ, lại hát to hơn mọi người. Becky còn bỏ tiền ra làm việc thiện, giúp đỡ vợ con những người dân chài bị đắm thuyền chết đuối, lại cùng vào Hội truyền giáo Quashyboo nhiều bức vẽ và đồ thêu. Cô ta ghi tên hưởng ứng rất nhiều việc từ thiện, và không bao giờ chịu khiêu vũ theo điệu van-xơ. Tóm lại, Becky chịu làm tất cả những việc gì gọi là đáng kính; chính vì thế chúng tôi thích đặc biệt nhấn mạnh đến đoạn đời này của cô ta hơn là thời kỳ trước, vì hồi ấy, cuộc sống của Becky không được đẹp đẽ bằng. Bị thiên hạ tránh mặt nhưng cô ta vẫn kiên nhẫn mỉm cười tươi tỉnh với mọi người. Nhìn vẻ mặt bề ngoài, đố bạn có thể lường được trong thân tâm Becky đau đớn tủi nhục đến thế nào.

Nói cho cùng, cuộc đời của Becky thật là một điều bí mật; đối với hành vi của cô ta, người đời chia làm hai phe, khen có, chê có.

Một số người đa sự nhất định lên án Becky là hư hỏng, trong khi lại có một số người khác cả quyết rằng cô ta ngây thơ trong trắng như một con cừu non, và bao nhiêu tội lỗi là ở anh chồng gây ra hết. Thấy Becky khóc nức nở mỗi lần nghe ai nhắc đến tên con trai, hoặc tỏ vẻ rầu rĩ âu sầu khi nhìn thấy đứa trẻ nào giống con mình, nhiều người đâm ra thông cảm. Bằng thủ đoạn này, Becky đã chinh phục được cảm tình của bà Alderney; bà này hầu như được coi là nữ hoàng của những người Anh sống ở Boulogne; ở đây bà là người mở tiệc và tổ chức dạ hội thết đãi khách khứa nhiều nhất.

Lần cậu bé Alderney trọ học tại trường của Swishtail tiên sinh nghỉ hè về thăm nhà, Becky nghẹn ngào khóc bảo với Alderney thế này:

"Chú bé nhà ta cùng tuổi với cháu Rawdy, mà nom giống nhau quá cơ," Thật ra hai đứa chênh lệch nhau đến năm tuổi, còn chuyện diện mạo thì chúng giống nhau cũng như kẻ hèn mọn viết truyện này giống bạn độc giả đáng kính mà thôi. Nhân ra nước ngoài để đến Kissingen tìm hầu tước Steyne, Wenham đã cho bà Alderney biết sự thực về chuyện này. Hắn nói với bà ta rằng hắn có thể tả lại hình dáng thằng Rawdy đúng hơn chính mẹ nó, vì thiên hạ ai cũng thừa biết Becky ghét con trai như đào đất đổ đi, có nhìn mặt nó bao giờ đâu. Hắn kể thêm rằng thằng Rawdy lên mười ba, mà Alderney thì mới lên chín, thằng Rawdy khá xinh xắn, còn thằng bé kia thì tóc đen. Tóm lại Wenham làm cho người đàn bà tiếc mãi vì nỗi mình cả tin.

Cứ mỗi lần Becky vất vả xây dựng được cảm tình của một vài người đối với mình, thì lại có một kẻ ở đâu đến tàn nhẫn đạp đổ đi; thế là cô ta phải làm lại từ đầu. Công việc thật là vất vả, vô cùng vất vả; đáng buồn hơn nữa là không được một ai giúp đỡ.

Đã có một hồi bà Newbright đi lại thân mật với Becky, vì bị hấp dẫn bởi giọng hát ngọt ngào của cô ta ở nhà thờ; hơn nữa bà này lại thấy Becky có nhiều ý kiến xác đáng đối với những vấn đề tôn giáo; những ngày sống ở trại Crawley Bà chúa, Becky đã có dịp học hỏi nhiều về những vấn đề này. Cô ta bằng lòng nhận những cuốn sách tôn giáo bà này đưa cho, lại đọc cẩn thận. Becky còn may những tấm váy bằng len để tặng phái đoàn truyền giáo Quashyboo, may những chiếc mũ vải bông gửi cho thổ dân da đỏ ở Cocoanut, vẽ những cái quạt giấy gửi chúng vào công cuộc cải đạo cho người Do- thái của đức Giáo hoàng. Hàng tuần, cứ ngày thứ tư, Becky đi nghe ông Rowls giảng đạo, thứ năm đi nghe ông Huggleton, chủ nhật đi lễ nhà thờ hai bận, không kể buổi tối lại nghe ông Bawler thuyết giáo.

Nhưng tất cả đều vô ích. Bà Newbright có dịp trao đổi thư từ với bá tước Southdown phu nhân về công cuộc từ thiện của quỹ cứu trợ "Cái lồng ấm" nhằm giúp đỡ những người thổ dân đảo Fiji (đối với công cuộc từ thiện này, giới phụ nữ rất sốt sắng); trong một bức thư, bà này đã không tiếc lời ca tụng người bạn yêu dấu của mình là bà Rawdon Crawley. Bà bá tước bèn gửi một lá thư phúc đáp nói về Becky với đủ mọi chi tiết đặc biệt kèm theo những lời bóng gió, những bằng chứng và những lời vu cáo, tóm lại khiến cho mối giao tình thân mật giữa bà Newbright và bà Crawley đình chỉ ngay lập tức.

Và từ đó mọi người Anh đứng đắn ở thành Tours, nơi xảy ra sự việc tai hại này, cũng thôi hẳn không đi lại với con người bị ruồng bỏ ấy nữa. Ai đã từng am hiểu sinh hoạt của người dân Anh ở nước ngoài đều biết rằng đi đâu chúng ta cũng mang theo cả tính kiêu ngạo, những thành kiến, món nước sốt, món ớt cay cùng đủ mọi thứ thói quen khác, tóm lại để dựng thành một nước Anh-cát-lợi nho nhỏ ngay nơi chúng ta trú ngụ.

Rebecca bay chuyền từ nơi này đến nơi khác một cách khá vất vả, từ Boulogne cô ta đi Dieppe, từ Dieppe đi Caen, rồi từ Caen lại bỏ đi Tours... đến đâu cũng gắng hết sức sống một cuộc đời đáng kính; nhưng than ôi! vẫn không sao tránh khỏi một ngày nào đó lại bị lũ quạ phát hiện và đuổi ra khỏi tổ.

Trên con đường phiêu bạt, đã một lần Becky được bà Hook Eagles đón về cho ẩn náu; bà này là một người đứng đắn, cả đời không hề có tai tiếng gì, lại có một ngôi nhà riêng ở công viên Portman. Becky đến Dieppe thì gặp bà ta cũng đang sống tại khách sạn ở đây. Lần đầu tiên hai bên làm quen với nhau ngoài bờ biển, lúc cùng bơi trên mặt nước, sau đó lại gặp nhau nhiều lần trong phòng ăn công cộng của khách sạn. Bà Eagles có nghe phong thanh về câu chuyện giữa Becky và hầu tước Steyne (còn ai mà không biết đến chuyện này nữa?) nhưng sau một buổi trò chuyện với cô ta, bà tuyên bố rằng Becky là một vị thiên thần, còn anh chồng là một tên thô bỉ, hầu tước Steyne là một thằng khốn nạn như tất cả mọi người đều đã rõ; tóm lại tất cả những âm mưu bỉ ổi làm cho bà Crawley mất danh dự đều do bàn tay tên mặt hạng Wenham gây ra.

Bà Hook Eagles bảo chồng:

Này, ông Eagles, nếu ông quả thực là người có lương tâm, thì lần sau gặp tên khốn nạn ấy ở câu lạc bộ, ông phải bạt tai nó một cái hộ tôi.

Nhưng ông Eagles là một ông lão hiền lành, trời sinh ra để làm chồng bà Eagles, chỉ thích nghiên cứu khoa địa chất học, và cũng chẳng đủ cao lớn để với đến tai người khác mà bạt.

Thế là Becky được bà Hook Eagles che chở, đưa về sống chung tại nhà riêng ở Paris! Bà Eagles còn cãi nhau cả với vợ viên đại sứ Anh, vì bà này không chịu tiếp người được mình nâng đỡ; bà còn làm mọi việc một người đàn bà có thể làm để giữ gìn tiếng tăm cho cô ta nữa.

Thoạt tiên Becky cũng chịu sống một cuộc đời nền nếp, đứng đắn; nhưng rồi chẳng được bao lâu cô ta đã chán ngấy đến tận mang tai cuộc sống "nhà lành" tẻ ngắt ấy. Ngày nào cũng như ngày nào, vẫn chỉ ngần ấy chuyện lắp đi lắp lại, vẫn những tiện nghi nhạt nhẽo ấy, vẫn những cuộc giong xe đi chơi trong cái khu vườn Boulogne chán chết, vẫn ngần ấy khách khứa tiếp đãi buổi tối, vẫn những bài thuyết giáo trong cuốn Blair đọc tối chủ nhật, và vẫn vở kịch Opera diễn đi diễn lại mãi không chán. Becky đang sắp chết vì buồn nản thì may mắn làm sao cậu thanh niên Eagles từ trường đại học Cambridge về thăm gia đình. Bà mẹ thấy cô bạn gái bé nhỏ của mình làm cho con trai xúc động mạnh quá, bèn thẳng tay cảnh cáo Becky.

Sau đó, cô ta sống chung với một người bạn gái; được ít lâu cặp này bắt đầu cãi lộn nhau, và mắc nợ. Becky bèn quyết định sống cuộc đời ở trọ; cô ta đã sống ít lâu tại tòa nhà nổi danh của bà de Saint Amour, ở phố hoàng gia thành Paris. Becky bắt đầu đem cái duyên dáng hấp dẫn của mình ra thử với các cậu công tử quá thì và những đóa hoa khôi "nhuộm lại" vẫn ra vào phòng khách của bà chủ trọ. Tính Becky ưa giao thiệp; thiếu khách khứa cô ta không chịu nổi, chẳng khác gì anh nghiện thuốc phiện thiếu thuốc thì ngáp dài ngáp ngắn, cho nên thời kỳ ở trọ tại đấy, cô ta cho là có hạnh phúc nhất. Becky bảo với một người bạn cũ ở -Luân-đôn gặp lại đây thế này:

- Bọn đàn bà ở đây thú vị lắm, chẳng khác gì ở May Fair; có điều áo họ mặc không đẹp bằng. Đàn ông đi găng tay trắng muốt, nhưng cũng chỉ là một bọn thô tục chán mớ đời. Tuy thế họ cũng chẳng tồi tệ gì hơn mấy đứa bên kia. Bà chủ nhà hơi thô bỉ thật, nhưng xét ra cũng chưa thô bỉ bằng công nương...Cô ta nêu ra tên một bậc mệnh phụ đứng đầu giới phụ nữ thượng lưu lịch sự; thà chết chứ tôi chả dám nhắc lại đây. Phòng khách của bà de Saint Amour ban đêm thắp đèn sáng trưng. Đàn ông đeo toàn huy chương () ngồi đánh bài, đàn bà ngồi riêng với nhau cách xa một chút, trước cảnh tượng ấy ai chẳng bảo đây là nơi giải trí của xã hội thượng lưu, và bà chủ đích thị là một bá tước phu nhân chính hiệu. Nhiều người cũng tin tưởng như vậy và một thời, Becky đã là một trong số những bậc mệnh phụ lộng lẫy nhất ra vào phòng khách của bà bá tước.

Nhưng có lẽ đám chủ nợ của Becky

Cô ta đến thăm Waterloo, và nghĩa địa Laeken. Trông thấy nấm mộ của George, Becky xúc động mạnh. Cô ta lấy giấy bút ra ghi lại hình ảnh nấm mộ, vừa nghĩ thầm: "Cái anh chàng si tình đáng thương làm sao! Anh ta say mê mình ghê quá, mà anh ta cũng ngu ngốc không ai bằng. Không biết Emmy có còn sống không nhỉ? Con bé cũng tốt bụng đấy, cả cái lão anh trai béo ị của nó nữa. Mình vẫn còn giữ được cái tranh vẽ anh chàng béo, trông đến buồn cười. Kể ra họ cũng là những người tốt".

Becky đến Brussels được bà de Saint Amour giới thiệu với một người bạn là bà bá tước de Borodino; bà này là vợ góa của bá tước de Borodino, một viên tướng nổi danh của Napoléon. Người anh hùng này chết đi chẳng để lại cho vợ được cái gì, ngoài cái nghề chứa trọ và gá bạc. Khách khứa đến ăn và bỏ tiền ra chơi trò may rủi tại nhà bà bá tước de Borodino là những cậu công tử bột và những tay trác táng () loại nhì. Những tay nổi tiếng trác táng, những bà vợ góa thường thường là đang có việc kiện cáo, và đám người Anh ngây thơ cứ tưởng tìm thấy ở đây một xã hội thượng lưu của lục địa. Mấy cậu trai trẻ hào hoa này quăng tiền ra thết rượu sâm-banh tất cả mọi người có mặt trong phòng ăn, giong xe ngựa đi chơi với phụ nữ, hoặc thuê ngựa cho họ đi du ngoạn ở vùng quê, thuê hàng lô ghế tại rạp Opera, và xúm xít xung quanh những đôi vai đẹp để trần của các bà các cô mà đánh cuộc với nhau trên chiếu bạc; thế rồi họ viết thư về kể lại cho gia đình ở Devonshire rằng họ đang gặp nhiều may mắn trong sự giao du với giới thượng lưu nước ngoài.

Cũng như tại Paris, ở đây Rebecca vẫn là một nữ hoàng của các nhà trọ. Hễ ai mời cô ta uống rượu sâm-banh, tặng hoa cô ta, mời cùng đi xe ngựa về vùng quê chơi hoặc ngồi ghế "lô" dành riêng trong rạp hát, không bao giờ cô ta từ chối; nhưng Becky mê nhất cái thú đánh bài xì ban đêm... mà cô ta chơi rất bạo. Mới đầu Becky chỉ đặt ít nhiều gọi là, dần dần đặt cửa từng đồng năm trong một, rồi đến từng cọc đồng Napoléon, cuối cùng thì đến từng sắp giấy bạc. Do đó, nhiều khi cô ta thua cháy túi không còn đủ trả tiền trọ phải vay tiền của những chàng trẻ tuổi. Khi trong túi lại rủng rỉnh tiền, Becky nói bà bá tước de Borodino không ra gì, nhưng lúc thiếu tiền chưa trả được thì cô ta mơn trớn nịnh nọt nói ngọt cứ như mía lùi. Dần dần có lần Becky phải chơi cò con, đặt cửa từng hào một, ấy là lúc đang cạn túi. Lại có những lần vừa nhận được tiền trợ cấp xong, cô ta sẵn sàng thanh toán sòng phẳng đủ mọi khoản với bà de Borodino, và hôm ấy cũng sẵn sàng, lại ăn thua với ông de Rossignol và ông de Raff trên ghế bạc.

Một sự thực đáng buồn khi Becky rời khỏi Brussels là cô ta còn thiếu lại bà de Borodino ba tháng tiền trọ () chưa trả. Nhân thế bà bá tước de Borodino mới đem đủ các thứ chuyện về Becky ra kể lại với bất cứ người Anh nào đặt chân đến cửa nhà bà: Nào là cô ta quỵt tiền trọ, cô ta đánh bạc, cô ta uống rượu, cô ta quỳ xuống mà van lạy ông mục sư Muff, tu sĩ Anh quốc giáo, để vay tiền, cô ta ve vãn tán tỉnh công tử Noodle, con trai bá tước Noodle và là học trò của mục sư Muff, cô ta hay mời cậu này vào chơi trong phòng riêng, và đánh bài với cậu này vớ được vô khối tiền... cùng hàng trăm thủ đoạn đê tiện khác nữa; để kết luận, bà bá tước tuyên bố rằng bà Rawdon quả thật là một con rắn độc()không hơn không kém.

Cứ như thế, người đàn bà này phiêu lưu nay đây mai đó, đi cắm lều tại khắp các thành phố ở Âu châu, sống cuộc đời vô định y như Ulysses hoặc tên Do thái lang thang ngày xưa. Càng ngày Becky càng đi sâu vào con đường trụy lạc. Cô ta trở thành một người đàn bà "Bôhêm" thực thụ, chung đụng cả với những hạng người mới gặp mặt cũng đủ khiến chúng ta dựng cả tóc gáy.

Không có thành phố nào gọi là đông đúc một tý mà thiếu mặt một bày lưu manh người Anh tụ tập để sinh nhai, tức là những người vẫn được ông Hemp, lục sự, đọc tên trước tòa án của vị Bảo an đại quan. Nhiều khi họ cũng là con cái các gia đình thượng lưu nhưng đã bị cha mẹ từ bỏ rồi. Hạng người này chuyên ra vào các phòng chơi bi-a, các quán rượu, chuyên tổ chức những cuộc đua ngựa và cầm đầu các sòng bạc. Họ là khách trọ của các nhà tù giam, những người quỵt nợ... họ uống rượu rồi đi nghênh ngang ngoài đường... họ gây sự đánh nhau, chửi nhau ầm ĩ... họ chuồn khỏi nhà trọ không thèm trả tiền... họ đấu súng với các sĩ quan người Pháp, và người Đức...họ chơi bạc bịp với ông Spooney, họ đi xe ngựa thật lịch sự đến sòng... họ thuộc lòng đủ mọi mánh lới bịp bợm, túi rỗng không những cứ lẩn quất quanh bàn bạc kỳ bao giờ vớ được một ông Spooney khác để lừa, hoặc đổi được một tờ ngân phiếu giả cho lão chủ nhà hoặc cho lão chủ nhà băng người Do- thái nào đó mới chịu. Cái cảnh lên voi xuống chó của đám người này trông thấy mà bật cười. Cuộc đời của họ hẳn cũng có nhiều cái kích thích, Becky - chúng ta phải thú nhận như vậy- đã lăn vào cuộc đời ấy mà không phải là với thái độ miễn cưỡng đâu. Cùng với đám người "Bôhêm" này, cô ta lang thang từ tỉnh này sang tỉnh khác. Kháp các sòng bạc nước Đức khét tiếng bà Rawdon vận đỏ. Cô ta và bà de Cruchecassee cùng trọ chung một nhà với nhau ở Florence. Nghe đồn rằng chính quyền thành phố Munich đã ra lệnh bắt cô ta phải đi khỏi nơi này. Một người bạn tôi là ông Frederick Pigeon xác nhận rằng chính tại nhà Becky ở Lausanne, ông ta đã bi chuốc rượu cho say bí tỷ, rồi đánh bài mất toi với thiếu tá Loder và ngài Deuceace tám trăm đồng. Xin các bạn biết cho rằng chúng tôi bắt buộc phải kể lại đoạn đời này của Becky, nhưng có lẽ về chuyện này, càng nhắc đến ít bao nhiêu càng tốt thì phải.

Có người kể lại rằng khi nào Rebecca gặp vận bĩ thì cô ta lại mở lớp âm nhạc, hoặc mở những cuộc hòa nhạc để kiếm kế sinh nhai. Một lần thấy quảng cáo có bà de Raudon tổ chức biểu diễn âm nhạc () ở Wildbad, với sự cộng tác của Herr Spoff, đệ nhất tài tử dương cầm trong đội nhạc công của phó vương Wallachia. Anh bạn Eaves của tôi, con người biết khắp mặt thiên hạ trên đời này, và cũng đã từng đi chu du khắp đó đây, thường nói chuyện rằng vào năm 1830 anh ta đến Strasburg chơi, có thấy một bà Rebecque nào đó xuất hiện trên sân khấu rạp ca vũ. Bà Blanche, lần ấy bà này bị khán giả la ó cực kỳ dữ dội. Họ hò reo huýt sáo làm cho người đàn bà này phải chuồn ngay khỏi sân khấu, một phần vì nhà nghệ sĩ quá vụng về, nhưng chủ yếu là vì một số khán giả ngồi ở khu vực ghế hạng nhất () đã biểu lộ cảm tình một cách quá lộ liễu (chỗ này đặc biệt dành riêng cho các sỹ quan trong doanh trại). Eaves chắc chắn rằng nhà nghệ sĩ mới vào nghề () không may ấy, đích thị là bà Rawdon Crawley chứ không còn ai nữa.

Sự thực là bây giờ Rebecca đã trở thành một con người giang hồ phiêu bạt thực thụ; kiếm được đồng nào, cô ta mang đánh bạc hết, mà hễ thua cháy túi, là cô ta dùng mọi thủ đoạn để xoay bằng ra tiền để lại đem đánh bạc; đố ai biết cô ta còn từ thủ đoạn gì không dùng để làm tiền? Cũng có người đồn rằng một lần gặp Becky ở St. Petersburg, nhưng ngồi chưa nóng chỗ, cô ta đã bị sở cảnh sát trục xuất thẳng cánh; vì thế có lẽ tin đồn Becky sau này là một nữ điệp viên của Nga ở Toplitz và Vienna cũng không có căn cứ gì. Chính tôi cũng được có người cho biết rằng ở Paris, Becky có gặp người nhà; chẳng phải ai khác, chính là bà ngoại của cô ta. Bà lão không hề là con cháu dòng họ Montmorenci bao giờ, chỉ là một bà già xấu xí nom đến tởm làm nghề đưa chỗ ngồi trong một rạp hát tại "Phố lớn". Cuộc gặp gỡ giữa hai bà cháu nhất định phải cảm động như một số người hình như được chứng kiến đã kể lại. Kẻ chép truyện vì thiếu tài liệu đích xác nên không dám tả lại ở đây.

Một lần ở La Mã, Rebecca vừa lĩnh món tiền trợ cấp sáu tháng của mình tại một nhà ngân hàng lớn trong thành phố, nhà tài phiệt này có lệ hàng năm, vào mùa đông đều có tổ chức dạ hội để mời các khách hàng có tài khoản tại nhà ngân hàng từ năm trăm đồng ê-quy trở lên. Nhân thế, Becky có hân hạnh vớ được một tấm thiếp mời đến dự một buổi chiêu đãi rất sang trọng của thân vương Polonia và quận chúa. Bà quận chúa thuộc dòng dõi gia đình Pompili tức là ăn về ngành trưởng chi họ đệ nhị hoàng đế La Mã và công chúa Egeria thuộc hoàng gia Olympus. Còn ông nội thân vương là Alessandro Polonia thì làm nghề bán xà phòng, dầu thơm, thuốc lá và khăn tay lại kiêm thêm nghề đưa thư cho các ông sang trọng để kiếm tiền và cho vay lãi vặt. Giới tai mặt khắp thành phố La Mã chen chúc nhau xô đến phòng khách của thân vương Polonia...Đủ mặt các bậc vương công, các vị đại sứ, các nhà nghệ sĩ tài danh, các tay nhạc công và cả những cậu trai trẻ có người đỡ đầu giới thiệu...nghĩa là khách khứa thuộc đủ mọi tầng lớp trong xã hội. Phòng khách của thân vương bài trí cực kỳ rực rỡ huy hoàng, chỗ nào cũng thấy lóng lánh toàn những bức tranh lồng trong khung mạ vàng và những thứ đồ cổ khả nghi. Trên tất cả các mái nhà, cánh cửa cũng như mặt tường, la liệt những huy hiệu đồ sộ mạ vàng của ông hoàng chủ nhân; một cái nấm bằng vàng trên nền đỏ thẫm (tức là nhãn hiệu loại khăn tay do ông ta sản xuất) và một cái vòi nước bằng bạc (tức là huy hiệu riêng của gia đình Pompili). Trên chiếc riềm màn đồ sộ bằng nhung đỏ, dành riêng để tiếp đón đức Giáo hoàng và Hoàng đế, cũng có đính một tấm huy hiệu sáng quắc.

Thế là Becky vừa từ Florence đi xe ngựa thuê đến trọ tại một quán trọ tầm thường cũng nhận được một tấm thiếp mời dự đại hội. Hôm ấy chị hầu gái của cô ta ra sức mà trang điểm cho chủ thật cầu kỳ. Đoạn Becky khoác tay thiếu tá Loder đến dự buổi đại hội long trọng. Hồi này thiếu tá với Becky tình cờ thành đôi bạn đồng hành trên bước đường phiêu lưu (hắn cũng chính là người năm sau đã bắn chết hoàng tử Ravoli ở Naples trong một cuộc đọ súng tay đôi, và cũng đã bị bá tước John Buckskin đánh cho mấy gậy vì tội giấu mấy con "xì" trong mũ định giở trò gian lận trong lúc đánh bài). Cặp trai gái này cùng tiến vào phòng hội; Becky gặp lại vô số bộ mặt quen thuộc cũ hồi cô ta đang còn được hưởng những ngày hạnh phúc, tức là thời kỳ cô ta không phải là vô tội, nhưng chưa bị ai khám phá ra là có tội.

Thiếu tá Loder cũng gặp lại một số bạn cũ người ngoại quốc, bọn này để bộ râu dài nhọn hoắt, có đôi mắt sáng quắc, bận quần áo tầm thường, trên ve áo có đính những chiếc cuống huy chương đã bạc màu. Ta để ý thấy người Anh nào có mặt trong phòng hội cũng tìm cách tránh mặt anh chàng thiếu tá. Lác đác Becky cũng gặp lại vài bà sang trọng quen biết, tức là mấy bà góa người Pháp, mấy bà bá tước người Ý bị chồng đối xử không ra gì... (không biết có thật không; ôi chao... chúng ta đã từng được tiếp xúc với những con người thượng lưu cao quý trong Hội chợ phù hoa, vậy nói đến cái bọn lưu manh mạt hạng này làm quái gì. Nếu chúng ta đánh bài, nhớ dùng cỗ bài mới nguyên, thật sạch, chớ có đụng đến những cỗ bài cáu bẩn. Ai đã từng có dịp du lịch đây đó, thế nào cũng có ngày gặp những tên thổ phỉ không chính quy này, chúng cứ bám nhằng nhằng lấy đội quân du lịch chủ lực; chúng ăn mặc sang trọng như ông hoàng, huênh hoang toàn những chuyện công to việc lớn, nhưng trong bụng chỉ lăm le cướp bóc người khác để mưu lợi cho mình và đôi khi ta thấy chúng bị treo cổ bên lề đường.)

Becky ung dung khoác tay thiếu tá Loder đi thăm các phòng hội, họ ra quầy rượu nốc sâm banh thỏa thích. Đây là chỗ khách khứa chen lấn xô đẩy nhau dữ dội nhất, đặc biệt là mấy đám bè bạn của thiếu tá. Cặp trai gái này giải khát đủ dùng rồi, bèn dắt nhau mò tới tận gian phòng khách của bà quận chúa ở mãi tận cuối dãy phòng; gian phòng này căng toàn nhung màu hồng quanh tường, có bày một bức tượng thần Vệ nữ soi bóng vào một tấm gương cực lớn lồng trong khung bằng bạc. Đây là chỗ vị quý tộc chủ nhân dành riêng để tiếp toàn những vị khách quý nhất. Họ ngồi dùng tiệc quanh một chiếc bàn tròn. Becky nhớ lại rằng trước kia cô ta đã dự một bữa tiệc gồm toàn những khách chọn lọc tương tự tại nhà hầu tước Steyne... bây giờ chính lão đang ngồi kia, ngay cùng bàn với ngài Polonia, Becky nhìn thấy rõ ràng.

Vết sẹo do viên kim cương gây nên còn để lại trên cái trán hói trắng bóng của lão một vạch đỏ. Lão đã nhuộm lại bộ râu đỏ quạch của mình thành màu sẫm hơn, khiến cho sắc mặt lão vốn tai tái trông lại càng thêm nhợt nhạt. Lão đeo đủ các thứ huy chương và bội tinh trên ngực. Giữa đám thực khách, lão có vẻ là người quan trọng nhất, mặc dầu hôm ấy có mặt một vị quận công, một bà quận chúa và các tiểu thư. Ngồi kề bên lão hầu tước là bà bá tước Belladonna kiều diễm tục danh () là Glandier; chồng bà là bá tước Paolo della Belladonna, rất nổi danh về một công trình sưu tầm các loại sâu bọ; ông ta vắng nhà đã lâu, vì bận đảm nhiệm một sứ mệnh bên cạnh quốc vương Maroc. Gặp lại bộ mặt quý phái quen thuộc kia, Becky đột nhiên cảm thấy thiếu tá Loder trở thành thô tục quá sức, mà cái anh chàng đại úy Rook mới khiếp chứ, mồm sặc sụa toàn mùi thuốc lá! Phút chốc Becky sống lại cuộc đời mệnh phụ trong quá khứ; cô ta cố gắng lấy lại điệu bộ và sống lại tâm trạng như hồi còn ở khu May Fair. Becky nghĩ thầm: "Cái con mụ kia mạt mũi đến ngờ nghệch, nom buồn buồn thế nào ấy; mẽ người như thế, nhất định không sao làm cho hầu tước vừa ý được. Chắc ngài đến phải phát ngấy... trước kia mình chưa bao giờ làm ngài chán". Bao nhiêu ý nghĩ đáng cảm động như vậy dồn dập kéo đến, những niềm hy vọng, những nỗi e dè, những kỷ niệm đã qua, làm cho trái tim bé nhỏ của Becky rộn ràng đập mạnh, trong lúc cô ta hướng đôi mắt sáng long lanh nhìn về phía nhà quý tộc (cô đánh phấn hồng lên tận mí mắt, làm cho đôi mắt chiếu ra những tia sáng lấp lánh).

Khi nào đeo đủ các thứ huy chương trên người, hầu tước Steyne vẫn ưa những điệu bộ thật đường bệ, cách cử chỉ ăn nói đúng như một ông hoàng. Nom cái cười nở nang của lão, cái dáng điệu thoải mái, sang trọng, đường hoàng của lão, sao mà Becky cảm phục thế. Trời ạ! Ngài thật là một người bạn tâm tình thú vị; con người mới thông minh tinh tế làm sao, nói chuyện thật khéo, mà phong nhã không ai bằng. Thế mà bây giờ cô ta lại đi vớ lấy một anh thiếu tá Loder sặc sụa mùi thuốc lá và rượu mạnh, cùng một anh chàng đại úy Rook ăn nói bừa bãi, thô tục như một thằng bồi ngựa. Becky băn khoăn: "Không biết hầu tước có còn nhận ra mình nữa không?!.

Vừa lúc ấy, hầu tước Steyne đang nói cười vui vẻ với một người mệnh phụ ngồi cạnh, chợt ngẩng lên nhìn thấy Becky.

Bốn mắt gặp nhau. Becky run cả người vì hồi hộp... Cô ta vội mỉm một nụ cười duyên dáng nhất và khẽ nghiêng đầu chào vừa có vẻ nhút nhát, lại vừa có ý van lơn. Trong có đến một phút đồng hồ, lão đờ người ra há hốc mồm nhìn trân trân vào mặt Becky, y như Macbeth khi thấy Banquo đột nhiên hiện hồn về giữa lúc đang dự tiệc trong buổi dạ hội (). Lão cứ há mồm ra mà nhìn mãi, thì vừa lúc cái anh chàng thiếu tá Loder gớm ghiếc kia đến nắm tay Becky kéo đi.

Loder nói:

- Này Rebecca, ta sang bên phòng ăn đi; nhìn bọn quý tộc họ chè chén với nhau, mình thấy nước bọt ứa ra đầy mồm. Ta sang bên kia nếm mùi sâm-banh của lão già một tý cái đã.

Becky thầm nghĩ anh chàng thiếu tá đã nếm quá đủ rượu sâm-banh của vị chủ nhà rồi.

Hôm sau, cô ta lại thẩn thơ dạo chơi trên đồi Pincian; đây tức là công viên Hyde của những người dân La Mã nhàn hạ. Có lẽ cô ta muốn nhìn lại mặt hầu tước Steyne một tý thì phải. Nhưng Becky chỉ gặp một người quen khác là Fiche, tay chân thân tín của nhà đại quý tộc. Fiche gật đầu chào cô ta có vẻ hơi suồng sã; hắn giơ một ngón tay lên vành mũ, tiến lại gần nói: "Tôi biết thế nào cũng gặp bà ở đây. Tôi đã đi theo bà ngay từ lúc bà bước ra khỏi khách sạn. Có một điều này muốn khuyên bà."

Becky hỏi lại:

- Ông thay mặt hầu tước Steyne chăng?

Cô ta hết sức lấy dáng điệu thật kiêu hãnh, trong lòng khấp khởi chờ đợi và hy vọng. Tên tay sai đáp:

- Không, lời khuyên của chính tôi. Thành phố La Mã thời tiết độc lắm.

- Mùa này thì trời vẫn đẹp ông Fiche.

- Thưa với bà rằng ngay bây giờ cũng rất đáng ngại. Đã nhiều người mắc bệnh sốt rét rồi. Ở đây mùa nào cũng có nhiều người chết vì cái gió quỷ quái thổi từ vùng đồng lầy về. Này, bà Crawley, xưa nay bà vẫn là người biết điều (), tôi rất quan tâm đến bà, xin lấy danh dự mà thề () như vậy. Bà nên cẩn thận. Hãy đi khỏi La Mã đi, tôi nói thật đấy... nếu bà không muốn mắc bệnh mà chết.

Becky gượng cười, nhưng tưởng như muốn điên lên vì tức giận.

- Thế nào, lại muốn ám sát một con người yếu ớt đáng thương như tôi à? Chuyện lãng mạn đấy nhỉ! Có thật hầu tước thuê cả những tên sát nhân làm tay chân và mang theo dao găm đầy hành lý không? Úi chào! Tôi cứ ở lại đây, dẫu có vì thế mà ngài bực mình cũng chẳng sao. Trong thời gian tôi ở đây, sẽ không thiếu người bênh vực cho tôi.

Lần này đến lượt Fiche tiên sinh phá ra cười:

- Bênh vực cho bà! Ai đấy nhỉ? Ông thiếu tá chăng? Ông đại úy chăng? Bất cứ tên cờ bạc bê tha nào trong số bè bạn bà vẫn đi lại đều sẵn sàng đánh đổi tính mệnh của bà lấy một trăm đồng đấy. Chúng tôi biết nhiều chuyện hay lắm về thiếu tá Loder (hắn đâu còn là thiếu tá cũng như tôi đâu còn là hầu tước nữa, thưa bà), nghĩa là những chuyện đủ đưa hắn vào xà-lim hoặc nặng hơn thế nữa. Chuyện gì trên đời này chúng tôi cũng biết. Chỗ nào chúng tôi cũng có bè bạn. Chúng tôi biết rõ cả hồi ở Paris, bà đi lại với những ai, bà gặp lại những người nào trong gia đình. Được lắm, mời bà cứ việc tròn mắt lên mà ngạc nhiên; đúng thế đấy, xin hỏi bà tại sao không một viên lãnh sự Anh nào trên lục địa chịu cho bà gặp mặt? Ấy là vì bà đã trót làm mếch lòng một người... Người đó không bao giờ tha thứ cho bà đâu... Nay gặp lại mặt bà, cơn giận dữ của người ấy còn ghê gớm hơn trước nữa. Đêm qua về nhà, ngài như người phát điên. De Belladonna phu nhân gây sự với ngài về chuyện bà, rồi mới nổi cơn tam bành lên, khiếp quá.

- Ồ, thì ra bà de Belladonna sai ông đến đây phải không?

Becky cảm thấy nỗi lo sợ do lời đe dọa vừa rồi dịu đi đôi chút.

- Không phải đâu...bà ấy không dính dáng gì đến việc này...bao giờ bà ấy chả hay ghen lồng ghen lộn lên như thế. Xin thưa bà rõ, chính hầu tước phái tôi lại đây. Bà đã để cho ngài nhìn thấy mặt, thực là vô cùng dại dột. Nếu bà nhất định ở lại đây, rồi bà sẽ phải hối hận. Nhớ kỹ lời tôi nói đấy. Thôi đi đi. Kìa, xe của hầu tước sắp đến.

Fiche nắm cánh tay Becky kéo vội vào một con đường nhỏ trong công viên; vừa lúc ấy, chiếc xe ngựa đồ sộ có treo huy hiệu hầu tước Steyne ầm ầm dọc theo đại lộ chạy đến. Xe kéo bởi một cặp ngựa quý vô giá. De Belladonna phu nhân ngồi trên đệm xe, đẹp lộng lẫy, nhưng vẻ mặt rầu rầu như đang có chuyện bực mình, một cái ô trắng lắc lư xoay trên đầu, bà ta ôm trong lòng một con chó non "Hoàng đế Charles". Lão hầu tước Steyne nằm dài ra bên cạnh, mặt mũi bơ phờ, mắt lờ đờ. Thỉnh thoảng, đôi mắt lão cũng sáng lên đôi chút vì căm thù, vì giận dữ hoặc vì thèm muốn, nhưng bình thường thì đôi mắt ấy không có chút ánh sáng nào, như đã quá chán ngán vì phải nhìn mãi cuộc sống mà hương nhụy là bao nhiêu lạc thú và vẻ đẹp mỹ miều nhất đã bị lão già mệt mỏi và bỉ ổi này hút hết cả rồi.

Chiếc xe lao vút qua trước mặt hai người. Rebecca đứng núp sau một lùm cây còn ghé mắt nhòm theo. Fiche tiên sinh thì thầm với cô ta:

- Hầu tước sẽ không bao giờ quên được câu chuyện đêm qua, không bao giờ đâu. Becky nghĩ thầm:

- Âu cũng là một điều đáng an ủi.

Không biết lão hầu tước có ý định giết Rebecca như lời Fiche tiên sinh nói không? Nhưng tên tay sai không muốn phải dùng đến thủ đoạn giết người, hay là hắn chỉ có nhiệm vụ đe dọa Rebecca, cất buộc cô ta phải rời bỏ thành phố La Mã, vì lão chủ có ý định lưu lại đây qua mùa đông, và vì nhìn thấy mặt cô ta, lão càng đâm bực mình. Điều này không ai có thể nói chắc được. Chỉ biết rằng lời đe dọa ấy có hiệu lực; người đàn bà xảo quyệt ấy không còn dám tìm cách mon men đến ra mắt ông chủ cũ nữa. Còn Fiche thì sau khi hầu tước Steyne chết, hắn quay về sống tại quê nhà, rất được mọi người kính trọng, vì hắn đã mua được cái danh vị nam tước Ficci.

Mọi người hẳn còn nhớ cái chết đáng tiếc của nhà đại quý tộc.

Ngài tạ thế tại Naples hai tháng sau khi cuộc đại cách mạng Pháp năm 1880 nổ ra. Tin cáo phó đăng trên báo như sau: "Ngài George Gustavus tôn kính, hầu tước Steyne, bá tước Gaunt, chúa lâu đài Gaunt, tước đại quan Ai len, tử tước Hellborough, nam tước Pitchley và Grillsby, tước tùy giá hiệp sĩ, bội tinh "Lông cừu vàng" Tây-ban-nha, đệ nhất đẳng bội tinh Saint Nicholas Nga, bội tinh "Mặt trăng khuyết" Thổ Nhĩ Kỳ, tước Thị vệ đại thần, Đại tá chỉ huy trung đoàn dân vệ trực thuộc Hoàng tử nhiếp chính, ủy viên quản trị Hàn lâm viện Hoàng gia, ủy viên quản trị trường đại học "Tam vị nhất thể" và học viện "Dòng tu sĩ áo trắng"... đã tạ thế vì bị xúc động quá mạnh trước sự sụp đổ của Hoàng gia nước Pháp".

Một tờ tuần báo dành riêng một mục kể lại bằng những lời xưng tụng hùng hồn đức tính, tài năng, sinh hoạt huy hoàng và những việc làm cao quý của hầu tước. Sinh thời hầu tước vẫn nhận có họ hàng với dòng họ Bourbon nước Pháp; vốn tính đa cảm, ngài không thể sống nổi trước cái tai họa ghê gớm gieo xuống đầu những người thân thích tôn quý của mình. Thi hài ngài hầu tước được mai táng tại Naples, còn trái tim ngài - trái tim đã từng rung động vì những tình cảm vô cùng cao đẹp - được bỏ vào trong một chiếc bình bằng bạc đưa về lâu đài Gaunt.

Wagg tiên sinh viết trên báo: "Ngài chết đi, quần chúng nghèo khổ và nền mỹ thuật mất một người che chở rộng lượng, xã hội thượng lưu mất một thành viên tiêu biểu nhất, nước Anh mất một chính khách đại tài, một nhà ái quốc cao quý nhất, v.v... v.v...".

Người ta tranh cãi nhau kịch liệt về tờ di chúc ngài hầu tước để lại. Một vụ kiện nổ ra nhằm buộc bà de Belladonna hoàn lại một viên kim cương quý giá đặt tên là "Mắt thằng Do-thái", mà lúc còn sống hầu tước vẫn hay đeo ở ngón tay trỏ; người ta đồn rằng sau khi ngài từ trần, bà de Belladonna đã tự ý rút ra đút túi.

Nhưng người bạn thân tín đồng thời là người giúp việc của ngài là ông Fiche đã đứng ra làm chứng rằng hai ngày trước khi từ trần, chính hầu tước đã tặng bà de Belladonna chiếc nhẫn kim cương này của ngài, cùng những ngân phiếu quốc gia của thành Naples và nước Pháp, v.v.. Những thứ này người ta tìm thấy trong ngăn kéo bàn giấy của hầu tước. Những người thừa kế của ngài cho rằng người đàn bà vô tội kia đã tước đoạt, cứ nhất định đòi hoàn lại.

Chương 65: LẠC THÚ VÀ VIỆC LÀM ĂN

Ngay sau buổi tái ngộ với cố nhân tại bàn quay số, Joe ăn mặc thật chải chuốt thật chỉnh tề, mới sáng sớm đã thấy đứng trước cửa khách sạn "Con Voi" hỏi thăm rồi. Anh ta thấy chẳng cần kể lại với ai trong gia đình về câu chuyện gặp gỡ tối hôm trước, cũng chẳng muốn để ai cùng đi với mình. Nhân dịp có đại hội, khách sạn này cũng chật ních những khách, dãy bàn kê ngoài thềm khách ngồi quây xung quanh hút thuốc lá và uống rượu bia. Trong phòng khách sạn khói thuốc bay mù mịt; với điệu bộ long trọng thường ngày, Joe đem hết cái vốn liếng tiếng Đức nghèo nàn của mình ra để hỏi thăm người đẹp mình đang muốn tìm; người ta mách rằng phải leo lên tận tầng trên cùng của khách sạn. Tầng thứ nhất là chỗ ở của người bán hàng rong; họ đang bày ra đủ các thứ đồ trang sức và các loại gấm để chào khách. Tầng thứ hai là Sở chỉ huy () của công ty phụ trách các trò chơi may rủi trong đại hội. Một đám lốc nhốc toàn những tài tử "Bôhêm" nổi tiếng làm trò nhào lộn ngụ ở tầng thứ ba. Thành ra Becky đành phải ngụ ở tầng trên cùng.

Những căn buồng bé tý ở đây dành cho các cậu sinh viên, các tay làm nghề chào hàng, các bác bán hàng vặt và những nông dân các nơi kéo về xem hội. Chưa bao giờ thấy một mỹ nhân phải chui rúc ở một nơi bẩn thỉu đến thế.

Nhưng Becky rất bằng lòng; cô ta cảm thấy hết sức thoải mái giữa đám người sống ở đây, nghĩa là các bác bán hàng rong, các nghệ sĩ nhào lộn, các cậu sinh viên,v..v... Cô ta thừa hưởng được cái tính bừa bãi lang thang "gia truyền", vì cả bố và mẹ cô ta đều là những tay "Bôhêm" do hoàn cảnh tạo nên đồng thời cũng do sở thích. Nếu như không có mặt nhà quý tộc đứng đấy, Becky sẵn sàng trò chuyện với tên gia nhân một cách cực kỳ thân mật. Ngay những khi gặp vận áo xám, không còn lấy một đồng một chữ để trả tiền trọ, Becky cũng vẫn cảm thấy người mình rậm rật một cách thú vị vì bị kích thích bởi cái ồn ào sôi nổi của khách sạn, cái không khí hút sách chè chén, những tiếng trò truyện tục tĩu của các bác bán hàng rong người Do-thái, cái điệu bộ long trọng, huyênh hoang của mấy tay làm nghề nhào lộn đáng thương, cái ngôn ngữ bí hiểm của bọn nhà cái chuyên nghiệp cờ bạc, những bài hát và lối ăn nói một tấc đến trời của các cậu sinh viên. Bây giờ cái không khí ồn ào ấy đối với Becky càng đáng yêu biết bao.

Joe vừa leo hết bậc thang cuối cùng, mệt bở hơi tai, tưởng không thở được nữa; anh ta đứng ở đầu cầu thang rút khăn tay lau mồ hôi rồi mới đi tìm phòng số 93 tức là cái tổ của con chim xanh anh ta đang tìm đến. Cánh cửa gian phòng số 90 để mở, Joe nhìn vào thấy có một cậu sinh viên đi ủng cao cổ, bận một chiếc áo dài () cáu ghét để phanh ngực không cài khuy đang nằm ườn ra trên giương mồm ngậm một chiếc tẩu thuốc dài ngoẵng. Một cậu sinh viên khác có bộ tóc bờm sờm, mặc một chiếc áo rất đẹp mà cũng rất bẩn đang quỳ trước cửa phòng số 92, ghé mồm vào lỗ khoá kêu ầm lên mà khẩn khoản điều gì với người ở trong phòng. Có tiếng người nói ra, giọng nói quen thuộc làm cho Joe hồi hộp làm sao:

- Thôi xéo đi, tôi sắp có khách đây. Ông nội tôi sắp đến chơi, đừng có giơ cái mặt ra để ông nội tôi nom thấy.

Cậu sinh viên đang quỳ mọp, có bộ tóc soăn soăn màu nâu, tay đeo những chiếc nhẫn kếch xù, gào ầm lên.

- Nàng tiên Anh-cát-lợi của tôi ơi! Hãy thương chúng tôi một tý nào. Thì hẹn cho chúng tôi gặp lúc khác vậy. Thế nào cũng ra công viên chén với tôi và Fritz một chầu nhé. Chúng mình sẽ gọi rượu mạnh, chim quay, pa-tê và cả rượu vang Pháp nữa. Nàng không bằng lòng thì chúng tôi chết ngay cho mà xem đây này. Phải chúng tôi chết thật đấy.

Vị quý tộc trẻ tuổi nằm dài trên giường cũng góp ý kiến, Joe nghe loáng thoáng câu chuyện họ nói với nhau vừa rồi, nhưng không hiểu rõ ý nghĩa, vì anh ta chưa bao giờ có dịp học thứ tiếng họ dùng để trao đổi với nhau.

Thở xong, lúc đã nói được ra lời, Joe mới lấy điệu bộ thật đường bệ, hỏi:

- Làm ơn tỉ đúp sú tín mui hai tua gài!()

- Sú tín mui hai ().

Anh chàng sinh viên vừa nhại vừa đứng bật dậy, nhảy biến vào trong phòng của mình, cài then cửa lại. Joe còn nghe tiếng anh ta cười rũ ra với người bạn nằm trên giường.

Trước cử chỉ kỳ quái của họ, vị công chức xứ Belgan đờ người ra vì ngạc nhiên. Vừa lúc ấy, tự nhiên thấy cánh cửa phòng số 92 mở ra, cái đầu bé nhỏ với bộ mặt láu lỉnh của Becky lấp ló sau khe cửa; nhìn thấy Joe, cô ta vội bước ra nói:

- Thì ra anh. Gớm, em đang sốt ruột lên vì đợi anh đấy. Khoan đã, đừng vào vội... chờ em một phút đã.

Cô ta quay vào vớ lấy cái bình phấn, chai rượu mạnh và chiếc khay trên có mấy miếng thịt ăn dở, nhét xuống dưới nệm giường rồi quay ra lấy cái lược chải vội mớ tóc, xong đâu đấy mới mời ông khách vào trong phòng.

Tấm áo buổi sáng cô ta bận trên người là một tấm áo ngủ rộng lùng thùng, màu hồng đã bạc phếch và dây nhiều vết bẩn, lại có cả vết kem dính nhớp nháp. Nhưng đôi cánh tay Becky lấp ló trong tay áo rộng nom thật khêu gợi, vẫn rất đẹp và trắng nõn nà.

Tấm áo có dây lưng lại bó khít lấy cái lưng thon thon, thành ra nó vẫn làm tôn vẻ đẹp của bộ mặt người mặc áo. Becky nắm tay Joe kéo vào trong phòng nói:

- Vào đây, vào đây nói chuyện với em đi. Anh ngồi xuống ghế kia.

Cô ta xiết mạnh bàn tay của anh chàng một cái, rồi vừa cười vừa đẩy anh chàng ngồi xuống ghế. Còn cô ta thì ngồi ngay lên mép giường - dĩ nhiên là không ngồi lên đống chai lọ và khay thức ăn, bạn cứ yên trí; giá Joe ngồi lên giường, thế nào anh ta cũng đè bẹp bất cả những thứ này - Becky cứ ngồi thế mà hàn huyên với cố nhân. "Bao năm qua mà anh cũng không thay đổi mấy nhỉ?"- Cô ta nói, mắt nhìn rất tình tứ.- "Em có thể nhận ra anh ngay bất cứ ở đâu". Sống giữa đám người tứ xứ mà được nhìn lại nét mặt trung thực của người bạn cũ, thật là sung sướng quá.

Nói của đáng tội, lúc này cái bộ mặt trung thực của Joe không có những nét chất phác cởi mở mà trái lại anh chàng đang có vẻ bối rối và ngạc nhiên. Anh chàng cứ ngẩn người ra mà ngó cái gian phòng kỳ quái, nơi cố nhân của mình chọn làm tổ ấm. Một chiếc áo vắt ở thành giường, một chiếc khác móc ngay vào quả đấm sứ ở cánh cửa. Chiếc mũ của Becky che lấp một nửa tấm gương trên bàn, kê sát giường, vứt lăn lóc một cuốn tiểu thuyết Pháp, cạnh một cây nến, không phải thứ nến làm bằng sáp ong, Becky định nhét nốt cả cuốn sách xuống nệm giường, nhưng vội quá nên chỉ lấy mảnh bìa vẫn dùng để chụp lên cây nến tắt đi trước khi ngủ để che lấp. Becky nói tiếp:

- Em có thể nhận ra anh ngay bất cứ ở đâu; có những điều mà đàn bà chúng em không bao giờ quên được. Vả lại, chính anh là người đầu tiên em... em biết đến trong đời.

Joe đáp:

- Tôi à? Có thật không? Lạy Chúa; thế mà cô chẳng nói cho tôi biết.

Becky đáp:

- Hồi em ở Chiswick cùng em gái anh đến nhà ta, em còn trẻ con lắm, đã biết gì đâu. Bây giờ chị Amelia yêu quý của em ra sao? Gớm, chồng chị ấy thật đến tồi; chị ấy đã có lần ghen với em đấy, làm như em thèm chú ý đến anh ta không bằng. Hô hô! Trong khi em đang có một người... nhưng thôi, ta chẳng nên nhắc đến chuyện cũ làm gì.

Vừa nói, cô ta vừa đưa chiếc khăn tay có viền một hàng đăng- ten tả tơi lên chùi mắt.

Rồi Becky lại nói tiếp:

- Một người đàn bà như em đã quen sống trong một xã hội khác hẳn, bây giờ lại đi chui rúc vào xó xỉnh này mà ở, chắc anh cũng thấy đáng ngạc nhiên? Anh Joseph Sedley ạ, em đã từng bị nhiều nỗi buồn phiền đau khổ giày vò. Trời đã bắt tội em phải đau khổ quá nhiều, có những lúc tưởng phát điên lên được anh ạ. Cho nên em không sao ở yên một chỗ, cứ lang thang hết chỗ này đến chỗ khác mà chẳng bao giờ có hạnh phúc. Bè bạn ai cũng phản bội em...tất cả. Trên đời này khó lòng tìm được một người đàn ông trung thực. Em là người vợ trung thành nhất đời, mặc dầu em lấy chồng là cực bất đắc dĩ, vì đó là do sự sắp đặt của người khác... Nhưng anh chả cần để ý đến những chuyện ấy làm gì. Lòng em thành thực, thế mà anh ấy nỡ chà đạp em, nỡ ruồng rẫy em. Em là một người mẹ yêu quí con nhất đời. Em chỉ có một đứa con duy nhất, đứa con yêu dấu, nó là nguồn hy vọng độc nhất, là niềm vui sướng độc nhất em ủ ấp bên trái tim với tấm tình mẫu tử nồng nàn nhất trong đời... nó là cả cuộc đời của em, là... là hạnh phúc của em; thế mà họ nỡ... nỡ cướp nó mang đi... họ đã cướp nó mang đi...

Cô ta áp bàn tay lên trái tim, dáng điệu tuyệt vọng vô cùng cảm động, rồi gục mặt xuống, nệm giường một lúc.

Chai rượu mạnh giấu dưới nệm chạm vào cái khay đựng mẩu xúc xích ăn dở kêu lanh canh. Chắc hẳn hai thứ này thấy chủ đau đớn quá, cũng bị xúc động. Hai cậu sinh viên Max và Fritz đang ghé tai vào sát cửa ngạc nhiên lắng nghe tiếng Becky nức nở khóc trong phòng. Cả Joe nữa, thấy cố nhân của mình trong tình trạng đáng thương như vậy anh ta vừa hốt hoảng vừa cảm động. Bấy giờ Becky mới bắt đầu kể lại cuộc đời của mình...nghĩa là cô ta dựng lên một câu chuyện có đầu có đuôi, một câu chuyện rất đơn giản, tự nhiên, đủ khiến cho người nghe thấy rõ như ban ngày rằng ví thử có một vị thiên thần bận áo trắng nào từ thiên đường bị giáng xuống trần để chịu đựng tất cả những sự đau khổ do âm mưu đen tối của bọn quỷ sứ trên mặt đất gây ra, thì chính là con người trong trắng... con người khốn cực, kẻ tử vì đạo "gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn" trước mặt Joe, đang ngồi trên giường và cưỡi lên một chai rượu mạnh.

Hai người ngồi trong phòng thân mật trò chuyện tâm tình với nhau rất lâu. Trong câu chuyện, Becky tìm cách ngỏ cho Joe Sedley biết (nhưng rất khéo léo, không làm cho anh ta mếch lòng hoặc sợ hãi) rằng trái tim cô ta đã rung động lần đầu tiên khi tiếp xúc với chàng trai trẻ đầy hấp dẫn này, rằng George Osborne quả có cái ý định kỳ quái là ve vãn cô ta, vì thế Amelia mới nổi ghen, và giữa hai chị em bạn mới có sự xích mích nho nhỏ. Becky nói thêm rằng mình không bao giờ có ý khuyến khích mối tình của anh chàng sĩ quan bất hạnh, và từ buổi gặp gỡ lần đầu tiên đến nay, không giờ phút nào Becky không nghĩ đến Joe; lẽ dĩ nhiên không phải vì thế mà cô ta không làm trọn bổn phận của một người vợ hiền; bổn phận ấy Becky vẫn làm đầy đủ, và rất sẵn sàng thực hiện cho tới ngày mình trút hơi thở cuối cùng, hoặc cho tới ngày cái khí hậu nổi tiếng khủng khiếp nơi trung tá Crawley nhậm chức kia sẽ giải thoát cho cô ta khỏi cái ách gia đình đã trở thành quá sức chịu đựng vì tính tình tàn nhẫn của người chồng.

Joe từ biệt ra về, hoàn toàn yên trí Rebecca là một người đàn bà đức hạnh nhất, đồng thời cũng duyên dáng đáng yêu nhất đời; anh ta sắp sẵn trong đầu hàng chục kế hoạch từ thiện nhằm xây dựng tương lai cho người bạn gái. Phải chấm dứt hẳn sự hành hạ ấy đi mới được. Phải trả Becky lại cho xã hội thượng lưu, vì trong xã hội ấy cô ta là một vật trang sức; Joe phải đích thân thu xếp tất cả mọi sự, lo liệu cho Becky rời bỏ chỗ này, đến ở một nơi yên tĩnh hơn; Amelia sẽ đến thăm và nối lại tình bạn, Joe phải đi sắp xếp ngay và trao đổi với viên thiếu tá về việc này. Lúc hai người từ biệt nhau, Becky khóc sướt mướt tỏ lòng biết ơn, xiết chặt lấy bàn tay của anh chàng béo phị, còn Joe thì cúi rạp xuống mà hôn hai bàn tay Rebecca.

Và khi Joe bước ra khỏi gian phòng xép bé tý, Becky cúi rạp xuống mà chào, dáng điệu lịch sự như thể đang tiễn anh ta ra khỏi một cung điện lộng lẫy. Vị khách to béo vừa khuất bóng dưới cầu thang, đã thấy hai cậu sinh viên Max và Fritz mồm ngậm tẩu thuốc chui ra khỏi phòng. Becky vừa tiêu thụ nốt bữa ăn nguội gồm mấy miếng bánh mì vừa làm điệu bộ bắt chước cử chỉ của Joe cho họ xem, có vẻ khoái trí lắm. Joe đến chỗ Dobbin ở, lấy dáng điệu thật long trọng, kể lại với bạn câu chuyện cảm động vừa được nghe; lẽ dĩ nhiên anh chàng không hé răng nói nửa lời về chuyện đánh bạc tối hôm trước. Hai người bạn của chúng ta châu đầu lại bàn tán với nhau xem có cách gì giúp ích được cho Becky không; trong khi ấy cô ta ung dung chén nốt bữa điểm tâm có thịt () đang ăn dở ban nãy.

Vì đâu mà Becky lưu lạc đến tận cái thị trấn nhỏ bé này? Vì đâu mà cô ta phải sống trơ trọi, không bè bạn thân thích, cứ lang thang một mình, nay đây mai đó? Thì ngay khi mới đi học, trẻ em đã chẳng thấy trong sách tập đọc tiếng La-tinh có nói đến cái dốc Avernus (). Chúng ta hãy bỏ qua thời kỳ Becky bị trôi tuột xuống cái dốc ấy không cần nhắc lại làm gì. Nói cho đúng thì bây giờ cô ta cũng chẳng đê tiện gì hơn so với thời kỳ việc "làm ăn" còn đang "gặp vận"... Có điều hơi kém may mắn chút ít mà thôi.

Amelia vốn là người tính tính hiền hậu, hiền hậu quá, có thể nói là dại dột, mỗi khi nghe nói có một người lâm vào cảnh không may, lập tức cô thương cảm đến muốn chảy nước mắt ngay. Và cũng bởi lẽ từ thuở lọt lòng mẹ đến giờ, bản thân cô chưa hề làm một việc gì, hoặc có một ý nghĩ gì xấu xa, cho nên đối với kẻ phạm điều tội lỗi, cô không có cái thái độ ghê tởm đặc biệt của một số các nhà luân lý từng trải hơn cô nhiều. Cô đối đãi rất nhã nhặn, cô chúc tụng tất cả mọi người tiếp xúc với mình...Cô xin lỗi cả bọn đầy tớ mỗi khi kéo chuông gọi họ sai bảo... Cô cảm ơn người bán hàng đã cho mình xem một mảnh lụa... Cô cúi chào cả một người quét đường, và lịch sự khen khu vực ngã ba đường của anh ta chăm sóc rất đẹp mắt... Amelia có thể làm tất cả những công việc vớ vẩn như vậy đấy, cho nên thấy một người bạn cũ của mình gặp cảnh sa sút, làm sao cô khỏi xúc động? Mà không cứ là bạn cũ, thấy ai khổ sở, Amelia cũng thương. Một xã hội tổ chức theo nguyên tắc của tình thương như thế, có lẽ không được trật tự lắm, nhưng ở đời, không mấy người đàn bà, nhất là trong số những người cầm quyền, được như Amelia. Tôi có cảm tưởng rằng ví thử Amelia có quyền hành, chắc cô sẽ huỷ bỏ hết mọi trại giam, mọi sự trừng phạt, mọi thứ xiềng xích, roi vọt, mọi sự nghèo khổ, ốm đau, đói rách trên đời.

Hơn nữa, Amelia "đụt" đến mức - chúng ta đành phải thú thực điều này - bị sỉ nhục tàn nhẫn cô cũng có thể quên ngay được.

Anh chàng thiếu tá không có vẻ quan tâm lắm đến câu chuyện tái ngộ đầy thi vị của Joe như vị công chức xứ Belgan. Trái lại, thái độ của Dobbin còn có vẻ bực bội. Anh ta thốt ra mấy câu nói không thích hợp lắm đối với hoàn cảnh một người phụ nữ gặp cơn hoạn nạn:

- Thế là lại chạm trán với con bé quỷ quái ấy.

Từ trước đến nay, chưa bao giờ Dobbin có lấy được tý chút cảm tình với Rebecca, mà có thể nói ngay từ buổi gặp gỡ đầu tiên, khi đôi mắt xanh thẳm của Becky nhìn vào mắt anh rồi lại lảng đi nơi khác; anh ta đã có ý ngờ vực rồi. Dobbin nói trắng ra chẳng cần dè dặt gì với các bạn thế này: "Cái con quỷ cái ấy đi đến đâu là đem theo tai họa đến đấy. Ai biết được hiện nay cô ta sinh sống ra sao. Cô ta lang thang một mình ở đây làm gì? Thôi xin anh đừng nói đến chuyện bị hành hạ, bị thù ghét nữa đi. Đàn bà đứng đắn, ai là chẳng có bè bạn, và có bao giờ lại cắt đứt hoàn toàn quan hệ với gia đình. Thử hỏi tại sao cô ta bỏ chồng? Vâng, tôi công nhận anh nói đúng; hắn có thể là con người tồi tệ, không ra gì, xưa nay hắn vẫn như thế. Tôi quên sao được trước kia thằng cờ bạc bịp ấy vẫn bịt mắt George lấy tiền bỏ túi. Việc hai vợ chồng nhà ấy bỏ nhau vì câu chuyện bẩn thỉu ra sao, người ta chả đồn ầm lên là gì? Tôi biết, tôi biết lắm." Dobbin bảo bạn vậy, mặc dầu xưa nay anh ta không phải là người hay chú ý đến những lời miệng thế gièm pha. Joe ra sức biện hộ rằng Becky là một người đàn bà đức hạnh mà phải chịu đựng sự bất công của người đời về mọi mặt, nhưng vô ích.

Anh chàng thiếu tá giở khoa ngoại giao khéo léo của mình ra:

- Được, được lắm, chúng ta hỏi ý kiến chị George xem xao? Hãy để chị ấy quyết định hộ. Tôi nghĩ rằng dù sao anh cũng tin ở sự phán đoán của Amelia, cô ấy có thể phân biệt sai đúng.

Joe vẫn không tương đắc với em gái, đáp:

- Hừ! Emmy thì biết quái gì!

Dobbin phản đối ầm lên:

- Biết quái gì à? Trời đất ơi ! Thưa ngài, đó là người đàn bà khôn ngoan nhất tôi gặp trong đời đấy ạ. Tôi xin nhắc lại rằng chúng ta chỉ cần đến hỏi ý kiến Amelia xem có nên đến thăm cô kia không... Tuỳ chị ấy quyết định, thế nào tôi cũng xin vâng.

Trong thâm tâm anh chàng thiếu tá khôn ngoan đáng ghét này chắc mẩm thế nào mình cũng thắng, vì anh ta còn nhớ đã một hồi Emmy khổ sở vì ghen với Rebecca - mà ghen cũng có lý đến nỗi cứ mỗi khi nhắc đến tên người bạn gái, Emmy lại rùng mình vì sợ hãi. Dobbin nghĩ thầm: "Đàn bà đã ghen thì đố bao giờ biết tha thứ".

Thế là hai người bạn cùng nhau sang chỗ ở của Amelia bên kia phố, Amelia đang vui vẻ học hát với bà Strumpff.

Bà này vừa ra về, Joe lên giọng trịnh trọng như mọi khi đi vào vấn đề:

- Cô Amelia thân mến... Anh vừa gặp một câu chuyện kỳ lạ... phải, lạy chúa... một câu chuyện kỳ lạ nhất đời... một người bạn cũ, phải,... một người bạn cũ thân quý nhất của cô, có thể nói rằng một người bạn từ thờ xa xưa... cũng vừa đến đây, anh muốn cô đến gặp cô ấy một chút.

Amelia hỏi:

- Cô nào thế? Kìa, thiếu tá Dobbin, khéo làm gãy kéo bây giờ!

Dobbin đang cầm lấy sợi dây chuyền nhỏ Amelia vẫn dùng để buộc chiếc kéo vào dây lưng mà quay quay chiếc kéo, đầu cúi xuống, xuýt nữa đâm cả kéo vào mắt. Anh ta vẫn bướng bỉnh nói:

- Cái mụ đàn bà ấy tôi chúa ghét xưa nay, mà chị thì cũng không có lý do gì mà ưa mụ ta được.

Amelia đỏ bừng mặt lên, có vẻ rất xúc động :

- Rebecca phải không? Đúng Rebecca rồi.

Dobbin đáp:

- Chị đoán không sai: Bao giờ chị cũng đoán đúng.

Brussels, Waterloo, những năm quá khứ xa xưa, bao nhiêu nỗi đau buồn, bao nhiêu kỷ niệm dồn dập kéo đến choán lấy trái tim nhỏ bé của Amelia, khiến cho cô hồi hộp xúc động và đau đớn.

Emmy nói tiếp:

- Đừng bắt em đến gặp cô ta. Em không thể nhìn mặt con người ấy đâu.

Dobbin bảo Joe:

-Tôi đã bảo anh, có sai đâu.

Joe giục:

-Bây giờ cô ấy khổ lắm và...và thế đấy, khổ lắm. Cô ấy nghèo xơ xác, chẳng có ai che chở, lại ốm nữa, ốm nặng lắm, mà lại bị cái thằng chó má kia bỏ rơi nữa chứ.

Amelia kêu lên:

- Ôi chao!

Joe khéo léo tiếp tục:

- Cô ấy trơ trọi không người nương tựa, cô ấy bảo rằng chỉ có thể trông cậy vào cô nữa thôi. Emmy ạ, cô ấy khổ lắm, khổ quá, đau đớn nhiều lúc tưởng phát điên lên được ấy. Nghe chuyện mà tôi cảm động quá... thật đấy, xin lấy danh dự mà thề... Tôi có thể cam đoan rằng từ xưa đến giờ chưa có ai ngoan ngoãn chịu đựng những sự hành hạ tàn nhẫn của người đời được như cô ấy. Gia đình cô ấy đã đối đãi tàn tệ quá đáng.

Amelia nói:

- Đáng thương quá nhỉ!

Joe tiếp tục, giọng nói thấp xuống và hơi run run:

- Cô ấy bảo rằng nếu không tìm được ai là bạn trên đời này nữa thì có lẽ đến chết mất. Lạy chúa che chở cho linh hồn tôi! Cô có thể tưởng tượng được có lần cô ấy định tự tử không? Cô ấy mang theo cả chất nha phiến....tôi trông thấy cái lọ để trong phòng... căn phòng mới tồi tàn làm sao... thuê trong một khách sạn hạng bét, khách sạn "Con Voi" ấy mà, mãi tầng trên cùng sát mái nhà. Tôi đã đến đấy rồi.

Hình như câu chuyện không làm cho Amelia cảm động mấy, lại thấy cô hơi nhếch mép cười. Có lẽ Emmy đang tưởng tượng hình ảnh Joe hì hục vừa thở phì phà phì phò vừa leo lên mấy tầng thang gác.

Joe nói tiếp:

- Cô ấy sầu não đến gần hóa điên. Bao nỗi đau đớn con người ấy đã trải qua những nghe mà rợn cả tóc gáy. Cô ấy có một con trai bằng trạc tuổi thằng Georgy đấy.

Emmy đáp:

- Phải, phải, em cũng còn nhớ. Vậy rồi làm sao?

Cũng như phần lớn những anh chàng béo ị, Joe rất dễ cảm động, nghe Becky kể chuyện mình, anh ta thương lắm. Anh chàng nói thêm.

- Thằng bé xinh xắn quá, đẹp như thiên thần, trên đời không đứa trẻ nào bằng: nó quý mẹ nó như vàng. Thế mà bọn khốn nạn nhẫn tâm giằng lấy thằng bé khỏi tay mẹ nó bắt đem đi, mặc nó khóc lóc thảm thiết và rồi cũng không cho phép nó gặp mẹ lần nào nữa.

Emmy bật khóc, đứng phắt dậy:

- Anh Joseph yêu quý ơi, chúng ta lại thăm chị ấy ngay bây giờ.

Cô chạy vào căn phòng ngủ bên cạnh, lấy mũ đội, tay run run buộc giải mũ vì cảm động. Rồi cô bước ra, trên tay khoác một cái khăn san, ra hiệu cho Dobbin đi theo.

Dobbin quàng khăn san lên đầu Amelia, đó là tấm khăn san bằng lục Casơmia màu trắng chính tay Dobbin đã mua ở Ấn Độ gởi về làm quà. Anh chàng không có cách nào khác là vâng lời người bạn gái. Amelia vịn vào tay Dobbin và hai người ra đi, Joe dặn theo:

- Cô ấy ở gian phòng 92, trên tầng gác thứ tư ấy.

Có lẽ vì không muốn phải leo thang lần nữa nên anh ta ở lại nhà, đứng trong cửa sổ hướng về phía khách sạn "Con Voi" nhìn theo bạn và em gái đi qua khu chợ.

Cũng may cho Becky đang cười cợt đùa bỡn với hai cậu sinh viên trong phòng thì cô ta nhác thấy hai người từ xa tiến lại khách sạn. Họ đang tả lại hình dáng "ông nội" của Becky mà cười với nhau. Lúc Joe đến cũng như lúc Joe về, họ đều nom thấy... Becky có đủ thì giờ để tống khứ hai cậu sinh viên và thu xếp căn phòng trông cho gọn gàng trước khi ông chủ khách sạn "Con Voi" dẫn khách tới. Biết tiếng bà Osborne rất được triều đình biệt đãi, ông này có ý kính nể, đích thân dẫn "phu nhân" và "ngài thiếu tá" leo lên tầng gác chót vót sát mái nhà.

Ông chủ khách sạn gõ cửa phòng Becky, gọi:

- Thưa quý bà, thưa quá bà.

Mới hôm qua, ông ta chỉ xưng với Becky bằng "bà" và đối đãi với Becky cũng không lịch sự lắm.

- Ai đấy.

Becky ló đầu ra hỏi và khẽ kêu rú lên. Trước mắt cô ta là Emmy đang đứng run run và anh chàng thiếu tá cao lênh khênh chống cây gậy trúc.

Dobbin lặng yên đứng nhìn có vẻ rất chú ý đến cuộc gặp gỡ của đôi bạn gái. Emmy thì giang rộng cánh tay ôm chầm lấy Rebecca. Lúc ấy cô tha thứ hết cho bạn, ôm ghì lấy bạn mà hôn rất thành thực. Ôi! người đàn bà khốn nạn kia! Từ trước tới nay đã bao giờ cặp môi của mi nhận được một cái hôn trong sạch như thế chưa?

Chương 66: CHUYỆN XÍCH MÍCH CỦA NHỮNG KẺ YÊU NHAU

Trước thái độ thân mật thẳng thắn của Amelia, Becky tuy sắt đá vô hạnh thật, nhưng cũng phải cảm động. Đáp lại những cử chỉ vuốt ve trìu mến và những lời nói ngọt ngào của Amelia, Becky đã biểu lộ một cái gì giống như thái độ biết ơn và một sự xúc động có thể nói được là chân thành, nếu không được lâu dài thì ít nhất cũng là lúc bấy giờ. Câu chuyện bịa về "thằng bé bị giằng khỏi cánh tay mẹ khóc thét lên" xé ruột ấy mà Becky làm lành được với cô bạn cũ, và chúng ta có thể chắc chắn đó cũng là câu chuyện đầu tiên cô Emmy bé nhỏ chất phác đáng thương của chúng ta nói với người bạn mới gặp lại.

Người đàn bà thực thà như đếm săn đón:

- Vậy ra họ cướp mất thằng cháu yêu quý mang đi mất, hả chị? Ôi, Rebecca, người bạn đau khổ đáng thương của em ơi, em rất hiểu người mẹ bị cướp mất đứa con khổ sở đến thế nào, cho nên em rất thông cảm với những người mất con như vậy. Nhưng em cầu chúa sao cho cháu sớm được trở về với chị, cũng như Thượng đế đã trả lại đứa con yêu quý cho em.

- Cháu nào? Cháu nhà em ấy à? Ô, vâng, Em khổ ghê lắm chị. Becky đáp, trong thâm tâm hình như có ý hơi hối hận. Cô ta cảm thấy không thoải mái lắm vì phải bắt đầu ngay bằng một câu nói dối để đáp lại thái độ hồn nhiên đầy tin tưởng của bạn. Nhưng đó chăng qua cũng là số phận tất nhiên của những kẻ trót bước vào con đường dối trá, bởi lẽ một khi đã trót dựng đứng lên một câu chuyện y như thật, tất nhiên người ta phải cố gắng bịa ra một câu chuyện khác cho ăn khớp với lời bịa đặt cũ, thành ra dần dần cái kho chuyện giả dối đem phát hành cứ đầy ùn lên một cách không sao tránh khỏi, và dĩ nhiên cái nguy cơ bị khám phá ra sự thực cũng mỗi ngày một tăng thêm.

Becky tiếp tục:

- Em đau khổ đến mất ăn mất ngủ (tôi hy vọng rằng lúc này cô ta không còn ngồi lên đống chai lọ nữa rồi) lúc bọn khốn kiếp ấy đến bắt thằng con mang đi, em cứ tưởng mình đến không sao sống nổi. Rồi em bị bệnh ứa máu ở não, bác sĩ cũng đã chịu bó tay, thế rồi... thế rồi em khỏi và... và bây giờ em sống ở đây, nghèo xơ nghèo xác, chả có ai bà con thân thích.

Emmy hỏi:

- Cháu lên mấy nhỉ?

Becky đáp:

- Mười một.

Cô bạn kêu lên:

- Mười một? Em nhớ cháu sinh cùng năm với thằng Georgy cơ mà, năm nay cháu lên...

Thực ra, Becky quên khuấy mất chẳng còn nhớ thằng Rawdy sinh năm nào, cô vội chữa:

- Phải, phải rồi. Chị Amelia yêu quý ạ, em đau khổ đến nỗi mất cả trí nhớ, quên nhiều chuyện quá. Em thay đổi nhiều lắm chị ạ, có những lúc tưởng như điên dại, khi họ đến bắt cháu đem đi, cháu lên mười một tuổi, cháu xinh xắn lắm cơ. Từ hồi ấy, em chẳng được gặp lại cháu một lần nào nữa.

Cái cô Emmy vớ vẩn kia lại hỏi thêm:

- Tóc cháu màu sáng hay thẫm, chị cho em xem nào.

- Hôm nay chưa thể được, chị yêu quý của em ạ, Để lần khác, bao giờ hành lý của em gửi từ Leipzig về đã. Chả là em vừa ở Leipzig lên đây mà. Em còn giữ được cả một bức chân dung của cháu chính tay em vẽ hồi hai mẹ con còn sống hạnh phúc bên nhau.

Emmy than thở:

- Becky, chị Becky đáng thương của em! Thế mới biết em mang ơn Thượng đế biết bao nhiêu ?

(Tôi thắc mắc không hiểu liệu biết cảm ơn Thượng đế chỉ vì mình may mắn hơn người, có phải là một thái độ tín ngưỡng hợp lý hay không, mặc dầu người ta đã dạy cho các cô thiếu nữ biết thành kính như vậy ngay từ hồi còn tí tuổi). Sau đó, cũng như mọi khi, Amelia bắt đầu nghĩ con trai mình là đứa trẻ xinh xắn, ngoan ngoãn và thông minh nhất thiên hạ.

- Rồi chị sẽ được nhìn thấy cháu Rawdy.

Emmy tưởng nói thế là cách tốt nhất để an ủi Becky nếu như ở đời này còn có điều gì an ủi được cô ta.

Cứ thế, đôi bạn nói chuyện với nhau có đến hơn một tiếng đồng hồ, Becky có thừa thãi cơ hội để dựng lên một câu chuyện về mình đủ cả đầu đuôi, xuôi ngược cho bạn nghe. Cô ta kể rằng, cuộc nhân duyên giữa mình và Rawdon từ trước đến giờ vẫn luôn luôn bị gia đình nhà chồng phản đối kịch liệt, rằng mình đã bị người chị dâu (một người đàn bà đến là xảo quyệt) tìm mọi cách nói xấu với chồng, rằng chính Rawdon đã tằng tịu với những đứa không ra gì rồi đâm ra nhạt nhẽo với vợ con. Cô ta còn kể rằng mình đã cắn răng chịu đựng tất cả... đã nghèo túng lại bị người chồng mình vẫn yêu quý như vàng đối xử thờ ơ lạnh nhạt..không chịu đựng được sự nhục nhã thái quá, cô ta đành lòng xin ly dị với chồng, vì cái con người đê mạt này đã dám mở mồm ra khuyên vợ nên tạo điều kiện cho chồng tiến thủ bằng cách bán tiết hạnh cho một nhà quý tộc rất có thế lực, nhưng vô cùng tồi tệ, tức là hầu tước Steyne, thật là một con quái vật ghê tởm.

Kể đến đoạn đời sóng gió này, Becky dùng những lời lẽ tế nhị của một người đàn bà đức hạnh bị làm nhục. Vì câu chuyện đốn mạt kia mà cô ta đã đành rời bỏ nhà chồng ra đi, thế mà cái tên hèn mạt ấy còn theo đuổi trả thù bằng cách bắt lấy đứa con, cho nên bây giờ Becky mới lâm vào cảnh lang thang nghèo túng trơ trọi không người nương tựa và khốn khổ như thế này chứ?

Câu chuyện hơi dài vì tình tiết phong phú, như Emmy cũng chịu khó ngồi nghe từ đầu đến cuối, ai đã biết tính Emmy đều thấy cô vẫn sẵn sàng ngồi nghe như vậy. Nghe kể lại những chuyện trác táng của Rawdon và những cử chỉ tồi tệ của Steyne, Emmy run lên vì tức giận. Lúc Becky tả lại bị hành hạ cô cũng thương cảm chân thành. (Becky bảo rằng mình cũng không muốn bôi xấu chồng làm gì. Cô ta nhắc đến chuyện cũ với thái độ buồn rầu hơn là giận dữ. Có điều là cô ta đã quá quý chồng, và nói cho cùng, Rawdon chẳng phải là cha sinh ra đứa con trai yêu quý của cô ta đấy sao? Đến lúc Becky đọc thuộc lòng lại đoạn văn miêu tả cảnh con trai bị bắt đem đi, Emmy rút khăn tay ra che kín mặt, làm cho nhà tài tử bi kịch xuất chúng của chúng ta khoan khoái vô cùng vì thấy tài nghệ của mình xúc động khán giả kịch liệt.

Đang khi đôi bạn gái mải tâm sự với nhau, thì nhà hiệp sĩ hộ vệ trung thành của Amelia, tức là anh chàng thiếu tá, lẻn ra cầu thang, xuống tầng dưới cùng (dĩ nhiên anh ta không muốn xen vào làm ngắt đoạn câu chuyện của hai người, mà cứ cọt kẹt đôi ủng đi lại ngoài hành lang để va cả mũ vào mái nhà mãi thì cũng chán) và bước vào gian phòng lớn của khách sạn "Con Voi" là chỗ tụ họp tất cả khách trọ ra vào. Gian phòng này lúc nào cũng thấy mù mịt khói thuốc lá, và la liệt toàn những khách ngồi uống rượu bia. Trên mặt một chiếc bàn cáu nhờn thấy xếp hàng dãy những chân đèn bằng đồng có gắn nến để sẵn cho khách dùng phía trên treo thành hàng dài toàn những chìa khóa các cửa gian phòng cho thuê. Lúc vào, phải đi qua căn phòng lớn này, Emmy ngượng đỏ cả mặt lên, chỗ này là nơi tụ họp của đủ mọi hạng người; này là các bác bán găng tay người vùng sông Tyron các bác bán vải người vùng sông Danube, bồ bị ngổn ngang; này là các cậu sinh viên đang nhồm nhoàm xơi điểm tâm với bánh phết bơ và thịt, mấy anh chàng vô công rồi nghề ngồi chơi bài bên một cái bàn rượu bia đổ lênh láng, này là mấy chú nghệ sĩ nhào lộn vào làm chút rượu giải khát trong khi chờ đợi đến lượt ra trò... tóm lại, là tất cả cái đám người hành lạc ồn ào () của một khách sạn Đức trong mùa hội.

Anh hầu bàn không cần hỏi han gì, mang đến cho Dobbin một cốc vại rượu bia. Dobbin rút một điếu thuốc châm lửa ngồi thưởng thức mấy khói "cỏ tương tư" (), và giở tờ báo ra đọc cho qua thì giờ, chờ Amelia trên gác xuống.

Vừa lúc ấy Max và Fritz bước xuống thang gác, mũ đội lệch về một bên đầu, lê đôi ủng làm cho cựa giày va vào nhau lanh canh, mỗi người ngậm một chiếc ông điếu thật đẹp có gắn huy hiệu riêng. Họ móc chìa khóa cửa phòng số 90 lên tường, rồi gọi lấy bánh mì, bơ và rượu bia để điểm tâm. Hai người ngồi vào một cái bàn cạnh viên thiếu tá; câu chuyện họ trao đổi với nhau không thể nào không khiến cho Dobbin phải để lọt vào tai. Đại khái họ nói chuyện với nhau về các võ sĩ 'Fuchs' và 'Philister', về những cuộc đấu súng và những cuộc hành lạc trong các quán rượu xung quanh trường đại học Schoppenhausen. Hình như họ vừa từ trung tâm văn hóa nổi danh này cùng Becky đến Pumpernickel để dự đại hội mừng cuộc lương duyên của hoàng gia thì phải.

Max dùng tiếng Pháp nói với bạn:

Xem ra cái con bé người Anh () hình như quen thuộc nhiều người ở đây lắm(). Ông nội béo ị của nó vừa về đã thấy một cô đồng hương bé nhỏ xinh xinh tìm đến thăm rồi. Tớ nghe thấy họ chuyện trò khóc lóc gì với nhau ở trong gian phòng của con bé.

Fritz đáp:

- Chúng mình phải mua vé xem con bé nó hòa nhạc mới được. Cậu có tiền không, Max?

Anh chàng kia đáp:

-Ôi dào, hòa nhạc quái gì, chuyện tào lao () ấy mà. Thằng Hans kể với tớ rằng ở Leipzig, có một lần con bé đã quảng cáo ầm lên sẽ tổ chức hòa nhạc, thế là bọn thị dân () ùa nhau đến mua vé, rồi nó chuồn thẳng một mạch, chẳng hát hỏng cóc khô gì. Hôm qua, mình đi xe ngựa, nó nói chuyện rằng thằng đệm đàn dương cầm cho nó bị ốm nằm quỵ ở Dresden rồi. Nó không hát được đâu, tớ tin chắc như vậy. Giọng nó cũng khàn khàn vịt đực như giọng cậu thôi, ông bạn vua rượu của tôi ạ.

- Ừ khàn thực, tớ vừa nghe nó đứng ở cửa sổ hát thử một bài ba-lat của Anh hay tuyệt (), gọi là "Đoá hồng trên bao lơn".

Fritz nhận xét:

- Uống và hát () có bao giờ đi đôi với nhau đâu. (Nom cái mũi cà chua của Fritz cũng biết anh ta ưa cái thú vui thứ nhất hơn). Thôi đừng có lấy vé mà phí toi tiền. Đêm qua con bé vừa được bạc. Tớ nhìn thấy nó nhờ một thằng bé con người Anh đặt cửa hộ. Tiền của cậu, bỏ ra chúng mình chè chén với nhau ở đây hoặc đi xem hát còn hơn, hay là chúng mình mời con bé ra công viên Aurelius uống rượu vang Pháp hay rượu cô-nhăc cũng tốt, nhưng vé thì nhất định đừng mua. Cậu tính thế nào. Làm thêm một cốc bia nữa chứ?

Đoạn cả hai thay phiên nhau nhúng bộ ria mép màu vàng óng vào chất nước uống màu nâu, rồi vê vê bộ ria, khệnh khạng kéo nhau đi xem hội.

Dobbin nhìn thấy chiếc chìa khóa số 90 treo trên móc, lại nghe loáng thoáng câu chuyện của hai cậu sinh viên trẻ tuổi, không nghi ngờ gì nữa, biết ngay họ vừa nói chuyện với nhau về Becky.

Anh ta nghĩ thầm: "Cái con mẹ ranh này hẳn đang âm mưu làm một mẻ gì đây". Nhớ lại ngày xưa, có lần đã được chứng kiến chuyện cô ta chài Joe và cái kết cục khôi hài của cuộc tình duyên này, Dobbin mỉm cười. Về sau Dobbin và George vẫn thường lôi chuyện ấy ra làm trò cười với nhau cho tới khoảng vài tuần lễ sau ngày cưới của George mới thôi, vì hồi ấy chính George cũng bị mắc vào cái lưới của cô Circe () bé nhỏ; chuyện George có tình ý với Becky, chắc Dobbin cũng đoán biết, nhưng làm ngơ không muốn nói ra. William vì tế nhị và cũng cảm thấy khó nói, nên không muốn dò hỏi đến ngọn ngành câu chuyện bí mật xấu xa này của bạn, tuy rằng một lần George đã nhắc đến một cách xa xôi và có ý hối hận. Ấy là buổi sáng hôm xảy ra trận Waterloo, lúc hai người đang đứng đầu đơn vị của mình nhìn sang trận tuyến của địch san sát toàn những quân Pháp đen ngòm đỉnh đồi, trên trời một cơn mưa lớn sắp sửa trút xuống. George bảo bạn:

- Tôi vừa dính vào một câu chuyện âm mưu vô nghĩa lý với một người đàn bà anh ạ. Chúng mình phải ra trận thế này, thật tôi lấy làm may mắn. Nếu chẳng may tôi chết, mong rằng Emmy sẽ không biết tý gì về chuyện này. Nghĩ lại, tôi lấy làm hối hận quá. William tự lấy làm hài lòng mỗi khi nghĩ rằng nhiều lần anh ta đã khôn khéo tìm cách an ủi người vợ góa của George, Dobbin nói rằng sau khi từ biệt Amelia, và sau trận "Bốn cánh tay" George đã nói chuyện với anh ta về vợ và cha với một giọng nghiêm trang và âu yếm. Những lần ngồi nói chuyện với ông già Osborne, William cũng nhấn mạnh về việc này; do đó, trước khi từ giã cõi đời, ông lão đã tha thứ cho đứa con trai bất hạnh.

William nghĩ thầm: "Thì ra cái con quỷ quái vẫn tiếp tục bày trò rắc rối. Mình chỉ mong nó đi biệt tăm tích đâu cho khuất mắt. Nó đi đâu là đem theo tai hoạ đến đấy."

Anh ta cứ ngồi, hai tay bưng lấy đầu mà đeo đuổi mãi những ý nghĩ day dứt như vậy. Tờ tuần báo Pumpernickel mở rộng trước mắt, nhưng anh ta không nhìn thấy chữ gì. Bỗng có ai cầm cái cán ô đập nhẹ vào vai; nhìn lên thì ra Amelia.

Người đàn bà này vẫn có cái mãnh lực đặc biệt khống chế được anh chàng thiếu tá Dobbin (trời sinh ra con người ta dù yếu đuối mấy cũng có khả năng thống trị một kẻ nào khác trên đời). Emmy vẫn bảo anh ta làm việc này việc khác, nói năng ngọt ngào với anh ta, nhờ anh chàng lấy cái này, mang cái kia, như thể Dobbin là một con chó nòi "Tân thế giới" () ngoan ngoãn vậy. Ví thử Emmy có nói "Hấp, Dobbin", không chừng anh ta cũng sẵn sàng nhảy ngay xuống nước hoặc vui vẻ ngậm cái ví đầm lóc cóc chạy theo sau cô ta. Nếu như các bạn độc giả không thấy rằng Dobbin là một anh chàng ngốc nghếch thì câu chuyện tôi kể đây thật là đoảng vị.

Amelia khẽ lắc đầu, nghiêng mình chào một cách giễu cợt, nói:

- Thế nào, sao ngài không đợi trên gác để đưa tôi xuống cầu thang?

- Tôi làm sao đứng chờ được ở ngoài hành lang?

Dobbin đáp, vẻ mặt vừa đáng thương vừa có vẻ khôi hài. Sau đó, lại được khoác tay đưa người đẹp ra khỏi gian phòng sặc sụa mùi khói thuốc lá, anh ta khoái trí quá, xuýt nữa thì đi thẳng, quên cả trả tiền cốc rượu bia còn nguyên chưa uống. Anh bồi bàn phải chạy theo ra tận cửa khách sạn "Con Voi" để nhắc, Emmy phá ra cười; cô mắng đùa anh chàng là người "xấu chơi", định ăn quỵt, lại diễu Dobbin về chuyện la cà ở chỗ này. Hình như Emmy có điều gì vui vẻ đặc biệt; cô líu ríu đi qua khu chợ một cách hơi vội vàng. Cô muốn gặp mặt Joe ngay tức khắc. Thấy Amelia sốt ruột muốn gặp mặt anh trai, Dobbin bật cười vì có mấy khi thấy cô muốn gặp mặt "ông anh trai quý báu" ngay tức khắc đâu.

Hai người thấy Joe đang ngồi trong phòng khách ở tầng nhà dưới. Suốt một tiếng đồng hồ vừa qua, Joe đã sốt ruột đi bách bộ trong phòng, hết cắn móng tay lại nhìn qua khu chợ về phía khách sạn "Con Voi" có đến hàng trăm bận. Trong khi ấy, Amelia đang ngồi tâm tình với Becky trong gian phòng xép của khách sạn, còn Dobbin thì đang ngồi gõ nhịp mấy ngón tay trên mặt bàn dưới nhà để đợi Emmy trên gác xuống, Joe cũng đang thấp thỏm đợi Emmy.

Thấy hai người về, Joe hỏi ngay:

- Thế nào?

Emmy đáp:

- Đáng thương quá, chị ấy khổ không biết thế nào mà nói.

- Đúng lắm, cầu chúa che chở cho linh hồn tôi.

Joe vừa hói vừa lắc lư cái đầu, làm cho đôi má béo xệ rung rung theo.

Emmy tiếp:

- Ta có thể nhường cho chị ấy gian phòng của Payne; để nó lên ngủ trên gác cũng được.

Payne là một chị hầu gái người Anh, tính ít nói, giữ nhiệm vụ săn sóc riêng cho Amelia. Lẽ dĩ nhiên chị này được bác Kirsch tán tỉnh. Georgy rất thích đem những chuyện cổ tích Đức toàn những kẻ trộm, kẻ cướp và ma quỷ ra doạ làm cho chị ta sợ hết hồn. Suốt ngày chị ta chỉ lúi húi thu xếp quần áo, hết phàn nàn càu nhàu lại doạ sớm hôm sau thế nào cũng bỏ về quê ở Clapham. Emmy quyết định:

- Để chị ấy ở gian phòng của Payne.

Anh chàng thiếu tá đứng bật dậy hỏi:

- Này, chị không có ý định mang người đàn bà ấy vào sống trong gia đình này đấy chứ? Amelia trả lời, vẻ ngây thơ nhất đời:

- Dĩ nhiên là có. Kìa, thiếu tá Dobbin, đừng giận dữ, khéo làm gãy cả ghế ngồi bây giờ. Dĩ nhiên là chúng tôi định thế.

Joe cũng nói:

- Dĩ nhiên, anh bạn ạ.

Emmy tiếp:

- Chị ấy đã đau khổ nhiều quá rồi. Lão chủ nhà băng nơi chị ấy gửi tiền đã trốn biệt và phá sản. Chồng chị ấy, cái tên khốn kiếp mạt hạng, đã bỏ rơi vợ và bắt đứa con mang đi rồi (nói đến đây Emmy nắm chặt hai bàn tay bé nhỏ lại giơ ra trước mặt với điệu bộ doạ nạt thật ghê gớm. Dobbin thấy cảnh người bạn gái hăng hái quá mà muốn bật cười). Thật đáng thương cho chị ấy. Bây giờ sống bơ vơ trơ trọi, bắt buộc phải dạy hát để kiếm ăn... Không đưa chị ấy về đây sống chung thế nào được!

Anh chàng thiếu tá kêu lên:

- Chị George yêu quý của tôi ơi, hãy mời cô ta dạy chị hát, nhưng chớ có cho về ở đây. Tôi van chị đấy.

Joe lên tiếng:

- Hừ!

Amelia sửng sốt:

- Thiếu tá Dobbin, tôi rất ngạc nhiên về thái độ của anh đấy. Xưa nay, anh vẫn là người rộng lượng, tốt bụng cơ mà. Vậy chứ chị ấy đang gặp cảnh khốn khó, không giúp chị ấy bây giờ thì còn lúc nào? Chị ấy là một người bạn lâu ngày nhất của tôi, chứ đâu phải..

- Amelia, không phải bao giờ cô ta cũng là bạn của chị đâu.

Dobbin đáp vậy, hình như anh ta bực mình lắm rồi. Câu nói bóng gió làm cho Amelia đau nhói trong tim. Cô giận dữ nhìn thằng vào mặt Dobbin nói:

- Thiếu tá Dobbin, anh không biết ngượng sao?

Trả miếng xong, Amelia đứng dậy, kiêu kỳ bước sang gian phòng của mình, khép mạnh cánh cửa lại, có ý không bằng lòng, như chính mình bị phỉ báng. Cánh cửa đóng chặt lại rồi cô mới nói một mình:

- Lại đi nói bóng đến câu chuyện ấy? Ôi, bắt mình phải nhớ đến điều ấy, thật tàn ác quá.

Cô ngước nhìn lên bức chân dung của George vẫn treo trên tường như mọi khi, có kèm tấm hình con trai ở dưới. "Anh ấy thật tàn ác quá. Em đã tha thứ rồi, anh ấy còn nỡ nhắc đến làm chi? Không, theo lời chính miệng anh ấy nói ra, em đã thấy sự ghen tuông của em là vô nghĩa, là không có căn cứ rồi, em đã tin rằng anh rất trong sạch... Vâng, anh rất trong sạch, vị thiên thần của em trên thiên đường ạ!"

Cô đi đi lại lại trong phòng, người run lên vì tức giận. Cô tiến lại trước cái tủ, ngắm mãi tấm chân dung treo phía trên. Càng ngắm, cô càng thấy hình như đôi mắt George nhìn mình mỗi lúc một thêm có ý trách móc. Bao nhiêu kỷ niệm êm đẹp của mối tình đầu xô nhau trở lại trong ký ức. Vết thương đã được thời gian hàn gắn kín miệng bỗng lại ứa máu. Cô cảm thấy đau đớn hơn bao giờ hết ! Emmy không sao chịu đựng được sự trách móc của người chồng yêu quý đang đứng trước mặt. Không! Không thể có chuyện ấy, không bao giờ có chuyện ấy!

Đáng thương thay cho anh chàng William Dobbin, câu nói lỡ lời ấy phá hoại hết kết quả bao nhiêu năm đeo đuổi, nó đã làm cho tòa lâu đài tình yêu mà anh chàng mất bao công sức nhẫn nại dựng lên bỗng chốc xụp đổ tan tành; tòa lâu đài ấy xây trên những nền móng vô hình bí mật, ẩn dấu tất cả những sự say mê, những cuộc đấu tranh tư tưởng không kể xiết và những sự hy sinh thầm lặng. Chỉ một lời nói thôi, thế là tòa lâu đài của hy vọng tan thành mây khói! Chỉ một lời nói thôi, mà có khi đã làm cho con chim xanh anh chàng mất công theo đuổi suốt một đời bay mất biệt tăm.

William nhìn vẻ mặt Amelia hiểu rằng thế là bắt đầu một giai đoạn gay go đây, nhưng anh ta vẫn dùng những lời lẽ thiết tha nhất khẩn khoản yêu cầu Sedley hãy dè chừng đối với Becky.

Có thể nói anh ta hăng hái thuyết phục Joe chớ nên nhận cho Rebecca về ở chung. Dobbin xin Joe ít nhất cũng nên dò hỏi kỹ lưỡng về hành vi của cô ta đã, lại đem những chuyện mình nghe được, kể lại rằng Becky đã chung đụng với bọn cờ bạc bịp và những người tư cách không ra gì. Dobbin còn nhắc Joe nhớ lại những chuyện xấu xa mà Becky đã phạm trong quá khứ: chính hai vợ chồng Crawley đã a tòng với nhau dẫn George đi vào con đường phá sản, và hiện nay Becky đã ly dị với chồng như chính cô ta thú nhận, mà nào ai biết được nguyên nhân vì đâu. Một người đàn bà như thế gần Amelia thật nguy hiểm, vì em gái Joe còn ngây thơ lắm, chưa hề từng trải việc đời. William đem hết tài hùng biện ra thuyết phục Joe, van nài Joe chớ nhận cho Rebecca sống chung trong gia đình; rất ít khi thấy anh chàng điềm đạm ít nói này hăng hái đến thế.

Giá Dobbin nói dịu dàng khéo léo hơn, không biết chừng anh ta có thể thuyết phục được Joe cũng nên nhưng nói cho đúng thì Joe cũng có ý hơi bực, vì mọi khi anh ta vẫn cho rằng Dobbin hay có thái độ trịch thượng đối với mình. Joe cũng đã nói riêng chuyện này với bác hầu Kirsch, dĩ nhiên bác đồng tình với chủ, bởi lẽ bác không ưa Dobbin kiểm soát chi ly những hóa đơn chi tiêu trong cuộc hành trình này. Joe cũng bắt đầu to tiếng trả lời rằng mình có đủ sức tự bảo vệ lấy danh dự không cần nhờ vả đến ai, rằng mình không muốn có người khác can thiệp vào việc riêng; nói tóm lại, anh ta ý muốn chống lại sự áp chế của viên thiếu tá. Cuộc thảo luận giữa hai người hơi lâu và cũng hơi gay gắt, thì bỗng bị chấm dứt một cách đơn giản nhất đời. Nghĩa là có Becky đến chơi. Cô ta đem theo một người hầu phòng của khách sạn "Con Voi" để xách hộ đám hành lý sơ sài.

Becky chào Joe một cách lễ độ nhưng thân mật; đối với Dobbin, cô ta tỏ ra nhã nhặn, nhưng có ý dè dặt. Linh tính báo ngay cho cô ta biết đích rằng đây là kẻ thù của mình, và chính Dobbin cũng vừa nói cô ta không ra gì xong. Emmy nghe thấy những tiếng động và tiếng ồn ào bèn bước ra khỏi phòng. Cô tiến đến bên bạn, ôm lấy bạn mà hôn thật nồng nàn, không buồn để ý đến Dobbin, trừ một lần liếc nhìn anh chàng một cách giận dữ; có lẽ từ khi người đàn bà đáng thương này sinh ra đời, đây là lần đầu tiên Amelia có một thái độ khinh miệt bất công như vậy. Nhưng có những lý do riêng khiến cho cô không sao kìm giữ được khỏi giận Dobbin. Dobbin cũng bực mình vì bị đối xử bất công chứ không phải vì thất bại không thuyết phục nổi bạn. Anh ta nghiêng mình chào Amelia với thái độ hết sức kiêu hãnh rồi bỏ đi, người đàn bà cũng cúi chào tỏ ý vĩnh biệt một cách lạnh lùng không kém.

Dobbin bỏ đi rồi, Emmy tỏ ra đặc biệt phấn khởi, vui vẻ với Becky; cô vội vội vàng vàng thu dọn trong phòng rồi dẫn cô bạn cũ về căn phòng đã dành riêng; xưa nay tính tình cô bạn nhỏ của chúng ta vẫn điềm đạm không mấy khi tỏ ra hoạt động và hăng hái như vậy. Thói thường vẫn thế, những người bản chất yếu đuối, khi sắp làm một chiếc gì bất công, họ vẫn hay vội vã làm cho chóng xong, bởi vậy, Emmy nghĩ rằng những cử chỉ của mình vừa rồi chính là một cách tỏ rõ tấm tình gắn bó chung thuỷ và kính mến đối với người chồng đã khuất.

Georgy đi xem hội về ăn trưa, thấy trên bàn vẫn bày đủ bốn xuất ăn như thường lệ; nhưng nó thấy có một người đàn bà ngồi vào chỗ mọi khi vẫn dành cho thiếu tá Dobbin. Thằng bé nói một cách rất tự nhiên như thường ngày:

- Ô kìa, bác Dob đâu?

Mẹ nó bảo:

- Hôm nay thiếu tá Dobbin ăn cơm ngoài, chắc thế.

Đoạn Emmy kéo con trai lại, hôn con mấy cái liền, vén mớ tóc xoã trên trán con rồi giới thiệu với bạn:

- Rebecca, cháu đây.

Câu nói cũng có nghĩa là: "Chị xem trẻ con trên đời này có đứa nào được bằng nó không?" Becky làm ra bộ say sưa ngắm thằng bé, rồi âu yếm bắt tay nó; cô ả nói:

- Cháu yêu quý, nom thật giống thằng cháu...Cô ta cảm động quá, nghẹn lời không nói tiếp được, nhưng chẳng cần bạn nói ra, Amelia cũng hiểu rõ Becky đang nhớ đến đứa con quý báu của cô ta.

Tuy vậy, có cô bạn ngồi cạnh, Becky cũng được an ủi, thành thử bữa ấy cô ta ăn rất ngon miệng.

Trong khi ăn, Becky tha hồ có dịp kể lể; thằng Georgy thì lấm lét ngó người khách lạ và giỏng tai lên mà nghe chuyện. Đến lúc dùng đồ tráng miệng, Emmy bước ra ngoài sai bảo đầy tớ dọn dẹp; Joe thì ngả lưng trong ghế bành thiu thiu ngủ, tay cầm tờ bán Galinany, còn Georgy và người đàn bà lạ mặt ngồi sát bên nhau.

Lần này thằng bé nhìn đi nhìn lại người khách như đã nhận ra, cuối cùng, nó đặt cái kẹp hạt dẻ xuống nói:

- Đúng rồi.

Becky cười hỏi:

- Đúng cái gì, cháu?

Bác chính là cái bà đeo mặt nạ cháu gặp trong phòng quay số tối hôm nọ.

Becky vội nắm lấy tay thằng bé, đưa lên miệng hôn nói:

- Suỵt, cháu tinh quái quá. Hôm ấy bác trai cháu cũng đến đấy? Đừng nói cho má cháu biết, má cháu không bằng lòng đâu.

Thằng bé đáp:

- Ồ, không... chẳng bao giờ cháu nói.

Lúc Emmy quay vào phòng, Becky bảo bạn:

- Chị xem, em với cháu thân nhau rồi đấy.

Phải công nhận rằng Amelia đã đem được một người bạn gái rất biết điều và đáng yêu đến sống chung với mình.

Đang cơn tức bực, William cứ đi lang thang như mất trí khắp thị trấn, tuy rằng anh ta cũng chưa biết hết âm mưu bội phản đang chờ đợi mình. Thế nào lại gặp ngay lão bí thư sứ quán Anh là Tapeworm; lão mời Dobbin vào khách sạn dùng cơm. Gọi món ăn xong, Dobbin nhân cơ hội hỏi thăm viên đại biện xem có biết chuyện gì về một bà Rawdon Crawley nào đó hình như đã gây ra dư luận sôi nổi một thời ở Luân-đôn không. Dĩ nhiên Tapeworm thông tỏ đủ mọi thứ chuyện của Luân-đôn. Lão lại có họ với Gaunt phu nhân, thành thử lão mới cung cấp cho viên thiếu tá một mớ tài liệu về cuộc đời của hai vợ chồng Becky, đủ cho anh chàng tọc mạch há hốc mồm ra vì ngạc nhiên; nhờ những tài liệu ấy mà có câu chuyện này, vì chính ngay trên chiếc bàn ấy mấy năm trước đây kẻ chép truyện cũng đã từng có hân hạnh được nghe. Thôi thì đủ mọi chi tiết: Tufto, Steyne, gia đình Crawley, cùng mọi chuyện có liên quan đến họ, mọi chi tiết có liên quan đến Becky và quá khứ của cô ta, nhà ngoại giao tàn nhẫn lôi ra bằng hết. Lão biết chân tơ kẽ tóc về sinh hoạt của tất cả thiên hạ. Tóm lại, anh chàng thiếu tá thực thà của chúng ta cứ ngây người ra mà nghe những điều khám phá mới mẻ. Thấy Dobbin nói Amelia và Sedley đã đưa Becky về sống chung trong gia đình, Tapeworm phá ra cười rũ rượi, làm cho viên thiếu tá bàng hoàng; lão bảo rằng giá tìm đến nhà lao, mời một vài ông sang trọng, đầu trọc lóc bận áo vàng bị xích chân từng đôi một, vẫn được cử đi quét đường ở Pumpernickel, mang về thết đãi, dùng làm thầy học cho thằng Georgy cứng đầu cứng cổ có lẽ còn tốt hơn.

Câu chuyện của lão khiến cho viên thiếu tá ngạc nhiên và hoảng hốt không phải ít. Sáng sớm hôm ấy, trước khi Becky dọn đến, mọi người đã quyết định đến tối Amelia sẽ đi dự dạ hội trong cung, Dobbin định sẽ nhân dịp nói hết với Amelia. Anh chàng thiếu tá bèn về nhà, thắng bộ lễ phục cẩn thận mò vào triều cố tìm gặp Emmy. Nhưng không thấy Emmy đến. Lúc quay về, Dobbin đã thấy đèn đóm trong nhà Sedley tắt từ lâu. Vậy phải chờ đến sáng hôm sau mới gặp được Amelia. Không hiểu đêm hôm ấy anh chàng phải ủ ấp một sự bí mật ghê gớm như thế trong lòng có trằn trọc mất ngủ hay không.

Sáng hôm sau, Dobbin sai một người hầu cầm thư sang trao cho Amelia, nói cần gặp ngay có chuyện cần. Anh ta nhận được thư trả lời, cho biết rằng bà Osborne hôm nay mệt, không thể ra khỏi phòng được.

Thật ra, chính Amelia suốt đêm qua cũng không ngủ được, và bị ám ảnh bởi câu chuyện trước kia đã hàng trăm lần giầy vò tâm tư cô. Trước kia, đã hàng trăm lần cô muốn đầu hàng, nhưng sự hy sinh ấy, cô cảm thấy quá sức mình chịu đựng. Không, cô không thể bằng lòng được, mặc dầu con người ấy đã yêu cô tha thiết, đã trung thành tận tụy với cô, và chính cô cũng phải thú nhận rằng mình đối với anh ta rất có cảm tình, rất biết ơn và kính trọng. Nhưng thử hỏi rằng chung thủy là cái gì, và những đức tính quý báu nữa cũng là cái gì? Chỉ cần một món tóc xoăn xoăn của cô thiếu nữ, hoặc một sợi ria mép của chàng trai trẻ cũng đủ làm cho cán cân trong phút chốc lệch ngay về một bên. Đối với Emmy những đức tính ấy cũng không quan trọng hơn là đối với những người đàn bà khác. Cô đã thử, cô đã khát khao thực hiện ước vọng của mình, nhưng không sao được. Bây giờ tìm ra một cớ, người đàn bà tàn nhẫn ấy bèn vịn ngay lấy, quyết định tự giải phóng mình.

Mãi đến buổi chiều ngày hôm ấy. Amelia mới cho Dobbin gặp mặt. Lâu nay vẫn quen được tiếp đón thân mật vui vẻ, lần này bước vào, anh ta thấy Emmy nghiêng mình chào, coi như khách, cô chìa một bàn tay vẫn đeo găng cho anh ta bắt rồi lại rụt về ngay.

Rebecca cũng có mặt trong phòng; cô ta mỉm cười tiến đến, đưa tay cho Dobbin. Dobbin hơi bối rối, lùi lại, nói:

- Xin... xin bà tha lỗi, thưa bà. Nhưng tôi bắt buộc phải nói thực rằng hôm nay tôi đến đây không phải với tư cách là bạn của bà.

- Hừ! Khỉ lắm! Thôi, đừng nhắc đến chuyện ấy nữa.

Joe kêu lên có vẻ lo lắng và muốn tránh một câu chuyện rắc rối. Amelia hạ thấp giọng, nhưng nói rất rõ:

- Tôi không hiểu thiếu tá Dobbin có điều gì không bằng lòng đối với Rebecca đấy.

Giọng nói của cô hơi run run, nhưng tia mắt nhìn rất cương quyết.

Joe lại xen vào:

- Tôi không muốn có chuyện rắc rối trong nhà tôi đâu đấy. Tôi nhắc lại là tôi không muốn. Dobbin, tôi yêu cầu anh thôi đi.

Anh ta run bắn người lên, nhìn quanh phòng, mặt đỏ ửng, rồi vừa thở phì phò vừa bỏ về phòng mình.

Rebecca lên tiếng, giọng nói thật ngọt ngào, êm ái: "Kìa, ông bạn yêu quý của em! Hãy ở lại xem thiếu tá Dobbin muốn nói gì em đã nào."

- Tôi đã bảo rằng tôi không muốn nghe cơ mà. Joe hét tướng lên như vậy, rồi thu gọn vạt áo ngủ, anh ta bước ra khỏi phòng.

Amelia nói:

- Bây giờ chỉ còn lại hai người đàn bà chúng tôi. Anh đã có thể nói chuyện được rồi đấy?

Dobbin kiêu hãnh đáp:

- Amelia, có lẽ chị đối xử với tôi như vậy là không đúng, mà tôi vẫn không tin rằng xưa nay đối với phụ nữ tôi vẫn có thái độ phũ phàng. Tôi đến đây để làm một nhiệm vụ mà chính tôi cũng không vui lòng lắm. Amelia mỗi lúc một thêm lúng túng, nói:

- Thiếu tá Dobbin, xin anh cứ vui lòng nói ngay vào vấn đề cho.

Giọng cô nói hơi có vẻ khiêu khích, làm cho cái nhìn của Dobbin bỗng trở thành nghiêm khắc.

- Tôi muốn đến đây để nói một điều... bà Crawley bà đã muốn ngồi lại đây, thì tôi đành phải nói điều ấy ra trước mặt bà... tôi muốn nói rằng bà không nên có mặt trong gia đình bạn tôi. Một người đàn bà bỏ chồng, đội tên giả để đi lang bạt khắp nơi và ra vào những sòng bạc công khai...

Becky kêu lên:

- Tôi đến dự dạ hội đấy chứ.

- ...Thì không phải là một người xứng đáng làm bạn của bà Osborne và con trai bà. Tôi còn muốn nói thêm rằng ở đây có nhiều người hiểu rành mạch về bà, họ kể nhiều điều về tư cách của bà nữa. Tôi cũng không muốn nhắc lại đây trước mặt... trước mặt bà Osborne.

Rebecca nói:

- Lối vu cáo của ông kể cũng khôn khéo đấy chứ thưa thiếu tá, ông định bắt tôi phải chịu đựng lời kết án mà chính ông không muốn nói ra. Kết án thế nào nhỉ? Tôi không trung thành với chồng tôi chăng? Tôi không sợ đâu. Tôi thách người nào chứng minh được điều ấy. Và tôi nói thật tôi thách ông đấy. Phẩm giá của tôi hoàn toàn không bị hoen ố, cũng như phẩm giá của kẻ thù xảo quyệt nhất đang muốn bôi nhọ tôi. Hay là ông muốn kết tội tôi chỉ vì tôi nghèo khổ, bị bỏ rơi, bị sa sút? Phải, những điều ấy tôi có phạm, và ngày nào tôi cũng bị trừng phạt. Chị Emmy, để cho em đi vậy. Chẳng qua cũng coi như em không được gặp lại chị, vả lại cũng không vì vậy mà em khổ sở hơn ngày hôm qua cơ mà. Cũng coi như sau một đêm trú ẩn, kẻ phiêu bạt đáng thương này lại lên đường lang thang như cũ. Chị có nhớ bài hát chúng mình vẫn hát với nhau khi xưa không nhỉ? Ôi, những ngày êm đẹp đã qua! Từ bấy đến nay, cuộc đời em cứ ba chìm bảy nổi mãi... em như một kẻ bỏ đi, bị người đời sỉ nhục chỉ vì em có một thân một mình. Thôi, chị để em đi; em ở lại đây, em làm trở ngại đến những kế hoạch riêng của ông này.

Dobbin nói:

- Thưa bà, quả có thế. Nếu như tôi có chút quyền hành gì trong gia đình này...

Amelia vội kêu lên:

- Quyền hành ư? Ông không có quyền hành gì hết. Rebecca, chị cứ ở đây với em. Em sẽ không bỏ chị đâu, mặc dầu chị bị hành hạ, bị sỉ nhục, bị.. bị thiếu tá Dobbin chủ tâm đối xử như vậy. Ta đi thôi chị.

Và hai người đàn bà tiến về phía cửa. William mở cửa cho họ.

Nhưng lúc họ bước ra, anh ta cầm lấy tay Amelia nói:

- Chị có vui lòng ở lại một lát để nói chuyện với tôi không?

Becky vội nói ngay:

- Ông ấy lại định nói xấu em với chị lúc em không có mặt đấy.

Nom vẻ mặt Becky như một người tử đạo. Amelia chỉ xiết chặt tay bạn không trả lời.

Dobbin nói:

- Xin lấy danh dự mà thề rằng câu chuyện tôi sắp nói đây không liên quan gì đến bà. Amelia, mời chị vào trong này.

Amelia quay vào. Dobbin cúi chào Rebecca rồi khép cửa phòng lại. Amelia dựa vào tấm gương soi nhìn Dobbin, sắc mặt và đôi môi tái nhợt.

Viên thiếu tá yên lặng một lúc rồi nói:

- Vừa rồi, tôi hơi bối rối thành ra nói lẫn... tôi đã dùng tiếng "quyền hành" không đúng chỗ.

Amelia đáp, hai hàm răng thốt nhiên va vào nhau lập cập.

- Có thế.

Dobbin nói tiếp:

- Nhưng tôi tưởng ít nhất cũng có quyền được thanh minh.

Người đàn bà đáp:

- Mẹ con tôi vẫn nhớ đã mang ơn anh rất nhiều.

William nói:

- Quyền hạn tôi nói đây là do cụ thân sinh ra anh George uỷ nhiệm.

Amelia đáp:

- Phải lắm. Nhưng mới ngày hôm qua, anh đã bôi nhọ linh hồn George. Hẳn anh cũng biết vậy. Tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho anh điều ấy. Không bao giờ hết. Cô dằn mạnh từng tiếng, giọng nói run run vì tức giận và xúc động.

William buồn rầu nói:

- Chị không thực tâm nghĩ thế chứ, chị Amelia? Chị không cho rằng những lời chị vừa nói trong lúc vội vàng thiếu suy nghĩ chín chắn là quan trọng hơn cả sự trung thành tận tuỵ của cả một đời người chứ? Tôi tin rằng cách ăn ở của tôi không thể làm cho linh hồn George phải bất mãn, và nếu như tôi có điều gì đáng trách thì, ít nhất, người trách tôi cũng không phải là người vợ góa và là người sinh ra đứa con trai của anh George. Chị hãy nghĩ xem... sau này, khi nào có thì giờ rỗi rãi, chị hãy nghĩ kỹ xem... rồi chị sẽ thấy trách tôi như vậy là bất công. Rất có thể ngay bây giờ chị cũng thấy thế rồi.

Amelia cúi đầu xuống.

Dobbin nói tiếp:

- Chị giận tôi không phải vì lời tôi nói hôm qua đâu, Amelia, đó chẳng qua là một cái cớ; bởi vì tôi đã trót yêu chị, đã theo đuổi chị suốt mười lăm năm nay một cách vô vọng. Trong thời gian ấy, chẳng lẽ tôi lại không thấu hiểu mọi tình cảm, mọi ý nghĩ của chị hay sao? Tôi hiểu tâm hồn chị lắm. Chị có thể tuyệt đối trung thành với một kỷ niệm, chị có thể ấp ủ mãi một hình bóng không tưởng. Nhưng chị không thể hiểu nổi một tấm tình nồng nhiệt như tấm tình của tôi và cũng không thể thông cảm được với tấm tình ấy như một người đàn bà nào khác có tâm hồn cao đẹp hơn chị. Không, chị không xứng đáng với mối tình bao năm nay tôi theo đuổi. Đã từ lâu, tôi đã hiểu rằng tôi chỉ là một kẻ ngu dại, sống với những ảo tưởng đẹp đẽ, đem tất cả tâm hồn nồng nàn chân thật của mình đánh đổi lấy một mảnh duyên thừa. Bây giờ tôi không muốn sự trao đổi ấy nữa, tôi từ bỏ và tôi không có lỗi gì hết đối với chị. Bao giờ chị cũng vẫn là người tốt. Chị đã cố gắng hết sức rồi, nhưng chị không thể... chị không thể vươn được tới độ cao của mối tình tôi ủ ấp đối với chị. Mối tình ấy, một người đàn bà có tâm hồn cao thượng hơn có thể lấy làm hãnh diện được chia xẻ! Amelia, xin vĩnh biệt. Tôi đã theo dõi cuộc đấu tranh của chị. Hãy chấm dứt nó đi. Cả hai chúng ta đều mệt mỏi lắm rồi...

Thế là sợi dây buộc chặt vận mệnh của Dobbin cô vẫn nắm trong tay bị anh ta đột nhiên rứt đứt. Amelia sợ hãi đứng lặng nghe Dobbin tuyên bố lấy lại quyền tự do và ưu thế của mình. Đã từ lâu anh ta quen bò sát dưới chân Emmy, khiến cho cô cũng quen coi việc chà đạp lên anh là chuyện tự nhiên. Amelia không muốn làm vợ Dobbin, nhưng cứ muốn giữ lấy anh ta. Cô không muốn phải đền đáp một tý gì, nhưng lại muốn bắt Dobbin phải cho mình tất cả. Trong việc yêu đương, sự trao đổi không công bằng này là chuyện xảy ra khá thường xuyên.

Lời nói dứt khoát của William khiến cô thất vọng và bối rối.

Cuộc tấn công yếu ớt của cô thế là chấm dứt, bây giờ cô bắt đầu rút lui Cô nói:

- Nếu tôi không hiểu lầm... thì anh có ý định... đi xa... phải không? William?

Anh chàng cười buồn bã, đáp:

- Tôi đã đi xa một lần rồi. Và sau mười hai năm trời tôi mới trở về. Hồi ấy, Amelia, chúng ta còn trẻ. Thôi, vĩnh biệt, tôi đã tiêu phí đời tôi quá đủ trong trò chơi này rồi.

Trong khi hai người nói chuyện với nhau, cánh cửa phòng Amelia vẫn hé mở; ngay lúc Dobbin vừa khép cửa lại, thì Becky đã nắm lấy quả đấm và khẽ mở ra để nghe trộm. Cô ta không bỏ sót một lời nào trong câu chuyện của hai người trao đổi với nhau.

Becky nghĩ thầm: "Người đàn ông này có một tâm hồn cao quý lắm. Cô kia đùa cợt với một tấm tình như vậy thật đáng hổ thẹn". Becky thấy cảm phục Dobbin; cô ta không còn thù ghét cái anh chàng đã nói những điều không hay về mình nữa; hành động của Dobbin thật quang minh chính đại, đáng cảm phục. Cô ta thầm nghĩ: "Ôi, giá mình được một người chồng như thế nhỉ?...Ấy mới là một người đàn ông có đủ cả tâm hồn và trí tuệ! Mình sẽ chả quan tâm đến đôi bàn chân to kếch của anh ta". Rồi Becky chạy về buồng riêng, hình như trong óc đang bận suy tính điều gì. Cô ta lấy bút mực viết một lá thư xin Dobbin hãy nán lại vài ngày đừng đi đâu vội, và hứa sẽ khuyên được Amelia ưng thuận lấy anh ta.

Sự tan vỡ thế là không cứu vãn được rồi; lại một lần nữa, anh chàng William đáng thương bước ra cửa và đi hẳn. Người đàn bà góa bé nhỏ, người đã gây ra tất cả sự tan vỡ này, đã đạt được ý nguyện, đã thắng; cô ở lại một mình, tha hồ mà thỏa mãn vui thích với sự đắc thắng của mình. Ta hãy mặc cho những người phụ nữ ghen tỵ với thắng lợi của Amelia.

Đến đúng cái phút thi vị nhất trong ngày là lúc ăn cơm, thằng Georgy ở đâu mò về; nó lại nhắc đến sự vắng mặt của "bác Dob". Mọi người yên lặng ngồi ăn không ai trò chuyện gì. Joe xơi vẫn ngon miệng như thường, nhưng Amelia không ăn một miếng nào.

Xong bữa ăn, thằng Georgy nằm khểnh trên chồng đệm đặt cạnh cửa sổ, một chiếc cửa sổ lớn ba bề lồng kính, xây nhô hẳn ra ngoài đường, nom thăng ra khu chợ, phía có tòa khách sạn "Con Voi"; mẹ nó đang lúi húi việc gì bên cạnh. Bỗng thằng bé nhận thấy trong nhà viên thiếu tá mé bên kia đường như nhộn nhịp hẳn lên, nó bảo:

- Ơ hơ, xe của bác Dob... họ đang đẩy ra sân kia.

Chiếc xe này Dobbin mua lại với giá tiền sáu đồng bảng Anh; mọi người vẫn trêu anh ta về chuyện mua rẻ này.

Emmy nghe con nói hơi giật mình, nhưng vẫn yên lặng.

Thằng Georgy lại nói:

- Ơ hơ. Thằng Francis vác va-ly đựng quần áo của bác Dob ra kìa. Còn thằng bồi ngựa chột mắt Kunz thì đang dắt ba con ngựa tồi ở chợ về. Đôi ủng và chiếc áo bành tô vàng của cu cậu nom bảnh quá, thằng cha đến buồn cười. Ô kìa... chúng nó thắng ngựa vào xe của bác Dob. Bác ấy định đi đâu thế nhỉ?

Emmy bảo con:

- Bác ấy sắp đi du lịch xa đấy.

- Đi du lịch à? Thế bao giờ bác ấy về?

Emmy đáp:

- Bác... bác không về nữa đâu.

Thằng Georgy vùng dậy kêu rầm lên:

- Không về nữa!

Joe quát thằng cháu:

- Chạy đi đâu, ông tướng?

Vẻ mặt buồn bã, Amelia bảo con:

- Georgy, ở nhà, con ạ.

Thằng bé đứng lại; nó chạy loăng quăng trong phòng, rồi cứ hì hục hết leo lên bậc cửa sổ lại leo xuống, coi bộ nó hết sức tò mò và bực bội.

Xe đã thắng ngựa, hành lý cũng đã chất xong. Francis từ trong nhà bước ra ôm thanh kiếm, cây gậy trúc và chiếc ô của chủ buộc thành một bó đặt vào trong thùng xe, còn chiếc cặp da và chiếc hộp sắt tây đựng mũ của chủ thì hắn nhét xuống gầm ghế.

Đoạn Francis mới lôi tấm áo choàng cũ rích nhem nhuốc bằng dạ xanh có lót nỉ đỏ của chủ ra; tấm áo này Dobbin dùng đã mười lăm năm nay, nó cũng đã từng trải qua "trăm trận đánh đông dẹp bắc", như lời một bài hát phổ biến hồi ấy. Năm xảy ra trận Waterloo, tấm áo còn mới nguyên. Sau đêm hôm xảy ra trận "Bốn cánh tay", Dobbin và George đã cùng khoác chung tấm áo này.

Lão Burcke, chủ khách sạn, từ trong nhà bước ra, rồi đến Francis khuân nốt những hành lý còn lại...

Thiếu tá Dobbin đi sau cùng...Lão Burcke muốn hôn Dobbin để từ biệt. Viên thiếu tá đi đến đâu cũng được mọi người quý mến. Khó khăn lắm Dobbin mới từ chối khỏi phải nhận cách biểu lộ cảm tình quá nồng nhiệt của ông chủ khách sạn.

Thằng Georgy hét tướng lên: "Giời đất ơi! Cháu cũng đi đây."

Becky dúi vào tay thằng bé mảnh giấy, có vẻ cảm động, bảo nó:

- Đưa cho bác ấy cái này nhé.

Thế là thằng bé lao xuống thang gác, chạy bay qua đường...

Anh bồi ngựa mặc áo vàng đã vút roi nhè nhẹ rồi.

William đã gỡ mình khỏi cánh tay lưu luyến của ông chủ khách sạn, trèo vào trong xe. Thằng Georgy cũng nhảy vào theo; từ trên cửa sổ, ba người nhìn xuống thấy nó giang hai cánh tay ôm ghì lấy cổ viên thiếu tá, liến thoắng hỏi chuyện. Rồi nó móc tay vào túi áo tìm lá thư đưa cho anh ta. William vội vàng cầm lấy, tay run run giở ra đọc, nhưng lập tức anh ta đổi sắc mặt, xé tờ giấy làm đôi quẳng ra ngoài xe. Anh ta hôn vào trán Georgy rồi bảo Francis đỡ thằng bé xuống đất. Nó đưa hai bàn tay lên dụi mắt. Thằng bé cứ bấu chặt lấy thành xe không chịu rời ra.

- "Hô! Đi thôi!"()

Anh bồi ngựa mặc áo vàng, quất roi kêu đen đét; Francis nhẩy phốc lên ghế hậu, thế là chiếc xe chuyển bánh. Dobbin ngồi trong xe gục đầu xuống ngực, xe đi ngang qua cửa sổ phòng Amelia, nhưng anh ta không ngẩng lên. Còn lại một mình thằng Georgy đứng giữa đám đông.

Đêm hôm ấy, chị hầu gái của Amelia lại thấy thằng bé gào khóc ầm ĩ trong phòng. Chị ta phải mang vào cho nó vài quả ô-mai mơ để dỗ nó nín. Nhưng rồi cả hai chị em cùng khóc; thì ra tất cả những người nghèo khổ, những người bị rẻ rúng, những người chân thực, hễ có dịp tiếp xúc với người đàn ông giản dị và tốt bụng này, đều quý anh ta.

Còn Emmy, Emmy chẳng đã làm tròn nhiệm vụ rồi sao? Cô đã có bức chân dung của George an ủi mình.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top