Vợ chồng A Phủ

Cuộc sống luôn là một hành trình dài mà ở đó sự quyết tâm, ý chí, niềm tin của ta được tôi luyện, thử thách qua những ngày khó khăn, trắc trở. Chỉ có một ý chí vững vàng, niềm tin bền bỉ mới giúp ta nhận ra dù có tăm tối, mù mịt thì vẫn có tia sáng hy vọng, dù có gian nan đau khổ thì cũng chưa phải đường cùng tuyệt lộ. Như nhà văn Nguyễn Khải từng viết : "Sự sống nảy sinh từ cái chết, hạnh phúc hiện hình từ những hi sinh. Ở đời không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh bước qua ranh giới đó." Ý kiến này khiến ta liên tưởng và suy nghĩ đến số phận của vợ chồng A Phủ, cuộc sống của con người miền núi hiện lên thê thảm, nhưng điều đáng quý là dù có bị bóc lột, chà đạp thì lòng yêu đời và khát vọng sống vẫn âm ỉ sục sôi, chỉ chờ cơ hội để bùng phát mãnh liệt.

Tô Hoài – nhà văn lớn của nền văn học Việt Nam hiện đại. Tô Hoài sáng tác nhiều ở các mảng đề tài khác nhau, có thể kể đến như truyện cho thiếu nhi, truyện về Tây Bắc và viết cả về Hà Nội. Nhà thơ Trần Đăng Khoa khi được tiếp xúc với người nghệ sĩ này đã trầm trồ thán phục rằng: " Tô Hoài là nhà Hà Nội học" bởi những kiến thức mà ông biết không có trong bất cứ một cuốn sách nào, một thư viện nào. Sáng tác nhiều như vậy, nhưng nhà văn này lại dành 1 sự quan tâm đặc biệt cho hình ảnh người lao động nhất là đồng bào Tây Bắc. 

"Vợ chồng A Phủ" là truyện ngắn tiêu biểu in trong tập truyện "Tây Bắc". Tác phẩm là thành quả đẹp của chuyến đi thực tế năm 1952. "Vợ chồng A Phủ" đã thể hiện mạnh mẽ 1 trong những phẩm chất cao đẹp của người lao động – sức sống tiềm tàng. Điều này thật giống với nhận định Tô Hoài đã từng tâm sự: "Nhưng điều kì diệu là dẫu trong cùng cực đến thế mọi thế lực của tội ác cũng không giết được sự sống con người. Lay lắt đói khổ, nhục nhã Mị vẫn sống, âm thầm, tiềm tàng, mãnh liệt."

Lật giở từng trang văn của Tô Hoài, ta bắt gặp hình ảnh của nhân vật Mị xuất hiện thầm lặng bên những vật vô tri vô giác. Cách xuất hiện đó thật đặc biệt: "Ai ở xa về có việc vào nhà thống lí Pá Tra thường trông thấy có 1 cô con gái ngồi quay sợi bên tảng đá trước cửa, cạnh tàu ngựa. Lúc nào cũng vậy, dù quay sợi, thái cỏ ngựa, dệt vải, chẻ củi hay đi cõng nước dưới khe suối lên, cô ấy cũng cúi mặt, mặt buồn rười rượi". Hình ảnh của 1 con người cô độc, âm thầm, gần như lẫn vào cái quay sợi, tảng đá, tàu ngựa,...trong khung cảnh đông đúc, tấp nập của nhà quan Thống lí. Là con dâu của một gia đình quyền thế có "nhiều nương ngô, nhiều bạc, nhiều thuốc phiện nhất làng", vậy tại sao lúc nào cô ấy cũng buồn? Tác giả đã tạo ra tình huống có vấn đề để dẫn dắt người đọc cùng tìm hiểu số phận của nhân vật Mị trong câu chuyện.

Mị là con gái lớn trong một gia đình nghèo ở vùng Tây Bắc, mồ côi mẹ từ nhỏ, lớn lên trong vòng tay che chở của cha. Và rồi, cô trở thành một thiếu nữ xinh đẹp, một bông hoa của núi rừng. Bên cạnh đó là tài thổi kèn lá hay như thổi sáo, khiến cho trai làng "ngày đêm đã thổi sáo đi theo Mị". Những tháng năm tuổi trẻ, Mị cũng có 1 tình yêu đẹp cho riêng mình. Là một cô gái toàn vẹn cả sắc lẫn tài như vậy, lẽ ra cô phải được hưởng một cuộc sống hạnh phúc. Thế nhưng, chỉ vì món nợ truyền kiếp từ ngày cha mẹ mới lấy nhau để lại, Mị đã trở thành cô con dâu gạt nợ không công cho nhà thống lí.

Ban đầu cô phản kháng: "Có đến hàng mấy tháng, đêm nào Mị cũng khóc". Mị định ăn lá ngón tự tử. Nhưng khi nghe lời kêu van thống thiết của người cha già, Mị đành nuốt nỗi cay đắng, tủi nhục vào lòng và quay trở lại nhà Thống lí. Thương cha, Mị không còn ý định tự tử nữa. Hành động dám chết khi cảm thấy cuộc đời của mình không còn bất cứ ý niệm nào là 1 trong những biểu hiện của lòng ham sống vô tận. Thế nhưng, Mị không thể can đảm làm điều mình muốn làm. Người cha trước mặt Mị cho cô biết mình chưa thể buông bỏ mọi chuyện khi chưa làm tròn chữ hiếu. Mị quay lại, chấp nhận cuộc sống làm thân trâu ngựa. Sự sống có lẽ được nảy mầm từ đây.

Quãng đời sống với A Sử là những ngày vất vả, đau khổ. Mị trở thành nô lệ, bị chiếm đoạt sức lao động, nhan sắc và cuộc đời. Mị như một công cụ lao động cho nhà Thống lí Pá Tra. Cuộc sống của Mị gắn chặt với các sự vật vô tri. Càng ngày Mị càng ít nói "lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa". Bây giờ Mị không nghĩ đến chuyện chết nữa vì đã quen với cái khổ rồi và cho rằng mình còn sống mà như đã chết, bởi cuộc sống chẳng còn nghĩa lý gì. Đời Mị cứ thế lặng lẽ trôi đi. Cái ác của bọn Thống lý đã giết chết phần tốt đẹp trong con người Mị. Mị bị đày đọa đến mức tinh thần phản kháng cũng dần tê liệt. Tiếng thở dài của cô thể hiện thái độ buông xuôi, phó mặc cho số phận. "Bây giờ thì Mị tưởng mình cũng là con trâu, mình cũng là con ngựa...". Con trâu, con ngựa nhà giàu còn được nghỉ, mà cô không lúc nào ngớt việc.

Nhưng sự ê chề của kiếp sống nô lệ chưa dừng lại ở đó, Mị còn phải chịu sự cầm tù kéo dài về tinh thần. "Ở cái buồng Mị nằm, kín mít, có một chiếc của sổ, một lỗ vuông bằng bàn tay...". Cô sống vô cảm, chai lì, không còn ý thức về khổ đau, thời gian, tình yêu, khát vọng và cuộc sống. Đã bao năm rồi, Mị không biết đến mùa xuân, không đi chơi tết. Đó là cuộc sống chết về tinh thần, sống như một cái xác không hồn ở chốn địa ngục, trần gian. Mị cứ sống như thế, thân phận của cô con dâu gạt nợ không công, bị chà đạp về cả thể xác và tâm hồn.

Là con dâu trong nhà Thống lí Pá Tra bị đày đọa, bóc lột sức lao động, cầm tù về tinh thần nhưng từ sâu trong lòng Mị vẫn ấp ủ một ngọn lửa khát vọng sống, tự do, chỉ chờ cơ hội là trỗi dậy mạnh mẽ. Sức sống tiềm tàng của Mị được ví như một mầm cây xanh non, chỉ đợi cơn mưa đi ngang qua sẽ bung nở thành cái cây xanh tươi. Và cây đời đó đã thực sự nảy mầm trong đêm tình mùa xuân (để rồi bùng nổ sức sống khi cắt dây trói trong cho A Phủ trong đêm mùa đông)

Mùa xuân đến với Hồng Ngài. Một mùa xuân hiện ra với màu sắc, âm thanh: tiếng sáo, tiếng khèn,... Không khí nồng nàn, vui tươi như được tăng thêm bởi bữa rượu ngày Tết ở nhà Thống lí với tiếng chuông đánh ầm ĩ,.... Mùa xuân đến sớm, gió rét dữ dội, khung cảnh trước mặt vừa sôi động, vừa bình yên. Mị cảm nhận được mùa xuân đang về, nhưng những cảm nhận ấy vẫn mơ hồ. Mị nghe thấy tiếng sáo xa xa, những đêm tình mùa xuân đã tới. Đột nhiên, Mị nhẩm theo lời bài hát của người đang thổi. Sau bao nhiêu năm câm lặng, Mị đã cất lên những lời thì thầm mùa xuân đầu tiên.

"Ngày Tết, Mị cũng uống rượu. Mị lén lấy hũ rượu, cứ uống ực từng bát". Mị đang sống trong một trạng thái khác thường. Men rượu làm Mị lâng lâng, nhưng tâm hồn cô thì từ từ thức tỉnh. Cái cách uống rượu "ực từng bát" khiến ta nghĩ như thể Mị đang cố uống cạn những cay đắng, uất hận của phần đời đã qua. Hơi men rượu đưa tâm hồn Mị đi theo tiếng sáo, nó khiến cô nhớ lại những kỉ niệm đẹp thời con gái,... Người ta thường uống rượu để say, nhưng Mị uống rượu để nhớ. Nhớ lại quá khứ có nghĩa là Mị đã thoát ra khỏi tình trạng sống mà như đã chết. Mị thấy phơi phới trở lại, trong lòng vui sướng như những đêm Tết ngày trước. Mị nhận ra mình còn trẻ lắm và cô muốn đi chơi. Sức sống bấy lâu nay bị đè nén, giờ đây trỗi dậy mạnh mẽ, không gì ngăn nổi.

Xuất hiện trong tâm trí Mị đầu tiên là một ý nghĩ lạ lùng mà rất chân thật. "Nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này, Mị sẽ ăn cho chết ngay chứ không buồn nhớ lại nữa". Nghịch lý trên cho thấy khi niềm khao khát sống được khơi lên, nó sẽ trở thành một mãnh xung đột gay gắt với trạng thái vô nghĩa của thực tại. Mị đã ý thức được thực tại của mình. Đó là biểu hiện của lòng khát khao sống mãnh liệt.

Trong khi đó, tiếng sáo gọi bạn tình cứ thôi thúc, mời gọi. Tiếng sáo là biểu tượng về khát vọng tình yêu. Tiếng sáo được miêu tả song hành với diễn biến tâm trạng Mị. Nó chính là ngọn gió thổi bùng lên đốm lửa vẫn đang cháy âm ỉ trong lòng cô gái khao khát tình yêu. Tiếng sáo đầy ám ảnh đã nhập vào thế giới tâm hồn Mị. Giờ đây tâm hồn Mị đang rập rờn tiếng sáo.

Sức sống trỗi dậy trong tâm hồn Mị như những đợt sóng ào ạt. Hành động Mị vào phòng lấy mỡ thắp nến cho sáng có nghĩa là Mị đang soi sáng tâm hồn mình để tìm lối thoát. Con người đích thực trong Mị đã sống lại, hòa lẫn với con người thực tại khiến tâm hồn cô chập chờn bất định. Dường như không đếm xỉa gì đến những xiềng xích tàn bạo của nhà Thống lí Pá Tra, Mị hành động như một con người tự do theo suy nghĩ, cảm xúc của mình.

Giữa lúc khát vọng sống của Mị trỗi dậy mãnh liệt nhất thì cũng là lúc nó bị vùi dập phũ phàng nhất. A Sử đi chơi về, thấy Mị có ý định đi chơi xuân liền đánh Mị, trói đứng Mị vào cột nhà khiến cô không thể cúi, nghiêng đầu được. Sau đó thổi tắt ngọn đèn và đóng sầm cửa lại. Thằng a Sử nó muốn dìm Mị vào trong bóng tối, muốn dập tắt mong muốn hồi sinh của Mị. Thế nhưng, A Sử chỉ trói được thể xác của Mị, nhưng không trói được tâm hồn. "Mị vẫn nghe tiếng sáo đưa Mị đi theo những cuộc chơi, những đám chơi". Đến khi cô muốn "vùng bước đi" thì mới biết mình đang bị trói, tay chân đau nhức, Mị thổn thức nghĩ mình không bằng con ngựa. Nhưng vào khuya, cô lại quên ngay hiện tại và bồi hồi sống lại cùng tiếng sáo. Mị "lúc mê, lúc tỉnh". Những ký ức tươi đẹp, những đau đớn của hiện tại. Mị khóc mà nước mắt chẳng thể lau. Cứ thế đến hết đêm cho đến khi trời tang tảng sáng lúc nào cũng không biết. Mị bàng hoàng tỉnh và thấy im ắng, không biết có chuyện gì xảy ra nữa. Mị chợt nhớ lại câu chuyện mà người ta hay kể ở nhà Thống lí Pá Tra, ngày xưa có một người vợ chết vì bị chồng trói trong nhà ba ngày. Nghĩ thế, Mị sợ lắm. Cô còn thử cựa quậy xem mình còn sống hay đã chết. Đây là một trong những chi tiết thể hiện lòng ham sống mãnh liệt của người con gái này dù trong cảnh đói khổ, lay lắt, nhục nhã.

Tô Hoài đã đặt sự hồi sinh của Mị bên cạnh tình huống đầy bi kịch: khát vọng sống mãnh liệt và hiện thực phũ phàng, nhưng sức sống của Mị lại càng dữ dội hơn. Nhà văn muốn khẳng định con người có sức sống mãnh liệt cho dù bị đày dọa, dẫm đạp đến thế nào. Ở đoạn văn này, tác giả miêu tả hành động của Mị rất ít, nhưng người đọc vẫn bị cuốn hút bởi một con người đang từ cõi âm u mơ hồ trỗi dậy, có một sức sống tiềm tàng mà không một thế lực tàn ác nào vùi dập được. Không gian, thời gian, giọng kể chuyện của tác giả đều phù hợp với diễn biến phức tạp của tâm trạng Mị. Tô Hoài đã dẫn dắt người đọc dõi theo tâm trạng ấy, khi thiết tha bổi hổi, khi nghẹn ngào xót xa!

Thế rồi sau đêm mùa xuân, Mị thậm chí còn câm lặng hơn lúc trước, quay lại với cuộc sống đọa đầy của mình và chấp nhận nó như những điều bình thường. Chuyện sẽ không có gì khác nếu như đêm mùa đông đó không xảy ra. Quả thực, nói như nhà văn Tô Hoài, dẫu cho có đau đớn, nhục nhã thế nào, sức sống tiềm tàng của Mị vẫn luôn âm thầm trôi chảy, chị đợi cơ hội là bùng lên thành đám cháy lớn, giải phóng cho chính mình.

Mùa đông trên núi cao dài và lạnh, Mị chỉ có bếp lửa là người bạn duy nhất của mình. Mị có thói quen sưởi lửa hàng đêm dù rất nhiều lần thằng A Sử nó về nhìn thấy Mị sưởi lửa nó đã đạp Mị ngả dụi xuống đất. Nhưng Mị không bỏ được. Bếp lửa đối với người con gái này không chỉ là công cụ sưởi ấm mà quan trọng hơn đó còn là người bạn sưởi ấm tâm hồn của Mị trong những năm tháng đầy chai sạn. Đêm hôm đó, cũng nhờ bếp lửa, Mị nhìn thấy giọt nước mắt của A Phủ - Chàng trai gạt nợ cho nhà thống lý có thể ngày mai, ngày kia sẽ chết.

Chỉ vì đánh a Sử để bảo vệ thanh niên làng, A Phủ trở thành người làm gạt nợ không công cho nhà Thống lý để trả hết số nợ sau 1 vụ xử kiện đầy oan uổng. Từ khi đi ở trừ nợ cho nhà quan Thống lí Pá Tra, A Phủ làm "phăng phăng", việc gì cũng làm tốt cả. Nhưng sơ ý, vì mải mê bẫy nhím nên hổ đã bắt mất một con bò. A Phủ không trốn tránh trách nhiệm mà đã dũng cảm nhận lỗi và xin Pá Tra cho mượn súng để đi bắn hổ nhưng bị từ chối. Suốt mấy ngày đêm, anh bị cha con Thống lí trói đứng vào một cây cột trong góc nhà chờ chết. Nhưng cuộc sống của anh chưa hẳn đã dừng lại tại đây. A Phủ đã được Mị cắt dây cởi trói và cứu thoát.

Ban đầu chứng kiến cảnh A Phủ bị trói, Mị vẫn hoàn toàn vô cảm "thản nhiên ngồi thổi lửa, hơ tay". Bởi ở nhà Thống lý, việc người bị trói cho đến chết là chuyện xảy ra hàng ngày. Cộng thêm với việc bản thân Mị trong hoàn cảnh lúc bấy giờ cũng đã vô cảm, Mị quá khổ, nên không thể nào thấu được cho mỗi khổ của người khác. Nhưng vào một đêm Mị tỉnh dậy sưởi lửa, cô nhìn thấy một dòng nước mắt chảy trên má A Phủ. Đó là khoảnh khắc cô nhớ lại khi cô cũng bị trói đứng, nước mắt lăn xuống mà không thể nào lau đi. Từ thương mình, tới thương người, Mị cảm thấy thương A Phủ, cảm nhận được sự tàn ác của nhà Thống lí Pá Tra. "Trời ơi, nó bắt trói đứng người ta đến chết...". "Chúng nó thật độc ác...". "Người kia việc gì mà phải chết thế". Mị nhớ lại đời mình, lại tưởng tượng cảnh A Phủ tự trốn thoát. Nghĩ thế, "Mị cũng không thấy sợ....". Để rồi, cô dũng cảm cắt dây cởi trói cho A Phủ.

Hành động cầm dao cắt đứt dây mây đầy dứt khoát, thể hiện cho lòng ham sống của cô gái này đã thực sự bùng cháy thành ngọn lửa. Sau vài giây ngây người ra, Mị quyết định chạy theo A Phủ lao vào bóng tối. Kể từ đây, những áp chế về cường quyền, bạo quyền và thần quyền đều ở lại. Mị muốn được giải thoát. Hành động giải thoát cho người nhưng cũng chính là giải thoát cho mình. Diễn biến tâm trạng của nhân vật Mị quả thực rất đúng với nhận định của nhà văn Tô Hoài: "Nhưng điều kì diệu là dẫu trong cùng cực đến thế mọi thế lực của tội ác cũng không giết được sự sống con người. Lay lắt đói khổ, nhục nhã Mị vẫn sống, âm thầm, tiềm tàng, mãnh liệt."

Mị là một cô gái trẻ đẹp, bị đẩy vào hoàn cảnh bi đát, phải sống triền miên trong đau khổ khiến cô dần tê liệt. Nhưng trong Mị vẫn tiềm tàng về sức sống, nó đã thức dậy và giúp cô có hành động táo bạo giải thoát cho cuộc đời mình. Cô có đời sống nội tâm âm thầm nhưng mạnh mẽ. Trước những thế lực của tội ác: cường quyền, bạo quyền và ngay cả những áp chế về thần quyền, con người ta vẫn sẵn sàng bước qua, hướng tới sự tự do, giải phóng cho chính cuộc đời của mình.

(Giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật)

Qua việc miêu tả số phận và cuộc đời của nhân vật Mị, cách kể chuyện sinh động, hấp dẫn; ngôn ngữ hồn nhiên, giàu hình ảnh; nghệ thuật xây dựng nhân vật, phân tích tâm lý tinh tế, miêu tả phong tục tập quán đặc sắc... Nhà văn Tô Hoài đã làm sống lại quãng đời tăm tối, tủi cực của người dân miền núi Tây Bắc dưới ách thống trị dã man của bọn chúa đất, thực dân phong kiến. "Vợ chồng a Phủ" sẽ còn sống mãi trong trái tim độc giả như cách mà miền Tây và vẻ đẹp con người mảnh đất này đã sống mãi trong trái tim và tâm hồn của Tô Hoài nói riêng và người đọc nói chung.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top