24/6/2018 : Chút cảm xúc thi đại học
Au là thế hệ 9x. Au cũng đã trải qua kì thi mà người ta nói là quan trọng nhất đời người, đó là " kì thi trung học phổ thông quốc gia". Cho phép au xưng chị với các độc giả nhé vì bài viết này au viết chủ yếu muốn cho các bạn sẽ thi tham dự kì thi này. Và thời điểm này là thời điểm mà các mem 2k thi nè !!!
Năm ngoái chị thi sớm hơn các em vài ngày. Nếu là ngày này năm ngoái là chị đã thi xong rồi và cũng tự lên mạng tìm đáp án để đối chiếu rồi. Chị muốn nói một chút về quá trình lúc ôn thi cho tới lúc thi và sau lúc thi, nếu ai rảnh thì giành chút thời gian ra đọc nhé !!!
Chị bắt đầu có ý nghĩ học xa nhà và đặc biệt là ước muốn được vào Sài Gòn học từ năm chị học lớp 10. Ngày mới vào 10 chị theo học khối A ( toán lý hoá ) nhưng vì môn hoá lên cấp 3 chị không thể tiếp thu bài giảng của cô giáo nên chị đã chuyển qua A1 ( toán lý anh ). Thời điểm đó chị chỉ chơi mà không hề tập trung học. Hồi trước, cấp 2 chị là học sinh giỏi và cũng có thể nói là trong top học giỏi của lớp. Nhưng khi lên cấp 3 chị mải chơi và hùa theo những thứ bên ngoài như mải làm đẹp, mải chơi bời mà chẳng để tâm học hành. Kết quả là cuối năm lớp 10 chị bị học sinh tiên tiến lần đầu trong đời học sinh. Lúc đó chị lại chẳng thấy cảm xúc buồn gì cả. Lạ nhỉ ?? Ngược lại thì mẹ chị sốt ruột lắm, mẹ nói chị từ ngày lên cấp 3 đổ đốn chẳng học hành gì cả. Chị thấy mẹ buồn nên chị đã nói lên 11 con sẽ cố gắng. Kết quả là lên 11 điểm số của chị đã cao hơn. Tổng kết chị được 8,0 nhưng văn toán lại không đủ điều kiện nên chị vẫn bị tiên tiến. Chị buồn vì mình nói với mẹ mà lại không làm được. Nhưng mẹ chị lại không nói gì cả, chỉ bảo chị năm cuối cần cố gắng hơn nữa.
Hè lớp 11 lên 12 chị học như thiêu thân vậy. Chị đi học thêm toán, đi học thêm cả tiếng anh. Lí thì vào trong năm học chị mới bắt đầu đi học thêm. Lực học của chị tăng vọt lên chỉ sau 1-2 tháng hè. Các cụ có câu " có công mài sắt có ngày nên kim ". Chị nung nấu ý định thi đại học luật TP HCM. Thế nhưng mọi chuyện không hề thuận lợi, trong cái thời điểm then chốt, trong lúc mọi người bắt đầu ôn thi đại học thì chị nhận được tin bố nói cho đi du học Nhật. Thời điểm đó giữa học kì 1 lớp 12. Cả tháng hè chị đi học cuối cùng bố nói cho chị đi du học, chị thấy hơi tiếc nhưng vẫn vui vẻ đồng ý vì đơn giản là chị thích đi nước ngoài hơn là ở trong nước. Chị chểnh mảng việc học thêm các môn khác. Chị bỏ học thêm tiếng anh. Môn toán đi học lại chẳng để tâm. Học thêm lí đang được thầy đánh giá là làm bài nhanh thì nay lại chẳng chịu làm bài. Chị dồn toàn bộ thời gian để học tiếng Nhật. Nhưng rồi gần lúc chị chuẩn bị thi lấy bằng N5 thì mẹ nói chị xin nghỉ tiếng Nhật đi. Chị hỏi mẹ tại sao, mẹ nói nghỉ để tập trung ôn thi cuối kì 1 đã rồi học tiếng Nhật sau. Chị cũng đồng ý xin nghỉ để rồi mấy tháng học tiếng Nhật của chị đổ sông đổ bể.
Lúc đầu cứ nghĩ được đi du học nên chị tưởng chỉ cần học để tốt nghiệp là được. Chị học lơ mơ, chơi là chính, với tâm thế chỉ tốt nghiệp là đủ nên chẳng cần nhồi quá lượng kiến thức vào đầu làm gì cho mệt. Lúc đó chị thật sự cảm thấy rất thoải mái. Chị vui vì mình sắp được đến xứ sở hoa anh đào thơ mộng mà mình yêu thích, chị mơ tưởng tới cuộc sống của một du học sinh. Thậm chí chị còn suy tính tới con đường định cư ở bển. Nhưng cuối cùng vẫn là phải thi đại học. Một thời gian chểnh mảng khiến lượng kiến thức của chị bị hụt khá nhiều. Năm của chị lại là năm cải cách thi các môn bằng trắc nghiệm nên mọi thứ khá khó khăn. Tâm trạng chán nản làm chị chẳng muốn học nữa, cũng không muốn ôn thi luôn. Lúc đó chị như đứng giữa ngã ba đường vậy, không biết đi hướng nào. Du học thì không biết có đi được không, ôn thi đại học lại chẳng có chút hứng thú, mọi thứ lúc đó của chị chỉ là cái gì gói gọn trong hai từ " mông lung ".
Chị vẫn nghe theo mẹ đi ôn thi. Chị đến trung tâm học ôn lí và cố gắng nhét lượng kiến thức vào đầu. Học tiếng anh thì cô nói nhanh quá nhưng bù lại cô cho chép một lượng lý thuyết rất nhiều và nói là đi thi đại học sẽ có chúng nên cứ học kĩ công thức rồi lắp vào. Môn anh thì chị biết khả năng của mình tới đâu nên dù cố gắng bao nhiêu thì thật sự vẫn rất kém. Môn lí lúc đầu rất tốt nhưng vì chểnh mảng mà đến lúc sát nút lại hổng một lượng kiến thức rất khủng. Chị biết thi luật rất khó nên chị đã hi vọng vào toán và lí sẽ kéo tiếng anh lên. Nhưng rốt cuộc lí lại chẳng ra sao khiến chị thật mệt mỏi. Nói thế nào thì ngay từ đầu môn khá nhất của chị vẫn là toán và văn. Vậy nên chị quyết định sẽ viết hồ sơ đăng kí hai khối là A1 và D. Môn văn chị từng được cô giáo chủ nhiệm cấp 2 đánh giá là có năng khiếu nên chị cũng không đi ôn ở đâu cả. Từ trước tới nay thi văn chị luôn được từ 7 trở lên nên không mấy lo ngại môn văn. Nhưng toán với lí làm chị đau đầu không thôi. Trước lúc thi đại học một tháng, chị chuyển chỗ học thêm toán. Lúc đầu, chỗ học thêm toán của chị là do người quen giới thiệu. Thầy dạy trường chuyên nên dạy rất khá. Tuy nhiên lúc biết sẽ thi toán trắc nghiệm thì chị bắt đầu nản. Tại thầy dạy theo hướng làm tự luận, nếu với tốc độ làm như vậy sẽ không kịp làm 50 câu toán trắc nghiệm. Vậy nên chị đã đổi chỗ học thêm toán dù chỉ còn một tháng là thi. Chị tới chỗ mới, thầy rất trẻ, thầy cũng chẳng là giáo viên của trường nào hết, nhưng thầy có khả năng làm trắc nghiệm rất cao tay. Gọi là thầy chứ thật ra thầy xưng với học sinh là anh nên chị cũng gọi thầy là anh xưng em. Anh ấy dạy mọi người cách bấm máy tính từ bài dễ tới bài khó. Hầu hết các dạng bài khá phức tạp cũng được ảnh dùng mẹo máy tính mà ra hết. Về phần hình ảnh cũng có mẹo làm hình mấy bài khó luôn. Nói chung là chị rất hài lòng với cách giảng dạy này vì nó phục vụ rất tốt cho việc thi trắc nghiệm. Hôm học buổi cuối chị có hỏi anh là em thi đại học toán có được 8 điểm không anh. Anh ấy bảo mày chỉ tầm 7 hoặc 7,5 thôi, mày học anh sớm hơn thì khả năng 8 9 mới có. Chị ỉu xìu ra về và rất buồn vì môn lí chị cũng đã hoang mang lắm rồi, nay toán lại được có hơn 7, tiếng anh thì kém, làm sao mà đỗ luật đây???
Chị cũng hỏi thầy dạy lí một câu tương tự rằng em thi lí có nổi 7 không hả thầy? Thầy nói với chị là khả năng của em phải 8 9 chứ 7 thôi đã là gì. Nhưng mà dạo này em hơi chểnh mảng nên cố gắng nhé. Thầy rất tin tưởng vào khả năng của chị, nhưng chị biết bản thân mình không thể tới mức đó vì kiến thức của chị bị hổng rồi. Lúc đó chị chỉ biết hi vọng vào văn và toán ( tức là khối D ) còn lí chị chỉ 50-50 thôi.
Chị chọn tốt nghiệp bằng khoa học xã hội cho nhẹ đầu đỡ phải học hoá với sinh. Thầy chủ nhiệm thấy chị đăng kí khoa học xã hội thầy đã gọi chị nói chuyện riêng để khuyên chị nên theo tự nhiên. Mà tại cái đám bạn chị chơi thân đứa nào cũng xã hội, mà xã hội nhẹ hơn lại không phải học hoá nên chị mặc thầy khuyên cũng chẳng nghe.
Hai tháng hè ôn thi chị chỉ chơi là chính thôi. Lên lớp chị chẳng thèm học đâu, toàn làm đề ở bên ngoài rồi ngủ với nói chuyện với con bạn thân ngồi cạnh. Chị ôn thi mà tâm thế thoải mái lắm. Chị chỉ lo lắng khi đi học thêm ở bên ngoài thôi. Mà đúng ra là chị cũng chỉ chú tâm và có hứng khi học ở bên ngoài ý. Chị cứ nhởn nhơ vậy đó. Ngày qua ngày chị chỉ có chơi, tới lớp cũng chơi, lúc về mới bắt đầu chăm chỉ ôn luyện ở ngoài. Một tuần chị chỉ đi chơi vào chủ nhật, các ngày còn lại đều đi học đến tận 10h mới về. Cuộc sống học sinh cuối cấp của chị là vậy đó.
Thấm thoát thì cũng tới gần ngày thi đại học. Lúc mà được nghỉ ở nhà rồi, tức là còn mấy ngày cuối trước thi, chị mới bắt đầu ôn văn. Hồi ôn thi trên lớp cô cũng cho tài liệu về các tác phẩm văn học của lớp 12. Tại năm bọn chị là năm đầu cải cách nên bộ giáo dục nói kiến thức chỉ có lớp 12 thôi. Chị ôn văn theo kiểu đọc ý đọc luận điểm là chính. Tác phẩm này có bao nhiêu luận điểm rồi xem triển khai ý ra sao. Chị chỉ nhớ các ý chính, còn lối diễn đạt là do bản thân mình viết nên chị chỉ đọc qua để tham khảo thôi. Ngày cuối cùng ôn chị xem lại tổng thể từ toán cho tới lí tới văn và cả tiếng anh nữa. Cứ coi như bản thân tổng hợp lại tất cả sau quá trình dồi kinh mài sử thôi.
Đêm trước thi tâm trạng chị bình thường lắm. Chị chẳng lo lắng hay là suy nghĩ căng thẳng gì cả. Hồi trước thi cấp 3 chị lo ơi là lo ý, nhưng giờ thi đại học thấy bình thường. Tại xã hội bây giờ nó khác rồi, không phải chỉ có đại học mới là con đường duy nhất. Trong đầu chị cũng nghĩ là nếu không đỗ chị có thể sẽ lại được đi Nhật nên chị có tâm thế thoải mái lắm.
Đêm hôm ấy chị ngủ ngon luôn ý. Mà chắc là gần sáng thì tự nhiên chị mơ thấy bài văn chị làm trong phòng thi, vì sáng đầu tiên là thi văn mà. Chị mơ đoạn thơ chị trích ở cuối trang giấy, không nhìn được rõ câu thơ nhưng nhìn dạng thơ thì chị nghĩ nó là Đất Nước. Lúc chị tỉnh là 6h sáng rồi, phải chuẩn bị đi thi nên chị cũng không xem lại văn luôn. Hôm trước có ôn bài này rồi nên chị cũng an tâm. Kết quả là mơ gì trúng đó các bé ạ. Năm 99 thi văn vào Đất Nước. Với chị bài này không quá khó, vả lại nó là thơ nên mình chắt lọc câu chữ ra mà phân tích là được.
Môn toán thì đối với chị là dễ. Đề không quá khó đối với chung các thí sinh. Quan trọng là ai có kĩ thuật sẽ là được thôi. Hầu như là chị giành ra khoảng 10-15 phút đầu để bấm máy tính những câu dễ. Các câu phức tạp hơn thì chị dùng kiến thức phân tích rồi cũng bấm máy. Chỉ có hình là chị làm nháp cẩn thận. Nói chung đề toán với chị là "dễ ăn".
Tới môn lí thì chị hơi áp lực. Lúc đầu đọc đề chị bị đơ đơ xong chẳng nhớ một tí kiến thức nào ý. Xong cứ nhớ tới lúc thầy tin tưởng vào khả năng của mình như vậy mà giờ đến mấy câu lí thuyết đơn giản cũng quên. Thế là chị cố gắng bình tâm lại rồi làm bài. Nhưng vì mất chút thời gian đầu nên gần cuối giờ chị vẫn chưa tô đáp án vào tờ trắch nghiệm. Lúc giám thị thu bài chị làm cố xong bị doạ là đánh dấu bài thi nên chị hoảng quá tô bừa vào tờ trắc nghiệm rồi nộp bài.
Tới môn sinh và môn hoá thì do chẳng ôn gì nên chị lụi không à. Lụi bừa hết luôn ý. Nói chung hai môn này chị thi do đăng kí tổ hợp tự nhiên chứ thật ra là chả để làm gì cả.
Hôm sau nữa thi tổ hợp xã hội. Địa thì được cầm atlat nên cũng nhẹ nhàng. Sử đọc đề mà chị cũng như trên mây chả nhớ gì cả dù hai tháng hè ôn. Nói ôn cho oai chứ đi ôn xã hội toàn ngồi buôn với chơi thì làm sao mà vào đầu. Với cả chị chỉ thi để đủ điều kiện tốt nghiệp chứ chị làm gì có thi khối xã hội đâu mà lo. Môn giáo dục công dân là chị làm chắc chắn nhất. Tại chị theo luật nên chị thích môn này nhất. Năm 12, giáo dục công dân như kiểu luật á. Nó dạy mình các quyền của công dân, các nghĩa vụ mà mình phải làm, nói chung rất hay. Chị làm bài xong còn ngồi thảo luận đáp án với lũ bạn cơ. Mà kiểu hay lắm nha, hội chị chơi hầu như con gái toàn đứa tên Anh, mà còn kéo nhau tốt nghiệp bằng hai tổ hợp nên được xếp thi chung cụm mà chung phòng luôn. Thế là tha hồ mà thảo luận. Chẳng qua là môn phụ tốt nghiệp nên giám thị dễ tính với thí sinh thôi. Làm xong bài chị còn chắc chắn là chị đúng hết cơ, có nguy cơ 10 ý. Nhưng kết quả là chị chỉ được 9,5 thôi à.
Thi xong về nhà chị bắt đầu lo lắng soát đáp án. Tìm tòi lục lọi các đáp án trên mạng tra lấy tra để. Tra đáp án mà kiểu đáp án với bài mình làm không khớp, tính điểm ra toàn lẹt đẹt, thậm chí môn lí còn bị dưới trung bình. Chị bị khủng hoảng các em ạ. Sốc lắm luôn vào cái thời điểm đó. Nhưng chị chẳng khóc vì chưa có đáp án chính thức.
Lúc biết điểm chị đúng là rũ được gánh nặng luôn. Điểm của chị không quá thấp đâu, là do đáp án mạng sai đó. Hù hồn hú vía luôn. Thế rồi chị vẫn đăng kí thi luật TPHCM. Lúc đầu chị tưởng chị trượt mà ai ngờ là 13/6 chị nhận được tin nhắn báo chị đỗ đầu vào và 16/6 thi tiếp một kì nữa của trường. Thế là chị đang đi làm cũng xin về luôn. Cô chủ la chỗ người quen còn chúc mừng chị rồi hai cô cháu nói chuyện sướt mướt lắm luôn. Cô với chị tâm sự nhiều, tới tận 7h tối chị mới về nhà. Chị báo với gia đình ai nấy cũng sốc mà kiểu mừng lắm ý. Mẹ chị còn hỏi sao mày kêu mày trượt giờ mày lại báo đỗ rồi. Chị đưa tin nhắn cho mọi người đọc ai cũng vui. Nhưng bố mẹ chị bắt đầu suy nghĩ việc có cho chị học trong này không. Nói thật là chị ở ngoài bắc. Chị là gái thành phố Cảng đây. Ở ngoài đó không thiếu trường đại học, nhưng ở Hải Phòng trường lớn hầu như đào tạo các ngành về biển. Mà biển thì chị lại chẳng ham. Luật Hà Nội lại lấy cao quá, chị sức với không tới nên thi luật TPHCM. Mà hơn hết là chị thích Sài Gòn hơn nhiều. Nhưng cũng do đỗ rồi, chẳng nhẽ bỏ, thế là bố mẹ chị đồng ý cho chị đi. Bố mẹ mua vé máy bay gấp cho chị vô đây. Ngày 15/6 chị bay. 14/6 chị đi làm các giấy tờ cần thiết để cầm vào trong này. Chị đi gấp nên chẳng kịp chia tay bạn bè, cũng chẳng ăn liên hoan chia tay với họ hàng. Buổi tối cô chú chị có qua nhà chúc mừng rồi động viên cố gắng. Chị báo với đám bạn là chị đi mà đứa nào cũng ngạc nhiên. Toàn đứa hỏi sao đi sớm thế, mà sao nhanh thế, rồi không chia tay à. Mà gấp vậy sao kịp chia tay, chị hẹn ngày 15/6 ra sân bay Cát Bi tiễn chị. Mà đời thuở nhà ai 8h45 bay mà 8h chúng nó mới lò dò từ nhà đi. Lúc chúng nó tới chị vào phòng chờ rồi nên chẳng ra được, cũng không gặp được. Thế là mấy đứa gọi điện chúc may mắn. Nhất là con bạn thân chị, nó nói nhiều nhất, nói mà giờ chị chẳng nhớ gì luôn rồi ý.
Lên máy bay ngồi, tâm trạng chị phơi phới luôn. Chị nghĩ mình không được đi nước ngoài cũng không sao, mình được đến nơi mình thích. Mình được bay nhảy tự do, tới một trung tâm đô thị lớn nhất cả nước, nơi phát triển nhất đất nước, nơi có những con người sống thoáng hơn, và đặc biệt là không có quá nhiều việc tham nhũng tiền bạc. Chứ như ở Hải Phòng, muốn xin việc là phải mất rất nhiều tiền mới được. Chị ngán mấy cái cảnh đấy lắm. Với cả ở một nơi 18 năm quanh đi quẩn lại chỗ nào cũng biết nên chị thích tới nơi mới. Chị không nghĩ nhiều rằng xa nhà sẽ nhớ nhà hay là phải tự mình vật lộn mọi thứ. Chị chỉ háo hức và háo hức thôi.
Xuống sân bay cậu chị đón chị về nhà. Chị ở trong này với ông bà cậu và dì. Vì có người nhà nên chị cũng không lo khoản ở một mình. Hôm sau đi thi chị cũng chẳng lo lắng gì luôn. Đề cũng không quá khó nhưng nhiều câu nó lắc léo lắm. Luật mà nên mình phải phân tích kĩ lưỡng. Lúc có điểm chị được 19,75 cộng với điểm chuẩn của chị nữa rồi tính toán nhân chia sao đó mà chị trượt. Buồn lắm luôn, chị trượt thẳng luật luôn ấy. Rồi chị đăng kí các trường khác, nhưng chị không học luật nữa. Vì chị nghĩ học luật chỉ vào trường chuyên luật học mới tốt, chứ ra các trường khác mà học luật thì không nên. Rồi cuối cùng là chị theo học tài chính ngân hàng. Và kết quả là giờ chị là sinh viên của một trường đại học tại Sài Gòn.
Đó là cả quá trình trước thi, trong thi và sau thi của chị. Cả một chap dài chị chỉ muốn kể cho các em nghe về những gì chị đã trải qua, cho các em chút ít kinh nghiệm của bản thân thôi. Bây giờ chị có đôi lời muốn nói với các bé sẽ trải qua kì thi "quan trọng của cuộc đời"
Các bé ạ ! Đời người mỗi con người luôn có những con đường khác nhau và không ai chọn đi con đường nào giống ai cả. Người ta có câu "mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh". Cuộc đời, đôi khi chúng ta đứng giữa ngã ba đường hay thậm chí là ngã tư ngã năm...chúng ta vẫn phải đưa ra lựa chọn cho bản thân mình và mỗi lần lựa chọn chúng ta phải chấp nhận đánh đổi. Chị chọn học xa nhà thay vì học ở Hải Phòng hoặc Hà Nội như các bạn, chị đã đánh đổi nhiều thứ. Xa nhà sẽ rất buồn, rất cô đơn. Xa nhà chúng ta phải gồng mình chống chọi một mình với cái xã hội đầy những cạm bẫy. Ở cấp 3 có thể bạn bè các em ghét thì chửi, ghét thì cạch mặt nhau. Nhưng lên đại học hay ra ngoài đời đi làm, có ghét mấy các em cũng phải để trong lòng. Không phải ai cũng sống thật với mình, người ta tốt với mình trước mặt nhưng sau lưng đâm chọt lúc nào không hay. Người ta giúp đỡ mình nhưng chẳng thật lòng đâu vì người ta còn có những cái khác để lợi dụng mình nữa. Nhớ nhà chị chẳng thể về vì giá vé máy bay không rẻ. Nhớ nhà chị cũng không thể gọi cho mẹ than con mệt con tủi thân lắm. Đã chấp nhận tự lập là bản thân phải tự mình chống chọi tất cả.
Chị muốn dành lời khuyên tới các bé ! Dù sau này các em có đỗ trường đại học lớn danh tiếng, hay là không đỗ đại học, đi du học, học gần hay học xa, học cao đẳng hay trung cấp... thì các em hãy đặt ra mục tiêu và xác định con đường tương lai cho chính bản thân mình. Những người học đại học chưa chắc đã có thể ra oai vì sau này ra trường có việc làm hay không lại là chuyện khác. Những người không đỗ đại học cũng đừng tự ti với bản thân vì chúng ta có thể học cái khác hoặc đi học nghề và đi làm để tích luỹ kinh nghiệm cho bản thân. Tất nhiên không phải ai cũng như Bill Gates không học đại học cũng thành công rực rỡ. Nhưng bằng chứng xã hội bây giờ cho chúng ta thấy rằng dù học đại học bằng loại khá giỏi thì ra trường vẫn phải đi làm việc tay chân. Do hoàn cảnh mỗi con người, do nghị lực và do mục tiêu xác định hướng đi của mỗi con người mà chúng ta hình thành nên những cuộc đời khác nhau. Nhưng dù là sai hay đúng thì theo chị nó nằm ở khâu lựa chọn của mỗi chúng ta. Lựa chọn sai thì con đường đi sẽ sai, lựa chọn đúng ắt chúng ta gặp ánh hào quang chiếu toả.
Cuối cùng, chị hi vọng các bé hãy vững vàng, xác định mục tiêu cho bản thân và lựa chọn đúng đắn nhất. Cô giáo dạy văn của chị cũng từng nói "đại học không phải con đường thành công duy nhất". Chị thấy đúng và theo chị, "đại học chỉ là công cụ hữu hiệu giúp chúng ta có thêm kiến thức lí thuyết vững vàng" mà thôi. Lý thuyết cần đi đôi với thực hành, nếu chúng ta giỏi lí thuyết nhưng ra trường đi làm, kĩ năng sống không có, khả năng làm việc cũng không thì chị đảm bảo các em không thể thành công đâu. Dù là học gì làm gì, hãy tự tích luỹ kinh nghiệm, vốn sống và kĩ năng cho bản thân nhé. Quan trọng nhất là các em phải tự mình quyết định cuộc đời mình, phải tự đưa ra lựa chọn cho bản thân. Bố mẹ đôi khi chỉ hướng chúng ta tới một cái mong muốn của bố mẹ, trong mắt bố mẹ là tốt nhưng chưa chắc nó phù hợp với bản thân chúng ta. Đừng lung lay ý nghĩ và quyết định của bản thân là được.
Chúc các em mau chóng lựa chọn được con đường đúng đắn nhất, phù hợp nhất đối với bản thân. Đừng ai có quyết định vội vàng chóng vánh để rồi sau này nhìn lại thấy hối hận. Đơn giản vì "thời gian không đợi ai, qua đi rồi sẽ chẳng thể lấy lại" !!!
Tác giả : Đồng Linh Anh
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top