Thiên thứ ba
Hạnh kiểmtốt (La bonne conduite)
Sáu điểm về hạnh kiểm tốt do Đức Thầy bắt buộc phải có như dưới đây:
Một là: Tự chủ về cái trí (La maitrise de soi quant au mental)
Hai là: Tự chủ trong hành-động (La maitrise de soi dans l'action)
Ba là: Đức Khoan dung (La tolerance)
Bốn là: An phận (Le contentement)
Năm là: Nhứt tâm tiến thẳng một đường tới mục đích (L'unite de direction vers le but)
Sáu là: Lòng tin tưởng (La confiance)
(Tôi vẫn biết có vài điểm trong số các điểm trên đây được dịch nhiều cách khác nhau, cũng như tên các đức tánh cần yếu vậy; nhưng riêng tôi, tôi luôn luôn dùng các danh từ mà chính Đức Thầy đã dùng, trong lúc Ngài giải thích các điểm đó cho tôi nghe).
I.- Tự chủ về cái Trí(La Maitrise de soi quant au mental)
Hạnh dứt bỏ dạy phải làm chủ cái Vía; điểm một (trên đây) lại bắt buộc ta phải làm chủ cái Trí nữa. Làm chủ cái Vía có nghĩa là chủ trị cho được tánh hay nổi giận và nóng nẩy; còn làm chủ cái Trí là để cho tư tưởng được an tịnh và điềm tĩnh mãi mãi; và nhờ cái Trí trấn áp những dây thần kinh, ít bị khích động chừng nào tốt chừng nấy. Điểm nầy khó lắm, vì trong lúc con đang cố gắng chuẩn bị để bước vào Đường Đạo, con không thể ngăn cản bản thân con, không cho nó cảm giác hơn lúc trước được, thành thử thần kinh con dễ bị dao động bởi một âm thanh hoặc một sự đụng chạm, dây thần kinh này xúc động thắm thía, nhức nhối vô cùng khi bị chạm đến, dù hết sức nhẹ nhàng. Nhưng con phải cố gắng hết sức con để chịu đựng.
Cái Trí được an tịnh mới có lòng can đảm, để có thể đương đầu không nao núng với những sự thử thách và gian nan trên Đường Đạo; mới bền lòng chịu đựng dễ dàng những sự buồn phiền hằng ngày và những lo âu không ngớt về những việc nhỏ mọn, làm cho nhiều người mất gần hết ngày giờ. Đức Tôn-Sư dạy rằng mỗi người nên xem mọi việc xảy ra ở đời, như là: những sầu não, khó khăn, bệnh hoạn và những hao tổn mất mát hay là tử biệt sanh ly, đều không quan hệ, phải xem chúng như không, và đừng để chúng làm rối trí mình. Chúng là nghiệp quả tiền khiên, ta nên vui lòng lãnh lấy; khi chúng xảy đến, con nên nhớ rằng tất cả vật sự ở thế gian đều là giả tạm trong một lúc mà thôi, bổn phận của con phải luôn luôn vui vẻ và điềm nhiên mãi mãi. Bao nhiêu nỗi niềm đó thuộc về nhiều kiếp trước, do con gây nên, chớ không phải kiếp này; con không thể sửa đổi gì được, thế thì lo rầu cũng vô ích. Tốt hơn là con nên nghĩ đến những hành động trong kiếp này, chúng định đoạt những sự xảy ra trong kiếp tới của con, con có thể sửa đổi được ngay bây giờ.
Tuyệt nhiên con không nên sầu não và nản chí. Sự nản chí là điều tai hại, bởi vì nó truyền nhiễm, lây đến người khác, làm cho đời sống người khác trở nên rất khó khăn; con không phép làm điều đó. Mỗi khi thấy sự nản chí đưa đến, con phải xô đuổi nó cho xa. Con phải làm chủ tư-tưởng một cách khác nữa: con chớ để tư tưởng vởn vơ. Bất cứ làm việc gì, con cũng phải chú ý, để làm cho được hoàn ảo. Chẳng nên để trí con ở không; luôn luôn con phải có sẵn nhiều tư-tưởng tốt đẹp, sẵn sàng xuất hiện trong lúc cái trí ở không. Hằng ngày hãy dùng trí lực của con để trù liệu điều lành; con phải là một động lực mạnh mẽ hướng về sự tiến hoá. Mỗi ngày hãy nhớ tưởng một người nào đó mà con biết đang ở trong cơn sầu não hoặc đau khổ, hay cần được giúp đỡ; con hãy ban rải cho y những tư tưởng yêu đương.
Hãy tránh tư tưởng kiêu căng (phách lối, tự đắc, tự cao, tự tôn, tự đại), vì kiêu căng luôn luôn do sự dốt nát sanh ra. Người không sáng suốt tưởng mình là cao cả, lập được công cao nghiệp cả; bực hiền-nhơn hay là Thánh-nhơn hiểu rằng chỉ có Trời là cao cả mà thôi, và mọi việc lành đều do Trời.
II.- Tự chủ trong hành động(La Maitrise de soi dans l'action)
Khi nào tư tưởng của con được đúng đắn rồi thì con sẽ hành động rất dễ dàng. Nhưng con nên nhớ rằng muốn giúp đời thì tư tưởng (lành) phải biểu lộ thành hành động (tốt). Không làm biếng, phải hoạt động không ngừng để làm công việc hữu ích. Phải lo tròn bổn phận của con, chớ xen vào bổn phận của người khác, trừ khi họ cho phép con giúp đỡ họ. Hãy để mọi người làm việc theo cách thức riêng của họ, nếu họ cần đến con, con sẵn lòng giúp đỡ, nhưng tuyệt nhiên con chớ nên xen vào việc của người khác. Đối với nhiều người, điều khó trên đời là lo tròn công việc riêng của mình; mà thật vậy, đó chính là điều mà con phải làm. Chớ vì lẽ cố tu-tập làm thử một việc cao thượng mà khinh thường bổn phận hằng ngày của con, nếu mấy chuyện bổn phận hằng ngày này con lo không xong, thì con có rảnh đâu để lo chuyện khác. Đối với đời, con đừng lãnh thêm những nghĩa vụ nào mới cả mà hãy hoàn thành trách nhiệm con đang gánh vác. Thầy muốn nói những nhiệm vụ chính chắn và hữu-lý mà chính con đã nhìn nhận, chứ không phải nhiệm vụ tưởng tượng mà kẻ khác kiếm thế buộc con thi-hành. Để có thể nhập vào hàng đệ tử của Thầy một ngày kia, con phải làm công việc thường ngày giỏi hơn kẻ khác, chớ đừng tệ hơn, bởi vì nhơn danh Thầy nên con phải làm như thế.
III.- Đức khoan dung (La tolérance)
Con hãy có lượng khoan dung hoàn toàn đối với tất cả mọi người và hãy thật tình kính trọng tín ngưỡng của người khác như tín ngưỡng của con vậy. Bởi vì Tôn-giáo của họ, cũng như Tôn-giáo của con là một con đường đưa đến Đức Thượng Đế. Và muốn giúp tất cả chúng sanh, thì phải thông cảm với tất cả.
Nhưng muốn đạt được lượng khoan dung hoàn toàn, trước hết con hãy cởi bỏ cho được thói mê tín và dị đoan. Phải hiểu rằng không có sự lễ bái nào là cần thiết cả; nếu không hiểu thế, con sẽ lầm tưởng rằng (nhờ hành lễ chín chắn mà) con cao siêu hơn những người không biết hành lễ. Trái lại, cũng đừng chỉ trích những ai còn ưa thích lễ bái. Hãy để họ làm theo sở thích của họ: song họ cũng phải để con tự do, vì con là người đã hiểu chơn lý; họ không được cưỡng ép con lùi lại mức cũ mà con đã vượt qua. Con hãy bao dung và tử tế trong mọi việc.
Bây giờ mắt con đã sáng, con có thể cho rằng một vài tín ngưỡng, lễ bái ngày xưa dường như phi lý; có lẽ là phi lý thật sự đấy. Tuy nhiên dầu con không thể dự lễ nữa, con vẫn phải kính trọng các lễ bái đó, để tỏ lòng từ bi với những tâm hồn thật thà (chất-phác), họ còn cho những lễ bái là thực quan trọng. Các nghi lễ ấy có chỗ dùng và cũng hữu ích; nó giống như những gạch hàng đôi (của một tập đồ) đã giúp con hồi thuở bé để viết ngay hàng, đều khoảng, cho đến khi con viết giỏi và dễ dàng, không cần gạch hàng đôi đó nữa. Vào một thời buổi trước kia, con đã cần đến nghi lễ nhưng bây giờ thời ấy đã qua rồi.
Một Đấng Đại Giáo Chủ có viết câu này: "Thuở bé, tôi nói năng như một trẻ con, nghĩ ngợi như một trẻ con, lý luận như một trẻ con, nhưng lúc thành người lớn, tôi bỏ tư cách trẻ con." Nhưng mà ai đã quên buổi thơ ấu của mình, và mất thiện cảm với trẻ con, thì sẽ không thể dạy dỗ và giúp đỡ trẻ con được. Vậy hãy nhìn người đời với tấm lòng hiền lành (nhơn đức) dịu dàng bao dung, và hãy xem tất cả mọi người y như nhau, dầu họ thuộc về Phật-giáo, Ấn Độ giáo (Bà-la-môn giáo), Doanh giáo (Djainisme), Do Thái giáo, Cơ-Đốc giáo (Thiên-Chúa giáo) hay là Hồi-giáo cũng vậy.
IV.- An phận (Lecontentement)
Con phải vui lòng trả quả, dù nghiệp quả của con ra sao; phải nhận lãnh nỗi đau khổ như một điều vinh-hạnh, vì lẽ nó chứng-minh rằng các Đấng Cầm Cân Nhân Quả biết con xứng đáng, mới giúp con trả quả (đã tạo trong kiếp trước). Dầu nghiệp quả con nặng đến đâu, con cũng phải biết ơn các Ngài đã không bắt con trả nhiều hơn, quá sức con. Nên nhớ rằng con không giúp ích cho Thầy được nhiều, khi mà căn quả xấu của con chưa dứt và con chưa được rảnh rang về nghiệp quả. Lúc con hiến thân để phụng sự Thầy, con đã cầu xin nhồi quả cho con, đặng làm sao trong một hai kiếp, con trả sạch nghiệp quả của con, không vậy thì cả trăm kiếp con trả mới dứt. Nếu muốn lợi dụng cách trả quả báo ấy, con phải vui vẻ, bằng lòng nhận lãnh sự trả quả.
Còn một điều nữa: hãy diệt tất cả ý muốn có của sở hữu. Có thể nghiệp quả làm cho con mất những vật con quí chuộng hơn hết..., có thể mất những người mà con yêu quí nhất; dầu vậy đi nữa, con hãy sẵn sàng và vui lòng xa lìa bất cứ vật gì hay người nào quí nhất của con.
Đức Thầy thường dùng đệ-tử làm trung-gian để sang thần-lực cho những người khác; nếu đệ tử nản chí ngã lòng, thì Đức Thầy không làm việc ấy được. Như vậy, hạnh an-phận là quí luật phải tuân theo.
V.- Nhứt tâm tiến thẳngmột đường tới mục đích (Unité de direction vers le but)
Điều thứ nhứt mà con phải nhắm là làm công việc của Đức Thầy; dầu gặp việc nào khác, con cũng không được quên công việc đó. Thật ra, còn có việc gì khác nữa đâu, vì mọi công việc hữu ích và vô tư lợi đều là công việc của Đức Thầy, và con phải làm thế cho Đức Thầy.
Con phải chủ tâm vào phần việc của con làm, để làm hết sức mình. Đức Đại Giáo-Chủ nói trên cũng đã viết câu này: "Dầu làm việc gì, con cũng phải hết lòng như làm cho Đức Thượng-Đế, chớ chẳng phải làm cho người thế gian." Con hãy tự hỏi con phải làm công việc thế nào, nếu con biết rằng Thầy sẽ đến xem xét công việc ấy; vậy con phải nghĩ như thế để làm tròn công việc của con. Những người khôn ngoan (sáng suốt) sẽ hiểu rõ ý nghĩa của lời nói trên. Còn một câu khác cùng một nghĩa nhưng xưa hơn: Dầu tay con làm gì, con hết sức chú ý vào đó.
Nhứt tâm tiến thẳng một đường tới mục đích cũng có nghĩa là khi con bước vào đường Đạo rồi, thì không có việc chi làm cho con giây phút nào bỏ Đạo được. Chớ để những cám dỗ, những lạc thú ở đời, những luyến ái phàm tục làm cho con lầm đường lạc lối. Bởi vì con phải nhập một với Đạo; đã đến mức mà Đạo thành ra bản thể của con, con tiến bước trên đường Đạo không cần nghĩ ngợi gì khác và con cũng không thể nào bỏ Đạo được.
Con là Chơn Thần (một Thành phần của Đức Thượng-Đế), con đã chí nguyện rằng: nếu con bỏ Đạo tức là con tự lìa bỏ con vậy.
VI.- Lòng tin tưởng (Lacofiance)
Con phải có lòng tin-tưởng Tôn-Sư con; mà phải tự tin nơi con nữa. Nếu con được thấy hay gặp Đức Thầy rồi, thì dầu đầu thai bao nhiêu kiếp con cũng tuyệt đối tin tưởng nơi Ngài luôn luôn. Nếu con chưa được thấy Đức Thầy thì con hãy cố gắng tưởng niệm Ngài và tin cậy nơi Ngài, bằng không vậy, dầu là Thượng-Đế cũng không thể nào giúp con được. Không tin cậy hoàn toàn thì từ ái của Ngài, thần lực của Ngài không thể truyền sang đầy đủ cho con được.
Con phải tự tin nữa. Con nói rằng con quá biết con (còn nhiều tật xấu) nên con không có lòng tự tin. Nếu đó là quan niệm của con, thì con chưa biết con đâu; con chỉ biết cái vỏ ngoài của con thôi, nó thường lem luốt, bợn nhơ. Còn cái Chơn-Thần (Linh-Hồn) của con – là điểm Linh Quang của Đức Thượng-Đế mà Thượng-Đế là Đấng Toàn- Năng đang ngự nơi con; vì lẽ đó, không có điều gì mà con làm không được, nếu con quyết chí. Con hãy tự bảo như vầy: "Điều gì có người đã làm được rồi, thì người khác cũng sẽ làm được. Tôi là người, mà tôi cũng là Thượng-Đế, Ngài ngự nơi tôi, tôi có thể làm được những điều mà tôi quyết chí làm". Bởi vậy chí quyết của con phải cứng rắng như thép đã trui, nếu con muốn bước vào đường Đạo.
Không thể sửa đổi được, vì ta không thể dời một ngôi sao xấu đi nơi khác được, vì ngôi sao xấu ấy là định mạng của ta. Đúng ngày giờ nào ta gặp lại sao xấu ấy, ta phải chịu ảnh hưởng xấu của nó.
Doanh giáo là một tôn giáo rất khắc kỷ (nghiêm khắc với mình và chủ trương bất bạo động) tại Ấn-Độ.
Giúp ích cho Thầy tức là phụng sự Thiên Cơ.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top