Một tí tâm sự
Học. Học nữa. Học mãi
Đúng. Ta cần phải học, học nhiều là đằng khác. Nhiều không có nghĩa bạn tự dồn ép bản thân vào những đống bài vở ngập đầu để rồi đọc xong chỉ thấy đầu óc trống rỗng. Học một cách khoa học và học theo cảm hứng, thường thì người trẻ hay làm vậy. Tỉ lệ thành công giữa các phương pháp học khác nhau liệu có sự chênh lệch lớn? Đó là tuỳ vào mỗi người và tuỳ vào cách vận dụng. Việc học không có nghĩa lúc nào cũng phải máy móc, tính toán chi li. Học là mở mang, tiếp thu để áp dụng, phát triển. Đừng hiểu sai việc học vì nó rất quan trọng. Cái gì cũng có mặt tốt và mặt xấu. Chủ yếu là chúng ta có nhìn ra được những điều tích cực và tiêu cực để phát huy và sửa đổi hay không.
Học sinh nhồi đến 13,14 môn một tuần; từ thứ 2 đến thứ 6 luôn kín lịch đến trường, đến lớp học thêm rồi lại uể oải về nhà vào lúc 9,10 giờ đêm. Thật cực khổ phải không? Vì tôi dốt môn này, tôi dở môn kia, tôi cần phải bằng bạn bằng bè và làm cha mẹ hãnh diện,... nên tôi cần phải học nhiều gấp đôi người khác.Hẳn là những lí do chính đáng đấy chứ! Lí do ấy đồng nghĩa với động lực để ta càng học thêm cao nữa. Hay lí do ấy lại là sự thúc ép? Thật nực cười làm sao vì tôi đang phản biện lại chính ý kiến của mình. Một ví dụ nho nhỏ của sự 2 mặt trong cuộc sống là đây. Thật ra, từ lúc đầu khi tự nhận thức được mình yếu kém ở một phương diện nào đó thì tự bản thân đã biết tìm cách phấn đấu hơn. Chúng ta cứ từng bước chậm chạp cố gắng cải thiện vì ta chưa quen với việc này mà! Với lại, mới đầu thì ai chả lười biếng. Không phải ai cũng trở nên siêu giỏi nhanh chóng trong một môn học mà mình vốn dở từ đầu. Có thể việc này cần đến 1 tháng, 6 tháng hoặc thậm chí là 2 năm để học khá trong bộ môn mình siêu dở và siêu ghét. Chỉ là khá hơn thôi nhé, chưa phải giỏi đâu. Nhưng bạn biết gì không? Bạn đã nỗ lực rồi! Hôm nay bạn chưa làm được bài toán này nhưng tuần sau, tháng sau bạn đã làm được thì phải nói bạn rất giỏi! Dù bạn có bị 5 điểm kiểm tra nhưng hôm khác được 7 điểm, đó chẳng phải là sự thành công sao? Cứ tưởng tượng như bạn đang cố múc cạn một bãi biển thì mỗi ngày bạn phải múc một lượng vừa đủ thì lâu dần sẽ cạn hết nước. Bạn không thể nào mang tàu ngầm đại bự để hút hết nước biển được. Giả sử nước biển rồi có ngày sẽ cạn nhưng phải sau hàng trăm, hàng triệu lần cố gắng thì nước mới biến mất hoàn toàn. Nhưng thực tế nước biển chẳng bao giờ cạn. Bạn có múc đến mấy thì nước vẫn tồn tại nhưng ít hơn. Cũng giống như việc học, nỗ lực trong một môn nào đó không có nghĩa bạn phải giỏi môn đó hoàn toàn. Ai cũng có điểm yếu và điểm mạnh riêng nên đừng cảm thấy mặc cảm.
Tất cả mọi người đều biết loài người không hề hoàn hảo. Chúng ta không phải những bộ óc suốt ngày đạt được điểm 9, điểm 10 hay cột A, A+,... Nếu ai cũng giỏi thì cần gì phải học nữa? Trong cuộc đời của một đứa dốt toán như tôi, điểm 6 là đã mừng lắm rồi. Thú thật, tôi chả cần giỏi môn toán như thần thánh làm gì vì tôi có đam mê khác. Chẳng phải ta đã tập trung quá nhiều vào những mặt tối và quên nhận ra ta vốn có nhiều ưu điểm mà người khác chưa có được hay sao? Xã hội đã hiện đại hoá hơn rất nhiều rồi. Không chỉ môn toán-lí-hoá là được xem trọng hàng đầu nữa. Tất cả các môn đều cần được cân bằng và trung hoà. Ngày xưa người ta xem trọng những môn ấy vì nó nghiêng về sự tính toán, mang tính thực tế hơn so với môn văn, sinh, âm nhạc,... Cũng vì ngày xưa nhiều nhà khoa học, tiến sĩ chiếm ưu thế hơn và được xem trọng cực kì. Nhưng ngày nay nhiều ngành nghề ra đời, yêu cầu con người phát triển các yếu tố khác nhau thì những môn trên cũng chỉ là phần phụ. Tôi thấy nhiều bạn có khiếu vẽ, hát hoặc nhảy rất hay nhưng lại đánh mất tài năng ấy vì bị gò bó vào những môn học chán ngắt. Tôi không nói các bạn phải lơ là việc học đến mức tệ để theo đuổi đam mê. Người học bình thường nhưng có nét nổi trội riêng vẫn là người thành công trong lĩnh vực của riêng họ.
Vấn đề như "con nhà người ta" luôn được nhắc đến muôn đời thì không cần phải nói nhiều ở đây. Tôi cũng mệt mỏi với vấn đề này nhiều lắm chứ! Nhiều lúc đi học về mệt rã rời, bài kiểm tra được 9 điểm khoe với bố mẹ chưa kịp mừng đã phải nghe thuyết giáo dài dằng dặc. Nhiều phụ huynh cứ nghĩ đem con mình ra so sánh là hay. Bố mẹ hay bảo so sánh là để tôi biết phấn đấu, nên người, nhìn vào người ta mà học tập. Thật sự việc này không hiệu quả một chút nào! Tôi chỉ cảm thấy tủi thân, tự ti và bực tức hơn thôi. Chắc phụ huynh không biết rằng càng so sánh, con mình càng chai lì đến mức chẳng quan tâm nữa. Một người bạn của tôi vì bị so sánh quá nhiều đã bảo bố mẹ bạn ấy rằng hãy nhận cái bạn học giỏi nào đấy làm con luôn đi. Mãi sau này, bố mẹ bạn phát hiện ra con mình có dấu hiệu trầm cảm và học hành càng giảm sút thì mới hối hận. Nên là làm ơn, đừng so sánh một cách thái quá nữa. Tôi không phải là bản sao của ai khác và chính tôi không muốn thế. Người ta giỏi thì mình công nhận và học theo nhưng "mình" không phải "người ta". Đứa con thường học theo bố mẹ chúng. Vậy so sánh con mình thấp kém hơn người khác đồng nghĩa với việc hạ thấp giá trị của con và tự nói mình là bậc cha mẹ không tốt vì đã không biết cách giáo dục con cho giỏi bằng con người ta à?
Đừng đổ bệnh vì học. Không cần phải thức đến 1 giờ sáng để học rồi lại dậy lúc 5 giờ sáng học tiếp. Sức khoẻ bạn vứt ở đâu? Tôi biết bài vở có nhiều thật và nghĩa vụ của các bạn phải hoàn thành hết. Chẳng lẽ quay sang trách móc thầy cô? Trách cả bộ giáo dục? Hay là trách bản thân quá ngu dốt không làm được bài tập để rồi bệnh nặng thêm? Nhiều học sinh lâm bệnh vì học quá độ nhưng liệu mấy ai tin. Còn những cô cậu nào giả bệnh vì học thì tôi chịu thua. Chính các bạn đã hại những người bỏ ra công sức cật lực để học.
Đừng áp lực vì học. Nhưng mà... Học thì lúc nào chẳng bị áp lực? Không ít cũng nhiều, ai ai cũng gặp khó khăn khiến ta cảm thấy việc học trở nên quá kinh khủng. Như kiểu đầu óc sắp nổ tung, các dây thần kinh phải hoạt động hết công sức để tìm ra giải pháp. Nghe tôi này, áp lực là một phần của việc học và bạn không thể loại bỏ nó được. Đừng lầm tưởng những người giỏi thì học dễ dàng, họ cũng có cái khổ riêng mặc dù nhìn người ta lúc nào cũng bình thản đến lạ. Áp lực có thể dẫn đến tự sát. Mà chết vì học thì thật quá vớ vẩn và không đáng! Cuộc đời có thất bại, có suôn sẻ từ những trải nghiệm khác nhau. Không nên nghĩ quẩn chỉ vì hôm nay bị điểm kém kiểm tra. Vì một con điểm mà bỏ hết tất cả, chẳng phải là bỏ luôn cả tương lai mặc dù ta hoàn toàn có thể sửa chữa được?
Lạc quan lên. Ai cũng khổ cả. Đừng cảm thấy mình là nỗi thất bại. Việc học còn kéo dài mãi cơ, có khi là suốt đời đấy. Bình tĩnh đi, bạn sẽ làm được. Mặc dù những lời khuyên nhủ và phân tích này chẳng giúp ích gì mấy nhưng bạn nên biết không chỉ có bạn, mà hàng vạn người ngoài kia (bao gồm cả tôi) cũng phải đương đầu với cái mớ hỗn độn này.
Khi nào quá mệt mỏi, hãy rủa thầm một tiếng. Hãy nhớ: học cho mình và học để sống tốt hơn. Nếu có thể, hãy cố gắng yêu việc học và tìm niềm vui xung quanh nó. Rồi bạn sẽ ổn thôi, yên tâm.
Chắc chắn.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top