hoạt động thanh toán
NGHỊ ĐỊNH
CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 64/2001/NĐ-CP NGÀY 20 THÁNG 9 NĂM 2001
VỀ HOẠT ĐỘNG THANH TOÁN QUA CÁC TỔ CHỨC
CUNG ỨNG DỊCH VỤ THANH TOÁN
NGHỊ ĐỊNH:
CHƯƠNG I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Đối tượng, phạm vi áp dụng
1. Nghị định này quy định về hoạt động thanh toán qua các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, bao gồm:
a) Mở tài khoản, thực hiện dịch vụ thanh toán, tổ chức và tham gia các hệ thống thanh toán của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán;
b) Mở tài khoản, sử dụng dịch vụ thanh toán của người sử dụng dịch vụ thanh toán.
2. Nghị định này áp dụng cho các hoạt động thanh toán trong nước và quốc tế qua các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam. Mọi hoạt động thanh toán qua các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phải tuân thủ các quy định của Nghị định này và pháp luật khác có liên quan.
Điều 2. Quản lý Nhà nước về hoạt động thanh toán
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện chức năng quản lý Nhà nước trong hoạt động thanh toán qua các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán :
1. Nghiên cứu, đề xuất chính sách khuyến khích mở rộng và phát triển thanh toán không dùng tiền mặt.
2. Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về thanh toán theo thẩm quyền.
3. Cấp phép, đình chỉ hoạt động thanh toán đối với các tổ chức tín dụng và các tổ chức khác.
4. Kiểm tra, thanh tra và xử lý theo thẩm quyền đối với các hành vi vi phạm pháp luật của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và người sử dụng dịch vụ thanh toán.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau :
1. Hoạt động thanh toán là việc mở tài khoản, thực hiện dịch vụ thanh toán, tổ chức và tham gia các hệ thống thanh toán của các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và việc mở tài khoản, sử dụng dịch vụ thanh toán của người sử dụng dịch vụ thanh toán.
2. Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (dưới đây gọi là Ngân hàng Nhà nước), ngân hàng, tổ chức khác được làm dịch vụ thanh toán.
3. Người sử dụng dịch vụ thanh toán là tổ chức, cá nhân thực hiện giao dịch thanh toán qua các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.
4. Giao dịch thanh toán là việc thực hiện nghĩa vụ trả tiền hoặc chuyển tiền giữa tổ chức, cá nhân.
5. Dịch vụ thanh toán là việc cung ứng phương tiện thanh toán, thực hiện giao dịch thanh toán trong nước và quốc tế, thực hiện thu hộ, chi hộ và các loại dịch vụ khác do Ngân hàng Nhà nước quy định của các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán theo yêu cầu của người sử dụng dịch vụ thanh toán.
6. Tổ chức khác được làm dịch vụ thanh toán là tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thực hiện một hoặc một số dịch vụ thanh toán.
7. Phương tiện thanh toán là tiền mặt và các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt được sử dụng nhằm thực hiện giao dịch thanh toán.
8. Tài khoản thanh toán là tài khoản do người sử dụng dịch vụ thanh toán mở tại các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán để thực hiện giao dịch thanh toán theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
9. Chủ tài khoản là người đứng tên mở tài khoản. Đối với tài khoản của cá nhân, chủ tài khoản là cá nhân đứng tên mở tài khoản. Đối với tài khoản của tổ chức, chủ tài khoản là người đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền của tổ chức mở tài khoản.
10. Đồng chủ tài khoản là hai hay nhiều người cùng đứng tên mở tài khoản.
11. Lệnh thanh toán là lệnh của chủ tài khoản đối với tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán dưới hình thức chứng từ giấy, chứng từ điện tử hoặc các hình thức khác theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để yêu cầu tổ chức đó thực hiện giao dịch thanh toán.
12. Thấu chi là việc người sử dụng dịch vụ thanh toán chi vượt số tiền mình có trên tài khoản thanh toán khi sử dụng dịch vụ thanh toán.
Điều 4. Áp dụng điều ước quốc tế, tập quán quốc tế trong hoạt động thanh toán với nước ngoài
1. Trong hoạt động thanh toán quốc tế, trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác với quy định trong Nghị định này, thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.
2. Các bên tham gia hoạt động thanh toán quốc tế có thể thoả thuận áp dụng tập quán quốc tế nếu tập quán đó không trái pháp luật nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
CHƯƠNG II
MỞ VÀ SỬ DỤNG TÀI KHOẢN THANH TOÁN
Điều 5. Mở tài khoản thanh toán
1. Ngân hàng Nhà nước mở tài khoản thanh toán cho các tổ chức tín dụng trong nước, các tổ chức khác được làm dịch vụ thanh toán và các ngân hàng nước ngoài, tổ chức tiền tệ, ngân hàng quốc tế.
Ngân hàng Nhà nước được mở tài khoản thanh toán tại các ngân hàng nước ngoài, tổ chức tiền tệ, ngân hàng quốc tế.
2. Các tổ chức tín dụng là ngân hàng mở tài khoản thanh toán cho các tổ chức tín dụng khác, tổ chức khác và cá nhân. Ngân hàng thương mại nhà nước mở tài khoản thanh toán cho Kho bạc Nhà nước ở huyện, thị xã không phải là tỉnh lỵ.
Tổ chức tín dụng mở tài khoản thanh toán tại Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng. Tổ chức tín dụng là ngân hàng được mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng nước ngoài khi được Ngân hàng Nhà nước cho phép thực hiện dịch vụ thanh toán quốc tế.
3. Kho bạc Nhà nước mở tài khoản thanh toán tại Ngân hàng Nhà nước. ở huyện, thị xã không phải là tỉnh lỵ, Kho bạc Nhà nước mở tài khoản thanh toán tại một ngân hàng thương mại nhà nước.
4. Các tổ chức khác được làm dịch vụ thanh toán mở tài khoản thanh toán cho người sử dụng dịch vụ thanh toán theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
5. Người sử dụng dịch vụ thanh toán có quyền chọn ngân hàng và các tổ chức khác được làm dịch vụ thanh toán để mở tài khoản thanh toán, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Điều 6. Sử dụng tài khoản và uỷ quyền sử dụng tài khoản
1. Chủ tài khoản có quyền sử dụng số tiền trên tài khoản thanh toán thông qua các lệnh thanh toán phù hợp với quy định của Ngân hàng Nhà nước và pháp luật khác có liên quan.
2. Chủ tài khoản có nghĩa vụ tuân thủ các quy định của Nghị định này và pháp luật khác có liên quan trong việc sử dụng tài khoản thanh toán.
3. Chủ tài khoản được ủy quyền cho người khác bằng văn bản sử dụng tài khoản theo quy định của pháp luật. Người được uỷ quyền có quyền hạn và nghĩa vụ như chủ tài khoản trong phạm vi được uỷ quyền và không được ủy quyền lại cho người thứ ba.
Điều 7. Sử dụng và ủy quyền sử dụng tài khoản của đồng chủ tài khoản
Ngoài các quy định tại Điều 6 trên đây, việc sử dụng tài khoản và ủy quyền sử dụng tài khoản của đồng chủ tài khoản còn phải tuân theo các quy định sau :
1. Mọi giao dịch thanh toán trên tài khoản chỉ được thực hiện khi có sự chấp thuận của tất cả những người là đồng chủ tài khoản.
2. Đồng chủ tài khoản được ủy quyền cho người khác sử dụng tài khoản trong phạm vi quyền và nghĩa vụ của mình. Việc ủy quyền phải được lập thành văn bản theo quy định của pháp luật.
3. Trường hợp một đồng chủ tài khoản bị chết, bị tuyên bố mất tích hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì quyền sử dụng tài khoản và nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng tài khoản của người đó được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Điều 8. Tài khoản thanh toán, điều kiện, thủ tục mở và sử dụng tài khoản thanh toán
Loại tài khoản thanh toán, tính chất tài khoản thanh toán, điều kiện, thủ tục mở và sử dụng tài khoản thanh toán do tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán quy định phù hợp với quy định của Ngân hàng Nhà nước và các quy định khác có liên quan của pháp luật.
Điều 9. Phong toả tài khoản
1. Tài khoản thanh toán bị phong toả một phần hoặc toàn bộ số tiền có trên tài khoản trong các trường hợp sau :
a) Khi có thoả thuận giữa chủ tài khoản và tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán;
b) Khi có quyết định hoặc yêu cầu bằng văn bản của người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;
c) Các trường hợp khác do pháp luật quy định;
2. Việc phong toả tài khoản thanh toán chấm dứt khi :
a) Kết thúc thời hạn thoả thuận phong toả tài khoản giữa chủ tài khoản và tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán;
b) Người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật ra quyết định hoặc yêu cầu chấm dứt việc phong toả;
c) Theo quy định của pháp luật.
Điều 10. Đóng tài khoản
1. Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán đóng tài khoản thanh toán trong các trường hợp sau :
a) Khi chủ tài khoản yêu cầu;
b) Khi cá nhân có tài khoản bị chết, mất tích hoặc mất năng lực hành vi dân sự;
c) Khi tổ chức có tài khoản chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật.
2. Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán được quyền quyết định việc đóng tài khoản khi chủ tài khoản vi phạm pháp luật trong thanh toán hoặc vi phạm thoả thuận với tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán; hoặc khi tài khoản có số dư thấp và không hoạt động trong thời hạn nhất định theo quy định của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.
3. Sau khi tài khoản được đóng, số dư còn lại trên tài khoản được xử lý như sau :
a) Chi trả theo yêu cầu của chủ tài khoản hoặc người được thừa kế, đại diện thừa kế trong trường hợp chủ tài khoản là cá nhân chết hoặc người giám hộ trong trường hợp chủ tài khoản là cá nhân mất năng lực hành vi dân sự;
b) Chi trả theo quyết định của toà án;
c) Quản lý theo quy định của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán đối với trường hợp tài khoản bị đóng theo quy định tại khoản 2 Điều này mà chủ tài khoản, người được thừa kế, đại diện thừa kế hoặc người giám hộ không nhận lại số tiền còn lại trên tài khoản sau khi tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán đã thông báo về việc đóng tài khoản bằng văn bản cho chủ tài khoản, người được thừa kế, đại diện thừa kế hoặc người giám hộ biết.
CHƯƠNG III
SỬ DỤNG VÀ THỰC HIỆN DỊCH VỤ THANH TOÁN
Điều 11. Dịch vụ thanh toán
1. Các dịch vụ thanh toán bao gồm :
a) Cung ứng phương tiện thanh toán;
b) Dịch vụ thanh toán trong nước;
c) Dịch vụ thanh toán quốc tế;
d) Dịch vụ thu hộ, chi hộ;
đ) Dịch vụ thanh toán khác do Ngân hàng Nhà nước quy định.
2. Các dịch vụ thanh toán thực hiện theo quy định sau :
a) Ngân hàng Nhà nước được thực hiện toàn bộ các dịch vụ thanh toán tại khoản 1 Điều này cho các tổ chức tín dụng trong nước, các tổ chức khác được làm dịch vụ thanh toán và ngân hàng nước ngoài, tổ chức tiền tệ, ngân hàng quốc tế;
b) Ngân hàng được thực hiện các dịch vụ thanh toán sau đây :
- Thực hiện dịch vụ thanh toán quy định tại các điểm a, b, d khoản 1 Điều này cho các tổ chức tín dụng khác, tổ chức và cá nhân;
- Thực hiện dịch vụ thanh toán quy định tại điểm c khoản 1 Điều này cho các tổ chức tín dụng khác, tổ chức và cá nhân nếu được Ngân hàng Nhà nước cho phép;
- Thực hiện dịch vụ thanh toán khác quy định tại điểm đ khoản 1 Điều này theo quy định của Ngân hàng Nhà nước;
c) Các tổ chức khác được Ngân hàng Nhà nước cho phép thực hiện một hoặc một số dịch vụ thanh toán quy định tại khoản 1 Điều này cho các tổ chức, cá nhân nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây :
- Việc thực hiện dịch vụ thanh toán là cần thiết và có liên quan chặt chẽ với hoạt động chính;
- Đáp ứng các điều kiện vật chất phù hợp với yêu cầu của việc thực hiện dịch vụ thanh toán;
- Có đội ngũ cán bộ am hiểu về hoạt động thanh toán.
Điều 12. Phương tiện thanh toán
Các phương tiện thanh toán bao gồm :
a) Tiền mặt;
b) Séc;
c) Lệnh chi hoặc ủy nhiệm chi;
d) ủy nhiệm thu;
đ) Thẻ ngân hàng;
e) Các phương tiện thanh toán khác theo quy định của pháp luật.
Điều 13. Cung ứng tiền mặt
Các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán có nghĩa vụ đáp ứng đầy đủ, kịp thời các yêu cầu gửi và rút tiền mặt của người sử dụng dịch vụ thanh toán phù hợp với quy định của pháp luật.
Điều 14. Sử dụng dịch vụ thanh toán
Người sử dụng dịch vụ thanh toán được lựa chọn và sử dụng các dịch vụ thanh toán do tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán cung cấp phù hợp với quy định của pháp luật.
Điều 15. Đảm bảo khả năng thanh toán
Người sử dụng dịch vụ thanh toán phải bảo đảm có đủ tiền trên tài khoản thanh toán để thực hiện lệnh thanh toán mà mình đã lập, trừ trường hợp có thoả thuận thấu chi với tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.
Điều 16. Thực hiện lệnh thanh toán
Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán có nghĩa vụ thực hiện đầy đủ, kịp thời lệnh thanh toán của người sử dụng dịch vụ thanh toán phù hợp với quy định hoặc thoả thuận của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán đối với người sử dụng dịch vụ thanh toán nhưng không trái pháp luật.
Điều17. Phí dịch vụ thanh toán
Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán được quyền thu phí của người sử dụng dịch vụ thanh toán. Mức phí dịch vụ thanh toán do tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán quy định và niêm yết công khai.
Điều 18. Bồi thường thiệt hại
Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, người sử dụng dịch vụ thanh toán có trách nhiệm bồi thường thiệt hại nếu gây thiệt hại cho bên liên quan do vi phạm quy định hoặc thoả thuận giữa tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và người sử dụng dịch vụ thanh toán.
Điều 19. Giải quyết tranh chấp
Trường hợp có tranh chấp giữa người sử dụng dịch vụ thanh toán và tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trước tiên các bên liên quan cần giải quyết tranh chấp bằng thoả thuận. Trường hợp tranh chấp không giải quyết được bằng thoả thuận, việc giải quyết tranh chấp thực hiện theo quy định của pháp luật.
Điều 20. Đảm bảo an toàn trong thanh toán
Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán được quy định các biện pháp đảm bảo an toàn trong hoạt động thanh toán. Người sử dụng dịch vụ thanh toán có nghĩa vụ tuân thủ các biện pháp đảm bảo an toàn trong thanh toán do tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán quy định.
CHƯƠNG IV
TỔ CHỨC VÀ THAM GIA CÁC HỆ THỐNG THANH TOÁN
Điều 21. Tổ chức hệ thống thanh toán nội bộ
1. Ngân hàng được tổ chức hệ thống thanh toán nội bộ nhằm thực hiện dịch vụ thanh toán giữa các đơn vị phụ thuộc của ngân hàng đó.
Điều kiện, quy trình, thủ tục tham gia hệ thống thanh toán nội bộ, các biện pháp đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống thanh toán nội bộ do ngân hàng tổ chức hệ thống thanh toán nội bộ quy định.
2. Việc tổ chức hệ thống thanh toán nội bộ của các tổ chức khác được làm dịch vụ thanh toán thực hiện theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Điều 22. Tổ chức và tham gia hệ thống thanh toán liên ngân hàng
1. Ngân hàng Nhà nước tổ chức hệ thống thanh toán liên ngân hàng để thực hiện dịch vụ thanh toán giữa các thành viên là Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng và các tổ chức khác được làm dịch vụ thanh toán.
Điều kiện, quy trình, thủ tục tham gia hệ thống thanh toán liên ngân hàng, các biện pháp bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống thanh toán liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước quy định.
2. Ngân hàng được tổ chức thanh toán liên ngân hàng theo thoả thuận giữa các bên phù hợp với quy định của Ngân hàng Nhà nước.
3. Các tổ chức khác được làm dịch vụ thanh toán được phép tổ chức và tham gia thanh toán liên ngân hàng khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
Điều 23. Tham gia hoạt động thanh toán quốc tế
1. Ngân hàng Nhà nước được tham gia thanh toán quốc tế để thực hiện các thoả thuận về thanh toán với ngân hàng nước ngoài và tổ chức tiền tệ, ngân hàng quốc tế theo quy định của pháp luật.
2. Ngân hàng, tổ chức khác được làm dịch vụ thanh toán tham gia hệ thống thanh toán quốc tế phải được Ngân hàng Nhà nước cho phép.
CHƯƠNG V
CHẾ ĐỘ THÔNG TIN, BÁO CÁO VÀ BẢO MẬT THÔNG TIN
Điều 24. Quyền và nghĩa vụ của các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán về thông tin, báo cáo
1. Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán có quyền yêu cầu người sử dụng dịch vụ thanh toán cung cấp thông tin có liên quan khi sử dụng dịch vụ thanh toán.
2. Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán có nghĩa vụ thông tin định kỳ cho chủ tài khoản về những giao dịch thanh toán và số dư trên tài khoản của họ.
3. Trường hợp chủ tài khoản có yêu cầu, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán có thể cung cấp thông tin đột xuất về những giao dịch thanh toán và số dư trên tài khoản của họ.
4. Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán là ngân hàng, tổ chức khác được làm dịch vụ thanh toán có nghĩa vụ cung cấp cho Ngân hàng Nhà nước các thông tin liên quan đến hoạt động thanh toán tại tổ chức đó theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.
Điều 25. Bảo mật thông tin
Việc giữ bí mật, lưu trữ và cung cấp các thông tin liên quan đến tiền gửi của người sử dụng dịch vụ thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán thực hiện theo quy định của pháp luật.
CHƯƠNG VI
VI PHẠM VÀ XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 26. Các hành vi bị nghiêm cấm
1. Làm giả phương tiện thanh toán.
2. Lưu giữ, lưu hành, chuyển nhượng, sử dụng phương tiện thanh toán giả.
3. Sửa chữa, tẩy xoá phương tiện thanh toán, chứng từ thanh toán nhằm mục đích lừa đảo.
4. Xâm nhập hoặc tìm cách xâm nhập, phá hoại, làm thay đổi trái phép chương trình hoặc cơ sở dữ liệu trong mạng máy tính sử dụng trong thanh toán.
5. Cung cấp thông tin không trung thực, làm giả chứng từ khi yêu cầu được sử dụng dịch vụ thanh toán hoặc trong quá trình sử dụng dịch vụ thanh toán.
6. Cung cấp thông tin có liên quan đến tiền gửi của chủ tài khoản tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán không đúng theo quy định của pháp luật.
7. Che dấu, hoặc thực hiện dịch vụ thanh toán đối với những khoản tiền đã có bằng chứng về nguồn gốc bất hợp pháp.
Điều 27. Xử lý vi phạm
Tổ chức cá nhân vi phạm các quy định tại Nghị định này tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
CHƯƠNG VII
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 28. Hiệu lực thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2002.
2. Bãi bỏ Nghị định số 91/CP ngày 25 tháng 11 năm 1993 của Chính phủ về tổ chức thanh toán không dùng tiền mặt.
3. Những quy định trước đây về thanh toán trái với quy định của Nghị định này đều bãi bỏ.
Điều 29. Trách nhiệm thi hành
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chịu trách nhiệm hướng dẫn thi hành Nghị định này.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top