Hoang sa , truong sa cua VN (phan 2)
Đảo còn lưu giữ nhiều giá trị văn hoá truyền thống của người Việt; nhưng có lẽ đặc sắc nhất vẫn là di tích ghi dấu mốc một thời bi hùng của Đội quân Hoàng Sa đã ra đi trấn ải không có ngày về. Hàng năm, bà con trên đảo vẫn tổ chức lễ "Khao lề tế lính Hoàng Sa" để tưởng nhớ những chiến sĩ đã mất tích, bỏ mạng trên biển.
Tài liệu nói trên là do ông Đặng Lên ở thôn Đồng Hộ, xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn đang cất giữ một sắc chỉ quý của triều đình Nguyễn liên quan đến đội Hoàng Sa mà tộc họ Đặng đã gìn giữ hơn 170 năm qua. Ông Đặng Lên là hậu duệ của ông Đặng Văn Siểm - một đà công, tức là người dẫn đường trong đội thuyền gồm 3 chiếc với 24 lính thủy ra canh giữ đảo Hoàng Sa vào ngày 15 tháng 4 năm Minh Mạng thứ 15 tức năm Ất Mùi - 1835 đã ghi trong sắc chỉ của vua Minh Mạng mà ông Đặng Lên đang lưu giữ. Đây là sắc chỉ duy nhất còn nguyên vẹn bản gốc tính đến thời điểm phát hiện mà các dòng tộc trên đảo Lý Sơn còn lưu giữ liên quan đến quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Đây là tờ lệnh cấp đầu tiên cho ông Đặng Văn Siểm(là tổ tiên của ông Đặng Lên) đảm trách việc dẫn đường, ông Võ Văn Công lo lương thực và ông Võ Văn Hùng tuyển chọn người đi biển giỏi... Đó là thêm một bằng chứng xác đáng chứng minh rằng từ lâu Hoàng Sa đã thuộc phạm vi cai quản của đất nước ta.
Tờ lệnh ghi rõ: "Các phái viên và lính thủy đi trước để cùng thám sát các vùng của xứ Hoàng Sa. Xem xét và tuyển chọn trong tỉnh ba thuyền tốt cùng với các vật dụng được tu bổ vững chắc, lại chọn ra tên Võ Văn Hùng đã được cử đi từ năm trước và chọn thêm những dân phu ven biển thông thạo đường biển để sung làm thủy thủ trên thuyền... Cứ hạ tuần tháng ba thuận thời tiết mà đi". Điều này đã góp thêm một bằng chứng rằng đã từ lâu (từ trước năm 1834 - thời điểm ban hành tờ lệnh này) Hoàng Sa đã thuộc phạm vi cai quản của đất nước ta. Tờ lệnh gồm có bốn trang - bản gốc còn nguyên vẹn nhất từ trước đến nay, mỗi trang dài 36cm, rộng 24cm. Tuy chỉ vỏn vẹn vài trang nhưng nó chứa đựng nhiều thông tin quý, nêu rõ danh tính, quê quán của từng binh thuyền vâng mệnh triều đình đi lính Hoàng Sa không chỉ riêng ở huyện đảo Lý Sơn mà còn ở các vùng quê ven biển khác tại Quảng Ngãi. Tờ lệnh này đã góp phần bổ sung và kết nối logic với hệ thống tư liệu quý cùng nhiều di tích liên quan đến hải đội Hoàng Sa, quần thể mộ lính Hoàng Sa, lễ khao lề thế lính Hoàng Sa... là những minh chứng sống khẳng định chủ quyền lãnh thổ VN trên quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trong suốt nhiều thế kỷ qua.
Nói về tờ lệnh quý liên quan đến Hoàng Sa này, ông Đặng Lên cho biết: tờ lệnh được lưu giữ và truyền lại đến nay đã sáu đời. Ông là con trai thứ nhưng khi anh trai trưởng là ông Đặng Tôn mất vào năm 2003 thì ông được kế tục gìn giữ báu vật của Đặng tộc. Sở dĩ tờ lệnh còn khá nguyên vẹn suốt 175 năm qua là nhờ được làm bằng chất liệu giấy dó, được cất giữ trong hộp bằng gỗ cây ra bể (một loài cây chịu được sóng gió ở đảo Lý Sơn), để nơi cao ráo. Mãi đến năm 1979, nhân có đoàn công tác tới Lý Sơn khảo cổ về những tư liệu quý liên quan đến Hoàng Sa thì hai anh em ông Lên mới mở hộp gỗ ra xem nhưng sau đó lại đem cất giữ. Suốt 30 năm qua (1979-2009), nhân dịp lễ tế xuân của tộc họ Đặng vào tháng 2 âm lịch 2009 vừa qua, ông Lên họp chi phái trong tộc họ lại. Mọi người trong tộc họ thống nhất cho ông Lên photo tờ lệnh gửi cho các cơ quan chuyên ngành văn hóa nghiên cứu, dịch ra nhằm tìm hiểu tổ tiên của mình để lại trong ấy nội dung gì. "Biết tờ lệnh ấy chứng minh tổ tiên họ Đặng đã từng giong thuyền ra Hoàng Sa vào năm Minh Mạng thứ 15 (1834), tộc họ chúng tôi vui mừng và tự hào lắm. Tờ lệnh quý này không chỉ là của riêng của tộc họ Đặng chúng tôi nữa mà nó đã trở thành tài sản lớn của quốc gia. Do vậy, tộc họ chúng tôi đã thống nhất hiến tặng tư liệu quý này cho Nhà nước" - ông Lên bộc bạch. Giờ đây, tộc họ Đặng ở đảo Lý Sơn đã dâng hiến bảo vật quốc gia cho đất nước, góp phần tư liệu xác lập chủ quyền của Tổ quốc, hoàn thành nhiệm vụ do tổ tiên giao phó.
Tài liệu này còn xác thực thêm những thông tin ghi chép trong các bộ chính sử của triều Nguyễn về ông Võ Văn Hùng - một nhân vật vốn được ghi trong Đại Nam thực lục hoặc trong các bản tấu của Bộ Công - là người có công đi Hoàng Sa trong nhiều năm, đã đo vẽ được bốn hòn đảo tại quần đảo này. Văn bản còn thể hiện về cách thức tổ chức của đội Hoàng Sa, thủy quân Hoàng Sa, phiên chế, cách tuyển chọn, thời gian xuất hành... mà ít nhiều các bộ chính sử và các tư liệu đã tìm thấy chưa đề cập rõ. Chẳng hạn, lâu nay các tư liệu đều ghi đội Hoàng Sa đi từ tháng 2 và đến tháng 8 về nhưng rõ ràng ở đây, vào năm Minh Mạng thứ 15 (Giáp Ngọ -1834), thì đi vào tháng 3, ở đầu tờ lệnh này còn ghi rằng: Làm bằng chiếu theo tháng trước. Không phải một năm chỉ có đi một đợt vào tháng 2 mà còn có một đợt đi Hoàng Sa vào tháng 3 nữa (một năm đi hai lần!). Điều này lý giải tại sao người dân huyện đảo Lý Sơn tổ chức lễ khao lề thế lính Hoàng Sa không phải chỉ vào dịp tháng 2 mà còn tổ chức vào cả tháng 3.
Tờ Công lệnh này là một tờ công lệnh rất quý giá còn nguyên vẹn bản gốc. Việc phát hiện này đã khẳng định rằng mỗi năm vua Minh Mạng đều có điều bao nhiêu thuyền và lính ra Hoàng Sa. Đó là một công việc rất quan trọng, được phối hợp hoạt động chặt chẽ từ trung ương đến địa phương trong việc lập bản đồ, cắm mốc chủ quyền, trồng cây và bảo vệ quần đảo Hoàng Sa. Nó kéo dài suốt nhiều năm và rất nhiều hải đội người Việt đã nối tiếp nhau có mặt ở Hoàng Sa. Họ thường đi trên ghe bầu (còn gọi là tiểu điếu thuyền) rộng khoảng 3m, dài 12m, chở được 10 - 12 người, mang theo lương thực đủ dùng trong sáu tháng và cả nẹp tre để bó thi thể khi hi sinh. Trước khi đi, địa phương đã làm lễ tế sống họ. Nhiều hải đội đã anh dũng ra đi không trở về mà chứng tích hiện vẫn còn lưu lại nhiều ở Lý Sơn. Về nhiệm vụ, đội Hoàng Sa cần phải làm những công việc sau: (1) thu lượm các sản vật từ các tàu đắm, các hải sản quý từ vùng biển phía Bắc quần đảo Hoàng Sa (phía Nam tức phần Trường Sa hiện nay do đội Bắc Hải phụ trách) và (2) kiêm quản, trông coi đội khác cùng làm nhiệm vụ song ở địa bàn khác như đội Bắc Hải ở phía Nam (Phủ Biên tạp Lục, quyển 2, Đại Nam Thực Lục Tiền Biên quyển 10, Đại Nam Nhất Thống Chí, quyển 6...). Ngoài ra, về sau còn đảm trách đi xem xét, đo đạc thủy trình vùng quần đảo Hoàng Sa. Nhiệm vụ này bắt đầu thời Gia Long mới được ghi (Đại Nam Thực Lục Tiền Biên đệ nhất kỷ, quyển 50, quyển 52). Riêng về nhiệm vụ dọ thám, canh giữ ngoài biển, trình báo về các bọn cướp biển thì đơn xin phường An Vĩnh tách khỏi xã An Vĩnh ngày 1 tháng 2 năm Gia Long thứ 3 (1804) đã đề cập đến ở trên đây, chứng tỏ người dân đã tha thiết tự thấy có nhiệm vụ này. Đương nhiên khi dân binh tình nguyện thì nhà nước dễ chấp nhận vì nhà nước không phải tốn công đứng ra tổ chức, vả lại tính chất bán quân sự của đội Hoàng Sa đương nhiên phù hợp với nhiệm vụ này. Như thế nhiệm vụ của đội Hoàng Sa rất nặng nề, không thuần túy về kinh tế, khai thác tài nguyên mà còn làm công tác quân sự và quản lý biển đảo. Công việc này rất quan trọng trong thời các chúa Nguyễn và thời kỳ đầu nhà Nguyễn.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top