Hoang Sa Truong Sa

Một ngày của lính đảo Trường Sa

thứ 5, 22/12/2011 11:29:59- chuyên mụcTin Tức|Sự Kiện Hàng Ngày |

Trường Sa - phần lãnh thổ thiêng liêng, không thể tách rời của Tổ quốc Việt Nam. Ở nơi ấy, những người lính đảo đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân của mình, kiên trung, bất khuất nơi đầu sóng ngọn gió để canh giữ và bảo vệ chủ quyền dân tộc.

Cách đất liền gần 250 hải lý, quần đảo Trường Sa của Việt Nam nằm ở phía Đông Nam trên khu vực biển Đông, bao gồm hơn 100 đảo, bãi cạn, cồn san hô và bãi ngầm. Quần đảo Trường Sa có diện tích khoảng từ 160.000 - 180.000km2, cách vịnh Cam Ranh khoảng 248 hải lý, diện tích toàn bộ phần đất nổi của quần đảo khoảng 10km2 (nguồn tài liệu do Bộ Quốc phòng cung cấp).

Ai đã từng ra Trường Sa mới thấy hết được sự thiêng liêng, cao quý, tự hào khi đứng trên phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc mà ông cha ta đã phải đổ bao xương máu để giữ vững.

Lính đảo Trường Sa luôn kiên trung, bất khuất, nêu cao tinh thần đấu tranh sục sôi và quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo và toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc. Các anh đang ngày đêm đứng nơi đầu sóng ngọn gió để chống lại những âm mưu gây hấn, xâm phạm trắng trợn và phi lý của “nước ngoài”, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên biển. Các anh luôn xứng danh là bộ đội cụ Hồ.

Trường Sa - nơi tình quân dân gắn bó máu thịt không bao giờ tách rời, tất cả đang đồng lòng chung sức xây dựng huyện đảo và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.

Giữa lòng Hà Nội, bạn trẻ gặp lại biển, đảo Trường Sa

thứ 2, 22/10/2012 08:55:58- chuyên mụcTin Tức|Sự Kiện Hàng Ngày |

Với hơn 80 hình ảnh, tư liệu, triển lãm ảnh “Hành trình tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương” là minh chứng hết sức cụ thể của tuổi trẻ cả nước hướng về Trường Sa thân yêu…

Trường Sa, vùng biển đảo phía Đông của Tổ quốc, bao đời nay luôn là phần núi sông bờ cõi thiêng liêng, là máu thịt không thể tách rời trong tim mỗi người dân đất Việt. Nơi đây hàng ngày, hàng giờ có những chàng trai đang bám trụ giữa sóng gió biển khơi, sẵn sàng hy sinh cả tuổi thanh xuân của mình vì sự toàn vẹn lãnh thổ và bình yên Tổ quốc.

Để tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ về lòng yêu nước, tình yêu biển đảo, hàng năm TW Đoàn và Quân chủng Hải quân đều tổ chức các hoạt động hướng về Trường Sa và biển, đảo thân yêu. Tiêu biểu là các đoàn: “Hành trình tuổi trẻ vì biển đảo quê hương”, “Hành trình theo dấu tích đường HCM trên biển – Học kỳ trên biển” và các chương trình nghĩa tình biên giới, hải đảo…

"Đến với đảo Trường Sa thân yêu"

Và vào ngày hôm qua (21/10), chương trình Ngày hội sinh viên với biển đảo quê hương đã chính thức diễn ra tại HV Ngoại giao với sự tham dự của hơn 1000 sinh viên, thanh niên trên địa bàn thủ đô.

Với hơn 80 hình ảnh, tư liệu từ các đoàn hành trình trong suốt 4 năm qua được trưng bày và giới thiệu, triển lãm ảnh “Hành trình tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương” do bảo tàng Tuổi trẻ VN và HV Ngoại giao phối hợp tổ chức là minh chứng hết sức cụ thể của tuổi trẻ cả nước hướng về Trường Sa thân yêu.

Thông qua buổi triển lãm, BTC cũng hy vọng những hình ảnh về biển đảo quê hương như một thông điệp mang tinh thần, ý chí quyết tâm của Trường Sa gửi tới tuổi trẻ và nhân dân cả nước để mỗi người hiểu sâu sắc hơn ý nghĩa của sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo, sẵn sàng cùng các tầng lớp nhân dân đóng góp công sức trí tuệ, trong công tác xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Bên cạnh triển lãm từ ngày 21- 23/10/2012, các hoạt động như Sinh viên viết thư thăm hỏi các chiến sỹ nơi đảo xa, chiếu phim “Trường Sa - Góc nhìn người trẻ” hay giao lưu văn nghệ “Nhật ký Trường Sa” cũng được tổ chức tại HV Ngoại giao (Chùa Láng, HN).

Một số hình ảnh được trưng bày tại triển lãm vừa qua

Một góc triển lãm ảnh "Hành trình tuổi trẻ vì biển đảo quê hương"

"Duyệt binh trên đảo" (Lương Anh Tuấn)

"Thanh bình nơi đảo xa" (Trần Xuân Tùng)

"Vượt sóng" (Nguyễn Thanh Sơn)

"Thăm nhà giàn DK1"

"Thắp sáng nhà giàn DK" (Tuấn Linh)

Giao lưu văn nghệ - Thắm tình quân dân

"Tiếng hát giữa Trường Sa" (Lê Thanh Sơn)

Nối vòng tay lớn.

"Ngày 1/6 trên đảo Trường Sa lớn" (Nguyễn Ngọc Anh)

"Tổ quốc nhìn từ biển"

Bên cạnh triển lãm là những bức thư, thông điệp gửi gắm tình cảm của các bạn trẻ hướng về các chiến sỹ tại Trường Sa thân yêu.

Đón Tết cùng chiến sỹ trên đảo Trường Sa

thứ 2, 23/01/2012 10:36:53- chuyên mụcTin Tức|Sự Kiện Hàng Ngày |

- Càng gần đến Tết Âm lịch, không khí đón giao thừa đêm 30 Tết của các chiến sỹ đảo Trường Sa lại các rộn ràng. Thời điểm này, ở hầu hết các đảo chìm, đảo nổi trên Trường Sa, không khí xuân đang gõ cửa từng đơn vị.

Với người lính, ăn tết ở Trường Sa còn là nỗi nhớ đất liền, nhưng vì nhiệm vụ, những người lính hải quân vẫn hằng năm đón giao thừa trên đảo và hướng về đất liền với nỗi nhớ gia đình da diết. Tuy vậy, những chiến sỹ hải quân vùng 4 luôn biết rằng, dù trước mặt họ là biển khơi, nhưng sau lưng họ là đất liền, là quê hương. Cũng vì vậy, họ càng chắc tay súng nơi biển đảo xa để người dân đón một giao thừa hạnh phúc. 

Trước Tết 2 hôm, bánh chưng gói bằng lá bàng vuông; đào, quất, mai vàng được cắt dán từ những mảnh giấy kính nhuộm hồng, vàng. Tiếng í ới gọi nhau mổ lợn, mổ gà, kê nồi đặt bếp đun bánh, xếp lại mâm ngũ quả trên bàn thờ Tổ quốc rộn ràng ở khắp các phân đội. 

Tương tự, người dân sinh sống trên đảo trang hoàng nhà cửa, trẻ em xúng xính trong những bộ quần áo mới háo hức đợi chờ những phong bao lì xì...Những hình ảnh và âm thanh ấy báo hiệu quân và dân Trường Sa đang chuẩn bị đón một cái Tết ấm ấp .

 Tết “gõ cửa” ở đảo xa

Sau những ngày dài của cuộc hành trình vượt biển, những con tàu đã hoàn thành “sứ mệnh” mang mùa xuân đất liền tới các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Từ xa chúng tôi đã nhìn thấy trên cầu cảng, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo đã xếp thành hai hàng chờ khách.

Tàu của chúng tôi cập đảo trong niềm hân hoan chào đón của mọi người. Những cái bắt tay, ôm hôn sau bao ngày xa cách, ai nấy đều không nén được niềm vui, những thùng “quà xuân” từ đất liền gửi ra nhanh chóng được đưa lên đảo.

Ngoài các loại thực phẩm như lợn, gà, gạo nếp, lá dong... còn có những cánh thư mẹ gửi cho con, vợ gửi cho chồng ngoài đảo cũng được nâng niu đưa đến tay người nhận.

Vừa lên các đảo, đoàn công tác của chúng tôi ai cũng choáng ngợp bởi không khí “xuân sớm” nơi đây. Trên các đảo như Nam Yết, Sơn Ca, Song Tử Tây, Sinh Tồn… quân và dân tận dụng “vật liệu” sẵn có để làm đẹp cho đảo trong những ngày tết.

Các chiến sỹ ở Trường Sa gói bánh trưng ăn Tết. Ảnh: Hùng Mạnh

Trung úy Trần Văn Đông, cụm chiến đấu 1 lái xe tăng đảo Sinh Tồn mất hơn nửa tiếng loay hoay cắt dán giấy màu dán thật chặt vào khung sắt với dòng chữ “Chúc mừng năm mới 2012” để chuẩn bị cho buối tối giao lưu tết.

Khéo léo xếp những dòng chữ thật thẳng và đúng khuôn, anh Đông vinh dự nói rằng, anh rất vui vì được làm tấm pano với dòng chữ này kèm theo lời chúc tết đến tất cả quân dân chiến sĩ trên đảo.

Ra đảo công tác được hơn 4 năm, chỉ còn 3 tháng nữa anh Đông sẽ hết nghĩa vụ thực hiện nhiệm vụ trên đảo để trở về đất liền công tác tiếp. Vì vậy, với anh Đông, đây là cái tết cuối cùng trên đảo nên sẽ rất ý nghĩa. 

“Năm đầu tiên và cuối cùng đón tết ở đảo nên sẽ có rất nhiều cảm xúc. Gần đến thời khắc cuối năm không khí xuân tràn về mọi nhà và đây cũng là lúc những người lính thấy nhớ nhà, buồn đến nao lòng nhưng vì nhiệm vụ mà...,” anh Đông chia sẻ.

Ở đảo, chỉ có hoa mai vàng làm bằng giấy. Người cắt giấy, người khéo tay gấp hoa tạo hình. Ai cũng hồ hởi nhanh chóng làm, vừa cắt hoa vừa “buôn chuyện” khiến bầu không khí thật sự thoải mái. Chỉ một buổi, cả cây mai vàng khoe rực sắc tràn đầy sức xuân đã được bày ở vị trí trang trọng trong các căn phòng tại đảo.

Sau này, khi chúng tôi sang các đảo Đá Lớn, Đá Nam, Sinh Tồn Đông… cũng bắt gặp sắc mai vàng. Nhìn cánh mai vàng bằng giấy mà những người lính đang cắt  từ giấy kính kia ngẫm thế là họ lại trải qua một cái Tết xa nhà, xa quê hương. 

Từ phòng họp của các đơn vị đến mỗi nhà dân, đâu đâu cũng thấy trang trí lộng lẫy, đẹp mắt sắc xuân. Có chiến sĩ khéo tay còn gấp những con rồng đủ màu sắc với mong muốn: “Xuân Nhâm Thìn này mọi người sẽ được hạnh phúc, bình an.”

Ở một khu vực khác, một nhóm chiến sĩ đang bày biện bàn thờ Tổ tiên, Tổ quốc. Anh em hái quả bàng vuông bày mâm ngũ quả thay cho trái cây. Hoa phong ba, hoa bão táp, hoa muống biển... những biểu tượng sức sống mãnh liệt của Trường Sa được cắm đầy bình. Không hoa hồng, không đào, không quất, nhưng đã có "hoa chiến sĩ" tự làm để mang xuân về trên Trường Sa đầy ắp không khí vui tươi. 

Trang trí cây mai đón Tết. Ảnh: Hùng Mạnh

Thắm đượm tình cảm quân dân

Tại mỗi đảo, bữa cơm tất niên tiễn năm cũ thật đầm ấm và hạnh phúc. Các món như rau xanh, thịt, cá tươi được thay chỗ cho đồ hộp “trường kì” trên đảo. 

Trong các buổi giao lưu có đủ hương vị ngày xuân như bánh chưng, hạt dưa, kẹo bánh và rượu vang… Chương trình giao lưu ca nhạc giữ đoàn công tác đất liền với quân và dân trên quần đảo Trường Sa chỉ là “cây nhà lá vườn” với các tiết mục văn nghệ, tham gia hái hoa dân chủ... nhưng mỗi cuộc vui đều thấm đượm tình cảm đất liền với đảo xa.

Những bài hát viết về mùa xuân, về biển đảo, ca ngợi người lính nắm chắc tay súng ở vùng đảo biên cương khiến cho không khí biển đảo  thêm phần xúc động. Bên cạnh đó, các cháu thiếu nhi sống ở Trường Sa cũng gửi đến các chú bộ đội trên đảo bài hát “Cháu yêu chú bộ đội’ với tất cả tình cảm quý mến khiến người lính càng tự hào với trách nhiệm nặng nề mà Tổ quốc giao phó. 

Nhiều năm liền ăn tết tại Trường Sa, Trung tá Đinh Trọng Thắm, Đảo trưởng đảo Sinh Tồn chia sẻ những cảm xúc: “Dù cách xa đất liền hàng trăm hải lý nhưng bộ đội Trường Sa đón Tết cũng vui không kém ở nhà. Tôi muốn nhắn gửi tới tất cả lời chúc tốt đẹp nhất tới cán bộ, chiến sỹ đang làm nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa, một lời chúc thân mật, tình cảm, đầm ấm, chúc những người thân trong gia đình các đồng chí một năm mới sức khỏe và thành đạt.”

Trong không khí vui vẻ đấm ấm, bên cành hoa đào và cây mai vàng, mọi người cùng đếm ngược kim đồng hồ và nâng ly rượu với những lời chúc hạnh phúc bên mâm cỗ cuối năm ngập tràn yêu thương. Những ai có mặt trên đảo đều hiểu một điều “mùa xuân” trên đảo là như thế.

Và, với nhiều chiến sĩ thực hiện xong nhiệm vụ được trở về nhà sum họp với gia đình dịp tết đều tâm niệm sẽ mang chút hơi ấm không khí đón Tết Nhâm Thìn nơi đảo xa về nhà để nói với nhiều người rằng: “Trường Sa là quê hương thứ hai của mình đó… cùng với lời hát: Đêm qua đi và ngày đang tới, còn vang mãi trong lòng ta bao năm tháng ngọt ngào. Để ta nhớ mãi không quên.”

Cận cảnh sổ đỏ của quần đảo Hoàng Sa

thứ 4, 25/04/2012 07:06:12- chuyên mụcTin Tức|Sự Kiện Hàng Ngày |

Hoàng Sa là lãnh thổ của Việt Nam, điều đó là bất biến. Nếu có ai đó hỏi “bằng chứng đâu?”, xin thưa: “Nó đây, “sổ đỏ” của Hoàng Sa đây!”.

“Sổ đỏ” đó chính là Tờ lệnh điều quân ra Hoàng Sa có từ thời Minh Mạng được dòng họ Đặng ở thôn Đồng Hộ xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn gìn giữ từ năm 1834 đến năm 2009, đúng 175 năm. Có thể xem đây là “bằng chứng” sống động nhất về chủ quyền của nước ta tại Hoàng Sa.

Bằng cách nào mà dòng họ Đặng giữ được báu vật ấy một cách nguyên vẹn trong điều kiện có quá nhiều đổi thay của thời cuộc suốt 175 năm qua cũng như sự khắc nghiệt của thiên nhiên nơi vùng đất này? Đó là câu chuyện đậm chất truyền kỳ mà sự cẩn trọng, chỉn chu của người giữ nó không thôi chưa đủ, cần phải có một ý thức rất cao về lòng yêu nước, yêu Hoàng Sa thì mới thực hiện được.

Lần giở trước đèn

Trên đường ra Chùa Hang, di tích văn hóa cấp quốc gia của Lý Sơn, trước khi gặp biển, rẽ trái theo con đường làng một quãng ngắn là gặp nhà thờ họ Đặng ở thôn Đồng Hộ. Đó là gian nhà ngói khiêm nhường nhưng ấm cúng, nép mình dưới hàng cây cổ thụ sum suê lá xanh và rực đỏ hoa giấy mùa này. Họ Đặng không phải là tộc họ lớn ở Lý Sơn, song có một nhân vật của dòng họ này đã thành “giai thoại” của làng. Đó là Đặng Văn Siểm, người đời sau ví ông như con kình ngư của biển khơi. Cũng nghe “đồn đoán” vậy thôi chứ chẳng có tài liệu nào đề cập đến nhân vật này. Cho đến mùa hè năm 2009, khi thấy Đặng Văn Siểm được nêu tên trong “Tờ lệnh”, lại được giao làm đà công thì dòng họ Đặng mới biết thêm về tổ tiên mình.

Trao Tờ lệnh cho Bộ Ngoại giao - Ảnh: Trần Đăng

Ông Đặng Tôn, trưởng tộc họ Đặng, là người chăm sóc hương hỏa đồng thời cũng là người duy nhất được dòng họ giao cho chìa khóa giữ chiếc rương có đựng “tài liệu quý”. Chữ Hán của ông Tôn chỉ đủ nhận mặt nhất nhị tam tứ ngũ nên ông chẳng biết gì về nội dung của các tài liệu toàn chữ Hán được cha ông trao lại đang để trong chiếc rương nọ. Theo di chúc của tổ tiên, họ Đặng quy định phải 20 năm mới được mở chiếc rương một lần. Chủ yếu là xem thử có mối mọt hao khuyết gì không để còn khắc phục. Năm 2004, ông Đặng Tôn mất, em trai ông là Đặng Lên được phép “kế tục” anh trai. 

BẤM VÀO ĐÂY XEM CHÙM ẢNH: TRƯỜNG SA - MỘT PHẦN CỦA TỔ QUỐC

CHÙM ẢNH: BỘ ẢNH CỰC HIẾM TOÀN CẢNH TRƯỜNG SA TỪ TRỰC THĂNG

AI CHƯA ĐẾN TRƯỜNG SA, CẦN XEM 31 TẤM HÌNH NÀY

CÔNG BỐ NHỮNG HÌNH ẢNH "KHÔNG THỂ KÌM NỔI" VỀ TRƯỜNG SA

Ông Lên nhớ lại: “Tôi được biết là chiếc rương kia đã được mở vào các năm 1939, 1959, 1979, 1999, đúng như quy ước của dòng họ. Lẽ ra đến năm 2019 thì mới được mở nhưng năm 2009, chỉ 10 năm sau lần mở cuối cùng, tôi xin phép dòng tộc được mở rương”. Hỏi ông Lên vì sao lại “phá lệ”? Ông nghiêm trang nói: “Hình như có ai đó mách bảo rằng, chiếc rương ấy đang mang trong lòng nó một sứ mệnh nên tôi quyết định xin phép được mở ra. Và đúng là như thế”.

Kể từ năm 2005, ngư dân Lý Sơn liên tục bị Trung Quốc bắt bớ và đòi tiền chuộc mỗi khi họ ra Hoàng Sa đánh cá, với lý do là vi phạm chủ quyền của Trung Quốc. Nghe giọng điệu ấy, ông Lên tức lắm. Linh cảm đã mách bảo với ông rằng, tài liệu trong chiếc rương kia có thể giúp được gì chăng trong việc khẳng định chủ quyền của nước ta tại Hoàng Sa. Và rồi ông quyết định sắm một lễ cúng để “xin phép” tiên linh mở rương nhân lệ cúng xuân tháng 4.2009. Đó không phải là lần đầu tiên ông Lên chứng kiến mở chiếc rương nhưng việc “lần giở” báu vật của tiền nhân lần này, lòng ông rộn lên nỗi niềm khó tả! Gần như tập tài liệu vẫn còn nguyên nếp gấp, còn thơm mùi mực, như thể ông bà dòng họ Đặng cất chúng vào rương vừa mới hôm qua. Ông sai đứa cháu sao chụp toàn bộ tài liệu nọ và tìm người dịch giúp. Bản dịch cho biết đó là Tờ lệnh điều động binh phu ra Hoàng Sa năm 1834, trong đó, ông Đặng Văn Siểm được giao làm đà công! Dòng họ Đặng rồi cả đảo Lý Sơn, rồi tỉnh Quảng Ngãi và cả nước như sôi lên với tài liệu này.

Ý thức của dòng tộc

Ông Đặng Lên nói: “Một lần nữa tôi biết ơn tiền nhân dòng họ Đặng đã giữ được báu vật này cho đất nước. Phải rất có ý thức thì mới giữ được, vì suốt 300 năm qua, bao lớp trai làng trên đảo Lý Sơn ra Hoàng Sa, có rất nhiều tờ lệnh điều động nhưng chỉ giữ được có mỗi một tờ này. Ông cha chúng tôi đã để tài liệu ấy vào chiếc rương bằng gỗ tra bể, một loại danh mộc gần như thất truyền ở Lý Sơn này”. Cũng theo ông Lên, nếu để Tờ lệnh vào chiếc rương bằng loại gỗ khác, e có khi đã hỏng lâu rồi. Tra bể là loại gỗ chống mối mọt và giữ được độ ẩm cao, bảo vệ được lớp giấy dó và chữ viết trên đó còn nguyên vẹn.

Nghe phát hiện “sổ đỏ” cho Hoàng Sa, nhiều cuộc điện thoại “trong bóng đêm” đã tới tấp gọi về nhà ông Lên và xin mua với giá 2 tỉ đồng. Ông Lên đã chối từ và cấp báo sự việc trên với tỉnh Quảng Ngãi. Lập tức một tiểu đội cảnh sát cơ động được cấp tốc điều ra đảo để giữ Tờ lệnh và đợi ngày chuyển vào đất liền để giao cho Bộ Ngoại giao. Lần đầu tiên dân Lý Sơn mới nhìn thấy sắc phục của cảnh sát cơ động trên đảo, không phải để “trấn áp tội phạm” hay xử lý “nóng” các vụ đâm chém mà là để bảo vệ Tờ lệnh. Thế mới biết, giá trị và ý nghĩa của Tờ lệnh như thế nào.

BẤM VÀO ĐÂY XEM CHÙM ẢNH: TRƯỜNG SA - MỘT PHẦN CỦA TỔ QUỐC

CHÙM ẢNH: BỘ ẢNH CỰC HIẾM TOÀN CẢNH TRƯỜNG SA TỪ TRỰC THĂNG

AI CHƯA ĐẾN TRƯỜNG SA, CẦN XEM 31 TẤM HÌNH NÀY

CÔNG BỐ NHỮNG HÌNH ẢNH "KHÔNG THỂ KÌM NỔI" VỀ TRƯỜNG SA

Trước ngày đưa Tờ lệnh vào đất liền để hiến cho Nhà nước, dòng họ Đặng lại có một đêm mất ngủ. Các bà, các cô, các chị trong làng đã tề tựu về đây để cùng với con cháu họ Đặng “cúng cơm” xin ông bà cho phép được hiến báu vật ấy cho quốc gia. Trên mâm cỗ cúng ông bà hôm ấy, người ta lại thấy bày ra những món ăn quen thuộc dành cho lính Hoàng Sa thuở trước. Này là bánh nổ - một loại lương khô khá đặc thù của Quảng Ngãi, nọ là bánh thuẩn, kia là bánh ít lá gai… Đây là những loại bánh dùng làm lương khô, có thể để lâu ngày trên thuyền đi biển mà không sợ hỏng. Cách thức làm những thứ bánh đó được những người đàn bà trên đảo Lý Sơn gìn giữ hết đời này sang đời khác. Gìn giữ và “truyền đời” các loại bánh đó cho con cháu như lưu ký những kỷ niệm của tổ tiên và cũng là hâm nóng Hoàng Sa, là gieo vào lòng thế hệ trẻ hôm nay để chúng biết rằng hiện vẫn còn một góc trời của Tổ quốc nơi Hoàng Sa đang nằm trong tay kẻ khác.

Đáp lại sự hiến dâng đó của dòng họ Đặng, mới đây, đại diện Bộ Ngoại giao đã về tận Lý Sơn để trao cho tộc họ Đặng tấm bằng khen của Bộ. Thay mặt dòng tộc, ông Đặng Lên cảm ơn sự quan tâm đó đồng thời kiến nghị, nên làm cách nào đó để cho Tờ lệnh được “cựa quậy”, được phát huy tác dụng về giá trị của nó trong việc đòi lại chủ quyền đối với Hoàng Sa chứ không nên biến nó thành một thứ “hàng mẫu” trưng bày trong viện bảo tàng.

Tờ lệnh là bằng chứng về chủ quyền tại Hoàng Sa là điều không bàn cãi nữa. Nhưng, với thế hệ hậu bối của dân Lý Sơn, họ có một “tờ lệnh” khác cho riêng mình mà không cần bất cứ một ấn chỉ nào. Đó là tấm lòng của con cháu đối với Hoàng Sa, để mỗi khi nổ máy rời bến tàu, các mũi thuyền lại hướng về quần đảo ấy, bất chấp những tai ương đang chờ đón họ.

Trường Sa qua câu chuyện của người lính biển

Thứ hai 29/04/2013 12:00

(VTV News)- Trường Sa qua câu chuyện kể của những người lính biển bao giờ cũng thiêng liêng, bởi để có một Trường Sa hôm nay, nhiều người lính đã ngã xuống giữ vững lá cờ Tổ quốc trên những đảo chìm, đảo nổi.

Hôm nay (29/4) là ngày kỷ niệm 38 năm ngày giải phóng Trường Sa, một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc. Với những người đã từng sống hay chưa một lần đến Trường Sa thì trong ngày này vẫn hướng về Trường Sa với những tình cảm hết sức đặc biệt. Trong bài viết sau, chúng ta cùng gặp lại một người lính hải quân thuộc thế hệ những người đầu tiên có mặt ở Trường Sa sau ngày giải phóng. Trường Sa qua câu chuyện kể của những người lính biển bao giờ cũng thiêng liêng, bởi để có một Trường Sa hôm nay, nhiều người lính đã ngã xuống giữ vững lá cờ Tổ quốc trên những đảo chìm, đảo nổi. 

Những người lính biển khi ấy được gọi là đội quân Yết kiêu thời đại Hồ Chí Minh. Chỉ với 200 chiến sỹ, Đoàn 126 đặc công Hải quân đã hoàn thành sứ mệnh: sáng ngày 29 tháng 4 năm 1975, Trường Sa được giải phóng.

Những bức ảnh hiếm hoi còn lại sau 38 năm trở thành tài sản quý đối với ông - đại tá Nguyễn Văn Dân, nguyên Phó Tham mưu trưởng Vùng 4 Hải quân. Đã có những người lính hy sinh trước giờ giải phóng để đồng đội cắm được lá cờ giải phóng trên đảo.

Đằng sau chiến công giải phóng Trường Sa như một huyền thoại là tinh thần “nếu không giải phóng được Trường Sa quyết không về ”. Và họ, những người lính hải quân, nhiều người đã mãi nằm lại ở đảo.

Đại tá Nguyễn Văn Dân xúc động kể lại: “Trong thời khắc ấy, có đồng đội mình khi giải phóng đến thì đã hy sinh. Như ngày 14 tháng 4 năm 1975, khi giải phóng Song Tử, anh Tống Văn Quang quê Cao Bằng tiếp cận đảo đã trúng đạn thù.

 Trường Sa trong những ngày đầu mới giải phóng. (Ảnh: Dân trí)

Trong Nhà truyền thống của Vùng 4 Hải quân có một lá cờ Tổ quốc như là biểu tượng của thiêng liêng Trường Sa. Những người lính trên đảo Gạc Ma vào ngày 14 tháng 3 năm 1988 đã quyết tử để giữ vững lá cờ Tổ quốc. 

Lá cờ Tổ quốc thiêng liêng là thế và Trường Sa thiêng liêng là thế. Có một điều đã thành truyền thống trong người lính biển, đó chính là lòng quả cảm, tinh thần quyết tử bảo vệ chủ quyền biển đảo. Tinh thần ấy xuyên suốt ngay từ ngày giải phóng quần đảo Trường Sa cho đến ngày hôm nay.

Đại tá Nguyễn Văn Dân nói: “Cái truyền thống đó kế tục không phải trong một số một chiều mà liên tục vì trước ngày giải phóng, anh em đã hy sinh trên tàu không số”.

Chị Trần Thị Thủy là con gái của liệt sỹ Trần Văn Phương, người lính đã hy sinh trên đảo Gạc Ma, hiểu về sự lựa chọn của bố mình. Sự hy sinh của những người lính như bố của chị là điều mà công dân nào cũng lựa chọn. Đó cũng là lý do chị đã chọn hướng đi cho đời mình là được làm việc tại Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân - nơi mà bố của chị đã dành trọn đời…

Chị Trần Thị Thủy chia sẻ: “Đối với tôi, Trường Sa rất gần, ở trong tim mình vì phần máu thịt bố mình nằm ở đó. Đến thế hệ của mình, tôi vẫn quyết định gắn bó với Trường Sa".

Với tất cả mọi người, Trường Sa bao giờ cũng gần gũi và thiêng liêng. Gần gũi bởi đó là vùng biển đảo có những người thân yêu đang sống, đang xây dựng đảo. Thiêng liêng bởi đó là vùng biển đảo có những người thân yêu mãi nằm lại, hóa thân vào biển quê hương, làm thành tượng đài bất tử cho Trường Sa. Bởi thế, ngày ngày ở đất liền, nhiều người luôn hướng về Trường Sa. Những lá cờ Tổ quốc vẫn thường xuyên chuyển ra Trường Sa như là lời khẳng định quyết tâm cùng chung tay xây dựng và bảo vệ Trường Sa.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: