25
Bờ Tây không phải là một nơi gió cát mịt mùng như bờ Đông, mà là một vùng biển với những quả núi đá vôi rải rác, triền cát màu vàng sậm, những rặng phi lao nghiêng ngả mà chẳng ai biết có từ bao giờ.
Một làng chài nằm cách đó không xa, họ sống trong những ngôi nhà tạm bợ được lợp bằng lá dừa khô. Trước cửa nhà nào cũng có một tấm lưới màu xanh hoặc là một màu bàng bạc phai ra từ màu xanh. Mắt lưới không to không nhỏ, nhìn qua cũng biết để chuyên bắt những loài cá từ vừa đến lớn. Lác đác dọc bờ biển là vài chiếc thuyền và thúng, mái chèo rũ nghiêng trong cát chờ ngày ra khơi.
Đàn ông ở đây lúc nào cũng cởi trần, làn da nâu bóng như đắp một lớp bùn ướt mịn. Phụ nữ cũng không trắng trẻo hơn, nhưng mắt ai cũng sáng rõ và có nụ cười đầy tình ý. Thi thoảng họ lại nhắc nhở đám trẻ con đang chơi đuổi bắt đừng xuống biển kẻo sóng sẽ cuốn đi. Họ đã sống ở đây đủ lâu để biết được đâu là sóng dữ.
Loài giáp xác ở nhờ từ tốn bò ra từ một vỏ ốc lớn, rồi hoà mình theo lực rút của sóng. Không ai biết chúng sẽ vào miệng một loài cá ăn phù du hay sẽ tìm thấy một cái vỏ khác để chui vào sống tạm. Nhưng biết đâu sự ra đi đó là một điều đúng đắn. Vì mấy ngày qua, người dân làng chài thấy quân triều đình lũ lượt kéo đến và bắt đầu dựng lều trại - những chiếc lều lớn và chắc chắn hơn nhà của họ rất nhiều. Lương thảo rồi vũ khí được vận chuyển nườm nượp. Họ đào hố lớn để dựng thêm những đài quan sát tầm xa. Họ dùng cát đựng vào bao bố, xếp chồng lên nhau để tạo thành một một căn cứ quân sự.
Sẽ có chiến tranh! Dân làng kháo nhau. Ở biên giới, thông tin về chiến tranh chưa được truyền đến nên họ hoang mang lắm. Nhưng hoang mang là vậy thì cũng không thể chạy đi. Họ sinh ra và chưa từng được dạy mình sẽ rời bỏ nơi này. Nếu có chết họ cũng phải trở về với biển để được Thuỷ thần cưu mang và ban cho một cuộc đời vĩnh hằng. Họ tin điều ấy nên họ chờ đợi trong lo lắng. Họ dò xét xem có chuyện gì sẽ xảy đến trong nay mai.
Tướng quân mới còn rất trẻ! Đám dân làng bắt đầu bàn tán tiếp về tuổi đời và kinh nghiệm của người thanh niên có đôi mắt lạnh lùng. Họ còn nhung nhớ vì tướng quân tiền nhiệm nên họ thấy không vừa mắt với người thanh niên này. Tuy anh ta đã vượt qua cuộc chiến sinh tử với một phiến quân nổi loạn và mang về một nửa binh sĩ thì họ vẫn còn nghi ngờ về tài cầm quân của anh.
Cũng phải nói qua, tướng quân trước là một người không mấy tài giỏi, nhưng rất được lòng dân. Lúc ông ta còn đương nhiệm, thi thoảng ông lại cùng dân nàng chè chén, hát ca. Ông không bao giờ tỏ ra trịch thượng như những quan lại khác, lúc nào cũng mặc áo vải ra kéo lưới với đám dân làng để kiếm được dăm con cá về làm mồi. Ông ta có điệu cười khà khà đặc trưng, uống rượu không đối thủ, sự phóng khoáng ấy làm người ta thấy yên tâm. Đến mùa bão, ông cùng với lính dưới quyền đi rào lại nhà cho mọi người. Nhà ai có người chết ông lo lễ nạp cứ như thể người nhà ông vừa mới qua đời... Kể ra thì có đến hằng hà lý do tại sao dân nàng lại yêu quý ông.
Nhưng mệnh ông không lớn. Ông không chết vì ai, cũng không chết vì bệnh. Một sáng như mọi sáng khác, một tay lính tráng mở cửa phòng đánh thức ông dậy, vì mãi mà không thấy tướng của mình ra luyện binh, thì thấy cả người ông đã lạnh cứng, tim ngừng đập. Ông đột tử!
Vậy là chết vì tận số.
Thành không có nhiều thời gian để ý đến chuyện dân làng đang nghĩ gì về mình. Một tuần sau khi đến đây, anh phải soạn đến cả chục tấu chương để giải trình với Đức Vua về việc bị phục kích. Dù đã chiến thắng, nhưng là một tướng quân, để binh lính chết quá nhiều nên anh vẫn phải làm cho minh bạch tại sao họ chết. Kỵ binh, bộ binh,... liệt kê đủ số lượng đã mất, tìm thân nhân họ, làm giấy báo tử, phải chôn xác họ ở đâu cho hợp lí và phải chịu tội với Đức Vua.
Về phần Đức Vua, ngài ra lệnh cho Thành phải chiêu mộ thêm người trong vùng, lấp vào số quân lính mà anh đã làm mất!
Vậy là mỗi chiều, trước giờ cơm Thành đều đi dạo quanh làng chài. Ban đầu anh mang theo vài quân lính, áo giáp và đao kiếm đeo đầy người khiến họ hoảng sợ. Chỉ cần thấy bóng dáng Thành từ xa là họ dắt díu nhau vào nhà đóng chặt cửa lại, cứ như anh là đám cướp bóc hung hãn ở khe núi. Cuối cùng, Thành không dẫn theo cận vệ nào nữa, mặc thường phục và chỉ mang thanh kiếm vẫn luôn dắt bên hông như mọi khi thì họ mới bớt đề phòng.
Đám trẻ con lại khác, chúng hoàn toàn vô tư. Thấy Thành từ xa chúng liền chạy đến rồi ngước mắt cười hì hì. Có đứa còn dạn dĩ sờ lần bảo kiếm khiến Thành phải nén lại tiếng quát tháo ở ngay môi.
"Chú ơi chú dạy cháu võ nhé?" Một đứa nói.
Thành nhìn đứa bé, nó chỉ chừng mười tuổi thôi. Mặt nhỏ thó nhưng có nét mặt cương nghị, nếu đào tạo từ bây giờ thì khoảng vài năm nữa có thể dùng được. Vậy là anh mỉm cười, hỏi: "Cháu tên gì?"
"Hạo."
"Nhà cháu ở đâu? Có anh chị em gì không?"
"Cháu ở kia." Hạo chỉ tay về ngôi nhà nhỏ có ánh sáng vàng hắt ra cách đó chỉ độ mươi thước. "Cháu ở với hai anh và một chị."
"Bố mẹ thì sao?"
"Bố mẹ cháu đi biển và không về nữa. Chị cháu nói họ bị Thuỷ Thần đón đi rồi."
Thành xoa đầu Hạo rồi tiếp tục bước đi. Anh hướng về phía nhà của thằng bé. Theo như nó nói thì nhà nó có hai người anh trai, không nhằm nhò gì nhưng anh sẽ bắt đầu từ hai người này trước.
...
Đêm đã tới, đèn lồng đung đưa vì gió, lửa lung lay. Cả hoàng cung đều chìm vào tịch mịch. Đám cây cảnh xếp thẳng hàng một cách khiên cưỡng, gần như hoà cùng màu với đêm. Trên những bậc tam cấp và bờ tường, đầy xác vàng của cây hoa bọ cạp. Dọc những lối đi lát đá ong là cái bóng xiên chéo của những bức tường cao vời vợi kia.
Tiếng trống báo canh vang lên, giọng thái giám thông báo đã đến giờ đi ngủ the thé theo sau. Cẩm Diệp không đóng cửa. Lý do là vì bàn vẽ của nàng được đặt chính giữa lối ra vào, nếu mở cửa và nhìn cảnh đêm bên ngoài sẽ có cảm hứng để vẽ hơn. Cho dù đôi lúc gió thổi hơi mạnh, khiến nàng phải dùng nghiên mực để chặn lại những góc giấy sắp sửa phất mình lên.
Đức Vua khoan thai bước qua bậc cửa. Một mình. Ngài có một dáng người vừa phải, một khuôn mặt điềm tĩnh gần như vô hồn, một phong thái của bậc Đế Vương đủ khiến người ta phải cúi đầu.
"Đức Vua..." Cẩm Diệp định bước ra hành lễ thì bị ngài giữ lại. Nàng hiểu ý nên lại đứng thẳng người, hỏi: "Không biết điều gì khiến ngài đến đây vào giờ này?"
Đức Vua liếc nhìn bức tranh như để kiểm tra, ngài đáp: "Ta muốn xem."
Cẩm Diệp lùi lại để Đức Vua chiêm ngưỡng tranh mình vẽ. Nàng hồi hộp, rón rén thở. Tuy nàng đang cố tỏ ra thật bình thản với Đức Vua, nhưng trong đầu nàng không ngừng hiện lên những câu hỏi, những tiếng than thở về việc rất có thể Đức Vua sẽ coi nàng là cái bóng của Hoàng Hậu quá cố.
Đức Vua chạm khẽ lên bức tranh, thở dài.
Cẩm Diệp nhún mình: "Xin lỗi vì đã khiến ngài thất vọng."
"Không phải đâu, cái thở dài đó dành cho sự nuối tiếc của ta."
"Nuối tiếc gì ạ?"
Đức Vua không trả lời ngay, ngài ngắm nhìn Hoàng Hậu trong tranh rồi mới đáp: "Cô có tin vào kiếp trước kiếp sau không?"
"Dạ?"
"Hoàng Hậu của ta ấy mà, giống cô vô cùng."
"Theo ý ngài thì tôi là kiếp sau của người?"
Đức Vua bật cười: "Ta mong rằng không phải."
Cẩm Diệp cúi đầu, sự khiếp sợ càng khuếch đại hơn. Nàng gồng cứng người, mỗi cử chỉ của Đức Vua đều khiến nàng giật mình như nàng đang dò dẫm đi trong ngõ tối mà có kẻ bất ngờ lao ra.
Đức Vua xoay mũi giày, hướng về phía Cẩm Diệp. Chẳng ai biết được ngài đang có âm mưu gì với nàng. Ngài là vua, muốn ai mà chẳng được. Nhưng tạo sao ngài phải vòng vo với một cô gái bình thường như nàng? Không, có thể do nàng không bình thường! Nàng giống Hoàng Hậu. Chỉ điều đó thôi cũng đủ để mọi câu hỏi có câu trả lời.
"Cẩm Diệp." Đức Vua gọi tên nàng. "Có thể cô không biết nhưng vẽ tranh chỉ là một phép thử thôi."
"Xin ngài hãy nói rõ thưa Đức Vua."
"Ta muốn biết người giống Hoàng Hậu có thể vẽ Hoàng Hậu giống đến đâu."
"Tôi xin nghe mọi lời khen chê của ngài."
"Khoan hãy xét đến đẹp xấu để mà khen chê, nhưng cô vẽ nàng ấy giống hơn ta vẽ gấp ngàn lần."
Cẩm Diệp không dám nói mình đã từng xem những bức tranh mà Đức Vua vẽ Hoàng Hậu. Nhưng đúng là những bức ngài vẽ người khi con trẻ rất giống nàng.
"Có biết tại sao không?" Đức Vua ngồi xuống ghế và hỏi.
Theo phản xạ, Cẩm Diệp liền đứng dịch ra vài bước, rồi lắc đầu.
Đức Vua cười nhẹ: "Thần thái. Ta không vẽ ra được cái thần thái ấy. Đôi mắt mà cô vẽ nàng làm những ký ức trong ta sống lại."
"Hẳn là ngài rất yêu Hoàng Hậu."
"Yêu?" Đức Vua bật cười. "Có thể nói là vậy. Ở tuổi này ta lại như một đứa trẻ trước tình yêu, ta không biết nó là ai, nó có nghĩa là gì."
"Chỉ cần ngài còn nhớ thương Hoàng Hậu thì đó là yêu ạ."
Lần này thì Đức Vua bật cười, trong cái cười ấy chứa nhiều sự bao dung và yêu chiều. Ngài vươn tay ra toan chạm vào tay Cẩm Diệp, nhưng nghĩ sao lại thông. Ngài nói: "Nghe này cô gái, chắc là cô chưa từng phải tiễn người thân nào ra đi. Nhưng có những người phải đến khi họ không còn nữa thì ta mới thấy nhớ. Liệu ấy có phải là tình yêu không?"
Ai bảo nàng chưa từng phải tiễn người thân nào? Ren của nàng, Ren của nàng đã chết ngay dưới lưỡi đao của Hưng - tướng của ngài. Chàng chết trong sự cô lạnh, chết khi những ước mơ vẫn còn dang dở, chết mà chưa được nhìn nàng lần cuối. Nhưng gạt qua tất cả những khổ đau thì nàng vẫn yêu chàng khôn xiết. Trước kia hay là bây giờ đều yêu. Cẩm Diệp nghĩ, kể cả khi nàng lấy một người khác thì nàng vẫn sẽ nhớ về Ren. Và nàng vẫn coi đó là tình yêu.
Nhưng Cẩm Diệp không dám cãi lại, nàng chọn im lặng.
Đức Vua thấy vậy liền hỏi tiếp: "Cô có hôn sự với ai chưa?"
"Dạ đã từng đính hôn với Thị lang Bộ binh, nhưng không thành."
"Ta có nghe. Tại sao?"
"Thành huỷ hôn. Anh ta không thích tôi."
"Cô có thích Thành không?"
"Tôi..." Cẩm Diệp liếc qua khuôn mặt của Đức Vua, cố gắng đoán những câu hỏi Đức Vua dành cho nàng. Rốt cuộc thì ngài đang muốn hướng đến điều gì?
"Ta sẽ nói thẳng, ta muốn lập cô làm phi. Nếu cô chưa có hôn sự với ai thì thời gian tới ta sẽ đón cô về cung."
Cẩm Diệp chết lặng, đầu nàng trống rỗng như âm thanh trắng sau một vụ nổ.
"Cẩm Diệp à." Đức Vua hiểu được Cẩm Diệp đang hoảng sợ, nhưng có vẻ ngài sẽ mặc nàng hoảng sợ. Đó là cảm xúc, khi nó qua rồi nàng sẽ tự biết cách mà trấn tĩnh. Ngài nói với một giọng đều đều như người sắp chìm vào giấc ngủ: "Không phải ai cũng được lập phi ngay từ đầu như thế đâu. Hậu cung của ta trước giờ đều yên bình vì ta không có ý đưa ai đến gần với ngai Hoàng Hậu. Cô nên biết số phận đã chọn cô.
"Ngài..." Cẩm Diệp quỳ phục xuống, nàng hoảng loạn quá nên đã nắm tay của Đức Vua thật chặt. Lệ nóng quanh tròng, ánh nhìn van lơn. "Xin ngài đấy!"
"Ta không còn sống lâu nữa đâu." Đức Vua não nề nói. "Ta muốn trước khi chết còn được làm gì đó. Không phải với đất nước này, mà là với chính bản thân ta."
Nói xong, Đức Vua ôm ngực ho một tràng dài. Cẩm Diệp chỉ biết trợn mắt nhìn những giọt máu rơi ra từ miệng và mũi ngài. Vậy là trong đêm hôm ấy, nàng đã biết được hai sự thật lớn. Hai sự thật trong một hiện thực khốc liệt. Đó là nàng sẽ "phải" làm phi cho một người sắp chết.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top