24
Đường đầy xác người, máu chảy không khoan nhượng. Những khuôn mặt còn rất trẻ, chưa kịp thấy được bờ biên giới phía Tây đã bị Thần Chết mang đi. Xe ngựa vỡ nát, vũ khí đâm xiên vào người hoặc chỏng chơ dưới đất. Tiếng rên rỉ hoà cùng với tiếng hét, tiếng kim loại và tiếng diều hâu tìm thấy mồi trên cao. Không ai còn nhận ra ai nữa, trước mặt họ đều là kẻ thù.
Áo giáp của Thành và cận vệ đã vấy máu, khuôn mặt căng và lạnh. Không có thời gian để kiểm lại số lượng quân lính, nhưng có vẻ đã chết một phần ba. Trong khi đó, quân áo đen cũng không còn nhiều. Có lẽ đây là một trong những trận quan trọng của chúng. Chúng đã nghiên cứu và chuẩn bị kỹ lưỡng cho trận này.
"Các anh bọc lót đằng sau, để tôi xử tên cầm đầu." Thành ra lệnh.
"Vâng thưa tướng quân."
Thành hơi thần người, anh đã quen được gọi với danh xưng là Thị lang. Nhưng "tướng quân" nghe cũng đã tai lắm. Thành râm ran vui sướng, đạp chân lên một cái xác ở ngay trước mặt để lấy đà bay lên. Thành đáp xuống ngay trước mắt một tê đàn ông cao lớn, râu tóc che kín mặt, tay cầm trường đao càn quét qua quân lính của anh. Hắn là tên được trang bị khí giáp cẩn thận nhất trong đám áo đen này.
Một kiếm chém xuống, tên cầm đầu nhanh nhẹn giương đao ra đỡ. Thân thủ của hắn không phải dạng vừa, cộng thêm kinh nghiệm chiến đấu nên mắt hắn chẳng nổi lên chút hoang mang nào. Ngay sau đòn đỡ, hắn xoay gót chân, tiến đến tấn công bằng cây trường đao cao gấp đôi người hắn. Mục đích là chẻ đôi người Thành!
"Mày là ai?" Thành lùi lại, dừng một nhịp để hỏi danh tính.
Tay cầm đầu như một kẻ điên, chỉ ngửa đầu cười khà khà như thể vui thích lắm.
"Mau quy phục để được hưởng khoan hồng."
"Về bảo mẹ mày ấy!"
Nói xong hắn lại lao lên, vung đao không chút nhân từ.
Thành cau mày, cố gắng né những đòn chí tử. Với sức vóc của đàn ông An quốc thì dùng kiếm là phù hợp nhất. Vậy mà kẻ trước mặt lại có một kỹ năng sử dụng trường đao thượng thừa. Điều này thật sự làm Thành được mở rộng tầm mắt. Tưởng như cây đao ấy không phải một binh khí nặng nề mà chỉ là một dải lụa uyển chuyển.
Mất quá nhiều sức để giao đấu, dù hắn không nắm được thế thượng phong thì Thành biết rồi điều đó cũng sẽ xảy ra. Tên cầm đầu có thể lực dồi dào, mỗi đòn vung ra đều có tốc độ nhanh như chớp giật. Nếu đấu trực diện, Thành biết mình và cây kiếm nhỏ này không phải đối thủ.
Anh là Thị lang Bộ binh, người được điểm cao nhất trong những môn tinh võ, người được Hàn Lâm Viện trọng dụng nhất, người luôn chiến đấu bằng khối óc, lý trí chứ không phải bằng kỹ năng điều khiển binh khí hay các thế võ phức tạp... Thành nắm chặt kiếm trong tay, tự mình niệm chú để tìm lại dũng khí.
Anh sẽ không để thua một kẻ nổi loạn không rõ lai lịch.
Thành lùi lại, nụ cười khinh khỉnh vẫn đặt trên môi làm cho tên cầm đầu có đôi chút khó hiểu. Sau đó Thành tra kiếm vào vỏ và cởi giáp, lẩn vào trong đám người đang say mê chém giết.
Cũng chỉ là một tên nhãi tham sống sợ chết! Tay cầm đầu nghĩ.
Tướng triều đình rặt mấy tên yếu nhớt, không có kinh nghiệm chiếu đấu. Hắn là kiểu người dãi gió dầm mưa, trải qua bao phen thập tử nhất sinh trên chiến trường nên cái chết với hắn chỉ là một khoảnh khắc chứ chẳng có gì lớn lao. Một lính giỏi như hắn đáng ra phải được trọng dụng, nhưng tay tướng cũ ở bờ Tây là một thằng ngu! Hắn không phục những kẻ ngu ngốc nên đã đào ngũ, cùng với những kẻ không phục khác tạo phản.
Hắn chưa gặp Đức Vua bao giờ, song nhìn cách dùng người của ông ta là đủ hiểu ông ta có anh minh hay không.
Tay cầm đầu cố đuổi theo cái bóng đen của Thành mà không biết, anh đã sử dụng kế ve sầu thoát xác để đánh lừa hắn.
Đột nhiên từ hai bên cánh, hai người mang cái bóng giống hệt với bóng của Thành lao đến, vung kiếm chém xuống ngọt lịm. Theo phản xạ, tên cầm đầu giơ hai tay lên đỡ. Nhưng chỉ đỡ được một. Hắn thấy có gì đó hụt hẫng, cơ thể mất đi cân bằng.
Đến khi nhận ra người mà hắn vừa đuổi theo không phải là Thành thì cũng là lúc hắn thấy cánh tay mình rơi xuống ngay chân, máu phun thành tia. Cơn đau bắt đầu truyền đi khắp cơ thể.
Lưỡi kiếm của Thành rướm máu tươi, anh vung cổ tay, chém thêm một nhát vào tay còn lại của tên cầm đầu. Hắn vẫn còn sức để tránh được, nhưng không đủ để thoát hoàn toàn. Mu bàn tay của hắn bị xẻ sâu, máu rơi tong tỏng, thấm xuống đất như hoa.
Thành gật đầu ra hiệu cho cận vệ của mình lao lên vây bắt tên cầm đầu.
Chỉ còn một tay để điều khiển trường đao, tốc độ của tay cầm đầu chậm dần. Điều đáng nói là hắn càng cử động mạnh thì máu càng chảy tợn hơn. Sự tỉnh táo của hắn cũng theo đó tràn ra ngoài. Hai mắt hắn hoa lên, hình ảnh nhập nhằng như khi hắn nhìn những cái bóng in trong nước.
Như mèo vờn chuột, hai cận vệ không vội vàng lao vào. Họ trao đổi chiêu thức với hắn làm cho hắn mệt lử. Sau mười chiều, tên cầm đầu quỵ xuống, cả người dựa vào cây trường đao cắm trên đất. Hắn lừ mắt nhìn Thành đang tiến tới rồi ngất lịm đi.
Đám người áo đen thấy thủ lĩnh bị bắt thì như rắn mất đầu, tản ra chạy loạn về các hướng.
"Bắt lại." Thành ra lệnh.
Trong trận chiến đầu tiên, Thành đã học được một bài học đắt giá. Sự hiếu thắng sẽ là kẻ giết mình trước, sau đến mới tới kẻ địch.
...
Mặt trời mọc vượt kinh thành Minh Sơn, đâm vào trong căn phòng những thanh ánh sáng màu cam nhạt. Cẩm Diệp ngồi thẳng lưng bên một chiếc bàn ngay giữa phòng, chăm chú vẽ một bức tranh lớn. Xung quanh nàng là những lọ nhật bình cao bằng người, hoa văn xanh nổi trên men sứ trắng ngà. Bên trong lòng nó là những cuộn tranh bí ẩn, dường như không bao giờ được mở ra.
Ngòi bút nhỏ chấm lên một nghiên mực màu đỏ thắm. Nàng quệt đi quệt lại để lông ngậm đầy mực rồi mới tô lên mặt giấy dó màu vàng nhạt. Có vẻ như nó đã được nhuộm bằng lá bàng. Mặt giấy sần sùi và có những vệt vàng nâu loang không đều.
Đó là một bức tranh khổ lớn, vẽ một người đàn bà đội vương miện dành cho Hoàng Hậu. Trong tranh, bà mới chỉ khoảng hơn bốn mươi. Đây là hình ảnh cuối cùng của bà ở trên dương thế.
Đã là ngày thứ hai ở trong cung, tại căn phòng này. Cẩm Diệp vẫn giữ lưng thật thẳng và một khuôn mặt đầy chăm chú với tác phẩm. Bởi vì đây là tác phẩm lớn đầu tiên, lại được Đức Vu giao vẽ nên nàng không dám lơi lỏng tâm trí.
Cẩm Diệp không phải người vẽ giỏi. Ngay cả Ren cũng cho rằng như thế. Chàng từng nói nàng giỏi lý luận hơn. Song, Đức Vua vẫn muốn nàng vẽ người mà ngài yêu. Không rõ điều gì đã khiến Đức Vua nghĩ Cẩm Diệp sẽ làm tốt nó, nàng cũng không dám hỏi. Đức Vua luôn có cái lý của người. Chỉ cần người thấy đúng thì ai dám cãi chứ?
Giờ đây Cẩm Diệp thấy mình may mắn, một chút lo lắng nữa. May mắn vì Đức Vua không mang dục vọng với nàng, lo lắng vì nàng không biết bức tranh này có thể làm hài lòng Đức Vua hay không.
Có tiếng bước chân rất khẽ khàng. Những cung nữ nối đuôi nhau mang những chậu nước và đồ vệ sinh cá nhân vào.
"Cô Cẩm Diệp nghỉ tay chút đã." Một cung nữ nhẹ nhàng khuyên bảo.
Họ bày đồ ra một cái bàn trống, khéo léo không để một giọt nước nào vương ra ngoài. Khi Cẩm Diệp ngẩng đầu lên thì một cung nữ đã nâng cái khăn ướt được gấp vuông vức đến cho nàng. Cô ta nhướn mày đầy mời mọc.
"Cảm ơn nhiều!" Cẩm Diệp đón lấy khăn và lau đôi mắt thiếu ngủ của mình. Sau đó nàng bước đến bên cái bàn và bắt đầu vục đôi tay của mình xuống. Các đốt ngón tay của nàng như tan mềm trong lòng nước lạnh. Nàng khoan khoái nhấn sâu thêm, để cả cổ tay của mình ngập trong nước.
Xong xuôi, đám cung nữ ấy rời đi và một đám khác lại bước vào. Họ mang đồ ăn sáng tới. Mùi thơm của mì tươi và nước hầm rau củ bay khắp phòng. Theo ngay sau đó là một ấm chè chưa được hãm nhưng chỉ cần Cẩm Diệp dùng bữa xong là sẽ có ngay.
"Mời cô Cẩm Diệp dùng điểm tâm sáng."
Khi ở nhà, Cẩm Diệp rất ít khi ăn sáng vì thường lúc ngủ dậy bụng dạ của nàng ngang phè. Chỉ cần ngửi thấy mùi thịt hoặc dầu mỡ là ruột quặn lại như muốn nôn. Nhưng lần này thì khác, bát mì trước mặt vô cùng hấp dẫn. Nàng muốn thưởng thức nó ngay lập tức. Có thể do đêm qua nàng không ngủ, hoặc là đồ ăn trong cung được chế biến tinh tế hơn.
Trước khi vào cung, cha và anh trai đã luôn miệng dặn nàng phải giữ ý lời ăn, tiếng nói. Nhưng hoá ra, trong cung không đến mức nghiêm ngặt như nàng nghĩ. Mọi người đều vui vẻ và lịch sự, Đức Vua từ khi cho vời nàng vào vẽ cũng chưa một lần đến tìm. Ngài nói khi nào vẽ xong thì báo với thái giám là được. Khác hoàn toàn với những lời đồn ác ý về cung cấm trong nhân gian.
"Cô Cẩm Diệp vẽ đẹp quá." Một cung nữ thốt lên. Ngay lập tức, những cô cung nữ khác quắc mắt nhắc nhở.
Cẩm Diệp nhìn lại bức tranh dang dở của mình, vui sướng vì có người khen nàng vẽ đẹp. Đây là lần thứ hai. Người đầu tiên khen nàng là Đức Vua.
"Không sao." Cẩm Diệp an ủi cung nữ vừa lỡ miệng. "Tôi không có chức sắc gì ở đây, các cô cứ tự nhiên."
"Tôi nghe nói cô là cô gái duy nhất đỗ Cao đẳng Mỹ thuật năm nay?"
"Do tôi may mắn thôi."
"Cô giỏi lắm ấy! Chúng tôi sinh ra đã bị bố mẹ bảo chẳng làm được gì ngoài đi ăn nhờ ở đợ cho người ta. Không thì phải đi lấy chống."
"Việc mà các cô đang làm thì tôi lại không biết làm. Tôi còn thua kém các cô nhiều."
"Nhưng chúng tôi cũng có những sở thích, ước mơ mà không có điều kiện hoặc không dám thực hiện. Kiểu như vẽ tranh, múa hát, làm thơ ấy..."
Cẩm Diệp im lặng. Nàng không biết phải đáp lại ra sao vì dường như ở đây, nàng chỉ là một người may mắn.
"Cô Cẩm Diệp có nét giống Hoàng Hậu quá cố lắm!" Cung nữ hay vạ miệng ấy lại thốt lên một câu chẳng vô tư.
"Cẩn thận cái miệng." Các cung nữ khác xì xầm nhắc nhở.
Cẩm Diệp cau mày: "Giống ở điểm nào?"
"Hồi còn trẻ. Còn người cô vẽ là Hoàng Hậu khi gần tạ thế rồi. Thôi tôi nói đến đây thôi. Vì tôi ngưỡng mộ cô nên mới nói nhiều đến vậy. Cô bỏ qua cho tôi nhé!"
Đám cung nữ bảo ban nhau thu dọn đồ đạc rồi rời đi. Lại chỉ có mình Cẩm Diệp ở trong căn phòng này. Nắng đã chói hơn, mùa hè vẫn chưa dứt. Trông ra ngoài cửa sổ, các thái giám trẻ đang nặng nề kéo những chậu cây cảnh vào bóng râm. Nếu cứ để ngoài đó e là đến chính Ngọ chúng sẽ chết khô hết cả.
Cẩm Diệp đi ra bàn vẽ, nhìn kỹ khuôn mặt của người phụ nữ trong tranh. Nàng lại đi tới một lọ nhật bình, rút một bức tranh trong đó ra. Lúc này Cẩm Diệp mới biết, toàn bộ những cuộn tranh cắm trong lọ đều là những bức vẽ về Hoàng Hậu. Dưới góc mỗi bức tranh đều có bút ký của Đức Vua.
Từng bức tranh được trải ra sàn, cho đến khi không còn chỗ trống nào nữa thì Cẩm Diệp mới dừng lại. Nàng lặng yên ngắm nhìn Hoàng Hậu từ lúc trẻ cho đến khi ở khoé miệng, khoé mắt người có nếp nhăn.
Cẩm Diệp di bàn tay lên khuôn mặt của Hoàng Hậu hai mươi tuổi. Ngày người đăng cơ.
Không kìm được, nàng lẩm bẩm nói với chính mình: "Đúng là rất giống!"
...
Ông Phúc đi đi lại lại, trong khi đó Văn Thuỷ thì lại uống trà rất thảnh thơi. Được một lúc, Ông Phúc liền dừng lại, ngẫm nghĩ. Ông nói: "Ta phải tính, ta phải tính."
"Cha định tính gì với Đức Vua?"
"Phải tính đường. Cha chưa bao giờ nghĩ nhà chúng ta sẽ có liên quan gì đến Đức Vua cả. Đúng là tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa. Ta đã tưởng ta sẽ là người dứt nghiệp quan đầy thị phi cho dòng họ này, vậy mà..."
Văn Thuỷ cười nhạt: "Người tính không bằng trời tính. Vậy mà giờ cha lại định tính tiếp?"
Ông Phúc nạt: "Im đi. Giờ không phải là lúc nói chuyện đã rồi. Chúng ta phải có những phương hướng mới."
Văn Thuỷ đứng dậy, anh đi tới vỗ vai cha: "Cha ơi, cả đời cha đã luôn tính toán cho việc các con của cha sẽ cưới ai, liên kết được với nhà nào có lợi cho cha... Lần này là Đức Vua đấy, cha không vui ư?"
"Chẳng có gì là vui mừng cả. Ai biết nó là hoạ hay là phước?"
"Nếu Đức Vua muốn thì cha dám chống đối ngài?"
"Trước khi Đức Vua muốn, ta phải gả ngay con Cẩm Diệp đi."
"Kìa cha, em con nó còn đi học mà."
"Giờ này còn học hành gì nữa? Chính mày cũng nói nó không muốn lấy Đức Vua còn gì."
Văn Thuỷ hừm nhẹ, anh để câu chuyện lại đấy vì chính anh cũng không có cách gì hay hơn. Thành đã ra trận, chiến tranh cũng sắp nổ ra. Trong thời buổi này, kiếm đàn ông là một chuyện khó chứ chẳng phải chuyện đùa. Nếu Cẩm Diệp đi lấy chồng, thì cha cũng sẽ xuôi xuôi chuyện cưới xin của anh thôi. Vì ít nhất, một đứa con của cha đã vào đúng cái vị trí mà cha chuẩn bị.
"Cha ơi, sắp tới con định rời thành."
"Đi đâu vào giờ này?"
"Tìm kiếm."
"Mày nói rõ ra thì chết à?"
"Một tương lai."
Ông Phúc dừng lại hai giây, suy ngẫm. Ông không phải người thích bài xích những ý tưởng của con cái, nhưng không hiểu sao lúc nào nghe chúng nó phát biểu một ý kiến nào đó ông cũng thấy không vừa lòng.
"Văn Thuỷ, sắp tới cha phải nghỉ ngơi. Con hãy tiếp quản tiệm vải đi. Trong thời buổi loạn lạc thế này, ta phải làm mọi cách để giữ cơ ngơi mà cha đã xây dựng." Để tránh thêm sự phản kháng từ đứa con trai ngỗ ngược, ông Phúc dịu giọng xuống.
Văn Thuỷ dường như không quan tâm. Anh đứng dậy, kéo cha lại để cha ngồi lên cái ghế của mình. Anh đặt tay lên vai ông, cúi người nhìn thẳng vào mắt ông: "Cha hãy nhớ cha đã đi lệch khỏi quỹ đạo của ông nội như thế nào. Cha cũng nên chuẩn bị một ngày nào đó, con cái của cha không đi theo con đường mà cha muốn."
Ông Phúc thấy mình như già đi cả nghìn tuổi khi nhìn đứa con trai độc nhất khuất bóng trong sân nhà. Thật sao? Đây là cái nghiệp của ông thật sao? Hay chỉ mình ông coi đó là cái nghiệp. Là một người giỏi lập kế hoạch, giỏi tính toán, nhưng ông lại không thể nào tính toán được đường đi nước bước cho những đứa con ruột của mình.
Không biết người ta đã nghiên cứu ra chưa, nhưng có thể đây là di truyền mai một. Tức là càng nhiều đời sau, thì con cháu chúng ta sẽ không còn mang chút nào lý tưởng của chúng ta nữa. Thậm chí là về mặt sinh học, tính di truyền cũng sẽ bị phai mờ.
Văn Thuỷ nhận ra, mình hợplàm một làm lãng khách hơn là một công tử quyền quý. Nếu ở một chỗ quá lâu anhsẽ trở thành một con người ích kỷ, dễ dàng thất vọng. Cứ như chuyện của anh vàMai là thấy. Chỉ cần nàng không chấp nhận anh cũng khiến anh buồn bực khó chịu.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top