20
"Lịch sử sẽ được tạo nên trong vài tháng, vài năm, thậm chí là lâu hơn nữa trong cuộc chiến sắp tới. Một cuộc chiến dài hơi, phải, một cuộc chiến dài hơi! Nhưng chúng ta đều là một nhân tố tạo nên lịch sử đó, vậy nên chúng ta có quyền tự hào..."
Hàng ngàn binh lính đứng bên dưới trời nắng chang chang trong bộ áo giáp nặng nề. Trông họ như những cây đinh cắm trên một miếng da thuộc, ngay hàng thẳng lối và bất động. Họ chỉ là những người trẻ, hầu hết đều là những người mới - chưa từng nếm qua sự khốc liệt của chiến tranh nên vẫn còn hào hứng và mộng mơ nhiều. Trong đầu họ giờ đây chỉ toàn suy nghĩ về chiến thắng, những mục tiêu giết bao nhiêu quân địch để lập công. Và đương nhiên rồi, họ sẽ nghĩ luôn đến ngày chờ về, những cô gái đẹp nhất thành Minh Sơn sẽ ra đón họ và tung hê tên họ. Họ sẽ trở thành những vị anh hùng.
Hưng đứng trên đài cao phát biểu. Lời của ông như sấm rền, vang khắp thao trường. Suốt sự nghiệp của mình, ông đã có nhiều bài chiêu binh còn hùng hồn hơn thế, nhưng ông biết không có lần nào ấn tượng như lần này.
Rất có thể, đây sẽ là lần cuối.
Từ ngày có lệnh chiêu binh, hàng loạt thanh thiếu niên khắp An quốc đã tự nguyện nộp đơn tham gia. Có cả những người ở tầng lớp thượng lưu, bất ý chí vì sống trong nhung lụa nên tìm việc để khuây khoả. Dù bao năm qua tình hình chiến sự ở vùng biên ải có gay gắt thế nào, thì với họ, chiến tranh vẫn chỉ như một cuộc đánh trận giả ngày bé. Ai cũng nghĩ đó là một trò đùa và cái chết là giả. Khi trò chơi kết thúc, ai nấy lại về nhà ấm êm.
Với một đất nước sắp nổ ra chiến tranh, tinh thần thiện chiến là một điều tốt nhưng sự mộng mơ là một điều không tốt. Vì khi hiện thực bày ra, chỉ sợ những người từng thiện chiến ấy sẽ sợ hãi bỏ trốn.
Tại trường Cao đẳng Mỹ thuật, kỳ thi tuyển sinh vẫn diễn ra dù Hoàng Thống và An quốc đang sắp có chiến sự. Không khí căng thẳng chẳng kém một buổi chém giết. Có chăng, đây là chém giết trong tư tưởng.
Những cái chòi tranh được dựng từ sáng sớm trên sân. Bên trong, tất cả thí sinh đều yên vị, giấy bút sẵn sàng.
Cẩm Diệp nhìn quanh, phát hiện ra không có ai là nữ như nàng. Trong lòng nổi lên chút đắc ý, Cẩm Diệp tủm tỉm cười.
Trái tim Cẩm Diệp đã dần nguôi nỗi đau về Ren, nhưng lý tưởng nghệ thuật của nàng thì có chút thay đổi. Nàng sẽ viết, sẽ vẽ vì chàng. Vì tình yêu dang dở của cả hai. Chính lý tưởng này sẽ giúp nàng nhìn nỗi đau của mình một cách tích cực hơn. Đó là một vẻ đẹp khác của tâm hồn. Nó khiến nàng có thêm niềm tin vào đam mê của mình.
Cẩm Diệp đã nghiệm ra: Nàng không cần phải chết. Nàng sẽ thiêu rụi đời mình trong nghệ thuật. Tựa như đang sống thay cả phần đời của chàng.
"Phát đề!" Giọng the thé của thái giám thân cận với Đức Vua vang qua loa, ngay sau đó là một hồi chiêng chói tai không kém.
Đức Vua ngồi trên nơi cao nhất, dưới ông một bậc là Hiệu trưởng trường với lưng áo ướt đẫm mồ hôi. Mùa hè ở An quốc luôn là mùa khắc nghiệt nhất với ông ta. Dù ở đây đã lâu ông vẫn không sao quen được. Hiệu trưởng vừa lau mồ hôi vừa nhăn mặt. Vì có Đức Vua ở đây, ông không dám cho người cầm lọng che.
"Hiệu trưởng." Đức Vua nói khẽ, mắt vẫn nhìn vào đám sinh viên đang cắm cúi làm bài.
"Có tôi đây thưa ngài." Hiệu trưởng cúi đầu.
"Sau kỳ thi này mau trở về Hoàng Thống đi."
Hiệu trường không bất ngờ trước lời nói đó, ông đã biết ý tứ của Đức Vua.
"Vâng thưa ngài."
"Tôi không muốn động tay đến ông vì những điều ông đã làm cho trường và cho dân An quốc. Dẫu sao, nghệ thuật của trường đã khiến bao lớp người say mê."
"Cảm ơn ngài, ngài thật tử tế!" Đó là những lời thật lòng mà Hiệu trưởng muốn dành cho Đức Vua.
"Về nói với vua của ông." Đức Vua nhấc tay áo, phất phơ nó hai lần như thể bới tìm lời nói, rồi chống cằm. "Bản thân tôi yêu hoà bình. Nhưng dân tôi tính tự tôn cao lắm..."
"Tôi hiểu thưa ngài."
Đức Vua im lặng một lúc rồi mơ hồ nói: "Ông không hiểu được đâu."
"..."
"Ông đâu có làm vua mà hiểu!"
Hiệu trưởng quỳ xuống: "Tôi sẽ chuyển lời của ngài đến vua tôi. Mong ngài và An quốc bảo trọng."
Đức Vua không nói thêm gì cả, chỉ dán mắt vào một chiếc chòi ở đằng xa. Nơi đó có một cô gái. Cô gái duy nhất trong đám thí sinh này. Dù đã già nhưng ông vẫn nhìn thấy rất rõ bóng áo tím nổi bật của nàng, tia sáng rung rinh theo chiếc trâm bạc cài trên đầu. Nàng như một luồn gió mát giữa trưa hè oi nóng, như một tinh cầu tĩnh lặng trong lúc thời thế đảo điên.
"Đó là ai?" Đức Vua nghiêng đầu hỏi.
"Dạ?" Cả thái giám và Hiệu trưởng trả lời.
"Cô gái đó." Đức Vua duỗi ngón trỏ có đeo một chiếc nhẫn lớn bằng cẩm thạch về phía Cẩm Diệp.
Hiệu trưởng nheo mắt nhìn theo cái trỏ của ngài, đáp: "Đó là Cẩm Diệp, con gái của thương nhân buôn vải giàu nhất thành Minh Sơn."
"Ông có quen biết cô ấy không?"
"Cẩm Diệp cùng ông Phúc, là cha của cô, có đến phòng tôi để hỏi về việc đăng ký thi."
"Ông thấy cô ấy thế nào?"
"Có suy nghĩ tiến bộ. Cô ấy muốn trở thành một người phiên dịch, đại loại thế, cho những người nghệ sĩ. Suy cho cùng thì cô ta cũng có một mục đích rõ ràng với nghệ thuật."
Đức Vua hừm nhẹ, sau cái hừm ấy là một cái cười. Không rõ là hài lòng hay mỉa mai.
...
Tiếng đập quạt vào lòng bàn tay nghe như tiếng đập cánh của một con chim.
"Thay Hiệu trưởng á?"
"Vâng, thay luôn, ngay sau buổi thi."
"Êm đẹp chứ?"
"Êm ru."
"Em có thấy lạ không?"
Cẩm Diệp nhún vai trước câu hỏi của anh: "Em chẳng quan tâm đâu, chỉ cần đỗ là được rồi."
Văn Thuỷ lo lắng: "Người đứng đầu trường rất quan trọng, nếu thay Hiệu trưởng thì đường lối giáo dục của một ngôi trường cũng sẽ thay đổi."
Cẩm Diệp cười khúc khích, nàng đang mơ màng đến chuyện khác. : "Anh biết gì không? Lúc thi xong, Đức Vua có gọi em đến."
Lúc này Văn Thuỷ mới thật sự không quan tâm đến chuyện Hiệu trưởng trường bị thay bởi một người An quốc. Anh cau mày hỏi: "Sao Đức Vua lại gọi em?"
"Em không biết. Trước khi em ra về, Thái giám có bảo Đức Vua đang đợi em trong phòng Hiệu trưởng."
"Rồi sao?"
"Ngài nói đã xem bài thi của em. Em sẽ được vào trường."
Văn Thuỷ dừng bước, mở to mắt kinh ngạc: "Thật sao?"
Cẩm Diệp gật đầu, thêm phần mừng vui: "Em có thể hiểu là em được tuyển thẳng không?"
Nhưng ngay lập tức, khuôn mặt của Văn Thuỷ sầm lại như một đám mây đen. Việc đổi Hiệu trưởng ngay trong ngày thi đã làm anh nhận ra được lý do tại sao Đức Vua lại tham gia kỳ thi. Ông đang muốn triệt bỏ tất cả những quyền hành mà người Hoàng Thống đang nắm giữ ở đất nước này. Nhưng còn Cẩm Diệp thì sao? Em ấy có liên quan gì đến chuyện chính trị kia chứ?
"Sao thế anh?" Cẩm Diệp vẫn chữa hết hưng phấn sau khi biết mình đã được tuyển thẳng. Nàng ngây thơ nghĩ rằng bài thi của mình làm quá tốt, tốt đến mức chính Đức Vua phải tự mời nàng vào trường học.
"Anh e là Đức Vua muốn gì đó ở em."
"Muốn gì là muốn gì? Anh nói rõ ra xem nào!"
"Đức Vua không có con nối dõi, hậu cung vẫn bỏ trống ngôi vị cao nhất..."
"Vâng, ai cũng rõ mà. Cháu trai của ngài sẽ kế vị."
"Em vẫn không hiểu à Cẩm Diệp?" Văn Thuỷ gắt. "Tại sao Đức Vua lại phải gặp riêng em chứ? Trước giờ em có liên quan gì đến cuộc đời của người đâu!"
"Chuyện đó có liên qua..." Cẩm Diệp dừng lại vì nàng đã tự trả lời được. Khuôn mặt chuyển đổi trạng thái như cơn mưa rào đột ngột. Nàng hoang mang thở khe khẽ, rồi từ từ lùi lại.
"Cẩm Diệp." Văn Thuỷ gọi.
"Anh đừng nói gì cả!"
Văn Thuỷ cắn môi, níu lại khuỷu tay của em gái, cố trấn an: "Chắc không phải vậy đâu. Đức Vua đã già rồi."
Cẩm Diệp càng sợ hãi, nàng vùng ra khỏi bàn tay của anh và chạy đi. Ống vẽ, giấy bút vẫn ở sau lưng nàng, lộn xộn xóc nảy theo từng bước chạy. Nàng nghe thấy tiếng gọi thất thanh của Văn Thuỷ, nhưng dần dần, nó chỉ còn là một âm thanh mờ mịt.
Văn Thuỷ thở dài, anh không đuổi theo. Chắc em gái anh cần một nơi để bình tâm lại. Chính anh cũng sợ, nhưng anh không thể mất kiểm soát hơn Cẩm Diệp. Anh cần phải nghĩ cách. Nó chưa xảy ra thì có nghĩa là vẫn có thể thay đổi.
Nghĩ cách, nghĩ cách!
Văn Thuỷ gõ nhẹ quạt lên tóc mình. Rồi anh vẫy một tay phu xe đang nhấp nhổm bên đường. Hắn đã mời chào Văn Thuỷ từ lúc anh đợi Cẩm Diệp ở đây nhưng anh không mấy quan tâm.
"Đến tiệm vải Phúc Diệp Thuỷ."
Trời hè trắng xoá, những tán cây im lìm khô héo.
Văn Thuỷ không biết mình đã trả trước cho tay phu bao nhiêu tiền. Anh chỉ thấy hắn liên tục cảm ơn, rồi lúi húi nắm tay kéo, gồng mình chạy dưới cái nóng như thiêu như đốt.
...
Cẩm Diệp cứ chạy mãi, đầu óc nàng mơ hồ nhưng đôi chân thì biết đường để chạy. Nó làm nàng chờ đón nơi nó sẽ dừng lại.
Cho đến khi ngay cả đôi tay nàng cũng tự ý hành động. Những đầu ngón tay đau nhói, nàng mới nhận ra nàng đang đập cổng nhà Thành đầy thô lỗ.
Cổng hé mở, Thằng Tí thò đầu nhìn Cẩm Diệp. Thấy vẻ hớt hải, tóc bết vào trán vì mồ hôi của nàng, nó tự hiểu chắc hẳn nàng đang có chuyện cấp thiết. Vậy là nó mở rộng cả hai cánh cổng, đứng nép sang một bên và cúi mình mời vị tiểu thư mà nó vẫn luôn nghĩ nàng là người xinh đẹp nhất thế gian.
Cẩm Diệp gật đầu cảm ơn rồi chạy thẳng vào trong.
Ít nhất thì hôm nay cũng không phải là ngày rằm hoặc mùng một gì đó, thế là tốt lắm rồi!
Tất cả những gì đang quay cuồng trong đầu Cẩm Diệp, chỉ có suy nghĩ đó là rõ ý nhất.
Hôm nay không phải ngày đại kị, người ta sẽ không kiêng cữ chuyện gì cả. Kể cả chuyện cầu hôn.
Vậy nên nàng mới thản nhiên quỳ xuống ngay trước mặt Thành, nói không vấp váp: "Xin anh hãy cưới tôi."
Bàn tay đang rót trà của Thành vẫn giữ ở giữa không trung, may là nước trà vẫn còn nguyên trong ấm. Khuôn mặt của anh hiện vẻ khó hiểu, đó là một lẽ tất nhiên. Anh chỉ biết tìm câu trả lời bằng cách nhìn Cẩm Diệp thật lâu. Lưng nàng vẫn đang đeo ống tre đựng bút vẽ và giấy, hẳn là nàng vừa đi thi về.
Cuối cùng, Thành chỉ nghiêm giọng: "Cô căng thẳng quá rồi. Mau về nhà nghỉ ngơi đi."
"Tôi đang rất tỉnh táo. Anh phải lấy tôi, nếu không tôi sẽ quỳ ở đây mãi."
Thành quyết định rót trà, tiếng nước chảy tí tách vào chén làm tâm anh lắng lại. "Cô đứng dậy đi. Tôi biết cô đâu có yêu thích gì tôi. Rốt cuộc lý do là gì?"
Cẩm Diệp ngẩng lên, nước mắt nàng đã lăn dài trên má. Nàng cố gắng nói rõ ràng nhất có thể: "Đức Vua.. Đức Vua muốn tô..." Tiếng khóc ào ra như một cái lọ được đổ đầy nước.
Thành lúng túng, anh đưa cho cô cái khăn lụa của mình. Hôm nay anh chưa cần dùng đến nó.
Cẩm Diệp nhận lấy và lau nước mắt, nhưng vừa lau xong lại có giọt khác chảy xuống.
Thành chờ đợi, kiên nhẫn lắng nghe tiếng gào khóc của Cẩm Diệp. Rốt cuộc là có chuyện gì? Hay nàng biết mình sẽ trượt và cha nàng lại bắt nàng cưới ai đó? Thành không chắc chắn vào những dự đoán của mình. Nó phải kinh khủng hơn thế vì ngay cả lúc nghe tin Ren chết, nàng ta cũng đâu khóc tợn như thế này.
Cẩm Diệp dừng khóc, nói trong tiếng nấc: "Đức Vua muốn lấy tôi. Tôi tính rồi, đời tôi còn trẻ như vậy, làm sao có thể làm vợ của một ông già?! Cho dù đó là người đứng đầu An quốc. Ôi, chẳng thà tôi lấy anh còn hơn."
Thành cau mày, nghiêm túc xem xét lại câu cuối. Nhưng cuối cùng anh chỉ hỏi: "Đức Vua có lệnh vời cô vào ư?"
"Không có."
"Vậy thì Đức Vua nói sẽ lấy cô?"
"Không có."
"Thế làm sao mà cô biết ngài muốn lấy cô?"
Cẩm Diệp ngơ ngác, chính nàng cũng hoài nghi.
Thành thở hắt. Anh cụp mi, nhấp môi vào chén trà mới rót: "Cô về và suy nghĩ cho thấu đáo đi. Chuyện hôm nay coi như chưa có gì."
"Không, tôi cảm nhận được."
"Cô cảm nhận được gì?"
Trong ánh lệ còn vương, đôi mắt của Cẩm Diệp như sáng lên sau khi nghĩ đến cuộc nói chuyện chớp nhoáng với Đức Vua. Nàng gằn mạnh từng tiếng: "Tôi cảm nhận được ngài thích tôi."
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top