1
Nếu như không mất Ren, thì mùa đông năm ấy đã chẳng lạnh đến vậy.
...
Xuân đã về rồi nhưng nắng thì chưa, đất trời dày đặc mưa mù trắng xoá. Nhìn từ trên cao, kinh thành Minh Sơn tưởng như một trị trấn hẻo lánh trên núi, với những mái nhà lẩn quất trong sương và cây cối u buồn. Cũng ẩn hiện trong khung cảnh mùa xuân lạnh và ướt ấy là một ngôi nhà lớn nằm ven đường, nó được bao quanh bởi bốn dãy tường cao và một cánh cổng sơn đỏ nổi bật. Tay nắm cổng mạ vàng, cột chống bằng gỗ lim chắc chắn. Đứng dưới mái hiên có thể nghe thấy âm thanh huyên náo từ một khu chợ gần đó vang lại, đan cài vào là những tiếng chân trần lạch bạch trên mặt đường sình lầy bùn đất.
Một thằng bé chừng mười hai tuổi bước rộng, nhảy lên hai bậc để đứng vào mái hiên nhô ra. Cả người nó gầy guộc, khốn khổ trong một manh áo rách. Chân nó đầy bùn, in hằn lên khoảnh hiên được lát bằng gạch nung đỏ. Nó rũ đầu tóc hôi rình vì mưa xuân, sau đó đập cổng gọi lớn:
"Có ai ở nhà không ạ?"
Rất nhanh sau đó cánh cổng được mở, một con ở mặc áo nâu sờn cũ thò đầu ra. Nó và thằng hầu kia cũng chỉ chạc tuổi nhau, nhưng theo thói quen, gặp ai chúng nó cũng cúi mặt như thể đã làm gì có lỗi.
"Tôi là người của cậu Thành, cậu sai tôi sang đây để thưa với ông lớn vài chuyện quan trọng." Thằng bé nói.
Con ở vội vàng đẩy cánh cổng lớn, sau đó nó đứng lùi sang một bên để thằng bé kia vào.
Hai đứa đi qua một khuôn viên rất rộng, hai bên cánh là nơi của người ở, kho chứa và nhà bếp, ở giữa là nhà chính gồm hai tầng và ba gian. Tường nhà sơn màu vàng tươi, cột chống ngăn gian được nối lại với nhau bằng những mái vòm, tạo nên một thế đối xứng thêm chút nhã nhặn. Ở gian chính giữa có treo một gương bát quái, vì trời quá ẩm nên trên gương có đọng vài giọt nước. Kiến trúc nhà đã được biến đổi nhiều so với lối truyền thống. Trông vừa sang trọng mà cũng lạc lõng.
Đến trước bậc tam cấp của gian chính, thằng hầu dừng lại, chắp hai tay về phía trước để chờ cho con ở vào thưa chuyện với ông lớn. Vô tình, nó thấy một thiếu nữ chừng hai mươi đang ngồi tựa cửa ở gian bên.
Đó chính Cẩm Diệp, con thứ của nhà ông Phúc. Nàng đẹp, một thân áo lụa tím, đôi mắt mơ màng nét buồn thảm. Với khung cảnh mùa xuân êm đềm này, nàng cứ như đang ở trong tranh. Da nàng trắng, tóc vấn cao và được cài trâm bạc có khảm ngọc xanh. Không biết gặp cơ sự gì nhưng nhìn nàng không được khoẻ, thân mình cũng gầy yếu như hạc, khác hẳn cái hôm thằng bé cùng cậu Thành đến thưa chuyện cưới xin.
"Bẩm ông, có người nhà cậu Thành xin được gặp ạ."
"Bảo nó vào đi."
Ông Phúc phất ta ra hiệu rồi lật khẽ mình, chỉnh thế cho thoải mái. Ông mặc áo gấm màu lục, nửa nằm nửa ngồi trên trường kỷ. Một tay nâng điếu một tay châm đóm, dáng vẻ trễ nải thường thấy của đám quý tộc. Ông cúi đầu rít từng hơi, khói toả ra từ mũi. Lửa dần dần lụi tắt, để lại trên cái lỗ đựng thuốc một tàn đỏ le lói.
Ở tuổi ngũ tuần mà khuôn mặt ông Phúc nom còn trẻ lắm. Cũng bởi cơ thể béo tốt, nước da hồng hào lại không để râu nên trông ông không có cái vẻ già cỗi. Ông là con trai của một viên quan thuộc hàng tứ phẩm trong triều, nhưng không theo chốn quan trường mà quyết định buôn bán. Có vẻ ông đã chọn đúng hướng khi hiện tại, cơ ngơi của ông đủ để khiến người ta kinh hãi. Có những câu chuyện khác nhau được thêu dệt, chúng liên quan đến tài sản mà ông Phúc nắm giữ, nhưng không có cơ sở nào để chứng minh chính xác số lượng. Cũng vì giàu có nên gia đình ông được người ta nể trọng, đám quan lại cũng ngọt ngào, bao bọc lắm.
Từ bé ông Phúc đã được tiếp xúc với giới quý tộc giàu có. Biết được những thú chơi và sở thích của họ. Lụa là gấm vóc, mấy thứ ấy định danh họ từ ánh nhìn đầu tiên. Trong thành Minh Sơn thủa ấy chưa có ai đủ tài sức để đứng ra bán những thứ hàng xa xỉ, mất nhiều vốn liếng như thế nên ông Phúc đã cho rằng, đây là một miếng mồi ngon mà không ai biết cách thưởng thức.
Vào cái ngày cha quy tiên, ông đã nói ra ý định giấu kín suốt những năm tháng cha còn sống: "Thay vì vào chốn quan trường thì con sẽ vào thương trường".
Cha ông nghe xong chẳng kịp nói lời nào đã tắt thở. Đến giờ ông Phúc vẫn không biết cha có giận mình hay không, nhưng thâm tâm ông tự huyễn rằng "không". Người đã chết đâu thể quyết định được gì!
Thằng ở từ từ tiến vào với cái lưng cúi thấp, nó không dám nhìn ông Phúc mà chỉ chắp tay nói: "Bẩm ông, cậu Thành nhà con muốn khơi khơi lại ngày cưới một chút. Thấy đây là chuyện hệ trọng cần phải báo ông ngay, nhưng vì hôm nay cậu bận tiếp một ông lớn cả ngày nên không thể thưa ông ngay được. Cậu nhờ con sang nói với ông một nhời trước để ông biết ý của cậu."
Ông Phúc nhíu mày, có vẻ không hài lòng nhưng cũng chưa đến mức tức giận.
"Cậu mày có nói vì sao lại muốn hoãn cưới không?"
"Bẩm cậu không nói."
"Hừm, bàn chuyện với đám non trẻ đúng là chẳng ra đâu vào đâu. Đã quyết vậy rồi sao giờ lại thay đổi?"
Thằng ở không dám nói gì.
"Được rồi, mày về bảo với cậu mày mai tao sẽ qua nói chuyện."
Thằng ở lui về, gian nhà lại trở nên tĩnh lặng. Ông Phúc đứng dậy, đẩy khay đóm thuốc qua một bên rồi xuống trường kỷ. Ông đi tới chỗ con gái đang ngồi, nhìn nàng một lúc lâu nhưng nàng như một pho tượng, cứ ngồi yên thế mà chẳng thèm quay lại nói năng gì. Ông Phúc tức giận chắp tay ra sau rồi bỏ đi.
Cẩm Diệp đã nghe hết mọi chuyện, song nàng không quan tâm. Tất cả giờ đây đối với nàng chẳng có can hệ gì, lòng nàng đã chết.
Cẩm Diệp biết nguyên nhân vì sao mà Thành muốn hoãn cưới. Vì nàng không yêu anh. Chỉ khó hiểu một điều là từ hồi mới gặp nhau, chính miệng nàng nói rằng trái tim nàng đã trao cho người khác rồi. Anh chẳng mảy may buồn phiền, vẫn kiên quyết muốn cưới. Vậy mà bây giờ lại sai thằng ở đến bảo hoãn lại. Cẩm Diệp cụp mi mắt, môi hờ hững nét cười. Chắc có lẽ Thành đã suy nghĩ lại rồi.
Nàng mừng vì điều đó.
Nhìn Cẩm Diệp như một hồ nước êm ả, nhưng ít ai biết nàng vừa trải qua một trận cuồng phong. Trận cuồng phong ấy cuốn Diệp khỏi cuộc sống này, làm cho linh hồn của nàng tổn thương, giết chết những mơ mộng thiếu nữ mà nàng có. Khoảng một tháng trước, cũng là lúc mùa đông đến ngưỡng lạnh lẽo nhất. Nàng và người mình yêu đã bị bứt khỏi nhau.
Nhưng vài lời kể làm sao có thể thấy hết được sức mạnh kinh khủng của trận cuồng phong kia? Cho nên Cẩm Diệp đã sớm hiểu nỗi đau trong lòng thật khó để tỏ bày cùng ai đó. Nàng không muốn làm phiền đến niềm vui của người khác. Câu chuyện này đủ để phủ cái màn sương buồn thảm lên khắp cuộc đời nàng, hãy để chỉ một mình nàng phải chịu cái cảnh đó thôi.
"Bẩm cô, có người gửi cô thư này."
Cẩm Diệp nhìn bức thư được gấp gọn gàng trong tay con ở, nàng nhíu mày khi thấy một dấu mực quen thuộc của Ren. Đó là như thể là một cánh chim. Vội nhìn vào trong buồng, không thấy động tĩnh gì thì nàng mới vội vàng giật lấy lá thư. Khuôn mặt mệt mỏi và yếu nhợt của Cẩm Diệp giờ được tưới một lớp màu rực rỡ. Nàng nói nhỏ với con ở: "Đừng để ông lớn biết, nghe rõ chưa?"
"Vâng, em nhớ rồi."
"À, người đưa thư này là ai? Trông ra sao?"
Con ở nghiêng đầu nhớ lại: "Một người mặc quần áo tây, trông không phải người trong vùng này."
"Họ có nói gì nữa không?"
"Thưa không ạ."
"Họ còn bên ngoài đó không?"
"Dạ họ đưa thư rồi đi ngay."
"Được rồi, em lui đi."
Cẩm Diệp cầm theo bức thư đi lên lầu. Nàng rón rén không dám bước mạnh, sợ tiếng động lại gây chú ý cho cha mình. Vào phòng, nàng cài then lại cho chắc chắn rồi mới đến bàn trang điểm và giở thư ra đọc.
Nàng xúc động vì nét chữ mảnh dẻ của chàng, cứ như khuôn mặt nho nhã của chàng đang hiện ngay trước mắt.
"Cẩm Diệp, em,
Anh mong em hiểu được tình thế hiện tại của chúng mình, anh cũng đau đớn lắm, chỉ muốn chết quách đi cho xong. Nhưng em ơi, anh đã thử chết một lần mà không thành. Qua được cái cơn điên ấy anh lại điên cuồng nhớ em và ghét bỏ chính mình. Anh thật hèn nhát khi có ý định để em lại trên cõi đời bạc này. Niềm hối hận còn dày vò anh hơn cả nỗi nhớ em. Thôi thì hãy để anh cố gắng một lần cuối, cố chống lại số phận đã định của đôi ta. Hãy để anh đưa em rời khỏi đây. Rời khỏi đất nước này dù anh không biết ở đất nước của anh, mọi người có chào đón tình yêu của chúng mình hay không.
Mọi thứ anh đã chuẩn bị hết, em đừng lo lắng gì cả. Ra khỏi thành sẽ có người giúp đỡ chúng ta, họ cũng đã có cách để đưa ta đi qua vùng biên ải. Sẽ là một hành trình gian khổ, nhưng có nhau, gian khổ có xá gì. Hãy đi cùng anh em nhé!
Đêm nay, canh ba, anh đợi em ở cổng thành.
REN."
Cẩm Diệp vội đốt bỏ bức thư để tránh có người biết. Tim nàng đập nhanh nhưng không phải vì sợ hãi, có lẽ là nàng đang vui. Cẩm Diệp đi đi lại lại, suy nghĩ không ngừng. Sức sống đã trở lại trong nàng, cứ như một con kênh được khai thông dòng chảy. Nàng chẳng còn màng suy nghĩ đến chuyện cưới xin với Thành, chẳng bận tâm xem tại sao anh ta lại muốn hoãn cưới nữa. Mọi thứ đều trở nên nhỏ bé trước Ren - người tình của nàng.
Những lời của Ren chảy chầm chậm trong suy nghĩ nàng, khiến nàng muốn chạy khỏi ngôi nhà này mà theo chàng ngay lập tức. Nàng nhớ hơi ấm nơi ngực chàng, hơi ấm phảng phất mùi thơm của hoa đào. Nàng nhớ khuôn mặt tuấn tú và những ngón tay dịu dàng của chàng. Đã một tháng rồi nàng chưa được thấy.
Mải mê với những cảm xúc dâng trào, Cẩm Diệp không nghe thấy tiếng gọi của ông Phúc ở dưới lầu. Phải đến khi ông lên gõ cửa, thì nàng mới vội vàng trở về thực tại, sửa soạn tóc tai dù nó vẫn gọn gàng và ra mở cửa cho cha.
"Tối nay ta đến nhà cậu Thành."
Cẩm Diệp nghe xong thất thần, vội hỏi lại: "Để làm gì ạ?"
"Ô hay, phải hỏi xem sao nó hoãn cưới chứ." Rồi ông Phúc lẩm bẩm như nói một mình: "Chắc muốn xem ý tứ nhà ta thế nào. Cũng nên có lòng một chút."
"Nhưng thưa cha, nếu con không muốn lấy cậu Thành thì sao?"
"Không muốn mà được à? Con còn ở nhà ngày nào cha lo ngày đó. Nếu không phải gia thế nhà ta lớn, bít mọi cửa ngõ gièm pha thì còn ai chịu lấy con nữa không? Cha mẹ sinh con ra chỉ mong con được hạnh phúc, biết nó đi sai hướng thì phải có trách nhiệm nắn lại. Người mà con gặp, con thấy hay chắc gì đã làm con vui sướng!"
Đúng là lòng ông Phúc đương như có lửa từ lúc thằng ở qua báo hoãn cưới. Không biết có phải bên Thành đã nghe ngóng được tin gì về con gái ông hay không. Chuyện Cẩm Diệp yêu một tên ngoại quốc là một bí mật mà ông muốn vùi chôn mãi mãi. Đó thực sự là một vết nhơ của gia tộc. Vì sao ư? Đất nước của Ren đang có hiềm khích với An quốc, hai bên đánh nhau, giằng co tối ngày ngoài vùng biên ải đã bao năm nay rồi. Thân là cha mẹ sao có thể để con rơi vào bể khổ. Nếu nhiều người biết chuyện, không những Cẩm Diệp mà cả gia tộc này sẽ bị bêu rếu, hết cửa làm ăn. Ông thà để nó ghét bỏ mình còn hơn nhìn nó và gia tộc bị cả xã hội thù hằn.
"Nhưng hôm nay cậu Thành phải tiếp một ông lớn cả ngày mà?" Cẩm Diệp vẫn nhớ thông tin mà thằng ở mang đến.
Ông Phúc lắc đầu: "Cha tin đó là bài thử thôi. Không nói nhiều nữa, tối nay nhất định phải sang bên đó từ chối việc hoãn cưới."
Chẳng đợi con gái níu kéo gì, ông Phúc rời khỏi phòng ngay lập tức. Không hiểu sao trong phòng con gái ông lại có mùi khét lẹt của giấy bị đốt, hay là ông nhầm?
Cẩm Diệp ngồi xuống ghế, nhớ lại những lời mà Ren đã gửi cho nàng. Canh ba. Dù cho có phải đi đâu, làm gì thì nhất định nàng phải có mặt ở cổng thành lúc canh ba.
Nhanh quá, mọi việc diễn ra như thể cơn lốc, không cho nàng kịp suy nghĩ gì. Lòng Cẩm Diệp rối ren. Nàng đang nghĩ đến phải làm gì cho anh và cha trước khi rời khỏi đây? Để nhời thệ hải minh sơn, làm con trước phải đền ơn sinh thành. Vậy mà nàng chẳng làm được gì để trả cái ơn huệ đó. Nàng thật là một đứa con bất hiếu.
Rồi đây nàng sẽ rời đến một nơi chốn mới, một nơi chắc cũng chẳng yên bình hơn là bao. Nhưng nơi đó có Ren, chỉ cần vậy thôi đủ để nàng an tâm hơn một chút rồi.
Cẩm Diệp mở hộp trang sức ra, giở đi đếm lại toàn bộ tài sản mà mình có. Cất nó vào một cái túi gấm rồi khâu nó liền lại với ngực áo của mình. Nàng phải chuẩn bị từ sớm mới được. Chắc số nữ trang này sẽ đủ để nàng và Ren mở tạm một sạp hàng nhỏ nào đó ở đất nước của chàng. Rồi một cuộc sống mới sẽ đến, vất vả mà hạnh phúc. Những viễn cảnh một cuộc đời thiền quyên liên tục hiện ra làm Cẩm Diệp tủm tỉm cười.
Cứ nghĩ tới đó, lòng nàng lại thảnh thơi.
Cứ nghĩ tới đó, nàng lại cảm thấy đến gặp Thành cũng không phải là một việc khó nhọc gì.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top