Chương 5: Trong hoạ có phúc

Nghe thấy báo cháy, tất cả những ai có mặt tại nhà bà Hoa đều nháo nhào hết lên. Bọn họ túa ra khỏi cánh cửa gỗ ọp ẹp như ong vỡ tổ, chạy bổ về phía nhà mình để xem nhỡ đâu lửa có liếm tới vách tường không. Hân cũng toan đi theo thì chợt cánh tay cô bị ông thầy Năm giữ chặt.
"Đừng có đi về phía đó." Ông nói chắc nịch như thể đã biết chuyện gì sẽ xảy ra.
Trước sự ngăn cản kiên quyết của thầy Năm, Hân đành ở lại nhà bà Hoa đợi đến khi người trong xã dập được đám cháy. May thay nhà cửa của các hộ dân nơi này đều cách xa nhau, chỉ sợ lửa lẹm vào bụi cây hay cây gỗ khô rồi lan rộng, các thanh niên trai tráng lẫn đàn ông sức dài vai rộng đều được huy động đi cứu hoả cả. Khoảng chừng hơn một tiếng nhấp nhổm chờ đợi, có tin báo về hoả hoạn đã được kiểm soát ổn định.
Khi bọn họ còn đang xôn xao hỏi thầy Năm về những vấn đề tâm linh kỳ bí khác thì đám thanh niên đi cứu hoả đã quay lại, không có thương vong cũng chẳng ai bị thương, ngó chừng chỉ là một đám cháy nhỏ. Song ông Sài vừa len qua đoàn người đông nghẹt chật cứng trước cửa nhà bà Hoa đi vào lại đánh ánh mắt ái ngại nhìn mẹ con Hân.
"Tin mừng là đám cháy được dập rồi, có vẻ căn nhà cần phải sửa chữa khá tốn kém đó, còn nữa, phải tìm.... Ô, con Hân ở đây à..." Ông Sài nhìn thấy Hân ở đó, vẻ mặt hơi sa sầm.
"Vâng, có gì sao bác Sài?" Hân nghe thấy nhắc tới tên mình liền đứng dậy, tới gần hỏi han. Trong lòng nó bỗng cồn cào đến lạ.
"À ừ... lấy cái ghế cho nó ngồi đi." Ông Sài bỗng ngoắc một thanh niên trong xã sai sử. "Con Hân, mày bình tĩnh nghe. Căn nhà bị cháy lúc nãy là... nhà của mẹ con nhà mày. Mẹ mày chạy về thấy cháy dữ quá, bả tưởng mày còn ở trỏng..." Ông Sài ngập ngừng thuật lại.
"Mẹ con! Mẹ con sao rồi bác Sài? Mẹ con đâu?" Hân vừa chạm mông xuống ghế đã nhảy dựng lên. Nó không còn là đứa trẻ mười một năm nào, Hân biết thái độ kì quặc của ông Sài khi nhắc đến mẹ nó mang theo sự e ngại và ngập ngừng như thế đồng nghĩa với việc đã có chuyện không hay xảy ra.
"Anh em thằng Hoàng là người phát hiện vụ cháy sớm nhất, hình như là do thằng Hải nó chạy về lấy thêm dược liệu cho mẹ mày rồi thấy cháy nó mới hô hoán lên. Mẹ mày nhảy bổ vào lửa để tìm mày nhưng không thấy, bên ngoài người ta chữa cháy vội đi cứu thì bà ấy..." Ông Sài ngập ngừng, mồ hôi rỉ trên trán vì suy tư, ông không biết phải thông báo tin dữ này cho một đứa trẻ mới mười sáu, mười bảy mồ côi cha như Hân thế nào. "Mẹ mày bị bỏng nặng do xà ngang đổ đè lên người, đám trai tráng đã hộc tốc đưa lên trạm xá sơ cứu chờ xe ở bệnh viện huyện xuống đưa thẳng tới tuyến trên thành phố."
"Mẹ...!" Hân bủn rủn tay chân. Nó quỵ sụp xuống sàn nhà, trong lòng tự trách bản thân vì đã rời khỏi nhà để rồi khiến mẹ gặp tổn thương nặng đến thế. "Con... con phải lên bệnh viện với mẹ...!" Nó đờ đẫn một hồi rồi như sực tỉnh, Hân lại lồm cồm bò dậy.
"Mày lên đó thì có ích gì, đã có người lớn đi theo lo rồi." Ông Sài lắc đầu, ngăn cản Hân làm điều vô ích. "Căn nhà của hai mẹ con đổ xà nhưng may mà không thiệt hại nặng. Tau đã cho người vô tìm và giữ lại những vật dụng có giá trị, không chỉ có thằng Hải đưa bà Thuỷ lên bệnh viện tỉnh, mà tau còn bảo bà Phượng đi theo để uỷ quyền chăm sóc, phẫu thuật nữa. Con bà Phượng làm điều dưỡng ở trỏng, mày cứ yên tâm."
"Nhưng..." Hai hàng nước mắt chảy dài trên gò má, Hân thẫn người khóc khi nghĩ đến mẹ mình đang chịu đau đớn. Những người xung quanh đều im lặng, nhìn nó với sự thương cảm.
Như thể chịu không nổi nữa, thầy Năm tiến tới đỡ Hân dậy sau đó quay sang nói với tài xế: "Thôi, sao nỡ để mẹ con tách nhau ra như thế. Hay bác tài giúp tôi đánh xe lên bệnh viện tỉnh, bao nhiêu để tôi chi. Ít nhất cũng cho con nhỏ gặp mẹ nó, nhìn mẹ nó để yên tâm trước hẵng."
Ông tài xế lập tức xua tay: "Kìa, thầy Năm, tiền nong gì. Đi, đi luôn. Để tui chở hai người lên bệnh viện tỉnh, chuyện xe cộ cứ để tui lo. Dù sao thì cũng sẵn tiện đưa vợ chồng con Chi về nhà mà."
Nói đoạn, bác tài đi thẳng ra xe để chuẩn bị. Hai vợ chồng vừa tìm được con cũng đứng dậy nói lời cảm ơn, vừa nhét vào tay mẹ con bà Hoa mấy tờ một trăm ngàn giá trị cao, hai bên đẩy tiền qua lại mãi cho đến khi bà Hoa ái ngại cất tiền vào túi thay cho lời cảm ơn từ hai vợ chồng. Thầy Năm kéo tay Hân đưa nó ra xe, ông chào hỏi thân thiện với những người dân trong xã rồi mới ngồi vào ghế trước xe.
"Hay để ai đi chung với con Hân đi, nó cứ thế kia..." Có ai đó dòm thấy Hân cứ ngồi thừ ra ở ghế sau xe, liền nhắc nhở.
"Được rồi, để tôi." Như nhận ra cho một đứa nhóc mười sáu đi cùng với những người xa lạ lên bệnh viện huyện cũng không nên, ông Sài thở dài mặc lại cái áo khoác rồi cũng lên xe ngồi. "Mấy người ở lại dọn dẹp và báo lên cho phía công an xã xuống giải quyết chuyện xảy ra hôm nay, tui đi theo con nhỏ tới đó rồi đánh xe về."
Chiếc xe bắt đầu chạy đi, cảnh vật bên ngoài trôi qua như màn hình tivi bị rè. Ông Sài nhìn nó đầy thương cảm, xoa đầu Hân rồi bảo nó chợp mắt trong khi xe chạy, Hân ậm ừ vâng dạ rồi cũng nhắm mắt như con rối dưới tay người nghệ sĩ điều khiển. Giữa tiếng còi xe ầm ì, Hân lại chập chờn chiêm bao. Nó thấy mẹ mình loay hoay giữa biển lửa, cật lực gọi tên nó trong vô lực. Lửa liếm lấy tay chân bà, xô ngã bà xuống sàn nhà nóng rát. Bà vẫn không từ bỏ việc tìm kiếm nó, đôi bàn tay đã phồng rộp, đỏ rực và bốc mùi thịt nướng cháy. Hân bật khóc. Nó hét lên: "Mẹ ơi! Chạy đi! Con không có ở đó, con không có ở đó mà!", và cố chạy lại bên mẹ nó, cố ôm chầm lấy bà để lửa không thể tổn thương bà nữa.
Nhưng, không thể. Nó không thể làm gì cả. Hoàn toàn vô dụng.
"Ở yên đây."
Có tiếng ai đó nhắc nhở nó. Hân ngước lên nhìn và thấy bố Tùng đang xoa đầu trấn an mình: "Hiểu không? Ở yên đây. Con không thể làm gì được vào lúc này đâu, nhưng rồi mọi chuyện sẽ ổn thôi. Cứ để cho bố và ở yên đây, được chứ?"
Hân nghẹn ngào, nó không nhận ra được rằng nó đang mơ, song mỗi lần thấy bố Tùng là lòng nó lại dậy sóng. Hân níu lấy áo bố: "Bố... con sợ! Bố đừng bỏ con. Con sợ lắm!"
"Đừng lo. Bố quay lại ngay." Bố nó đáp, khoé môi nhoẻn cười dỗ dành nó. "Nhớ, nghe lời bố, ở yên đây."
Rồi bố nó nhảy bổ vào ngọn lửa đang tấn công mẹ nó, hét lớn: "Dừng lại! Dừng lại! Chúng mày đang làm gì thế hả?"
Lửa bùng lên như bức tường cao đỏ rực, nhấn chìm hai bóng dáng của bố mẹ nó. Hân hoảng hốt gào lên: "Bố ơi! Mẹ ơi!"
Và nó bị lay tỉnh. Hân giật mình trợn trừng mắt, thở hổn hển. Nó cảm nhận được gò má mình ướt đẫm. Bàn tay thầy Năm đặt trên vai nó, truyền hơi ấm qua khiến nó dần bình tĩnh lại. Ánh mắt thầy Năm đầy thương cảm nhìn nó, ông thở dài, xoa đầu nó như an ủi:
"Chúng ta đến nơi rồi. Để thầy và bác Sài đưa con vào trong."
"Dạ." Hân đáp lí nhí, vội vàng kéo tay áo lau khô nước mắt đẫm mặt.
Nó xuống xe, tiếng còi cứu thương ò e vang lên mỗi khi có ca cấp cứu được đưa vào cổng bệnh viện huyện. Ông Sài và thầy Năm đi cùng nó tới bàn tiếp tân hỏi chuyện mới được điều dưỡng chăm sóc ca của bà Thuỷ cho biết, mẹ nó đã được các bác sĩ ứng trước viện phí để phẫu thuật, thương tích bỏng 45%, đang nằm trong phòng hồi sức tích cực. Vậy là mẹ nó không sao nữa, mẹ nó vượt qua rồi! Hân mím môi cố nín khóc, nó sợ mình mà khóc sẽ xui rủi lắm, không được khóc.
Bất chợt, người điều dưỡng nói tiếp với ông Sài sau khi dặn dò chuyện đi nộp viện phí và ký giấy tờ: "Bác xem thử chị nhà cất bệnh án ung thư phổi ở đâu, phác đồ thế nào mang đến cho bác sĩ kiểm tra và xác nhận. Nếu ngưng điều trị lâu hoặc điều trị theo phác đồ cũ trong lúc đang chữa bỏng thì có nguy cơ cao, nên cần được xem xét đưa ra phác đồ mới nhé."
"Chị nói mẹ em bị ung thư phổi?" Hân bủn rủn, đến đứng vững cũng còn khó khăn. Nó níu lấy người điều dưỡng, run rẩy hỏi lại.
Cô điều dưỡng dường như nhận ra mình vừa thông báo cho sai người, ánh mắt nhìn Hân có chút bối rối. Thầy Năm bèn gỡ tay Hân ra khỏi y tá điều dưỡng rồi trấn an nó: "Mẹ con vẫn đang điều trị, có lẽ sẽ tiến triển tốt. Trước tiên chúng ta đến thăm mẹ con đã."
Hân bị cả hai thuyết phục, cô điều dưỡng bèn dẫn họ đi vào phòng ICU và dặn dò chỉ có thể đứng ngoài hoặc một người thân được thăm bệnh nhân mà thôi. Mùi ê-te trong không khí ngày một nặng nề hơn, càng đến gần phòng ICU, tiếng khóc rấm rức càng nhiều. Những người thân bệnh nhân đứng khóc trong hành lang lối vào khiến Hân run rẩy, lạnh toát cả người. Nó nhìn thấy Hải và bà Phượng đứng cùng dì Vân của nó ở một góc, họ cũng vừa lúc phát hiện ra Hân, dì Vân lập tức sải bước đến gần nó. Dì Vân có dáng đầm người, gương mặt tròn trịa phúc hậu với đôi chân mày xăm đã ngả màu nâu xám. Dì chau mày khi thấy nó đứng lần khân ngay đấy:
"Con Hân, mày đến đây làm gì? Thật là... sao hai người lại cho nó tới bệnh viện lúc này!" Dì Vân cằn nhằn, quắc mắt nhìn hai người đàn ông dẫn Hân tới.
"Mẹ con sao rồi dì?" Hân hỏi trong lo lắng.
"Mẹ mày vẫn còn hôn mê. Dì cũng vừa tới thôi, phẫu thuật thành công nhưng vết bỏng lớn quá, họ băng kín cả người. Bây giờ dì phải đi đóng viện phí và trả tiền cho các bác sĩ đã ứng trước, mày ở đây với bà Phượng, không được đi đâu nghe chưa." Dì Vân lắc đầu, vẻ mệt mỏi in hằn trên gương mặt.
Vốn chỉ là họ hàng xa đằng ngoại, bố mẹ của bà Thuỷ cũng đã qua đời từ lâu, hiển nhiên dì không nên là người chịu trách nhiệm cho việc này mới đúng. Song đã chăm sóc, ở cùng con Hân mấy năm qua và thấy đứa nhỏ ngoan ngoãn biết điều như vậy, trong lòng di Vân cũng xem nó như con cháu trong nhà. Bây giờ nhìn thấy đứa nhỏ mới mười sáu, mười bảy đã mất cha chừ còn suýt mất cả mẹ, dì Vân thực sự chẳng đành lòng.
Dì Vân tất tả đi xuống tầng trệt để đóng viện phí, còn lại ông Sài, thầy Năm, bà Phượng và Hải ở lại với Hân. Chưa ai vào trong phòng ICU vì cuộc phẫu thuật cũng chỉ mới kết thúc chưa đầy nửa tiếng. Hân được thầy Năm dẫn đến gặp điều dưỡng xác nhận thân nhân rồi để họ đưa tới phòng người bệnh. Hân không được vào trong mà chỉ đứng ngoài nhìn mẹ mình hôn mê với toàn thân bị băng bó trắng xoá. Nó bật khóc, đau đớn tự trách bản thân đã khiến mẹ mình nên nông nỗi này.
Khi dì Vân quay lại đã thấy Hân ngồi lọt thỏm giữa thầy Năm và Hải, bà Phượng và ông Sài đã bắt xe về khi thấy dì Vân đã đến. Dì tiến tới gần quan sát Hân, con bé trông sa sút tinh thần cực kỳ. Cả đêm không ngủ khiến nó uể oải và mệt mỏi vô cùng, song cảm giác tự trách đè nặng mới là thứ làm Hân đau đáu tổn thương hơn cả. Dì Vân tiến tới xoa đầu Hân, ngoài cử chỉ này ra dì cũng không biết phải an ủi nó thể nào. Đoạn, dì Vân lên tiếng sắp xếp:
"Con Hân đi với dì kiếm tạm chỗ nào ngủ, gấp gáp qua nửa đêm nửa hôm không còn nhà trọ nào còn phòng cả. May mà dì có mang theo cái mền mỏng ở đây. Còn chú với anh đây tính toán thế nào?" Dì Vân kéo Hân đứng dậy, xong lại hỏi Hải và thầy Năm vẫn còn đứng đó.
"Nhà con đang nhờ vả bác Thuỷ nhiều, nên con ở đây đến hôm sau thì chạy xe về xã." Hải nói, tỏ vẻ sẽ sớm rời đi. Anh ở lại đây là vì trước đó bà Thuỷ giúp gia đình anh khâm liệm ông bô, nếu người ta gặp nạn mà mình dửng dưng về ngay thể nào cũng bị cả xã dè bỉu cho xem.
"Nhà tôi ở tỉnh khác, mà xe đưa đón hai vợ chồng nọ cũng đi khuất rồi. Tôi cứ ở đây trước hẵng, biết đâu có chuyện Thánh nhờ." Thầy Năm cười mỉm, đáp lại với những câu từ ẩn ý.
"Được rồi. Vậy mấy ngày tới tôi sẽ ở đây chăm sóc chị ấy. Còn Hân, mày bắt xe về nhà dì ở đi nhé." Dì Vân nói.
"Con... con không muốn." Hân lắc đầu nguầy nguậy. "Còn phải dọn dẹp nhà cửa dưới xã nữa, nhà chỉ có hai mẹ con mà mẹ đang như vầy, con đâu thể ở nhà dì mà không làm chi hết."
Dì Vân chau mày, tới lúc này rồi mà Hân vẫn ương bướng. Cái tính cách cứng đầu của Hân luôn khiến dì Vân đau đầu, đúng hơn, cũng vì tính tình nó như thế mà dì Vân vẫn luôn đau đáu lo lắng cho con bé. Khi dì còn toan khuyên nhủ thì Hải đã nói thêm vào:
"Thôi mày đi đâu cho xã, trong xã có phải thiếu chỗ ở đâu. Không ấy mày đến nhà cô Hồng ở, chỗ đó còn sạch sẽ chán, dọn dẹp tí là ở được ngay. Rồi lúc nào sửa nhà xong thì hẵng dọn về."
Hân nghe thấy họ nhắc tới nhà bà Hồng chợt có chút hoang mang: "Ý mấy anh là sao? Không phải bác Hồng đó giờ không thích có ai chung đụng hả, sao em dọn tới đó cho đặng."
"Mày nói gì vậy, cô Hồng chết lâu rồi." Hải ngạc nhiên nhìn nó.
Hân giật mình. Bà Hồng qua đời rồi mà sao nó chẳng hề hay biết, mới trước đó nó còn tán gẫu về chuyện bà ấy dời cái miếu về nhà với mẹ mình cơ mà. Song khi lục lại trí nhớ, Hân chợt nhận ra đúng thật mẹ nó chưa từng nói bà Hồng còn sống, đúng hơn là hình như bà Thuỷ muốn kể việc bà Hồng khuất mặt lâu rồi mà khi đấy anh Hải hớt hải chạy sang nhờ giúp đỡ. Thế là nó cùng mẹ bị cuốn vào chuyện trúng thực và tang ma ông Hưng suốt mấy hôm nay, rồi quên khuấy mất chủ đề hai mẹ con từng nói chuyện. Vậy thì... Hân chợt nhớ tới khoảnh khắc chiếc ly rượu khô cạn đóng cặn đất rớt xuống ngay lúc mình đi ngang nhà bà Hồng mà nổi da gà, liệu đó có phải là ngẫu nhiên hay bà Hồng đang gửi lời chào mừng nó quay lại quê hương?
"Em... em không biết chuyện. Em cứ tưởng... ôi, chuyện bao lâu rồi hả anh?" Hân lắp bắp đáp.
"Cũng tầm hai năm trước, lúc bả cứ đòi dời cái miếu về thờ đó. Trước khi mẹ tụi tao mất đâu sáu, bảy tháng." Hải nhẩm tính, xong quay sang nói với Hân."Ừ, mới làm đám cho bả hồi cuối năm ngoái. Bả còn ai là người thân đâu nên nhà tụi anh phải đứng ra đại diện. Xong cái nhà bả để lại coi như đất của nhà anh rồi, bố Hưng mới làm thành nhà kho chứa đồ. Trước khi ông mất thì chia lại cho hai anh em. Mà em đừng lo, nói là nhà kho chứ chỉ chất mấy món đồ chơi, đồ dùng trong nhà. Tụi anh vẫn dọn dẹp như thường, sạch, đẹp. Hai mẹ con cứ đến ở, không có gì phải ngại."
Hân ậm ừ rồi  chẳng biết phải từ chối thế nào, không nhẽ lại bảo nó sợ ngủ lại ở căn nhà từng có người qua đời? Nhưng thế lại kỳ cục quá, hơn nữa bây giờ cần kíp nhất là ổn định một nơi ở tạm  thời rồi còn vào việc dọn dẹp tàn dư sau cơn hoả hoạn, đâu thể kén cá chọn canh cho đặng.
Khi Hân còn đang phân vân thì dì Vân bỗng lên tiếng hỏi: "Bà Hồng? Ý anh nói tới bà Hồng em gái ông Hưng trong xã à, anh là gì của bà ấy?"
Hải nói: "Con là cháu gọi bà ấy bằng cô. Trước đó bác Thuỷ cũng từng bốc thuốc giúp đỡ cô ấy nhiều lần, nhà con mang ơn bác Thuỷ nhiều lắm nên chuyện chỗ ở này cứ để con lo."
"Không được!" Dì Vân bỗng lớn tiếng quát khiến Hân và hai người đàn ông đứng ngay đó giật mình. Dì chau mày nhìn Hân, ánh mắt thoáng ẩn hiện sự lo sợ nặng nề rồi mới nói tiếp: "Có ơn nghĩa cỡ nào thì con Hân cũng chỉ là đứa con nít mười sáu tuổi, không dưng ngủ ở nhà người lạ như thế thì không được. Tôi là em họ của chị Thuỷ, con Hân được tôi đứng ra bảo hộ, tôi không cho phép."
Hải chau mày, tỏ vẻ không vừa ý lắm với thái độ của dì. Anh ta còn chưa làm gì mà dì Vân đã nói năng như thể con Hân sẽ gặp nguy hiểm khi ở lại tại căn nhà kho cũ cải tạo từ nhà bà Hồng vậy, đoạn, Hải đáp với giọng bỗ bã: "Con Hân cũng lớn lên ngay sát nhà con mười mấy năm đấy thôi, máu mủ ruột rà  còn bán nhau tới mức nồi da xáo thịt nói gì họ hàng xa. Người ta chẳng bảo bán anh em xa mua láng giềng gần đấy thây, con Hân ở nhà con là đảm bảo không phải lo lắng chi cả!"
Hai người tranh cãi qua lại đôi lúc thì thầy Năm bước ra ngoài hoà hoãn: "Thôi hai người cứ nghỉ ngơi trước hẵng, chuyện gì cũng có thể tính sau. Nếu ngại ngủ trong nhà từng có người qua đời thì để tôi đến xem thử coi sao, lúc nãy nghe thấy hai anh đây kể chuyện cái miếu thờ cũng khiến tôi tò mò chút đỉnh."
Hải quay sang nhìn thầy Năm với ánh mắt khó chịu, anh không nằm trong số những người bâu đen bâu đỏ ở nhà bà Hoa lúc tìm được đứa bé nên không rõ ông là ai, có quyền gì mà lại muốn đến đất nhà mình làm bừa làm phứa. Mà chưa kịp để anh lên tiếng hỏi, thầy Năm đã nói tiếp:
"Mà xem chừng chuyện này cũng nghiêm trọng đấy. Có khi Thánh chiêm bao cho tôi đến giúp đứa bé kia chỉ để dẫn nhập tôi đến đây. Trông ấn đường anh đây mây đen phủ đầy, có phải gần đây trong nhà tang sự nối tiếp, cứ cách ba, bảy đến chín tháng là lại có người qua đời?"
Nét mặt của Hải bỗng tái nhợt, anh trừng mắt nhìn thầy Năm nửa nghi kỵ, nửa kinh hoàng. Bởi lẽ người đàn ông tầm thước vừa xuất hiện này nói trúng phóc tất thảy biến cố xảy ra trong gia đình họ hai năm đổ lại đây. Hải sực nhận ra nếu đúng như thầy Năm vừa nói, cái lễ một trăm ngày vừa rồi không phải vừa đúng thời điểm bố anh trúng thực qua đời đấy thây! Từ lúc bà Hồng qua đời, chưa đến tám tháng sau là bà Mai, mẹ của họ ngã bệnh rồi không qua khỏi. Sau đấy vừa chóc ba tháng lẻ mấy ngày, ông Hưng nối bước vợ mình.
Vừa chữa cháy xong lại hùng hục chạy đôn đáo chở bà Thuỷ lên bệnh viện huyện, đến bấy giờ người còn nóng rực mà chỉ sau vài lời nói của thầy Năm, Hải thấy rét run. Hân đứng cạnh đó nhìn biểu cảm của anh ta cũng đủ biết người đàn ông tự xưng là thầy Năm này đoán trúng tất thảy những biến cố đã xảy ra ở gia đình họ, nó lén liếc nhìn ông ta, trong lòng không hiểu sao lại cồn cào nỗi sợ hãi vô hình. Hải lập tức thay đổi thái độ và nói chuyện với thầy Năm nom cung kính lắm, anh mời ông về nhà mình để nhờ thầy trấn yểm nguồn cơn xú quẩy đang hoành hành, bắt vong từng người thân trong gia đình.
Dì Vân thấy vậy toan kéo tay Hân đi thì Hải bỗng ngăn lại: "Kìa, dì xem cũng đã có thầy Năm ở đây giúp đỡ rồi. Dì sao cứ phải làm mọi việc nhọc nhằn hẳn. Con Hân mà không về xã thì chuyện nhà cửa hoả hoạn tính sao? Tới lúc bác Thuỷ tỉnh lại còn phải điều trị lâu, giấy tờ tài sản có đợi đến khi ấy được không hẵng?"
Nghe thấy Hải nói vậy, gương mặt dì Vân bỗng biến sắc, trông dì phân vân hẳn. Mấy đứa con trong nhà đều có công việc, gia đình riêng cả, ông nhà thì đã qua đời từ lâu. Bây giờ chỉ còn một mình dì chạy đôn chạy đáo, vốn dĩ định cho con Hân về nhà mình ở tạm, nhưng còn căn nhà đã cháy rụi và tài sản của chị họ dì ở xã thì...
"Con cũng muốn quay lại xã." Hân bỗng lên tiếng. "Có vài thứ con cần tìm kiếm ở đó, về bố Tùng..." Nó cụp mắt xuống, giọng nhỏ dần.
Cả ba người lớn đều ngạc nhiên nhìn nó. Không phải vì con Hân đòi về lại căn nhà đã cháy rụi ở xã, mà là vì Hân bỗng nhắc về bố nó, ông Tùng. Kể từ khi ông Tùng qua đời, Hân không thường xuyên nói về bố. Có lẽ vì nó không muốn bà Thuỷ buồn, hoặc có lẽ nỗi đau trong tim Hân quá lớn vì mất đi người bố nó luôn yêu thương nhất. Chẳng ai rõ nhưng người nào cũng ngấm ngầm đồng thuận ngừng nói về ông Tùng mỗi khi Hân có mặt. Thế mà hôm nay nó lại đột ngột nhắc tới bố mình, điều ấy khiến ai cũng có chút bất ngờ.
"Mày muốn tìm kiếm gì về ông Tùng ấy?" Hải chợt hỏi, trong ánh mắt chứa đầy sự bối rối và nghi hoặc.
"Về cái hôm mà bố em qua đời..." Hân ngập ngừng. "Em nghĩ là em đã quên gì đó về bố, một điều rất quan trọng."
"Chắc hẳn việc mất bố đột ngột đã khiến con bị tổn thương tâm lý, điều ấy là vô cùng bình thường." Thầy Năm nói. "Có lẽ con nên ở lại bệnh viện để dì con đưa đi thăm khám hẵng."
Hân lắc đầu: "Con có cảm giác nếu con không quay lại xã, thì điều bí ẩn này sẽ bị chìm sâu vĩnh viễn trong sự quên lãng. Con không muốn mình quên mất bất kỳ điều gì liên quan tới bố, nhất là khi... có lẽ con là nguyên nhân khiến bố qua đời!" Hân bật khóc, nó ôm mặt, nước mắt ràn rụa.
Mọi người lại bối rối khi nghe nó nói thế, dì Vân toan bước lại an ủi thì Hải đã lên tiếng: "Cái chết của bố mày làm sao liên quan tới mày được, điều đó không đúng đâu. Nhưng nếu mày nói phải tìm ra sự thật, anh nghĩ mày nên làm vậy để không lấn cấn trong lòng. Dầu sao thì nếu mày chọn quay về, anh sẽ đi gọi điện cho ông Hoàng sắp xếp chỗ ngủ cho mày."
Hân quệt dòng nước mắt ràn rụa trên gò má, gật đầu đồng thuận. Dì Vân thấy nó cương quyết như vậy liền biết khó lòng lay chuyển được Hân rồi, nếu nó vẫn còn là đứa bé mười một tuổi thì hẳn dì đã bế xốc nó lên mà lôi về nhà, song bây giờ Hân đã là thiếu nữ mười sáu có chủ kiến riêng mình. Dì đánh mắt sang nhìn thầy Năm đầy bối rối, dường như muốn gửi gắm Hân cho người đàn ông này.
"Vậy thì để tôi đi cùng với cô bé. Dầu sao thì chuyện nhà anh Hải đây có vẻ cũng gấp gáp lắm rồi." Thầy Năm nói.
"Vâng, nhờ thầy. Để con đánh điện về nhà trước hẵng, rồi lấy xe chở hai người trở lại xã luôn." Hải vồn vã nói rồi lập tức đi ngay.
Dì Vân nhìn theo bóng lưng Hải rời đi, vội kéo tay Hân vào góc hành lang dặn dò: "Lần này về xã chỉ có một mình con, làm gì cũng phải cẩn thận. Nếu con cương quyết muốn tìm hiểu về bố Tùng như vậy, thì xem thử trong tủ quần áo, bên dưới hộc tủ thứ hai trong góc. Còn nữa, sau khi lo liệu cho mẹ mày xong dì sẽ lập tức xuống xã."
Hân gật đầu, nó đương mệt mỏi và buồn ngủ lắm rồi. Song anh Hải rốt ráo đòi về xã ngay nên Hân ráng giữ hai mí mắt căng lên để đợi  sau chừng mươi phút, Hải quay lại báo rằng mình đã gọi về nhà sắp xếp, bấy giờ họ mới xuống bãi để lấy xe ra về. Dì Vân đi theo họ, ngóng mãi đến khi con xe ba gác khuất hẳn vào dòng người tấp nập giữa buổi sớm mờ sương, dì siết chặt những ngón tay mình, trong lòng ngập tràn lo lắng. Sau rốt, dì đành quay lại bệnh viện để lo liệu nốt cho chị họ mình, dì Vân nhíu mày lẩm bẩm:
"Hân à, phải chi con đừng nhớ lại mọi chuyện thì tốt biết mấy...!"

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top