Chương 3: Rắn ông, rắn bà
Chắn ngay giữa đường cái dẫn sang xã bên cạnh là một con rắn lớn.
Thân rắn to phải bằng bắp tay của người trưởng thành, cả bộ da đen nhánh, bóng lưỡng đang nằm ngay giữa đường chính. Ánh trăng rọi xuống phản chiếu lớp vảy loang loáng càng khiến nó trông đáng sợ hơn. Bà Thuỷ thấy con rắn cũng sợ rúm người, với tay ôm chặt lấy Hân vào lòng.
"Chó má thật chứ, đang gấp gáp mà còn gặp cái giống này!" Hải bực dọc quát lớn rồi nhảy xổ xuống khỏi yên lái, lúi cúi tìm bên đường xem có thứ gì đánh đuổi được con rắn đi không.
"Mày lấy đại khúc gỗ xua nó đi đi Hải. Đừng có giết nó, nghiệp lắm." Bà Thuỷ bỗng nói.
Hải lụm mấy cục đá lớn ném về phía con rắn, cái thân dài cục cựa đôi chút rồi nó cuộn tròn nằm chắn tiếp giữa đường như thách thức. Đang trong lúc cấp thiết, Hải càng tức giận hơn khi thấy con rắn có vẻ không chịu di dời thân người dài ngoằn của nó khỏi đường cái. Anh đến lật yên xe lên, lôi ra một con dao rựa dài.
"Hải! Đừng có giết nó. Xua nó đi thôi. Mày ném vài viên đá nữa là nó đi ngay mà! Cẩn thận Hải ơi!" Bà Thuỷ thấy động tác muốn sống mái với con rắn của Hải liền la lớn ngăn cản. "Coi chừng nó cắn mày đó!"
"Dì cứ kệ con!" Hải quát lớn, hằm hằm cầm dao đi tới gần con rắn.
Con dao được vung lên, tạo thành một đường ánh sáng sắc lạnh dưới trăn. Hải không chút do dự bổ thẳng xuống đầu con rắn dám chắn đường mình, lưỡi dao bén chém trượt khi con rắn lách mình né tránh song vẫn gây ra vết thương lớn trên người nó. Con rắn ngỏng cao đầu và nhe nanh đe doạ kẻ vừa muốn hạ sát mình, Hải lập tức lượm hòn đá ném thẳng vào nó. Canh đúng khoảnh khắc con rắn nghiêng đầu tránh hòn đá theo bản năng, Hải sấn sổ bước tới chém một đường ngọt lịm.
Cơ thể dài như cành cây lớn của con rắn nặng nề ngã xuống, nó vẫn còn thoi thóp, lớp da bóng nhấp nhô lên xuống như đang hấp hối. Hải lập tức bổ liên tiếp mấy nhát nữa, thanh âm lưỡi dao xẻ vào da thịt khiến Hân rùng mình. Nó sà vào lòng mẹ nhắm chặt mắt đợi đến khi Hải trút giận xong trên con vật vô tri. Bà Thuỷ thở gấp nặng nề, hai mẹ con đều sợ hãi khi thấy Hải phát điên chỉ vì một chuyện như thế.
Sau khi xử lý xong con rắn, Hải kéo xác nó vứt sang bên đường rồi cất dao tiếp tục chạy lên trạm xá. Suốt cả đoạn đường tiếp đó không ai nói với nhau câu nào, trừ hơi thở nặng nề phát ra từ ông Hưng đang bất tỉnh. Đâu đó khoảng mười phút, chiếc xe ba gác tấp vào ngay sân trước của trạm xá. Hải hô hoán gọi người ra phụ đỡ bố mình vào trong, bà Thuỷ thuật lại tình trạng và biểu hiện của ông Hưng cho nhân viên y tế nghe. Bác sĩ trực tại trạm xá cũng thực hiện động tác tương tự bà Thuỷ, muốn lay tỉnh ông Hưng dậy và để ông nôn hết thức ăn cho sạch ruột rồi liên hệ với bệnh viện huyện. Với cơ sở vật chất ở trạm xá không đủ để súc ruột hoặc chẩn đoán chính xác, hơn nữa ngay sau khi họ tới trạm được vài phút thì mấy chiếc xe khác chở người bị trúng thực cũng trờ đến. Trạm xá phút chốc đầy ắp người, thanh âm rên rỉ vang lên liên hồi.
"Phải đưa lên tuyến huyện thôi, tôi gọi xe cấp cứu rồi. Thịt heo chết không rõ nguyên do mà mấy người cũng dám ăn à, đúng là gan to bằng trời." Vị bác sĩ trực trạm xá quệt mồ hôi ướt đẫm trán rồi cảm thán. Ông đã gọi điện yêu cầu bệnh viện huyện hỗ trợ cho hai chiếc cứu thương xuống xã, giờ chỉ có thể sơ cứu rồi ngồi đợi cấp cứu thôi chứ không còn làm gì được hơn nữa.
Thời gian trôi đi chậm rì rì, Hân ôm gối ngồi trên chiếc ghế nhựa đợi mẹ mình xong việc với mấy người bị trúng thực, mắt nó đã díp lại vì buồn ngủ. Chừng nửa tiếng sau khi tới trạm xá, hai chiếc xe cứu thương réo còi đỗ lại trong sân đưa những người có tình trạng nặng lên bệnh huyện tuyến huyện, hiển nhiên ông Hưng là người đầu tiên được đưa lên cáng. Đến lúc này thì bà Thuỷ không đi theo nữa, phận sự của bà đã hết. Hải nhảy lên xe cấp cứu để lo cho bố, còn Hoàng thì đánh ngược con ba gác chở hai mẹ con Hân và một người trúng thực tình trạng nhẹ khác về lại xã Phong Vị. Trông cả hai anh em đều căng thẳng. Mà cũng phải thôi, mẹ của họ vừa mất được trăm ngày lại đến lượt bố rơi vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, nào ai có thể bình tĩnh cho đặng. Hai mẹ con Hân ngồi tựa vào nhau, người còn lại thì nằm thẳng cẳng ngủ ngáy khò khò. Anh ta mạng cũng lớn, trúng thực vì ngồi chung bàn với nhóm ông Hưng, song khi lên tới trạm xá được cho thuốc nôn hết ra thì tỉnh táo lại. Bác sĩ trực trạm xá quan sát anh ta hồi lâu, xác nhận không còn vấn đề nên để anh ấy ký giấy rồi về nhà chung với họ.
"Con buồn ngủ thì tựa vô mẹ mà ngủ. Tự dưng mày đi theo làm chi không biết." Bà Thuỷ thấy Hân gật gờ liền kéo nó lại sát cạnh mình, dí ngón trỏ vô trán nó mắng với chất giọng nhẹ nhàng.
"Ở nhà một mình cũng sợ." Hân nũng nịu, thì thầm nói.
"Mười tám đến nơi còn sợ ở nhà một mình à?" Hoàng chợt xen vào cuộc hội thoại giữa hai mẹ con, chất giọng anh hơi mệt mỏi, có lẽ vì muốn phân tâm chính mình khỏi sự lo lắng cho người bố đang nguy kịch.
"Sợ chứ anh. Từ cái hồi em dậy giữa bụi chuối mà xung quanh tối om, ám ảnh tới giờ luôn." Hân dụi mắt cho đỡ buồn ngủ rồi nói.
"Bụi chuối à. Phải bụi chuối gần hồ Vọng Nguyệt không?" Hoàng hỏi.
"Con bé này toàn nói linh tinh. Mẹ mày ở đây ai lại để mày ngủ bụi chuối bao giờ, cứ chơi bời mệt lử ra về nhà ngủ queo nằm mơ vớ vẩn rồi lại lẫn lộn suốt." Bà Thuỷ gõ trán Hân, nó la oai oái nhưng vẫn ôm rít lấy cánh tay mẹ.
Hoàng không hỏi thêm nữa, anh tập trung vào tay lái và con đường tối om trước mặt. Chợt nhác thấy gì đó bên đường, Hoàng đột ngột dừng xe lại rồi đi xuống khỏi xe để kiểm tra. Bà Thuỷ nhoài người lên quan sát và nhận ra họ đang ở ngay khúc cua khi trước Hải giết con rắn, bà vô thức ôm con Hân vào lòng, ngập ngừng hỏi:
"Sao tự nhiên dừng xe vậy Hoàng?"
"Nãy thằng Hải nó kể là nó có quăng con rắn ở cái khúc này, con tính mang về lột da nó đem bán." Hoàng nói.
"Thôi! Thôi! Ba mày còn đang nằm viện kia kìa, một bộ da rắn thì bán được bao nhiêu." Bà Thuỷ hốt hoảng ngăn cản.
"Nhiều chứ. Con có mấy người khách bên Trung Quốc, ở bển họ chuộng mấy món đồ da thuộc lắm. Da rắn mà đẹp thì bán được khối tiền." Hoàng nói, vẫn lần mò tìm kiếm. Chợt anh ta reo lên: "Đây rồi! Ủa?"
Nghe thấy giọng Hoàng nâng tông rồi hạ xuống đầy thất vọng, Hân tò mò choài người qua khung ba gác, ngó xem anh ta thấy gì mà lại có vẻ ngạc nhiên và hụt hẫng thế. Nó thấy Hoàng dùng chân đá thứ gì đó lên mặt đường, trông như một nhúm bùi nhùi nhăn nhúm. Tới lúc định hình được thì Hân mới nhận ra đó là một bộ da rắn. Bộ da đen nhánh, nhăn nheo và rách rưới. Hoàng có vẻ bất mãn lắm, anh ta cầm bộ da lên kiểm tra rồi vứt lại xuống đường.
"Xui thiệt chứ. Thằng Hải làm ăn ngộ thế không biết. Cứ tưởng nó chém chết được con rắn rồi hoá ra lại không, cái bộ da mỏng te lại rách tùm lum như này bán được cho ai." Anh ta phàn nàn trong khi quay lại đạp ga xe ba gác.
Cả bà Thuỷ và Hân đều không hẹn mà im bặt. Con Hân liếc nhìn mẹ, gương mặt bà Thuỷ đã tái mét cắt không còn giọt máu. Rõ ràng lúc nãy nó thấy Hải đã chém chết con rắn rồi, chém chết ngắt. Thế nhưng bây giờ lại chẳng thấy xác đâu, hơn nữa... làm gì có con rắn nào với kích thước to như thế lại lột da chỉ trong vòng hơn một tiếng đồng hồ kể từ khi Hải vứt nó ở ven đường như kia? Hân hoang mang hết sức, nó không phải học sinh giỏi Sinh nhưng bét lắm nó vẫn biết phân biệt khi nào động vật còn sống và đã chết. Rốt cuộc con rắn ấy từ đâu xuất hiện và đã đi đâu? Nếu Hải chưa giết được con rắn, thế tại sao nó lại để yên cho anh ta xách lên vứt xuống như vậy? Mà loại rắn nào lại lột da ngay sau khi bị chém đến trọng thương thế chứ?
Bao nhiêu nghi vấn tràn ngập tâm trí Hân, song nó không dám nói ra. Biểu cảm của bà Thuỷ còn trầm trọng hơn, mẹ Hân ôm siết lấy nó, cả người run lẩy bẩy, thì thầm: "Không xong rồi. Giết nhầm rắn ông rắn bà rồi... Lạy trời, mẹ con tui không có liên can gì hết! Mẹ con tui không có liên can gì hết!"
Nhìn thấy biểu cảm của mẹ mình như vậy, Hân không biết phải làm sao để trấn an bà. Hân sợ rắn từ lúc biết bố mình vong mạng bởi nọc rắn, nó nghĩ mẹ mình cũng sẽ như thế. Song kỳ lạ thay bà Thuỷ chẳng những không sợ không hận mà lại trở nên sùng kính lũ rắn hơn hẳn, Hân luôn được bà dặn dò không được lại gần, cũng không nên làm hại khi bắt gặp có rắn. Nó cho rằng có lẽ mẹ sợ tai nạn sẽ xảy đến với nó như với bố, tuy nhiên biểu cảm của bà Thuỷ lúc nãy lại khiến Hân nhận ra dường như không phải thế.
Chiếc ba gác lại trờ đi trong sự im lặng và run rẩy của hai mẹ con, trời dần đổ về khuya, mây đen che khuất ánh trăng leo lét như đèn dầu trước gió. Màn đêm phủ bóng chung quanh khiến người ta cảm thấy mình như đang bị theo dõi bởi thú dữ trong bóng tối. Hân tựa người vào vai mẹ nhắm mắt giả vờ ngủ, song nó trằn trọc mãi nghĩ về con rắn và biểu cảm của mẹ mình.
Khi hai mẹ con về tới cổng nhà đã thấy cửa chính và cổng rào được khoá lại khiến Hân ngạc nhiên cực kỳ, bà Thuỷ lại không như thế mà lúi cúi tìm chìa khoá được giấu dưới một tảng đá đặt khéo léo nơi gốc hàng rào râm bụt, sau đó mở cửa đẩy nó vào nhà. Hân để ý thấy bàn ăn đã được dọn dẹp sạch sẽ, nhà cửa cũng có người quét tước sẵn, những hộp đựng dược liệu trước đó bà Thuỷ do vội vã không đặt lại vào tủ cũng đã dọn gọn gàng.
"Con đi không khoá cửa hả?" Bà Thuỷ hỏi khi lôi mền gối cất sẵn mang ra cho Hân ngủ. "Nhìn là biết dì Mân dọn dẹp giúp con rồi, lớn tướng mà vẫn khiến người ta phải đi theo dọn cho vậy."
"Dì Mân... con tưởng dì ấy..." Hân ngập ngừng phân bua. Dì Mân đã dọn ư, nhưng lúc chiều nó còn thấy dì ấy đang trong cơn điên loạn, sao mà...
"Hầy. Dì Mân coi vậy chứ tội nghiệp, đã thành ra như thế rồi song những phép tắc thông thường vẫn ghi nhớ rất kỹ. Phải tội, một người hiền lành đến vậy mà số phận nghiệt ngã quá!" Bà Thuỷ cảm thán, sau đó vỗ nhẹ lên cái chiếu hoa vừa trải ra cho Hân ngủ mà nói: "Ngủ sớm đi. Lần này về còn chưa kịp nghỉ ngơi được gì nhiều, ngày mai ở nhà nghỉ mệt rồi mốt lên lại huyện mà đi học hè."
Hân nghe mẹ nói thế liền khó hiểu hỏi lại: "Sao mẹ đuổi con đi sớm thế? Con chỉ mới về chưa đầy nửa buổi lại bắt con lên huyện rồi!"
"Năm nay mày học lớp mười một rồi, phải chú tâm cho chuyện thi tốt nghiệp rồi còn lên đại học nữa. Tâm nguyện cả đời của mẹ là thấy con lên đại học rồi sống ở thành phố đủ đầy hơn miệt quê này. Cuộc sống mẹ đã phải gắn liền với chốn trời đánh thánh đâm này đã đủ lắm rồi." Bà Thuỷ lắc đầu, cau mày nói. Sau rốt, bà xua Hân lên giường ngủ.
Hai mẹ con nằm gần nhau, nó nghe rõ tiếng thở dài của mẹ. Lần đầu tiên Hân mới nhận ra mẹ mình ghét nơi này đến vậy, có phải vì thế nên bà Thuỷ thà đi cả quãng đường xa lên huyện thăm nó cả tháng hè còn hơn để Hân về quê không? Vì bà muốn có chút thời gian thoát khỏi căn nhà quạnh quẽ này? Hân nằm đấu lưng với mẹ trằn trọc nghĩ về điều ấy, chợt nó nghe bà Thuỷ ho khùng khục. Bà đã luôn hục hặc ho từ khi nó về tới nhà đến giờ, mỗi lần một nặng nề hơn. Hân quay sang vắt tay ôm eo mẹ, thì thầm:
"Mẹ bệnh sao hồi nãy không nhờ bác sĩ ở trạm xá khám ý?"
"Mẹ cảm sơ sơ thôi. Có bệnh gì đâu. Mày ngủ đi." Bà Thuỷ ho khùng khục, xong xua tay nói.
"Thật không mẹ? Sao dì Vân bảo mẹ bệnh nặng lắm." Hân không tin, ôm lấy mẹ. Nó cảm thấy mẹ ốm đi nhiều, ngày xưa mẹ còn có da có thịt chứ lúc này đây, vòng tay của nó chỉ dùng lực một chút là đã chạm vào xương sườn của mẹ.
"Dì Vân nói à? Sao dì Vân lại biết..." Bà Thuỷ ngạc nhiên, quay người lại hỏi Hân: "Vậy lần này con về đây là do dì Vân bảo à?"
Hân gật đầu: "Dạ. Dì Vân nói có người ở xã mình gọi lên bảo mẹ bệnh nặng rồi, kêu con về với mẹ."
Sau câu trả lời của nó, bà Thuỷ im lặng hồi lâu, rất lâu. Bóng tối khoả lấp gương mặt bà khiến Hân không đoán được biểu cảm mẹ mình lúc bấy giờ, vào lúc nó toan hỏi han thì bà lại lên tiếng: "Thôi ngủ đi."
Ngữ khi của bà Thuỷ nặng nề, mang đậm tính ra lệnh khiến Hân không dám trái lời. Nó vờ nhắm mắt, chập chờn đợi giấc ngủ đến vỗ về mình. Dẫu cho trong đầu lởn vởn biết bao nghi vấn về thái độ của mẹ, về biến cố xảy ra liên miên từ khi đặt chân trở lại xã đến giờ, Hân vẫn dần dà ngủ sâu bởi cơ thể nó đã quá mệt mỏi sau ngày dài đôn đáo ngược xuôi.
Thế rồi Hân mơ.
Một giấc mơ nửa quen thuộc, nửa xa lạ đến kì quặc. Nó thấy bố Tùng nắm tay kéo nó đi, luôn miệng la mắng nhưng trong tông giọng chỉ có sự lo âu chứ không chút tức giận gì. Sau đó ông bỗng thay đổi thái độ và đẩy ngã nó vào một bụi cây dại, gương mặt bố Hân trở nên méo mó, ánh mắt chất chứa sự hoảng sợ và bất lực. Thế rồi Hân thấy trời đổ mưa. Mưa to lắm. Những giọt mưa rơi xuống vỗ lên mặt nó đến lạnh thấu xương và rát buốt. Hân bỏ chạy, nó không thấy bố đâu nữa. Bố ơi. Nó gọi, bố ơi. Nhưng chẳng có ai đáp lại. Bất chợt đôi tay nó cảm thấy nước mưa đang đổ ập trên đầu nó cứ nhớp nháp sao đấy, Hân cúi xuống nhìn lòng bàn tay mình. Một màu đỏ thẫm.
Đó là một cơn mưa máu.
Hân choáng váng, nó toan hét lên gì đó song không thể. Thế rồi nó cứ lịm dần, lịm dần. Bóng tối nuốt chửng nó lần nữa, cơn buồn ngủ đánh sập mi mắt Hân.
Buổi sớm đánh thức nó dậy bởi tiếng gà gáy hoà cùng thanh âm đàn vịt thả rông chạy quanh nhà, lâu lắm rồi Hân mới đằm mình trong không gian quen thuộc và yên bình như vậy. Ở xã huyện phát triển mạnh, nhà cửa cứ san sát nhau, hiếm hộ dân nào nuôi gia súc gà vịt nên thức gọi họ dậy vào mỗi sáng chỉ có tiếng đồng hồ kêu vang, hoặc thanh âm rao hò họp chợ. Hân tụt xuống giường, bà Thuỷ đã ra ngoài từ sớm. Từ mảnh giấy mẹ để lại, Hân biết được tin ông Hưng không qua khỏi nên tờ mờ sớm, hai đứa con trai của ông đã chở ngược thi thể từ bệnh viện huyện trở về. Bấy giờ chòm xóm đang sang bên nhà họ phụ tang ma, khâm liệm. Bà Thuỷ cũng nhắn rõ cấm không cho nó chạy vớ vẩn trong xã, chỉ được phép ở nhà ôn bài cho năm học mới.
Hân đảo mắt, bĩu môi tỏ thái độ với không khí. Nó thấy mẹ đã chuẩn bị sẵn bữa sáng đầy đủ cho mình cùng với ly Milo hẵng còn ấm. Mẹ nó tin theo mấy quảng cáo trong ti vi rằng uống Milo sẽ giúp Hân cao và thông minh hơn, thế là từ năm bảy tuổi, sáng nào cũng có ly sữa cacao pha sẵn cho nó trước khi đi học. Mãi đến khi lên huyện, bà Thuỷ vẫn thường gửi Milo đóng hộp theo thùng lên cho nó dùng dần. Hân ăn sáng xong nốc cạn ly sữa rồi dọn dẹp, sau đó ngoan ngoãn nghe lời mẹ quanh quẩn ở nhà.
Hân ngồi ngẩn ngơ nhìn vườn dược liệu sau nhà, nó nghĩ về giấc chiêm bao tối qua. Đã lâu lắm rồi nó chưa mơ thấy bố. Hân có cảm tưởng dường như mình vừa quên điều gì đó rất quan trọng, nhưng lại không nhớ được mình cần phải nhớ thứ gì.
Đám trăm ngày nhà ông Hưng có tổng cộng mười người bị trúng thực, có vẻ là do hai con heo tự lăn đùng ra chết. Trên trạm xá còn đưa người xuống khuyến cáo cả xã tránh xẻ thịt gia súc chết không rõ nguyên do, nghe đâu đang có dịch cúm chi đó trên động vật. Song cánh đàn ông vẫn còn cứng giọng lắm, chỉ trúng thực mà thôi, bữa đấy có hơn ba chục người đến ăn đám mà mười người xui xẻo mới bị. Chuyện ăn thịt gia cầm, gia súc chết vốn bình thường ở xã, họ tiếc cái công sức nuôi gà vịt, heo bò mà tự dưng nó chết ngắc, không ăn lại phí của trời. Người bên trạm xá khuyên mãi thấy cứ bị gạt đi cũng nản, chỉ đưa cho ông Sài trưởng xã hiện tại mấy tài liệu khuyến cáo về dịch cúm rồi trở lên thị trấn.
Ông Sài phân phát cho mỗi hộ gia đình theo đúng chức trách trưởng xã, Hân cũng thay mẹ nhận một xấp. Bên trong còn có cả tờ rơi tìm người, trên giấy in trắng đen hình một đứa trẻ độ mới hơn một tuổi đang cười ngây ngô với thông báo mất tích. Lúc dì Mân đến nhà ăn cơm theo thói quen cứ cầm tờ giấy ấy mà ngắm mãi, khoảnh khắc ấy trong đôi mắt điên dại kia dường như lấy lại được chút thần trí. Song Hân cũng nhìn thấy biểu cảm đau đớn đầy thống khổ của dì lúc dì Mân ôm lấy tờ thông báo tìm người ngơ ngẩn rời đi. Quả thực chẳng cách nào xoa dịu được nỗi đau của người mẹ mất con, dẫu người ta vẫn nói thời gian sẽ là liều thuốc quên lãng tốt nhất, nhưng với dì Mân, có lẽ cơn điên dại kia mới là lối thoát duy nhất của dì.
Mất cả ngày dài, Hân đợi mãi chẳng thấy mẹ quay lại. Bài tập mang theo đã làm cả, sách giáo khoa cho năm học mới nó cũng đọc hết rồi. Không còn cái chi để giết thời gian, Hân bèn xách chổi đi dọn dẹp lại cả gian nhà xây nhỏ. Quét vườn tược, tưới cây, nhặt cỏ, xếp lại dược liệu... Hân thoăn thoắt làm việc cho thời gian trôi qua mau trong lúc đợi mẹ về. Chợt khi đang dọn lại tủ đồ, Hân tìm thấy một cuốn album. Nó mở xem thì nhận ra đó là album lưu giữ ảnh chụp trong đám tang của bố.
Hân ngồi xuống sàn nhà xi măng, nó lật từng trang ảnh để xem. Hân gần như quên mất quãng thời gian đó, giống như một giấc mộng mơ hồ. Trí nhớ của nó bị phủ đầy bởi màn sương kỳ quặc, nhưng khi nhìn từng bức ảnh trắng đen lưu lại khoảnh khắc đau thương tột cùng của mẹ, Hân bỗng lờ mờ nhận ra quả thực nó đã quên thứ gì đó rất quan trọng.
Thứ gì đó liên quan tới cái chết của bố Tùng.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top