CHƯƠNG 8: TRÁI TIM LỆCH NHỊP

Chỉ từ khi anh xuất hiện, tôi mới hiểu sâu xa rằng, đúng hay không chỉ là sự có mặt của ai đó cũng đủ vỗ về cả một trái tim tổn thương?

Phép màu chắc chắn rồi sẽ phải biến mất, chỉ là nó biến mất muộn hơn thôi. Bởi sao tôi nói vậy? Vì khi bình minh còn chưa hé rạng, tôi đã nhìn anh rời khỏi nhà tôi. Khi bước chân đầu tiên của anh qua khỏi thềm cửa, tôi thề đã muốn chạy đến níu kéo. Nhưng tất nhiên đó chỉ là suy nghĩ cá nhân, bề ngoài tôi vẫn cố gắng giữ vững thái độ hài hòa.

“Anh Nghĩa, cám ơn rất nhiều!”

Tôi nhìn thấy chân anh dừng lại nửa bước, cũng thấy mặt anh hơi quay lại để nhìn tôi, tuy vậy, ngoài cái gật đầu nhè nhẹ, anh chung thủy không nói một lời nào.

Thái độ của anh đã cho tôi biết tôi nên tỉnh mộng, cái gật đầu nhẹ cùng hơi thở đều đặn nhắc nhở tôi rằng giấc mơ đẹp đến mấy rồi cũng phải bình minh. Tôi đã tự dặn mình, chẳng qua vì thời gian cô đơn quá lâu nên mới sinh ra cảm giác muốn nương tựa, phải sống lại với những ngày tháng trước đây, đừng để ảo giác làm bi lụy. Vậy mà, khi nhìn bánh xe của anh chà xát với mặt đường thành vòng tròn rời khỏi khu tập thể, tôi mới cảm nhận sâu sắc rằng tim đang có một lỗ hổng lớn như thế nào!

Việc ra đi đột ngột của “bố” khiến Trọng Nghĩa dọa tôi một phen chết khiếp. Dậy không thấy anh bên cạnh, con đã òa khóc. Tôi càng dỗ thằng bé càng khóc lớn; tôi mặc kệ, nó càng khóc tợn. Không biết làm sao, tôi đành lôi con đi ăn kem. Gọi liền tù tì từ kem que, kem ly đến kem ốc quế, phải ăn đến cái thứ năm thằng bé mới chịu nín. Tôi sợ rồi, sức mạnh khủng khiếp của anh đã làm con trai tôi bị liên lụy. Nỗi nhớ ấp ủ và ước vọng bấy lâu nay của thằng bé bị xé toạc, thành ra giờ đây mới ra nông nỗi này.

Thở phào khi con ngừng khóc, tôi đã nghĩ mình hoàn thành xuất sắc việc an ủi đứa con trai nhỏ bé của mình. Nhưng rồi, chính thằng bé lại là người vực lại tinh thần cho tôi hơn ai cả. Lúc tôi vẫn còn đang lơ đễnh với cốc kem dâu trước mặt, thì nghe được giọng nói nhè nhẹ – “Mẹ, mẹ rất nhớ bố đúng không?”

Tôi mở to mắt nhìn thằng bé, rồi từ câu hỏi của con lại tự chiêm nghiệm chính mình. Nhớ, trong ý thức của tôi, là phải có thời gian, phải có kỉ niệm. Tuy nhiên hôm nay khi nghe con hỏi vậy, tôi mới vỡ ra một điều mà đã cố gắng dặn lòng phải quên đi: có chăng chỉ là giây phút ngắn ngủi gặp gỡ, tôi lại nhớ cái ôm đó da diết như vậy?

Không để tôi thoát ra khỏi suy nghĩ của bản thân, cũng không đợi tôi trả lời mà Trọng Nghĩa liền nói – “Con cũng nhớ bố lắm… mẹ ạ! Nhưng… con sẽ không nũng nịu bắt mẹ đưa bố về đâu, con muốn bố đột nhiên về rồi gọi con như hôm qua hơn.”

Thằng bé nhe hàm răng trắng, nhỏ và đều như hạt na của mình ra trấn an tôi. Khuôn mặt búng sữa càng làm nụ cười của con thêm đáng yêu, tôi nhìn rồi lại thấy lòng ấm áp. Tôi vẫn luôn biết Trọng Nghĩa mà tôi nuôi nấng bấy lâu nay là đứa nhỏ hiểu chuyện, nhưng tôi cũng không mong con phải giấu giếm cảm xúc của mình để rồi lại tự buồn bã. Đưa tay ra phía con ý bảo con lại bên tôi, thằng bé hiểu ý thì liền nhảy xuống ghế, nó ngồi vào lòng rồi ôm lấy bụng tôi. Tôi chỉ biết cười, nhẹ xoa đầu và hôn lên trán con, cũng nhỏ giọng để chỉ có thể hai mẹ con nghe với nhau – “Trọng Nghĩa ngoan như vậy, bố chắc chắn sẽ sớm về.”

Ngày trước nghe tôi nói vậy, Trọng Nghĩa chỉ nói “Vâng” thật lớn, nhưng hôm nay thằng bé không chỉ vâng bình thường nữa mà còn bày ra khuôn mặt mơ hồ mường tượng trong hạnh phúc. Tôi đoán là con đang nghĩ lại giây phút thật sự như phép màu hôm qua, bản thân tôi cũng không thể rũ bỏ cái ôm ấm áp đầy an toàn đó. Ngắn gọn thôi, là tôi không thể quên được anh!

./​


Thời gian trôi nhanh không chờ đợi ai, thấm thoắt đã đến thứ bảy, trong lòng tôi lại có cảm giác nhộn nhịp. Sau chuyện sinh nhật Trọng Nghĩa, tôi vẫn chưa chuẩn bị tinh thần để đối diện lại với anh, vậy nhưng trong sâu thẳm tâm can tôi vẫn là ước muốn gặp gỡ cháy bỏng. Tuy nhiên, hôm nay anh không đến, thay vào đó là cậu em trai cũng như ân nhân mười năm trước của tôi.

“Thủy, cậu làm ở đây sao?” – vẫn là cậu ta nhận ra tôi trước.

Tôi ngượng ngùng cười gượng – “Ừ, hôm nay đến đây đánh bóng à?”

“Không có.” – cậu ta nhún vai – “Tôi dốt thể thao lắm, hôm nay đến đây làm mấy công tác cho ông anh thôi!”

“Anh?” – tôi bất giác hỏi lại.

“Ừ, cái anh lần trước tôi giới thiệu với cậu đó, không biết cậu làm ở đây có để ý không nhưng anh tôi cũng hay đến đây chơi bóng vào cuối tuần. Nhưng mà hôm nay anh ấy đi công tác rồi, nên tôi phải đến làm thay việc đây.” – cậu ta nhíu mày trong trời nắng, mắt cũng nhìn xung quanh phần sân tôi lau dọn một lượt.

“Vậy à?”

Tại sao thế? Tại sao tôi lại thể hiện sự thất vọng như thế chứ? Không giống tôi chút nào! Đừng như vậy mà Thủy ơi, tôi tự răn đe mình.

Sợ rằng Nhân sẽ nhìn ra nên tôi cười qua loa – “Vậy, cậu đi làm việc của mình đi. Tôi cũng phải đi nhặt bóng đây.”

Tôi cáo từ rồi xoay người rời đi, nhưng được hai bước thì Nhân liền níu chân tôi bằng lời đề nghị lịch sự - “Thủy, nếu vất vả quá có thể nói với tôi, tôi sẽ bảo phòng nhân sự xếp cho cậu một chỗ. Cậu cứ suy nghĩ đi, card tôi để đây.”

Phải đến lúc không thấy có tiếng gì sau lưng mình nữa, tôi mới lật đật quay lại. Nhìn tấm card được để ngay ngắn trên ghế băng chờ, tôi cầm lấy đọc. Đúng là... hai anh em đều tuổi trẻ tài cao. Cậu ta bằng tôi mà đã là giám đốc tài chính của khách sạn ManO, quả nhìn nhận lại mình, nếu trước đó tôi chăm chỉ học hành một chút chắc kết quả cũng không thảm hại như thế này. Khẽ thở dài rồi đút tấm card đó vào túi quần, tôi cũng không mấy để ý mà quay trở lại công việc của mình.

Có lẽ hôm nay anh không đến nên khách không đông như mọi thứ bảy trước, tôi vì thế cũng được cho về sớm. Chạy qua chợ tính mua gì đó để làm bữa ăn thịnh soạn cuối tuần cho Nghĩa, thấy có đầu và đuôi cá quả ngon nên tôi quyết định mua về để nấu một bữa riêu cá như con vẫn thích. Nghĩ đến mặt thằng bé hớn hở, rồi vì nước riêu chua mà trán nhăn lại, răng xin xít vào nhau, tôi lại không nhịn được cười.

Rảo bước thật nhanh, tôi cuối cùng cũng về đến nhà. Đứng trước cửa, tôi vui vẻ gọi lớn:

“Nghĩa à, mẹ về rồi đây.”

Tuy nhiên, tôi không nghe thấy tiếng con trả lời và vui vẻ chạy ra mở cửa như mọi ngày. Lại nhìn lên cánh cửa gỗ chỉ được khép hờ, chợt cảm giác có chuyện không hay xảy ra , tôi vội vã đẩy cửa vào trong, miệng cũng không quên bật gọi lớn – “Nghĩa à!”

Tôi nhìn nhanh qua căn nhà cho đến khi ánh mắt chạm vào đôi đồng tử của người đó và đôi mắt to tròn chính hiệu của con trai mình, tôi mới hiểu tất cả.

Không phải có chuyện gì xảy ra với con, mà có chuyện xảy ra với tôi đây.

Tôi đứng chôn chân bất động nơi thềm cửa nhìn người đàn ông đang rất vui vẻ nhoẻn miệng cười trước mặt. Anh vẫn đóng bộ áo sơ mi và quần âu, nhưng lại mặc thêm cả tạp dề và tay thì đang cầm xẻng chiên. Tiếng Trọng Nghĩa ríu rít phía dưới không thành công kéo sự chú ý của tôi ra khỏi anh, tôi hiện tại vẫn không thể tin vào mắt mình, người khiến tôi bối rối cả tuần nay đang xuất hiện tại đây ngay giờ phút này. Và hơn cả sự chân thực, nó còn sắc nét đến mức khiến quả tim này lạc mất mấy nhịp lận.

Tôi nghe tiếng anh nói – “Em vào thay quần áo tắm rửa đi, rồi còn ăn cơm.”

Tôi nghe Trọng Nghĩa hớn hở khoe – “Mẹ ơi bố vừa về, còn mang rất nhiều đồ ăn nữa. Bố nói hôm nay muốn chiêu đãi mẹ con mình một bữa thật lớn”

Rồi vì sự ngẩn ngơ mà đến cả sức kéo hời hợt nhỏ bé của Trọng Nghĩa cũng khiến cả cơ thể tôi dịch chuyển theo hướng con đi. Tôi bị thằng bé đưa đến gần anh, tay cũng vì con lắc lắc mà cả cơ thể chấn động theo. Trong lòng tôi có rất nhiều câu hỏi hiện lên như: Tại sao anh lại ở đây? Tại sao anh lại đến mà không báo trước? Chẳng phải anh đi công tác sao giờ lại nấu cơm ở nhà tôi? Rất nhiều, rất nhiều câu hỏi khác nhau cứ thi nhau chen lấn vị trí đứng đầu để đợi miệng tôi truyền tải. Tuy nhiên, khi lời nói ra đến đầu lưỡi lại thê thảm như thế này:

“E… em mới mua được miếng cá ngon. Đị… định nấu riêu.”

Rồi không hiểu đâu ra nhiều vô duyên để tôi có thể giơ túi cá vẫn còn mùi tanh lòm đó ra trước mặt anh.

Tôi sau đó không nhìn thấy bất kì sự ngượng ngùng nào trong đôi mắt ấy, cũng không thấy sự khó chịu trong tròng mắt đen. Hoàn toàn thái độ của anh là chăm chú soi xét túi cá, mày hơi nhíu lại nhưng rồi cũng nói:

“Hừm… vậy đi. Nấu riêu cá, còn đồ anh mang về, mai hai mẹ con ăn nhé!”

Anh nói rất tự nhiên khiến tôi cũng theo thái độ đó mà hành xử. Thề là lúc này tôi không khác gì một con lật đật được người khác tặng cho ít lực. Đầu ra sức gật gật, bản thân cũng nhanh chóng rời khỏi vị trí gần sát, cái vị trí mà làm hai má tôi nóng như ngồi cạnh bếp than hồng.

Để túi cá cho anh cầm, tôi một mạch đi vào phòng ngủ, đứng dựa vào cửa mà tôi còn nghe thấy nhịp tim mình đập thành tiếng bang bang. Không phải tôi đang xấu hổ đó chứ, đã như thế nào rồi mà còn có tâm trạng yêu thích người khác giới thế này? Vò đầu bứt tai nhưng tim không ngừng đập nhanh, chẳng những thế nó còn thổn thức đến nỗi muốn lọt ra đến nơi. Nuốt nước bọt để cố gắng nhấn chìm sự hồi hộp, tôi thở dốc để trái tim lệch nhịp này không khiến tôi nhồi máu mà chết ở đây.

Phải mất năm bảy phút lấy lại tinh thần, tôi mới đủ khả năng mở hé cánh cửa nhìn ra phía khung cảnh bên ngoài.

Tôi luôn biết yêu thương là từ những thứ nhỏ nhặt chắp vá mà nên, nhưng chưa bao giờ cảm nhận sâu sắc được việc đó. Chỉ từ khi anh xuất hiện, tôi mới hiểu sâu xa rằng, đúng hay không chỉ là sự có mặt của ai đó cũng đủ vỗ về cả một trái tim tổn thương?

Nhìn anh cầm bàn xả chuyên nghiệp với chảo rau trước mặt, lại nhìn anh vui vẻ vừa nói chuyện với Trọng Nghĩa vừa cạo vẩy cá, tôi không thể nói dối bản thân mình rằng trong tim không dành tình cảm với anh thêm nữa!

Người đàn ông mặc mùi khói ám lên chiếc áo sơ mi đắt tiền, mặc cá tanh vấy lên quần âu thẳng thớm, mặc mồ hôi làm mái tóc cắt gọn gàng bết lại, trên môi anh vẫn luôn là nụ cười hiền dịu trìu mến. Không biết có phải mắt tôi bị hoa hay gì nhưng tôi thấy rõ màu hồng và những bông hoa đang đua nhau nở xung quanh anh và con. Nhìn họ vui đùa; rồi Trọng Nghĩa thường ngày chẳng bao giờ xuống bếp xem tôi nấu ăn, giờ đang rất chăm chỉ kiễng chân rửa từng lá hành, từng bó rau thơm; tôi thật không biết có nên gọi đây là hạnh phúc hay không?

Đóng cửa lại, đặt tay lên trái tim lỗi nhịp, tôi ước thời gian có thể lắng đọng tại giờ phút này, tôi sẽ nguyện dùng cả đời để bảo vệ, cả đời để trân trọng nó.

./​


Món riêu cá anh làm ngon và màu sắc hơn tôi nấu rất nhiều lần, nên khi Trọng Nghĩa xuýt xoa khen ngợi, tôi mới cảm thấy mình kém tài đến mức nào.

Lấy một chiếc chiếu trải xuống đất để anh đặt mâm cơm đầy thức ăn lên, lúc đó tôi không biết mình đã choáng váng thế nào trước tài nấu ăn của anh. Anh nói rằng nấu theo khẩu vị của mình, nhưng thật sự tất cả mọi thứ đều được nêm nếm rất vừa vặn. Tôi đưa ánh mắt nghi hoặc lên nhìn anh, dường như anh hiểu nên chỉ cười xòa rồi nói – “Không có vợ bên cạnh nên anh phải tự học.”

Tim tôi lại đập nhanh rồi!

Từ giây phút anh nói câu đó, tôi và anh dường như không còn đối thoại mà thay vào là Trọng Nghĩa kể chuyện cho anh nghe. Con kể rằng bạn bè đều khen con có bố đẹp trai, họ cũng không còn nói con không có bố nữa. Thằng bé lại kể hôm nay được học số, nó viết nhầm thứ tự nên chỉ được điểm năm, còn các bạn khác đều được điểm chín điểm mười. Nó còn tỏ ra cái vẻ phụng phịu hiếm thấy, dường như con rất thích làm nũng người đàn ông này.

Tôi len lén nhìn thái độ của anh, nhưng tất cả xúc cảm đều được anh gói gọn trong nụ cười ấm áp. Anh xoa đầu Trọng Nghĩa và nói rằng: Sai lần đầu, lần sau sẽ đúng; những người không bao giờ sai lầm, đến khi mắc phải mới không thể sửa chữa. Nghe anh dạy con mà như anh đang nói với chính tôi vậy. Không hiểu sao, nhưng khác với những lời an ủi ngày qua ngày triền miên của Duyên, lời nói ngắn gọn anh dành cho Trọng Nghĩa lại khiến tôi ấm lòng.

Giờ đây ngồi trước ô cửa sổ nhỏ, đồng hồ đã điểm mười một rưỡi, nhìn những tòa nhà cao tầng mọc san sát nhau tỏa ra thứ ánh sáng lấp lánh cùng chút gió lạnh về đêm, tâm trạng tôi phần nào dịu lại.

Cả tối ngồi nghe tiếng anh và Trọng Nghĩa hòa quyện vào nhau, tôi thầm nghĩ sẽ chẳng có một nhạc điệu nào hay hơn thế. Có lẽ anh đứng trên nhiều người, cũng hay dạy dỗ những nhân viên dưới anh, nên anh dường như rất biết cách chỉ dẫn sao cho đúng nhất. Từng câu từng chữ ngắn gọn mà lại dễ nhớ dễ hiểu, nên Trọng Nghĩa như liền một lèo làm được mấy bài toán lận. Tôi đoán như vậy qua tiếng réo lên vui sướng của con, rồi lại nghe anh nói – “Giỏi lắm, lần sau nhớ phải mang điểm mười về cho bố xem nhé.”

Không gian chìm vào bể im lặng được một lúc thì đột nhiên con hỏi anh. Trong cái không khí yên tĩnh mà đến ngay cả tiếng hít thở cùng thành âm thanh ồn ã đó, tiếng của Trọng Nghĩa như vang vọng va chạm vào trái tim vẫn chưa lành vết thương của tôi.

“Bố, sao bố không về sớm hơn?”

Tôi thật sự đã rất giật mình khi thằng bé hỏi anh như vậy, không biết anh có thấy khó xử không, anh cũng đâu phải cha thật của thằng bé mà có thể trả lời câu hỏi này. Tôi nhanh chóng nhào về phía phòng ngủ và chuẩn bị sẵn câu trả lời hợp tình hợp lý nhất để nói với con, nhưng dường như đã quá thừa thãi khi tôi nghe được âm giọng trầm ấm nơi anh phát ra.

Một câu trả lời vừa mang cái buồn man mác, vừa mang tiếc nuối như thể chính anh đang đau nỗi đau đó vậy.

Anh nói – “Không phải bố không muốn về sớm, mà là đã không thể đến sớm hơn.”

Anh nói – “Nhưng bố đã nhìn thấy Nghĩa chào đời. Bố đã thấy Nghĩa ngoan ngoãn chui ra khỏi bụng mẹ.”

Tôi… tôi...

Cố gắng bụm chặt miệng để không khóc, nhưng nước mắt hai ba hạt đã tuôn rơi. Tôi biết anh nói dối, tôi biết anh chỉ đang làm tròn vai diễn mà anh đã chót dấn thân vào, nhưng anh sẽ chẳng thể biết được giọng nói tha thiết ấy khiến cho người khác cảm thấy đau lòng thế nào.

Ngày đó, cái ngày Trọng Nghĩa ra đời, nếu không phải hắn mà anh mới là cha của thằng bé, phải chăng tôi sẽ rất hạnh phúc? Phải chăng tôi sẽ như những gì vẫn hằng ước mơ?

Người đàn ông luôn chăm sóc cho gia đình, luôn yêu thương con cái, luôn ấm áp khi bên cạnh vợ mình, người đó... có lẽ đang ở rất gần tôi đây. Nhưng… anh vẫn thật mờ ảo và không chân thật. Anh càng gần thế này tôi càng thấy khoảng cách giữa chúng tôi thật như vô tận. Từ lúc bắt đầu cho đến giờ, kể cả khi anh đồng ý chấp nhận chuyện vô lý này, thì đối với tôi, thế giới của anh vẫn quá đỗi xa vời…

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top