CHƯƠNG 4: CUỘC SỐNG ĐỘC LẬP

Tôi rất muốn khoe với bà giờ tôi đã trưởng thành lên nhiều, không những chăm tốt cho bản thân mình mà còn nuôi nấng lớn khôn cho một sinh linh nữa.


Tôi vẫn hàng ngày len lén đến bệnh viện thăm mẹ, mẹ yếu quá! Từ xa nhìn khuôn mặt xanh xanh trắng trắng của bà, lòng không kìm được mà khóc nấc. Nói bao nhiêu để xin lỗi bà, nói bao nhiêu để cầu xin bà tha thứ. Tôi là đứa con bất hiếu, một đứa con không đáng có mặt trên đời này.

Thấm thoắt cũng đã bảy tháng trôi qua. Mọi chuyện của gia đình tôi đều nghe qua Duyên. Giờ chị ấy như cây cầu nối, giúp tôi biết được tình hình của mọi người. Chị ấy nói mẹ tôi đã ra viện giờ đang được chăm sóc đặc biệt ở nhà. Nhưng tinh thần bà thì không hề ổn chút nào. Bà ấy rất hay gọi tên tôi, nhiều lúc giữa đêm liền đi tìm rồi gọi toáng lên làm bố nhiều đêm mất ngủ, tinh thần cũng sa sút nhiều. Nghe đến đây, lòng tôi quặn thắt đến nỗi đôi mày nhíu chặt. Đau đến cắt ruột gan!… Chị ấy còn nói công việc của bố tôi vẫn ổn, mấy tháng qua ông ấy luôn dáo dác tìm tôi. May thay chị Duyên tương trợ nên cái xó xỉnh này không bị ông ấy sờ đến, nếu không, chắc giờ tôi đã phải vác mặt mo về nhà. Tôi cảm kích rất nhiều và nói với chị ấy bao giờ sinh xong, tôi sẽ trả ơn chị.

Duyên chỉ cười rồi nói: Cố gắng để mẹ tròn con vuông nhé!

Chỉ hai tháng nữa thôi….!

Mùa hè năm tôi hai mốt tuổi, cục cưng cuối cùng cũng đòi chui ra. Thật may hôm đó Duyên đến thăm, vừa lúc tôi sắp sinh. Tôi đau gần chết, chưa bao giờ trải qua, nên tôi thật sự lúng túng. Chỉ biết khóc và cầu mong mọi chuyện yên ổn. Tôi được đưa đến bệnh viện nhanh chóng và bạn thân của Duyên là người đỡ. Chị ấy cứ nói hít sâu vào, thở đều ra, mà tôi đau muốn ngất, không thể nào bình ổn được hơi thở. Cứ một chút cố lên sắp ra rồi, tôi lại như chết đi sống lại. Giờ đã hiểu cái câu “dứt ruột đẻ ra” là như thế nào? Đúng là ruột phèo của tôi vì cục cưng mà đứt rời. Đến lúc chị ấy hô lên “Ra rồi!”, lúc đó tôi đã nghĩ rằng chết thật ý nghĩa.

Ngắm nghía cục cưng đỏ hỏn nhăn nhúm như cún con trong tay Duyên, tôi vỡ òa trong cảm xúc. Tôi cảm thấy hạnh phúc, thật sự rất hạnh phúc! Nước mắt từ nơi khóe mắt cứ thế tuôn rơi không sao ngăn nổi…

Tôi lẩm nhẩm - “Bé con à… mẹ đây…” – khi nhìn bé con ngoan ngoãn nằm trong khăn bọc trước mặt tôi.

“Mẹ đặt tên con là Trọng Nghĩa, Đoàn Trọng Nghĩa, bé con nhé!” – tôi nói khe khẽ mong sao con có thể nghe thấy. Và cũng mong con tôi lớn lên sẽ như cái tên tôi đặt cho nó.

Con của tôi đã chào đời rồi!

./​

Thời gian chạy nhanh như mới ngoảnh mặt lại, Trọng Nghĩa dần cứng cáp và đến khi con được ba tuổi rưỡi, tôi quyết định kiếm một công việc để làm. Dù gì, tiền tiết kiệm còn rất ít, mà vì nuôi con nên nhiều lúc phải rút tiền trước kì hạn rất vất vả, chưa kể nhiều khi phải vay tiền của Duyên để mua sữa cho Nghĩa. Lắm lúc giữa đêm con sốt cao, tôi như người chết rồi. Kinh nghiệm bằng không, lại không biết làm sao để gọi điện hỏi mọi người vào lúc canh ba gà gáy này. Nên cứ thế mà ôm con vào lòng khóc hết nước mắt, lại cầu trời sao cho con mau hạ sốt… giờ tôi mới thấu hiểu sâu sắc rằng mẹ đã vất vả vì tôi như thế nào!


Nhắc đến mẹ, sống mũi tôi lại cay cay. Nếu giờ mẹ biết bà đã có cháu lại còn là cháu trai rất khôi ngô thì bà có vui không? Nhiều lúc đứng hàng giờ trước cánh cổng gỗ, nơi chỉ cần bước qua thôi là tôi có thể sà vào lòng mẹ mà giãi bầy hết nỗi khổ lâu nay phải hứng chịu. Tôi rất muốn khoe với bà giờ tôi đã trưởng thành lên nhiều, không những chăm tốt cho bản thân mình mà còn nuôi nấng lớn khôn cho một sinh linh nữa. Tôi muốn bà nhìn thấy Trọng Nghĩa rồi vui vẻ nheo đôi mắt đã hằn những vết chân chim mà ôm lấy thằng nhỏ vào lòng. Tôi rất muốn… rất muốn được khóc trong lòng bà. Tôi giờ thấy mình thật mệt mỏi và nhỏ bé trong thế giới mới. Cũng tại tôi ngu dại, giờ thấm thía thì đã muộn. Chắc chắn về sau tôi sẽ dạy Trọng Nghĩa rằng, hãy biết lắng nghe lời cha mẹ vì họ luôn muốn mang những điều tốt nhất đến cho con.

Quyến luyến ngước nhìn căn nhà bốn tầng – nơi đã nuôi nấng tôi khôn lớn qua từng ngày ấy – lặng lẽ gạt nước mắt bước đi. Hôm nay là ngày tôi đi xin việc!

Trọng Nghĩa rất ngoan, ít quấy khóc nên tôi quyết định gửi con ở nhà trẻ gần khu nhà tập thể. Tôi cũng rất sợ những vụ cô giáo đánh đập trẻ nhỏ, rồi nhà trẻ tư nhân hành hạ các bé. Nhưng may thay, cô Yến – người trông trẻ ở gần tập thể của tôi là người có uy tín. Cô ấy cũng đỗ cao, học tốt nhưng vì chồng bị vô sinh nên không thể đẻ con. Trước chưa tiên tiến để giúp cô thụ tinh ống nghiệm hay gì gì đó, giờ hiện đại thì cũng gần năm mươi rồi, nên cô coi việc trông nom các bé như niềm vui nửa cuộc đời còn lại. Nhìn đôi vợ chồng vui vầy với mấy đứa trẻ bi bô, tôi cũng thấy an lòng mà gửi gắm Trọng Nghĩa ở đó.

Nói về việc làm thì sau cả năm trời tìm kiếm vất vả, cuối cùng công việc như tôi hằng mơ ước – xa trung tâm, lương ổn – đã thành sự thật. Chắc chắn một đứa không học hành tử tế như tôi thì làm sao kiếm được việc bàn giấy, lao động chân tay là lựa chọn hàng đầu. Nhiều lúc tôi tự nghĩ, chắc có lẽ tôi đã chịu quả báo quá đủ cho thời nông nổi suy nghĩ hạn hẹp bằng việc học tập nuôi nấng đứa trẻ đối với tôi còn quý hơn mạng sống mình, nên giờ mọi thứ đến với tôi chỉ có thể tả bằng hai chữ: may mắn. Bạn của Duyên tiết lộ một thông tin mật rằng ở phía Cầu Giấy mới mở một sân tennis dành cho dân thượng lưu. Ông chủ ở đấy là người nước ngoài, việc tuyển dụng không phơi bày vì ông ta chúa lười sàng lọc. Nhưng được cái, ông ta đặc biệt tin tưởng những người do bạn ông ta đưa đến nên sẽ không kiểm duyệt mà cho làm ngay. Nghe đến đây, tôi thở dài rồi khẽ cười lạnh, xã hội đầy rẫy những kẻ lợi dụng tư quyền để chiếm đoạt, không hiểu sao ông chủ người nước ngoài đó nghĩ gì mà lại làm thế… Nhưng rồi cũng mau chóng dẹp bỏ tư tưởng cá nhân ấy sang một bên, tôi đồng ý luôn công việc đó và được bạn của Duyên dẫn đi xin làm.

Thú thật là mấy nơi xa xỉ như bar, club hay gì gì đó, tôi cũng đã từng vào qua; nhưng cái thứ to uỳnh oàng chiếm đến mấy hecta đất cỏ này thì lần đầu tiên tôi bước vào. Phải nói sân tennis này rất rộng, ước chừng có khoảng hơn chục phần sân nhỏ. Những thiết bị ở đây đều bóng loáng và gán mác hàng hiệu nhập khẩu… Hầy, đúng thật phù hợp với cái tên kêu như gà gáy sáng: Royal Yard.

Mải mê ngắm nhìn và phán xét đống đồ sộ trước mặt, tôi đã được dẫn đến nơi ông chủ án ngữ từ lúc nào. Ông ấy nói tiếng Việt khá sõi, tổng thể thì nghe có thể hiểu được. Mô hình chung ông ấy giới thiệu việc tôi phải làm là nhặt bóng và lau dọn thiết bị, phần sân tôi làm là số năm và lương là 100,000/giờ, một ngày làm năm tiếng. Đối với cuộc sống của Việt Nam bây giờ, đặc biệt đối với nghề lao động chân tay thì đây là số tiền thật sự đáng mong đợi.

Bạn của chị Duyên chúc tôi làm việc tốt rồi bá vai bá cổ ông chủ ấy đi mất hút. Tôi được phát cho một bộ đồng phục gồm áo phông in biểu tượng của sân tennis và một chiếc quần váy thể thao. Nhanh chóng thay đồ rồi ra nhận việc tại phần sân của mình, tâm trạng của tôi có chút háo hức, có chút nóng lòng.

Tuần đầu tiên làm việc cũng không có gì vui vẻ như tôi ảo tưởng lắm, mấy chị mấy cô chả biết đánh cứ múa vợt loạn lên rồi để bóng bay vèo vèo ra ngoài, báo hại tôi phải chạy đi chạy lại nhặt. Mệt muốn ngất ngay trên sân, dù gì trước nay tôi chưa có kinh nghiệm "lê lết sa trường" như thế này nên việc mau chóng bị hoa mắt chóng mặt là không thể tránh khỏi. Nhiều lúc tôi muốn cầm quả bóng mà đáp vào miệng mấy mụ đã chả biết gì mà cứ to giọng mắng tôi chắn tầm nhìn hay lấn vào phần sân họ đánh. Nhìn xem, bóng bay hướng Đông thì nhảy sang hướng Tây, bóng bay góc sáu mươi thì đánh góc ba mươi, vậy mà đòi đến đây làm gì? Ừ thì cứ cho hứng thú với môn thể thao này đi, nhưng mà tôi làm ở đây được một tuần, các chị ấy đánh cũng chả tiến bộ gì hơn. Nói thẳng, đầu gà như tôi một tuần chắc chắn cũng phải vụt trúng bóng, đằng này thấy bóng bay đến thì quay mông lại rồi hét điên loạn như nhìn thấy quái thú… Hầy, chả biết họ ném tiền vào cái nơi xa xỉ này để làm gì, thừa tiền quá thì bố thí cho em đây đi, đừng đốt không như vậy, rất không tốt cho kinh tế đất nước!

Ba tuần sau nữa, tôi vẫn làm việc chăm chỉ ở đó. Mọi việc đều đều diễn ra lặp đi lặp lại, đi làm là chuỗi nhưng hoạt động nhặt bóng, đỡ bóng, né bóng; rồi vòng về đón con. Cô Yến ở nhà trẻ khen Nghĩa rất ngoan lại ga-lăng với các bạn nữ nên được rất nhiều bạn quý mến. Nghe vậy, tôi cũng thấy lòng được an ủi. Tôi luôn biết Trọng Nghĩa là đứa trẻ biết điều, nó chưa bao giờ để tôi phải lo lắng, cũng không như những đứa trẻ khác gặng hỏi bố của nó là ai. Có lẽ là lần đó, khi con hỏi tôi bố của nó tên gì, tôi đã ngừng đọc truyện cho nó mà im lặng hồi lâu. Lúc đó tôi thật không biết phải trả lời con như thế nào, nói bố nó là qua đường của mẹ sao? Hay nói bố nó là tình yêu đầu đầy màu hồng cũng đầy mùi hôi rình? Ngàn vạn lần tôi căm thù con người đó, nếu bốn năm trước anh ta mà xuất hiện trước mặt tôi, tôi sẽ không ngần ngại mà vơ lấy con dao chọc tiết lợn chém chết anh ta, dù gì lúc đó tôi rất muốn chết. Nhưng nay, khi đã 25 tuổi, cũng đã là mẹ của một đứa trẻ ngoan, tôi dần khoan dung và biết tiết chế mình hơn.

Nhẹ hôn lên trán con, tôi khẽ trả lời: Bố của Nghĩa cũng giống với tên con!

Tôi không chắc lời nói dối đó có hiệu lực như thế nào, nhưng từ đó thằng nhỏ không hỏi tôi thêm gì về bố nó nữa. Hơn thế, có lần tôi bắt gặp mấy đứa bạn của con hỏi thằng bé về bố nó, nó rất tự hào khoe rằng: Bố của mình cũng tên Trọng Nghĩa, bố là người tuyệt vời! Trời biết lúc đó đứng sau bức tường đã phủ rêu xanh, tôi đã khóc nhiều như thế nào, lòng đau xé toạc như thế nào, tim thắt lại đến nỗi không thở được như thế nào.

Xin lỗi con nhiều lắm!

Xin lỗi vì không thể mang đến cho con một gia đình hoàn hảo!

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top