CHƯƠNG 11: TÌNH CỜ

Những tiếng nấc nhỏ như chiếc kìm nhổ từng cái đinh án ngữ trong tim tôi, cái nhìn vội vã như sợ đánh rơi khoảnh khắc là gạn vớt những mảng đục trong lòng tôi lúc này.

“Thiên Thủy!”

“Mẹ ơi!”

Trong giây phút này, những từ ngữ hoa mỹ nhất đẹp đẽ nhất cũng hoàn toàn không thể miêu tả được tâm trạng của tôi. Tất cả mọi thứ như vỡ tung. Mọi nỗi nhớ, khát khao, xúc cảm đều như được thoát khỏi cái kén chật chội. Tôi lao đến bám lấy thanh sắt cửa, còn mẹ thì đã không thể đứng vững mà bổ nhào về phía tôi.

Tay mở cửa của bà run run, dù trong bóng tối, tôi vẫn có thể nhìn rõ được nước mắt rơi không ngừng trên mu bàn tay nhăn nheo ấy. Tôi trấn an bà bằng giọng nói nghẹn ngào của chính mình:

“Không phải vội vàng đâu mẹ, con vẫn ở đây mà.”

“Mẹ biết rồi, mẹ biết rồi.” – bà quệt đi hàng nước mắt trên gò má – “Mẹ không vội, mẹ chỉ vui mừng quá thôi!”

Sự ngăn cách hoàn toàn bị phá bỏ khi cánh cổng sắt ấy mở ra, tôi không phải dùng suy nghĩ nữa mà ngay lập tức nhào vào lòng bà. Hai mẹ con tôi ôm nhau mà khóc nấc, bản thân tôi cũng cảm thấy khi ở trong lòng mẹ như thế này, chút ít gánh nặng trên vai nhẹ bớt.

Mẹ vuốt hai má tôi, ánh mắt của mẹ vẫn vậy, vẫn nhìn tôi âu yếm không suy chuyển. Chỉ là đôi mắt ấy đã phần nào chứng minh năm tháng là kẻ thù lớn nhất của đời người, mẹ… đã già đi nhiều quá! Tôi buông mình ra khỏi bà, ngồi xuống đối diện Trọng Nghĩa vẫn ngạc nhiên không hiểu chuyện gì trước mắt, tôi hắng giọng để không bị lệch lạc khi nói với con:

“Nghĩa à, đây là mẹ của mẹ, là bà ngoại của con. Con còn nhớ mẹ có kể về ông bà cho con nghe trước đó không?”

Mắt con khẽ liếc ra phía sau nơi mẹ tôi đang đứng, Trọng Nghĩa nói nhỏ như ngại ngùng:

“Có nhớ ạ!”

Tôi vui khi thấy con như vậy, vui vì con vẫn còn nhớ những gì tôi kể trước đó. Kéo tay con gần hơn đến trước mặt mẹ tôi có chút ấp úng:

“Mẹ… đây là Trọng Nghĩa… cháu được bốn tuổi rồi!”

Trong khi Nghĩa vẫn còn ngây ngô trước những sự việc hoàn toàn xa lạ với con và tôi vẫn còn vương vấn ngượng ngùng của bản thân, thì mẹ đã ôm lấy con tôi vào trong lòng. Tôi nhìn thấy người bà run lên khi quỳ xuống ôm lấy Nghĩa, những tiếng nấc nhỏ như chiếc kìm nhổ từng cái đinh án ngữ trong tim tôi, cái nhìn vội vã như sợ đánh rơi khoảnh khắc là gạn vớt những mảng đục trong lòng tôi lúc này.

Đêm hôm đó, không khí thanh đạm đến kì lạ.

Cho Trọng Nghĩa ngủ, tôi với mẹ mới có thời gian nói chuyện với nhau. Vẫn như ngày nào, trước mặt tôi là một đĩa trái cây và cốc nước lọc. Mẹ nói hôm nay bố đi công tác, phải ngày mốt mới về, tôi về lần này ông ấy không được gặp quả thật tiếc.

Tôi nghe mẹ nói, miệng cười nhưng lòng lại không thể cười được hơn. Tôi tin rằng mẹ sẽ không bao giờ quay đi với tôi, nhưng bố… một người luôn coi trọng hình ảnh gia đình mẫu mực, sẽ như thế nào khi nhìn thấy tôi? Ông ấy có vui không hay chỉ lãnh đạm bước qua tôi?

“Mẹ, bệnh của mẹ sao rồi?” - tôi cố lái sang một chủ đề khác.

“Vẫn tốt, bác sĩ Thành nhiệt tình giúp đỡ nên bệnh cũng đỡ đi nhiều.” – mẹ nắm lấy tay tôi, bà nhìn vào đó thật lâu, đến lúc đưa mắt lên nhìn tôi thì đã trực đầy nước mắt – “Con vất vả lắm phải không Thủy? Sao con không về đây, mẹ sẽ giúp con nói với bố, sao con lại dại dột thế hả Thủy?”

Cúi gằm mặt vì xấu hổ, lúc tôi rời khỏi, đầu chỉ nghĩ rằng trốn chạy là cách giải quyết êm thấm nhất. Lúc tôi nuôi nấng Trọng Nghĩa, đầu cũng chỉ nghĩ rằng, cố gắng thật nhiều thì ắt sẽ qua mọi khó khăn. Nhưng giờ đây mới hiểu, càng cố càng mệt, càng tự mù lòa suy nghĩ bản thân thì sự thật càng tường rõ. Bản thân tôi hoàn toàn không thể làm tròn mọi trọng trách hoàn hảo như mẹ đã từng làm với tôi.

Tôi siết thật chặt lấy bàn tay nhăn nheo của mẹ, gục lên đó mà khóc. Ngoài biện minh hay kể khổ, tôi tất cả chỉ muốn được khóc thoải mái như thế này một lần.

Đêm đó, mẹ con tôi nói chuyện đến ba giờ sáng. Tôi kể cho bà nghe từ lúc mọi chuyện xảy ra đến những ngày tháng sau này, và đặc biệt nói đến bệnh của Nghĩa. Mẹ chỉ nghe không hỏi lại cũng không tỏ ra ngạc nhiên, kể cả là lúc tôi xin lỗi và xin tha thứ, bà cũng nhanh chóng gật đầu như thể đã biết chắc chắn sẽ có ngày như thế này. Mẹ nhất nhất nhìn tôi hiền từ đến phút chót!

Bà an ủi tôi rằng, ngày bé tôi cũng hay bị trẻ con hàng xóm bắt nạt, nhiều đến nỗi tính cách trong mấy tháng liền lầm lì khó chịu. Việc trẻ con bị tổn thương cảm xúc dẫn đến trạng thái tạm thời rối loạn không phải ít, hơn cả Trọng Nghĩa còn là đứa nhỏ thiếu thốn tình cảm, nên có lẽ chỉ có thể chờ đợi.

Nghe mẹ nói, lòng tôi nhẹ đi được hẳn một bên gánh, chỉ là, nửa còn lại… chuyện về anh tôi hoàn toàn không nhắc đến. Tôi không đủ dũng cảm để động chạm đến tên của anh cũng như đảo ngược quá khứ để nhớ đến anh nữa! Tôi đã sớm coi đó là giấc mơ rồi.

Trước khi vào phòng, mẹ có nói với tôi:

“Con còn nhớ bác Hải không? Bạn thân của bố đó. Hôm nay mẹ mới nhận tin vợ bác ấy bị tai biến phải vào viện, mai hai mẹ con ta qua đó thăm bác ấy được không?”

“Được mẹ ạ! Vậy để mai con đưa Nghĩa qua bên chị Duyên rồi mẹ con ta đi, được không ạ ?’

Mẹ hiền từ gật đầu rồi vào phòng mình. Nhìn bóng lưng mẹ khuất dần, đôi môi tôi không cần lý do liền tự vẽ lên một nụ cười. Với tay tắt đèn hành lang trước cửa phòng mình, tôi thật sự đã về nhà rồi.

./​


Bác Hải là bạn đại học của bố tôi, tôi có nghe kể rằng, khi doanh nghiệp nhà tôi gặp vấn đề về tài chính, bác ấy đã không ngần ngại cho bố tôi mượn một khoản tiền rất lớn. Cũng nhờ bác ấy, nên công ty xây dựng của bố mới có thể phát triển đến ngày hôm nay. Tuy nhiên, câu chuyện của bác ấy đọng lại trong kí ức của tôi chỉ là những vấn đề về kinh doanh như vậy…

“Đây rồi.” – mẹ ngó lên biển phòng rồi đẩy cửa vào.

Tôi đi sau cầm theo một giỏ hoa quả và bó hoa lớn.

Mẹ tôi chào hỏi trước, còn tôi vẫn còn e dè nấp sau lưng bà. Không hiểu sao nhưng tôi có cảm giác bác này sẽ biết toàn bộ chuyện của tôi, bởi vậy, xấu hổ là điều không thể tránh khỏi.

“Ôi, ai đây? Có phải Thiên Thủy đấy không? Lâu không gặp mà đã xinh đẹp thế này rồi sao?”

Nhìn ông bác vồn vã đến ngắm nghía tôi từ đầu chí cuối, dường như tôi đã nhầm ở đâu đó thì phải. Sự xấu hổ cũng đột nhiên tan biến, tôi cười thật tươi để che đi suy nghĩ thái quá của bản thân - "Cháu chào bác!"

Ngồi trên ghế nghỉ của căn phòng rộng rãi dành cho hai bệnh nhân, tôi nghe bác Hải kể lại bệnh tình của vợ mình cho mẹ tôi nghe. Nếu là mấy năm trước đi theo mẹ thăm bệnh, tôi sẽ đút tai nghe điện thoại và tìm một góc cho đến khi mẹ gọi về, hoặc lấy cớ đi vệ sinh để chuồn ra ngoài chơi. Nhưng lúc này, tôi… lắng nghe không xót một chữ. Nhìn người đàn ông ấy vừa kể về vợ mình với giọng nói nghẹn ngào, trong lòng tôi cũng thấy có gì đó nhoi nhói. Bệnh tật đến với con người chẳng kể ngày tháng, cũng chắc chắn chẳng bao giờ cho một cái hẹn cụ thể. Thích là đến rồi nhanh chóng cuốn theo cả một mạng người dày công trưởng thành, dày công phấn đâu. Có thể ngày mai sẽ mắc bệnh, cũng có thể đến về già nhắm mắt với căn bệnh tuổi cao, nhưng bất kể lúc nào cũng có thể nằm ở đây, nơi bao bọc bởi màu trắng này.

Tôi nghe rất kĩ câu nói của bác ấy : Sống nên biết hưởng thụ, cũng nên biết đón nhận, đừng để đến lúc không thể làm được gì mới hối hận sao hôm qua mình không trân trọng bản thân mình hơn, sao ngày trước mình không chăm sóc cho bản thân mình nhiều hơn.

Tôi ngây ngốc bị cuốn theo từng câu từng chữ của câu chuyện đó đến nỗi, có người ngồi xuống cạnh mình mà tôi không biết cho đến khi bên cạnh mở lời trước.

“Trọng Nghĩa thế nào?”

Kéo lê đôi mắt của mình sang bên cạnh, tôi chết lặng trước khuôn mặt được nhìn từ góc nghiêng của anh. Tôi có nghe thấy người lớn giới thiệu gì đó, cũng nhìn thấy anh cười nhàn nhạt lấy lệ, tuy nhiên những chi tiết đó không thể quan trọng bằng, tại sao anh lại xuất hiện ở đây?

“Không khỏe sao?”

Tôi ấp úng ậm ừ mất một lúc trước cái nhíu mày chặt của anh, nhưng lại bị vướng ở cổ họng nên ho khan không đúng lúc ập đến làm tôi được một phen bẽ mặt. Mẹ với bác Hải vội lấy nước rồi vỗ lưng thùm thụp giúp tôi xuôi. Người lớn cứ tìm lý do ở đâu đó, còn thật sự trước mắt chính là con người đang ngồi cạnh kia mới là nguyên nhân của vụ ho dài này thì chẳng ai đả động đến.

Tôi xin phép ra ngoài khi ho mãi không hết. Chạy vội! Không hiểu sao tình huống trớ trêu lại vồ vào tôi như thế.

Đứng một lúc thì hết ho, tôi cố hít lấy không khí nhuộm mùi sát trùng này để tìm tinh thần đối diện với anh. Nhưng kết quả… vẫn là tôi đứng đực ở trước cửa phòng, một chút dũng cảm để mở cửa cũng không có. Giờ đột nhiên tôi mà trốn đi chắc chắn mẹ sẽ rất lo, nhưng lại không dám tiến vào lần nữa. Tôi đã tự cho quãng thời gian có anh xuất hiện trong cuộc đời, những quãng thời gian được đối xử như người đặc biệt, quãng thời gian… thật đẹp khi có anh ở bên, hoàn toàn là một giấc mộng đẹp. Hơn cả, tôi chưa chuẩn bị để gặp anh…

“Ôi!”

Suy nghĩ của tôi bị cắt ngang vì cả cái mặt phẳng trơn tru đối diện đập thẳng vào trán. Tôi ôm lấy trán mà nhăn mặt nhìn lên người đẩy cửa, cùng lúc cũng nhận được chút gì đó vội vàng trong đôi mắt lạnh băng độc quyền của anh.

“Không sao chứ? Sao lại đứng ở đây?”

Anh tiến sát lại phía tôi, không chút kiêng nể vén tóc mái nhìn xem trán của tôi như thế nào. Anh lúc đó hoàn toàn không coi tôi là người lạ như cách tôi nhìn nhận anh.

Sự cọ xát của hơi thở làm không khí giữa tôi và anh hình như càng lúc càng tăng nhiệt độ. Nó nóng đến nỗi, hít thở của tôi càng về sau càng khó khăn. Đôi mắt anh nhìn từ trán tôi rồi trượt xuống nhìn thẳng vào tôi không do dự. Đôi mắt ấy như muốn moi móc chút gì thông tin từ tôi, rất sâu, rất ma mị nhưng đầy thâm tình. Đây là lần đầu tiên tôi bị anh áp bức bằng mắt chặt chẽ đến nỗi không còn đường thoát thế này.

Chút lí trí cuối cùng cũng giúp tôi thức tỉnh, đẩy anh ra, tôi không đủ can đảm nhìn vào mắt anh mà nói – “Tôi không sao!”

Anh không phản ứng gì sau đó, tất cả là im lặng. Chút sau, giọng nói trầm ấm tựa như tiếng cello đó mới cất lên – “Tôi đi mua nước. Vào trong đợi, chút tôi đưa đi ăn.”

“Hả?” – tôi giật mình quay về phía anh – “Đi gì cơ?”

“Tôi nói với mẹ em rồi!”

Nói rồi, anh cứ thế rời đi mà không cho tôi thêm một lời giải thích nào hơn.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top