Chương 1:

Người ta thường nói, mỗi con người đều có một sợi chỉ đỏ được gọi là chỉ tình duyên, biểu trưng cho một thứ hoa mĩ mang tên tình yêu. 

Mẫn Doãn Kỳ cũng có một sợi. Nó đỏ và óng ánh tuyệt đẹp. Chỉ tiếc dù cố gắng cỡ mấy nó vẫn bị vò rối trong thống khổ và đau thương.

.

Năm Chí Tuân thứ mười hai, gia đình Mẫn Doãn Kỳ lao đao vì bị vu khống tham ô khiến nhiều người trong Mẫn gia buộc phải hạ mình đi phục vụ cho hoàng cung xa hoa. Số lớn phải tán gia đi tìm lương công khác để kiếm sống và chạy trả cho những cáo buộc tác quai tác quái từ lũ quan man rợn mong mỏi muốn đạp Mẫn quan xuống. Mọi công việc được cho là hạ đẳng nhất vào lúc ấy đều được một tay cha già Mẫn quan phó mặc cho chính người con ruột Mẫn Doãn Kỳ, bao gồm cả việc đóng vai như một nhạc nữ trong lầu xanh. Thân nam nhi không giỏi văn hay võ, thua kém anh em trong nhà, chỉ biết chút vụn vặt họa nhạc khiến cho Mẫn Doãn Kỳ bị nhà ruột phi thường khinh rẻ. Chưa đếm đến việc em là con của vợ lẻ. Cả dòng họ lẫn người làm đều không đặt em vào mắt, mãi là vậy. 

Năm thứ hai làm trong kỹ viện đã khiến không biết bao lời đồn thổi về em đi bán thân kiếm sống cho gia đình lan truyền qua bao nhiêu miệng rồi. Em nhận ra sự cay độc của miệng đời lẫn gia đình của mình. Chí Tuân năm thứ mười ba, gia đình em đã trắng án và được trả lại sự thanh bạch nhưng điều đó cũng không cho phép em quay lại trở về nhà mà còn là một cái cớ để đuổi thẳng một kẻ vô dụng như em. Gia quy rằng: không tiếp nhận những kẻ đã lấm vào bùn đất, những công việc hèn hạ. Dù có chi trả cho phí kiện của Mẫn gia thì họ cũng đóng cửa, không cho em vào. Hôm ấy, chính cha em đã nói rằng gia đình chưa hề có người tên Mẫn Doãn Kỳ. Đau lòng đến thế là cùng, Doãn Kỳ buông bỏ và tiếp tục chơi nhạc ở kỹ viện. Bao nhiêu hy vọng về mái ấm nhỏ đã bị gia đình em chà đạp không chút thương tiếc. Lúc ấy, em nhận ra, cha mẹ không chết nhưng em tự khi nào đã thành trẻ mồ côi...

Mẫn Doãn Kỳ từng rất ghét khả năng chơi đàn tranh của bản thân. Em cho rằng chính nó khiến bản thân mình bị người nhà khinh rẻ. Quan niệm ngày ấy, đàn tranh chỉ cho những nàng má đào chân yếu tay mềm chứ không phải một nam nhi vốn phải văn võ toàn tài. Tuy ghét nhưng em chưa bao giờ dừng việc chơi đàn tranh, vì nó là thứ duy nhất ở lại bên em ở mọi khoảng khắc: vui, buồn, tủi nhục,... Nhìn ở một góc độ tích cực hơn, cây đàn tranh cũ nát ấy là thứ kiếm cơm cho em sống qua ngày ở nơi tanh tưởi mùi rượu và ái dục đó. 

Công việc của em là chơi nhạc trong phòng trà tiếp đãi những gã tai to mặt tướng, nhiều lần cũng không tránh được những rắc rối không đáng có từ việc say xỉn và không thể kiềm chế của khách kỹ viện. Những lần như thế, thường sẽ có những tỷ kỹ nữ ra nương tay giúp đỡ. Nói trắng ra họ sẽ thoát y tại chỗ thu hút những gã háo sắc để nanh vuốt của chúng rời khỏi Doãn Kỳ. Gảy đàn tranh như ngồi trên đống lửa, như đứng giữa chiến trận, không phút nào Doãn Kỳ có thể thực sự thả mình trong những âm vang từ dây đàn của bản thân. Giai điệu của cây đàn bị thúc đẩy theo những nhịp trống và đàn đá khua liên tục khiến tiết tấu dần trở nên biến dạng, không còn du dương. Càng tệ hơn khi tiếp phải những gã lắm mồm to họng, tiếng cười đùa, chửi thề và cụng chén khiến Doãn Kỳ trở nên say sẩm và nôn mửa dù em không hề góp vui trong bữa tiệc. Đối với không khí tiệc tùng thâu đêm của kỹ viện, Doãn Kỳ cho tới chết có lẽ cũng không thích nghi nổi.

.

Tiết đông lạnh giá, gió lạnh thấu xương. Mẫn Doãn Kỳ vẫn phải ngồi quỳ đến tê chân từ hoàng hôn tới nửa đêm để đàn nhạc cho Kim gia mở tiệc ăn mừng. Khớp chân tê dại và sống lưng cứng ngắt trở thành sự tra tấn đau đớn trong cơ thể khiến em muốn vặn vẹo và duỗi chân. Nhưng mỗi lần định bụng sẽ dừng nhạc và vươn vai một chút thì lại dấy lên một cảm xúc lạ lẫm. Như thể có ai đó đang nhìn vào em chằm chằm. Không mang nét thèm thuồng như bao gã đàn ông khác nhưng em biết đó là ánh mắt của một loài dã thú dữ tợn.

Doãn Kỳ ngẩng mặt lên, lén đảo mắt nhìn trộm để xác minh, liệu rằng giác quan của mình có đúng. Đôi mắt cáo giương lên một vòng quanh căn phòng đầy gấm lụa rồi dừng lại ở một góc bàn u ám. Nơi đó có một nam nhân mặc y phục xám đơn giản vân vê chén rượu đã vơi đi một nửa. Y đang nhìn em chằm chằm. Doãn Kỳ cúi gằm mặt, tiếp tục đánh đàn, cố gắng vờ như không thấy ánh mắt vừa rồi. Nó như muốn lột trần em. Không thèm khát nhưng vẫn đủ thể hiện sự nguy hiểm khôn lường.

Mẫn Doãn Kỳ xong bản cầm nhạc cũng là lúc những kẻ cuối cùng của Kim gia rời đi cùng một mỹ nữ trong vòng tay hoặc gục đầu lên bàn vì rượu. Em mệt mỏi chống tay đứng dậy. Đầu gối gập đã lâu khiến bắp chân phần dưới tê liệt đến đau nhức. Rệu rã nâng cả cơ thể dường như kiệt sức về phòng. Đây không phải lần đầu tiên em làm việc đến tiều tụy như vậy nhưng vừa quá sức, vừa bị ké khác nhòm ngó thì quả là mới lạ vô cùng.

"Tiểu tử, hầu trà chút được không?"

Mẫn Doãn Kỳ xoay đầu lại theo tiếng nói. Vẫn còn một người trong bàn tiệc ngồi đó với trạng thái tỉnh táo, rượu không hề khiến người đó say.

"Xin lỗi, tiểu nhân này không phải kỹ nam"

Doãn Kỳ nở nụ cười nửa có nửa không.

Kiểu người như vậy, không phải là lần đầu tiên xuất hiện ở kỹ viện. Ban đầu sẽ là hầu trà nhưng sau đó sẽ ép lên giường, loại chuyện lừa gạt dọa nạt này em đã từng nghe nhiều, huống chi nơi đây là đất ăn chơi trác táng của muôn vàn loại người và loại mặt khác nhau.

"Khúc đàn ban nãy hay lắm. Ta có thể biết tên ngươi được không?" 

"Cảm ơn ngài đã khen nhưng người hành nghề ca đàn ở kỹ viện không để lộ tên"

"Vậy khi nào ta có thể gặp ngươi?" 

Đối phương cứng đầu tiếp tục lấn át khiến Doãn Kỳ có chút bực mình. Một phần phía chân đang dần tê dại không thể trụ vững, một phần vì cơ thể đang kiệt sức do bị bỏ đói đã hơn một ngày. Định bụng sẽ đi ngủ để quên đi cơn cồn cào trong dạ dày nhưng đen đủi lại bị một tên họ Kim đeo bám dai dẳng.

"Vào canh giờ trước, mỗi cuối tuần" 

Doãn Kỳ khép mình cuối chào vị khách kì lạ rồi quay gót biến mất sau cánh cửa. Họ Kim toang đứng dậy níu kéo thì bóng em đã khuất sau cuối hành lang.

Kỹ viện trăm phòng ngàn ngõ, em chạy nhanh như vậy y biết tìm em như thế nào.

Khi chắc chắn bản thân đã an toàn, Doãn Kỳ thả bước chân chậm dần. Em lách người sang những ngõ hẹp giữa các căn phòng với nhau và dừng lại ở một căn phòng eo hẹp có phần hơi sập xệ. Tiết xuân có mưa phùn căn phòng sẽ ẩm ướt, hạ nóng, thu gió lộng và đông lạnh cóng người. Chung quy thời tiết bên ngoài và không khí căn phòng cũng không mấy chênh nhau. Kể đến nội thất lại tồi tàn vô cùng, cái giường gỗ mốc đã kẽo kẹt từ tháng trước và mấy giá nến chỏng chơ chỉ còn sáp vương vãi đầy đế. Em đốt cây nến cuối cùng rồi đặt nó lên chiếc bàn giữa phòng. Ánh sáng từ tim nến yếu ớt thắp sáng gian phòng, mọi điểm xuống cấp của nó một lần nửa lại được phô trương ra trong sự chán nản của Doãn Kỳ. Căn phòng chỉ khá khẩm hơn khu nô lệ cam khổ một chút nhưng em đã sống ở đây hai năm rồi.

Tắm rửa và đặt cây đàn vào kệ một cách kĩ càng. Mẫn Doãn Kỳ ngã mình lên đệm bông đã xẹp ngủ, quên tắt nến. Hôm nay quả là một ngày mệt mỏi.

.

Ngày qua ngày, mọi thứ đều vô vị như một cốc nước nấu. Dù có nhạt cỡ nào thì cả đời cũng phải uống lấy. Cứ tưởng em sẽ sống như thế đến khi tìm được một số tiền lớn và cùng vài kỹ nữ bỏ trốn nhưng mọi kế hoạch được vạch ra khi vu vơ đã nhanh chóng bị dập tắt khi người kia xuất hiện một lần nữa. Y ngồi trong một góc bàn giữa muôn ngàn khách lẫn lộn với tiếng nói cười thô lỗ. Yên lặng, đôi chút lại cạn chén và mắt chưa bao giờ rời khỏi em. Ngay từ lúc bắt đầu chơi đàn, em đã lập tức cảm nhận được sự hiện diện của người đó. Y khác với những người còn lại. Họ ăn uống, cười nói và âm nhạc chỉ là một miếng đệm cho họ ngồi hoặc là một chút gia vị cho bữa tiệc xa hoa kia. Họ không cảm thụ được tiếng đàn gia diết của em như cách y làm. Y ngồi yên, nhìn và nghe. Hiếm hoi khi ấy Mẫn Doãn Kỳ cảm giác mình được tôn trọng với tư cách là một người chơi đàn tranh.

"Doãn Kỳ, có người kêu ngươi đi hầu trà kìa." 

Tú bà ngao ngán tiến đến trước mặt Doãn Kỳ khi em vừa chơi dứt bản nhạc. Bà ta thừa biết tên tiểu tử thối nhỏ mọn này sẽ không bao giờ chịu đi hầu trà cho người khác dù đã bị bán cho kỹ viện. May thay nó có cái tài đàn tranh và họa nhạc nên không bị bắt ép phục vụ giường chiếu cho kẻ khác. Tuy nhiên nhạc công không có nghĩa sẽ không phục vụ khách, chỉ quan trọng ở điểm nhạc công ấy có muốn hay không. Mà Mẫn Doãn Kỳ chẳng phải bà đã quá rõ, không bao giờ nó chấp nhận loại chuyện nửa vời như thế. Hầu trà xong có lúc gặp phải những tên ngạo mạn sẽ bị cưỡng bức tại chỗ.

"Ai vậy?"

"Góc phòng"

Đôi mắt cái nhỏ hướng theo lời nói, hạ lên người nam nhân vận y phục trắng đang gắp thức ăn. Đôi mắt lúc này không nhìn vào em mà chỉ chăm lo tìm thịt trên đĩa thức ăn. Phong thái nhìn khác hẳn so với những lúc thưởng thức tiếng đàn tranh. Có một chút tinh nghịch của trẻ con.

"Kêu tiểu A ra thế chỗ con"

Em ra hầu trà theo yêu cầu của khách trước sự ngạc nhiên của tú bà.

Doãn Kỳ không đi thay những bộ cánh lõa lồ như các kỹ nữ thường làm. Em mặc bộ đồ xám tro mà các nhạc công ở kỹ viện thường vận lên khi chơi nhạc để ra gặp đối phương. Y ngay từ đầu khi gặp đã kì lạ, vậy hà cớ gì em phải bình thường đối với y?

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top