Người đã chớm già, nhưng bút lực vẫn còn trẻ
(*): Trong lúc tìm hiểu về thành ngữ "mây bay gió nhẹ" ở chương trước thì mình có vô tình đọc được bài bình này. Mình thấy nó khá hay nên cũng dịch để mọi người đọc nếu có hứng thú. Nếu không thì mọi người cứ chuyển thẳng qua chương sau nhé. Mình sẽ đăng 2 chương liền nhau để mạch đọc không bị đứt ở chương này.
Bình luận của tài khoản tên Cốc Lập Lập về "Mây bay gió nhẹ, đã gần trưa"
17 tháng 3 năm 2016
Câu thơ "Mây bay gió nhẹ, đã gần trưa" trích từ bài Xuân nhật ngẫu thành của nhà thơ thời Tống - Trình Hạo. Bài thơ lấy câu "Ngỡ mình lén nhàn rỗi học thói của người trẻ" làm ý chính, diễn tả tâm trạng tuổi già vẫn muốn sống lại những năm tháng trẻ trung. Có lẽ khi mượn tiêu đề này, nhà văn Tưởng Hiểu Vân cũng mang một tâm lý tương tự. Lần này, cuối cùng bà cũng có thể ngồi xuống và nghiêm túc "lén nhàn rỗi học thói của người trẻ" một cách trọn vẹn. Nhưng thời gian chẳng chờ đợi ai, tuổi thanh xuân năm xưa nay đã thành ký ức tuổi già. Nhìn lại nửa đời người, khó tránh khỏi những tiếc nuối. Vì thế, tập tản văn "Mây bay gió nhẹ, đã gần trưa" (sau đây gọi tắt là Mây bay gió nhẹ) dù là những mẩu chuyện vụn vặt hay những cảm nhận cá nhân, vẫn không thể tách rời khỏi chữ "tiếc nuối." Rốt cuộc, "Dù đời người có thuận buồm xuôi gió đến đâu, cũng không thiếu những tiếc nuối mà người ngoài không thể thấy."
Nói đến tiếc nuối, có lẽ tiếc nuối lớn nhất của Tưởng Hiểu Vân chính là viết lách. Hạ Chí Thanh từng gọi bà là "Tiểu Trương Ái Linh" bởi hai lý do: thứ nhất là đề tài sáng tác tương đồng, thứ hai có lẽ là câu nói nổi tiếng "Thành danh từ sớm." Vào những năm 70, khi vẫn còn là thiếu nữ, Tưởng Hiểu Vân cùng hai chị em họ Chu đã góp phần làm rạng danh văn đàn Đài Loan. Nhưng, nổi tiếng sớm rõ ràng không phải điều may mắn. Khi ấy, bà quá sắc sảo, không biết nhường nhịn, dù hiểu rõ rằng sáng tác phải tránh xa đời tư, nhưng vẫn để cảm xúc dẫn dắt ngòi bút, gây nên hậu quả khó lường, khiến tình bạn rạn nứt. Tưởng Hiểu Vân từng rơi vào trạng thái chán nản, mất hết đam mê viết lách. Bà gác bút, sống ẩn dật suốt 30 năm, như một "cựu Hoa kiều chìm trong giấc mộng dài," từ đó lặng lẽ rời xa văn chương.
Giờ đây, khi nhắc lại chuyện cũ, bà dường như nhẹ nhàng hơn, nhưng khi nghĩ đến những sóng gió năm xưa thì vẫn không giấu được nét mặt đầy bất lực. Khi còn trẻ, nhờ viết lách mà bà đạt được nhiều giải thưởng lớn, nhưng thực tế lại chẳng mấy suôn sẻ. Việc "nấu chữ" không thể giúp "no lòng," mà còn khiến bà mất đi bạn bè thân thiết, một điều hoàn toàn nằm ngoài dự tính. Mặc dù tiểu thuyết không phải bản sao chép y nguyên đời thực, mặc dù những câu chuyện chỉ mang tính thú vị mà không động chạm đến đời tư, nhưng bạn bè lại không nghĩ thế, mà nhất quyết gán ghép hình ảnh mình vào tác phẩm. Ngoài việc cảm thán rằng "tác giả có thể quyết định suy nghĩ của nhân vật, nhưng suy nghĩ của người đời thì không", bà còn có thể làm gì khác?
Ba mươi năm sau, khi trở lại với văn học, Tưởng Hiểu Vân đã qua tuổi vàng son của sáng tác. Dù "mỹ nhân duyên dáng" năm nào tuy đã thành "bà lão duyên dáng," nhưng vẫn chưa đến lúc "đóng nắp quan tài" để định luận. Năm 2012, khi mới đến Thượng Hải, bà bày tỏ sự bất mãn với lối xưng hô phổ biến ở đây. Những cụm từ như "người già Ba Kim," "người già Băng Tâm" tràn ngập trên các trang báo, cứ như chỉ cần vừa bước qua tuổi già là con người lập tức rơi vào cảnh "thiên nhân ngũ suy" (suy tàn cả tinh thần lẫn thể xác). Con người già đi, nhan sắc phai tàn thì đã đành, nhưng những bài viết cũng bị đánh giá là không thể hay nữa. Những bậc thầy có thể dựa vào các tác phẩm thời trẻ để ung dung bước vào ngôi đền văn học, hưởng thụ sự ngưỡng mộ của thế hệ sau. Còn những người như bà, khi từng bỏ cuộc giữa chừng, đến lúc về già lại không cam lòng, muốn trở thành "tân binh" trong diễn đàn văn học, thực sự là không tránh được cảm giác ngại ngùng. Nhưng vào lúc này, còn mong chờ gì hơn nữa? Hay là quay về ăn cơm nguội vậy!
Chính sự "không cam lòng" này đã thúc đẩy Tưởng Hiểu Vân bước ra khỏi vòng an toàn của công việc và gia đình, một lần nữa đối diện với thế giới với tư cách nhà văn. Nếu tự mô tả bản thân, có lẽ bà sẽ chọn từ "không đâu vào đâu." Nhưng nhà văn chẳng phải là những con người "không đâu vào đâu" sao? Thường thì nhà văn là "người khổng lồ trong tư tưởng, kẻ lùn trong hành động," bút pháp dù hoang đường đến đâu, người quen nhìn vào cũng chỉ cười và nghĩ: lại đang tưởng tượng viển vông.
Những bài viết trong Mây byay gió nhẹ chẳng phải là minh chứng cho điều này sao? Tưởng Hiểu Vân tự nhận mình là một bà nội trợ kém cỏi, "lâu năm không bén mảng bếp núc," nhưng lại xem việc viết công thức nấu ăn như một thú vui lúc rảnh rỗi. Dẫu những dòng công thức ấy không làm no bụng, chúng cũng giúp bà vơi đi nỗi nhớ tiếng mẹ đẻ trong sáng tạo.
Cuộc đời phức tạp và đa chiều, nhưng cũng có thể đơn giản nếu ta muốn. Ai ôm mãi những nỗi lòng ngoắt ngoéo, cuộc sống sẽ trả lại cho họ sự tăm tối. Ai đơn giản và thuần khiết, sẽ luôn thấy trời trong nắng ấm. Đối mặt với nghi ngờ từ thế gian, Tưởng Hiểu Vân bình thản, bởi bà là một nhà văn. Mà "bịa chuyện" chẳng phải chính là thế mạnh giúp bà nổi danh sao?
Ba mươi năm đã trôi qua, từ một nhà văn nhí, rồi đến nhà văn trẻ, và giờ đây là một nhà văn già, cuối cùng thì Tưởng Hiểu Vân cũng đã buông bỏ mọi gánh nặng, đạt đến cảnh giới "mây bay gió nhẹ." Đây hẳn là món quà bất ngờ dành cho người đã bao năm đấu tranh với chữ nghĩa.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top