Chương 16

Sáng thứ hai, Lục Hoài thức dậy.

Sau khi tập thể dục, anh chuẩn bị bữa sáng đơn giản: hai lát bánh mì sandwich nhúng trứng rồi phết bơ tan chảy, đặt vào nồi chiên không dầu. Thay vì pha trà, anh chỉ hâm nóng một ly sữa.

Ăn sáng xong, Lục Hoài chưa vội dọn dẹp mà rửa tay, xắn tay áo lên rồi bắt đầu gói hoành thánh.

Bột mì được trộn chút muối và bột khai, thêm nước ấm từ từ rồi nhào thành khối dài. Sau đó, anh dùng màng bọc thực phẩm đậy lại để bột nghỉ.

(*): Bột khai (Baking Ammonia) có dạng bột khô màu trắng đục với mùi khai đặc trưng. Chúng thường được sử dụng trong công nghiệp bánh kẹo, có công dụng làm nở/nổi thực phẩm.

Phần thịt gà lấy từ ức con gà mang về từ nhà dì Lâm. Ức gà thái nhỏ, cà rốt và hành lá băm nhuyễn, gừng cắt sợi rồi cho vào máy xay nhuyễn.

Thịt xay được trộn đều với nửa thìa muối, một thìa xì dầu, dầu hào, dầu mè, một thìa bột bắp và nửa thìa nước màu. Cuối cùng, anh thêm nấm đông trùng hạ thảo thái nhỏ vào, rồi dùng đũa khuấy đều tay cho đến khi hỗn hợp dẻo quánh lại. Nhân hoành thánh đã sẵn sàng.

Bột cán mỏng đến mức hơi trong suốt. Tay Lục Hoài dính chút bột khô, cầm chày cán nhẹ nhàng.

Những kỹ năng làm món ăn như thế này, anh đều học từ dì Lâm. Dì thường khen anh học nhanh, làm gì cũng khéo. Hoành thánh, há cảo chỉ cần hai tay bóp nhẹ là tạo hình tròn đẹp, khi luộc cũng không bị rách.

Một thố nhân làm được khoảng hơn trăm cái hoành thánh. Phần vỏ còn dư được gói lại cất vào tủ. Lục Hoài chia hoành thánh thành từng phần mười lăm cái, cho vào túi hút chân không, mỗi túi vừa đủ một bữa.

Sau khi dọn dẹp sạch bếp, anh bật điện thoại xem giờ rồi bước vào phòng thay đồ, bắt đầu thu xếp hành lý.

Áo khoác, quần áo, đồ vệ sinh cá nhân và vài hộp vitamin lấp đầy chiếc vali nhỏ. Anh nhắn tin cho người giúp việc nhờ mỗi tuần đến dọn dẹp nhà cửa, sau đó xách vali và túi hoành thánh ra ngoài.

Đặt vali ở thang máy, anh cầm túi hoành thánh sang gõ cửa nhà đối diện.

Hôm trước, anh và Đường Yến Chi hẹn nhau ăn tối vào hôm qua. Nhưng vì một bệnh nhân ở viện chuyển đến trong tình trạng nguy kịch, phải họp khẩn để thảo luận phương án mổ, nên sáng sớm Đường Yến Chi đã nhắn tin xin lỗi.

Anh không thấy tiếc. Thậm chí là khi nhận tin nhắn của Đường Yến Chi, Lục Hoài còn thấy nhẹ nhõm.

Lòng anh lúc này có chút phức tạp.

Không rõ Đường Yến Chi có ở nhà không, anh không gõ cửa mà treo túi hoành thánh lên giá đồ trước cửa, rồi quay người kéo vali vào thang máy.

Khi đến sảnh tầng một, người quản lý tòa nhà chào hỏi:
"Anh Lục lại đi xa sao?"

Anh mỉm cười, chỉnh lại áo khoác rồi bước ra ngoài, đối mặt với làn gió se lạnh của mùa thu sâu.

Đường Yến Chi đã hai đêm không về nhà.

Bệnh nhân mới chuyển đến diễn biến bệnh quá nặng, không thể trì hoãn. Khoa liên tục họp và chỉnh sửa phương án. Là bác sĩ chính, anh gánh vác trách nhiệm lớn nhất, áp lực cũng nặng nề nhất.

Khi phương án cuối cùng được chốt, Đường Yến Chi rời phòng họp, vào phòng vệ sinh rửa mặt bằng nước lạnh. Ngồi thẫn thờ trước bàn làm việc một lúc lâu, anh mới tỉnh táo trở lại.

Sắp đến giờ đi thăm bệnh, bữa sáng cô thực tập sinh để trên bàn cho anh từ sáng đã nguội ngắt.

Anh ăn vài thìa cháo nguội thì nhận được cuộc gọi từ mẹ.

"Con đang bận à?" mẹ hỏi.

"Con vừa xong việc, giờ rảnh rồi." Đường Yến Chi nhìn đồng hồ, "Bên Mỹ giờ này khuya lắm, sao mẹ chưa ngủ?"

Bên kia đầu dây, mẹ anh thở dài. Tiếng thở dài khiến anh bất giác căng thẳng.

"Tối nay Dylan lại nổi cáu. Giáo viên dạy tiếng Trung đã đến nhà mà nó cứ trốn trong phòng, nhất định không chịu học."

Đường Yến Chi im lặng lắng nghe.

"Nó không chịu học ở nhà, cũng không chịu đến lớp học chung với bạn bè. Mẹ định tìm giáo viên ở trung tâm bên này, dạy trực tuyến với nó thử xem."

Anh nuốt vội miếng cháo rồi nói: "Khi nào rảnh, con sẽ tìm hiểu mấy trung tâm gần đây."

"Ừ, tốt nhất là giáo viên trẻ, tính cách hoạt bát. Dylan rất kén chọn, nếu không vừa ý là nhất định không chịu học."

"Được, con sẽ ghi nhớ."

Giọng mẹ qua điện thoại vẫn dịu dàng như thường lệ: "Đường Yến Chi, nếu Dylan được một nửa ngoan ngoãn như con hồi nhỏ thì tốt biết mấy. Hồi nhỏ con chẳng bao giờ bướng bỉnh như vậy. Tối nay nó không chịu học, cũng không chịu ăn cơm. Mẹ nấu mì Ý, chiên tôm mà nó cứ đòi ăn đồ ăn nhanh ngoài tiệm. Không còn cách nào khác đành..."

Nhìn bát cháo đã nguội ngắt và đông đặc lại, Đường Yến Chi bỗng dưng không còn chút hứng thú nào để ăn.

Anh đậy nắp bát cháo lại, lặng lẽ lắng nghe mẹ nói hết câu chuyện.

"Đã 12 giờ rồi." Từ đầu dây bên kia, giọng một người đàn ông vang lên.

"Ồ, muộn vậy rồi sao?"

Đường Yến Chi liền trả lời: "Cũng khá muộn rồi đấy mẹ. Mẹ nên nghỉ ngơi sớm đi. Chuyện của Dylan con sẽ sớm lo liệu, chúc mẹ ngủ ngon."

Kết thúc cuộc gọi, anh dọn bữa sáng còn thừa vào thùng rác, đưa tay xoa thái dương, mệt mỏi chống trán lên hai bàn tay đang siết chặt.

Khi điện thoại tự động chuyển về màn hình chính, có tiếng gõ cửa vang lên. Cô thực tập sinh đứng bên ngoài nhắc nhở: "Bác sĩ Diệp, đến giờ đi thăm bệnh rồi ạ."

"Ừ, tôi ra ngay." Đường Yến Chi đứng dậy, liếc nhanh qua điện thoại vẫn đang sáng. Anh thấy có mấy tin nhắn từ hai tiếng trước, liền vội mở lên.

Màn hình hiển thị khung trò chuyện với Lục Hoài.

[Hình ảnh]

"Nhân tiện làm món hoành thánh nhân gà và nấm đông trùng hạ thảo lần trước đã nói với cậu, tôi để trước cửa nhà cậu rồi."

"Tôi đi công tác một thời gian. Bác sĩ Đường, nhớ ăn uống tử tế nhé."

Ca phẫu thuật kéo dài suốt chín tiếng đồng hồ, khi kết thúc, Đường Yến Chi đứng yên để điều dưỡng tháo bỏ áo mổ.

Ca mổ rất thành công. Bệnh nhân bị suy thận mãn tính phải chạy thận suốt nhiều năm, đầu tháng lại đột ngột bị nhồi máu cơ tim cấp tính kèm suy tim cấp. Tình hình vô cùng nghiêm trọng, tỷ lệ tử vong trong phẫu thuật rất cao. Gia đình bệnh nhân đã tìm đến nhiều bệnh viện nhưng không nơi nào dám nhận.

Mang theo chút hy vọng cuối cùng, họ đưa bệnh nhân đến thành phố A, đích thân tìm đến Đường Yến Chi. Và anh đã giữ bệnh nhân lại.

Phẫu thuật cầu nối hai nhánh, sửa van hai lá. Sau ca mổ, bệnh nhân được đưa vào ICU với tình trạng ổn định để tiếp tục chạy thận. Gia đình khóc nức nở, không ngừng cảm ơn anh, thậm chí còn muốn quỳ xuống trước mặt anh.

Sau khi an ủi gia đình, Đường Yến Chi trở lại văn phòng. Vừa ngồi xuống chưa bao lâu thì nghe tiếng gọi bên ngoài: "Phó viện trưởng Lương đến."

Cửa mở ra, Lương Giáng bước vào.

"Em chào cô."

"Đừng đứng nữa, ngồi xuống đi. Mấy ngày rồi em chưa về nhà?" Lương Giáng hỏi.

"Đi lại bất tiện ạ." Vì thế mấy ngày nay, anh đều ngủ trên chiếc giường xếp trong văn phòng.

Đường Yến Chi hỏi lại: "Cô xuống đây có việc ạ?"

Mấy năm nay cô của anh đã ít nhận bệnh nhân hơn, chỉ nhận những ca khó mà người khác không dám làm.

"Không có gì, chỉ xuống xem em thế nào," Lương Giáng nhìn mặt anh rồi bảo, "Cuối tuần này đến nhà cô ăn cơm nhé? Giáo sư Tống cuối cùng cũng đi công tác về, ông ấy rất muốn gặp em."

Giáo sư Tống là chồng của Lương Giáng, một giáo sư ngữ văn. Thời gian trước ông phải đi tham dự hội thảo tại các trường đại học khác, nên sau khi Đường Yến Chi về nước hai người vẫn chưa gặp lại.

Đường Yến Chi gật đầu: "Vâng, đúng lúc tuần sau công việc cũng nhẹ hơn." Anh nói rồi lại vô thức đưa tay lên sống mũi.

Lương Giáng bật cười: "Cô nghi cái mũi cao của em là do nặn ra đấy."

Đường Yến Chi thoáng khựng lại rồi bật cười: "Thói quen thôi ạ."

"Em mệt quá rồi, sắc mặt tệ lắm," Lương Giáng nói, vừa thương vừa kỳ vọng. Cô đặt nhiều niềm tin vào anh, mong anh có thể kế thừa mình. "Tuần sau em chỉ có lịch khám, không xếp nhiều ca mổ. Nhân cơ hội này nghỉ ngơi đi, bỏ cái giường xếp đó đi, về nhà ngủ cho đàng hoàng. Cuối tuần đến nhà cô ăn cơm, cô sẽ kiểm tra đấy."

Nghe lời cô, Đường Yến Chi dành cả tuần nghỉ ngơi đúng nghĩa, làm việc đúng giờ, tan làm đúng lúc. Một tuần anh chỉ nhận ba ca mổ.

Đến cuối tuần, anh mang theo món quà đã chuẩn bị từ trước, đến nhà cô dự bữa cơm.

Phó viện trưởng Lương và giáo sư Tống sống trong khu tập thể dành cho cán bộ đại học, bao năm qua vẫn không hề chuyển nhà.

Đường Yến Chi mang theo quà bước lên tầng ba. Căn hộ ba phòng, hướng bắc nhìn ra hướng nam, không gian thoáng đãng, tràn ngập ánh sáng. Vừa bước vào cửa, điều đầu tiên anh nhìn thấy luôn là ban công. Những chậu cây hoa xanh mướt xếp đầy trên giá, bàn gỗ và bộ trà mang đậm chất thiền.

Lương Giáng và Tống Thế Bình đang ngồi bên cửa sổ, cầm chén trà, chăm chú vào ván cờ dang dở.

Đường Yến Chi đứng yên nhìn một lúc, bỗng khẽ mỉm cười.

"Đứng đó không lên tiếng, cũng không chịu thay dép, cười cái gì vậy?" Lương Giáng ngoảnh đầu hỏi.

Phó viện trưởng Lương nổi tiếng nghiêm khắc bên ngoài, nhưng giờ phút này, khi đã bỏ chiếc áo blouse trắng, nhìn đứa học trò mà mình một tay dìu dắt, ánh mắt cô tràn đầy sự bao dung, hiền hòa.

Đường Yến Chi đưa món quà mang theo cho cô giúp việc, thay dép, rồi bước lại gần: "Đột nhiên em nghĩ đến một người."

"Ai?" Tống Thế Bình lên tiếng, rót cho anh một chén trà, rồi bảo, "Trà ngon hiếm có, thơm, đậm vị, Đường Yến Chi thử xem?"

Đường Yến Chi nhận lấy chén trà, nhấp một ngụm, gật đầu: "Rất ngon ạ."

Tống Thế Bình nhướn mày: "Chỉ vậy thôi à?"

Đường Yến Chi ngẩn ra, không hiểu, trong khi Lương Giáng ngồi bên bật cười.

Giáo sư Tống giả vờ ôm ngực: "Rót trà cho hai cô trò con, đúng là phí cả của trời."

Khi cô giúp việc dọn cơm xong, ba người cùng nhau vào bàn.

Lương Giáng múc một chén canh gà ác đưa cho Đường Yến Chi: "Canh gà đấy, uống nhiều vào."

Rồi cô nhìn kỹ anh: "Ừ, sắc mặt khá hơn mấy hôm trước rồi đấy."

Đường Yến Chi cầm chén canh, trả lời: "Tuần này em không bận, ngủ được nhiều, ăn uống cũng đầy đủ hơn rồi."

Lương Giáng bán tín bán nghi.

"Thật mà."

Cô hỏi tiếp: "Không ăn ở căng tin, thế em ăn gì?"

"Hoành thánh và xíu mại," Đường Yến Chi dùng thìa sứ trắng múc một thìa canh, "hai món đó thay đổi luân phiên, ăn kèm với salad."

"Đồ đông lạnh à?" Lương Giáng nhíu mày, nhưng vẫn thừa nhận: "Dù sao cũng khá hơn rồi, ít nhất là đồ nóng, so với người nước ngoài ăn uống thế cũng ổn hơn nhiều."

Đường Yến Chi cười nhạt, trong đầu lại thoáng qua hình ảnh Lục Hoài.

Sau bữa cơm, giáo sư Tống và Lương Giáng tiếp tục ván cờ còn dang dở. Đường Yến Chi không biết chơi cờ, nhưng hiểu rõ quy tắc "xem cờ không nói", nên yên lặng ngồi bên cạnh.

(*): Xem cờ không nói mới thật quân tử
Nhấc tay không hoãn mới đúng trượng phu

Câu nói này là một bài học nhắc nhở con người cách làm người, rèn luyện khí chất của bản thân. Ván cờ của người khác, khi mình chỉ đứng xem thì không cần phải chỉ trỏ nên đi như thế nào, nến đánh ra sao. Bởi lẽ cách nhìn của người trong cuộc và ngoài cuộc khác nhau. Và khi người ngoài mang đến những gợi ý cho một bên thì sẽ không còn sự cân bằng cho bên còn lại. Đó là một cách làm không hề công bằng trong một cuộc chơi. Đặc biệt, một cuộc chơi có tính trí tuệ và cạnh tranh cao như chơi cờ, việc đưa ra ý kiến chính là việc làm không hề quân tử. 

Cũng như trong cuộc sống, thế cờ giống như đời người, một ván cờ, một cuộc đời. Xem cờ biết được lỗ hổng trong nước cờ của người khác mà nói ra, cũng như việc thấy điểm yếu của kẻ khác thì cười nhạo. Đã nói rằng nhân vô thập toàn, ai mà chẳng có khuyết điểm, điểm yếu. Chính vì vậy mà việc phơi bày điểm yếu của người khác để dành chiến thắng cho mình, mặc dù người ấy không phải là người trong cuộc – điều này thật sự không phải cách làm của người quân tử.

Vậy nên trong cuộc sống, nếu có thể thì hãy tôn trọng cá tính và khuyết điểm của nhau. Sự tôn trọng mà người quân tử dành cho đối thủ của mình.

Giáo sư Tống yêu sách, cả bức tường trong phòng khách đều là giá sách. Đường Yến Chi tiện tay rút một cuốn, hóa ra là tập thơ.

Anh ra nước ngoài từ năm sáu tuổi, đến tận khi vào đại học mới quay về. Nền tảng văn học tiếng mẹ đẻ không được vững, "Ba trăm bài thơ Đường" cũng chưa thuộc hết. Bây giờ cầm lên đọc, anh vẫn thấy mới mẻ lạ lẫm.

Lương Giáng đánh cờ, thoáng chốc nhận ra mình sắp thua, đâm ra hơi mất tập trung. Cô ngẩng lên nhìn Đường Yến Chi: "Em đang xem gì đấy?"

Đường Yến Chi lật sang một trang, nghe hỏi thì chậm rãi đọc lên:
"Nam Triều bốn trăm tám chục ngôi chùa,
Biết bao lầu gác chìm trong mưa khói."

(*): Trích từ bài thơ "Mùa xuân ở Giang Nam" (Giang Nam xuân / 江南春) của Đỗ Mục

千里鶯啼綠映紅,
水村山郭酒旗風。
南朝四百八十寺,
多少樓臺煙雨中。

Thiên lý oanh đề lục ánh hồng,
Thuỷ thôn sơn quách tửu kỳ phong.
Nam triều tứ bách bát thập tự,
Đa thiểu lâu đài yên vũ trung.

Oanh hót nghìn dặm, xanh ánh hồng
Thôn nước, thành núi, rượu thơm theo gió.
Nam triều bốn trăm tám chục ngôi chùa
Bao nhiêu lầu gác chìm trong mưa khói.

-------------------------------

Dịch đến chương này mình mới phát hiện ra giáo viên của Yến Chi là phụ nữ vì bà có chồng. Mấy chương trước toàn để là giáo viên làm mình không biết giới tính. Mình đã sửa ở một số chương mà mình nhớ là Đường Giáng xuất hiện nhưng có thể sẽ bỏ sót, nếu ai thấy thì nhắc mình với nhé. Mình cảm ơn.

Bài thơ trên mình dịch phần thuần Việt để nghe cho hay hơn thôi chứ đó không phải bản chính thức đâu. Nếu ai biết có người dịch bài thơ này rồi thì nhắn để mình sửa nhé.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top