Chương 56:"Quý nhân chẳng lẽ là hậu duệ của Ân tướng?"
Chương 56: "Là thân binh của Thái Tổ gia!" "Quý nhân chẳng lẽ là hậu duệ của Ân tướng?"
"Là thân binh của Thái Tổ gia sao?"
Ở một nhà đối diện cũng có người đẩy cửa, một bà lão mang giọng nghe như đang khóc bước ra.
Chầm chậm, lại có vài người già trong mấy nhà nữa cũng thò đầu bước ra.
Trên đường lớn trong thành, một toán quân toàn là mặt Địch nhân chỉnh tề diễu hành, ấy thế mà dẫn đầu lại là một người Hán.
Lão tướng Trần Khoách cưỡi trên ngựa cao, một mình một ngựa đi đầu giơ cao lệnh bài của Quân Trần Khoách, cao giọng hô lên "không làm hại dân".
"Kia là chữ 'Trần' mà!" Đứa cháu nhỏ tóc xõa ngang vai của nhà kia kích động thò đầu ra, chỉ vào cờ lớn của đội quân trên đường mà kêu lên.
Người biết chữ trong thành không nhiều, nhưng phần lớn đều nhận ra chữ Trần này.
"Là thân binh của Thái Tổ gia sao!" Có một người đàn ông thô kệch què chân nghển cổ lớn tiếng hỏi.
Tướng lĩnh dẫn đầu đội quân ghìm ngựa chậm lại, quay đầu nhìn sang.
Tay cầm roi ngựa chắp lại bái lễ, Trần Khoách mở lớn miệng, đoạn hô lên với người kia: "Là thân binh của Thái Tổ gia!"
Tiếng than khóc bùng lên, bà lão vừa đẩy cửa đột nhiên quỳ rạp xuống, nức nở đập đất không ngừng.
Tiếng người khóc lóc dần dần lan khắp bốn phương, miệng kêu Thái Tổ gia.
Một trăm năm đã trôi qua mà đây vẫn là ngọn núi trấn giữ lòng dân Đại Trần. Dù gần đây bài hịch văn luận tội Thái Tổ càn quét khắp thiên hạ, ô danh đầy tai, nhưng nỗi sợ hãi tràn ngập trong lòng dân chúng với quân phản loạn Khương Đảng và binh mã Bắc Địch đã ngay lập tức bị danh hiệu kia áp xuống.
Bô lão có tiếng nói nhất trong thành cũng được người khác dìu ra, lão có thể nhìn rõ chữ Hán viết trên cánh tay quân Địch đang đi qua - "Vì Trần dẹp loạn".
"Phụ lão hương thân đừng sợ, lần này quân La không đến xâm phạm mà là đến đánh trận cho chúng ta đó!"
La Địch đến đánh trận cho bọn họ ư, dân chúng nghĩ cũng không dám nghĩ. Nhưng quả thật có một người Hán khôi ngô dẫn binh cưỡi ngựa, địch nhân gò má cao mũi dài nối nhau không dứt theo sau.
"Thái Tổ gia hiển linh rồi." Dân chúng vây quanh vị bô lão mà liên tục khóc than.
Trần Khoách dẫn binh đến giữa thành, quan lại trong nha môn đã bị tốt Địch trói chặt áp giải đến trước toàn quân.
"Phụng mệnh thánh thượng, phàm là thành trì dọc dãy Tề Sơn theo dòng Trường Y chảy qua, quan lại trên dưới đều phải bị chém đầu thị chúng." Trần Khoách truyền lời bốn phía.
Nói xong, ông ta đích thân vung đao hành hình, liên tiếp một mạch chém đứt hơn mười thủ cấp, thu đao ra hiệu binh tốt nhặt lên treo cao trên đầu thành.
Lúc này cờ Trần đã cắm khắp quanh thành, bay phấp phới trong gió. Quân tiên phong xuyên qua thành chạy đến thành trì tiếp theo. Quân Trần Khoách chỉnh đốn nhân mã, để lại một đội binh tốt giữ thành, an ủi lòng dân, rồi thúc ngựa dẫn quân mà đi.
Quan lại các châu huyện dọc theo dãy Tề Sơn, theo dòng Trường Y đều cùng một giuộc với Khương Đảng. Khương Đảng chọn con đường này để đánh thẳng vào đô thành, có rất ít nhân mã đóng ở các thành dọc đường, Quân Trần Khoách dẫn binh phản công thế như chẻ tre.
Một đường này thu lại đất của nhà Trần, kiêm chặn lương thảo, quân Khương phía trước đang chạy thẳng về kinh thành vẫn chưa tỉnh ngộ. Theo tốc độ, bọn chúng sắp đến đô thành, hẳn cũng không kịp dùng bữa lương thảo tiếp theo.
Nhóm tiền quân và trung quân vừa đi không lâu, hậu quân do Thôi Hoài Cảnh dẫn đầu đã gõ cửa thành.
Đội quân đi sau cùng này không chỉnh tề như đội trước, phần lớn là dân Trần mặc áo vải đeo giày cỏ người này người kia lẫn lộn. Thôi Hoài Cảnh đi ở phía trước được người dìu xuống ngựa. Chuyến đi này bôn ba vất vả, ông ta nhận lấy gậy chống mới đứng vững được, vẫy vẫy tay, quân dân dìu nhau bước vào cửa thành Nghiêm Thủy đang mở lớn.
Trên cửa thành, cờ hiệu phấp phới trong ánh chiều tà.
Nhìn thấy cảnh này, bô lão đang lo liệu việc trong thành dẫn theo thủ hạ và dân chúng ra nghênh đón. Thành đã vô chủ, phải dựa vào những nhà nho địa phương này chủ trì chống đỡ.
Hai vị lão nho chắp tay thi lễ chào nhau.
"Lão hủ đến đưa lương, mấy ngày nay giao chiến khắp nơi, nhờ quý công trông coi dân chúng trong thành, phân phát lương thực này xuống, cũng đủ để chống đỡ đến khi chiến loạn yên ổn. Ngoài ra có một phong chiếu chỉ của hoàng thượng ta đã sao chép ở đây, nhờ quý công chép lại dán ở khắp nơi trong thành, thông cáo cho dân Trần để an ủi lòng dân." Lúc Thôi Hoài Cảnh hãy còn đang nói chuyện, từng chiếc xe chở lương thực lăn bánh vào thành. Thôi Hoài Cảnh lại nhận lấy một hộp dài từ bên cạnh, đoạn lấy ra một tờ bố cáo đưa cho vị bô lão.
Bô lão vội cung kính bái nhận lấy.
"Đây là lưu dân mà ta gặp trên đường đến, đều là người chạy loạn từ các thành," Thôi Hoài Cảnh nói, đoạn quay đầu vẫy tay, "Có vị nào là dân thành Nghiêm Thủy không? Ra đây đi, về nhà rồi."
Phía sau Thôi Hoài Cảnh có đến hơn ngàn lưu dân, ai nấy đều đã đói rét mệt mỏi. Trong số họ có người bị chiến loạn xô dạt khỏi quê hương, lúc sau lại nghe nói thành nhà mình bị phản đảng công chiếm nên không dám về nhà, cù bơ cù bất. Cũng có người không muốn sống dưới ách cai trị của phản tặc mà chạy trốn khỏi thành, đến khi ra khỏi thành muốn chạy đến thành khác mới biết tất cả các thành vùng này đều đã cắm cờ Khương Đảng, chỉ có thể trốn tránh ở nơi hoang vu, ăn cỏ rễ sống qua phải độ mấy chục ngày.
Dân đen lóc cóc có người tự mình bước ra, cũng có người run rẩy bò xuống từ trên lưng binh Địch, hơn trăm người nối tiếp nhau quỳ xuống trước mặt Thôi Hoài Cảnh mà dập đầu.
Khi bọn họ nhác thấy quân Địch thì không ai không trốn tránh bỏ chạy, ấy là nhờ Thôi Hoài Cảnh đích thân chạy vạy hao sức hết lời mới đưa được bọn họ về thành.
"Đừng quỳ, đừng quỳ, về nhà cả đi." Thôi Hoài Cảnh vẫy tay bảo bọn họ đứng dậy, để dân chúng trong thành bên cạnh đỡ bọn họ đi.
"Ân nhân," vị bô lão bước lên một bước nói, "Không nhận dân chúng quỳ lạy, vậy xin nhận một lạy của thảo dân này thay cho người ở đây."
Vừa nói vừa cung kính muốn hành lễ.
Thôi Hoài Cảnh đỡ ngăn lão lại, nói: "Thiên hạ thịnh suy bách tính khổ, đây là một chút bổn phận của kẻ làm quan, ta làm bề tôi, có ân gì mà nói."
"Ngoài đồng còn không ít lưu dân, lại có cả tàn binh họ Khương trốn tránh không dám ra," Thôi Hoài Cảnh đỡ lấy lão dặn dò "Ngươi phái thêm người tìm bọn họ về hết đi."
"Đại lão gia! Đại lão gia!" Trong đám dân chúng có một người đàn ông khóc không thành tiếng, nước mắt nước mũi chảy ròng ròng, tóc đã điểm bạc, lệ tuôn ướt đẫm, nhìn Thôi Hoài Cảnh nói, "Quân phản nghịch kia... con ta cũng ở trong đó."
"Những năm trước bọn họ nói là tuyển binh đánh phía nước La..." Người đàn ông lấy tay áo lau nước mắt, sau đó che mặt lại không buông xuống nữa, "Con ta bị bắt đi..."
Ông ta vừa bật khóc, dân chúng trong thành không ai là không muốn khóc theo. Phóng mắt nhìn quanh, trong đám người này ngoài những người đàn ông thân mang tật nguyền, không hề có lấy một thanh niên trai tráng nào. Nhà Khương ở biên ải tuyển binh liên miên, nông dân nghèo khổ không trả nổi thuế miễn chinh, chỉ có thể trơ mắt nhìn đàn ông trong nhà bị bắt đi phương Bắc xa xôi. Không còn trai tráng cày ruộng, nhà đã nghèo càng nghèo thêm, năm sau khổ hơn năm trước, cùng cực đến bán đất bán nhà, nhưng khổ đến tận cùng lại nghe được tin quân ở biên ải đã tạo phản, tận mắt nhìn thấy con mình, chồng mình đánh về quê hương, đánh đến nỗi chính gia đình mình mất nhà mất nước.
Nếu thật sự bị phản quân đoạt mất giang sơn, bọn họ đương nhiên không muốn, nhưng hiện giờ nhìn quân nhà Trần đánh trở lại, bọn họ lại lo lắng cho tính mạng con em trong nhà. Hai chữ mưu phản một khi nói ra là có thể đè chết dân đen bọn họ.
"Thiên tử chiếu lệnh - Bỏ binh quy hàng, cho phép cởi giáp về ruộng." Thôi Hoài Cảnh nói, đoạn nhìn về phía xa. Quân Địch và quân tiên phong phía trước để lại đã tập hợp xong tất cả binh lính quy hàng trong thành, đang áp giải về phía này.
"Con ta chắc chắn sẽ hàng... chắc chắn sẽ hàng... nếu không thì bị giết rồi, ta coi như không có đứa con này." Người đàn ông lau nước mắt ở khóe mi, khàn giọng nói, hai mắt đỏ ngầu.
"Có ai nhà ở đây không?" Thôi Hoài Cảnh hỏi mấy trăm binh lính quy hàng đang đi đến gần.
Trong đám binh có một thiếu niên cao to chen ra, cứ giơ mu bàn tay lên lau lệ tuôn, mặt dính đầy máu và nước mắt, cậu ta giơ tay chỉ về phía Tây, khàn giọng nói: "Ta, nhà ta ở ngay đó."
Hơn mười ngày nay cậu ta ngày ngày cầm đao, đối mặt toàn là cha anh trong nhà của mình.
"Về đi." Thôi Hoài Cảnh giơ tay vẫy vẫy với cậu ta, phàm là người đã có con cháu thì khi nhìn thấy con nhà người khác chịu khổ cũng không đành lòng, đứa nhỏ này nhìn qua có lẽ còn ít tuổi hơn cả cháu ông ta.
"Người nào có nhà ở gần đây dọc sông Trường Y thì theo ta, ta đưa các ngươi về. Những người khác tạm ở lại, đợi chiến sự yên ổn thì cầm giấy thông hành về nhà." Thôi Hoài Cảnh nói, để binh lính bên cạnh đỡ mình lên ngựa, muốn dẫn binh và dân xuyên thành mà đi.
"Đại lão gia, kia, kia là con ta!" Trong đám người cả binh lẫn dân phía sau có một người phụ nữ khóc kêu thành tiếng, từ trên lưng binh Địch giãy xuống, chống gậy gỗ một đường chen lên phía trước.
Trong đám binh lính quy hàng ở phía trước có một binh sĩ luôn luôn cúi đầu, nghe thấy tiếng liền ngẩng đầu nhìn lên, trầm mặc đứng ra, thấp giọng gọi một tiếng "Nương ".
Người phụ nữ lảo đảo chạy tới ôm chặt lấy hắn, sờ qua người con trai mình từ trên xuống dưới, thấy hắn không có tàn tật mới thôi hoảng sợ.
"Nhà chúng ta ở Uyển Cốc, bên đó cũng bị quân phản nghịch chiếm rồi, chúng ta chạy loạn đến đây. Con nói xem có chuyện gì, người mình đánh người mình là cớ làm sao!"
Người phụ nữ ôm lấy con trai, đối diện với Thôi Hoài Cảnh khóc lóc kể lể giãi bày tâm sự, tiếng nghẹn ngào không dứt.
Người đó vừa tìm thấy con trai, lòng dạ ngổn ngang, rấm rứt liên hồi.
"Cõng mẹ ngươi theo chúng ta đi, thành tiếp theo chính là Uyển Cốc." Thôi Hoài Cảnh nói với binh sĩ kia.
Binh sĩ im lặng cởi bộ giáp phục quân Khương trên người xuống đất, cúi người cõng mẹ lên, đi vào đội ngũ.
Thôi Hoài Cảnh vẫy tay, mặt trời đang lặn, mây vàng đầy thành, quân Địch lẫn lộn với quân dân xuyên qua thành hướng về Nam mà đi.
"Xin hỏi tên họ của ân nhân!" Vị bô lão chắp tay thi lễ ở phía sau quân cao giọng hỏi, dân chúng thành Nghiêm Thủy vây quanh lão mà nhìn theo.
Ánh chiều tà chiếu vào trong mắt, Thôi Hoài Cảnh ở trên ngựa nheo mày đáp lễ, "Họ hèn này là Thôi, tên Hoài Cảnh!"
Bô lão nghe thấy họ kia, ngẩn ngơ đứng nguyên tại chỗ, "Quý công chẳng lẽ là hậu duệ của Ân tướng ư?"
Dù vị bô lão có cất cao giọng thêm nữa, nhưng binh lính hành quân ồn ào, Thôi Hoài Cảnh ở phía trước đã nghe không được nữa.
Nhưng dân chúng trong thành có thể nghe được, nhìn nhau mà hỏi nhau. Tể tướng của Đại Trần có rất nhiều, nhưng Ân tướng chỉ có một mà thôi.
Vị bô lão nhìn bóng dáng Thôi Hoài Cảnh khuất xa, hai đầu gối quỳ sụp trên đất, chắp tay đến trước đầu gối, cúi rạp dập đầu hành lễ.
Dân chúng không hiểu lễ nghi, nhưng cũng theo nhau quỳ xuống một loạt, dập đầu xuống đất nói lời cảm tạ Ân tướng không ngừng.
Bình dân ít có người đọc sách biết sử, người trẻ tuổi phần nhiều chỉ nghe diễn nghĩa truyền ngôn, nhưng có biết đến danh hiệu Ân tướng. Đối với bọn họ mà nói, từ hôm nay trở đi, ông già kia chính là Ân tướng của họ rồi.
Hết chương 56
Quỷ: Không miêu tả nhiều nhưng thật sự có chiến tranh thì dân chúng rất khổ. Nếu Trần Chấp không đến, những người có tài như Trần Liễm Vụ, Thôi Hoài Cảnh thì nhịn nhục cả đời rồi chết ấm ức, còn dân chúng thì bị bóc lột đến cái khố quần cũng bán.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top