Chương 3

7.
Sau đó tôi trở thành bạn thân của em gái nhỏ. Tất nhiên là tôi muốn khoe khoang rồi. Vậy nên tôi dẫn em gái nhỏ đến công viên tìm bọn đấy.

Mấy cưng không muốn làm bạn với chị đây chứ gì. Chị đây cóc thèm.

Nhìn xem này! Bạn tốt của chị đây còn đáng yêu hơn mấy cưng!!

Nhưng kết quả là còn chưa kịp nói chuyện với mấy đứa đấy thì chúng nó lại chỉ vào em gái nhỏ rồi cười.

"Này, em bé từ đâu xuất hiện đấy?"

Dám bắt nạt bạn tốt của tôi sao?! Tôi đanh mặt lại, nắm chặt lấy tay em gái nhỏ.

Chúng nó thấy thế thì lùi về sau hai bước, chỉ vào khuôn mặt em gái nhỏ rồi hỏi với giọng điệu không chắc chắn: "Đây là người bạn tốt cao to lực lưỡng mà cậu nói."

Em gái nhỏ ưỡn ngực đầy vẻ kiêu ngạo.

"Chứ còn ai vào đây!"

"Nếu mấy cậu còn dám khi dễ tôi, tôi sẽ bảo cậu ấy đánh mấy cậu, một mình cậu ấy chấp ba cũng không thành vấn đề."

Cảnh này giống y chang cảnh cáo mượn oai hùm trong sách minh họa.

Chúng nó tái mặt vì sợ hãi. Mỗi bữa ăn tôi chỉ ăn ba chén cơm chứ có phải một mình đánh ba đâu trời?!

Tôi định bước tới để giải thích. Nhưng chúng nó lại sợ đến nổi ôm nhau hét toáng lên:

"A a cậu đừng đến đây. Bọn tôi xin lỗi, sau này sẽ không ăn hiếp cậu ấy nữa đâu."

Sau đó chúng nó chạy té khói.

Tôi: "...."

Đứng yên cũng dính đạn.

Em gái nhỏ nhón chân, vỗ nhẹ lưng tôi, an ủi nói:

"Không sao đâu, bọn họ không chơi với cậu, tớ sẽ chơi với cậu! Cả đời sẽ là bạn tốt của cậu!"

7.
Buổi trưa ngày hôm đấy, em gái nhỏ bưng cái chén con của cậu ấy đến ăn cơm cùng tôi.

Cậu ấy: "Giờ tớ là bạn tốt của cậu đúng không?"

Tôi gật đầu.

Cậu ấy: "Thế cậu ăn giúp tớ phần cơm này được không?"

Tôi: "Tại sao vậy?"

Cơm trưa của em gái nhỏ nhìn ngon ghê. Tôi chảy nước miếng tùm lum rồi. Nhưng mẹ tôi nói phải ăn nhiều mới chóng lớn. Em gái nhỏ lùn quá, nên ăn nhiều một chút mới được.

Rối rắm ghê luôn.

Cậu ấy nắm lấy tay tôi.

"Tớ ăn rồi nhưng vẫn còn nhiều quá! Tớ không muốn lãng phí thức ăn! Cậu là bạn tốt của tớ, cậu ăn phụ tớ nha?"

Mẹ tôi cũng từng nói không được phí phạm đồ ăn. Vậy nên tôi gật đầu. Bắt đầu ăn lấy ăn để phần cơm trưa của em gái nhỏ nên tôi chẳng thấy cậu ấy quay mặt đi, trộm nở nụ cười để lộ răng sún, vui vẻ vì kế hoạch thành công.

Sau ngày hôm đó, mỗi lần đến giờ cơm trưa thì em gái nhỏ lại cầm chén con đến tìm tôi.

Chúng tôi ngồi trên một băng ghế nhỏ. Vừa ăn cơm vừa đắm mình dưới ánh mặt trời.

Mỗi lần em gái nhỏ về nhà với cái chén rỗng đều được khen ngợi. Cậu ấy vui vẻ, tôi cũng vui vẻ. Mẹ tôi vui vẻ, dì Trần cũng vui, bảo rằng chúng tôi thật hiểu chuyện.

Đến tận một buổi trưa hôm nào đó.

Tôi đang ăn cơm trưa của em gái nhỏ, còn cậu ấy đang ngồi xổm trên mặt đất quan sát tổ kiến.

Một tiếng hét như sấm dội làm cậu ấy hết hồn ngồi bệt xuống đất.

Mẹ tôi với dì Trần cầm chổi lông gà đi tới.

Mặt đầy phẫn nộ.

Mẹ tôi: "Tống Vi Vi, con tiêu đời rồi!"

Mẹ cậu ấy: "Trần Hoài Chi, con chết chắc rồi."

Mẹ tôi nói hèn gì tôi ngày càng bự còn em gái nhỏ thì gầy muốn trơ xương. Hóa ra bao nhiêu đồ ăn đều bay vào bụng tôi hết rồi.

Hai người họ ngầm nhìn nhau rồi đưa chúng tôi về nhà.

Ngày hôm sau, em gái nhỏ và tôi đều che chiếc mông bị đòn và nhìn nhau qua cửa sổ.

Từ đó trở đi, tôi mất luôn quyền tự do ăn uống.

8.
Ngày hôm đấy trời mưa to, cũng là ngày tôi biết được rằng em gái nhỏ thật ra cũng không phải là em gái nhỏ.

Tôi và em gái nhỏ đang chơi trong sân. Sau một hồi thì cả hai chúng tôi đều bị ướt mưa.

Dì Trần ôm bế em gái nhỏ còn mẹ tôi thì ôm lấy tôi. Nói rằng đợi lát nữa sẽ xử hai đứa này, còn bây giờ thì đem tụi nó đi tắm rửa thay quần áo.

Tôi vẫy khỏi tay mẹ, nhào đến ôm lấy chân dì Trần.

"Con muốn tắm chung với em gái nhỏ. Trên truyền hình bảo huynh đệ tốt phải làm mọi thứ cùng nhau!"

Em gái nhỏ lắc đầu như trống bỏi. Cố hết sức phản kháng.

"Không được! Tớ là con trai, còn cậu là con gái!"

Tôi ứ tin.

Mẹ tôi phải giải thích muốn gãy lưỡi còn cầm thêm nhành liễu trên tay thì tôi mới tin người anh em tốt của tôi lại là một cậu bé. Tôi đã khóc rất thương tâm đó. Không thể chấp nhận được em gái nhỏ xinh đẹp lại biến thành anh trai yếu đuối.

Như lời mẹ tôi nói thì lúc tôi quấy khóc thường rất ầm ĩ nhưng ngày hôm đó tôi chỉ yên lặng mà khóc, đau lòng hệt như mất người thân. Đến mức mẹ tôi muốn đánh tôi mà còn thấy xấu hổ không nỡ đánh.

Gia đình dì Trần rất thích tôi.

Thấy tôi đau lòng như vậy. Chú Lục đã bảo để sau này gả Trần Hoài Chi cho tôi, để tôi có thể chơi cùng cậu ấy đến hết quãng đời còn lại.

Mặt bố tôi lúc đó đen xì luôn.

Thế là tôi lại khóc to hơn. Trần Hoài Chi quá yếu đuối, tôi không muốn gả đâu.

"Vậy để tớ cưới cậu."

Trần Hoài Chi đưa bàn tay nhỏ nhắn ra lau nước mắt cho tôi, vẻ mặt nghiêm túc.

Cũng được đó chứ.

Thế là tôi ngừng khóc ngay lập tức.

Lần này đến phiên mặt chú Lục đen xì, còn bố tôi thì cười.

Sau này Trần Hoài Chi sẽ gả cho tôi, cả hai chúng tôi sẽ mãi mãi làm bạn tốt. Nhận được thông tin này khiến tôi vui quá đi mất.

Nghe nói vợ chồng sẽ thường hay dắt chó đi dạo trong công viên mỗi tối. Thế là tôi lôi kéo Trần Hoài Chi dắt Viên Viên đi dạo công viên với tôi. Viên Viên là bé heo hoa mà Đậu Đậu vừa mới sinh cách đây không lâu.

Ai gặp chúng tôi cũng phì cười, có hai đứa nhãi lớn hơn gọi chúng tôi là "rùa đất".

Tôi chưa từng nghe từ này trước đây.

Trần Hoài Chi cũng vậy.

Nhưng cậu ấy nói cậu ấy đã từng nhìn thấy con rùa. Nó là một loài vật rất ngoan cường với chiếc mai cứng.

Đúng là miêu tả hay.

Tôi: "Thế tới sẽ là công chúa của vương quốc rùa."

Cậu ấy: "Còn tớ sẽ là hoàng tử của loài rùa."

Hai thằng nhãi lúc nãy: "...."

9.
Bởi vì dáng vẻ này nên nhìn tôi hơi giống đầu gấu chuyên bắt nạt người khác. Còn Trần Hoài Chi là người bị bắt nạt.

Bố mẹ không yên tâm về chúng tôi nên bọn họ đến nhà trẻ mời gia sư riêng về dạy chúng tôi. Tôi đã không đến trường cho đến khi vào tiểu học.

Rời khỏi tầm mắt của ba mẹ mình, Trần Hoài Chi y hệt ngựa hoang đứt dây cương. Lộ ra bản chất thật.

Tôi không mấy mặn mà với việc học. Còn cậu ấy thì trên khuôn mặt gần như viết mấy chữ không thích học tập.

Rõ ràng đều được cho tiền tiêu vặt như nhau.

Tôi có đầy đủ dụng cụ học tập, còn cậu ta cặp sách đi học còn không có.

Bút mượn của bạn cùng lớp, dùng cục tẩy thừa của người ta. Một miếng giấy nháp mà dùng hẳn được một tuần.

Cậu ấy ngày nào cũng mua Haagen Dazs 58 tệ mời tôi ăn không chớp mắt. Còn quyển vở năm tệ tám thì xem cũng không xem, đánh chết cũng không mua.

Chính là kiểu "Nói về học tập thì không có tiền".

Thời đó mọi người thường lấy giấy tập gấp lại làm pháo. Thế nên cậu ấy miễn cưỡng mua một quyển sổ. Xé giấy rồi gấp đầy cả một hộc tủ.

Nếu không sợ bị đấm chắc cậu ấy cũng xé nốt vở của tôi luôn.

Lúc này tôi mới cảm nhận sâu sắc được tại sao dì Trần lại hay mắng cậu ấy là "nhân mô cẩu dạng".

Dáng vẻ trầm lặng của cậu ấy chỉ là để ngụy trang, không lấy một xíu liên quan đến tính cách.

Cậu ấy động não, tôi động thủ.

Nguyên nhóm chơi bắn bi cùng nhau, chúng tôi giành chiến thắng. Nếu cảm thấy chơi chán thì bán lại cho người khác. Cậu ấy còn xúi tôi trốn học để đi trèo cây, bắt giun và câu cá.

Ừm thì sau đó.

Chỉ còn mỗi một góc cây phát tài do hiệu trưởng trồng sống sót. Cá vàng do hiệu trưởng nuôi cũng chết hết hai con.

Hiệu trưởng nói nếu không phải do cậu ấy đáng yêu thì sớm đã đánh đòn cậu ấy rồi.

Ngày nào quần áo của chúng tôi không rách cũng bẩn.

Mẹ tôi từng nghi ngờ chúng tôi không có đi học mà đi tham gia bộ đội đặc chủng.

Cô giáo đến tìm chúng tôi. Cô ấy hỏi bố mẹ chúng tôi làm nghề gì.

Cậu ấy: "Đào mỏ than."

Tôi: "Nuôi heo."

Cô giáo an ủi bảo rằng công việc của bố mẹ chúng tôi cũng rất đáng tự hào. Cô ấy xoa đầu Trần Hoài Chi rồi đưa cho chúng tôi hai tờ đơn xét diện hộ nghèo.

Khuôn mặt Trần Hoài Chi ngơ ngác.

"Cô ơi, nhà em đào mỏ than tư nhân."

Cô giáo: "..."

Cô giáo muốn nói rồi lại thôi, định đưa tờ đơn qua cho tôi.

Tôi: "Cô ơi nhà em nuôi 300.000 con heo."

Cô giáo: "...."

Người lớn lúc nào cũng bận bịu với công việc. Nhưng dù có giấu kỹ đến cỡ nào thì khi phát phiếu điểm mọi chuyện cũng sẽ lộ ra.

Điểm tuyệt đối là 100. Tôi được 50 còn cậu ấy 25.

Lúc đầu mẹ tôi và dì Trần còn đến họp phụ huynh cho chúng tôi. Rồi bị mời nhiều lần quá thế là chẳng ai chịu đi.

Hai người họ mượn cớ thoái thác. Dì Trần nói sau này Trần Hoài Chi gả sang nhà tôi, bảo mẹ tôi đi. Mẹ tôi bảo sớm muộn gì tôi cũng gọi dì Trần là mẹ, kêu dì Trần đi.

Cuối cùng hai người họ càng nghĩ càng giận. Nói rằng dù sao người một nhà vẫn là người một nhà, rồi đơn giản là chúng tôi lại tiếp tục bị ăn đòn.

10.
Năm tôi lên cấp hai.

Nhà trường tổ chức một buổi văn nghệ, giáo viên yêu cầu chúng tôi đăng ký tiết mục dự thi.

Tôi kéo đàn cò, còn Trần Hoài Chi thổi kèn bầu.

Nhưng giáo viên lại đề nghị thay đổi tiết mục.

Tôi vẫn chưa nghĩ ra nên đổi sang thể loại nào.

Hay là diễn kịch đi.

Cuối cùng chủ đề vở diễn là "Đón dâu ở Cao lão trang."

Tôi đã cải biên lại kịch bản. Chúng tôi đã có một cuộc tranh cãi về việc phân công vai diễn.

Trần Hoài Chi có đánh c h ế t cũng không chịu nhận vai Cao Thúy Lan.

Tôi bảo cậu ấy nhìn vào gương xem cậu ấy có chỗ nào giống Trư Bát Giới không?

"Tớ cao hơn cậu, nặng hơn cậu còn mạnh hơn cậu."

Cậu ấy tức tới mức lông mày nhíu lại muốn đụng vào nhau.

"Nếu cậu không chịu thì tụi mình chỉ đành hát "Goá phụ nhỏ đã xuống mồ".

Sắc mặt cậu ấy thay đổi.

".... Thôi được rồi."

Tuy nhiên cậu ấy đồng ý cũng không phải không có nguyên nhân. Bởi vì tôi nó chỉ diễn một phân đoạn ngắn. Nhưng thực tế là 2 đoạn.

Vào hôm biểu diễn, trên sân khấu đầy rẫy núi giả. Dưới sân khấu toàn là đầu người với đầu người.

Trần Hoài Chi đóng vai Cao Thúy Lan bị hai nha dịch trêu ghẹo.

Trong lúc cậu ấy đang vô cùng hoảng sợ. Lão Trư tôi đây, à nhầm Thiên Bồng Nguyên Soái tôi đây từ trên trời giáng xuống, trên tay cầm ki hốt rác đánh đuổi bọn nha dịch.

Tôi: "Ta là Trư Bát Giới, xin hỏi cô nương tên họ là gì? Quê quán ở đâu?"

Tay cậu ấy vân vê khăn lụa, che nửa mặt, nhẹ giọng nói: "Thiếp tên Cao Thúy Lan, nhà ở Cao lão trang."

"Vậy để lão Trư ta đây hộ tống cô nương về nhà."

Cậu ấy nửa nằm nửa ngồi trên sàn, chớp mắt ám chỉ:

"Bát Giới Ca Ca, thiếp bị bong mắt cá chân rồi."

Dưới khán đài truyền đến một tràng cười vang. Cậu ấy thấy xấu hổ đến mức bàn tay dưới ống tay áo suýt chút nữa véo mạnh.

Trong buổi tập dợt, cậu ấy đã không chịu bảo lời kịch của tôi không đúng với nguyên tác.

Tôi đã mắng cậu ấy không hiểu nghệ thuật.

Nhìn dáng vẻ bây giờ của cậu ấy, tôi cũng chẳng thèm kiềm lại. Khi đó tôi đã diễn với một chút cảm xúc cá nhân.

Tôi cúi đầu, hưng phấn xoa tay.

"Hí hí, lão Trư rất khỏe, để lão Trư cõng cô nương."

Tôi dễ dàng cõng cậu ấy trên lưng.

Sau đó tiếng nhạc quen thuộc vang lên "Tò te tí te".

Tôi đi vòng quanh sân khấu hai lần, càng đi càng hăng.

Xung quanh truyền đến từng trận reo hò, từng đợt tiếng cười vui vẻ vang lên.

Cậu ấy vùi đầu vào cổ tôi, cũng chẳng thèm ngẩng lên.

Giọng nói đầy xấu hổ và giận dữ.

"Không diễn nữa, mau để tớ xuống!"

Tôi đứng lại sau bức rèm nhưng mà âm nhạc vẫn không dừng lại, mà ngược lại trên màn hình chiếu lại xuất hiện một bài tường thuật.

"Cao Thúy Lan đã nhất kiến chung tình với ân công Trư Bát Giới. Sau khi tiếp xúc với nhau đã định chuyện chung thân đại sự. Đêm nay thành hôn, tổ chức tiệc tùng. Ai ngờ Trư Bát Giới hưng phấn đến mức uống quá nhiều rượu, trước mặt mọi người hiện nguyên hình."

Bối cảnh xung quanh được chuyển thành màu đỏ của tiệc tùng.

Đến khi Trần Hoài Chi nhận ra thì cũng đã muộn.

Tôi ấn cậu ta xuống ghế ngồi, tay cầm chiếc khăn lụa đỏ. Cậu ấy nhìn tay tôi, khuôn mặt bỗng chốc cứng đờ. Vẻ mặt hoảng loạn hoài nghi nhân sinh.

"Cậu thêm diễn???? Tớ không diễn!!!! Cậu bỏ xuống mau cho tớ!!!!"

Tôi đến gần, thấp giọng nói:

"Đã muộn rồi, cậu không muốn lớp mình thua đúng không?"

"...."

Thừa lúc cậu ấy yên tĩnh, tôi lấy chiếc khăn lụa đỏ trùm đầu cậu ấy lại. Sau đó đeo cái bụng bia giả vào, đội thêm cái đầu heo tự chế. Thuận tay khoác lên mình một cái áo choàng đỏ.

Rèm sân khấu lần nữa kéo ra.

Nhìn thấy cách hóa trang của tôi, mọi người bên dưới sân khấu "quào" lên một trận.

Lúc này đây âm nhạc đổi thành "Trư Bát Giới rớt xuống từ thiên đình."

"Bát Giới, Bát Giới tâm địa ngươi hư ~ ~ ~ Tuy ngốc nhưng đáng yêu..."

Khoảnh khắc khăn lụa đỏ trùm trên đầu bị kéo xuống, ánh mắt Trần Hoài Chi khiếp sợ, tuyệt vọng, như không còn bậc thang nào để leo xuống.

Có thể sánh ngang với kỹ thuật diễn của mấy diễn viên gạo cội.

Quá chân thật.

Còn đầu heo tôi đây bỗng chạy nhanh qua, nhào tới:

"Thúy Lan ~ Bát Giới ca ca đến đây."

Cậu ấy theo bản năng lùi về sau hai bước. Xoay người loạng choạng chạy trốn.

"Yêu quái, mi, mi đừng đến đây."

Cậu ấy trốn còn tôi đuổi. Cậu ấy chạy lộn tùng phèo khắp sân khấu nhưng có mơ mà chạy đằng trời nhá.

Sau khi âm nhạc kết thúc, cậu ấy chạy đến sau bức rèm. Khán giả bên dưới vẫn coi chưa đã. Bên phía lãnh đạo nhà trường đã phì cười.

"Ha ha cái cặp đôi dở hơi này."

Sau đó thì lớp chúng tôi giành giải nhất. Video về màn trình diễn của chúng tôi còn được phát trên đài truyền hình địa phương.

Người dẫn chương trình đã nhận xét thế này:

[Một người đã làm sống dậy Trư Bát Giới dung tục, ham mê nữ sắc còn người kia đã tái hiện lại vẻ thẹn thùng và hoảng loạn của Cao Thúy Lan một cách sống động.]

Người nào trong trường cũng bật cười khi gặp chúng tôi. Bọn họ còn lén nói Trần Hoài Chi là vợ của tôi, còn nói cậu ấy giống con gái.

Kết quả làm Trần Hoài Chi giận tôi hết mấy ngày cũng không thèm nói chuyện với tôi. Còn giả vờ ốm không chịu đi học. Tôi cũng bắt chước cậu ấy, nhưng lại quên mất cậu ấy là một kẻ lõi đời.

Đến lượt tôi, tôi nói với mẹ tôi rằng tôi đau bụng, kết quả là mẹ tôi dẫn tôi đi bệnh viện. Bác sĩ đụng chỗ nào hỏi đau không tôi liền gật đầu chỗ ấy, lại hỏi tôi có tức ngực không, tôi cũng bảo có.

Tận đến khi bị đẩy vào phòng phẫu thuật, lúc này tôi mới phát hiện chuyện bất ổn, nhưng cũng đã muộn rồi.

Chờ đến khi tôi tỉnh lại sau khi gây mê thì thấy Trần Hoài Chi đang ngồi cạnh giường, nhìn tôi với ánh mắt phức tạp.

"Sau này cậu chẳng thể thành phi công được đâu."

Ngày hôm đó Trần Hoài Chi tha thứ cho tôi, nhưng cũng từ hôm đó tôi mất một khúc ruột thừa.

Chắc có lẽ sợ tôi nghĩ nhiều về nó, Trần Hoài Chi không rời giường chăm sóc tôi gần nửa tháng.

Còn tri kỷ hơn so với mẹ tôi.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top