hoakaka
Nguyễn Trãi
Hiệu Ức Trai đệ nhất khai quốc công thần đời nhà Lê. Ông là con trai của Bảng Nhãn Nguyễn Ứng Long, hiệu Phi Khanh (cũng gọi là Nguyễn Phi Khanh) quê ở làng Chi Ngại, huyện Phượng Sơn (Chí Linh), tỉnh Hải Dương, sau dời nhà về làng Nhị Khê, huyện Thương Phúc, hiện nay là Phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông (Bắc Phần).
Ông thi đỗ Thái học Sinh dưới đời Hồ Quý Ly, lúc bấy giờ ông mới 21 tuổi. Khi quân nhà Minh bên Tàu, giả vờ chiêu bài diệt Hồ, phù Trần để thực hiện kế hoạch thôn tính nước Nam, Hồ Quý Ly Vương Hồ Hán Thương bị bắt, Nguyễn Phi Khanh làm quan với nhà Hồ nên cũng bị bắt. Quân Minh đưa cả vua tôi nhà Hồ về Kim Lăng (Trung Hoa). Nguyễn Trãi bịn rin theo cha già một bước không rời, định bụng để theo cha phụng dưỡng. Nhưng thân phụ ông một mực không cho, dặn bảo ông phải ở lại quê nhà làm tròn nhiệm vụ người nam nhi trong thời chiến, trước là trả nợ nước, sau là báo thù nhà, ông đành gạt lệ chia tay cha ở cửa ải Nam Quan.
Sau một thời gian ẩn sĩ qui điền để nghiên cứu binh thơ đồ trận, ông hay tin Lê Lợi ở Lam Sơn khởi nghĩa là người có chí lớn hay chiêu hiền đãi sĩ, tích trữ lương thảo để cương quyết chống quân Minh giành độc lập cho đất nước, ông liền đến hợp tác. Ông dâng lên cho Lê Lợi, bấy giờ là Bình Định Vương một chiến lược bình Ngô, Bình Định Vương biết rõ tài của Nguyễn Trãi, liền phong cho ông chức Quân Sư. Trong suốt 10 năm kháng chiến gian khổ, lúc nào ông cũng kề cận bên mình Bình Định Vương, không khác nào hình với bóng, để tổ chức về mọi việc chính trị, quân sự, xem các việc từ mệnh (tức là các chiếu chỉ và mệnh lệnh của vua ban ra). Mọi giấy tờ, văn thư giao thiệp với nhà Minh, cho đến các hịch vua truyền ra ngoài cho binh sĩ và dân chúng đều do một tay ông thảo ra cả.
Khi đất nước được thống nhất, mọi việc đã bình định xong ông vâng mệnh vua Lê thảo ra bài Bình Ngô Đại Cáo. Khi vua Lê lên ngôi, Nguyễn Trãi được Phong tước Quan Phục Hầu, được cải sang họ nhà vua, tức là Lê Trãi, và giữ chức Nhập nội Hành khiển một chức quan to nhất trong triều, được vào ra cung điện nhà vua bất cứ lúc nào.
Vua Lê Thái Tổ mất vào năm 1433 con là Thái Tôn lên nối ngôi. Vì vua Lê Thái Tôn còn nhỏ dại, mọi việc đều ở trong tay quan Phụ Chính đại thần nhà Lê Sát, nên Lê Sát lộng quyền làm những điều càn dỡ. Khi vua Thái Tôn biết rõ, liền trừ khử Lê Sát. Nhận thấy nhà vua nhu nhược không có chí lớn như vua cha, lại đam mê tửu sắc, ông liền xin về trí sĩ ở Côn Sơn, thuộc huyện Chí Linh tỉnh Hải Dương (năm Kỷ Mùi - 1439), lúc bấy giờ ông được 60 tuổi.
Vào năm Nhâm Tuất (1442) vua Lê Thái Tôn đi tuần phương Đông, duyệt võ ở Chí Linh, Lê Trãi liền ra đón nghinh tiếp xa giá nhà vua, Lê Thái Tôn mới đến chơi nhà chùa Côn Sơn là nơi Lê Trãi ở. Nhân thấy người tì thiếp của ông là Nguyễn Thị Lộ, nhan sắc lộng lẫy lại có biệt tài về văn chương, vua Lê Thái Tôn liền phong cho chức Lễ Nghi Học Sĩ, ngày đêm hầu hạ bên cạnh nhà vua. Đến khi Đông tuần, xa giá vua Thái Tôn về đến vườn Lệ Chi, xã Đại Lai, huyện Gia Định, hiện nay là Gia Bình, thình lình nhà vua nhuốm bệnh sốt. Thị Lộ hầu hạ suốt đêm, rồi vua Lê Thái Tôn mất. Các quan hốt hoảng vội vã bí mật phụng giá về kinh, nửa đêm về cung rồi mới phát lễ tang. Tất cả đều cho là Thị Lộ âm mưu giết vua, liền đem nàng ra giết chết. Lại có nhiều người trước đây đố kỵ Lê Trãi được vua Thái Tổ trọng dụng, đem lòng oán ghét, nhân cơ hội này liền cho ông là chủ mưu xúi giục, thế là sau đó quan Thừa Chỉ Nhập Nội Đại Thần Hành Khiển Lê Trãi bị giết và cả họ bị tru di. Cái án oan này mãi đến 22 năm sau, vua Lê Thánh Tôn xét lại thấy có nhiều điều hàm hồ, ức oan cho một vị khai quốc công thần, liền truyền hủy bỏ án trước, truy phục chức cho Lê Trãi, con cháu của ông được lục dụng ra làm quan, lại cấp cho tư điền để lo việc tế tự hàng năm. Những tác phẩm bằng chữ Hán của ông gồm có:
Ức Trai tập gồm có 6 quyển tất cả. Quyển 5 khảo về sự trạng của tác giả, kèm theo những lời bình luận. Quyển 2 phụ lục thơ văn của thân sinh ông là cụ Nguyễn Phi Khanh và những tác phẩm khác như:
Văn Loại gồm có những bài Bình Ngô Đại Cáo nghĩa là lời bá cáo về việc bình xong quân Ngô (tức nhà Minh bên Tàu), viết vào năm 1427, Lam Sơn Vĩnh Lăng thần đạo bi ký, nghĩa là bia vua Lê Thái Tổ viết vào năm 1433, Băng Hồ di sự lục nghĩa là chép việc sót lại của Băng Hồ tiên sinh (Bút hiệu của Trần Nguyên Đán, ngoại tổ của tác giả), viết vào năm 1428. (Quyển 3 của Ức Trai tập).
Ức Trai thi tập gồm có hơn 100 bài thơ ngụ ngôn và thất ngôn, trong đó có bài Côn Sơn ca và Chí Linh sơn phú.
Quân Trung Từ Mệnh tập, nghĩa là tập thư từ mệnh lệnh ở trong quân. (quyển 4 của Ức Trai tập), do Trần Khắc Kiệm sưu tập về đời Hồng Đức gồm các thơ từ gửi cho tướng nhà Minh như Phương Chính, Vương Thông... và các bài hịch tướng sĩ mà tác giả đã soạn ra trong khi vua Lê đánh nhau với quân Minh. Trong tập này có tất cả 24 bài, một tập sử liệu quan trọng về việc vua Lê Thái Tổ giao thiệp với nhà Minh trong những năm từ 1423 - 1427.
Dư Địa Chí (quyển 6 của Ức Trai tập là một bài văn khảo về đại dư nước Việt). Tác giả dâng lên cho vua Lê Thái Tôn năm 1435, nhà vua sai Nguyễn Thiên Túng làm lời tập chú, Nguyễn Thiên Tích làm lời cẩn án (xét cẩn thận và Lý Tử Tấn làm lời thông luận (bàn chung). Chính văn của Nguyễn Trãi viết theo lối văn thiên Vũ Cống trong sách Kinh Thư, cho nên bản chép tay có nhan đề là An Nam Vũ Cống. Quyển này phần đầu lược khảo địa dư chính trị các triều trước đời Lê Thái Tổ, kế đến chép về địa dư thời Lê sơ, kể rõ các đạo trong nước, rồi cứ mỗi đạo xét về sông núi, sản vật và liệt kê các sử huyện châu và xã.
Những tác phẩm bằng Việt Văn gồm có:
- Bài thơ Hỏi ả bán chiếu, làm trong lúc tác giả gặp Thị Lộ lần đầu.
- Tập Gia Huấn Ca, nghĩa là: Bài hát dạy người trong nhà tương truyền là của Nguyễn Trãi sáng tác, nhưng không chắc chắn lắm. Trong tập này gồm có 6 bài ca:
Dạy vợ con.
Dạy con ở cho có đức.
Dạy con cái.
Vợ khuyên chồng.
Dạy học trò ở cho có đạo.
Khuyên học trò phải chăm học.
- Những bài ca viết theo thể lục bát, đôi khi lại chen vào nhưng câu 7 chữ.
Về các văn thơ viết bằng Việt Văn, Nguyễn Trãi có dụng ý muốn phổ biến sâu rộng trong dân chúng nên thường viết bằng một lối văn bình dân, giản dị, nhất là âm điệu nhẹ nhàng. Những điều cốt yếu trong luân thường đạo lý đều được ông khai thác triệt để phổ vào lời thơ để cho đàn bà, trẻ con đều đọc và ý thức được những điều cao quý trong đạo làm người.
Nguyễn Trãi không những là một bậc khai quốc công thần của thời Lê sơ mà còn là một nhà giáo dục chân tài, biết đem cái sở học mình để phổ biến trong đám dân đen, bằng cách trứ tác những văn thơ có tính cách giáo dục.
Côn Sơn Ca
Côn Sơn có suối nước trong,
Ta nghe suối chảy như cung đàn cầm.
Côn Sơn có đá tần vần,
Mưa tuôn đá sạch ta ngồi ta chơi.
Côn Sơn thông tốt ngất trời,
Ngả nghiêng dưới bóng ta thời tự nhiên.
Côn Sơn trúc mọc đầy gò,
Là xanh bóng rợp tha hồ tiêu dao.
Sao không về phắt đi nào,
Đời người vất vưởng xiết bao cái lầm.
Cơm rau nước lã yên thân,
Muôn chung nghìn quý có cần quyền chi.
Sao không xem: Gian tà những kẻ xưa kia,
Trước thì họ Đỗng, sau thì họ Nguyên.
Đỗng thì mấy vực kim tiền,
Nguyên hồ tiêu chứa mấy nghìn muôn cân.
Lại chẳng xem: Dĩ, Tề hai đấng thánh nhân,
Nằm trên núi Thú nhịn ăn đến già.
Nào ai khôn dại ru mà,
Chẳng qua chỉ tại lòng ta sở cầu.
Trăm năm trong cuộc bể dâu,
Người cùng cây cỏ khác nhau chút nào.
Khóc, cười, mừng, sợ xôn xao,
Đang tươi bỗng héo biết bao nhiêu lần.
Nhục vinh thân cũng là thân,
Cửa ngăn nhà ngói trăm năm còn gì.
Sào Do hai bạn tương tri,
Vào Hun tớ đọc cho nghe bài nầy.
Bài thơ trên do Đồ Nam Tử Nguyễn Trọng Thuật diễn Nôm.
Côn Sơn là tên một trái núi thuộc địa hạt xã Chi Ngại, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương, nguyên là nơi vị cao tăng đời nhà Trần là Huyền Quang tu hành, và cũng là nơi Băng Hồ Trần Nguyên Đán (ngoại tổ của Nguyễn Trãi) về trí sĩ. Sau khi xin về hưu, Nguyễn Trãi cũng chọn Côn Sơn làm nơi di dưỡng tinh thần trong những ngày trí sĩ.
Hun là tên Nôm của Côn Sơn.
Hỏi Ả Bán Chiếu
Ả ở đâu nay bán chiếu gon?
Chẳng hay chiếu ấy hết hay còn?
Xuân Thu nay độ bao nhiêu tuổi?
Đã có chồng chưa, được mấy con?
Bài họa lại:
Tôi ở Tây Hồ bán chiếu gon,
Nỗi chi ông hỏi hết hay còn?
Xuân Thu tuổi mới trăng tròn lẻ.
Chồng còn chưa có, có chi con!
Theo sách Công Dư Tiệp Ký: Một hôm trong lúc đi chầu về, Nguyễn Trãi trên đường về gặp một người con gái rất đẹp gánh chiếu đi bán. Muốn bỡn cô gái nọ, ông liền đọc một bài thơ như trên. Người con gái không do dự, liền họa lại ngay một bài. Rất ngạc nhiên về sự thông minh xuất chúng của cô gái, Nguyễn Trãi hỏi tên cô là gì. Cô gái đáp: Tên Thị Lộ. Nguyễn Trãi liền hỏi nàng làm hầu thiếp.
Theo truyền thuyết, Thị Lộ vốn hóa thân của một con rắn. Nguyễn Trãi nằm mơ thấy một người đàn bà dắt mấy đứa con đến lạy ông mà thưa rằng: "Tôi nghèo nàn đang lúc ở cử không thể dời đi chỗ khác được. Cúi xin đại quan cho tôi tạm trú nơi đây một ít lâu, chờ khi cứng cáp tôi sẽ đi ngay không dám van xin gì nữa". Nguyễn Trãi gật đầu ưng chịu. Vừa khi ông thức giấc người nhà vào cho hay các môn đệ của ông dọn cỏ ở ngoài vườn gặp được một ổ rắn. Rắn con bị giết chết cả, còn rắn mẹ bị chặt đứt đuôi bò đi mất. Được nghe kể lại, Nguyễn Trãi vô cùng hối tiếc, liền đem cho chôn những con rắn con bị giết.
Một hôm đang ngồi chấm quyển của học trò, trên trần nhà bỗng rơi xuống mấy giọt máu ngay vào chữ "đại", thấm ướt cả ba tờ giấy. Nhìn lên, Nguyễn Trãi thấy một con rắn bị đứt đuôi đang bò rất nhanh. Ngẫm nghĩ, ông lấy làm sợ hãi, biết chắc chắn rằng con rắn kia sẽ tìm cách báo oán không buông tha. Giọt máu rơi ngay vào chữ "đại", lại thấm cả ba tờ giấy, có nghĩa là tam đại: Ba đời. Điềm giữ này đã ứng hiện vào lúc Thị Lộ hầu hạ vua Lê Thái Tôn tại vườn Lệ Chi, khi nhà vua trên đường Đông Tuần trở về kinh, và mất ngay trong đêm ấy. Người ta cho rằng hồn rắn hóa thành Thị Lộ đầu độc nhà vua, khiến cho cả nhà Nguyễn Trãi bị giết, họa lây luôn cả họ hàng nội ngoại.
Tuy nhiên truyền thuyết trên không có gì làm bằng chứng xác thực, có thể đó chỉ là một giả thuyết.
VietShare.com sưu tầm
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top