Chương 1

Họ chưa từng yêu nhau, nhưng những tháng ngày không phải yêu đương đó lại là quãng thời gian vui vẻ nhất của Phùng Nhất Nhất. Phùng Nhất Nhất là một cô gái rất đỗi bình thường, duy chỉ có hai điều hơi đặc biệt. Điều thứ nhất chính là tên của cô. Khi cô cất tiếng khóc chào đời, cha Phùng vừa hay tin là một bé gái đã quay đầu bỏ đi. Lúc ấy, đầu óc mẹ Phùng cũng choáng váng, rồi chọn đại một cái tên cho cô, hay gọi là “ Phùng Nhất” đi, mang thai đứa đầu mà. May mà cô y tá có nói một câu rằng: “ Phùng Nhất không giống tên con gái”, mẹ Phùng mới thêm vào một chữ “ Nhất “ nữa. Có lẽ là vì đặt tên cho cô là Phùng Nhất Nhất nên mấy năm sau mẹ cô lại mang thai đứa thứ hai. Lần này cha mẹ phùng đặc biệt nhờ người kiểm tra giới tính của thai nhi. Biết chắc chắn là con trai, cha Phùng đã tiêu tốn tám trăm tám mươi tệ mời người đến đặt tên cho con. Cuối cùng, sau một hồi đắn đo, họ quyết định đặt tên con là Phùng Nhất Phàm, nét bút ổn, ý nghĩa mặt chữ đẹp, tượng trưng cho đứa con trai bảo bối cả đời thuận buồm, xuôi gió. Bời tên Phùng Nhất Phàm vừa vặn có một chữ “ Nhất”, nên tên của Phùng Nhất Nhất cũng coi như được đặt một cách nghiêm túc. Điều thứ hai không bình thường ở Phùng Nhất Nhất chính là, cô thuộc nhóm máu Rh âm tính, hay còn gọi là nhóm máu gấu trúc. Đúng như tên gọi của nó, nhóm máu gấu trúc là một nhóm máu rất hiếm gặp, bởi vậy, chi phí truyền máu cũng đắt đỏ hơn những nhóm máu bình thường. Năm bốn tuổi, Phùng Nhất Nhất không cẩn thận bị sứt đầu, mẹ phùng ôm cô đến bệnh viện, khâu mấy mũi, lại còn truyền một túi máu. Khi đó đúng vào dịp Tết, bởi vì việc này mà mẹ Phùng chỉ dám mua quần áo mới cho cha Phùng và cô mà không dám mua cho mình. Đến khi Phùng Nhất Nhất học tiểu học, gia đình đã có thêm một cậu em trai. Một lần , cánh tay của cô bị kính thủy tinh của cửa sổ trường học cứa một mảng lớn. Lần đó, cô giáo đưa cô tới bệnh viện, mẹ Phùng tan làm liền đến thanh toán tiền. Trên đường trở về nhà, mẹ Phùng tính nợ với cô, mỗi lần cô ra vào viện là một tuần làm việc của mẹ coi như công cốc. Cậu em trai ở nhà đang tuổi ăn tuổi lớn, buổi sáng chỉ uống một bình sữa thôi thì không đủ, mẹ đang muốn thêm cho cậu một bình sữa nữa vào buổi tối. “ Vậy con không uống bình sữa của con nữa, để dành buổi tối cho em uống!”, cô bé Phùng Nhất Nhất nói lớn với người mẹ đang đạp xe ngược chiều gió. “Được”, mẹ Phùng đồng ý một cách dứt khoát, “ con gái cũng không cần phải cao lắm… sữa là để bổ sung canxi, về nhà ăn tôm con đừng bỏ vỏ, cứ nhai nhai vài cái rồi nuốt cũng đủ canxi rồi. “ Con biết rồi mẹ!” Cô bé vô tự lự từ hồi nhỏ, chẳng biết sợ hãi là gì, vết thương trên tay vẫn còn nóng hầm hập mà đã khoái chí lắc lắc cái mông sau xe đạp. Mẹ Phùng buồn phiền, “Mẹ nói cho biết này, nhóm máu của con đặc biệt, hiếm vô cùng! Hiếm nhường nào! Người khác bị thương vào bệnh viện, tóm lấy mười người hẳn có một người truyền máu cho người ta, còn nếu con bị thương, tóm mười nghìn người cũng chưa chắc có một người có thể truyền máu cho con đâu. Con biết việc không có máu sẽ chết rồi chứ?” “Con không biết mẹ à!”, Phùng Nhất Nhất thích thú nghịch băng gạc trên tay, ngốc nghếch nói. “ Không phải bây giờ mẹ đang nói cho con biết rồi sao? Không ai truyền máu cho con, con sẽ chết!”, mẹ Phùng cảm thấy con bé này thật quá khờ khạo, nên nhấn mạnh thêm, “ Con nghĩ xem, nếu con bị thương có thể tìm đủ mười nghìn người trong nháy mắt không?” “ Không… không thể… đúng chứ ạ?” “Đương nhiên là không thể rồi!”, mẹ Phùng đạp xe hồng hộc, “ Con nhớ mợ họ của con chứ? Năm ngoái, khi mợ ấy mất, cha con còn đưa con và em trai đến khấu đầu lạy tạ mợ đó”. “ Cha không cho con vào cùng, bảo con ở ngoài trông xe”, phùng Nhất Nhất giòn giã cất ngang lời mẹ. “Đúng, chính là mợ ấy đấy. Mợ ấy bị ngã, không tìm đủ mười nghìn người nên mợ đã chết…” Đoạn đường về nhà không dài nhưng câu chuyện về một người bà con thân thích vì không kịp truyền máu dẫn đến tử vong mà mẹ phùng kể đã có thể viết thành cuốn “ Bút ký bỏ mạng” ba mươi sáu hồi. Những người này đều là người Phùng Nhất Nhất đã từng gặp, hoặc từng nghe nhắc tới, vô cùng chân thực. Cô bé cứ nghe mãi, nghe mãi, bàn tay túm gấu áo mẹ ngày càng chặt… Từ trước tới giờ, cô không hề hay biết thế giới này lại đáng sợ đến thế, tựa như bầu trời đen kịt trên đỉnh đầubỗng dưng sụp đổ xuống vậy. Cuối cùng cũng về đến nhà. Ngày trước, Phùng Nhất Nhất thường không đợi xe dừng đã hớn hở ngảy xuống, nhưng hôm nay, chờ đến khi mẹ Phùng đừng hẳn xe lại, cô mới bấu chặt lấy đệm yên xe, khom lưng tuột xuống, dè dặt đến khi hai chân chạm đất mới thở phào nhẹ nhõm. Vài ngày sau, mẹ Phùng thực sự đã mua tôm về thật. Phùng Nhất Nhất được chia cho nửa bát tôm. Cô cẩn thận nhai từng chút một. Bình sữa của cô đã thuộc về cậu em trai. Mấy ngày nay, thấy em trai uống sữa ngon lành mỗi sáng tối, ngoài miệng không nói, nhưng thực lòng, cô rất ngưỡng mộ. Giờ thì tốt rồi, lòng cô không còn cảm thấy khó chịu nữa. Trước kia trong nhà mà ăn tôm thì đều dành hết phần cho em trai, em trai ăn thừa mới đến lượt cô, rồi còn phải dành mấy con cho cha Phùng nhắm rượu nữa. Nhưng hôm nay, mẹ Phùng đã rất hào phóng chia cho cô hẳn nửa bát trước tiên. Phùng Nhất Nhất cầm bát tôm bỏ đầu bỏ đuôi, trong lòng vô cùng thỏa mãn. Cũng bắt đầu từ đó, Phùng Nhất Nhất đặc bệt lưu tâm đến bản thân, không có lần nào bị thương phải truyền máu nữa. Cô trưởng thành trong sự cẩn trọng, học hết đại học, công tác vài năm, loáng một cái đã hai mươi tám tuổi.                                                                        *** Phùng Nhất Nhất hai mươi tám tuổi, chưa có bạn trai, có vẻ không được bình thường cho lắm. Bước sang tuổi hai mươi tám, dịp đầu năm mới, người thân họ hàng đến chúc Tết, Phùng Nhất Nhất bị các cô dì túm lấy vặn hỏi tại sao chưa có bạn trai, ngay sau đó là xếp đặt buổi xem mắt cho cô. Đầu năm mới này Phùng Nhất Nhất đã phải trải qua một cách chật vật, cứ nhìn thấy người là cúi đầu lẩn tránh. Mùng hai Tết, trong nhà có bày ba bàn đánh mạt chược, phòng khách bị bọn trẻ con nghịch ngợm chiếm đoạt, Phùng Nhất Nhất trốn trong phòng, cuộn tròn trên giường xem phim Hàn Quốc. Đang si mê ngây ngất ngắm nhìn các chàng diễn viên chân dài thì tiếng chuông điện thoại vang lên leng keng. Cô cầm lên xem, là tin nhắn chúc mừng năm mới của Thẩm Hiên, anh chúc cô một năm mới bình an, không bệnh tật, tai họa. Phùng Nhất Nhất nhân tiện trả lời: “ Năm mới vui vẻ!”. Rất nhanh Thẩm Hiên đã nhắn lại: ”Không làm sao mà vui vẻ cho được”. Phùng Nhất Nhất: “Sao vậy? Không được tiền lì xì à?” Thẩm Hiên: “Không những không được, mà còn phải phân phát đi rất nhiều, mất tiền rồi còn bị thúc giục chuyện cưới hỏi, làm sao mà vui vẻ được cơ chứ?” Phùng Nhất Nhất nghĩ bụng: Có quỷ mới tin anh! Công tử của hạnh lâm1 Thế gia, giỏi y thuật chữa bệnh, mới ba mươi tuổi đã là viện trưởng bệnh viện tư nhân đắt giá nhất thành phố G, về diện mạo ấy à, phải mẫu người như Tạ Gia Thụ đứng bên cạnh mới nhỉnh hơn chút đỉnh. Người đàn ông độc thân như bảo vật thế này, chỉ tại anh không chịu đi tìm, còn ở đây mà than phiền thúc giục cưới hỏi với cô, bảo cô gái quá lứa nhỡ thì như cô làm sao chịu nổi? Nếu là Phùng Nhất Nhất của mấy năm về trước, lúc này cô đã trả lời rằng: “Anh chỉ cần chạy ra ngoài đường rống một tiếng, có mà hàng đống “cô lương2” nhào tới ấy chứ? Này ‘chàng trai’, muốn phú tân từ gượng nói sầu3 à?” Nhưng Phùng Nhất Nhất của hai mươi tám tuổi lại trả lời: “Vỗ vai!” Lần này, một hồi lâu Thẩm Hiên không trả lời lại, Phùng Nhất Nhất cũng không để tâm, lăn vào chăn, tiếp tục rung rinh ứa nước miếng với các chàng chân dài của cô. Một lúc sau, màn hình điện thoại trên chăn phát sáng, một tin nhắn nhảy ra, vẫn là của Thẩm Hiên: “ Tết Nguyên tiêu cùng anh về nhà ăn cơm nhé!” Phùng Nhất Nhất nhất thời kinh hãi, nhưng đúng lúc này, trên màn hình, chàng chân dài lại đang nhấc một chân lên rồi nhúng chân kia xuống bể bơi, nỗi kinh hãi của Phùng Nhất Nhất bỗng được thay mới. Các anh chàng chân dài này thật quá ấu trĩ, quả thật là còn ấu trĩ hơn cả Tạ Gia Thụ! Nhưng hình ảnh này rất đẹp, thật sự rất đẹp! 1 Hạnh Lâm: Tên gọi khác của giới y học Trung Quốc 2 Cô lương: Ở một số vùng của Trung Quốc thường đọc “niang” thành “liang”, ở đay tác giả dùng “gū liáng” để chỉ “gū niáng”, có nghĩa là cô nương, cô gái. 3 Đây là một câu trích trong bài Thái Tang Tử của Tang Khí Tật do Nguyễn Chí Viễn dịch (Trích Tuyển tập từ Trung Hoa – Nhật Bản, Nguyễn Chí Viễn, NXB Văn hóa – Thông tin, 1996). Câu này có thể hiểu là ép buộc bản thân làm gì đó cho hợp với hoàn cảnh.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top