Chương 5: Lần Tìm Sự Nghiệp
Truyện: Hoa Tuyết Không Còn Nở
Tác giả: Lưu Nhã Vy
Chương 5: Lần tìm sự nghiệp
Từ ngày có em bé tiền trợ cấp cũng nhiều hơn. Khánh Nhi rất giỏi thu vén, nhưng rồi cứ phải gửi về Việt Nam, nên dành ra chẳng đáng là bao. Minh Thành cũng cố đi tìm việc làm thêm, song ở cái làng nhỏ này chỉ có thể làm vườn. Minh Thành người thành phố, anh đã bao giờ cầm cuốc xẻng đâu. Nhận việc rồi anh đào bới một hồi hỏng cả vườn của chủ nhà. Sau cùng thì chẳng ai trong làng dám gọi anh đi làm.
Cũng đã từng lên phố huyện xin làm quán, cũng đã làm thử. Chủ quán có một căn phòng nhỏ cắt ra từ phòng chứa đồ, không có lò sưởi. 12 thằng con trai xếp như cá mòi ở đó. Phòng tắm thì không có, duy nhất một phòng WC cá nhân dùng cho ngần ấy người. Buổi sáng anh em dạy dùng bình sục nước nóng đổ mì tôm ăn.
Khâu tắm thì khổ lắm. Đa số mọi người đến nhà người quen tắm nhờ. Một số ở xa đến, không có người quen thì tìm cách tắm khô ở cái bệ rửa tay trong WC nhỏ đó. Ở chật chội, điều kiện sinh hoạt lại thiếu thốn nên ngày nào cũng có anh em quạu nhau. Có lần còn suýt ẩu đả.
Chị chủ quán người Lào gốc Việt, chị lấy chồng Đức. Quán Thái này chồng chị phải thế chấp nhà để vay tiền cho chị mở quán. Quán mở đón khách từ 11:00 giờ trưa tới 01:00 giờ đêm, đôi khi khách ở tới 2:00 giờ chị cũng tiếp. Đầu bếp là một người đàn ông Thái, được chị đón từ Thái Lan sang làm theo hợp đồng. Ông đầu bếp này thì được chị đặc biệt cho ở một phòng trong nhà chị. Nên ngày nào ông cũng đi về cùng xe chị.
Quán rất đông khách, nhưng có lẽ chị bị áp lực nhà băng nên lúc nào chị cũng căng thẳng, và sự căng thẳng đó chị đổ cả lên những anh chị em tị nạn đang làm việc cho chị. Chị rất tiết kiêm lại hà khắc với công nhân, tối ngày than vãn anh em ăn ở tốn tiền điện nước của chị. Bữa ăn chị cũng nhòm ngó khó chịu, công nhân của chị chỉ được ăn những đồ bỏ của nhà hàng, đôi khi còn ôi thiu. Nhà hàng bao bữa ăn trưa, tầm 15:30h và bữa tối, tầm 2:00h. Trong nhà hàng ai cũng phải làm việc từ 10:00 sáng tới 3:00 đêm mới được nghỉ. Giờ trưa được nghỉ 30 phút. Lương bếp 500.- DM, lương bồi bàn 700.- DM, tiền khách bo không ai được nhận, chị bảo cho vào hộp có khoá để sử dụng cho nhà hàng.
Minh Thành đến xin việc. Chị chủ bảo phải hai tuần làm thử không lương. Giờ làm việc từ 10:00 giờ sáng đến 3:00 giờ đêm cũng không thích hợp cho Minh Thành về nhà. Bởi vậy Thành sẽ ngủ chung với các anh em công nhân khác trong phòng ngăn của phòng chứa đồ. Làm được hai hôm Thành dậy sớm chạy ra nhà anh Nhân cách đó vài dẫy phố. Anh chị hơi ngạc nhiên thấy Thành đến chơi sớm như vậy. Bình thường Thành có đi mua đồ rồi ghé vào thì cũng tầm trưa, chiều rồi. Hôm nay mới có 8:00 sáng đã chạy đến nhà. Anh Nhân đón Thành vào nhà, chị Hương pha Cafe mang lên cho hai người, rồi chị lại xuống bếp làm đồ ăn sáng. Anh Nhân hỏi,
- Em có chuyện mới gì à?
Minh Thành kể lại cho anh về việc xin việc và những gì anh nghe và thấy ở chỗ mấy anh em đang làm chỗ quán Thái. Anh Nhân bực mình kêu lên,
- Trời ơi! Bà chủ quán đó ai lạ gì. Từ trước tới nay có ai sống ở đây mà làm được cho bà ấy đâu. Bà ấy đang bóc lột các em đấy. Nhiều người xin việc quá nên bả làm phách. Làm gì có chuyện thử việc không lương hai tuần thế chứ. Lương thì quá thấp, điều kiện sinh hoạt thì cực khổ, làm thì quá giờ quy định. Thôi, không làm nữa! Em đợi từ từ con em cứng một chút rồi đến thành phố lớn xin việc cũng phải được 1000,-/tháng đó em. Ở đây thành phố nhỏ, nhiều người cần việc, nên họ bóc lột các em. Mà quán Tàu bên kia cũng còn trả lương cao hơn cái bà quán Thái này.
Anh Nhân bực bội vì thấy Thành bị bắt nạt. Lúc này chị Hương cũng bê lên hai tô hoành thánh cho hai anh em. Ăn xong anh Nhân bảo Thành ra quán báo nghỉ rồi mang đồ về đây, anh chị đưa về nhà. Anh chị cũng muốn đến thăm em bé của hai người. Hai đứa trẻ nhà anh chị nghe được đi thăm em bé thì mừng rỡ reo hò ầm ĩ.
Em bé được đầy tháng thì mấy người bạn cùng đoàn cũ rồng rắn ba xe ô tô sang chúc mừng. Chị Hương giúp Khánh Nhi nấu một bữa tiệc nhỏ đãi mọi người. Các bạn cùng đoàn cũ giờ làm ăn kiếm được nên tặng cho em bé toàn tiền mặt, cũng phải được cả ngàn chứ ít gì. Ăn uống vui chơi tới tầm giữa giờ chiều thì họ chuẩn bị đi về. Mấy người kéo Minh Thành ra một góc, thì thào to nhỏ rồi rủ anh quay về Đông Đức làm ăn. Ờ, nghe cũng được nhỉ! Anh thấy thế.
Bạn về rồi, Minh Thành kể lại cho vợ nghe mấy người bạn rủ rê. Rồi vội bàn với vợ,
- Em à, hay để anh về bên đó làm nhé?
- Mà cụ thể là làm gì thế hả anh? Nhà máy cũng không còn việc.
- Mọi người bên đó giờ bán thuốc lá kiếm được lắm!
Nghe nói bán thuốc lá thì Khánh Nhi hoảng sợ
- Đừng! Em nghe nói bị bắt đấy!
- Không cần sợ, vì họ chỉ thuê anh đứng canh chừng cảnh sát thôi, chứ anh không bán. Mà được trả lương 100,- DM mỗi ngày, và họ bao ăn ở luôn đấy!
Với mức lương đó thì có nằm mơ cũng không dám ở cái đất Tây Đức thời điểm này đối với những người như Minh Thành. Nếu có xin được việc phụ bếp thì cao cũng chỉ cỡ 700,- đến 800,- DM một tháng. Minh Thành biết chút ít tiếng thì sẽ được một chân bồi bàn, lương 900,- đến 1000,- DM mà thôi. Song đất chật người đông, cả cái thị trấn chỉ có một nhà hàng Tàu và một nhà hàng Thái trả lương bèo bọt. Việc thì ít, nhân sự lại thừa nên nhân viên cũ, mới kèn cựa nhau cả ngày, nhìn đã phát mệt rồi.
Suy nghĩ lại Khánh Nhi bảo,
- Ờ, thôi thì anh cứ đi thử xem. Nhưng mà không được bán hay theo xe đi lấy thuốc đâu nhé. Em sợ lắm!
- Ừ, anh biết mà! Anh biết mình còn vợ con nữa mà. Em cứ yên tâm!
- Vậy anh định bao giờ thì đi?
- Ngày mai anh đi luôn nhé?
- Gấp vậy sao?
- Ờ, bên đó họ đang cần! Hôm qua đó, mấy người bạn họ còn muốn anh theo họ về cùng luôn.
- Vậy à? Thế để em chuẩn bị đồ dùng mang theo cho anh!
Câu chuyện ngừng ở đó. Khánh Nhi lấy cái ba lô sắp đồ cho chồng. Minh Thành ôm con, ngắm con bé ngủ ngon lành. Anh thấy hạnh phúc ngọt ngào quá! Chợt chạnh lòng nghĩ phải xa nơi đây.
Sáng hôm sau hai vợ chồng dậy sớm, Khánh Nhi làm mấy ổ bánh mì và bình cafe cho anh mang theo.
Sáu giờ trời mùa đông vẫn còn tối đen thui, Minh Thành ôm chặt vợ con lần nữa rồi mở cửa bước vào màn đêm.
Đứng nhìn theo bóng lưng của chồng đeo ba lô đi khuất dần vào màn sương lạnh giá của đêm đen.
Lạnh quá! Có lẽ sắp có tuyết rơi. Cứ sau một hai ngày sương bị đóng băng là kiểu gì cũng có mưa tuyết.
Tới bến tàu đã có vài người đợi ở đó rồi. Minh Thành kéo lại cái mũ áo khoác trùm kín đầu hơn, anh hà hơi vào lòng đôi bàn tay rồi xoa xoa làm ấm. Đôi găng tay tận mười mấy DM làm anh xót ruột không mua, giờ thì lạnh quá!
Đứng chưa đầy ba phút thì tàu đến. Lên tàu Minh Thành tìm một chỗ gần lò sưởi ngồi. Hơi lò sưởi loại tàu làng này xộc mùi lên rất khó chịu, nhưng trời lạnh thế này thì vẫn còn đỡ hơn chết cóng. (Tàu làng những năm 90 còn thô sơ)
Đi tàu làng giá vé rẻ nhưng đi rất chậm và cũng đổi tàu nhiều lần. Mãi tới chiều tối anh mới trở về thành phố cũ gần biên giới Ba Lan, bên cạnh dòng sông Oder mang tính lịch sử này.
Về lại thành phố này Minh Thành vui lắm, cứ như sống lại ngày mới sang đây. Hầu như đoàn của anh còn ở lại hết. Biết Thành tới tối nay nên mấy anh em đã đi vào làng mua hai con ngan tươi từ sớm. Họ làm bữa tiệc vui vẻ đón Thành trở về. Họ ngồi kể chuyện đoàn của Thành toàn trẻ trung cả nên mọi người rủ nhau không nhận bồi thường 3000,- DM. Mà mọi người cứ liều ở lại đã, đến đâu thì đến, đằng nào thì vẫn còn trẻ, vẫn chưa biết đủ, về thì uổng lắm. Các đoàn lao động thì nhận bồi thường 3000,- DM rồi trở về nước cũng tới phân nửa rồi. Một số ở lại tự may đồ, đan lát, giao lại cho mấy anh em đi chợ bán. Thì tất nhiên cũng có lấy hàng của bọn thổ là chính. Nhà ở thì mọi người tự đi tìm căn hộ thuê để ở. Chừng cứ bốn đến tám anh chị em thuê chung nhau một căn hộ 2, 3 phòng. Mọi người vẫn thích ở quanh quẩn chung với nhau nên cứ thuê gần nhau cả, có gì chạy đi chạy lại cho tiện.
Chuyện vãn rồi cũng đến lúc mệt, lại cộng thêm rượu bia nên khi tiệc tàn mọi người mệt rũ, ai cũng tự mình bò về góc ngủ của mình. Sàn đồ ăn ngổn ngang vẫn la liệt trên những tờ báo trải làm mâm nằm giữa phòng khách.
Minh Thành thấy ghế Sofa còn trống thì đi kiếm cái chăn rồi ra đó nằm ngủ.
Tối ngủ muộn thế mà sáng hôm sau, mới 5 h mọi người đã bật dậy, vội vàng nhanh chóng choàng đủ các loại quần áo ấm đắp vào người rồi ra khỏi nhà. Mấy xe kéo nhau tới chợ cũng đã 6 h sáng. Ông chủ chợ oai về đứng đó lệnh cho từng xe về chỗ của mình một cách rất trật tự khuôn phép.
Chợ nằm giữa quảng trường thành phố sầm uất.
Năm 90 chưa có nhiều người sắm đủ dụng cụ đi chợ. Nhiều người chỉ có cái bàn gập bày ra, có thêm cái ô cụp xoè che nắng, mưa, tuyết. Nhà sang hơn có cái dù bốn góc, kiểu dù bán ở Baumarkt dành cho nhà vườn, như vậy cũng oai lắm rồi.
Trong chợ có một xe bán đồ ăn, anh chủ là phiên dịch của đoàn may, lớn hơn nhóm Thành cũng cỡ cả chục tuổi. Mọi người đều dè nể anh, coi anh như đại ca. Bởi anh rất giỏi giao tiếp, anh thân với ông chủ chợ. Tiếng nói của anh rất có thể ảnh hưởng tới chỗ của mọi người ngay đấy. Có một anh bán dưa chuột muối cũng thân thiết với anh đại ca lắm. Hai người đứng hai chỗ đẹp nhất chợ, khánh lúc nào cũng đông nườm nượp.
Nhiệm vụ của Thành là theo chị Tuyết dựng dù, sắp bàn bày quần bò, áo len, mũ, khăn vân vân và vân thứ lên đó. Xong mọi việc thì Thành đứng quan sát xung quanh cho chị. Khách đến mua đồ trên bàn hay không mua thì cũng lật lật nói vài ba câu với chị Tuyết rồi dúi vào tay chị mảnh giấy nhỏ. Cứ được vài mảnh giấy chị lại giao cho Thành. Thành mang những mảnh giấy đó ra phát cho mấy anh em của mình đang lảng vảng ngoài xa. Những anh em đó nhận giấy rồi đi ngay. Người đi lâu người đi chóng, rồi lại quay về lảng vảng ở đó như rảnh rỗi vô công mà lang thang.
Thành thật phục cái quy trình rất khéo này của chị Tuyết và nhóm bạn mình. Chị Tuyết đứng bán đồ vải chỉ là che mắt thôi, thực ra đón khách mua thuốc. Những tờ giấy khách đưa là họ đưa địa chỉ nhà và báo cho biết họ cần bao nhiêu cây thuốc. Khi nhóm bạn nhận được giấy sẽ đi lấy thuốc đang giấu cũng ngay gần đâu đó, rồi mang đến tận nhà cho khách, mới nhận tiền. Một quy trình khép kín an toàn cho cả người bán và người mua.
Ngày nào cũng vậy, việc buôn bán rất chi là thuận lợi.
Chẳng biết có phải Minh Thành có duyên không. Mà chị Tuyết và mấy quày chung quanh đều nói, từ ngày Thành tới góc này thì khách có vẻ tụ vào góc này đông hơn. Vậy là sáng nào các chị ở những quày bên cũng nhờ thành qua giúp chút việc cho cả ngày được may mắn.
Ở đây ai cũng có bằng lái xe, cả các chị chẳng biết lái cũng có bằng. Mà đúng thế, thời năm 90 ấy chỉ có các anh em biết lái xe. Chứ các chị em ngồi trên xe còn run sợ.
Thành bắt đầu hỏi các bạn về cái bằng lái. Đám bạn bảo "ở đây làm gì có bằng xịn đâu, toàn mua cả đấy, mua bằng mác VN rồi đổi qua bằng Đức"
Ồ! Chỉ có vậy thôi à?
Hôm đó Thành thức tới nửa đêm rồi chạy ra phòng điện thoại công cộng ngoài phố gọi về cho bố nhờ mua cho Thành một bằng lái xe ô tô.
Một cậu bạn tên Chiến muốn nâng đời xe nên thấy mục đích của Thành thì nhiệt tình dạy Thành học lái xe, với điều kiện sau phải mua lại xe của cậu ta.
Mất hơn chục ngày thì bố Thành cũng gửi bằng sang. Ông rất cẩn thận đã ép plastic rất cẩn thận. Song chẳng có chữ ký, dấu củ khoai cũng thiếu luôn, vậy mà bố mua mất 100,-$ dolla có khổ không. Thành vừa xót ruột vừa tức bố dại thế. Sao lại bị lừa đơn giản thế chứ?
Chiến biết chuyện cười lăn lộn. Nhưng rồi muốn bán xe nên cậu ấy cũng liên hệ giúp Thành mua một cái bằng lái hạng B2 được in ấn ở Tiệp Khắc rồi đưa qua bên này, giá có ba trăm DM
Cậu ấy xung phong chở Thành về thăm vợ con và cũng để nhận tiền luôn.
Mọi chuyện Thành đã gọi điện bàn với vợ. Gọi là bàn vì Thành yêu vợ nên cái gì cũng nói với cô, chứ thực Khánh Nhi hiền lắm, cái gì cũng nghe Thành, làm theo ý Thành cả.
Dịp này những ngày cận Noel chẳng ai muốn cho hai người đi cả. Nhưng Chiến thì muốn nhanh có xe mới, Thành lại nhớ vợ con quá chừng. Vậy là hai kẻ liều mạng, vừa tan chợ đã bí mật rời đi. Về tới nhà là nửa đêm. Khánh Nhi nấu xoong phở gà già đợi hai người.
Vào nhà, Thành đưa Chiến vào phòng khách rồi kéo vợ sang phòng ngủ ôm ghì vợ, bao nhớ nhung chất chứa ào ào rơi lên phủ kín khuôn mặt Khánh Nhi. Hôn vợ cho đã nhớ nhung, anh buông cô ra lao đến bên nôi em bé. Khánh Nhi vội ngăn anh lại,
- Anh, con còn nhỏ. Anh lại mới đi xa về, cả người bụi bẩn. Đừng bế con!
- Vậy anh ngắm con một lúc. Em sang làm gì cho bọn anh ăn đi. Cũng đói rồi!
Khánh Nhi nhìn anh đang ngắm con với ánh mắt hạnh phúc, lòng cô chợt ấm áp vô cùng. Cô nhè nhàng rời khỏi phòng. Cô vào bếp bật to bếp cho canh phở nóng hơn. Trụng lại bánh phở vào nước xôi, rồi sắp hai tô bự phở gà già cho hai người đàn ông.
Ăn xong Thành bảo vợ lấy tiền ra.
Số tiền nay Khánh Nhi đã tiết kiệm cả năm trời, ngoài tiền gửi về cho hai gia đình ở Việt Nam thì chỉ có năm ngàn DM thôi. Khánh Nhi nhờ chị Hương đứng tên sổ tiết kiệm hộ cho, để mỗi lần dành được một chút là cô lại cất vào đó cho khỏi tiêu phạm vào. Mấy hôm trước Thành gọi về nên Khánh Nhi ôm con đi buýt mang sổ tiết kiệm lên nhà chị Hương nhờ chị đi rút ra hộ. (Sổ tiết kiệm là một cuốn sổ mỏng, cho tiền vào chỉ cần đưa sổ và tiền ra là được. Nhà băng nhận tiền rồi in thêm số tiền vào sổ, không kiểm tra giấy tuỳ thân. Nhưng khi rút tiền thì lại kiểm tra giấy tuỳ thân khớp tên trên sổ mới được rút tiền.)
Khánh Nhi vào phòng ngủ cầm ra một phong bì đưa cho Thành.
Chiến nhận phong bì Thành trao, mở ra đếm thấy có bốn tờ một ngàn DM, vừa đúng đủ bốn ngàn.
Chiến bán xe cho Thành giá bốn ngàn DM
Hai người viết thêm tờ giấy thoả thuận mua bán rồi lại chuẩn bị đi.
Thành kéo vợ lần nữa vào phòng ngủ lưu luyến vợ con. Vài phút trôi qua mà sao cứ bịn rịn chẳng nỡ rời đi.
Chiến đứng ở cửa giục giã "chạy mấy trăm cây số đấy Thành ơi. 6 h tụi mình phải có mặt ở chợ rồi. Chị Tuyết mà biết, bà ấy lại cằn nhằn nhức đầu lắm."
Thành buông vợ con ra vội vã cùng Chiến lên xe. Tháng 12 trời ngập tuyết, dù có chạy cao tốc thì cũng không chạy nhanh được. Thôi, cứ xác định bị cằn nhằn vậy.
(Còn nữa)
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top