Hoa Tường Vy Vẫn Nở

1. Hồi ức tường vy đỏ.

Chị ngồi bó gối, tựa đầu vào khung cửa sổ đã ngả màu cũ kỹ, vô hồn nhìn về khoảng không phía trước, nơi có những đám mây cao lớn đang xà dần về cuối trời. Tiết trời đã vào đầu xuân nhưng dấu vết của mùa đông dài vẫn luẩn quẩn đâu đây. Lạnh lẽo và đơn độc. Hôm nay trời buồn lắm, buồn miên man, khắc khoải – một nỗi buồn vô định và khó chịu. Không gian lặng đến lạ thường, thỉnh thoảng chỉ có vài hồi xe cứu thương vang lên gấp gáp rồi lại tan nhanh như bọt biển vào khoảng lặng mênh mông.

Chiếc đồng hồ vừa điểm ba tiếng "đinh đinh đinh" báo hiệu đã đến mười một giờ trưa. Nghĩa là chỉ khoảng năm phút nữa thôi sẽ có một nhân viên điều dưỡng mặc bộ đồ trắng với hai đường kẻ sọc trên vai áo ghé vào căn phòng này. Chị vẫn ngồi tựa đầu vào khung cửa sổ mà chẳng hề quay đầu nhìn cánh cửa phòng từ từ bị người khác mở ra, tựa như tất cả những điều ấy chỉ đang diễn ra theo một quy luật định sẵn. Người điều dưỡng đặt phần cơm được bày trong chiếc đĩa hoa văn màu lam nhạt lên bàn gỗ phía cuối giường sau đó dặn dò vài câu rồi nhanh chóng rời khỏi, trả lại sự đơn độc nguyên thủy cho căn phòng. Chị lẳng lặng dùng chiếc muỗng nhỏ xúc từng ít một, nhai thật chậm cho đến khi không còn chút nào sót lại trong đĩa. Cả tháng nay chị đã quen với căn phòng trắng toát được bày trí đủ tiện nghi và quen luôn cái đơn độc đang dần ăn mòn vào tiềm thức này. Nó đơn độc đến mức chỉ có mình chị đối diện với bốn bức tường vô cảm, và những người hiếm hoi ghé vào đây đều tuân theo một lịch trình định sẵn. Chính xác đến từng phút, thậm chí là từng giây.

Cảnh vật hôm nay buồn đến u ám. Ngoài kia, người ta gọi chị là người đàn bà thứ ba, là kẻ cướp chồng người khác. Người ta nói loại phụ nữ như chị sẽ không bao giờ có được hạnh phúc bởi lẽ thứ hạnh phúc cướp từ tay kẻ khác vĩnh viễn không thuộc về mình. Rồi sau này chị sẽ phải chết dần chết mòn trong sự cô đơn quạnh quẽ nhất. Những ánh mắt cay độc miệt thị của người đời đã giết dần giết mòn khát khao yêu và được yêu của chị.

Bao năm qua chị đã sớm quen rồi với những khinh miệt đó, trái tim cũng chẳng còn cảm giác đau đớn như lúc đầu. Thử hỏi đời người có bao lâu mà phải bận tâm đến những thứ ấy. Vô vị. Tẻ nhạt. Con người ta chỉ có một lần để sống – và chỉ có duy nhất một cơ hội để sống cho bản thân.

Cũng đã từng yêu hết mình. Cũng đã từng sống cho kẻ khác. Và rồi cuối cùng còn lại gì? Chị nhận được cái gì?

Người ta bỏ chị để cưới một phụ nữ khác. Cô ta xinh đẹp, cô ta dịu dàng, tất cả mọi thứ cô ta đều hơn chị, thậm chí là hơn rất nhiều – kẻ phụ bạc đó nói. Chị khóc. Chị níu kéo. Nhưng đổi lại là cái hất tay vô tình, những câu chửi cay nghiệt. Những năm tháng lao đầu vào làm việc, bỏ bạn bỏ bè, quên cả chăm sóc bản thân là vì ai? Nước mắt vỡ òa. Chị khóc như chưa từng được khóc. Nước mắt mặn chát hòa lẫn với vết rách nơi trái tim làm thành những cơn nhức nhói đau. Chị ngất lịm giữa những vết thương chồng chất mà chẳng bao giờ có thể lành lại.

Chị tỉnh lại trong một gian phòng lạnh lẽo và trống vắng, mùi thuốc sát trùng nồng nặc xông lên tận óc. Khi trước mắt mọi thứ vẫn chưa hiện rõ ràng thì một người đàn ông cầm xấp tiền ném thẳng vào mặt chị. Còn có thể là ai ngoài người chồng khốn nạn mà trước đây chị đã từng yêu hết mình cơ chứ. Bên cạnh hắn còn có một ả đàn bà ăn mặc hở hang, trang điểm lòe loẹt, từ trong ánh mắt đã toát đầy vẻ lẳng lơ tục tĩu. Hư! Thì ra đây là người phụ nữ xinh đẹp, dịu dàng mà hắn ta nguyện vứt bỏ gia đình để đi theo sao. Chị cười khinh bỉ. Cũng đã nghĩ đến cái kết cay đắng mà hắn ta sắp gặp phải.

"Cầm số tiền này và biến khỏi nơi đây cùng đứa con hoang trong bụng của cô đi".

Câu nói của hắn ám ảnh ghê gớm, thậm chí nhiều năm về sau trong những cơn ác mộng câu nói ấy vẫn văng vẳng vang bên tai chị. Thật nực cười, vì một ả đàn bà lẳng lơ và tục tĩu hắn sẵn sàng chối bỏ đứa con chưa chào đời, thậm chí còn miệt thị nó bằng hai từ "con hoang". Chị xiết chặt hai tay vào bụng, trừng lớn mắt nhìn hai kẻ khốn nạn trước mặt mình. Những tia máu hằn đỏ trên đôi mắt, nước mắt bị ép khô không còn một giọt. Miệng vô thức lẩm bẩm hai từ "con hoang, con hoang, con hoang...". Chị cười ngây dại, chắc có lẽ lúc ấy chị đã bị hắn làm cho phát điên rồi. Đến khi bị hắn tát một cái thật mạnh chị mới mơ hồ tỉnh táo lại. Vì sao hắn tát chị ư, chị cũng không nhớ rõ lắm, chỉ nhớ mang máng một câu: "Con hoang. Ha ha ha! Rồi anh sẽ có rất nhiều con hoang".

Đứa con chưa chào đời – lẽ sống duy nhất trong cuộc đời này. Chị dẹp hết mỉa mai của người đời mà sống, mà đếm những ngày dài dằng dẵng trôi. Cũng chẳng phải dễ dàng gì, thế nhưng khi có một động lực nào đó, người ta sẽ bất chấp tất cả mà làm, ngay cả khi bản thân đau đớn tưởng chừng như sắp chết đi. Chị bắt đầu nghĩ đến những điều tươi đẹp trong tương lai, rằng trong một buổi chiều đầu hạ, dưới những giàn tường vy nhuộm đỏ sẽ có một bé gái ngồi trên chiếc xích đu nhỏ. Bé gái ấy có nụ cười tỏa nắng, đôi mắt vô ưu vô tư không vương vấn bụi đời. Bé gái ấy sẽ tên là Tường Vy, một loài hoa không quá rực rỡ nhưng có sức sống mãnh liệt đến phi thường. Rồi cuộc đời chị sẽ có những đóa tường vy đỏ bao quanh, dịu dàng sưởi ấm cho những ngày cuối đông lạnh lẽo và đơn độc.

Hai tháng sau ngày chị sinh. Hôm ấy trời buồn lắm, chẳng mưa cũng chẳng nắng. Chị sững sờ ôm đứa con trong lòng mà nghe bác sĩ thông báo con bé bị mù bẩm sinh, trái tim cũng chẳng khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác. Nước mắt bao lâu nay kìm nén bỗng chốc trực trào. Hình ảnh về bé gái dưới giàn hoa tường vy đỏ trong buổi chiều đầu hạ bỗng dưng vỡ nát. Những khát khao, những ước mơ, tất cả đã biến mất không còn chút dấu vết nào. Con của chị! Vì sao con của chị lại bị như vậy! Chị đã làm sai điều gì? Chị ôm con trong nỗi tuyệt vọng, chưa bao giờ bản thân chị bất lực đến vậy...

Người ta kể rằng vào một buổi chiều đầu hạ, tại khuôn viên bệnh viện, một phụ nữ vẻ ngoài ốm yếu ôm đứa con hai tháng tuổi cầu xin người qua lại. Đứa bé khóc thét lên từng hồi, nghe âm thanh có gì đó chua chát mà ám ảnh lắm. Có người nói rằng đó là một phụ nữ bị điên, chắc có lẽ đang phát bệnh nên mới ôm con chạy loạn khắp bệnh viện. Cũng có người nói đứa bé ấy bị mắc bệnh nan y không chữa được, người mẹ đau lòng quá nên không kiểm soát được hành vi. Cũng có người cay độc hơn nói rằng biết đâu chừng người đàn bà điên đó đã ăn cắp con của một người mẹ khác bên khoa phụ sản và khuyên mọi người nên báo công an. Cứ vậy, chẳng ai quan tâm hay thương xót cho hoàn cảnh tuyệt vọng của chị, họ hờ hững đi ngang qua, thỉnh thoảng gieo ánh mắt vô cảm hay khinh bỉ lên người chị. Tiếng khóc thét tái tê của đứa bé vô tình ám ảnh vào tiềm thức của những kẻ hờ hững đi qua. Rất nhiều năm về sau, trong những cơn ác mộng, nhiều kẻ phải giật mình tỉnh giấc vì tiếng khóc ai oán của một đứa trẻ vô danh, chẳng hiểu từ bao giờ đã hiện hữu trong giấc mơ của họ.

Một giọt nước mắt chóng chánh rơi trên khung cửa nhỏ, nóng hổi rồi rất nhanh nguội lạnh. Từng mảnh vỡ ký ức hiện lên rõ ràng như một cuốn phim không vết xước. Tưởng chừng bao năm trôi qua những mảnh vỡ ấy đã bị che đậy dưới lớp bụi thời gian và thôi không còn đâm vào tim nhức nhói nữa. Thế nhưng hôm nay mọi bất chợt thứ ùa về, nguyên vẹn và chẳng hề cũ kỹ.

Ngày đó chẳng ai biết người đàn bà bị điên ấy đã đi đâu. Có lời đồn chị ta chết ngay bên vệ đường ra ngoại ô. Lời đồn khác lại nói chị ta đã bị công an phường đưa vào trại tâm thần. Thực hư ra sao chẳng thể nào biết được bởi sự thật đã bị lu mờ dưới vỏ bọc của những lời đồn độc địa. Và có lẽ chỉ có người trong cuộc mới thấu rõ.

Làm sao chị có thể quên cảm giác ghê sợ ấy, khi người ta xem chị là một người tâm thần, nhốt chị trong một gian nhà rộng cùng với gần trăm kẻ khác. Hằng ngày, cứ đến tám giờ sáng sẽ có hai người mặc đồ trắng kéo chiếc xe nhỏ từ bên ngoài, đi qua ba gian cửa sắt để vào trong phòng. Họ bắt tất cả lột bỏ đồ ra, kiểm tra một lượt rồi dùng chiếc kềm lớn gắp từng viên gòn, chấm một thứ thuốc lỏng màu trắng đục bôi lên vết ghẻ lở. Công việc ấy được gọi là "sứt ghẻ". Đến hai giờ chiều, một vòi nước lớn kéo vào giữa phòng, cũng như thường ngày tất cả cởi đồ ra lao về phía vòi nước. Họ hăng say tắm một cách điên rồ và kỳ quặc. Chị cũng thế, hay nói đúng hơn buộc phải làm như thế. Trong trại tâm thần này sẽ chẳng tồn tại những thứ bình thường vì những thứ bình thường đều bị ép trở nên bất thường.

Ngoài hành lang dọc dài có một dãy ghế đá, tuy vẫn bị ngăn cách với thế giới bên ngoài bằng hàng rào sắt thép nhưng chí ít chỗ này có thể nhìn thấy ánh nắng mặt trời. Chị thường ngồi ở đây mỗi buổi chiều và nhìn về giàn hoa đỏ rực ở góc vườn nhỏ. Chị không chắc đó có phải hoa tường vy không bởi vì chẳng bao giờ chị có thể bước đến gần hơn để xem kỹ. Giàn hoa đỏ dưới ánh nắng buổi chiều tà càng trở nên rực rỡ. Chị đưa tay qua song cửa sắt muốn chạm vào nhành hoa nhỏ một cái thật nhẹ, thật nhẹ thôi nhưng sao với hoài không tới, cũng giống như giấc mộng về bé gái dưới giàn hoa tường vy đỏ trong buổi chiều đầu hạ ấy, có lẽ cả đời này cũng không chạm tay vào được. Chị bất lực tựa đầu vào khung cửa sắt, ê a những ca từ buồn rười rượi. Nước mắt từ từ rơi xuống. Rất nhỏ. Rất nhẹ...

"Một đêm bước chân về gác nhỏ, chợt nhớ đóa hoa Tường Vy, bàn tay ngắt hoa từ phố nọ, giờ đây đã quên vườn xưa. Một hôm, bước qua thành phố lạ, thành phố đã đi ngủ trưa, đời ta có khi tựa lá cỏ, ngồi hát ca rất tự do...". (Đêm thấy ta là thác đổ - Trịnh Công Sơn).

Cũng như lúc này, chị tựa đầu vào khung cửa sổ ê a hát những ca từ quen thuộc ấy, như một cách làm cho nỗi đau trong lòng hiện rõ hơn, không còn mơ hồ khó chịu như trước nữa. Nỗi cô đơn bủa vây tứ phía, dồn nén mọi thứ đến nghẹt thở. Có lẽ lời miệt thị, nguyền rủa của người đời đã thành sự thật rồi, chị sẽ phải chết dần chết mòn trong sự cô đơn quạnh quẽ nhất. Đối với một người bị coi là kẻ thứ ba phá vỡ hạnh phúc gia đình người khác thì có lẽ chỉ có cái kết như vậy mới khiến người ta nguôi ngoai cơn tức, hả hê bụng dạ.

Một đóa tường vy nở trái mùa được đưa vào phòng trong buổi sáng nay. Nhợt nhạt và yếu ớt. Có lẽ vì nở khác quỹ đạo với những đóa hoa khác nên được người ta nâng niu và trân trọng, nhưng thực chất cũng chỉ là sự thay thế trong khi chờ những bông hoa khác đẹp hơn, rực rỡ hơn nở vào đúng mùa mà thôi.

Ngày ấy, đóa tường vy đỏ rực được gói cẩn thận trong lớp giấy màu lấp lánh, người đàn ông đặt vào tay chị cùng một lời hẹn ước "anh sẽ giúp em đi tìm con". Lời hứa tựa như ánh sáng hắt lên trong màn đêm đen thẫm và lạnh lẽo, dấy lên tia hy vọng dù nhỏ nhoi nhưng cũng khiến chị bỏ mặc tất cả đi theo anh. Mặc kệ cái gọi là tự trọng, danh dự, mặc kệ những lời chửi bới và khinh bỉ, chị chấp nhận làm người thứ ba xen vào gia đình anh, chấp nhận làm "bồ nhí", chấp nhận làm kẻ mà trước đây chị đã từng nguyền rủa cay nghiệt.

Dường như ông trời chẳng bao giờ đối xử tốt với những kẻ đã nhẫn tâm gieo rắc cái ác. Quen anh chưa được bao lâu chị phát hiện mình mắc bệnh nặng, khả năng sống rất hiếm hoi. Anh thì bỏ chị lại trong căn phòng hạng VIP của một bệnh viện lớn bậc nhất thành phố. Anh hứa vẫn sẽ giúp chị tìm con, nhưng chuyện yêu chị thì... không thể. Vợ anh đã tha thứ cho anh tất cả, cô ấy đang mang thai và anh không thể bỏ gia đình để yêu chị. Chị cười. Thê lương lắm. Giá như ngày xưa chồng chị cũng có thể vì gia đình mà quay đầu lại thì mọi thứ đã khác. Tiếc rằng thế gian sao có thể tồn tại một chữ "giá như"...


2. Hoa tường vy vẫn nở.

Tiết trời xuân hiu hiu lạnh. Bên ngoài chỉ còn sót lại vài cành cây khẳng khiu chưa kịp đâm chồi trước khi xuân đến. Dù chỉ một ít thôi nhưng cũng đủ khiến người ta có cảm giác dấu vết đông dài vẫn chưa bị xóa hết. Con đường đá nhỏ mới hoàn thành cách đây chưa lâu. Sát mép đường được trồng nhiều khóm hoa li ti màu tím nhạt. Những chiếc ghế đá nhỏ sắp xếp ngẫu hứng dưới gốc bạch đàn già nua là nơi mọi người thường hay tập trung mỗi buổi chiều tà. Hàng trăm câu chuyện được người ta mang ra bàn tán. Rằng đêm qua có một thanh niên trẻ tuổi bị tai nạn giao thông chết ngay trên đường chuyển vào bệnh viện. Hay sáng hôm nay một bác sĩ già bị người nhà bệnh nhân đánh một cú thật đau vào giữa trán, nghe đâu máu chảy nhiều lắm. Hay một câu chuyện về tên tội phạm được công an đưa vào viện trưa nay, hắn ta xăm trổ đầy mình, hẳn là đã nhiễm con ếch nhái vào người rồi. Có bao nhiêu sự thật trong những câu chuyện ấy? Chị không biết và cũng không cần biết. Vì chính bản thân chị lúc trước cũng đã bị mang ra bàn tán và bị ép trở thành nhân vật chính trong những câu chuyện do người đời tự sáng tác.

Cuối đường là khu tâm linh và chỉ có những người tồn tại sự sợ hãi trong tiềm thức mới đến đây nhờ thần linh che trở. Khác với khu ghế đá dưới gốc bạch đàn già kia, nơi này rất yên tĩnh và thanh tịnh. Những hàng ghế đá được sắp xếp có trật tự và đầy chủ ý sao cho mỗi vị trí đều có thể nhìn thẳng đến bức tượng Đức mẹ Maria. Chị thường đến đây vào mỗi buổi chiều tà. Hôm nay đến muộn một chút nên những hàng ghế phía trên đã kín người, chỉ còn lại chiếc ghế cũ và có vài vết rạn nứt đằng sau. Chị nhắm mắt. Xung quanh là một màu đen thẫm bao trùm. Đó là lúc nỗi sợ hãi hiện lên rõ ràng và chân thực nhất. Chỉ có lúc này – và duy nhất lúc này chị mới có đủ can đảm đối diện với nỗi sợ ấy. Hình ảnh bé gái dưới giàn hoa tường vy hiện lên rõ ràng trước mắt chị. Dồn dập như sóng biển thét gào và sắc bén tựa như một mũi dao nhọn hoắt đâm vào trái tim chồng chất sẹo. Văng vẳng trong gió chiều có tiếng cười đùa tinh nghịch, chân thực đến khó tả. Một cái chạm tay nhẹ nhàng, ấm áp lạ thường. Chị cứ ngỡ rằng đó là ảo giác tự ru mình trong cơn mộng mị.

Chị mở mắt nhìn bàn tay nhỏ xíu đang bám lấy khuỷu tay mình. Bàn tay nhỏ nhắn với những ngón tay ngắn tũn và mập mạp. Cô bé mặc bộ pijama cỡ nhỏ màu hồng nhạt vẫn tiếp tục lay lay khuỷu tay chị, cái miệng chu lên nũng nịu.

- Cô ơi, cô giúp con nhặt cành hoa lên được không ạ.

Chi chợt nhìn về chân ghế, một đóa tường vy đỏ nhạt bị rơi trên thảm cỏ xanh rờn. Chị đưa tay nhặt cành hoa lên rồi đặt vào trong tay bé.

- Hoa của con đây, đừng làm phiền cô cầu nguyện nữa nhé.

Đứa bé cầm cành hoa rồi reo lên vui sướng. Tuy ánh mắt vẫn mờ đục nhưng khuôn mặt lại toát ra thứ ánh sáng làm người ta không thể rời mắt.

- A! vậy là con đoán đúng rồi, cô là một phụ nữ.

- Con...

Chị thốt lên bất ngờ. Cái cách biểu cảm đặc biệt đáng yêu ấy đến bây giờ chị mới chú ý, thế nhưng không hiểu vì sao bé lại phải đoán chị là phụ nữ. Chẳng lẽ mới chỉ một tháng căn bệnh này đã khiến chị từ một người phụ nữ biến thành hình dáng đàn ông rồi sao? Chị cười, cất giọng nhẹ nhàng, nửa như trách móc nửa như đùa.

- Chẳng lẽ cô nhìn giống đàn ông lắm sao?

Đứa bé chu miệng, tay cầm đóa tường vy khua trước mặt chị.

- Không phải đâu ạ, vì con từ nhỏ không nhìn thấy gì nên không biết cô là đàn ông hay phụ nữ. Nhưng vừa rồi nghe giọng cô là con biết ngay cô là phụ nữ.

Chị sững sờ. Một đứa bé bị mù bẩm sinh. Chỉ cần như vậy thôi đã khiến những hồi ức về đứa con tội nghiệp của chị ùa về. Nước mắt bỗng dưng rớt xuống, từng giọt từng giọt lăn dài trên gò má gầy hao. Có cái gì đó nghèn nghẹn ở cổ họng làm cho những ngôn từ phát ra một cách khó khăn.

- Con... con bao nhiêu tuổi rồi?

- Dạ, năm nay con sáu tuổi.

Sáu tuổi. Nếu con chị còn sống năm nay cũng sẽ sáu tuổi. Chắc chắn con bé khi lớn lên cũng đáng yêu và hồn nhiên như vậy. Chị khẽ quay đầu nhìn về bức tượng Đức mẹ Maria thiêng liêng và nguyện rằng có thể gặp lại con dù chỉ một lần, ngay giờ khắc này. Ước gì con chị cũng giống đứa bé này hồn nhiên mà cầm lấy bàn tay chị. Lúc ấy chị sẽ ôm bé vào lòng, khóc nức nở một trận cho thỏa những đớn đau đã giằng xéo trong tâm trí bao nhiêu năm nay.

- Cô ơi, cô đừng khóc. Mẹ con nói Đức mẹ sẽ chở che cho tất cả mọi người. Chắc chắn Đức mẹ sẽ phù hộ cho cô.

Đứa bé đưa bàn tay lần lên mặt chị, vì đôi mắt không nhìn thấy nên rất khó khăn bé mới đưa được bàn tay nhỏ nhắn của mình lên má, lau đi những giọt nước mắt nóng hổi vừa rơi xuống. Lau xong, bé thở phào nhẹ nhõm, biểu tình như một bà cụ non từng trải.

- Phù... Cũng may cô hết khóc rồi, nếu không Đức mẹ sẽ tưởng con bắt nạt cô.

Chị cười mỉm, nụ cười có gì đó chua chát mà nghẹn đắng.

- Con rất ngoan. Đức mẹ sẽ phù hộ cho con. Cô vừa cầu nguyện sẽ có một đứa con đáng yêu như con vậy.

- Mẹ nói, chỉ cần làm điều tốt và thành tâm cầu nguyện thì mọi nguyện ước sẽ thành sự thật. Cô giúp con nhặt cành hoa này vì thế cô là người tốt. Con tặng lại cô cành hoa này nên con cũng là người tốt. Hi hi. Cô và con đều là người tốt vì vậy ước nguyện của cô và con đều thành hiện thực.

- Con cầu nguyện điều gì?

- Con nguyện sẽ nhìn thấy mọi thứ xung quanh.

Chị cầm cành hoa trong tay, mắt đỏ nhòe. Chị không dám khóc lớn vì sẽ làm đứa trẻ này lo lắng. Chẳng biết từ khi nào chị thấy nhẹ nhõm hẳn. Ngay cả khi mẹ của bé đến dẫn bé đi thì chị cũng chỉ mỉm cười mà không hề gặng hỏi bất kỳ thông tin nào của cô bé. Đó là một nụ cười an yên mà từ trước đến nay chưa bao giờ chị có được. Có thể cô bé là đứa con thất lạc bao năm chị tìm kiếm, cũng có thể chỉ là đứa trẻ Thượng đế mang xuống để an ủi chị trong lúc tuyệt vọng.

Đêm nay chị ngồi rất lâu, rất lâu ngắm nhìn Đức mẹ Maria linh thiêng. Đem hết nỗi lòng bộc bạch cùng Người, đó cũng là cách duy nhất chị có thể làm để vơi bớt đi những nỗi đau giằng xéo trong lòng. Chị cảm giác mình sắp đi về một nơi xa xôi nhưng rất thanh bình. Ở đó sẽ không có những ưu thương phiền muộn, nơi mà con người được tự do bay vút lên trời xanh như những thiên thần có cánh.

Trước ngày mổ, người ta nhìn thấy chị ngồi chờ đợi trước cửa một gian phòng nhỏ ở lầu hai của bệnh viện. Dường như chị sắp sửa làm điều gì đó rất quan trọng nhưng bản thân lại chưa đủ dũng khí để làm. Có lẽ chị đang cần một động lực nào đó để dứt khoát bước vào trong. Và cuối cùng chị đã làm được. Chẳng ai biết chị đã vào đó làm gì, gặp ai, hay đại loại là chuyện gì đã xảy ra sau đó. Chỉ biết rằng khi bước ra khỏi căn phòng ấy người ta thấy chị cầm trên tay một tấm thẻ nhỏ, nhìn nó và mỉm cười mãn nguyện.

Ngày chị mổ. Hôm nay bầu trời bỗng trong xanh đến lạ. Những đám mây cao lớn trên bầu trời biến mất hút sau cánh chim trời. Chị nằm trên băng ca nhỏ, mặc một bộ đồ xanh lục đậm chờ đợi người ta đẩy ra khỏi căn phòng đơn độc ấy để đến phòng mổ - nơi mà chị sẽ phải một mình đấu tranh với tử thần. Hành trình đến nơi ấy cô độc lắm, chẳng có ai đến tiễn đưa hay buồn thương cho chị cả. Chị nhắm mắt lắng nghe những âm thanh từ cuộc sống bên ngoài. Đâu đó có tiếng hót líu lo của chú chim non vừa sải cánh, hay tiếng mọi người nói chuyện râm ran kể cho người khác nghe về cuộc đời mình. Thậm chí có cả những tiếng khóc thương mà người ta dành cho nhau trước giờ ly biệt. Nhưng chẳng có thanh âm nào dành cho chị cả. Chị thở dài, có thể sẽ là lần bất lực thở dài cuối cùng trong cuộc đời này. Chị không buồn, chỉ cảm thấy lòng nhẹ tênh như bong bóng mùa hè.

Vị bác sĩ già nua có gương mặt phúc hậu nhìn chị và cười, như thể đó là thông lệ giúp bệnh nhân an tâm hơn trước khi vào cuộc mổ. Chị liếc nhìn thế giới bé xíu được gói gọn trong căn phòng nhỏ này, có khoảng chừng mười người mặc đồ lục đậm giống chị đang hiện diện, không hề đơn độc chút nào và có thể xem như họ là những người hiếm hoi tiễn đưa chị đến hành trình giữa sự sống và cái chết.

Trước khi vị bác sĩ chính thông báo cuộc mổ bắt đầu, chị nhẹ nhàng rút chiếc thẻ nhỏ được giấu kín trong tay áo ra và đưa cho ông ấy. Mặc dù hơi bất ngờ với việc làm của chị nhưng ông vẫn nhận nó một cách nâng niu và đầy kính trọng. Chiếc thẻ nhỏ với dòng chữ khiến người ta phải trang nghiêm cúi đầu: "Tôi đã đăng ký hiến tặng mô, tạng. Tôi đồng ý hiến tặng mô, tạng của tôi sau khi chết/chết não mà không kèm theo bất cứ điều kiện nào".

Vị bác sĩ già và toàn thể ekip đồng loạt cúi đầu như thể đang bày tỏ sự tôn trọng và lòng cảm ơn sâu sắc trước một việc làm cao cả. Chị cười. Cười mãn nguyện và an yên. Có lẽ trong suốt cuộc đời này chưa bao giờ chị được người ta tôn trọng đến vậy. Chị từng là phụ nữ bị bỏ rơi, từng bị đưa vào trại tâm thần, từng bị phỉ báng vì là kẻ phá hoại gia đình người khác thế nhưng giờ đây người ta cúi đầu và dành cho chị sự tôn trọng. Nước mắt khẽ rơi một giọt. Nhẹ nhõm quá rồi... Chị nghe đâu đó có tiếng chim hót líu lo, tiếng dòng sông êm đềm chảy qua sườn núi nhỏ. Trước mắt chị là một thảo nguyên mênh mông xanh mát, có nắng, có gió và có cả những bông hoa bìm bìm tím. Bên kia đồi, căn nhà nhỏ với cánh cổng gỗ đã cũ kỹ, giàn hoa tường vy nở rộ uốn lượn quanh từng khúc gỗ, tán lá xòa ra ôm trọn lấy khung cửa sổ, vẫn đỏ rực và tràn đầy sức sống như trong những giấc mộng chị từng mơ về. Đứa bé gái ngồi trên chiếc xích đu dưới giàn hoa tường vy trong một buổi chiều đầu hạ. Bé gái ấy có nụ cười tỏa nắng, đôi mắt vô ưu vô tư không vương vấn bụi đời. Chị ôm bé vào lòng và hát ê a những khúc ca dịu ngọt.

"Mẹ thương con có hay chăng, thương từ khi thai nghén trong lòng, mấy nắng sớm chiều mưa ròng, chín tháng so chín năm gian khó biết khôn cùng, à ru hời ơ hời ru...". (Mẹ yêu con – Nguyễn Văn Tý).

.......................Hết.......................


Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top