hoa tường vy mùa hạ 5
Chương 40
Tôi bắt đầu đi học lại bình thường. Có nghĩa là thay vì chỉ đến lớp và nằm ngủ, tôi chú ý vào bài giảng, ghi chép đầy đủ và làm bài tập về nhà như trước đây. Tôi lấy chiếc lọ đựng rất nhiều con hạc giấy nhỏ trong ngăn bàn ra và nhìn không chớp mắt. Nó đã ở trong ngăn bàn của tôi được mấy ngày rồi, tôi tưởng lớp buổi chiều để quên và cứ mặc kệ chuyện đó. Nhưng nhiều ngày trôi qua, chiếc lọ vẫn chưa biến mất, dù cho đội trực nhật vẫn luôn dọn dẹp những cái hộc bàn. Cứ như nó vô hình với tất cả mọi người và chỉ hiện diện trước mặt tôi vậy. Xoay những cánh hạc giữa hai lòng bàn tay, tôi nhìn thấy một mẩu giấy nhỏ được cuộn lại và buộc cẩn thận trên cổ chiếc lọ, bằng một sợi dây kim tuyến mảnh màu vàng.
"Gửi Thiên,
Nghe nói khi có đủ 1000 con hạc giấy
thì điều ước sẽ thành sự thật.
Sớm vui vẻ lại nhé!"
Một tuần sau đêm sinh nhật, tôi cùng ba sang nhà bà nội để dọn dẹp lại cái sân. Đường xá ở khu đó chuẩn bị mở rộng nên mỗi nhà đều phải thụt vào một ít. Phần đất quy hoạch vượt qua gốc cây khế, và chúng tôi phải chặt nó đi. Từng nhánh cây rơi xuống, rồi cả thân cây nằm rạp giữa khoảng sân, để lộ ra từng vòng tròn nhỏ trên cái gốc trơ trọi ấy. Tôi ngồi trên một tảng đá, ăn những quả khế cuối cùng của cái cây và nhìn mọi thứ trước mắt. Lại một phần ký ức trong tôi lại bị xóa đi. Nắng hoàng hôn chạm vào gương mặt, tôi hơi nheo mắt lại nhìn vầng mặt trời, đỏ ngầu như con ngươi của vũ trụ, và vũ trụ cũng đang nhìn tôi, một hạt bụi bé nhỏ của thế giới này. Đối với tôi, bình minh và hoàng hôn là những khoảnh khắc đẹp đẽ nhất trong cuộc đời này, nhưng cả hai đều đã không còn như trước nữa rồi.
Một cơn gió nhẹ lướt qua, ném một hạt bụi khác vào trong đôi mắt đang chăm chú của tôi, sau đó lại vội vàng chạy theo những đám mây ở phía cuối chân trời. Tôi dụi nhẹ trên mi mắt, lấy trong túi áo ra một tấm ảnh cũ. Tôi nhìn kỹ những chi tiết đã bị bong tróc đi ít nhiều trên lớp giấy ảnh, chồng lên đó những đường nét đã rất nhạt màu trong ký ức của mình. Trong đầu tôi hiện lên một nụ cười hồn nhiên, và tôi cười lại với đứa nhóc ấy. Một mùa hè nữa sắp đến, và cái cảm giác không trọn vẹn đã bắt đầu xuất hiện trở lại, trong từng hơi thở của tôi.
Tôi chợt thấy con Thy đi ngang qua trước mắt, và nó cũng thấy tôi.
- Thiên - Nó dừng lại bên hàng rào và gọi.
- Có chuyện gì vậy? - Tôi đứng dậy và hỏi.
- Nhà Thiên ở đây à?
- Không phải - Tôi nói - Là nhà bà nội mình.
- Mình vào một chút được không?
Tôi mở cổng cho con Thy và ngồi xuống bên cạnh cái gốc cây.
- Bà nội Thiên có nhà không? - Nó chỉ vào trong nhà.
- Không, - Tôi khều một trái khế trong đám cành lá ngổn ngang trên mặt đất và nói - Bà mình mất lâu rồi.
- Xin lỗi. - Nó cũng hái một trái khế rồi ngồi xuống bên cạnh tôi, đếm từng vòng tuổi của cái gốc cây tội nghiệp.
- Có gì đâu mà phải xin lỗi, - Tôi cắn hết nửa trái khế, nhai ngấu nghiến và nhìn nó - Ăn đi, ngon lắm đó.
- Ừ, - Nó gật đầu, cắn một miếng nhỏ trên trái khế - Ngon thật.
- Đây là một trong những thứ mình thích nhất - Tôi nhìn nửa trái khế còn lại trong tay và nói - Tiếc là sau này không còn ăn được nữa. Lúc nhỏ, ngày nào mình cũng trèo lên cây khế ngồi, nhiều lúc ngủ quên trên cây luôn. - Tôi cười nhạt - Giờ thì nó chỉ còn là một cái gốc trơ trọi, mà ngày mai cũng sẽ bị mình đào lên.
- Thiên có thể trồng lại một cái cây khác mà.
- Mình không biết nữa, cái đó phải hỏi ba mình, nếu muốn trồng thì phải có người chăm sóc mới được, mấy cây con dễ chết lắm.
- Ừ, - Nó lại cắn một miếng khế nữa - Mình cũng không biết nhiều về mấy cái cây.
- Mình cũng không biết nhiều, chỉ thỉnh thoảng nghe ba nói về cách chăm sóc chúng, trong những lúc ông say, còn lúc tỉnh thì ông lại chẳng nói được gì. - tôi đưa cho nó chai nước và nói - Thy uống nước không?
- Cảm ơn.
Nó cầm lấy chai nước rồi ngửa đầu uống một ngụm, sau đó hướng ánh mắt vào tay tôi:
- Cho mình xem được không?
Tôi đưa cho nó bức ảnh trên tay mình và nhận lại chai nước.
- Cái này của Thiên à? - Con Thy hỏi.
- Không - Tôi nốc một ngụm nước - Của một đứa bạn lúc nhỏ tặng mình. Lâu rồi mình cũng không gặp lại nó nữa.
- Thiên có vẻ quý bức ảnh này nhỉ - Nó đưa lại cho tôi và nói - Lâu như vậy rồi mà vẫn còn giữ lại.
- Thực ra thì mình vứt nó trong xó hơn chục năm rồi, - Tôi nhét bức ảnh vào túi áo - Sáng nay dọn dẹp đống quần áo hồi nhỏ còn sót lại trong tủ của bà nội mới thấy.
- Ra vậy. - Con Thy mỉm cười rồi vén mái tóc phủ trên trán qua một bên - Thiên không nhớ mình sao? Chúng mình đã gặp nhau từ trước khi học chung lớp với nhau rồi.
Trong khoảnh khắc, tôi thấy có chút quen thuộc nơi gương mặt ấy, nhưng lại không nhớ rõ là gì.
- Bốn năm trước Thiên bị một tai nạn rất nặng đúng không?
- Sao Thy biết?
- Mình là đứa con gái đó mà.
- À, hèn chi, nhìn Thy cứ quen quen mà lại không nhớ đã gặp ở đâu.
- Hôm đó trời cũng tối mà.
- Đúng là tối thật, mà Thy làm gì ở đó thế?
- Mình không nhớ nữa - Nó ngẩng lên, hít sâu một hơi rồi lại cúi xuống nhìn cái gốc cây - Hôm đó mình với ba mình cãi nhau, rồi ông đánh mình một cái đau điếng. Đó là lần đầu tiên mình bị ba đánh, mình buồn lắm, vừa khóc vừa chạy ra đường, rồi cứ thế bước đi. Mình đã thấy chiếc xe đó, nhưng mình không biết có nên tránh không, và trong lúc suy nghĩ thì nó đã tới rất gần rồi. May mà Thiên ở gần đó. Mình có đến bệnh viện thăm Thiên mấy lần, nhưng lúc đó Thiên vẫn chưa tỉnh. Mình định đợi Thiên tỉnh lại để cảm ơn, nhưng ông nội mình mất, mình phải theo ba vào Đồng Nai để chịu tang ông và ở lại đó suốt cả mùa hè.
- Sao Thy không nói sớm hơn, biết đâu..
- Không cần đâu - Nó ngắt lời tôi - Mình nghĩ có nói ra hay không thì cũng không được gì.
- Đúng là không cần thật. - Tôi khều một trái khế, chùi vào tay áo rồi đưa cho nó, rồi cũng lấy một trái khác cho mình - Vậy sao giờ Thy lại nói?
Trông thấy điệu bộ của tôi, nó khẽ cười rồi nhìn về phía hoàng hôn:
- Bây giờ khác.
- Ừ. - Tôi gật đầu, cũng không hỏi thêm nữa.
- Xin lỗi về mùa hè năm ấy nhé.
- Có gì đâu, chuyện nên làm mà.
- Cảm ơn.
Chúng tôi ngồi ăn những trái khế với nhau. Cho tới khi chỉ còn lại một tia nắng cuối cùng của ngày dài, con Thy từ biệt tôi rồi ra về. Trước khi đi, nó nhìn tôi và nở một nụ cười như muốn thắp lên lại ánh sáng nơi cuối chân trời ấy, rồi biến mất dưới bóng chiều hoàng hôn, để lại tôi đứng đó với những nỗi suy tư của mình.
Những ngày thi sắp đến, nhưng tôi lại ít khi ở nhà để ôn tập. Chẳng biết từ khi nào mà xóm tôi lại nhiều con nít đến thế, và chúng làm ồn suốt ngày. Hai vách tường chỉ cách nhau có hai bước chân của con hẻm nhỏ, giống như một hệ thống cộng hưởng làm cho tiếng nô đùa của bọn trẻ càng to hơn. Nhưng đó chưa phải là tất cả. Đứa con gái lớn của anh Nhân đã vào lớp Một, nó cũng học ngôi trường Tiểu Học trước đây của tôi, thế là anh ấy gửi nó sang ở nhà bà nội cho tiện. Ban đầu thì anh Hai tôi gửi nó vào buổi sáng, rồi đến đón về vào buổi chiều. Nhưng sau đó, con bé nói thích ở nhà bà nội hơn vì ở đây có nhiều bạn. Kết quả là nó ở nhà tôi cả tuần và chỉ được đón về vào Chủ Nhật. Con bé rất thương bà nội nó, đi học về là lại kể chuyện trên lớp cho bà nghe, học được bài hát mới cũng hát cho bà, hay có cây kẹo ngon cũng mời bà ăn trước. Không biết nó học ở đâu mấy chiêu nịnh nọt này hòng xin bà mua kem cho nó, nhưng cả nhà ai cũng vui vẻ. Đã lâu lắm rồi trong nhà mới lại có tiếng cười đùa của con nít như vậy.
Tuy nhiên, cái miệng líu lo của con bé làm tôi không thể nào tập trung học bài được. Nó cứ chạy theo tôi hỏi hết cái này đến cái kia, khi thì bắt tôi giải bài tập, lúc thì nhờ tôi gọt trái cây, khi thì lại đòi mở hoạt hình cho nó xem. Có lần, mấy chị trong xóm nói cho con bé biết tên ở nhà của tôi là Bo, và tôi sẽ thích nếu được gọi như vậy. Thế là ngày nào tôi cũng phải nghe cái giọng léo nhéo của nó gọi chú Bo thế này, chú Bo thế nọ đến đau cả đầu. Có lần, tôi gắt gỏng với nó vì đang học mà cứ bị làm phiền. Đôi mắt của nó cứ thế mở to nhìn tôi, tròn xoe và ngân ngấn nước làm tôi mủi lòng, nhưng tôi cũng mặc kệ và đuổi nó đi. Lúc nghe được mấy chị giải thích rằng: "Chú Bo" nói lái lại là "chó bu" rồi cười ngặt nghẽo, nó đến xin lỗi tôi và không bao giờ gọi như vậy nữa. Nó cứ tưởng tôi giận vì chuyện tên gọi.
Thật may mắn là tôi không phải làm công việc trông trẻ này quá lâu. Ba tôi trở về nhà và thay tôi làm điều đó. Đất rẫy nhà tôi ông đã cho thuê gần hết, chỉ để lại mấy cây xoài nên cũng không có nhiều việc để làm. Dù sao thì ông cũng đã có tuổi, mà công việc của ông thì chẳng phải nhẹ nhàng gì. Tôi giao con bé lại cho ông nội nó, thu gom sách vở rồi chạy ra chỗ con Maxi để học bài.
Tôi lấy một cái giẻ lau lau sơ qua bậc thềm chỗ con chó đang nằm rồi lấy tờ đề cương và cuốn vở bài tập ra. Con Maxi thấy tôi nghiêm túc như vậy cũng trở nên ngoan ngoãn. Nó nằm im nhìn tôi học bài, đôi lúc lại ngáp ngắn ngáp dài một cái.
Chương 41
Mặc dù ở bên cạnh một con đường rộng rãi nhưng nơi đây không quá ồn ào, chỉ có vài chiếc xe máy chạy qua chạy lại dưới lòng đường. Thỉnh thoảng, khi gặp một bài khó, tôi lại đưa tay gãi đầu con Maxi hoặc nhìn ra con đường phía sau lưng mình, điều đó giúp tâm trí tôi trở nên thông suốt hơn. Tôi dắt một đứa bé qua đường và giúp một bà lão đẩy chiếc xe hàng cồng kềnh đi một đoạn. Khi quay lại với cái ô đáp số còn bỏ trống, bất chợt tôi lại tìm ra được lời giải mình đang tìm. Hóa ra, tôi không cần phải quá chú tâm vào một bài toán như tôi vẫn từng làm để giải đáp được nó. Tôi đã hỏi câu "tại sao" quá nhiều lần mà không hề biết rằng mình đã có câu trả lời từ lâu, chỉ là tôi không chịu chấp nhận được câu trả lời đó của mình mà thôi.
Năm học kết thúc, điểm số của tôi chỉ ở mức trên trung bình. Chẳng có gì bất ngờ vì tôi đã tự bỏ mình lại phía sau tận vài tháng. Cô chủ nhiệm có vẻ thất vọng về tôi, nhưng tôi chẳng cần phải quan tâm người khác nghĩ gì, nhất là những người không hiểu rõ mọi chuyện mà tôi đã trải qua. Một ngày nào đó, tôi sẽ trở lại, vì chính bản thân mình chứ không phải vì bất kỳ ai khác, và cũng vì một lời hứa dưới cơn mưa.
Lễ tổng kết năm học chẳng có gì đặc sắc. Tôi thấy mọi thứ giống như một đống màu mè được đổ thêm vào bức tranh cầu vồng vốn đã hoàn mỹ. Khi những tràng vỗ tay tán thưởng cho tiết mục văn nghệ đầu tiên vang lên, tôi đã rời đi. Lớp tôi sẽ chụp một bộ ảnh kỷ yếu sau khi buổi lễ kết thúc, nhưng tôi mặc kệ. Có một người rất quan trọng với tôi không thể xuất hiện ở đó, còn tôi thì không muốn đứng trong những bức ảnh một mình.
Tôi lững thững đi tìm con Maxi, và trước mắt tôi là một khung cảnh không thể nào tin nổi. Mái tóc xõa ngang lưng, những đường cong mềm mại mà tôi vẫn còn nhớ như in, ẩn hiện sau lớp áo dài trắng tưởng như vô hình. "Là nó" - tôi nói thầm. Nhìn bóng lưng quen thuộc đang ôm lấy con chó vui đùa, tôi mỉm cười sung sướng. Tôi lao tới và gọi cái tên mình vẫn hằng mong nhớ, tiếng gọi từ sâu thẳm trong tâm hồn. Nhưng khi bờ vai ấy run lên, những rung động rất khẽ khàng và lạ lùng, rồi gương mặt ấy quay lại, tôi mới biết rằng không phải. Là con Thy, nhìn từ sau lưng, trông nó y hệt như người con gái mà tôi vẫn hằng mong nhớ. Hã𝓎 𝑡ìm đọc 𝑡ra𝓷g chí𝓷h ở ( T RÙMTRUYỆN﹒V𝓷 )
- Thiên? - Con Thy ngạc nhiên nhìn tôi.
- Xin lỗi, mình nhìn nhầm người. - Tôi nuốt ngược nụ cười vào trong và nói.
- Không sao, - Nó nở một nụ cười hiền hòa - Happy có vẻ thân thiết với Thiên nhỉ.
- Happy? - Tôi nhắc lại cái tên ấy và nhìn con chó đang lúc lắc vẫy đuôi với mình.
- Ừ, - Nó vuốt ve bộ lông của con chó - Mình thấy nó nằm ở đây có một mình, chắc là bị bỏ rơi, nhưng nó lại không chịu đi khỏi đây nửa bước.
- Ừ, chắc nó bị bỏ rơi thật - Tôi nói với con Thy, rồi gọi con chó - Happy.
Tôi nhớ về bà lão đã kể cho tôi nghe về con chó, có lẽ bà ấy đã đúng khi không cho tôi biết tên nó. Một cái tên mới, không có nghĩa là nó đã quên đi người cũ, nhưng nó cần có một cái tên mới để sống vui vẻ hơn. Và giờ nó lại có thêm một cái tên mới nữa: Happy, có nghĩa là hạnh phúc. Nó sủa hai tiếng rồi nhảy cẫng lên, tỏ vẻ rất thích thú.
- Lạ nhỉ, khó lắm mình mới làm quen được nó - Con Thy xoa lấy đám lông trên cổ con chó và cười.
- Chắc mình với nó có duyên. - Tôi nói.
- Thế Thiên có nghĩ chúng mình cũng có duyên không? - Con Thy nhìn tôi và đột nhiên hỏi.
- Cũng có thể. - Tôi ngồi xuống và xoa lấy đầu con chó.
- Thiên này, - Nó ngập ngừng nói - Có một chuyện mình muốn nói với Thiên..
- Gì thế?
- Mình sợ khi phải nói ra điều này, nhưng nếu bây giờ không nói ra, sợ là sau này không còn cơ hội nữa.. - Nó nhìn tôi, rồi lại ngượng ngùng cúi xuống nhìn con chó, và nói giống như con nít đang tập đọc chữ - Mình, mình thích Thiên.
Tôi nhìn nó một lúc lâu, lấy trong cặp ra một chiếc lọ đựng rất nhiều con hạc giấy và hỏi:
- Cái này của Thy à?
Nó gật đầu.
- Chuyện hôm cắm trại, - Tôi xoay chiếc lọ trong lòng bàn tay - Chỗ cây trứng cá ấy, cũng là Thy giúp mình đúng không?
Nó nhìn tôi suy nghĩ một lát rồi gật đầu lần nữa.
- Xin lỗi.. - Tôi đặt chiếc lọ vào tay nó. Điều ước của tôi sẽ không thể nào thành hiện thực được, tôi nên trả lại thì tốt hơn.
Nó cúi xuống nhìn chiếc lọ và cứ thế im lặng một lúc lâu. Rồi nó ngẩng lên, nhìn tôi bằng đôi mắt long lanh và ngân ngấn nước.
- Mình sẽ đợi, mình không bắt Thiên phải quên đi bất kỳ điều gì, chỉ cần Thiên có thể mở lòng và cho mình một chỗ trống trong trái tim là đủ rồi.
Nói xong, nó chạy đi, tà áo trắng tung bay trong tiếng nhạc và tiếng vỗ tay từ nơi đâu vọng lại. Tôi nhìn theo bóng lưng của nó và thở dài, ôm lấy đầu con chó.
- Happy! - Tôi gọi con chó bằng cái tên mới lần nữa. Từ lúc ấy, nó sẽ tên là Happy.
Chỉ còn hai tháng là đến kỳ thi Đại Học, thời gian của tôi không còn nhiều nên phải dành hết cho việc ôn tập. Việc đem sách vở ra chỗ con Happy để học đã trở thành một thói quen và ngày nào tôi cũng đến đó. Thỉnh thoảng, tôi lại bắt gặp con Thy đang ngồi với con chó. Chúng tôi không nhắc lại chuyện cũ nữa mà nói với nhau về các bài tập và những ngôi trường Đại Học. Con Thy nói sẽ theo học ngành thiết kế thời trang, bởi đó là sở thích từ nhỏ của nó. Còn tôi thì sẽ thi ngành nông nghiệp, vì tôi chẳng biết mình thích gì nữa. Tôi thấy cuộc sống như ba tôi cũng tốt, tuy giản dị nhưng bình yên, hạnh phúc, vậy là đủ.
Ngày thi đến gần, tôi khăn gói lên đường vào Sài Gòn. Nhìn qua ô cửa sổ của chiếc xe, ánh mắt đầy hi vọng của ba vẫn không ngừng dõi theo tôi. Ở đó, tôi còn thấy cả sự tin tưởng của mẹ nữa. Thức cả đêm trên chuyến xe ấy, nhìn những ngọn đèn đường đứng lẻ loi giữa bóng tối, tôi cảm thấy chẳng có gì phải tiếc nuối cả. Những điều tuyệt vời nhất đã đến, tôi hạnh phúc vì đã được sống, và sẽ tiếp tục sống. Tôi không cần phải quên đi bất cứ điều gì, vì một người sẽ không bao giờ chết nếu như vẫn còn sống trong trái tim mình. Nếu như có thiên đàng, tôi sẽ gặp em ở đó và vui vẻ nói rằng tôi đã thực hiện được lời hứa của mình.
Chị Nhã đón tôi ở bến xe rồi đưa tôi về phòng trọ của chị. Căn phòng trông vẫn còn rất mới, với nền được lát gạch bông trắng, bốn bức tường cũng được sơn màu trắng mịn màng. Bên cạnh cửa sổ là một chiếc bàn, ở trên là một chậu cây lưỡi hổ nhỏ, có những viên sỏi màu trắng để che đi lớp đất bên trong. Đứng bên cửa sổ, có thể nhìn ra khoảng đất trống mọc đầy cỏ dại bên cạnh, giữa màu xanh của đám cỏ là một cây hoa phượng đỏ rực cả góc trời. Thỉnh thoảng, một cơn gió lại ngang qua, đem theo hương cỏ nồng nàn vào căn phòng.
Chị Nhã ở cùng với hai người bạn nữa, nhưng cả hai đều đang đi du lịch nên không có ai ở nhà. Tôi ôn lại một số bài học trong khi chị chuẩn bị bữa trưa. Chốc chốc, chúng tôi lại nói chuyện với nhau. Chị hỏi về việc ôn tập của tôi như thế nào và chỉ cho tôi chút kinh nghiệm làm bài thi mà chị từng trải qua. Chị cũng hỏi tôi về nhiều chuyện khác nữa ở nhà, về ba mẹ và về đứa cháu gái nhiều chuyện. Chúng tôi cố gắng không nhắc về cái tên ấy, điều đó khiến cho câu chuyện có phần lủng củng và tẻ nhạt. Ba chúng tôi giống như một con đường, và khi một người trong đó biến mất, con đường xuất hiện đầy rẫy những ổ gà.
Sau bữa trưa, tôi cùng chị sang nhà một người họ hàng xa để ở nhờ vài hôm, vì nơi đó gần địa điểm thi hơn nhiều. Cô ấy đón tiếp tôi rất niềm nở và kể chuyện gặp tôi khi tôi còn bé tí. Nhưng tôi chẳng có chút ấn tượng nào về chuyện đó nên chỉ cười cho qua. Đêm hôm ấy, mặc dù có chút lạ lẫm nhưng tôi vẫn ngủ được, có lẽ vì tôi đã không ngủ trong suốt cả chuyến đi.
Kỳ thi của tôi kéo dài trong hai ngày, thêm một ngày để lấy số báo danh và học quy chế thi trước đó nữa là ba. Mọi chuyện diễn ra thuận lợi, dù có chút sai sót nhưng tôi vẫn tự tin vào bài làm của mình. Chị Nhã bảo tôi ở lại chơi vài ngày, nhưng tôi muốn về sớm. Sau vài ngày ở Sài Gòn, tôi thấy yêu Nha Trang của mình hơn. Nơi đó không ồn ào, chen chúc, không có nhiều khói bụi, và quan trọng hơn là có những đợt sóng biển đang vẫy gọi tôi.
Đêm cuối cùng ở Sài Gòn, tôi lại không ngủ được. Bầu trời không trăng, tôi tìm kiếm những ngôi sao ở bên ngoài ô cửa sổ nhưng chỉ thấy ánh sáng mờ mịt màu vàng của những ngọn đèn đường. Tôi đếm từng tiếng còi xe vọng lại từ những con đường, nhưng khi đếm tới chín mươi chín thì tôi không đếm nữa. Tôi cứ nằm đó, hướng mắt lên ô cửa sổ, nhìn nó đổi màu từ vàng sang lam đậm, rồi lại đến màu trắng. Khi trời sáng, tôi từ biệt mọi người và lên xe về lại Nha Trang. Nắm chặt chiếc chìa khóa nằm bên dưới cổ áo, tôi chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay.
Chương 42
Về lại quê hương yêu dấu của mình, người đầu tiên tôi gặp là con Happy. Bến xe cách chỗ nó không xa, tôi chỉ cần đi bộ khoảng năm phút là tới, và vẫn như mọi khi, tôi lại được nó chào đón bằng hai tiếng sủa "gâu gâu". Tôi đặt chiếc ba lô xuống, ngồi lên bậc thềm và dựa vào chiếc cửa sắt. Đã nhiều ngày không có ai tắm cho nó, bộ lông của nó có chút thô ráp và bắt đầu có mùi. Tôi quẳng cho nó một miếng bánh ngọt còn sót lại trong túi, nó ăn ngon lành, rồi lại ngước đôi mắt như nai tơ lên nhìn tôi để xin xỏ.
- Hết rồi, muốn ăn nữa thì về nhà tao.
Nó kêu "ư ử" trong miệng rồi chúi cái mõm xuống đất, sau đó thì nằm dài ra, nhướng đôi mắt nhìn tôi.
- Hết mùa hè này, - Tôi xoa xoa trên đầu nó - Tao sẽ không đến đây trong thời gian dài, và sẽ tốt hơn nếu mày về nhà tao. Gần nhà tao có thằng chó đực cũng dễ thương lắm, biết đâu mày sẽ thích nó. Tao đi lâu lắm đó, mày ở đây không ai tắm cho đâu. Mới mấy ngày mà mày đã bốc mùi như thế này rồi, huống chi mấy tháng. Đi không? Hay để tao ẵm đi?
Tôi cảm thấy lo lắng khi để con Happy ở lại đây một mình. Tôi đã từng bỏ rơi nó một lần rồi, và không muốn lặp lại điều đó lần nữa. Tôi kéo nó lại gần mình và định bế nó lên. Nhưng dường như hiểu được tôi định làm gì, nó không còn ngoan ngoãn như mọi khi và bắt đầu vùng vẫy, nhảy ra khỏi người tôi. Nó sủa dài một hơi và nhìn chằm chằm vào tôi, như muốn nói rằng nó chỉ coi tôi là một người bạn, còn nơi đây mới là gia đình của nó. Tôi cúi đầu xuống, không dám nhìn thẳng vào đôi mắt như đám lửa màu xanh ấy. Nó tiến tới, dụi cái mõm vào tay tôi, sau đó lại leo lên bậc thềm của nó rồi nằm dài xuống nền đất lạnh lẽo.
- Tao sẽ nhớ mày lắm. - Tôi đứng dậy, nhìn con Happy thêm một lần nữa rồi bước đi. Phía sau tôi là tiếng sủa thân thuộc vọng lại.
Tôi cảm thấy thoải mái khi lại được nhìn ngắm những con đường ở Nha Trang, và tôi muốn tận hưởng điều đó lâu hơn một chút. Tôi quyết định đi lang thang một chút trước khi về nhà. Tôi đi qua cái vòng xoay ở trung tâm thành phố, nó không quá đông đúc, và một quán cà phê tại đó là nơi lý tưởng để nhiều người tìm đến. Mùi hương cà phê nồng đậm trôi vào mũi khiến cơn mệt mỏi của tôi vơi đi phần nào. Tôi nhìn về phía đỉnh của Nhà Thờ Đá ở bên kia đường, trên một con dốc cao, chiếc đồng hồ ở đó vừa điểm tám giờ tối. Tôi đi qua một cửa hàng hoa và chậm rãi thưởng thức vẻ đẹp của nơi ấy. Tôi nghe thấy mùi thơm của bánh kem trong không khí, nhìn thấy những chiếc váy cưới lộng lẫy, vị chua của nem nướng ẩn núp giữa những làn khói, và rất nhiều, rất nhiều thứ khác trên mỗi bước chân của mình. Tôi chưa bao giờ yêu quý nơi mình sinh ra đến vậy. Phải chăng vì trước giờ tôi vẫn luôn ở đây, vì mảnh đất này quá thân thuộc, nên đôi lúc tôi quên đi rằng nó có rất nhiều ý nghĩa đối với mình? Tôi nghĩ đến ba mẹ, tôi muốn ôm lấy họ ngay khi bước đến trước bục cửa ngôi nhà thân yêu ấy.
Nhưng điều đó chỉ tồn tại trong suy nghĩ, tôi chào mọi người bằng một nụ cười rồi lên gác thay đồ, sau đó tắm rửa và ăn cơm. Ngồi vào bàn học, tôi mở chiếc hộp màu hồng ra và đọc lại bức thư cuối cùng ấy. Những bài thơ mà tôi từng giữ rất kỹ, và cả cuốn vở tôi dùng để làm thơ nữa, cũng được bỏ vào trong đó. Tôi lấy tất cả ra, vuốt ve trên những con chữ xinh đẹp và nở một nụ cười nhẹ nhõm. Tôi lật lại những bài thơ của mình, những bài thơ mà tôi vẫn chưa gửi đi, và đọc lướt qua chúng. Nhìn cuốn vở vẫn còn hơn một nửa, tôi lật đến trang cuối cùng và bắt đầu viết, cho đến tận nửa đêm.
Sáng hôm sau, tôi đạp xe ra khỏi nhà từ rất sớm. Tôi chạy theo bờ biển, băng qua cây cầu Trần Phú, và cứ thế đi rất xa, rất xa. Tôi dừng lại vài lần để hỏi đường rồi lại tiếp tục chạy đi. Và khi nhìn bóng mặt trời khoảng chín giờ sáng, tôi cũng đến nơi. Đi bộ vào khu nghĩa trang cho đến khi gặp một cây bồ đề lớn, tôi lướt qua năm hàng bia mộ nữa rồi rẽ trái, sau đó dừng lại ở tấm bia thứ tư. Tôi ngồi xuống, thắp một nén nhang, chạm nhẹ vào gương mặt đang tươi cười nhìn mình. Bờ môi ấy đã không còn mềm mại và ấm áp như ngày nào nữa rồi, tất cả đều cứng ngắc và lạnh lẽo.
Khi nén nhang đã cháy được một nửa, tôi mở chiếc hộp, luyến tiếc nhìn những trang giấy đang run lên trong gió. Và tôi bắt đầu đốt, từng trang, từng trang giấy một.
Những bài thơ anh chưa gửi đến em
Anh vẫn lưu trong những trang nhật ký
Những trang thơ nhàu nát và cũ kỹ
Nét chữ đã phai theo dấu thời gian.
Những bài thơ anh chưa gửi đến em
Đêm từng đêm anh đọc trong nỗi nhớ
Kỷ niệm xưa ùa về rồi tan vỡ
Chỉ còn anh ở lại với mình anh.
Màn sương trắng buông xuống thật mong manh
Những ngọn đèn cũng pha màu tím ngắt
Gió nhẹ nhàng làm cay nồng khóe mắt
Giọt lệ tràn thấm ướt đôi hàng mi.
Trái tim buồn ôm mãi mối tình si
Lòng đớn đau thương hoài một hình bóng
Đến rồi đi, chỉ như trong giấc mộng
Vỡ tan tành khi nắng tắt màn đêm.
Những bài thơ anh chưa gửi đến em
Là tất cả những gì còn ở lại
Em đã buông tay anh đi xa mãi
Mang hạnh phúc về với chốn bình yên.
Một ngọn cỏ xanh tươi mọc bên cạnh tấm bia đá. Tôi nhìn nó, rồi lại nhìn khung cảnh tràn ngập trong màu sắc đơn điệu của tro tàn quanh mình. Những đầu thuốc lá bị bẻ gãy, những chiếc túi ni lông, một hộp bánh vỡ nát.. Tôi ngắt một chóp lá, vò nát giữa hai ngón tay rồi đưa lên mũi. Dù chỉ là một ngọn cỏ, nhưng nó vẫn có mùi hương riêng của mình. Nó đã đem đến cho nơi đây một chút sức sống và sắc màu. Tôi biết một ngày nào đó nó sẽ chết, nhưng hôm nay, nó sẽ sống. Nhìn gương mặt ấy lần cuối và nở một nụ cười, tôi đứng dậy, rời khỏi khu nghĩa trang.
Giữa tháng Tám, tôi nhận được thông báo nhập học và có hai tuần để chuẩn bị hồ sơ. Mọi thứ cũng đơn giản và tôi không mất nhiều thời gian cho việc đó. Những ngày còn lại, tôi dành thời gian cho gia đình, trò chuyện với người bạn bốn chân và suy nghĩ về chân trời mà mình sắp đến. Một nơi đầy cám dỗ, bởi nhiều người ở đây đã đi đến đó và không còn muốn quay trở lại. Tôi vẫn chưa nhìn rõ toàn bộ nơi ấy, và không biết rằng mình có thể tránh thoát được sự cám dỗ của nó hay không. Nó như đại dương bao la, còn tôi thì chỉ là một con thuyền bé nhỏ. Tôi vẫn sẽ lao về chân trời xa xăm ấy theo tiếng gọi của nó, nhưng sẽ quay trở lại và mục nát ở nơi đây. Nhiều thứ đã mất đi khiến cho chiếc mỏ neo của tôi có phần lỏng lẻo, nhưng tôi sẽ cố gắng để không bị những con sóng cuốn trôi đi quá xa.
Buổi sáng trước khi rời đi, tôi ra biển để nhìn ngắm ánh bình minh lần cuối. Tôi đã không nhìn ngắm mặt biển ấy suốt mùa hè, và bỗng nhiên tôi thấy nhớ nó. Tôi thức dậy vào bốn giờ rưỡi sáng, khi chiếc đồng hồ báo thức réo lên âm thanh "tíc tíc" chói tai. Tôi với tay lấy nó, định tắt đi rồi ngủ tiếp. Lâu rồi không dậy sớm nên tôi có chút mệt mỏi, nhưng có vẻ như ý chí của tôi đã chiến thắng. Lồm cồm bò dậy, tôi rũ bỏ chiếc chăn ấm áp, vươn vai duỗi cái lưng thật dài, tạo ra những tiếng kêu răng rắc. Cuộn màn lên và chui ra khỏi cái ổ của mình, tôi cố bước thật nhẹ nhàng để tránh làm mọi người thức giấc. Nhưng khi ngang qua nhà bếp, mẹ tôi đã ngồi ở đó ăn sáng và chuẩn bị đi chợ.
- Làm gì dậy sớm vậy? - Bà hỏi khi trông thấy tôi.
- Dạ đi biển. - Tôi cười hì hì nói, với tay lấy đôi giày rồi nhón chân chạy ra khỏi nhà.
Ra khỏi con xóm nhỏ, tôi bước đi dưới những ngọn đèn đường leo lét, hòa chiếc bóng của mình vào bóng của những ngọn cây. Chạy ngang qua tiệm sắt Đông, tôi nhớ lại hình ảnh cây xoài tốt tươi và những tháng ngày hái trộm của mình. Tôi đi tiếp và cố gắng không nhìn vào ngôi nhà lớn màu xanh bên đường, nhưng vẫn dừng lại và nhìn vào nó thật lâu. Tôi quay đi, rồi lại tiếp tục chạy.
Tôi chạy qua những ngã tư quen thuộc, nhìn những cột đèn xanh đèn đỏ đang chớp chớp những ánh đèn vàng. Tôi băng qua đường Trần Phú, dõi mắt về phía cuối quảng trường rộng lớn. "Đài Liệt Sĩ" đã bị dời đi, và bọn họ đang xây một cái gì đó mới mẻ hơn cho thành phố này. Họ gọi đó là "biểu tượng", nhưng trong mắt những người đã quen với hình ảnh của ngọn tháp sừng sững giữa trời, cái "biểu tượng" mới ấy chẳng khác gì một đống tạp nham. Tôi chợt hiểu ra rằng, có những thứ không thể bị thay đổi, nhưng nó vẫn bị thay đổi bởi sự khắc nghiệt của cuộc sống này.
Tôi ngồi trên những bậc thang, tháo giày ra rồi thả đôi chân trần của mình xuống làn cát mát lạnh. Tìm một chỗ trống và ngồi xuống, tôi duỗi đôi chân của mình ra rồi lăn chúng trên nền cát. Hôm nay có vẻ nhiều mây, chân trời tối đen như mực, chẳng thể nhìn rõ được đâu là biển, đâu là trời. Mặt biển phẳng lặng, và chỉ khi những con sóng đã đến gần bờ, dưới ánh sáng từ những ngọn đèn trên quảng trường, mới có thể nhìn thấy được. Sóng cuộn mình như con trăn khổng lồ màu xanh rêu đang lăn dần về phía bờ cát, rồi vỡ tan ra thành vô vàn bọt nước trắng xóa. Tiếng sóng biển như tiếng hát của đại dương từ quá khứ vọng lại, không bao giờ ngừng nghỉ.
Tôi lặng nghe tiếng sóng và nhìn về phía nơi chân trời xa xăm ấy. Mây đen mỗi lúc một nhiều và che kín tất cả, vầng dương không thể xuất hiện theo cách đẹp đẽ nhất giống như tôi mong đợi. Nhưng tôi cũng không thất vọng, bởi tôi đã chuẩn bị tinh thần để đón nhận việc này. Tôi khẽ cười vì sự cố chấp của mình, và cũng cười với mặt biển trước mắt. Tôi biết rằng một ngày nào đó, bầu trời và mặt biển sẽ lại gặp nhau, tại một nơi chân trời rực rỡ ánh bình minh.
Tôi đứng dậy, phủi xuống những hạt cát dính trên người mình và hít thở hương thơm của biển lần cuối. Nhưng khi tôi vừa quay lưng lại với những con sóng, một nụ cười cùng ánh mắt thân quen khiến đôi chân của tôi không thể tiến bước. Cơn gió đầu thu lướt ngang qua, vén mái tóc đang phủ xuống chân mày sang một bên, để lộ ra vầng trán vẫn luôn bị che khuất. Những tia nắng trốn thoát khỏi tầng mây, soi cho tôi nhìn rõ hơn vào gương mặt ấy. Tôi nắm chặt bàn tay mình, trong đôi mắt hiện lên hình ảnh của một vết sẹo, và một chùm hoa khế đã héo khô.
- Hết -
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top