hoa tường vy mùa hạ 4
Chương 30
Tôi không biết là nó không có tên thật, hoặc tên của nó là Chó, hoặc cũng có thể bà lão không muốn chúng tôi gọi lại cái tên cũ của nó nên mới nói như thế. Con Vy hỏi tôi sao lấy xe lâu vậy và tôi nói chuyện ăn uống của con Maxi cho nó nghe. Nó nói muốn đem con chó về nuôi và tôi phải chạy vào lần nữa hỏi ý kiến bà cụ. "Ừ, mấy đứa dắt nó đi được thì cứ dắt, chứ để nó nằm đó tắm mưa tắm gió cũng tội" - Bà nói. Chúng tôi tháo sợi xích nhỏ đang buộc vào cổ con chó rồi dắt đi, nhưng được khoảng chục bước chân thì nó ghì lại. Nó sủa lớn một tiếng nhìn chúng tôi, rồi lại nhìn về cái tiệm sách cũ. Nó không muốn rời khỏi nơi đó. Con Vy thả sợi xích nhỏ trong tay ra và con chó chạy thẳng về bậc thềm nó vẫn thường nằm. Lâu rồi không chạy nhảy, nó mất đà và lao vào cánh cửa sắt kêu "loảng xoảng". Nhưng nó không hề đau đớn, nó quay lại nhìn chúng tôi, sủa "gâu gâu" hai tiếng rồi há cái mõm, thè lưỡi ra và quẫy đuôi liên tục, rồi sau đó lại sủa lên hai tiếng.
- Về nhà thôi. - Con Vy nói.
Chúng tôi cứ thế chăm sóc cho con Maxi ngày này qua tháng nọ. Con chó cũng dần dần vui vẻ trở lại, nó bắt đầu chạy nhảy chơi đùa nhiều hơn, nhưng không bao giờ chạy quá xa cái tiệm sách cũ. Nó sẽ sủa hai tiếng khi thấy chúng tôi đến và cũng làm như vậy để tiễn chúng tôi ra về. Cách vài ngày, con Vy lại đem xà phòng tắm của con Misa theo, tôi xin bà cụ một xô nước rồi tắm cho con Maxi. Những đứa trẻ trong xóm thấy con chó trở lại như trước thì cũng muốn chơi cùng, nhưng nó không cho đứa nào đến gần cả. Chỉ có tôi và con Vy là có thể chạm vào người nó.
Thời gian lặng lẽ trôi đi, và một tháng Ba nữa lại đến. Sinh nhật lần thứ mười bảy của con Vy, chúng tôi đem bánh kem ra chỗ con Maxi và cùng hát chúc mừng sinh nhật. Con Vy mang một phần bánh kem cho bà cụ nhưng bà không ăn được đồ ngọt. Nó nói để cho cháu của bà thì bà mới chịu nhận. Không giống như con Misa, con Maxi không thích phần kem bên ngoài mà chỉ ăn bánh bông lan bên trong. Thấy vậy, con Vy cạo lớp kem bánh ra rồi bắt tôi ăn hết. Tôi chợt nhớ đến một năm trước đó, khi cũng chỉ có hai đứa chúng tôi cùng một con chó trong một bữa tiệc sinh nhật.
- Vy, - Tôi nói - Có một nơi tao muốn đưa mày đến.
- Ừ, vậy thì đi. - Nó tin tưởng tôi đến mức trả lời không chút do dự.
Sau khi thu dọn cái hộp bánh đã trống trơn và tạm biệt con Maxi, tôi đạp xe chở con Vy đi trên con đường dọc bờ biển. Chiếc xe trôi đi một cách từ tốn, và trong đầu tôi hiện lên rất nhiều suy nghĩ về nơi chúng tôi sắp đến. Con Vy vòng tay ôm trước bụng tôi như mọi khi, và nó dựa đầu vào lưng tôi khiến cho những đốt xương sống như vừa được thoa một lớp kem mát lạnh. Thời gian chầm chậm trôi theo từng vòng quay của chiếc xe đạp. Hàng cây ven đường đung đưa những tán lá như vẫy chào hai bóng người nhỏ bé. Chiếc bóng của chúng tôi lúc dài lúc ngắn dưới những ánh đèn vàng leo lét. Chúng tôi mỗi lúc một đi xa khỏi trung tâm thành phố, và bóng dáng con người cũng dần thưa thớt. Tôi muốn giữ bí mật và không biết sẽ trả lời như thế nào nếu con Vy hỏi về nơi ấy. Nhưng nó không hỏi han gì cả, đầu vẫn dựa vào lưng tôi. Hơi thở của nó đều đều như đang say ngủ, say sưa trong một giấc mơ diệu kỳ. Một lúc sau, tôi ngừng đạp, thả cho chiếc xe chạy chậm dần rồi dừng lại dưới chân cầu Trần Phú. Đó là cây cầu nằm ở cuối đường Trần Phú, bắc ngang qua nơi sông Cái đổ ra biển.
- Tới rồi à? - Con Vy hỏi.
- Chưa - Tôi nói - Mày xuống đi, đi bộ thêm chút nữa mới tới.
- Sao mày không đạp lên luôn? - Nó nhìn đoạn đường dốc đi lên cây cầu rồi nhìn tôi.
- Đi bộ lên mới thích.
Nó nhìn cây cầu lần nữa, nhảy xuống xe và bước đi về phía trước, còn tôi thì dắt chiếc xe đạp theo sau. Mùi cá tươi ướp trong hương muối biển mặn nồng thoang thoảng theo cơn gió. Con Vy dừng lại, quay mặt về phía những con sóng và hít một hơi thật sâu, đầy khoan khoái. Nó chưa bao giờ cảm thấy khó chịu bởi những hương vị gần gũi với cuộc sống dân dã như vậy. Chiếc váy trắng phất phơ trong gió như một áng mây đang trôi dần về phía xa. Đôi hài màu đỏ chạm nhẹ vào những viên gạch trên vỉa hè, lấp lánh như có những hạt bụi ánh sáng. Tôi chậm rãi đặt bước chân mình theo dấu vết của những hạt bụi ấy. Dường như biết được suy nghĩ của tôi, con Vy đi sát vào thành cầu, và chiếc xe đạp khiến tôi không thể tiếp tục đi theo những bước chân của nó. Nở một nụ cười lém lỉnh nhìn tôi, con Vy bắt đầu nhảy chân sáo về phía trước. Đến giữa cầu, nó dừng lại, chống tay vào lan can và đứng đợi tôi.
Bầu trời và biển cả bao la đều mang cho mình một màu đen huyền ảo vào lúc này. Cả hai như đang nối liền lại với nhau, không thể nhìn thấy đường chân trời ở nơi đâu, chỉ có những ngọn đèn biển của ngư dân mập mờ vẽ ra sự ngăn cách đó. Nhưng cũng có thể đó chỉ là những ngôi sao ở gần mặt biển, đang lấp lánh cùng muôn ngàn vì sao khác giữa bầu trời đêm. Ánh trăng già không còn tròn trịa như trước đó vài ngày, nhưng vẫn tỏa sáng một khoảng không trung trên cao. Dưới ánh trăng, những con sóng ngoài khơi lấp loáng như những sợi tơ màu bạc. Từng sợi, từng sợi không ngừng kéo tới, chúng lớn dần lên như được bện lại với nhau, rồi vỡ tan ra dưới chân chúng tôi. Tiếng sóng biển rì rào cùng tiếng gió vi vu hòa vào nhau, tạo thành một bản nhạc không lời da diết. Tôi đến bên cạnh con Vy, nhìn mặt biển và hít một hơi thật sâu, để cho biển cả phả hơi thở mặn mòi xuyên qua cơ thể. Con Vy đưa tay ra cho tôi và nói:
- Mày còn nhớ phim Titanic không?
Chợt hiểu ra nó muốn gì, tôi nắm lấy bàn tay mềm mại trước ngực mình, đứng sau lưng nó và nắm lấy bàn tay còn lại đang đợi chờ. Những ngón tay của chúng tôi đan vào nhau, và cánh tay bắt đầu dang rộng ra như những cánh chim hải âu đang bay lượn. Nó ngửa đầu ra sau và áp sát vào gương mặt tôi. Đôi hàng mi đóng lại và khẽ mấp máy, đôi gò má cao cao có chút ửng hồng, và đôi môi tươi thắm khẽ mỉm cười. Tôi cứ thế ngắm nhìn gương mặt con Vy từ một khoảng cách gần như vậy, và dường như chẳng tìm ra được khuyết điểm nào ở nơi đó. Mùi dầu gội trên mái tóc bềnh bồng, mùi dầu thơm trên cái cổ trắng ngần ngào ngạt qua mũi, khiến cho những hơi thở của tôi sâu hơn. Và suy nghĩ của tôi cũng bắt đầu chìm sâu vào trong màn đêm thăm thẳm, vào dưới đáy đại dương bao la. Tôi nhắm mắt lại nhưng vẫn có thể thấy được rõ ràng gương mặt của con Vy, từng chi tiết một. Những cơn gió không ngừng lùa qua dưới cánh tay làm cho tôi cảm giác như mình đanh bay lên giữa không trung.
Trong tiếng sóng vỗ rì rào không ngừng, tôi lại nghe thấy giai điệu của bài hát My Heart Will Go On lần nữa. Tôi mở mắt ra và nhìn gương mặt tuyệt đẹp của con Vy, muốn đặt một nụ hôn lên bờ má trắng hồng ấy. Nhưng bản hòa tấu của nó và thiên nhiên làm tôi tạm gác lại ý nghĩ đó của mình. Chỉ cần nhìn những đường nét tinh tế trên gương mặt ấy, những rung động nhẹ nhàng trên cái cổ xinh xắn khi nó ngân nga những âm thanh nhẹ nhàng qua cánh mũi, chỉ cần như vậy cũng đủ để cả cơ thể tôi run lên vì sung sướng.
Đôi hàng mi cong khẽ mấp máy rồi chầm chậm mở ra, con Vy hít thở một hơi thật sâu và mỉm cười. Nó ngoảnh đầu qua, cắn nhẹ đôi môi và mím lại, như muốn nói rằng đó là phần thưởng cho sự kiên nhẫn của tôi. Những ngón tay vẫn còn đan vào nhau, đôi bàn tay nó dẫn đường cho tôi ôm lấy vòng eo thon thả đang dựa vào thành cầu. Ánh trăng già vẫn tỏa xuống vầng hào quang dịu nhẹ. Những ngôi sao lấp lánh như những cái chớp mắt không ngừng. Ánh sáng của những ngọn đèn đường như đang dần mờ đi, và tưởng như chỉ còn một ngọn đèn nơi chúng tôi đứng là tỏa sáng. Tiếng sóng biển rì rào cổ vũ linh hồn tôi, còn cơn gió thì xoay vòng như một cơn lốc cuốn chúng tôi vào giữa. Đôi mắt chúng tôi dần nhắm lại theo từng mi-li-mét khoảng cách được rút ngắn lại giữa hai chóp mũi. Tôi không còn nhìn thấy gì ngoài gương mặt của con Vy, đang tỏa sáng trong bóng tối kéo dài đến tận cùng. Chúng tôi hôn nhau.
Chương 31
Sau ngày sinh nhật của con Vy hơn hai tuần, trường chúng tôi tổ chức cắm trại nhân ngày thành lập Đoàn. Không phải năm nào nhà trường cũng tổ chức cắm trại mà nó chỉ diễn ra ba năm một lần. Vì vậy, học sinh trong trường đều chỉ được tham gia duy nhất một lần trong suốt quãng thời gian học tại đây. Và ông thầy hiệu trưởng đã lấy lý do đó để bắt buộc tất cả học sinh phải tham gia. Cũng không có chuyện những học sinh ở lại lớp sẽ được đi cắm trại hai lần, bởi nếu thành tích học tập không tốt thì sẽ được mời lên phòng giám hiệu uống trà, rồi nhận một lá thư giới thiệu để chuyển sang học ở trường khác.
Trại của lớp tôi nằm ở góc bên trái cuối sân bóng, gần cây trứng cá. Lều trại của chúng tôi được dựng lên bởi một bộ khung sắt rồi phủ một tấm vải bạt phía trên. Phía trước "túp lều" ấy là một cái cổng trại đơn giản, chỉ có vài cây tre dựng đứng và vài cây khác bắc ngang bên trên, rồi được liên kết lại với nhau bởi những sợi kẽm và những sợi thừng mảnh. Hai tàu lá dừa được đính kèm vào đó để bớt đi chút vẻ đơn điệu, nhưng cũng không khá hơn là mấy. Trên cây xà ngang, một cái nia được sơn kín màu trắng kèm một dòng chữ màu đen: "Lớp 11A4". Khi mấy ông thầy, bà cô đi đến lớp tôi để chấm điểm cổng trại, tôi tin rằng cái cổng lớp tôi sẽ nằm trong top mười cái thấp điểm nhất.
Buổi cắm trại diễn ra từ chiều thứ Sáu cho đến sáng Chủ Nhật mới kết thúc. Buổi tối, học sinh được phép về nhà sau chín giờ nếu thích, nhưng phải báo cáo khi ra khỏi cổng trường và sáng hôm sau phải có mặt trước sáu giờ để điểm danh. Con Vy không thích về nhà, và tôi cũng ở lại với nó. Mỗi khu trại đều khá nhỏ và không đủ chỗ cho cả một lớp ở đó, vì vậy các nữ sinh được sắp xếp vào các phòng học để nghỉ ngơi vào buổi tối, rộng rãi và sạch sẽ hơn so với chỗ dành cho bọn con trai. Tôi không ngủ được nên đi ra phía sau túp lều của lớp mình, ngồi lên một tảng đá dùng để kéo căng dây buộc vải bạt. Dựa lưng vào bức tường đầy rong rêu trên nền sơn cũ màu vàng, tôi lặng ngắm những ngôi sao trên bầu trời và lắng nghe tiếng dế kêu râm ran trong bụi cỏ, chờ cho thời gian trôi qua. Con Vy cũng không ngủ được, nó xuất hiện khi tôi đang cố để cho một con muỗi đậu lên tay mình rồi đập.
- Không ngủ được à? - Tôi ngồi xuống bãi cỏ và nhường tảng đá cho nó.
- Ừ. - Nó gật đầu - Còn sớm mà.
Chúng tôi ngồi dựa vào nhau và lắng nghe những âm thanh êm dịu của màn đêm. Bọn con trai trong lớp không có gì làm nên lấy chúng tôi làm chủ đề mua vui, nhưng con Vy không tỏ vẻ gì là quan tâm. Ngồi được một lúc, tôi rủ nó cùng xem lửa trại và chúng tôi rời đi. Những que củi lớn được xếp chụm lại với nhau giữa sân trường, nơi chúng tôi vẫn xếp hàng làm lễ chào cờ hàng tuần. Đám học sinh đứng thành một vòng tròn lớn xung quanh đống củi để nghe bài thuyết trình dông dài của một ông thầy tên Bạch Giang. Ấn tượng duy nhất của tôi về ông thầy ấy là mái tóc giống hệt với ông thầy trong truyện Đô-rê-mon của Fujiko Fujio. Có lẽ điểm khác biệt duy nhất giữa hai người là ông thầy Bạch Giang không đeo kính. Chúng tôi đến khi ông ấy vừa kết thúc bài thuyết trình của mình, đang bắt đầu đếm ngược từ mười về không, một cách lề mề hết sức có thể. Sau đó, một quả cầu lửa từ tầng hai của dãy phòng học ba tầng, bay theo một sợi dây thép vô hình trong bóng tối và đáp xuống những cây củi. Ánh lửa bùng lên, sáng rực trong tiếng reo hò của đám học sinh. Từ chiếc loa lớn của trường, bài hát "Đoàn Ca" bắt đầu vang lên, rồi đến bài "Hành Khúc Lý Tự Trọng". Tiếng nhạc, tiếng vỗ tay đều đều và tiếng hát của đám học sinh át đi tiếng lép bép phát ra từ đống lửa bập bùng trong đêm tối. Những tàn lửa nhỏ li ti nổ tung và bắn ra khắp nơi, cố gắng le lói ánh sáng cuối cùng của cuộc đời trước khi hoàn toàn trở thành tro bụi.
Tôi nắm tay con Vy đứng ở vòng ngoài của đám người, nhìn những nụ cười lập lòe trong ánh lửa màu cam, và nhiều thứ khác nữa. Tôi cảm giác như mình không thuộc về thế giới này. Tôi nắm chặt bàn tay trong bàn tay của mình, cả thế giới của tôi đều ở đó. Khi lửa bắt đầu yếu đi, bóng người cũng dần thưa thớt, và cho đến khi không còn ai, chúng tôi vẫn còn ngồi lại đó. Những cây củi đã biến thành những cây than hồng, đang chống chọi với sức hút của trái đất trước khi bị bẻ gãy. Đốm lửa chập chờn như một tinh linh nhỏ bé, đang cố thu gom những nguyên tố cuối cùng của mình trước khi biến mất. Sau khi nhìn mọi thứ dần dần sụp đổ xuống và những cột khói bắt đầu bốc lên, tôi về lại khu trại, còn con Vy thì về phòng học.
Cho tới tận trời sáng, tôi vẫn không ngủ được, và con Vy nói rằng nó cũng như vậy. Chúng tôi tập trung điểm danh trước cổng trại rồi lại cùng nhau trải qua một ngày nhàm chán, hoặc chỉ có chúng tôi là thấy thế. Suốt buổi sáng, chúng tôi ngồi dựa vào nhau trên bãi cỏ phía sau trại. Cơn gió hiu hiu làm mắt tôi hơi mỏi, tôi nén cơn ngáp của mình trong cổ họng và đẩy nó ra bằng đường mũi, rồi quay sang nhìn gương mặt đang say sưa ngủ trên vai mình. Đôi gò má có chút trăng trắng, thiếu đi nét hồng hào như mọi khi, trông con Vy có vẻ mệt mỏi. Đôi hàng mi cong cong khẽ mấp máy, đôi chân mày hơi nhíu lại, và đôi mắt hé mở ra nhìn tôi.
- Tao làm mày thức giấc à? - Tôi hỏi.
- Không, - Nó lắc đầu và vươn vai một cái, rồi lại nằm lên vai tôi.
Cánh tay trái có chút mỏi, tôi định nói con Vy đổi chỗ ngồi với mình, nhưng nó đã ngủ thiếp đi từ lúc nào. Tôi ngồi yên, lặng nhìn những tia nắng và cơn gió đùa nghịch trên mái tóc của nó. Tôi lấy áo khoác của mình khoác lên người nó, một cách nhẹ nhàng nhất có thể. Dù cánh tay đang dần tê tái, nhưng lòng tôi lại thấy khoan khoái lạ thường. Chỉ cần có con Vy ở bên cạnh, một góc nhỏ trong ngôi trường rộng lớn này cũng đủ rồi, cần gì phải quan tâm đến thế giới bên ngoài đang náo nhiệt như thế nào chứ.
Sau bữa trưa, con Vy bảo hơi mệt nên sẽ về phòng học ngủ một giấc. Nhưng khi vừa bước qua cổng trại được một đoạn, những bước chân của nó trở nên loạng choạng như muốn ngã. Tôi vội vàng chạy tới đỡ lấy nó, bước theo sau khi nó nhào tới ôm lấy gốc cây trứng cá và bắt đầu nôn mửa không ngừng.
Tôi bế con Vy đến phòng y tế và đặt nó lên chiếc giường duy nhất ở đó. Tôi ngồi xuống, nắm bàn tay nhỏ bé vào trong lòng bàn tay mình và lau từng giọt mồ hôi trên gương mặt tái nhợt. Đôi mắt mệt mỏi hé mở, con Vy nở một nụ cười nhìn tôi.
- Không sao, mày sẽ khỏe lại thôi. - Tôi nói, hôn nhẹ lên những ngón tay mảnh mai.
Một bà giáo già mặc áo trắng tiến tới và tôi lui về phía cuối giường để nhường chỗ. Cô ấy nhìn tôi lắc đầu, sau đó kiểm tra tình trạng sức khỏe của con Vy. Một lúc sau, cô nói:
- Em ấy chỉ bị say nắng thôi, không cần lo lắng quá.
Cô lấy khăn ướt lau mặt cho con Vy, cho nó uống chút nước rồi chườm một túi đá lên trán nó.
- Để em ấy nghỉ ngơi một lát rồi gọi người nhà đón về thôi. - Cô ấy quay lại nói với tôi.
- Tao không về nhà đâu. - Con Vy nắm lấy tay tôi.
- Ngoan, - Tôi vuốt những sợi tóc lòa xòa trên trán nó - Về nhà nghỉ ngơi cho khỏe, thứ Hai tao đến đón mày đi học.
Bà giáo già lại nhìn tôi và lắc đầu.
Một lát sau, cô Hà đến. Ông chú Đạt cũng có mặt và là người bế con Vy ra taxi. Tôi muốn đi cùng nhưng không còn chỗ, chỉ có thể lo lắng nhìn theo chiếc xe từ từ lăn bánh. Tôi quay lại gốc cây trứng cá để dọn dẹp nhưng mọi thứ đã biến mất, nơi đó sạch sẽ giống như có một cơn mưa vừa đến và rửa trôi đi tất cả. Không biết làm gì hơn, tôi quay trở về khu trại và ngồi chờ cho hết ngày. Nhưng tôi càng nghĩ về con Vy, thời gian càng trôi chậm lại. Nó như một cánh chuồn chuồn cứ lượn lờ qua lại trước mặt tôi để trêu ngươi, chẳng chịu bay đi.
Chương 32
Sáng Chủ Nhật, ngay sau khi nhổ trại, tôi đạp xe một mạch đến nhà con Vy. Cô Hà là người ra mở cổng và dẫn tôi vào phòng nó. Tôi cảm giác yên tâm khi thấy nó đã khá hơn, còn nó thì cười rất vui vẻ khi thấy tôi đến. Tôi kể cho nó nghe những chuyện đã xảy ra ở hội trại sau khi nó về nhà: Thằng Linh lớp tôi thi điền kinh bị té rách quần; một thằng bé lớp dưới thi chạy xe đạp chậm, nhưng lại phóng cái vèo về đích trước sự ngỡ ngàng của mọi người, nó vứt chiếc xe đạp ngay bên vạch đích rồi chạy thẳng vào nhà vệ sinh, còn chủ nhân của chiếc xe đạp thì phải dắt chiếc xe ra chỗ vòi nước xịt xịt trên cái yên xe cả buổi; đám con trai lớp bên cạnh chơi trò ném bong bóng nước, nhưng lại vô tình ném trúng ông thầy Bạch Giang, làm mái tóc của ông ấy xẹp lép xuống, hậu quả là cả đám bị bắt lên phòng giám hiệu viết kiểm điểm.
Thường thì con Vy không quan tâm mấy chuyện như vậy lắm, nhưng nó lại tỏ ra hứng thú khi nghe tôi kể và cười rất tươi. Tuy nhiên, chốc chốc nó lại nhìn sang mẹ nó, dường như không được thoải mái lắm. Cô Hà cũng có vẻ như vậy khi thấy hai đứa chúng tôi thân mật với nhau. Tôi suy nghĩ một chút về việc vào nhà cô, trêu ghẹo đứa con gái cưng của cô và thấy rằng như vậy cũng không được đúng đắn cho lắm. Tôi ngồi nghiêm lại và im lặng như một pho tượng. Bầu không khí trở nên có chút kỳ dị, tôi ở đó thêm khoảng mười phút nữa rồi xin phép ra về. Trước khi tôi đi, con Vy dặn tôi thăm con Maxi và cho nó ăn.
- Thiên này, - Cô Hà gọi tôi khi vừa xuống đến phòng khách - Cô muốn nói chuyện với cháu một chút.
- Dạ. - Tôi đi theo cô và ngồi xuống cái ghế sofa đầy hình hoa lá.
- Hết năm nay là hai đứa cũng lên lớp Mười Hai rồi, - Cô rót một ly nước đưa cho tôi - Sau đó là đến kỳ thi Đại Học, cháu có dự định gì chưa?
- Dạ chưa. - Tôi đưa hai tay nhận lấy cái ly từ cô.
- Vẫn chưa à? - Cô rót nước vào một cái ly khác và khẽ nhấp môi - Có thể mấy đứa thấy còn sớm, nhưng những chuyện quan trọng thì chuẩn bị càng sớm càng tốt, còn những chuyện không quan trọng thì cô nghĩ mấy đứa nên tạm gác sang một bên.
- Dạ.
Cô nhìn tôi vài giây rồi nói tiếp:
- Cháu thấy tình hình học tập của hai đứa dạo này như thế nào?
- Dạ vẫn tốt ạ.
- Cháu nghĩ như thế nào là tốt? - Cô khẽ cười - Theo cô thì, nếu như tập trung vào việc học hơn, cô nghĩ Vy có thể đứng trong top ba hoặc đứng đầu lớp.
Tôi im lặng, xoay xoay ly nước trong tay và nhìn những vòng tròn gợn sóng trong đó.
- Còn nữa, - Cô lại nói - Cô biết hai đứa rất thân nhau, trước đây cô cũng không ngăn cấm gì chuyện đó, nhưng có vẻ như mọi thứ đang đi quá xa. Gần đây, Vy nó coi trọng mối quan hệ với cháu còn hơn cả gia đình, như vậy là không tốt. Cô đã từng trải qua giai đoạn của mấy đứa, cô hiểu mấy đứa có nhiều lúc muốn chứng tỏ bản thân mình, nhưng đôi khi lại lựa chọn không đúng cách để làm việc đó. Mấy đứa vẫn chưa đủ chín chắn và trưởng thành để hiểu rõ hết những việc mà mình đang làm. Vậy nên, cô muốn hai đứa tạm thời bớt gặp nhau lại ở bên ngoài lớp học và dành thời gian cho gia đình nhiều hơn, ít nhất là cho tới khi vào Đại Học. Nhưng nếu hai đứa vẫn không thay đổi được cách suy nghĩ của mình, cô nghĩ hai đứa không nên gặp nhau nữa. Bắt đầu từ ngày mai, ba con Vy sẽ chở nó đi học nên cháu không cần phải chờ. Còn bây giờ cũng trễ rồi, chiều nay cô phải bay vào Sài Gòn nên không nói nhiều với cháu được, hi vọng cháu hiểu những gì cô nói.
- Dạ. - Tôi khẽ gật đầu rồi ra về.
Chiếc xe đạp quay từng vòng nặng nề. Dưới những tia nắng màu vàng nhạt của tháng Ba, mặt đường bốc lên từng làn khói xám xịt. Tôi bước vào nhà với cõi lòng nặng trĩu, bỏ cả cơm trưa và nằm ngủ một giấc tới tận bữa tối. Tôi mở mắt ra và cứ thế nằm trên căn gác nhỏ, nhìn tia sáng xuyên qua những cái lỗ trên mái nhà đang dần tắt đi. Thấy tôi như vậy, mẹ tôi cũng không hỏi nhiều. Nếu tôi không muốn nói, bà sẽ không hỏi, nếu tôi muốn ở một mình, bà sẽ để tôi ở một mình. Có lẽ vì vậy mà tôi có thời gian để tự suy nghĩ về những thứ xung quanh mình nhiều hơn. Ít ra thì tôi vẫn có thể gặp mặt nó trên lớp, dù khoảng thời gian ấy không nhiều nhưng có còn hơn không. Tôi ngồi dậy, xuống dưới nhà ăn cơm, sau đó học bài rồi đi ngủ.
Sáng hôm sau, tôi đến trường với sự háo hức mà lâu rồi không xuất hiện. Thời gian bên nhau có thể ít hơn, nhưng điều đó khiến tôi mong chờ được gặp con Vy nhiều hơn. Tôi ghé qua chỗ con Maxi trước khi đến trường. Nghe tiếng vòng quay xe đạp, nó ngóc đầu dậy nhìn tôi, sủa hai tiếng và vẫy đuôi liên hồi. Cái tô của nó vẫn đầy và nó chưa đụng đến. Đồ ăn vẫn còn mới, có lẽ vừa được bà cụ để ở đó. "Xin lỗi nhé, hôm qua tao quên tới thăm mày" - Tôi nói, xoa xoa đám lông vàng trên người nó. Tôi cho nó ăn, qua chào bà cụ một tiếng rồi đi học. Vọng lại từ phía sau tôi là hai tiếng sủa "gâu gâu".
Tôi vào lớp, ngồi nhìn vào khoảng trống ở bàn đầu và chờ con Vy đến. Nhưng tôi chờ mãi, chờ mãi, cho tới khi tiếng trống vang lên mà vẫn không thấy nó đâu. Ô sĩ số trên bảng ghi một học sinh vắng có phép. "Nó vẫn chưa hết bịnh à?" - tôi tự hỏi. Bên ngoài sân, hoa phượng đang nở đỏ rực một khoảng trời. Vài cánh hoa lác đác rơi xuống sân trường, tan nát dưới bước chạy của những bộ đồng phục thể dục.
Sang thứ Ba, nó vẫn nghỉ học với lý do bị bệnh. Tôi đến nhà nó sau buổi học, nhưng không có ai ở nhà cả. Tôi bấm chuông ba lần và đứng đợi gần một tiếng đồng hồ, dưới cái nắng chói chang của buổi trưa tháng Ba. Về đến nhà, tôi bị sốt đến mức chỉ có thể nằm một chỗ. Tôi nhắm nghiền lại khi tia sáng trên mái nhà chiếu nhẹ lên mi mắt mình. Trước mắt tôi là một màu đỏ tươi và rực sáng. Mẹ tôi viết đơn xin nghỉ cho tôi vào thứ Tư vì đầu tôi vẫn còn rất nóng. Trước khi đi chợ, bà nấu một tô cháo và pha một ly nước chanh nóng đặt cạnh chỗ tôi nằm. Ăn cháo và uống nước chanh xong, tôi lại nằm xuống và đắp mền để cho ra mồ hôi theo lời mẹ dặn. Tôi nghĩ về con Vy, và trong đầu chợt xuất hiện một linh cảm không lành. Mặc dù tôi không tin mấy thứ linh cảm lắm, vì nó chưa bao giờ đúng cả, nhưng lần này thì khác. Nó mạnh đến mức khiến cho tất cả những suy nghĩ phản bác nó đều phải nằm rạp xuống và run rẩy. Mồ hôi túa ra ướt đẫm cả cái chăn, và với một chút sức lực vừa được phục hồi lại, tôi lật tung tất cả rồi chạy xuống nhà lấy xe đạp, phóng như bay ra khỏi con hẻm nhỏ.
Đám đông xôn xao, vây quanh trước cổng nhà con Vy. Có khoảng hai, ba mươi người ở đó, nhưng bên trong vẫn còn nữa. Xen giữa những màu áo hỗn tạp là màu xanh lá cây của đồng phục công an. "Họ đến đây làm gì? Chuyện gì xảy ra?" - tôi tự hỏi, và gọi thầm cái tên quan trọng nhất đối với mình - "Vy?". Thứ linh cảm lúc nãy lại đánh mạnh vào đầu, khiến tôi cảm thấy sợ hãi tột độ. Tôi lấy hết sức lao thật nhanh về phía trước, ném chiếc xe đạp bên cạnh vỉa hè, chen lấn qua giữa những bóng người rồi chạy thẳng vào trong sân. Tôi bị chặn lại và bị hỏi điều gì đó, nhưng tôi không nghe rõ, và cũng chẳng quan tâm. Giằng ra khỏi cánh tay đang chắn trước người mình, tôi tiếp tục lao đi như một tên điên. Nhưng khi có thêm hai người nữa đến chặn lại và đè đầu tôi xuống bãi cỏ, tôi không còn đủ sức lực để thoát ra khỏi đó được nữa. "Cho em vào, em là bạn của Vy!" - tôi không ngừng gào thét câu nói ấy và vùng vẫy, nhưng không ai đáp lời. Cỏ tươi, đất cát dần bám đầy vào mặt và chui vào trong miệng tôi. Một lúc sau, tôi nghe có giọng nói trầm trầm vang lên bên tai mình:
- Bình tĩnh em trai, nếu em cứ như vậy thì anh không cho em đi được.
Sức lực đã cạn kiệt, tôi không thể nào phản kháng thêm nữa. Những bàn tay trên người tôi lúc này mới buông lỏng. Tôi nhìn vào trong, bò đi một đoạn trên bãi cỏ rồi từ từ đứng lên. Chống tay dựa vào cánh cửa, tôi đưa mắt nhìn một lượt để hiểu xem chuyện gì đang xảy ra. Trước mặt tôi là phòng khách có chút bừa bộn, được ngăn cách với phòng bếp bằng lối cầu thang nằm sát bên một bức tường. Tôi bước đi chầm chậm về phía phòng bếp, cố gắng không chạm vào bất cứ thứ gì. Vài người đang đó, và ánh chớp của máy ảnh hiện lên không ngừng. Những cái ghế nằm ngổn ngang quanh chiếc bàn ăn, trên một vũng máu đang mất dần màu đỏ tươi. Tôi có chút hoang mang, nhưng vẫn cố giữ im lặng và tiến dần về phía đó. Một bàn tay bắt lấy vai tôi và nói:
- Không phải bên đó.
- Chuyện gì đã xảy ra? - Tôi quay lại và hỏi một cách trống rỗng.
- Đi theo anh, - Người ấy nói - Anh nghĩ em nên gặp bạn em trước đã.
Chương 33
Chúng tôi đi lên cầu thang, băng qua lối hành lang quen thuộc trước khi bước vào căn phòng nhỏ màu hồng ấy. Trước mắt tôi là một khung cảnh hỗn độn, cứ như có một cơn bão vừa quét ngang qua, xới tung từng thứ một lên rồi ném xuống mặt đất. Đằng sau chiếc giường, cô Hà ngồi dựa vào tủ quần áo, bàn tay phải giữ lấy vết thương trên cánh tay còn lại, máu vẫn còn đang lan ra trên tấm vải buộc màu trắng. Trước mặt cô, trong cái khe nhỏ giữa cái tủ và bức tường, con Vy đang ngồi co ro ở đó, quấn chăn kín người và run rẩy như bệnh nhân sốt rét. Gương mặt hốc hác tiều tụy, làn da xanh xao, đôi môi khô và nứt nẻ như sáp nến, đôi mắt đỏ hoe giữa hai quầng thâm màu đen. Một vết bầm bên gò má trái, một ít máu còn đọng lại nơi cánh mũi, và một vết rách trên khóe môi. Tất cả những thứ đó đều được phủ lên một lớp nước mắt. Tôi nhìn vào góc tường ấy, những dòng chảy suy nghĩ không ngừng lướt qua trong đầu. Đôi môi run rẩy, tôi muốn gọi tên nó nhưng không thể. Những bước chân nặng nề nhấc lên rồi đặt xuống, tôi bước đến bên cạnh cô Hà và ngồi xuống trước mặt con Vy. Tôi ngồi mà gần như đang quỳ, lặng lẽ nhìn gương mặt hoảng hốt ấy. Tôi đưa tay lên, muốn vén sang một bên những sợi tóc lòa xòa, đang bám vào vầng trán lấm tấm mồ hôi. Một cánh tay ngăn tôi lại, là cô Hà. Tôi nghiến chặt hai hàm răng, nhìn cô bằng một ánh mắt như đang bị thiêu đốt. Tôi không biết cái nhìn của mình là đúng hay sai nữa, nhưng nó đã làm cho cánh tay ấy phải hạ xuống. Cố gắng nhẹ nhàng nhất có thể, tôi khẽ chạm một sợi tóc mảnh mai. Nhưng chỉ một cái chạm khẽ khàng vậy thôi cũng đủ để khiến con Vy hét lên sợ hãi. Nó gục đầu vào trong lớp chăn dày cộm để trốn tránh.
- Vy! - Tôi khẽ gọi - Thiên đây.
Mái tóc rối xù run rẩy nâng lên, để lộ ra đôi mắt đỏ ngầu đằng sau những kẽ tóc, trợn trừng nhìn tôi. Đôi môi khô khốc mở to ra, nhưng không nói được bất cứ lời nào.
- A.. A.. - Nó ôm chầm lấy tôi, muốn nói gì đó, nhưng tất cả đã hóa thành tiếng kêu gào thảm thiết.
Nó gục đầu vào vai tôi, khóc như chưa từng được khóc. Nước mắt ướt đẫm bờ vai, ướt xuống cả ngực áo, như muôn ngàn mũi kim đâm vào trái tim tôi. Tôi cảm thấy những ngón tay nhỏ bé đang bấu vào lưng mình, chặt tới mức làm tôi không thể nào thở nổi. Không khí như bị nghẹn lại ở sống mũi, buộc phải tìm cách tràn ra từ trong hốc mắt. Tôi đưa tay lên ôm lấy nó, hôn vào những sợi tóc khô rối. Cả cơ thể nó run bần bật như một chú chim non giữa cơn mưa lạnh. Tiếng nấc bên tai cứ vang lên rồi kéo dài, tưởng như không thể nào ngừng lại. Cho tới khi đã mỏi mệt đến tận cùng, nó ngất đi trong vòng tay tôi. Nhẹ nhàng bế con Vy lên giường, tôi lau đi những giọt nước còn đọng lại trên khóe mắt, nhưng lau mãi vẫn không khô được. Sắp xếp những sợi tóc bị bết lại, tôi vuốt nhẹ trên gương mặt hốc hác và nắm lấy bàn tay lạnh ngắt của nó, lặng lẽ nhìn ngắm gương mặt đang say ngủ vì kiệt sức. Tôi đã có rất nhiều những mộng tưởng, về khung cảnh đứa con gái trước mắt nằm trên một chiếc giường êm ái, ngủ ngoan trong vòng tay mình, nhưng không thể ngờ rằng sự thật lại diễn ra như vậy.
Công an lần lượt gọi cô Hà và tôi xuống để hỏi một số việc, và tôi nói hết tất cả những gì mình biết. Khi chỉ còn lại cô Hà và tôi, cô bắt đầu khóc. Giữa những tiếng nấc nghẹn ngào, cô kể lại cho tôi nghe những chuyện đã xảy ra:
- Sau khi nói chuyện với cháu vào Chủ Nhật xong, cô lên máy bay vào Sài Gòn ngay trong buổi chiều. Có một số việc quan trọng ở công ty cần cô giải quyết. Lẽ ra thứ Năm cô mới về, nhưng mọi chuyện kết thúc sớm hơn dự kiến nên cô lên máy bay luôn vào tối thứ Ba. Vì lúc đó đã là nửa đêm nên cô không gọi về nhà mà quyết định đi taxi. Về đến nhà, cô thấy lạ khi phòng con bé vẫn còn sáng đèn. Cho đến khi cô vào nhà và đứng trước cửa căn phòng, cô mới thấy con bé đang bị trói trên giường, còn hắn.. hắn..
Nói đến đây, cô cúi xuống và ôm mặt khóc, vì không biết phải nói tiếp như thế nào. Một lát sau, cô đưa tay lên để gạt đi dòng nước mắt, trên ngón tay vẫn còn in hằn dấu vết của chiếc nhẫn.
- Cô vừa chạy vừa kêu cứu, - Cô nói tiếp - Nhưng giữa đêm tối chẳng có ai nghe thấy. Hắn đuổi kịp khi cô vừa chạy đến chân cầu thang. Cô bị hắn đẩy vào phòng bếp và bị đánh tới tấp vào mặt. Trong lúc đó, cô với tay lấy được con dao và đâm vào người hắn một nhát. Khi cả người hắn đã đổ gục xuống đất, cô có chút hoảng sợ. Cô đẩy cái xác ấy qua một bên rồi vội vàng chạy lên với con bé. Nhưng dường như con bé không còn nhận ra cô nữa, nó cứ ngồi trong cái hốc như vậy cho tới khi gặp cháu.
Cô xì mũi vào một cái khăn giấy rồi lại nói, bằng một giọng bình tĩnh hơn:
- Luật sư của cô nói rằng có thể giúp cô không bị sao cả, vì cô chỉ đâm có một nhát, trong tình trạng hoảng loạn. Nhưng sự thật là cô đã giết người và có thể bị ngồi tù. Nếu điều đó xảy ra, con bé sẽ sang ở nhà dì, nhưng người nó cần chỉ có duy nhất một mình cháu. Cô xin cháu, giúp cô chăm sóc cho Vy. Cô xin lỗi vì những gì đã nói với cháu, và tất cả những việc này nữa, đều là lỗi của cô.
Nói xong, cô lại ôm mặt khóc lần nữa. Tôi nhìn cô và gật đầu. Cho dù cô không nói, tôi vẫn sẽ chăm sóc cho con Vy. Tôi đã yêu, và dù cho có chuyện gì xảy ra cũng không thể thay đổi được. Chăm sóc cho người mình yêu thì có gì là khó chứ. Trừ khi tôi không còn yêu nữa.
Chúng tôi quay lại phòng ngủ của con Vy, nó đã thức giấc, đôi mắt vô hồn lặng lẽ nhìn lên những ngôi sao trên trần nhà. Nước mắt chảy thành dòng, thấm ướt đám tóc mai. Tôi chạy đến và nắm lấy bàn tay yếu ớt vô lực của nó. Tôi không dám nắm quá mạnh, sợ mình sẽ làm đau những vết hằn vẫn còn lưu lại nơi cổ tay.
- Em sợ lắm, - Nó thều thào - Sợ rằng sẽ không được nhìn thấy anh nữa.
- Đừng sợ, - Tôi hôn nhẹ vào bàn tay nó và nói - Có tao đây.
- Không, - Nó lắc đầu - Anh hãy gọi em là "em" đi.
- Ừ, - Tôi gật đầu - Anh biết rồi.
Trước đó, chúng tôi vẫn không thay đổi cách xưng hô của mình. Con Vy nói rằng nó lớn hơn tôi tám tháng nên không thể làm em được. Sau này, nếu hai đứa cưới nhau thì mới đổi, không thì vẫn sẽ xưng hô như cũ. Nhưng giờ đây, dường như nó đang cảm thấy bản thân thật nhỏ bé và cần được che chở, và việc thay đổi cách xưng hô mang cho nó một chút niềm tin rằng tôi sẽ bảo vệ được cho nó.
- Ba lần, - Con Vy nói - Anh đã bấm chuông cửa ba lần đúng không.
Tôi lại gật đầu.
- Em biết là anh sẽ đến mà, - Nó mỉm cười - Anh biết không, em đã nhắm mắt lại và cố nghĩ rằng đó là anh, như vậy em sẽ không còn sợ nữa.. nhưng, nhưng em không thể tự đánh lừa bản thân mình được..
Đôi mắt nó trở nên long lanh, và giọt nước mắt lại tràn ra, chạy trốn vào giữa đám chân tóc. Cô Hà đứng bật dậy, chạy thật nhanh ra khỏi căn phòng, nhưng tiếng khóc của cô vẫn kịp vọng lại. Hai giọt lệ rơi ra và lăn dài trên má tôi, thấm vào khóe môi đang mỉm cười rồi biến mất. Cả cơ thể tôi run lên, tôi không ngồi vững nữa và gục đầu xuống tấm chăn. Tôi há to miệng như muốn gào thét, nhưng không thể nào kêu thành tiếng. Những sợi bông nằm dưới lớp vải không ngừng hút cạn nước mắt bên trong tôi. Tôi cảm thấy mình không thở nổi nữa, đầu tôi kêu ong ong và mọi thứ bắt đầu nghiêng đi. Cả căn phòng như bị lật ngược lại và tôi tưởng như mình đang rơi ra khỏi mặt đất. Cơn sốt hôm trước lại đến, nhưng lần này nghiêm trọng hơn và nhấn chìm tôi vào trong hôn mê.
Chương 34
Một cú ngã từ trên đỉnh núi xuống vực thẳm, tôi xuyên qua đám mây bồng bềnh rồi giật mình tỉnh giấc trên một chiếc nệm mỏng. Mắt tôi mở toang ra, rồi hơi nheo lại vì những tia nắng chói chang từ cửa sổ. Đầu đau như búa bổ, tôi chống tay lên trán rồi từ từ hé mở đôi mắt của mình ra lần nữa. Cơn gió tràn qua ô cửa sổ làm những ngôi sao nhợt nhạt trên trần nhà khẽ đung đưa. Tôi nghiêng đầu về phía hình con mèo kitty của cái giường màu hồng bên cạnh mình, con Vy đang ngồi ở đó và nhìn tôi một cách chăm chú.
- Tỉnh rồi à? - Nó nở một nụ cười yếu ớt.
- Sao tao lại ở đây? - Tôi chống tay xuống nệm, cố gắng ngồi dậy.
- Tao? - Nó trừng mắt nhìn tôi - Anh nói chuyện với ai vậy?
- Xin lỗi, - Tôi nói - Anh quên mất.
- Tối qua tự nhiên anh lăn đùng xuống đất như con heo chết, em định ném ra đường nhưng vì nặng quá nên thôi. Nằm xuống đi, - Nó đặt ngón chân cái lên ngực tôi, với một lực vừa đủ để khiến tôi phải từ từ ngả người xuống - Trông anh vẫn còn yếu lắm.
- Chắc chỉ bị sốt nhẹ thôi. - Tôi sờ lên cái trán hơi âm ấm của mình.
- Khỏi cần sờ nữa, ba mươi chín độ thôi, cũng nhẹ lắm. - Nó thu lại bàn chân và nói - Mà em không ngờ là khi ngủ trông anh xấu kinh khủng như vậy.
- Xấu lắm sao?
- Ừ, xấu lắm - Nó nhếch môi và diễn tả lại tôi qua gương mặt của nó - Mắt thì mở he hé rồi trợn trừng lên, cái lưỡi thì thè ra ngoài như thế này này, còn chảy đầy nước dãi nữa.
- Không có chuyện đó đâu, - Cô Hà bước vào phòng với cái khay đựng hai tô cháo thơm phức - Vy trêu cháu đó. Hai đứa dậy rửa mặt đi rồi ăn sáng.
Món cháo nghêu của cô rất ngon, nhưng khi đã ăn được một nửa, tôi cảm thấy có chút khó nuốt. Cô Hà nói rằng đã gọi cho mẹ tôi nên tôi có thể ở lại. Mọi thứ xung quanh vẫn diễn ra bình thường khiến tôi cứ ngỡ như chuyện đó chỉ là một giấc mơ. Nhưng những dấu vết trên người con Vy nói tôi biết rằng tất cả đều là thật. Công an lại đến để làm việc, đi cùng bọn họ là một nữ bác sĩ. Tôi ngồi trên nền gạch lạnh lẽo của phòng khách và chờ đợi. Trong sân là vài bộ đồng phục màu xanh, cả ngôi nhà đang bị giám sát. Một lúc sau, cô Hà đi xuống và ngồi bên cạnh tôi.
- Cháu thấy đỡ hơn chưa? - Cô hỏi.
- Cháu khỏe lại rồi, - Tôi đáp lời, nhìn vào cánh tay cô - Cô không cần đến bệnh viện thật à?
- Không sao, có gì cô gọi bác sĩ đến cũng được, - Cô chạm nhẹ vào vết thương trên cánh tay mình - Cô nên ở nhà với Vy sẽ tốt hơn.
- Dạ.
- Cảm ơn cháu, - Cô nói - Nếu không có cháu, cô không biết phải làm sao nữa.
- Vy sẽ không sao chứ? - Tôi hỏi.
- Hi vọng con bé sẽ ổn. - Cô trầm ngâm một lúc rồi nói - Hôm qua lúc cháu bị ngất đi, Vy nó rất lo lắng. Khi cô chạy vào thì thấy cháu đã nằm gục dưới sàn, còn con bé thì ngồi bên cạnh lay cháu không ngừng, vừa khóc vừa gọi tên cháu. Mãi cho đến lúc bác sĩ đến khám và nói rằng cháu không sao, nó mới ngừng khóc. Con bé ngồi đó cả đêm để trông cho cháu, cô khuyên thế nào cũng không chịu đi ngủ. Vy nó lo lắng cho cháu tới mức - Cô hít sâu một hơi rồi đưa tay lên khóe mắt - Quên cả những việc vừa xảy ra với chính mình.
Tôi lắng nghe tất cả và chỉ im lặng.
- Nhưng có khi như vậy cũng tốt. - Cô lại nói.
Trưa hôm đó, tôi và con Vy lại được ăn món cháo do cô Hà nấu, cùng một ly nước trái cây. Một mình cô, với vết thương trên cánh tay, vẫn cố gắng chăm sóc cho hai bệnh nhân của mình. Con Vy chỉ ăn được một ít rồi ngủ thiếp đi. Có rất nhiều thứ đang đè nặng trên đôi mí mắt đầy những đường gân xanh của nó. Cô Hà xuống phòng khách để làm việc với luật sư của mình và để tôi lại với con Vy. Tôi lặng lẽ ngắm nhìn gương mặt có chút xanh xao ấy, đặt lên trán nó một nụ hôn nhẹ nhàng. Ngồi tựa đầu vào mép giường, tôi ngủ thiếp đi, trong bàn tay là những ngón tay nhỏ nhắn.
Có một thứ gì đó đang bóp chặt lấy những ngón tay làm tôi tỉnh giấc. Là bàn tay rất lạnh của con Vy. Tôi vội vàng ngồi dậy và đáp lại tiếng gọi của nó. Đôi chân mày nó khẽ nhíu lại, đôi đồng tử lăn lộn không ngừng bên dưới lớp mí mắt run rẩy. Nó gọi tên tôi mãi, nhưng hình như không nghe thấy tiếng tôi gọi lại. Những giọt mồ hôi li ti bắt đầu rịn ra trên trán, đầu nó cứ xoay qua xoay lại không ngừng trên cái gối. Nó bật dậy và hét lên một tiếng, thở dốc từng hơi một rồi ôm lấy tôi òa khóc. Lắng nghe âm thanh rền rĩ không ngừng bên tai, tôi mím chặt môi và cố gắng nín thở. Nhưng khi những hơi thở của tôi thoát ra, chúng run lên theo từng tiếng thút thít của con Vy. Tôi hôn lấy những sợi tóc bị bết lại và ôm chặt cơ thể nhỏ bé của nó trong vòng tay.
- Đừng sợ, - Tôi nói - Có anh đây.
- Có chuyện gì vậy? - Cô Hà vội vã chạy vào phòng.
- Vy gặp ác mộng ạ. - Tôi trao trả lại đứa con gái bé bỏng vào vòng tay cô, nhưng nó không chịu buông tôi ra.
Một lúc sau, con Vy bình tĩnh lại và không khóc nữa. Bên ngoài cửa sổ, hoàng hôn cũng sắp tàn, tôi có chút không nỡ nhưng vẫn phải ra về.
- Mai anh sẽ lại đến thăm em. - Tôi hôn lên tóc nó và nói.
Tôi đứng trước cửa phòng rất lâu, quay lại ôm lấy gương mặt ấy thêm lần nữa trước khi thực sự rời đi.
Ai đó đã đem chiếc xe đạp của tôi vào trong sân, đặt bên cạnh gốc cây hoa sứ. Tôi chào cô Hà rồi dắt xe ra khỏi cổng. Mặt trời đã lặn, những ngọn đèn chỉ mới thắp lên chút ánh sáng mờ, con đường phía trước tôi bỗng nhiên tăm tối và dài đến vô tận. Ổ bi xe đạp cứng ngắt, tôi đạp từng vòng nặng nề, tay lái run run trước cơn gió lạnh lẽo.
Những ngày sau đó, tôi đi học lại bình thường, nhưng không thể nào tập trung nghe giảng được. Ánh mắt tôi luôn hướng ra ngoài cửa sổ, còn tâm hồn tôi thì bay theo hướng nhà con Vy. Sau mỗi buổi học, tôi vẫn ghé qua chỗ con Maxi, nhưng tôi chỉ ở đó một lát rồi đi ngay. Con chó có vẻ buồn, nhưng tôi không thể ở lại lâu hơn được. Nếu như không phải con Vy vẫn thường nhắc nhở, có lẽ tôi cũng quên mất nó.
Tôi xin phép mẹ sang nhà bạn học nhóm đến tận buổi tối mới về, và bà đồng ý. Tôi tranh thủ nhiều thời gian nhất có thể để ở bên chăm sóc con Vy, nhưng mỗi lần tôi đến, trông nó lại càng gầy guộc và xanh xao hơn trước. Cô Hà nói với tôi rằng đêm nào nó cũng gặp ác mộng, rồi giật mình gọi tên tôi trong nước mắt. Dù có chút buồn khi người con Vy cần nhất lại là tôi, nhưng cô luôn tự trách bản thân và không dám đòi hỏi điều gì. "Nếu như không phải tại cô, chuyện này đã không xảy ra" - ngày nào cô cũng nói đi nói lại câu nói ấy vài lần. Cô không còn lưu luyến công việc của mình như trước nữa, và ước rằng giá như có thể từ bỏ mọi thứ sớm hơn.
Mỗi ngày đều có bác sĩ đến khám cho con Vy. Những vết thương trên cơ thể nó đã dần dần mờ đi, nhưng vết rách trong tâm hồn thì vẫn còn rất lớn. Ngày phiên tòa diễn ra, cô Hà được xử trắng án, nhưng trên nét mặt của cô chẳng có gì là mừng rỡ. Nụ cười của cô ướt đẫm những giọt nước mắt đắng chát. Những cơn ác mộng triền miên đã vắt kiệt sức sống của đứa con gái mười bảy tuổi của cô. Mùi thức ăn bắt đầu làm nó khó chịu, nó chẳng thể nuốt trôi thứ gì. Ăn uống đối với nó không còn là niềm vui nữa mà trở thành một cực hình. Sức khỏe nó cứ thế mỗi lúc một yếu, và nó được đưa đến bệnh viện trong trạng thái hôn mê. Cô Hà cho tôi biết rằng sau mỗi lần gào khóc gọi tên tôi trong đêm, nó lại đưa ánh mắt đờ đẫn nhìn vào một khoảng trống giữa căn phòng, cho đến khi lại thiếp đi. "Những lúc có mặt cháu, con bé mới tạm ổn trở lại" - cô nói. Thì ra con Vy vẫn luôn cố gắng như vậy trước mặt tôi, nó sợ làm tôi lo lắng mà không tập trung vào việc học hành.
Kỳ thi lớp Mười Một kết thúc, tôi có nhiều thời gian hơn ở bệnh viện để chăm sóc cho con Vy. Người nó lúc này đã gầy như que củi, hai gò má hóp lại giống như một quả bóng xì hơi. Đôi môi trắng nhếch vẫn cố nở một cười mỗi khi tôi đến, và tôi cũng cười lại với nó. Nhưng khi nhìn vào đôi mắt của nó, tôi thấy nụ cười của mình nhăn nhúm như quả chanh dây bị phơi khô. Sau lễ tổng kết năm học, tôi nói với mẹ về bệnh tình của con Vy, trừ nguyên nhân gây ra việc đó, và xin phép được ở lại bệnh viện qua đêm. Tôi ghét bệnh viện, ghét cái mùi của nó, tôi sợ linh hồn của những người đã chết còn đang lởn vởn xung quanh, và nhiều thứ khác nữa. Nhưng cũng chính vì vậy, tôi không thể để con Vy một mình mà không có tôi được.
Đêm đầu tiên thật khó khăn, tôi trằn trọc mãi vẫn không ngủ. Nhưng nhờ đó mà tôi kịp thời có mặt khi con Vy cất tiếng gọi. Tôi ôm nó và bắt đầu vỗ về như đang nâng niu một đứa bé. Cánh tay tôi không êm ái như của một người mẹ, nhưng đủ để giúp nó chìm lại vào trong giấc ngủ. Nó giật mình như vậy ít nhất ba lần mỗi đêm, hệt như đứa con gái lớn của anh Hai tôi trong những năm đầu tiên chào đời. Tất cả những gì tôi có thể làm là ở bên cạnh khi nó cần, và hi vọng rằng điều đó sẽ có ích.
Chương 35
Bầu trời ngoài cửa sổ bắt đầu chuyển sang màu lam. Chưa bao giờ thức đêm trước đó nên tôi có chút mỏi mệt. Dụi mắt nhìn đồng hồ thì thấy đã năm giờ sáng, tôi ngả người xuống chiếc ghế bố bên cạnh giường bệnh và lặng lẽ nhìn trần nhà. Vài vết nứt nhỏ đan xen, chen lấn nhau như mạng nhện, giữa những vệt ố vàng trên nền sơn trắng. "Căn phòng cũ quá rồi" - tôi thầm nghĩ - "có khi nào đang nằm như vầy nó sụp xuống không?". Ngay lập tức, những vết nứt ấy dần lan rộng, rải những hạt bụi trắng mờ xuống, đều như cách mẹ tôi rắc muối vào chảo cơm chiên. Trần nhà rách toác, để lộ ra những sợi gai thép sắc nhọn, đâm tua tủa như những cái xúc tu của một con bạch tuộc. Trong khe nứt, hai ngọn đèn màu đỏ lập lòe giống như đôi mắt của tử thần đang chăm chú nhìn tôi, cái nhìn của một người nông dân đang nhìn mùa gặt đến. Gương mặt ấy dần dần lộ ra khỏi khe hở của trần nhà, không một chút biểu cảm. Gương mặt không da không thịt, chỉ có duy một màu trắng xám của xương sọ, ẩn hiện trong mũ trùm của chiếc áo choàng đen rách rưới.
- Đến giờ rồi! - Giọng nói rè rè xuyên qua kẽ răng của cái miệng không có chút da môi ấy.
Chiếc lưỡi hái đen thui, dài ngoằng ấy từ từ giơ lên cao. Hít sâu một hơi, tôi mỉm cười nhìn những thứ đang diễn ra rồi nhắm hai mắt lại. Cổ họng tôi khẽ ngân nga giai điệu của bài hát November Rain, cho đến những nốt nhạc cuối cùng. Nền nhà lạnh lẽo, cứng ngắt, bỗng hóa thành những chiếc lông ngỗng mềm mại, bềnh bồng và ấm áp. Chúng nâng tôi lên một cách rất chậm, rất chậm, như cách mà gió nâng niu những cánh hoa bồ công anh, đưa chúng bay về phía ánh bình minh xa tận cuối chân trời. Tôi bắt đầu cảm nhận được hơi thở ấm áp của những tia nắng ban mai, như một tấm vải trắng nhẹ nhàng phủ lên trên cơ thể mình.
Khẽ nhíu mày, tôi chầm chậm mở đôi mắt ra và chớp vài cái. Trần nhà nhẵn nhụi và sạch trơn, chẳng có vết nứt nào ở đó cả. Cánh cửa sổ mở toang, cơn gió nhảy múa trên chiếc rèm trong khi những tia nắng chập chờn trong căn phòng. Hóa ra khung cảnh vừa rồi chỉ là mơ, tôi vẫn đang nằm trên chiếc ghế bố, trong một căn phòng ở bệnh viện. Con Vy ngồi xếp bằng trên chiếc giường của nó, chống cằm nhìn tôi.
- Lúc anh ngủ - Nó cười - Trông thú vị hơn nhiều.
- Hả? - Tôi nói - Sao vậy?
- Nói nhảm nhiều lắm.
- Có à - Tôi ngồi dậy và dụi mắt - Sao anh không biết nhỉ.
- Ngủ rồi lấy gì biết - Nó nói - Anh đúng là thằng ngốc mà.
Một giấc mơ thật kỳ lạ, và trong suốt thời gian ở bệnh viện, mỗi ngày tôi lại gặp một giấc mơ. Khi thì tôi bị lạc vào một khu rừng và bị truy đuổi bởi một bầy thú dữ, khi thì tôi bị tấn công bởi một bầy nhện đen sì trong chính ngôi nhà của mình, có khi tôi chỉ lang thang một mình giữa một thành phố hoang vắng không bóng người. Đôi lúc, những giấc mơ tiếp nối nhau hoặc lặp lại vài lần. Tôi kết luận là do ảnh hưởng từ cái không khí của bệnh viện nên mới bị như vậy, và cố không nghĩ đến chúng nữa. Mỗi buổi sáng, cô Hà lại mang đến cho chúng tôi cháo và một ít trái cây. Cô có nhiều công thức nấu cháo khác nhau, và tất cả đều rất ngon. Bữa sáng đầu tiên ở bệnh viện, tôi ăn hết phần của mình, trong khi con Vy vẫn chỉ ngồi đó, dựa lưng vào cái gối kê lên thành giường.
- Cháo ngon lắm. - Tôi nhìn nó và nói.
- Ừ, ngon thì ăn một mình luôn đi. - Nó phồng hai má lên, nhìn vào một góc phòng.
Cô Hà nhìn tôi cười, liếc mắt qua tô cháo trên bàn một cái rồi đi ra ngoài. Chợt hiểu chuyện gì xảy ra, tôi bưng lấy cái tô còn đầy lên và đút cho con Vy. Gương mặt lạnh lùng của nó vừa ăn vừa lườm tôi, nhưng không giả bộ được bao lâu thì nó phì cười rồi ho sặc sụa. Tôi lấy khăn giấy lau cho nó rồi lại tiếp tục. Con Vy ăn được một nửa thì ngừng, nó chỉ ăn được có bấy nhiêu.
Một buổi sáng, nó lấy cái túi ni lông mà cô Hà mang đến rồi đưa tôi một cuốn truyện, bảo tôi đọc cho nó nghe. Lâu rồi chúng tôi không đọc truyện, hình như là từ khi những năm học ở cấp Hai kết thúc. Tôi chợt nghĩ về mùa hè ba năm trước đó, chúng tôi cũng quanh quẩn bên nhau trong bệnh viện cả ngày. Chỉ là bây giờ, vai trò đã thay đổi, con Vy trở thành bệnh nhân, còn tôi là người chăm sóc. Nó bật cười khi nghe tôi nhắc đến chuyện cũ, và chúng tôi ngồi kể lể những kỉ niệm chung của nhau, bắt đầu từ lúc nó mò đến ngôi nhà của tôi. "Tự nhiên nhớ chị Nhã ghê, ước gì được ăn mấy cái bánh của chị làm!" - Con Vy nói. Đến trưa, nó lại nhắc tôi ghé thăm con Maxi xem nó thế nào.
- Nó vẫn ổn - Tôi nói, sau khi quay lại bệnh viện từ chỗ con chó - Hôm nay nó đã chịu ăn thức ăn của bà cụ cho rồi, nhưng nó nhớ em lắm đó.
- Ừ, - Con Vy nói, lấy ngón tay vẽ những hình vẽ vô hình lên tấm chăn - Em cũng nhớ nó.
- Vậy thì em phải mau khỏe lại để còn đến chơi với nó.
Nó nhìn tôi mỉm cười và gật đầu.
Giữa trưa, cô Hà lại mang thức ăn đến và để chúng tôi lại với nhau. Con Vy chỉ ăn được vài muỗng rồi bỏ mứa phần còn lại. Sau khi đút cho nó ăn xong, tôi ăn hết phần của mình vì không muốn lãng phí. Vì không ngủ suốt cả đêm trước đó, tôi đánh một giấc cho đến tận chiều. Và khi mở mắt ra, tôi lại thấy con Vy đang ngồi xếp bằng trên giường nhìn mình.
Ngoài trời đã chạng vạng, tôi hôn lên trán nó rồi tranh thủ về nhà để tắm rửa. Trên đường về, tôi ghé chợ mua ít nguyên liệu để làm bánh bông lan. Tôi nướng bánh bằng nồi cơm điện nên không mất quá nhiều thời gian, chị Nhã là người đã dạy tôi làm theo cách đó. Mặc dù không được ngon như bản gốc, nhưng cũng không đến nỗi tệ.
- Bánh ngon lắm. - Con Vy nói sau khi ăn bánh, và đó là lần đầu tiên cái bánh của tôi được nó khen.
Một lúc sau, cô Hà mang bữa tối đến. Trông thấy tôi và con Vy đang chén cái bánh một cách ngon lành, cô vội vàng chạy đến nhìn chúng tôi, nắm lấy tay tôi rồi kéo ra ngoài.
- Bánh đó ở đâu vậy? - Cô sốt sắng hỏi.
- Dạ, - Tôi nói, cảm thấy có chút lo lắng - Cái đó cháu tự làm.
- Cháu tự làm? - Cô ngạc nhiên - Vậy thì tốt quá rồi, mấy bữa nay con bé chẳng ăn được gì ngon lành như thế.
Sau khi nghe những lời cô vừa nói, tôi mới nhận ra điều đó. Chúng tôi quay trở lại phòng bệnh, cô Hà cắt một miếng bánh nhỏ rồi nếm thử.
- Bánh của cháu.. - Cô định nói nhưng lại im lặng, hình như đang suy nghĩ điều gì. Sau đó, cô ăn thêm một miếng bánh nữa và mỉm cười nhìn tôi - Ngon lắm, ngày mai cháu làm thêm nhé.
- Dạ. - Tôi nói.
Vậy là hôm sau, ngoài cháo và nước trái cây, thực đơn của con Vy còn có bánh bông lan do tôi làm. Giống như một chất xúc tác, con Vy bắt đầu có phản ứng với thức ăn, vị giác của nó đã có dấu hiệu bình thường trở lại. Mặc dù những cơn mộng mị vẫn còn xuất hiện vào mỗi đêm, nhưng sức khỏe của nó đã được cải thiện phần nào. Tôi cảm thấy may mắn vì những cố gắng của mình cuối cùng cũng được đền đáp.
Một tuần sau, bác sĩ kiểm tra cho con Vy lần nữa và nói nó có thể xuất viện. Sau khi làm thủ tục xong xuôi, chúng tôi bắt đầu thu dọn đồ đạc. Về đến nhà, khi cánh cổng mở ra, con Vy reo hò vui sướng chạy đến góc sân, nhặt một bông hoa sứ đưa lên mũi, hít nhẹ một hơi rồi đặt lên mộ con Misa, và nhanh chóng biến mất sau cánh cửa. Khệ nệ bưng cái vali qua những bậc thang, tôi thấy nó cứ đứng ngây người trước cửa căn phòng. Tôi tiến tới và nhìn vào trong, cái thế giới màu hồng của nó đã thay đổi, hay đúng hơn là biến mất. Mọi thứ đã chuyển sang màu xanh dương, và khuôn mặt của Đô-rê-mon xuất hiện khắp nơi. Vị trí của các đồ vật cũng đã bị hoán đổi, duy chỉ có cây đàn là vẫn ở chỗ cũ. Những ngôi sao dạ quang đã biến mất, thay thế chúng là những ngôi sao bằng đèn led, và có cả một dải ngân hà ở đó. Mặc dù con Vy cũng thích Đô-rê-mon, và cả hai đều là mèo, nhưng tôi biết thứ nó thích nhất vẫn là Kitty. Có lẽ cô Hà muốn thay đổi căn phòng để không gợi nhớ cho con Vy về những ký ức cũ. Hóa ra cô vẫn hay vắng mặt ở bệnh viện là để làm những việc này.
- Anh thấy thế này cũng đẹp mà, - Tôi đứng nhìn một lát rồi khiêng cái vali vào trong - Màu xanh mát mẻ, lại dễ ngủ nữa.
- Anh thích màu này chứ em có thích đâu, - Nó ngồi lên chiếc giường - Căn phòng cũ có rất nhiều kỷ niệm với em.
- Vậy thì - Tôi ngồi xuống bên cạnh nó - Chúng ta hãy cùng nhau tạo nên những kỷ niệm mới.
Con Vy nhìn tôi và gật đầu, rồi tiến về phía cây đàn. Bàn tay vuốt nhẹ trên những phím đàn, như để lau đi những hạt bụi, nhưng cây đàn đã được lau chùi sạch bóng trước đó. Nhấn xuống hai nốt nhạc rất trầm, con Vy đứng lặng im như thể đang lắng nghe cây đàn muốn nói gì. Và đáp lại tiếng gọi của cây đàn, cũng như lời cổ vũ trong tim tôi, nó nhẹ nhàng ngồi xuống chiếc ghế. Những ngón tay lả lướt trên phím đàn, giai điệu mà tôi đã từng nghe có chút trầm lặng hơn, nhưng vẫn thật hoàn mĩ. Nhảy qua ô cửa sổ, tia nắng khẽ đùa trên mái tóc đang bay bay trong gió, mang theo một chút ánh sáng của hi vọng.
Chương 36
Sau khi về nhà được một tháng, con Vy đã hoàn toàn bình phục, hoặc có thể cho là vậy. Nó không còn mộng mị hay chán ăn nữa. Chúng tôi vẫn đang trong kỳ nghỉ hè, nhưng vì đã bỏ lỡ mất kỳ thi cuối năm nên nó phải làm bài kiểm tra bù lại cho từng môn, nếu muốn được lên lớp. Để có được bài kiểm tra đó, cô Hà đã hứa sẽ tặng cho trường một khoản tài trợ học bổng trong ba năm. Tôi không biết con số cụ thể nhưng chắc cũng không nhỏ. Mặc dù biết bọn họ sẽ mắt nhắm mắt mở cho qua, nhưng con Vy vẫn ôn tập rất nghiêm túc và hoàn thành bài kiểm tra với kết quả gần như tuyệt đối. Thời gian ít ỏi còn lại của mùa hè, tôi và con Vy lại có những chuyến đi biển vào buổi sáng. Chúng tôi cùng nhau chơi đuổi bắt, chơi té nước, thi bơi, xây lâu đài cát, vừa lắng nghe tiếng hát của biển vừa ngắm bình minh. Mỗi ngày, chúng tôi lại dành ít thời gian để đến thăm con Maxi. Được gặp lại con Vy, con chó cũng vui vẻ hơn là khi chỉ có mình tôi. Mọi thứ đã bắt đầu bình yên trở lại, nhưng sự yên bình đó cũng chỉ được trong một khoảng thời gian ngắn.
Ngày khai giảng, cả sân trường nhộn nhịp bởi những chiếc quần xanh, áo trắng và những tà áo dài. Khắp nơi là những gương mặt vẫn luôn háo hức vào ngày đầu năm học, và sẽ nhanh chóng chuyển sang trạng thái chán ngán chỉ sau vài tuần. Hội trường sặc sỡ trong sắc cờ và hoa, một đám học sinh đứng sau sân khấu dượt lại bài gõ trống, trong khi hai nữ sinh đang tập kéo lá Quốc Kỳ cho khớp với thời gian của bài Quốc Ca. Ông thầy Bạch Giang lên trước sân khấu, gõ gõ vào chiếc micro và đọc đi đọc lại câu thần chú "alô, alô, một hai ba bốn" để nó không kêu ré lên nữa. Sự huyên náo trong sân trường dần trật tự trở lại khi ông thầy ấy nhắc nhở các học sinh im lặng để bắt đầu buổi lễ.
Sau khi tiến hành chào cờ, hát ba bài hát là Quốc Ca, Đoàn Ca và Hành Khúc Lý Tự Trọng, chúng tôi mới được ngồi xuống. Trong lúc thầy hiệu trưởng đọc diễn văn chào đón đám học sinh mới, bọn học sinh cũ vẫn mạnh dạn nói chuyện râm ran bên dưới. Chỉ có khu vực của đám lớp Mười, vì mới chân ướt chân ráo vào trường, hoặc vì chúng chẳng quen biết ai để bắt chuyện, là còn giữ được trật tự. Dù sao thì ngôi trường này cũng có chút danh tiếng về kỷ luật, vì vậy việc lớp đàn anh tỏ ra thờ ơ với bài diễn văn của ông thầy khiến bọn chúng có chút nghi hoặc. Hồi mới vào trường, tôi cũng giống hệt như vậy, nhưng giờ thì quen rồi.
Những tiếng nói chuyện vẫn vang lên đều đều xung quanh tôi, nhưng không quá lớn để làm mất mặt thầy hiệu trưởng. Tôi không quan tâm đến những câu chuyện xung quanh mình lắm, cho tới khi nghe thấy những lời bàn tán về con Vy. "Ê mày, con Vy đi học lại kìa", "Nghe nói con nhỏ đó bị hiếp dâm đúng không?", "Nhìn mặt tươi tỉnh thế kia mà bị hiếp gì", "Hiếp gì mà hiếp, nó loạn luân với cha dượng, xong còn giết người nữa", "Đúng rồi, nhìn như hồ ly tinh ấy".. và nhiều lời độc ác khác nữa. Nắm chặt nắm đấm, tôi định mặc kệ bọn chúng là con gái hay con gì cũng sẽ cho một bài học, nhưng một bàn tay nhẹ nhàng đặt lên vai tôi để ngăn lại.
- Em không sao. - Con Vy nhìn tôi khẽ lắc đầu, nở một nụ cười đắng ngắt.
Tôi mím môi và nghiến chặt hàm răng, nhìn sự đau khổ giấu trong ánh mắt nó rồi cúi gằm mặt xuống, nhìn những hạt cát dưới chân mình. Chúng tôi chẳng khác nào những hạt cát ấy, còn cuộc đời thì sẵn sàng giẫm đạp lên bất cứ khi nào nó muốn. Cảm giác khó thở bủa vây lấy tôi khi những âm thanh ấy vẫn cứ vang lên, nhưng tôi biết con Vy còn đau đớn hơn gấp trăm lần. Nó đã làm gì sai chứ, sao bọn chúng có thể nói những lời như vậy. Không, nó không làm gì sai cả, chỉ có cuộc đời này sai mà thôi. Con Vy càng mạnh mẽ bao nhiêu, cuộc đời càng muốn vùi dập nó bấy nhiêu. Nó càng im lặng chịu đựng, những lời đồn càng lan nhanh. Suốt một tháng phải đến trường trước những ánh mắt dòm ngó và những tiếng xì xầm sau lưng, sức khỏe của con Vy lại bắt đầu yếu đi. Tôi biết mình không thể để nó phải chịu đựng thêm nữa, nhưng lại không thể làm được gì.
Một buổi tối đầu tháng Mười Một, mẹ tôi nhận được một cú điện thoại nói rằng chú Bảy tôi mất. Mặc dù không có nhiều hồi ức về người chú của mình, nhưng sự ra đi của ông để lại một chút ấn tượng trong tôi. Trong điện thoại nói rằng di hài chú tôi được bạn bè đưa đến trước nhà bà nội, tôi và mẹ phải lập tức sang đó để lo chuyện hậu sự. Vì trời đã tối nên mẹ tôi không báo cho ba tôi biết, phải đến sáng hôm sau mới gọi điện cho chú Tám rồi nhờ nhắn lại. Và chưa đầy hai tiếng sau đó, ba tôi đã có mặt, dù ngoài trời đang mưa rất to. "Sao từ tối qua mà bây giờ mới nói hả!" - ông quát vào mặt mẹ tôi. Đó là lần đầu tiên tôi thấy ba to tiếng với mẹ. Nhưng sau đó, ông im bặt, ngồi xuống bên cạnh linh cữu chú Bảy rồi khóc. Đó cũng là lần đầu tiên tôi thấy ba tôi khóc. Ông không khóc ngay cả khi bà nội tôi mất, vậy mà lại khóc trong tang lễ của chú Bảy, người em út của ông. Trước khi đưa chú tôi đi, mọi người hái một nhành cây khế đặt vào trong quan tài, nói rằng đó là di nguyện của chú ấy. Cả cuộc đời của chú là một bí ẩn đối với tôi, kể cả sau khi mất đi thì đó vẫn là một bí ẩn.
Sau hai ngày nghỉ học vì tang lễ của chú Bảy, tôi đến trường trở lại vào thứ Tư. Tôi ghé sang nhà con Vy nhưng cô Hà nói nó đã đi từ trước. Tôi đến lớp và nhìn vào chỗ con Vy ngồi, nơi ấy trống không, cũng không thấy chiếc cặp của nó đâu. Khi tiếng trống vào lớp vang lên, mái tóc dài ngang lưng quen thuộc vẫn chưa xuất hiện ở đó làm tôi có chút lo lắng. Ô sĩ số ở một góc của tấm bảng, con Bích lớp trưởng ghi vắng một và có phép. Con Vy đã tự viết và ký vào tờ đơn xin nghỉ phép của nó. Sau hai tiết học không tập trung được gì, tôi lấy xe đạp đi ra khỏi trường. Bà nội tôi đang trong cơn nguy kịch là lý do để chú bảo vệ cho tôi bước qua cánh cổng.
Tôi chạy thật nhanh sang nhà con Vy, và chỉ thấy mỗi cô Hà ở đó. Nghe những điều tôi nói, cô gọi điện cho tất cả những người mà cô có thể nghĩ tới, nhưng không một ai nhìn thấy con Vy. Cô hốt hoảng nhấc máy điện thoại lên, rồi lại dập xuống không biết bao nhiêu lần, và mỗi lần qua đi, nước mắt lại dần lan tràn ra khóe mi của cô một ít. Những dòng suy nghĩ chạy qua chạy lại trong đầu, tôi muốn nắm bắt chúng lại để hỏi xem con Vy đã đi đâu, nhưng mọi thứ cứ trơn tuột đi mất. Trong một khoảnh khắc thoáng qua, tôi nghĩ đến biển, nơi mà chúng tôi đã có rất nhiều kỷ niệm với nhau, chỉ sau ngôi nhà của tôi. Tôi vỗ nhẹ lên bờ vai cô Hà rồi lấy xe đạp chạy đi. Những linh cảm không lành cứ len lỏi trong dòng suy nghĩ, khiến tôi phóng chiếc xe của mình đi nhanh nhất có thể.
"Cạch".
Chiếc bàn đạp bị rơi ra, tôi mất thăng bằng và rơi xuống giữa lòng đường. Nhìn chiếc xe đạp nằm chỏng chơ như đang trêu ngươi, tôi ném nó lên vỉa hè rồi chạy đi. Giữa bao ánh mắt nhìn về phía mình, tôi lao đi như một tên trộm bị bắt quả tang, nhưng không ai hô hoán lên nên tôi vẫn không bị cản lại. Một chiếc giày bị đứt quai làm tôi trượt chân ngã, tôi đứng dậy, tháo luôn chiếc giày còn lại và tiếp tục chạy. Đôi chân trần khiến tôi chạy nhanh hơn bao giờ hết. Cảm giác đã không còn xuất hiện ở lòng bàn chân, tôi mặc kệ và đạp lên trên tất cả, dù là mặt đất nóng rát dưới cái nắng mười giờ, hay những viên đá dăm nhọn hoắc rơi vãi trên đường. Băng qua đường Trần Phú đầy xe cộ qua lại, tôi chạy lên khu quảng trường rộng lớn rồi lao xuống bãi cát nóng bỏng như vừa mới lấy ra từ lò than. Tôi nhìn về phía biển, rồi lại nhìn xung quanh. Không gian quay cuồng trong đôi mắt tôi, nhưng quay bao nhiêu vòng tôi vẫn không thấy được hình bóng cần tìm. "Vy có thể đi đâu được chứ?" - Tôi tự hỏi.
Đôi chân vô lực, tôi quỳ xuống trên những hạt cát. Đầu gối như bị thiêu đốt, nhưng tôi chỉ có thể ôm lấy đầu mình và cúi gập người xuống. Tôi vò nát mớ tóc, những ngón tay nắm lại như để rút ra được chút suy nghĩ nào đó. Nhưng càng nghĩ, tôi càng thấy hỗn loạn. Tôi đấm vào những hạt cát vô tội từng nhát, từng nhát một, cho tới khi chúng vỡ vụn và ứa máu. Tôi bấu những ngón tay vào mặt cát, hai mắt nóng lên như bôi ớt, tiếng gầm gừ xuyên qua từng kẽ răng và nước dãi nhiểu xuống như một con thú hoang dại. Tôi đứng dậy và tiếp tục chạy dọc theo bờ biển, với chút hi vọng cuối cùng. Trong đầu tôi giờ chỉ có con Vy, tôi mặc kệ tiếng tim mình kêu gào mệt mỏi, phổi tôi dường như mất khả năng co dãn, đôi chân tôi vẫn chỉ biết chạy và chạy. Các khớp xương như bị tháo rời và không còn chống đỡ được sức nặng của cơ thể, những bước chạy của tôi trở nên xiêu xiêu vẹo vẹo. Tôi như một thây ma đang chạy đi tìm kiếm thức ăn. Phải, con Vy chính là nguồn sống của linh hồn tôi, và trong đầu tôi chẳng thể nghĩ đến điều gì khác ngoài nguồn sống đó. Khi đã sức cùng lực kiệt, tôi tưởng như mình sẽ gục ngã, nhưng hình bóng hiện ra trước mắt làm cho mọi sức lực đã mất đi dần trở về trong cơ thể.
Con Vy ngồi trên thành cầu, khoác lên mình một chiếc váy màu trắng, chiếc váy mà nó đã mặc trong ngày sinh nhật lần thứ mười sáu. Dưới chiếc mũ rộng vành màu trắng, mái tóc đen dài tung bay, bềnh bồng tựa một áng mây. Nó đang tận hưởng làn gió mát trong lành đang mơn man trên da thịt, hít thở hương vị mằn mặn, nồng nàn của biển. Những con sóng lần lượt xô vào chân cầu, vỡ tan trong ghềnh đá bên dưới, như đang sùng bái nữ hoàng của chúng. Con Vy nhìn tôi, đôi môi nhỏ nhắn mấp máy như đang nói điều gì. Rồi nó nở một nụ cười, nụ cười vẫn luôn làm thổn thức trái tim tôi. Tôi bước đi từng bước một, chen qua đám đông đang đứng xung quanh, để đến với nữ hoàng của mình.
- Em nhảy, anh nhảy! - Tôi nói.
- Nhìn anh kìa, - Con Vy lấy chiếc mũ đội lên cho tôi - Em chỉ đang suy nghĩ xem nên tặng gì cho anh dịp sinh nhật sắp tới thôi mà.
Nó xoay người lại, đặt hai chân lên cầu và nắm lấy tay tôi. Chúng tôi bước ra khỏi vòng vây của những ánh mắt hiếu kỳ rồi về nhà. Tôi cảm thấy có chút sợ hãi, nhưng nụ cười của con Vy đã khéo léo xua tan đi điều đó.
Chương 37
Sinh nhật tôi, trời lại mưa như trút nước, nhưng chúng tôi vẫn gặp nhau như đã hẹn. Bên trong lớp áo mưa, con Vy mặc một chiếc váy màu lam đơn giản, chỉ để lộ ra đôi cổ chân nhỏ xinh trên đôi giày màu đỏ. Giống như lần trước, chúng tôi lại tổ chức sinh nhật ở chỗ con Maxi, nhưng trời mưa khiến con chó hơi buồn. Nó không ăn bánh với chúng tôi, cứ ngậm lấy cổ tay con Vy rồi kêu "ư ử" trong miệng.
- Có lẽ vì lâu ngày mới được gặp lại em nên nó mới như vậy - Con Vy nói với tôi, rồi lại vuốt ve đám lông trên đầu con chó - Ngoan nào, sau này tao sẽ không bỏ rơi mày nữa đâu.
Sau khi chia tay con Maxi, chúng tôi đạp xe qua một đoạn đường dài rồi rẽ vào một con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Trãi. Dừng lại trước một ngôi nhà màu trắng, con Vy nhảy xuống xe, lấy chìa khóa tra vào ổ và nói:
- Đây là nhà chú em, cả gia đình chú vừa chuyển ra nước ngoài rồi nên giờ ngôi nhà chỉ bỏ không.
Tôi dắt xe vào khoảng sân nhỏ trước nhà trong khi con Vy đóng cổng lại. Ngôi nhà khá rộng rãi và đầy đủ tiện nghi, chỉ có điều hơi bụi một chút. Chúng tôi dọn dẹp sơ qua phòng khách rồi trải ra hai tấm nệm lớn để ngồi. Con Vy lấy đủ thứ đồ ăn trong tủ lạnh ra, cùng một ít bia và nói:
- Hôm nay chúng ta sẽ uống một bữa ra trò.
- Nhưng mai còn phải đi học..
Một nụ hôn bất ngờ đặt lên môi ngăn tất cả mọi âm thanh lại, con Vy buông tôi ra rồi nở một nụ cười duyên dáng:
- Ngày mai của anh với hôm nay của em, cái nào quan trọng hơn?
Tôi đã say kể từ khoảnh khắc đó, trước khi chúng tôi uống những ngụm bia đầu tiên. Con Vy bắt đầu nói về rất nhiều thứ, về cuốn truyện đầu tiên nó đọc là của một đứa bạn hồi Tiểu Học cho nó, về lần đầu tiên nó đi thuê truyện chỗ bà Hoa là khi đang học lớp Ba, sau đó là sở thích sưu tầm truyện tranh bắt đầu từ năm lớp Năm. Nó kể về năm lớp Sáu, về cái thằng lúc nào cũng câm như hến ngồi bên cạnh, dù nó đã nhiều lần cố ý mượn đồ rồi không trả, nhưng thằng ngốc ấy vẫn không đả động gì đến chuyện đòi lại, dường như một câu nói của thằng ngốc ấy còn quý hơn cả cây bút hay cục tẩy. Thằng ngốc mà con Vy nói chính là tôi. Nhưng sự kỳ lạ của tôi khiến nó thấy tò mò và đi theo đến tận nhà, kết quả là cả hai gắn bó với nhau từ dạo ấy. Rồi nó kể về những buổi tan trường, nó cố tình làm cho chiếc xe đạp bị hư và bắt tôi loay hoay dưới cái nắng để sửa cho nó. Nó cứ tưởng tôi sẽ gắt gỏng vì chiếc xe, nhưng tôi vẫn im lặng và cố sửa cho nhanh để nó còn về nhà. Nó đã thực sự cảm động kể từ giây phút ấy. Nó nói về cái lần chúng tôi đã phun mưa ra khắp phòng khách nhà nó, nó chỉ muốn biết tôi có thể làm bất cứ việc gì vì nó hay không, kể cả cái trò chơi kỳ cục mà nó chợt nghĩ ra. Nó giải thích rằng nó không phải là một đứa thích nói nhiều, chỉ vì lúc nhỏ thường phải ở nhà một mình khiến nó có chút sợ khi không gian quá tĩnh lặng. Rồi nó nhắc về chị Nhã, rằng chị là một người chị gái tuyệt vời, biết làm bánh, nấu ăn ngon, và dường như lúc nào cũng hiểu ý nó, bởi vậy mà hai người đã thân thiết với nhau ngay từ khi gặp mặt. Nó cảm thấy nuối tiếc vì không thể có một người chị như thế. Nó cứ huyên thuyên từ chuyện này sang chuyện khác không ngừng nghỉ, dường như muốn kể cho tôi nghe tất cả mọi thứ về con người nó.
Sau khi uống hết lon thứ tư, tôi bắt đầu thấy hơi chóng mặt, trong khi con Vy vẫn còn khá tỉnh táo. Nó ghé sát tai tôi và thổi nhẹ một hơi âm ấm vào đó:
- Anh muốn nhìn thấy quà sinh nhật của mình không.
- Có. - Tôi nói.
Một nụ hôn nồng ấm nữa lại đến, rồi nó lùi về sau hai bước, nhẹ nhàng như một con mèo. Cánh tay trắng nõn từ từ nâng lên cao, rồi vòng qua sau gáy. Tôi nghe thấy tiếng dây khóa kéo trượt đi, và chiếc váy trôi tuột xuống dưới đôi chân nuột nà. Toàn bộ cơ thể của con Vy hiện ra trước mắt, tôi ngồi đó ngắm nhìn tất cả mọi thứ, từ trên xuống dưới như đang bị thôi miên. Chân nó nhón lên, bước ra khỏi vòng tròn của chiếc váy đang nằm dưới sàn nhà. Nó tiến lại gần tôi, cúi xuống trước mặt tôi và bắt đầu gỡ từng chiếc khuy áo. Bàn tay tôi nắm lấy chiếc cổ tay nhỏ bé đang chạm trên ngực, mắt vẫn không rời khỏi gương mặt đang tươi cười kề sát gương mặt mình, nhưng thỉnh thoảng lại hơi liếc xuống dưới. Một nụ hôn mãnh liệt ập đến và hút hết sạch mọi suy nghĩ phản kháng trong tôi. Tôi đưa tay lên ôm lấy cơ thể ấm áp ấy, vuốt ve trên làn da mịn như nhung và để mặc cho những bản năng nguyên thủy nhất của mình ồ ạt xông vào chiếm lấy tâm trí. Bên ngoài, cơn mưa lạnh lẽo vẫn rơi, còn chúng tôi thì trần trụi hòa quyện trong hơi ấm của nhau để tìm đến cực cảm.
Sau những phút giây đắm chìm trong cảm giác thiên đường ấy, tôi nằm ôm lấy con Vy trong lòng. Bàn tay tôi xoa nhẹ trên bầu ngực tròn trịa, phập phồng như mặt nước, và có thể vỡ tan ra bất cứ lúc nào. Tôi hôn nhẹ trên bờ vai gầy và hít thở hương thơm trên cái cổ trắng ngần, muốn lưu giữ khoảnh khắc này lâu nhất có thể trong ký ức của mình. Một lần nữa, tôi ước rằng giá như cuộc đời có thể dừng lại mãi ở phút giây này, và con Vy cũng mong muốn như vậy. Nhưng thời gian thì vẫn cứ trôi đi, kéo chúng tôi đứng dậy, dọn dẹp mọi thứ và rời khỏi ngôi nhà ấm áp ấy khi đã mười một giờ đêm.
- Xe đạp anh sửa xong chưa? - Con Vy hỏi.
- Chưa, ba anh nói tuần sau mới về để sửa lại.
- Em thấy hơi mệt, - Nó ngập ngừng - Chắc mai không đến lớp được, anh lấy xe em về rồi mai đi học luôn, khỏi mất công phải đợi.
- Ừ, mà em thấy mệt ở đâu?
- Không biết, chắc tại lúc nãy anh ôm em chặt quá. - Tôi nghe tiếng cười từ phía sau vọng lại.
- A, xin lỗi, anh không kìm chế được.
- Cái đồ ngốc này, - Bàn tay nhẹ nhàng đánh vào lưng tôi, rồi nó tựa đầu vào đó, hơi thở êm đềm sưởi ấm từng đốt xương sống - Em có nói không thích như vậy đâu.
Con Vy bảo tôi dừng xe ở một góc khuất gần nhà nó. Nó chui ra khỏi chiếc áo mưa và nhảy xuống xe, mặc cho những hạt mưa rơi trên người. Chiếc váy màu lam bắt đầu ướt nhẹp, dán chặt vào lớp da thịt mịn màng ấy. Tôi mơ hồ lại thấy được toàn bộ cơ thể hoàn mỹ mà mình vừa chứng kiến trước đó không lâu. Nó kéo chiếc áo mưa ra khỏi người tôi rồi bỏ vào giỏ xe. Nó ôm chặt lấy tôi, những cơn run rẩy của hai cơ thể cộng hưởng qua từng lớp áo, qua da thịt và qua từng hơi thở, xua tan đi cơn lạnh lẽo đang bủa vây xung quanh.
- Anh sẽ không giận em chứ. - Con Vy nói.
- Sao anh lại giận em?
- Vì em đã để anh ướt như thế này.
- Tất nhiên là không rồi. - Tôi mỉm cười, cúi xuống và hôn nhẹ lên mái đầu ướt sũng.
- Ngày mai, - Nó giấu gương mặt trong ngực tôi và nói - Nếu như em không đi học, đó không phải là lỗi của anh. Vậy nên, lời xin lỗi của anh khi nãy, em không nhận đâu. Anh hứa với em một chuyện được không?
- Anh hứa.
- Em còn chưa nói chuyện gì mà.
- Chỉ cần đó là em, ai cần quan tâm chuyện gì chứ.
Con Vy ôm chặt tôi hơn, khiến tôi nghe được những nhịp tim rộn rã chạm vào ngực mình. Nó nói:
- Những ngày qua, em thấy anh hay phiền muộn, và em không thích anh như vậy. Hứa với em, anh không được như vậy nữa, anh phải luôn tươi cười, luôn vui vẻ, nếu không em sẽ không tha thứ cho anh đâu.
- Ừ, anh hứa.
Dưới cơn mưa, đôi môi chúng tôi lại tìm đến với nhau, nhưng lần này lâu hơn bao giờ hết, giống như muốn đem cả sinh mệnh của chúng tôi đặt vào trong đó. Nước mưa tràn vào khóe môi, có chút mằn mặn, âm ấm. Trong cơn đê mê nồng nàn ấy, tôi không còn suy nghĩ được gì nữa, không hề biết rằng những giọt mưa ấy lại chính là nước mắt.
Sáng hôm sau, con Vy tự sát. Cô Hà nói với tôi rằng khi cô thức dậy để làm bữa sáng thì nó đã ở trong phòng tắm. Nhưng khi cô đã làm xong mọi thứ và gọi nó ra ăn thì đáp lại chỉ là tiếng nước chảy không ngừng. Cửa phòng bị khóa trái, cô không thể nào mở ra được và phải nhờ đến những người hàng xóm phá cửa. Khi cánh cửa mở tung ra, con Vy đã nằm đó, với một vết cắt trên tay, máu vẫn còn đang chảy không ngừng. Xe cấp cứu đến ngay sau đó, nhưng đã quá muộn màng. Vy đã mãi mãi ra đi vào ngày hôm ấy, sau sinh nhật của tôi một ngày..
Giữa không gian mờ ảo trong từng làn khói nghi ngút, em nằm trên chiếc giường mới, trông như một cái nôi, của mình. Đôi hàng mi cong dài của em đã đóng lại, và em ngủ ngoan như một đứa trẻ vừa ăn no sữa. Trên đôi môi em vẫn còn vương một nụ cười nhẹ nhàng, em đang mơ về điều gì, là anh chăng? Em chỉ đang ngủ thôi phải không? Ngủ say sưa tới mức những tia nắng đùa nghịch trên gương mặt cũng không làm hàng mi em rung rinh, và những âm thanh ồn ào xung quanh cũng không thể đánh thức em được. Giấc ngủ thật bình yên, em sẽ không còn phải lo lắng hay sợ hãi về bất cứ điều gì nữa. - Tôi quỳ ở đó, ngắm nhìn cả thế giới của mình đang chìm trong giấc ngủ, thì thầm những suy nghĩ khó hiểu.
Chương 38
Những gương mặt xa lạ lướt qua xung quanh tôi như những hồn ma, hay chính tôi là một bóng ma ở giữa họ. Tôi không biết mình lên xe lúc nào, và con đường dọc bờ biển mà chúng tôi hay đi cũng trở nên khác lạ. Giấy vàng trải khắp nơi như những bông hoa, dập nát dưới cơn mưa lạnh lùng. Bầu trời xám ngắt, màn mưa trắng xóa, hàng cây bên đường đổ rạp, còn gió thì như những lưỡi dao không ngừng cắt vào trái tim tôi.
Những hạt mưa nặng trĩu vẫn cứ rơi xuống không ngừng nghỉ. Cái cây nhiều lá nhất cũng bắt đầu trơ trụi, khiến cho lũ chim không còn chỗ nào để trú ẩn. Có lẽ lũ chim chết hết rồi, hoặc chúng đã hóa thành những con quạ bay lòng vòng trên đầu tôi. Tôi như một bóng ma lướt đi trong khu nghĩa trang âm u lạnh lẽo, giữa rừng bia mộ đang giương những chiếc móng vuốt ra cào xé lấy bất cứ thứ gì tới gần chúng. Dưới chân tôi, mặt đất nhão nhoẹt, sền sệt và đen đặc, như một đầm lầy rộng lớn vô tận, sẵn sàng nuốt chửng những sinh linh không thuộc về bóng tối. Có thứ gì đó không ngừng đu bám vào chân tôi, muốn kéo tôi vào thế giới của chúng. Tôi đứng đó, cả cơ thể như đang chìm vào trong lòng đất, nhìn mọi người đặt trái tim tôi vào trong một hố sâu thăm thẳm. Những cánh hoa được thả xuống, ngay tức khắc bị đám bùn lầy tiêu hóa đi, và tôi cũng đặt vào đó một nhành hoa sứ trắng.
"Ngủ ngon, nữ hoàng của anh!".
Sau đám tang, cô Hà đưa cho tôi một cái hộp nhỏ vuông vức màu hồng, bên trên là đôi chim câu trắng đang ngậm một mẩu giấy nhỏ có ghi hai chữ: "Gửi Thiên". Chiếc hộp đã bị khóa, bởi một chiếc ổ khóa nhỏ bằng bạc. Tôi nhìn những hoa văn trên ổ khóa, tháo sợi dây chuyền trên cổ mình xuống và mở chiếc hộp ấy ra. Chẳng có gì ngoài một tờ giấy trắng, với những nét chữ run run ở trên.
Thiên yêu mến của em,
Cảm ơn anh vì đã bên em trong những tháng ngày đã qua. Với em, đó là những kỷ niệm đẹp nhất trong cuộc đời này, và em biết rằng mình sẽ không bao giờ có được những điều tuyệt vời như vậy nữa. Có thứ gì đó trong em đã tan vỡ, nhưng em lại không biết nó là gì. Xung quanh em có rất nhiều mảnh vụn, và em chẳng thể nào kết nối chúng lại với nhau được. Mỗi khi em cố làm điều đó, những vết xước lại xuất hiện trong tâm hồn em.
Em biết anh đã rất cố gắng để xoa dịu nỗi đau ấy, nhưng nhìn anh phải sống trong lo lắng bên cạnh em từng ngày, em cảm thấy mình có lỗi rất nhiều. Mỗi buổi sáng thức dậy, em vẫn luôn soi gương và tự hỏi: "Mình có xứng với anh không?". Và lần nào cũng vậy, gương mặt phía đối diện em trả lời rằng: "Không!". Lúc đó, em biết rằng mình phải ra đi.
Em đã đốt hết tất cả những kỷ niệm về anh trong chiếc hộp này rồi, những thứ mà em trân trọng hơn cả mạng sống của mình. Chỉ có như vậy, em mới đủ quyết tâm để rời xa anh được. Em xin lỗi vì đã đường đột, nhưng em không còn cách nào khác. Nếu em nói cho anh biết, làm sao anh để em đi được chứ, đúng không? Em cũng xin lỗi vì không thể trao cho anh được một cơ thể và tâm hồn còn nguyên vẹn, nhưng đó là tất cả những gì em có.
Anh là người tốt nhất trên thế gian này, vậy nên sẽ có một người con gái tốt hơn em yêu anh. Một người nguyên vẹn hơn em, cả về thể xác lẫn tâm hồn. Anh đã hứa với em rồi, anh phải sống tốt, phải luôn vui vẻ, không được nuốt lời đâu đấy. Hãy quên em đi và tiếp tục hướng về phía trước, anh sẽ sớm tìm được con đường của mình thôi. Nếu như anh không tìm được, thời gian sẽ thay em giúp anh làm việc đó. Hãy kiên nhẫn với chính anh, như anh đã từng kiên nhẫn với em.
Em phải đi đây.
Tạm biệt.
Cầm bức thư trên tay, tôi đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu lần, cho tới khi mặt trời không còn cho tôi ánh sáng để đọc nữa. Tôi gấp bức thư lại trước khi giọt nước mắt của mình kịp làm ướt nó. Nhìn về phía cây đàn bên cửa sổ, tôi nghe thấy những giai điệu tươi đẹp của em đang vang lên trong gió. Tiến về nơi em đã từng ngồi và đánh lên từng bản nhạc của mình, tôi chạm tay vào những phím đàn lạnh lẽo như được khắc từ một tảng băng. Nốt nhạc trầm nhất vang lên, như một dấu chấm hết cho bản nhạc của em và tôi.
Thế giới của tôi đã tan vỡ. Tôi không còn biết một ngày bắt đầu như thế nào và kết thúc ra sao. Tôi nằm giữa căn gác của mình, đưa ánh mắt vào những cái lỗ nhỏ trên mái nhà. Những hạt mưa rơi xuống, vỡ tan, những mảnh vụn bay lên khắp nơi. Những tia nắng nhạt màu chảy xuyên qua, giống như dòng chảy của chiếc đồng hồ cát. Dường như đó là thứ duy nhất giúp tôi có thể nhận biết rằng mình đang làm gì đó. Tôi tưởng mình đang suy nghĩ rất nhiều thứ, nhưng lại giống như không suy nghĩ gì cả. Những dòng suy nghĩ của tôi chỉ là một mớ hỗn độn, không đầu, không cuối..
Mưa vẫn rơi, rơi mãi ở ngoài hiên
Lòng muộn phiền, một mình nơi gác vắng
Nhìn những hạt mưa rơi, sao trĩu nặng
Rơi làm gì, rơi xuống rồi vỡ tan?
Gió vi vu, lùa khe cửa thở than
Kẻ mơ màng ngỡ ai về trước ngõ
Vội chạy ra giữa trời đầy mưa gió
Nhưng nào có thấy được dáng người xưa.
Anh chết lặng cõi lòng dưới cơn mưa
Mặc con tim run lên vì buốt giá
Anh vẫn đứng mà hồn như gục ngã
Nước mắt tràn rồi chảy ngược vào trong.
Anh nhìn lên, vào giữa khoảng trời không
Gọi tên em, mà em nào nghe thấu
Những kỷ niệm ngày nào ta yêu dấu
Sao em nỡ mang theo gió bay đi?
.. Cơ thể và tâm trí tôi chẳng còn chung một khối. Chúng như hai mảnh nam châm vỡ, càng cố ghép lại như cũ thì chúng càng đẩy nhau ra. Cơ thể tôi bắt đầu hoạt động như một loại máy móc được lập trình sẵn: Ăn, ngủ, đến trường, những việc cần làm để tiếp tục tồn tại. Còn tâm trí tôi thì lang thang ở một miền hư vô nào đó, không tìm thấy lối về. Thời gian của tôi dường như chậm lại, những khung cảnh xung quanh tôi lướt qua như một cuốn sách bị bẻ cong, rồi được thả ra cho từng trang sách chạy đi. Và khi tôi cố gắng nhìn vào một thứ gì đó, dù là một cảnh vật hay một con người, thì nó chỉ là một vệt đen vụt qua trước mắt.
Tôi thức trắng trong nhiều đêm liền, và chỉ ngủ khi không còn đủ sức lực để mở đôi mi mắt ra được nữa. Mỗi khi nhắm đôi mắt của mình, tôi lại nhìn thấy một nụ cười hay mái tóc xõa ngang lưng quen thuộc. Trong phòng khách, dưới phòng ăn, trên những bậc thang, bên cạnh cây đàn, trên bãi cát, giữa những con sóng.. Tôi cảm nhận được những nụ hôn đắm đuối của mình, trong cơn say, dưới mái hiên, trên cây cầu, giữa những hạt mưa lạnh giá.. Tôi thấy mình trong một căn phòng ấm áp, ôm lấy một cơ thể trần truồng và run rẩy theo từng tiếng mưa rơi. Và sau khi tuôn tràn từ những cảm xúc chân thật trong giấc mơ của mình, tôi mở to đôi mắt, nằm bất động, nhìn lên mái nhà. Tôi không biết mình đang cười hay đang khóc, đang sung sướng hay đau khổ nữa. Trống rỗng. Mọi thứ xung quanh tôi, và cả bên trong tôi đều trống rỗng. Tôi ngồi dậy, cả người ướt đẫm mồ hôi, và một cơn gió nhẹ lướt qua cũng làm tôi rợn tóc gáy. Cảm giác ớn lạnh bao trùm khắp cơ thể, tôi nấc lên từng tiếng và ôm lấy gương mặt vừa khóc vừa cười của mình.
Ba mẹ tôi, dù không nói ra, nhưng tôi biết họ đang lo lắng. Tôi cho rằng những người thân thiết sẽ là nơi giúp tôi vượt qua được vùng cảm xúc hỗn độn mà tôi đang lạc vào, nhưng không phải. Mọi người càng cố làm cho tôi cười, mỗi nụ cười của tôi lại càng trở thành một thứ áp lực vô hình, cứ dần dần đè nặng lên ngực khiến tôi không thể nào thở nổi. Mọi hình ảnh trước mắt tôi trở nên mơ hồ, và mọi âm thanh giống như được phát ra từ một chiếc loa bị méo tiếng. Tôi tự hỏi liệu rằng đây có phải là một giấc mơ, giống như những giấc mơ trước đó tôi đã gặp. Tôi chỉ cần không còn tồn tại ở đây nữa thì sẽ tỉnh giấc. Ý nghĩ đó mỗi lúc một lớn lên, nhanh hơn cả cái cách mà con sóng vỡ tan thành bọt nước. Nhưng khi tôi đang chìm sâu vào trong giấc mộng của mình, một âm thanh quen thuộc đã kéo tôi trở lại. Nó như một vầng sáng, không chói lóa như ánh mặt trời mà chỉ là một ngọn nến nhỏ, nhưng là một ngọn nến giữa bóng đêm mù mịt. Chút ánh sáng nhỏ nhoi ấy đủ để soi cho tôi nhìn thấy được một vài thứ xung quanh mình.
Chương 39
"Gâu gâu".
Con Maxi sủa lên hai tiếng khi tôi đi ngang qua cái ổ của nó. Không hiểu sao tôi lại rẽ sang hướng đó. Tôi đã không đi qua con đường này từ lâu, sợ rằng những ký ức tươi đẹp ùa về sẽ làm cho thực tại càng thêm tăm tối. Tôi đã muốn bỏ đi, nhưng tiếng gọi của nó lại vang lên, như một sợi dây vô hình, giữ cho chiếc xe tôi không lăn nổi bánh. Cắn chặt môi và hít một hơi thật sâu, tôi quay lại nhìn nó. Cái đầu nó nghênh nghênh, nghiêng qua nghiêng lại nhìn tôi. Rồi nó sủa lên liên hồi và vẫy đuôi liên tục.
Tôi ngồi xuống ôm lấy con chó, mặc cho nó liếm láp trên gương mặt khô héo của mình. Tôi có phải là chủ của nó đâu, mà tôi cũng đã bỏ rơi nó lâu như vậy, sao nó vẫn còn vui mừng đến thế khi thấy tôi? Phải chi nó lạnh lùng xua đuổi tôi, thì tôi đã có thể quên được thêm một phần ký ức của mình. Nó đã gieo vào người tôi một hạt giống, không biết là của loài hoa gì, nhưng tôi không thể nhổ bỏ đi được.
Dù sao cũng đã đến đây, tôi ghé qua thăm bà cụ vẫn chăm sóc con chó giúp tôi. Tôi gọi nhưng không thấy ai trả lời, và cánh cửa thì vẫn đóng chặt. Nhìn qua song cửa sổ, tôi thấy ảnh của bà trên bàn thờ. Vậy là bà cụ cũng đi rồi. Tôi có chút buồn, nhưng không nhiều lắm, và dường như chỉ là nỗi buồn trong suy nghĩ rằng tôi nên buồn. Những cảm xúc của tôi đang bị chai sạn. Tôi đã đối mặt với chuyện buồn nhất cuộc đời mình, chẳng còn gì có thể khiến tôi buồn thêm được nữa.
Tháng Ba đã đến, nhưng tháng Ba không còn xinh đẹp và mơ mộng như trước nữa. Đạp xe lang thang trên các con phố, giữa những hàng hoa rực rỡ sắc màu được bày bán dọc các vỉa hè, nhưng tôi chỉ nhìn thấy chiếc bóng của chính mình dưới lòng đường. Chiếc bóng không có gương mặt, không có cảm xúc. Chiếc bóng là tôi, và tôi cũng là chiếc bóng. Đi ngang qua một cửa tiệm bánh kem, tôi thấy một chiếc bánh giống hệt như chiếc bánh của một năm trước đó. Một lớp kem dâu màu hồng nhạt, một bông hồng đỏ thắm và hai que bánh quế sô-cô-la bên trên. Tôi đứng nhìn chiếc bánh, giống như một đứa nhóc đang nhìn món đồ chơi yêu thích, hay một cô gái đang say mê trước một chiếc váy lộng lẫy. Người chủ cửa hàng nhìn tôi mỉm cười, và tôi cũng đáp lại bằng một nụ cười.
Về đến nhà, tôi đứng trước gương và nhìn chính mình trong đó. Mái tóc bù xù rối vào nhau như một cái tổ quạ. Hai hốc mắt lõm vào làm cho con ngươi bị trồi ra, trong khi mí mắt thì chỉ mở được một nửa. Đôi môi nứt nẻ, những miếng da chết vẫn còn đọng lại như sáp nến. Những sợi râu tua tủa như rễ tre, mọc lộn xộn trên lớp da mặt khô khốc. Tôi nhắm mắt lại và cố nhớ về gương mặt của mình trong gương cách đây bốn tháng, nhưng chẳng thể nhớ được gì. Nụ cười của người chủ tiệm bánh chợt hiện lên, một nụ cười thương hại, và hình ảnh phản chiếu của tôi trong đôi mắt đó chẳng khác nào một thằng ăn mày. "Thằng ăn mày quá khứ", tôi vừa nghĩ về điều đó vừa nhìn chính mình trong gương. Rồi tôi bắt đầu cười, sau đó là cười như điên dại, cười đến mức tràn cả nước mắt.
Một đôi mắt tò mò xuất hiện trong gương, phía sau khe cửa sổ. Tôi ngưng cười và giả vờ như không nhìn thấy nó, thằng bé ở nhà đối diện. Nhắm đôi mắt, tôi đưa tay chùi đi vệt nước trên mặt, hít một hơi thật sâu để kéo lớp chất nhầy vào lại trong xoang mũi. Tôi đã hứa rồi, và tôi phải thực hiện lời hứa của mình. Tôi không biết thế nào là sống tốt, nhưng trước hết phải sống đã.
Tôi mất khá lâu để dọn dẹp lại gương mặt của mình. Tôi vụng về cạo lấy từng sợi râu, để lại một vết xước ngay giữa mặt. Tôi thấm nước lên môi để gỡ đi những miếng da chết, nhưng vẫn bị lở loét khắp nơi. Tôi chải lại cái đầu không biết bao nhiêu lần, nhưng mái tóc của tôi đã quen với việc bị rối tung rối mù.
Tôi đập con heo đất đã bị bỏ đói lâu ngày của mình và moi hết tất cả ruột gan của nó ra. Số tiền không nhiều lắm, nhưng vừa đủ. Tôi đạp xe ra chỗ tiệm bánh để mua cái bánh kem ấy. Người chủ tiệm không nhận ra tôi, nhưng nụ cười của tôi thì làm cho đôi mắt ấy cứ nghi hoặc mãi, cho đến tận lúc tôi rời đi.
Con Maxi mừng rỡ lúc lắc cái mình và vẫy đuôi khi thấy tôi đến. Tôi chia cho nó nửa phần bánh bông lan bên trong và hai cái bánh quế, còn tôi thì ăn hết kem và phần bánh còn lại. Tôi chỉ đem cái bánh đến đó và ăn, không hát hò, không thắp nến, cũng không ước nguyện gì cả. Tôi vuốt nhẹ trên lưng nó, con chó khẽ vẫy đuôi rồi lại cắm cúi ăn.
Tôi bắt đầu ngồi huyên thuyên với con Maxi về nhiều thứ. Tôi kể cho con chó nghe rằng mình đã từng ghét đứa con gái ấy như thế nào, khi nó cứ mượn đồ rồi không trả. Không phải tôi không muốn đòi lại, nhưng dù sao thì những cây bút tôi cho nó mượn toàn là những cây gần hết mực, còn gôm tẩy thì cũng nhặt được dưới hộc bàn. Vậy mà sau đó chúng tôi lại trở nên thân nhau, nhờ những cái bánh và những cuốn truyện tranh. Cũng vì đứa con gái đó mà những giờ học đã không còn nhàm chán, và việc đến lớp không còn là một nghĩa vụ đối với tôi nữa. Tôi kể cho con chó nghe những mùa hè đã tươi đẹp trở lại như thế nào, và chúng tôi bắt đầu thích nhau ra sao. Tôi nói về những nụ hôn của mình, mà dư vị của chúng đến bây giờ vẫn còn đọng lại trên môi, và khắc sâu vào tận tâm hồn.
- Bọn tao đã từng ước ao nhiều thứ, - Tôi nhìn con Maxi đang chóp chép miếng bánh và nói - Nhưng chẳng có điều ước nào thành hiện thực cả. Chẳng có một phép màu nào có thể làm được điều đó, kể cả phép màu của thời gian. Mà thực ra, thời gian đối với tao cũng chẳng có gì là ghê gớm cả. Nếu như gặp được vị thần điều khiển thời gian, tao sẽ nói với bà ta rằng: Này, bà tưởng quyền năng của bà lớn lắm sao, cái bánh xe của bà còn thua cả bánh xe xích lô, vì nó chẳng thể đạp lui lại được.
Tôi không muốn giữ tất cả những ký ức ấy một mình, và nếu như có ai đó có thể giúp tôi chia sẻ những bí mật này, thì chỉ có con Maxi mà thôi. Tôi nhận ra rằng, nói chuyện với con chó thoải mái hơn với bất kỳ người nào khác. Nó chỉ có thể nghe, nhưng không thể kể lại. Đôi lúc, nó sẽ làm cái vẻ mặt như đang suy nghĩ những lời tôi nói, khi thì lại lấy cái chân khều khều cánh tay tôi để an ủi. Tôi biết nó không biết tôi nói gì, nhưng nó có thể hiểu được tâm trạng của tôi qua giọng điệu, ánh mắt, hay chỉ một cái thở dài. Tôi thấy lòng mình nhẹ nhõm hơn rất nhiều.
Ăn xong cái bánh, tôi vỗ nhẹ lên đầu con Maxi rồi lại đạp xe đi, hướng về nơi có tiếng sóng đang vẫy gọi. Những hàng cây đã thay lá sau mùa đông lạnh lẽo, nhưng gốc rễ của chúng vẫn không thay đổi. Và khi những cơn mưa đã dứt, kể cả cơn mưa tháng Mười Một, mặt biển lại trở về với sự tĩnh lặng của mình. Bầu trời mù mịt, nhưng tôi vẫn tìm thấy cho mình một ánh sao dẫn đường. Chiếc xe của tôi lướt đi trong khung cảnh yên bình ấy, tìm đến nơi chân cầu quen thuộc.
Tôi dắt xe lên vỉa hè, bước đi dọc theo lan can đến giữa cầu. Cơn gió lồng lộng vồ vập vào lớp da héo úa, đem từng hơi muối biển mặn chát thấm vào trong những khúc xương đã rỉ sét của tôi. Bầu trời không trăng, nhưng vầng trăng kia sẽ trở lại theo tiếng gọi của biển. Sâu trong cõi lòng tôi cũng đang gào thét kêu gọi một cái tên, và theo tiếng sóng vỗ ầm ầm dưới chân, tất cả tâm tư đã dồn nén bấy lâu nay của tôi bộc phát ra như một ngọn núi lửa phun trào. Tôi nhìn về phía chân trời xa xăm, như đang nhìn về một thế giới khác, gào thét gọi lên cái tên ấy. Nhưng đáp lại tôi chỉ là tiếng sóng rầu rĩ và tiếng gió than khóc không ngừng. Tôi đưa tay lên nơi trái tim mình đang đập, nắm chặt chiếc chìa khóa lành lạnh vẫn nằm ở đó bấy lâu nay. Liệu rằng, chiếc chìa khóa này có thể mở ra cánh cửa nào khác nữa hay không?
Một cơn mưa trái mùa chợt đến, nước của đại dương lại trở về với đại dương, còn tôi thì phải rời khỏi nơi đây. Đi ngang qua mái hiên nơi chúng tôi đã từng trú mưa, tôi bắt gặp một đôi mèo hoang cũng đang nằm quấn lấy nhau ở đó, giống hệt khung cảnh ngày xưa. Cánh cửa lại mở ra, vẫn là người phụ nữ đã cho tôi mượn áo mưa trước đây. Nhìn thấy tôi, bà lại quay vào trong, chắc là để lấy áo mưa cho tôi mượn lần nữa. Tôi thì thầm lời cảm ơn rồi nở một nụ cười từ biệt.
Những vòng quay của chiếc bánh xe lại đưa tôi đến góc khuất ấy, nơi mà chúng tôi đã ôm nhau dưới mưa và hôn nhau lần cuối. Tôi đi qua cái góc khuất và dừng lại trước một cánh cổng, nhìn vào trong căn nhà bị bỏ hoang, tối mịt. Tôi vẫn thường đi ngang qua đây như một thói quen, vào mỗi buổi sáng trước khi đến lớp và buổi trưa trước khi về nhà, hoặc những khi tôi cảm thấy mình đang lạc lối giống như lúc này. Bãi cỏ vẫn tươi tốt, nhưng giàn hoa đã úa tàn. Những chùm hoa đã về với cát bụi, nhưng những sợi dây leo dù mục nát vẫn bám lại trên giàn. Cây hoa sứ vẫn còn đó, nhưng xác xơ đi rất nhiều. Tôi nhìn thấy một đôi chân trần nhỏ nhắn đang tung tăng trên bãi cỏ, và như có một giọng nói đang thì thầm bên tai, tôi đưa tay lên đặt vào chuông cửa.
"Đính đoong"
"Đính đoong"
"Đính đoong"
Bấm chuông cửa ba lần, và người ấy sẽ biết là tôi đang đợi bên ngoài. Tôi đứng đợi rất lâu, rất lâu, và mỗi giây trôi qua, lại có muôn ngàn hạt mưa lạnh buốt rơi trên vai. Tôi nở một nụ cười rồi quay đi. Dưới cơn mưa của tháng Ba, nhưng tôi vẫn cảm nhận được cái lạnh của cơn mưa tháng Mười Một. Và tiếng mưa rì rào như câu hát vang lên bên tai:
.. So never mind the darkness
We still can find a way..
- Em đã tìm được con đường của em rồi, anh cũng sẽ tìm được con đường của mình. - Tôi thì thầm như đang nói với cơn mưa.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top