hoa tường vy mùa hạ 3

Chương 20
Chúng tôi im lặng trong phút chốc. Tôi hơi nghiêng đầu qua, liếc nhìn gương mặt xinh đẹp của con Vy và nói:

- Đẹp thật!

- Mày nói sao?

- Những ngôi sao ấy. - Tôi vội quay mặt nhìn lên những ngôi sao đang đung đưa trên trần nhà.

- À, chúng phát sáng được đấy, tao vẫn ngắm chúng vào mỗi đêm trước khi đi ngủ. - Nó trườn người về phía đầu giường, với tay nhấn vào một chiếc công tắc đèn, để lại một mùi hương êm dịu trước mũi tôi.

Ánh đèn vụt tắt, mọi tia sáng trong phòng đều bị thu vào những ngôi sao dạ quang ấy. Chúng phát ra chút ánh sáng le lói và xoay tròn quanh căn phòng. Tôi trườn người lên ngang với con Vy, và cả hai cứ thế nhìn ngắm những ngôi sao.

- Mãi mãi bên nhau như vầy nhé. - Tôi nghe một giọng nói thì thầm bên tai.

- Ừ. - Tôi nở một nụ cười.

Dưới những ngôi sao, bàn tay chúng tôi tìm thấy nhau. Tôi nắm chặt lấy bàn tay nhỏ nhắn và mát lạnh ấy. Tôi nghe thấy nhịp tim nó đang vang lên một cách gấp gáp, giống hệt như nhịp tim của tôi vậy. Trong khoảnh khắc, dường như có một mối liên kết mơ hồ xuất hiện giữa chúng tôi. Tôi nhắm mắt, cố điều chỉnh hơi thở của mình theo một hơi thở khác bên tai.

- Mày uống gì không, - Con Vy nói - Tự nhiên tao thấy khát quá.

- Ừ, tao cũng vậy. - Tôi gật đầu, không hiểu sao lại thấy có chút khô cổ, dù vừa uống vài ly nước cam trước đó.

Nó đứng dậy, đóng cửa sổ lại rồi bọn tôi cùng nhau đi xuống phòng khách. Tôi ngồi bên cạnh bãi chiến trường khi nãy, lắng nghe những giai điệu của bài hát November Rain vẫn còn vang lên. Con Misa nằm gần đó, đang ngủ rất say sưa. Con Vy mở tủ lạnh ra, nhìn vào trong đó một lúc rồi quay lại mà chẳng có thứ gì trên tay. Nó nhìn tôi, nở một nụ cười đầy mê hoặc và nói rất khẽ:

- Ê, uống rượu không?

- Sao? - Tôi không tin những gì mình vừa nghe nên hỏi lại.

- Rượu á, uống không? - Nó liếm môi, nói to hơn một chút - Ngon lắm.

- Ừ. - Tôi chần chừ, nhưng cũng gật đầu.

Con Vy chạy đi rồi quay lại ngay sau đó, với một chai rượu đã vơi khoảng một phần ba cùng hai cái ly thủy tinh. Nó rót một ít vào mỗi ly, cúi xuống nhìn xem hai bên đã bằng nhau chưa, cho tới khi màu đỏ hồng dâng lên gần đến giữa cái ly thì nó mới dừng lại.

- Cạn ly - nó nói trong vui sướng.

- Cạn ly - tôi đáp lời - chúc mừng sinh nhật.

- Chúc mừng sinh nhật.

Hai cái ly va vào nhau kêu "cách" một tiếng và chúng tôi bắt đầu uống. Tôi cảm thấy có chút chát chát, chua chua nơi đầu lưỡi, sau đó là vị ngọt đọng lại ở cổ họng, không giống như hũ rượu thuốc của ba tôi ở nhà. Chúng tôi uống hết một ly, con Vy lại rót thêm vào, và chúng tôi lại uống. Khi đôi bờ má của con Vy có chút ửng hổng, nó bắt đầu kể cho tôi nghe nhiều chuyện về nó, về mẹ nó, dì nó, những đứa em họ của nó, những người bạn của mẹ nó, về con Misa nữa. Nó nói nhiều lắm, nhưng tôi chẳng nhớ được gì. Tôi cũng kể cho nó nghe về bà nội mình và cây khế, về cái rẫy và những cây xoài, về những thế giới mà mình tưởng tượng ra.

- Mày là một đứa hay tưởng tượng thật đấy. - Con Vy nói.

- Vậy à? - Tôi ngắm nhìn gương mặt của nó, có chút mê man.

- Thật, nếu không phải vậy thì tao đã không để ý đến mày.

Nó ngừng lại một chút rồi nói tiếp:

- Mày biết không, nhiều lúc mày hay ngồi nhìn ra ngoài cửa lớp, đôi mắt cứ mơ mơ màng màng không biết đang nghĩ gì. Những lúc đó trông mày rất đẹp, nhất là đôi mắt. Mày không giống những đứa khác, thế giới của mày rất yên tĩnh, và tao thích điều đó. Mày không trêu chọc bọn con gái bằng những trò như giật cột tóc, giấu những chiếc giày hay vẩy mực lên áo. Mày không tham gia vào những trận đánh nhau chỉ để chứng tỏ rằng mình là người lớn. Mày cũng không tỏ vẻ gì quan tâm đến những cuốn phim người lớn mà bọn con trai vẫn chuyền tay nhau. Và quan trọng là mày giỏi Toán.

- Giỏi Toán? - Tôi định thú nhận rằng mình cũng có quan tâm đến những cuốn băng, nhưng việc con Vy nhắc đến môn Toán làm tôi cảm thấy có chút tò mò - Liên quan gì chứ?

- Tao cũng không rõ lắm, nhưng đó là một điểm khiến tao thấy thích ở mày. Chắc vì tao dốt môn Toán. - Đôi môi đỏ thắm của nó nở một nụ cười.

- Cũng giống như tao dốt môn Tiếng Anh nhỉ. - Tôi cũng cười theo nó.

- Chắc là vậy. - Nó cụng vào cái ly của tôi và nhấp một ngụm rượu - Mà cũng đúng, chỉ có những thứ khiếm khuyết mới có thể bù trừ cho nhau được, giống như những cái khớp nối vậy.

- Đúng vậy thật. - Tôi gật đầu, nâng cái ly của mình lên và uống theo nó.

Chúng tôi cứ thế uống, không biết là đến ly thứ mấy rồi nữa, chỉ biết là chai rượu đã vơi đi rất nhiều. Tôi đặt cái ly xuống nền nhà rồi "ợ" một cái, con Vy cũng làm như thế và cả hai cùng cười. Có vẻ hơi ngớ ngẩn nhưng chúng tôi nhìn nhau cười như vậy cũng khá lâu, cho tới khi tôi nhận ra điều đó và cúi mặt xuống gãi gãi đầu.

Chợt tôi cảm nhận được một hơi thở đang nhẹ nhàng tiến tới gần mình, và mỗi lúc một gấp gáp hơn, làm cho tiếng trống trong lồng ngực tôi cũng mỗi lúc một dồn dập. Tôi ngẩng đầu lên và thấy gương mặt con Vy đang ở rất gần, và mỗi lúc một gần hơn nữa. Tôi gần như ngưng thở, nhưng vẫn có thể ngửi được mùi rượu vang trên môi đang kề sát và trong hơi thở của nó. Gần quá! Tôi nhớ lại khung cảnh viên thiên thạch khổng lồ va chạm với Trái Đất làm loài khủng long tuyệt chủng mà mình đã xem trên TV. Thời gian bỗng nhiên chậm lại, nhưng tôi vẫn không thể tránh né được.

"Ầm".

Và vụ va chạm đó đã đến, đầu tôi như nổ tung ra muôn ngàn mảnh. Vũ trụ, thời gian, không gian, những định luật vật lý, các loại phản ứng hóa học, các công thức đại số, những hình đa giác và đường thẳng.. tất cả dường như ngừng lại trong khoảnh khắc ấy để chứng kiến chúng tôi. Tim tôi đã ngừng đập, hay tại vì nó đập nhanh đến nỗi tôi không thể cảm nhận được tần số của nó. Tôi không biết các tế bào cảm giác, xúc giác và thần kinh của mình có còn hoạt động không nữa. Và trong khi đôi mắt ghi lại hết hình ảnh trên gương mặt của con Vy, nhìn ngắm tất cả những gì tinh tế nhất của tự nhiên đều được đặt vào trên đó một cách hài hòa, tôi thoáng nghe được vị ngọt nơi đầu lưỡi. Có cái gì đó vừa cạy mở đôi môi của tôi, nhưng lại biến mất rất nhanh.

Tôi nhận ra người mình đang nghiêng dần về phía sau, mất thăng bằng và ngã xuống sàn nhà. Cả cơ thể thiếu nữ mới lớn của con Vy nằm đè lên người tôi. Nó nặng hơn tôi tưởng, nhưng tôi không hề cảm thấy khó chịu vì điều đó. Tôi cảm giác giống như đang ôm một quả bóng nước khổng lồ, có thể nổ tung bất cứ lúc nào và hòa tan tôi hoàn toàn vào trong. Mặc dù cảm thấy thật dễ chịu, nhưng không hiểu sao tôi lại vội vàng đẩy cơ thể mềm mại của nó ra rồi ngồi lui về phía sau. Chúng tôi không biết phải nói gì. Tim tôi đập mạnh cứ như vừa chạy bốn vòng sân trường vậy. Tôi mím môi và liếm nhẹ vào đó, cảm nhận được chút vị ngọt vẫn còn vương vấn trên bên.

Tiếng nhạc vẫn vang lên đều đều với những ca từ mà khi đó tôi chưa hiểu được. Nhưng không gian trong căn phòng bỗng im lặng lạ thường. Con Vy giấu đôi chân trong chiếc váy màu trắng, hai bàn tay thả trên đùi, từng ngón tay cứ ngắt lấy nhau. Đôi hàng mi dài của nó rũ bóng xuống gương mặt không biết đang nghĩ gì. Nhìn những giọt rượu vẫn còn lấp lánh trên đôi môi nhỏ nhắn ấy, tôi muốn nếm lại hương vị đó lần nữa, nhưng tiếc là lý trí, hoặc có thể là nỗi sợ, trong tôi đã chiến thắng.

"Ngao ô"

Con Misa chợt tỉnh giấc, nó ngáp nhẹ một tiếng rồi liếm láp dòng rượu đang chảy lênh láng trên sàn nhà. Chai rượu bị đổ lúc nào không hay, áo tôi cũng bị ướt một mảng lớn. Con Vy cầm chai rượu lên, đậy nắp lại rồi đi vào bếp cất lại chỗ cũ trong cái tủ đựng rượu. Khi đã liếm sạch những giọt rượu trên sàn, con Misa nhìn theo chai rượu bị lấy đi, liếm liếm mép lần nữa rồi nhỏ xuống sàn một giọt nước miếng.

- Cũng trễ rồi, tao về nha. - Tôi nhìn đồng hồ thì thấy đã mười giờ hơn.

- Ừ. - Con Vy gật đầu và đi lấy chìa khóa cổng.

- Sáng mai tao qua phụ mày dọn dẹp được không?

- Cũng được.

- Vậy khi nào qua tao gọi trước.

- Ừ.

Tôi đứng nhìn nó một hồi lâu rồi đạp xe đi, với những cảm xúc lưu luyến trong lòng, cùng một tâm trạng lâng lâng khó tả.

Chương 21
Về đến nhà, tôi thở phào khi thấy ba mẹ tôi đã tắt đèn đi ngủ. Tôi nhẹ nhàng mở khóa cửa, một tiếng "cách" rất khẽ vang lên, nhưng trong không gian yên tĩnh ấy thì nó lại giống như một tiếng gõ mạnh vào tường vậy. Thật may tôi không làm ai thức giấc. Tôi cất xe, khóa cửa và chạy thẳng vào phòng tắm, vội vàng cởi bộ quần áo ném vào thau giặt đồ rồi ngâm với xà bông, rất nhiều xà bông. Tôi chỉ lau sơ người và định đi ngủ thì gặp mẹ tôi đang đứng ngay dưới chân cầu thang. Tôi lấy cớ rằng vô tình bị một hàng ăn tạt nước rửa chén vào người, và việc về trễ là do đứng cãi nhau với họ. Mẹ tôi tin là thật và tôi an toàn trở về chỗ ngủ vào khoảng mười một giờ. Tôi nằm nghe tiếng đàn của con Vy vọng lại từ quá khứ, dần dần chìm vào trong giấc mơ ngọt ngào.

Sáng hôm sau, tôi tranh thủ dậy sớm giặt bộ quần áo của mình rồi sang nhà con Vy. Nó mặc một bộ quần áo ngủ màu lam nhạt, mái tóc xõa ngang lưng có chút rối, đôi chân trần tung tăng trên bãi cỏ như một chú thỏ con.

- Mày tới sớm thật, - Con Vy nói - Tao chỉ vừa mới ngủ dậy.

- Tao không muốn mày phải dọn dẹp một mình.

- Tao cũng muốn làm một mình lắm, nhưng nếu vậy chắc phải mốt mới xong.

Tôi thấy khó hiểu khi nghe câu nói đó. Đúng là buổi tối hôm trước chúng tôi có bày bừa mọi thứ ra thật, nhưng cũng không đến mức như thế chứ. Chỉ khi bước vào phòng khách, tôi mới hiểu tại sao con Vy lại nói vậy. Cả căn phòng như một bãi rác. Chiếc ghế sofa bị xé rách lớp vỏ bên ngoài, để lộ ra phần mút bung bét bên trong, như một cái bánh bông lan bị bóp nát. Mấy cái gối thì còn tệ hơn, bị lộn hết ruột ra ngoài, những chiếc lông ngỗng màu trắng thì vẫn đang phiêu du giữa không trung, như những bông tuyết. Còn bãi chiến trường của chúng tôi tối hôm qua thì bị hất văng lung tung, trây trét ra đầy nhà.

- Nhà mày vừa bị trộm à? - Tôi hỏi.

- Không, thằng ăn trộm nào lại có sở thích phá hoại như vậy chứ - Con Vy buộc tóc lại bằng một sợi dây màu hồng, đưa cho tôi một cây chổi và một cái ky hốt rác - Là con Misa làm đấy.

- Hả?

- Mày không nghe lộn đâu, - Nó thở dài, bắt đầu thu gom đống rác dưới sàn nhà rồi cho dần vào một cái túi ni lông lớn màu đen - Tao không biết phải nói sao với mẹ nữa, lần cuối cùng nó phá phách như vậy là khi tao còn chưa học lớp một kìa. Mấy năm nay nó ngoan lắm, không hiểu sao chỉ sau một đêm lại thành ra như vậy.

- Vậy chuyện gì xảy ra? - Tôi cũng bắt đầu dọn dẹp cùng với nó.

- Biết đâu, tối qua tao ngủ say như chết.

- Có khi nào nó xỉn không? - Tôi cười ha ha nói, cảm thấy điều này cũng có chút hợp lý.

- Nếu vậy thì hài thật.

- Mà nó đâu rồi?

- Nằm ngủ như chết trong góc kia kìa. Mệt thật, lát còn phải tắm cho nó nữa.

Phía sau cái tủ TV, hai cái chân của con Misa thò ra chút xíu và rất khó để nhìn thấy, thỉnh thoảng nó lại giật giật vài cái. Phải đến hơn chín giờ, chúng tôi mới dọn dẹp xong đống lộn xộn ấy. Ngôi nhà vốn rộng rãi nay càng trở nên trống trải vì thiếu mất vài thứ. Con Vy và tôi lại phải lôi con Misa ra ngoài sân để tắm cho nó. Con chó nặng kinh khủng, cũng may là nó không có bất cứ hành động phản kháng nào. Tôi cầm cái vòi bằng nhựa, hơi bóp ở đầu rồi xịt những tia nước vào người con Misa, còn con Vy thì đeo một cái bàn chải vào tay và chà nhẹ trên lớp lông của nó. Chốc chốc, con chó lại lắc lư cái mình làm nước văng tung tóe khắp nơi. Chiếc áo mỏng dán chặt vào người con Vy, làm ẩn hiện bên trong một thân hình tuyệt đẹp.

Tắm cho con Misa xong, chúng tôi nhốt nó bên ngoài và đóng cửa lại. "Để nó phơi nắng một lát, khi nào khô thì mới cho nó vào nhà được" - con Vy nói, sau đó thay một bộ quần áo khác màu hồng. Nó rủ tôi ở lại ăn cơm, và chúng tôi cùng nhau nấu vài món ăn đơn giản. Tôi gọi về nhà nói rằng buổi trưa sẽ ở lại nhà bạn và bị la cho một trận, vì ba tôi đã nấu cơm luôn phần của tôi. Nhưng dù sao thì chuyện đó cũng không to tát lắm, bởi nhà tôi lúc nào cũng nấu cơm nhiều hơn cần thiết vào bữa trưa. Hôm đó, con Vy nấu vài món rất ngon, nhưng con Misa chỉ được ăn thức ăn cho chó.

Sau bữa trưa, nó mở chương trình Phim Cuối Tuần trên TV và chúng tôi cùng xem với nhau. Là phim Titanic, bộ phim mà bất kỳ đứa nào trong độ tuổi của tôi cũng đã xem ít nhất một lần. Riêng tôi thì xem ba lần rồi nhưng vẫn không thấy chán, và con Vy cũng vậy. "Mỗi lần xem lại, tao đều cảm giác như có vài cảnh mà lần trước không có" - nó nói, rồi lên phòng lấy hai cái gối xuống, kê phía sau bức tường để ngồi dựa lưng vào. Chúng tôi phải ngồi dưới đất vì cái sofa đã bị quẳng ra ngoài sân. Nó lấy hai bịch snack và một chai nước lớn trong tủ lạnh để nhâm nhi trong lúc xem phim. Thấy chúng tôi có đồ ăn, con chó già cũng lết lại gần. Nó bị con Vy đuổi đi vài lần, nhưng với gương mặt tội nghiệp của mình, nó cũng xin được vài miếng bánh, điều kiện là phải làm cái gối gác chân cho chúng tôi. Chúng tôi ngồi dựa vào chiếc gối, gác chân lên người con chó, vừa ăn snack vừa xem phim. Thỉnh thoảng, con Vy lại bình luận về một cảnh vừa xuất hiện trên TV.

- Mày có thấy hành động giật điếu thuốc trên môi một phụ nữ là thô lỗ không? - Nó nói khi xem tới đoạn anh chồng sắp cưới cướp đi điếu thuốc trên môi của Rose, nữ chính trong phim.

- Bất lịch sự thật. - Tôi nói, cố gắng không nhắc tới việc cô ta vừa nhả khói vào mặt người khác.

- Sao đàn ông có thể hút thuốc nhưng phụ nữ lại không được nhỉ? - Nó ném một miếng bánh vào miệng và nhai rôm rốp.

- Chắc là trông thiếu nữ tính hơn, - Tôi nói - Mà tao không biết nữa, tao chưa thấy con gái hút thuốc bao giờ.

- Gì mà thiếu nữ tính - Nó lên giọng - Hút thuốc có làm bọn con trai trông giống đàn ông hơn đâu, mà không hút thuốc cũng chẳng làm bọn mày thành con gái được.

- Ờ, - Tôi gật đầu - Dù sao thì tao cũng không hút thuốc.

- Tốt nhất là mày nên như vậy. - Nó nốc một hớp nước và tiếp tục xem phim.

Buổi xem phim của chúng tôi có lẽ đã bình yên hơn nếu như anh chàng Jack không dẫn Rose ra lan can tàu và bắt đầu khạc nhổ xuống biển.

- Mỗi lần coi tới cảnh này tao lại không nhịn được cười - Con Vy cười phá lên và nói - Mày biết không, tao phải tập rất nhiều mới làm được đấy.

- Làm cái gì? - Tôi tò mò hỏi.

- Phun nước miếng giống trong phim, - Nó hất cằm về phía TV, tạo ra một loạt âm thanh "khục khặc" trong cổ họng rồi nuốt ực một cái - Như thế đó.

- Mày tập cái đó làm gì chứ? - Tôi ôm lấy cổ họng mình và khó hiểu nhìn nó.

- Cũng hay mà. - Nó nói.

- Bỏ đi, kinh dị lắm.

- Ê, - Nó chộp lấy tay tôi - Tao vừa nghĩ ra trò này hay lắm.

- Trò gì?

- Thi xem ai phun xa hơn. - Nó nhìn tôi, làm lại cái âm thanh kỳ cục đó rồi chu cái mỏ ra.

- Không, không, không, thà mày bắt tao chơi bài quỳ cả ngày còn hơn.

- Đi mà - Nó lắc lắc cánh tay tôi - Tao chỉ có mày để chơi cùng thôi.

- Không, kinh dị thấy mẹ.

- Giờ chơi không?

Tôi lắc đầu.

- Ờ, vậy thôi. - Nó vòng tay ôm hai cái đầu gối rồi trốn gương mặt vào đó, chỉ để lộ ra hai con mắt để xem phim.

- Ê! - Tôi gọi, ngồi xích lại gần nó, nhưng nó lại nhích cái mông ra xa tôi.

- Vy! - Tôi lại tiến tới, và nó lại lùi đi. Tôi thấy thế này cũng hay nên nhích qua một lần nữa, nhưng lại bị con Vy nghiêng người đạp một cái ngã chỏng vó.

- Thôi được rồi, - Tôi ngồi dậy - Lát nữa tao chơi với mày.

- Bây giờ luôn. - Nó nói, cả khuôn mặt vẫn còn trốn sau hai cái đầu gối.

- Để xem phim xong đã.

- Thì vừa xem vừa chơi.

Tôi khó hiểu nhìn nó.

- Ở đây. - Nó quay qua nhìn tôi và nói.

- Nhưng đây.. đây là phòng khách mà. - Tôi trừng mắt nói.

- Có sao đâu, lát nữa mày lau nhà giùm tao là được.

- Gì kỳ vậy, sao tao lại phải lau nhà cho mày?

- Tao đánh đàn cho mày nghe rồi còn gì, - Nó nói - Mà hôm qua còn là sinh nhật tao nữa.

- Nhưng mày là người rủ chơi trò này mà!

- Vậy thì, - Nó lại trốn vào trong hai cái đầu gối - Ai thua lau nhà, chịu không? Không chịu thì nghỉ chơi luôn, bo xì Bo luôn.

Tôi chẳng biết nói gì nữa, đành phải chơi với nó. Trong lúc tôi kéo cái bàn đặt sát vào vách tường, nó đá con Misa qua một bên rồi lấy phấn vẽ một cái vạch ở đó. Chúng tôi đứng sau cái vạch và bắt đầu phun nước miếng ra đầy nhà. Những bọt nước nhầy nhầy xen lẫn vụn bánh snack màu vàng còn sót lại, trông thật kinh khủng. Phát hoảng trước sự điên rồ ấy, con Misa ba chân bốn cẳng chạy ra ngoài sân, hé nửa cái mặt chó sau cánh cửa nhìn vào trong, tru tréo không ngừng. Chúng tôi nhìn nó cười rồi lại tiếp tục chơi: "Tao phun xa hơn mày rồi nè", "Mày ăn gian, đứng trên vạch rồi", "Không chơi chồm người về phía trước như vậy", "Á, dính chân tao".. Tôi không hiểu sao cái trò chơi trông có vẻ mất vệ sinh ấy lại kích thích đến vậy. Bọn tôi đã cười đùa rất vui vẻ, cho đến khi môi miệng bắt đầu khô khốc và không còn thở ra hơi. Tuy nhiên, tôi chắc chắn là mình sẽ không bao giờ chơi lại trò đó một lần nào nữa.

Chương 22
- Hãy tận dụng giá trị của mỗi ngày. - Con Vy cầm ly nước lên và nhại lại lời thoại vừa mới xuất hiện trong phim.

- Hãy tận dụng giá trị của mỗi ngày. - Tôi hưởng ứng theo.

Bọn tôi uống nước giống hệt cái cách đã uống rượu vào buổi tối trước đó. Tôi muốn nắm tay con Vy và nhảy theo điệu nhạc rộn rã trên TV, nhưng đành dẹp ngay cái suy nghĩ của mình ngay sau khi nhìn trên sàn nhà chẳng còn chỗ nào để đặt chân. Tôi ngồi nghĩ về việc đó và khẽ cười một mình. Dường như Con Vy cũng có ý định giống tôi, và nó bắt đầu cười theo. Hai chúng tôi nhìn nhau cười như điên dại, dù chưa hề nói ra điều gì.

- Vy! - Tôi nói.

- Gì?

- Mày nhảy, tao nhảy. - Đến lượt tôi bắt chước câu nói phát ra từ TV.

- Thôi, để bữa khác đi. - Con Vy mỉm cười nắm lấy tay tôi và tiếp tục xem phim.

Và đến khung cảnh huyền thoại trên lan can tàu của hai nhân vật chính, nó nắm tay tôi chặt hơn và nói:

- Mày biết không, đây là cảnh mà tao thích nhất. Ước gì một ngày nào đó, tao cũng sẽ được đứng trên lan can tàu và bay lượn như một cánh chim hải âu.

- Rồi ngày đó sẽ đến thôi.

- Hi vọng vậy.

Chúng tôi không nói gì nữa, chỉ nắm tay nhau và im lặng. Tôi có thể cảm nhận được nhịp tim của con Vy qua những đầu ngón tay, và tin rằng nó cũng có thể cảm nhận được điều tương tự. Chúng tôi ngồi như vậy cho đến khi bộ phim kết thúc vào khoảng bốn giờ chiều. Vì thua cuộc trong trò chơi trước đó nên tôi phải lau nhà, còn con Vy thì ngồi trên một bậc thang, ăn bánh snack và chỉ đạo.

- Tao biết mày nghĩ gì - Nó nói - Khi Rose nằm trên ghế để Jack vẽ.

- Nghĩ gì chứ. - Tôi quệt mồ hôi trán và nói.

- Mày sẽ tưởng tượng ra phần còn lại, thằng con trai nào cũng làm thế khi xem tới cảnh đó.

- Làm gì có. - Tôi chối.

- Lúc nãy có thể không, nhưng sau khi tao nhắc thì chắc chắn có - Nó nhai rôm rốp một miếng snack trong miệng - Năm ngoái tao bắt gặp thằng em họ đang liếm cái TV trong phòng, cũng ở đoạn phim đó, ghê thấy mẹ. Nhưng nếu mày làm thế, tao sẽ không ý kiến ý cò gì đâu.

- Tao không bao giờ làm thế. - Lần này, tôi nói thật.

- Mày muốn xem phần còn lại của Rose không? - Nó lấy tay vẽ vòng vòng trước ngực - To và đẹp lắm, trên TV bị cắt bớt đi nên không coi được cảnh đó thôi.

- Sao mày biết trên TV bị cắt bớt? - Tôi đứng lại, chống cây lau nhà xuống sàn và nói.

- Thì tao có đĩa mà, coi không tao mở cho coi.

Tôi lắc đầu, tiếp tục lau nhà.

- Không coi à?

- Không. - Tôi nói.

- Đẹp lắm đó.

- Không.

- Haha - Nó cười phá lên - Thực ra tao nói xạo đó. Đúng là TV cắt cái đoạn đó đi thật, nhưng mà cái đĩa phim thì không phải của tao. Nhưng mà tao có cách khác để xem được phía trước của cô ấy.

- Cách gì? - Tôi đứng vắt cây lau nhà, nhìn nó hỏi.

- Nếu mày tập trung vào ánh mắt của Jack thì có thể thấy được đấy. - Nó nhai một miếng snack và cười khoái chí.

- Mày nên nói điều đó sớm hơn.

- Xạo đó. - Nó chấm ngón tay vào trong bịch snack rồi đưa lên miệng mút vài cái. - Nhưng mà..

- Mà sao nữa?

- Nếu mà mày vẽ đẹp một chút thì hay nhỉ. - Nó nhìn tôi và nở một nụ cười nham hiểm.

Tôi nhìn nụ cười của nó, nhìn khắp cả người nó với một vài suy nghĩ không đứng đắn. Nhưng sau đó, tôi vội quên đi những thứ đang lăn tăn trong đầu mình, xách xô nước lên và đi vào nhà tắm.

- Thôi, chuyện đó không được đâu. - Tôi nói.

- Haha - Nó lại cười lớn - Mắc cỡ kìa.

Tôi không nói gì, mặc kệ nó thì ngồi cười một mình. Chợt có một suy nghĩ khác lạ trong đầu, tôi bước qua phòng bếp, lấy một cái ghế đặt bên cạnh cầu thang rồi kéo cái quạt điện lại gần.

- Mày làm gì vậy.

- Mời quý cô Hạ Vy lên tàu Titanic. - Tôi giắt tay trái sau lưng, cúi người xuống và đưa tay còn lại về phía nó.

Con Vy nhìn tôi, mỉm cười và đặt những đầu ngón tay vào lòng bàn tay tôi. Chạm nhẹ một nụ hôn lên những ngón tay thon thả, tôi đỡ lấy cái eo nhỏ nhắn và nâng cả người nó lên ghế.

- Haha - Nó cười lên vì nhột, nhưng sau đó cũng đứng im - Tàu này sẽ không chìm chứ?

- Chắc chắc không. - Tôi nói như đinh đóng cột.

Giữ thăng bằng cho con Vy xong, tôi cũng bước lên ghế một cách cẩn thận và đứng sau lưng nó. Cái ghế cũng khá lớn nên đủ chỗ cho bốn bàn chân.

- Em tin anh chứ? - Tôi thì thầm vào tai nó từ phía sau.

- Em cái con khỉ. - Nó hơi lườm về phía sau, nhưng rồi cũng mỉm cười gật đầu.

Tôi nắm nhẹ lấy khuỷu tay nó từ bên trong rồi nâng lên một cách nhẹ nhàng, cho đến khi hai tay nó dang ngang ra. Tôi tháo chiếc cột tóc màu hồng trước mặt mình xuống, và mái tóc vẫn còn thơm mùi dầu gội của nó bắt đầu tung bay. Bàn tay tôi lần theo chiếc cổ tay trắng nõn và mịn màng, tìm thấy đôi bàn tay mát rượi và bắt đầu đan những ngón tay của chúng tôi vào nhau. Gió từ chiếc quạt không đủ làm chúng tôi ngã, nhưng vẫn khiến cả hai khẽ run lên, theo từng nhịp thở và nhịp tim rộn rã. Trong phút chốc, tôi tưởng như nhìn thấy khung cảnh hoàng hôn trước mắt mình, và "chiếc thuyền" của chúng tôi đang tiến về phía đó.

- Cùng bay đến những vì sao nào. - Tôi thì thầm vào vành tai nhỏ nhắn.

Trong đầu tôi bắt đầu nghe thấy những giai điệu trong bài hát My Heart Will Go On của Celine Dion. Con Vy đang ngân nga những giai điệu ấy và đung đưa nhẹ nhàng theo tiếng nhạc. Nhưng khi tôi đang chìm đắm trong những cảm xúc cuồng nhiệt như thiêu đốt cả linh hồn, cái ghế đột nhiên nghiêng qua một bên. Chúng tôi mất thăng bằng và ngã sóng soài xuống đất. Tôi kịp ôm lấy con Vy và xoay người, đỡ nó nằm lên trên người mình. Một cái bóng đen trắng lao vụt đi, con Misa cào những cái móng chân xuống sàn nhà rồi dừng lại trước phòng bếp. Nó vừa nhảy vừa xoay vòng vòng một chỗ rồi kêu lên một tiếng "ngao ô" thật dài. Nó nhìn tôi chòng chọc, sau đó lao đến va vào tôi lần nữa, rồi lại chạy ra xa, và lại xoay vòng vòng. Rồi nó há cái miệng ra như đang cười cợt trêu tức nạn nhân của mình. Mặc dù bị ngã xuống có hơi đau, nhưng nhìn cái bộ mặt của con chó khiến tôi và con Vy không thể nhịn cười được.

Mất một lúc sau, tôi mới cảm thấy hơi tê ở đùi. Con Vy vẫn đang nằm trên người tôi, không nhúc nhích. Tôi chống tay phải xuống sàn và ngồi dậy, tay kia vẫn ôm lấy nó. Nhưng cả người tôi bỗng nhiên cứng lại như hóa đá.

"Thình thịch".

Tôi nghe được nhịp tim vang dội trong lồng ngực mình, và cảm nhận được từng nhịp đập nho nhỏ truyền tới từ bàn tay trái. Mềm mại như một quả bóng nước bềnh bồng trong lòng bàn tay, ngực nó phập phồng theo từng hơi thở làm cho cảm giác của tôi càng thêm rõ rệt. Nó nhấp nhô, trôi nổi như khi sóng biển gợn nhẹ qua người tôi. Nhưng sau đó lại ào ào giống như một cơn lũ tràn qua cánh đồng, quét sạch mọi suy nghĩ và mọi khả năng vận động của tôi. Chỉ có những tế bào xúc giác của tôi là vẫn còn hoạt động, chúng đang ghi lại những chi tiết mông lung nhưng rõ ràng của kết cấu hoàn mỹ ấy. Các tế bào thần kinh đã đình công, nhưng khi chúng bắt đầu làm việc trở lại, chúng khiến tôi trở nên đần độn đến lạ thường.

- Mày không mặc áo ngực à? - Tôi hỏi nó, một câu hỏi ngu xuẩn nhất trong cuộc đời mình.

"Chát"

Con Vy xoay người lại rồi cho tôi một cái tát đau điếng vào mặt. Tôi ôm lấy một bên má nóng ran của mình, không dám nhìn thẳng vào mắt nó. Tưởng như nó sẽ chửi xối xả vào mặt tôi bằng tất cả những câu chửi mà tôi biết, nhưng không, nó nắm lấy tay tôi, xoa nhẹ vào nơi vừa được in dấu năm ngón tay của nó và nói:

- Đau không?

- Xin lỗi, - Tôi ấp úng - Tao không có ý đó.

- Đồ ngốc, - Nó nhéo nhẹ vào má tôi, ngay cái chỗ nó vừa đánh vào - Muốn nghe đàn không.

- Muốn. - Ttôi đưa hai tay lên che hai bên mặt rồi gật đầu.

Con Vy dắt tôi lên căn phòng của nó và lại đàn cho tôi nghe. Vẫn là những bản nhạc hôm trước, nhưng khi ở trong một khung cảnh khác, tôi cảm thấy tiếng đàn của nó cũng không giống nữa. Giờ đây, nó chỉ như một thiếu nữ bình thường, mang trong mình những cảm xúc, khát vọng và niềm tin thuần khiết. Nó không xa vời, mà lại rất gần gũi và thân thiết. Ngồi chống tay lên tấm nệm và lắng nghe tiếng đàn, những giai điệu ngọt ngào lại khiến tôi liên tưởng đến cảm giác bồng bềnh khi nãy. "Tốt nhất là nên im lặng" - Tôi ngậm chặt miệng và nghĩ. Chơi xong bản nhạc thứ ba, nó ngừng lại, xoay xoay cánh tay vì có chút mỏi. Chúng tôi lại nằm bên cạnh nhau, trên chiếc giường êm ái và ngắm những ngôi sao dạ quang rung rinh trong gió. Chúng đang hấp thụ những tia nắng cuối cùng của mặt trời để tỏa sáng khi màn đêm đến.

- Tao chưa bao giờ được đàn một cách thoải mái như vậy - Con Vy nói - Trước mặt ông thầy già khó tính đó thì tao phải chơi sao cho đúng, còn trước mặt mẹ tao thì lại phải chơi hay. Đôi lúc tao phải tham dự một vài cuộc thi, và trước sức ép từ đám đông khán giả bên dưới, tao cảm thấy những đầu ngón tay của mình nặng trịch. Chỉ có những lúc ở bên mày và chị Nhã, tao mới cảm giác như được trở lại với chính mình, được làm chính mình hơn cả những lúc ở một mình.

Chương 23
Tôi không biết phải nói gì. Sau một hồi im lặng, tôi xoay người qua và đặt nhẹ lên trán nó một nụ hôn. Tôi nhìn ra bên ngoài ô cửa sổ và nói:

- Cũng trễ rồi, tao phải về đây.

- Ừ, hẹn gặp lại.

- Hẹn gặp lại. - Tôi rời khỏi đó khi trời đã chạng vạng, trong lòng tràn đầy những tia hi vọng.

Mọi chuyện sau đó vẫn bình thường với chúng tôi, cho đến sáng thứ Tư. Tôi ngồi bên bàn học, mở cuốn sách ra nhưng chẳng để làm gì, còn cây bút kẹp giữa hai ngón tay thì cứ xoay mãi. Tôi đang chờ con Vy sang nhà mình học nhóm như mọi hôm, nhưng hôm nay có vẻ như nó đến hơi trễ. Vẽ vài thứ linh tinh vào tờ giấy nháp, tôi ngồi chống cằm và lại chờ đợi. Tia nắng xuyên qua cái lỗ nhỏ trên mái tôn, mỗi lúc một vuông góc với cái bàn trước mặt làm tôi có chút sốt ruột. Tôi xuống nhà nấu cơm, làm thêm món trứng chiên và rau luộc cho bữa trưa để chuẩn bị đi học, hi vọng rằng nó sẽ đến trong lúc đó. Nhưng gần mười một giờ, tôi vẫn chẳng thấy con Vy đâu. Tôi gọi điện đến lần thứ năm thì mới nghe thấy giọng nói của nó ở đầu dây bên kia:

- Xin lỗi, hôm nay tao không đi học được.

- Mày sao vậy, thấy không khỏe ở đâu à?

- Ừ, có một chút - Nó thở dài rồi cúp máy, giọng của nó qua điện thoại có vẻ như rất mệt mỏi.

Tôi vội vàng đạp xe qua nhà nó, và khi trông thấy gương mặt buồn bã của nó phía sau cánh cổng, tôi hỏi:

- Có chuyện gì vậy?

- Con Misa biến mất rồi. - Nó mở cổng cho tôi và nói.

- Sao lại biến mất?

- Sáng hôm qua không thấy nó tao cũng không để ý lắm, - Nó ngồi xuống cái xích đu trong góc sân - Hôm nay ngủ dậy thấy đồ ăn của nó vẫn còn nguyên tao mới biết.

- Nó có bị lạc hay gì không? - Tôi ngồi xuống bên cạnh và nhìn nó.

- Tao không biết. - Con Vy thút thít nói - Tao tìm khắp nhà rồi, cũng đi hỏi vài người quanh đây mà không ai nhìn thấy.

Tôi ôm nó vào lòng, vỗ về bờ vai nhỏ bé đang run lên nhè nhẹ.

- Đi, tao với mày đi tìm lại lần nữa, biết đâu nó chỉ đang la cà đâu đó thôi. - Tôi an ủi đứa con gái trong vòng tay mình, mặc dù không nghĩ rằng con Misa có thể nhảy qua được cánh cổng cao như vậy.

- Ừ - Nó ngồi thẳng người dậy và dụi mắt.

- Mày có hình của nó không?

- Có, để tao đi lấy. - Nó đứng lên và đi vào trong nhà.

Trong lúc chờ đợi con Vy, tôi suy nghĩ xem những khả năng có thể xảy đến với con Misa. Nếu nó bị bắt mất thì không biết con Vy sẽ buồn như thế nào nữa. Hai đứa nó cũng đã bên cạnh nhau hơn mười sáu năm rồi. Tôi ngẩng đầu lên nhìn những chùm hoa màu đỏ hồng xinh xắn. Những tia nắng mỏng manh xuyên qua kẽ lá, cho tôi biết rằng đã sắp tới giờ đi học. Đành chịu, tôi đã lỡ hứa cùng nó đi tìm con Misa rồi. Dù sao thì hôm nay cũng chẳng có gì mới để học, chỉ lên lớp để sửa lại mấy bài tập cũ.

"Tách"

Có cái gì đó vừa rơi trên trán tôi, ẩm ướt và hơi nhớp nháp. Tôi chăm chú nhìn chùm hoa phía trên đầu, nhưng chẳng phát hiện điều gì.

"Tách"

Lại một giọt nữa rơi trên mặt tôi, lần này tôi đứng dậy và nhìn kỹ hơn.

"Tách"

Nó lại rơi xuống, sượt qua chóp mũi tôi. Tôi cố gắng nhìn xuyên qua những sợi dây leo, nhưng vẫn chẳng thấy được gì. Tôi lùi lại, ghé đầu sát vào bức tường, nhìn qua khe hở rộng khoảng gang tay giữa cái giàn và bức tường. Ngay phía trên cái giàn, đúng hơn là ở ngoài ban công của tầng hai, một cái mõm đen sì thò ra phía ngoài song sắt của lan can.

- Vy, Vy ơi! - Tôi vừa chạy vào nhà vừa gọi con Vy.

- Gì vậy? - Nó hớt hải chạy xuống cầu thang.

- Thấy nó rồi, con Misa. - Tôi nói, kéo nó đến chỗ lúc nãy tôi đứng và chỉ lên ban công.

- Là phòng của mẹ tao, sao nó leo lên đó được nhỉ? - Nó dường như tự hỏi.

Chúng tôi chạy lên tầng trên, rẽ theo hướng ngược lại với hướng đi đến phòng con Vy. Nó vặn tay nắm cửa nhưng căn phòng đã bị khóa.

- Chờ tao chút. - Nó chạy đi, một lát sau thì quay lại với một cái chìa khóa.

Tôi thấy tò mò về việc con Vy có chìa khóa phòng của mẹ nó nhưng không hỏi nhiều. Sau khi vào căn phòng, chúng tôi chạy thẳng về phía cánh cửa mở ra ban công. Tôi bước theo con Vy ra tới ban công thì thấy con Misa đang ngoảnh đầu về phía chúng tôi. Nó mở cái miệng rộng hết cỡ và ngáp một cái thật dài. Sau khi le lưỡi quệt qua quệt lại trên cái mũi, nó lại há miệng ra như đang cười. Nhìn thấy con chó cưng của mình vẫn bình yên, con Vy lao thẳng tới ôm lấy bộ lông nửa đen nửa trắng đang nằm phơi nắng, vừa khóc vừa cười. Tôi đứng nhìn quanh ban công một lượt, nhưng chẳng thấy lối nào để con Misa có thể leo lên được. Chúng tôi dắt con Misa xuống phòng khách nhưng nó không chịu đi. Nó ngả cái đầu lên song chắn lan can, thở một cái mạnh rồi cứ nằm lỳ ở đó, con Vy kéo thế nào cũng không nhúc nhích. Thế là tôi phải ẵm con chó nặng kinh khủng ấy, trên dưới bốn chục ký là ít. Bước đến bậc thang cuối cùng, tôi cúi người thả nó "phịch" xuống đất vì cánh tay đã quá mỏi.

"Ngao ô" - Con chó nhìn tôi kêu lên.

- La lối cái gì, - Tôi quát lại nó - Đồ con heo.

"Ngao ô" - Nó nhe hai cái răng nanh ra dọa tôi, nhưng chả đáng sợ chút nào mà lại có chút buồn cười.

- Nó không thích bị kêu là heo đâu, - Con Vy đưa tôi một chai nước lạnh - Mặc dù nó cũng chỉ ăn với ngủ, chả khác gì mấy.

Lần này thì nó không tru tréo lên nữa mà chỉ rên "ư ử" nhìn con Vy, làm bộ rất oan ức. Trông thấy cái bộ dạng đó, tôi suýt chút nữa bị sặc.

Tôi về nhà ăn cơm rồi sau đó lại sang chở con Vy đi học. Cứ tưởng mọi chuyện đã ổn thỏa, nhưng đến thứ Bảy thì con Misa chết. Nó vẫn biến mất như lần trước, vẫn leo lên chỗ ban công đó nằm, nhưng không động đậy gì nữa. Chiều hôm đó, con Vy gọi điện cho tôi nhờ bế nó xuống giùm. Lần này, con Misa nặng hơn trước rất nhiều. Tôi cố gồng mình mang nó ra đến tận ngoài sân rồi nhẹ nhàng đặt xuống bên cạnh gốc cây hoa sứ. Còn con Vy thì vào nhà kho lấy ra một cái xẻng.

Trong lúc tôi bắt đầu đào từng lớp đất lên, con Vy quỳ bên cạnh con Misa và khóc. Tiếng khóc nỉ non của nó làm cho tay chân tôi cứ bủn rủn, không thể đào nhanh được. Khi cái hố đã đủ rộng để con Misa nằm gọn bên trong, tôi nâng nó lên và đặt vào đó. Con Vy nhặt một bông hoa sứ thả lên người con Misa, rồi lấy tay nắm từng nắm đất rải xuống. Tôi cắm cái xẻng bên cạnh, ngồi xuống và làm theo con Vy. Đất phủ lên người con Misa mỗi lúc một dày, dần che hết thân hình nó, chỉ chừa lại cái mặt. Tôi nghĩ rằng nó sẽ lại ngẩng đầu dậy nhìn chúng tôi, há cái mõm như cười cợt rồi đứng lên, lắc lắc cái mình để rũ sạch đất trên đám lông của nó. Nhưng điều đó không xảy ra, nó đã nằm im dưới lớp đất, và sẽ không bao giờ động đậy nữa.

Hoàng hôn đã buông, nhưng ánh sáng của nó cứ thế le lói mãi, tưởng chừng không bao giờ tắt. Tiếng gió xuyên qua từng kẽ lá, ngân dài ra đến vô tận, như tiếng vọng từ cõi âm u nào đó. Mọi thứ đang chậm lại trong những giây phút cuối cùng này, để con Vy có thể trút hết tất cả nỗi buồn từ bên trong đáy mắt. Những giọt nước mắt của nó không ngừng rơi. Từng giọt, từng giọt, thấm sâu vào đất, chạm vào một trái tim khác đã ngừng đập. Dưới những chùm hoa màu đỏ hồng, một cánh bướm lượn lờ rồi mang tia nắng bay đi.

Chúng tôi vẫn phải tiếp tục cuộc sống của mình. Còn có những giờ phải đến lớp, những bài thi đang chờ chúng tôi vượt qua. Con Vy cũng vui vẻ trở lại sau đó vài ngày, hoặc nó đã cất giấu nỗi buồn ở một nơi mà không ai biết, kể cả nó.

Tháng Năm đến, sau khi thi học kỳ xong, con Vy nói rằng mẹ nó muốn dẫn nó đi du lịch. Lâu rồi mẹ nó mới dành nhiều thời gian cho nó như vậy, và nó không thể không đi. Buổi sáng trước đó một ngày, chúng tôi lại cùng nhau ra biển ngắm bình minh.

- Mày đi lâu không? - Tôi hỏi, cố nắm những hạt cát bằng cách co quắp những đầu ngón chân.

- Khoảng hai tháng. - Nó nói, ném một nắm cát về phía con còng vừa ló đầu ra khỏi mặt đất.

- Gì lâu vậy, định đi xuyên Việt luôn à?

- Tao cũng chả biết, mẹ tao nói công ty giờ cũng ổn định nên muốn đi như vậy cho đã, cũng coi như đền bù cho tao mấy năm qua.

- Lâu thật đấy.

- Ừ.

- Tao sẽ nhớ mày lắm. - Tôi nói.

- Tao cũng vậy. - Nó ngả đầu vào vai tôi, nhìn những tia nắng vừa ló ra khỏi mặt biển. Rồi nó vẽ một trái tim trên cát và nói:

- Đừng buồn mà, khi nào về tao sẽ mua quà cho mày.

- Tao chỉ cần mày là đủ rồi - Tôi ghi chữ "T" và "V" ở hai bên trái tim - Nhưng nếu dư ra một chút cũng được.

- Mày không ngốc như tao tưởng nhỉ. - Gương mặt con Vy khẽ động đậy trong lồng ngực, cho tôi biết rằng nó đang mỉm cười.

Chương 24
Sau khi con Vy đi được vài ngày, tôi cũng theo ba vào rẫy. Dường như đó là cách duy nhất tôi nghĩ ra để thấy thời gian trôi qua nhanh hơn. So với lần đâu tiên tôi đến, cái rẫy nhà tôi đã khác trước rất nhiều. Ngôi nhà tranh đã thay thế bằng những bức tường gạch, được tráng xi măng bên ngoài và lợp mái tôn bên trên. Ngay phía sau nhà là cái giếng cũ, cuối cùng thì nó cũng có thành giếng bao quanh, nhưng nước thì vẫn đục ngầu và phải lọc bằng cái lu cát đặt bên cạnh. Kế đó là một cái ao nhỏ nuôi cá mà ba tôi nói mới được đào từ năm trước. Quanh miệng ao mọc đầy rau muống với những chùm trứng ốc bưu bám đầy bên trên. Một vài cái cần câu gãy bị ném gần đó, là của bọn trẻ chăn bò cách nhà tôi không xa. Mỗi khi ba tôi đi vắng, chúng lại đến để câu cá hoặc hái trộm xoài. Nhưng ba tôi chưa bao giờ la mắng chúng, có lẽ vì vậy mà chúng luôn chỉ lấy đủ những thứ chúng cần và chưa bao giờ phá phách bất cứ thứ gì.

Sau bữa trưa và một giấc ngủ ngắn, tôi thức dậy và không thấy ba tôi đâu. Có lẽ ông ra ruộng lúa hoặc ở bên nhà chú Tám. Tôi rửa mặt rồi tìm ra sau nhà, với tay hái một trái cóc non, dụi vào chiếc áo đang mặc rồi cắn một miếng. Chép môi bởi vị chua và mùi hơi the the giống như dầu tràm bị pha loãng, tôi nhìn về phía khung cảnh rộng lớn phía trước, cảm giác cứ như một vị vua vừa trở về vương quốc của mình. Tôi bắt đầu tiến tới từng bước, từng bước một, chững chạc và thong dong. Tôi bước qua bên cạnh rừng mía, xuyên qua giữa những gốc cây mì và đạp chân lên những ngọn cỏ. Những cây mía xếp hàng chật cứng, cúi đầu khi tôi đi qua. Những cây mì xòe những bàn tay xanh gân guốc chạm vào cánh tay tôi, như để được ban ân huệ dưới ánh mặt trời. Những ngọn cỏ cúi rạp người, hôn vào gót chân khi tôi đi qua. Và cuộc diễu hành kết thúc, tôi dõi mắt tìm kiếm cây xoài cổ thụ năm xưa.

Nhưng tất cả những gì tôi thấy chỉ là sự hụt hẫng, cây xoài đã không còn nữa. Trước mắt tôi chỉ là một khoảng trống vô bờ. Những hạt cát vụn vỡ, xám trắng như tro tàn, trải dài vô tận. Những hạt bụi trắng bay bay trong gió, như một làn khói mờ, trôi xa tận chân trời. Hoàng hôn đỏ rực đã thiêu đốt tất cả, cây xoài, mảnh đất dưới chân, và cả một góc tuổi thơ trong tâm hồn tôi. "Cây xoài đã đi đâu?" - Tôi tự hỏi mà quên mất rằng nó không thể đi được. Cây xoài đã từng làm bạn với tôi suốt cả mùa hè ấy, tôi đã háo hức được gặp lại nó biết chừng nào. Nhưng sự mong chờ càng lớn bao nhiêu, sự trống vắng trong tôi lúc này càng lớn bấy nhiêu. Tôi đứng đó nhìn những về phía chân trời, cho tới khi ánh hoàng hôn dần tan biến. Và khi tia nắng cuối cùng vụt tắt, một tia sáng bay lên, hóa thành một vì sao.

- Cây xoài đó già rồi, không ra trái được nữa nên phải chặt đi để trồng mì. - Ba tôi trả lời khi tôi hỏi về cây xoài đó - Có gì sáng mai phụ ba đi rải vôi mấy chỗ nữa cho xong luôn.

- Dạ. - Tôi nói, những hạt cơm trong miệng bị nhai đến mức nhão nhoẹt nhưng vẫn không thể nào nuốt trôi.

- Không chặt đi thì nó cũng chết khô thôi, nó già quá rồi, hơn hai chục năm chứ ít gì đâu. - Ba gắp một miếng cá kho cho tôi - Còn nhiều cây xoài khác mà.

Sau bữa cơm, ba lôi chiếc ghế bố đặt ở cửa trước và nằm hóng mát. Mất một lúc để chỉnh ăng-ten và vặn cái nút để bắt sóng, cuối cùng chiếc radio cũ cũng phát ra được những tiếng kêu rè rè. Hôm nay, trên đài có phát bài "Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà", đúng bài ba tôi thích nhất.

Biên cương lá rơi Thu Hà em ơi

Đường dài mịt mùng em không đến nơi..

Ba tôi hát câu đầu tiên rồi ngân nga theo điệu nhạc phía sau. Ông chỉ thuộc được có bấy nhiêu và vẫn thường hát đi hát lại câu đó như vậy.

Tôi không thích nghe cải lương lắm nên đi ra bờ ao phía sau nhà. Nơi đây thật yên tĩnh, chỉ có tiếng dế râm ran trong bụi cỏ và tiếng gió xào xạc trên những ngọn cây. Vầng trăng tròn vành vạnh trên cao cho tôi biết hôm nay đã là ngày rằm, hoặc cũng xê xích không bao nhiêu. Ánh trăng sáng mờ mờ phủ lên không gian xung quanh một tầng sương mỏng, ban cho sinh linh nơi đây chút hơi thở mát mẻ giữa mùa hè nóng bức. Nhặt một viên đá nhỏ, tôi ném vào giữa mặt nước phẳng lặng. Ánh trăng tan ra trên những gợn sóng lăn tăn, vòng qua những gốc rau, tìm đến bờ rồi dội ngược lại. Cứ như thời gian vừa quay trở về lúc nãy, bóng trăng giữa hồ vẫn tròn trịa như lúc ban đầu. Nhưng một con cá quẫy nước làm bóng trăng tan ra lần nữa, nhắc tôi rằng đó chỉ là ảo ảnh.

Không giống như ở thành phố, sinh hoạt ở đây kết thúc rất sớm. Chỉ khoảng tám giờ là ba và tôi đã giăng mùng đi ngủ. Tôi lại nhớ con Vy, cứ tưởng rằng nơi này sẽ giúp tôi cảm thấy đỡ buồn chán hơn trong những ngày hè, nào ngờ đâu thời gian vẫn cứ dài đằng đẵng như vậy. Tôi nằm đó, nhìn những hạt sương trắng bay qua bay lại bên ô cửa sổ, như những hạt bụi của một bà tiên nào đó vừa để lại. Cho đến khi hai mắt đã mỏi, tôi mới chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay.

Sáng hôm sau, tôi thức dậy khi trời vừa tờ mờ sáng. Ba tôi dậy sớm hơn tôi, ông đã pha xong hai ly cà phê và đang ăn dở tô mì. Thấy tôi, ông rót nước sôi vào tô mì còn lại và khi tôi đánh răng, rửa mặt xong là vừa kịp. Vì chợ ở đây rất xa nên chúng tôi phải tiết kiệm, không phải lúc nào muốn ăn cơm cũng được.

Ba đưa cho tôi một chiếc áo khoác dài tay rồi đi về phía sau nhà. Ông vác một cái bao trông có vẻ nặng, còn tôi thì cầm theo hai cái thau nhựa cùng hai đôi găng tay. Chúng tôi cứ thế đi, mỗi lúc một xa căn nhà nhỏ, cho tới khi nó biến mất sau những hàng cây. Ba tôi dừng lại khi đã qua mảnh đất đầy tro tàn, nơi tôi đứng buổi chiều hôm trước. Chúng tôi bắt đầu đổ vôi ra cái thau nhựa, mỗi người ôm một cái rồi rải lên từng luống đất một. Lâu rồi không vận động nhiều nên tôi rất nhanh mệt. Cho tới gần trưa, tôi chỉ rải được bốn luống, chưa được một nửa của ba tôi.

Chúng tôi cất đồ đạc ở một gốc cây gần đó rồi về nhà. Trên đường về, ba tôi hái vài trái dưa leo cùng với khổ qua cho bữa trưa, thêm nồi cá kho hôm trước nữa là được ba món. Buổi chiều, chúng tôi lại tiếp tục rải vôi trên mảnh đất ấy, cứ thế cho đến sáng ngày thứ ba mới xong. Trong lúc chờ cho đợt bón phân lần tới, chúng tôi dọn cỏ cho ruộng mì đã trồng trước đó, tưới nước cho những cây mía và cây xoài, đắp lại bờ của cái ao. Thỉnh thoảng, ba và tôi lại thu hoạch những thứ mình trồng được để bán cho thương lái, với giá rẻ hơn ở thành phố rất nhiều. Sau những vụ mua bán, tôi trông ba tôi có vẻ còn mệt mỏi hơn những ngày phải quần quật ngoài đồng, nhưng ông vẫn chẳng bao giờ than phiền bất cứ điều gì.

Chúng tôi cũng có những ngày nghỉ ngơi mà chẳng làm gì cả. Những ngày ấy, chúng tôi lại sang nhà chú Tám chơi. Nhà chú cách nhà tôi khoảng ba bốn chục bước chân, đi qua vài gốc bạch đàn là tới. Trong lúc ba và chú Tám ngồi uống rượu với nhau, tôi chỉ cho đứa con của chú học bài. Nó tên Nghi, cũng là con út trong nhà giống tôi, nhưng nó học sau tôi hai lớp. Nó là một đứa lanh lợi, có nhiều bài toán phức tạp nhưng tôi chỉ giảng qua một lần là nó đã hiểu. Khi trời đã tối muộn, ba và tôi lại dắt nhau về nhà. Đường nông thôn không có đèn điện, chúng tôi phải rọi đèn pin mà đi. Tôi cứ sợ ba tôi sẽ ngã, nhưng ông đi trên con đường đất ấy còn vững hơn tôi, mặc dù đã say. Nhìn đồng hồ đã gần chín giờ, tôi đánh răng rồi mắc mùng đi ngủ. "Làm gì thì làm, cũng phải giữ sức khỏe" - Ba tôi nằm ở bên cạnh nói - "Chỉ đừng làm biếng là được. Cái nghề này không ai bắt mình phải làm, nhưng vẫn phải làm, vì cuộc sống. Cái nghề nó đi liền với cái nghiệp mà con". Ông còn nói nhiều thứ khác nữa, nhưng khi đó tôi đã lim dim ngủ nên chẳng nhớ rõ. Bình thường ông rất ít nói, chỉ khi đã say ông mới nói nhiều như vậy, và thường thì ông cũng chẳng nhớ gì sau khi ngủ một giấc dài.

Hai tháng xa con Vy khiến thời gian có chút chậm chạp, nhưng cuối cùng mọi thứ cũng kết thúc. Chúng tôi trở về nhà vào giữa tháng Tám vì tôi còn phải chuẩn bị cho năm học mới. Tuy nhiên, có một điều quan trọng hơn là tôi sẽ lại được gặp đứa con gái trong mơ của mình. Tôi gọi điện thoại cho con Vy và nó bắt máy, điều đó có nghĩa là nó cũng đã về rồi. Nó bảo tôi qua nhà nó chơi vì mẹ nó đã đi vắng. Hình như nó không thích mẹ nó gặp tôi, hoặc một lý do nào khác. Tôi đã gặp cô Hà một lần và cô chẳng có vẻ gì là khó tính cả. Nhưng dù sao thì đó là quyết định của nó, và tôi cũng cảm thấy mình chẳng cần phải có bất kỳ ý kiến gì.

Chương 25
- Sao bữa nay mày đen như mọi vậy? - Con Vy hỏi, có chút không tin tưởng người đang đứng trước cổng là tôi.

- Tao mới đi rẫy về, trong đó ngày nào cũng dang nắng mà. - Tôi cười hì hì nói, lúc này mới ý thức được làn da của mình đã đen hơn rất nhiều so với hai tháng trước.

- Mày sướng nhỉ.

- Làm ruộng suốt cả tháng, mệt thấy mồ chứ sướng gì, - Tôi nói - Còn mày thì sao, đi chơi vui không?

Tôi nhìn trộm gương mặt bị che đi một phần bởi mớ tóc được gom hết qua vai bên phải của con Vy. Trông nó vẫn xinh xắn như lần trước chúng tôi gặp nhau. Cái cổ trắng muốt của nó ẩn hiện những sợi tơ nhỏ li ti, như những sợi lông trên lớp vỏ của quả bí xanh. Tôi muốn chạm vào chúng nhưng đã kịp kìm chế lại. Tuy vậy, ngón trỏ và ngón cái của tôi cứ ngắt lấy nhau. Nó lại mặc một bộ quần áo màu hồng nhạt có hình mèo Kitty. Nó thích nhất mèo Kitty, trong khi người bạn thân nhất trước đây của nó lại là một con chó. Tôi nhìn vào bóng lưng của nó, trên lớp vải sợi bông mềm mại không hề xuất hiện một vết gợn nào. Một thoáng suy nghĩ không chín chắn lại hiện lên trong đầu tôi: "Nó lại không mặc áo ngực". Tất nhiên là tôi không dám nói ra điều đó lần nữa. Cánh tay nó mảnh khảnh và bàn tay nó nhỏ nhắn là vậy, nhưng cú tát của nó thì như trời giáng. Tôi đưa tay lên xoa nhẹ một bên mặt của mình khi nhớ lại cú tát ấy, cảm giác vẫn còn rất mới mẻ. Đôi chân trần của nó lướt nhẹ trên những ngọn cỏ xanh, nó thích cảm giác được những ngọn cỏ cào nhẹ vào mắt cá chân như vậy. Nhìn đứa con gái trước mắt, tôi thấy có nhiều thứ chả liên quan gì với nhau, nhưng những chi tiết đó lại được sắp xếp cùng nhau một cách hoàn hảo.

- Chán òm. - Nó trả lời câu hỏi khi nãy của tôi trước khi bước vào nhà.

- Sao vậy? - Tôi hỏi. Lâu rồi mẹ nó mới dẫn nó đi chơi như vậy nên tôi tưởng phải vui lắm, hoặc ít ra thì cũng không đến mức phải thất vọng như cách nó thể hiện trên mặt.

Phòng khách nhà nó đã được đặt một bộ sofa mới, có nền màu xanh lá cây, bên trên là cả đống hình hoa màu xanh dương và vàng, nói chung là trông rất lòe loẹt. Cả mấy cái gối hình vuông đặt trên ghế cũng vậy. Con Vy mang ra một dĩa bánh, một chai nước và hai cái ly. Nó lại mở bài November Rain và chúng tôi bắt đầu nghe. Rõ ràng nó không có ý định trả lại cái đĩa nhạc cho dì nó. Tôi chợt thấy thiếu thiếu cái gì đó, nhưng khi biết đó là con Misa thì không nhắc tới vì sợ con Vy buồn.

- Chán lắm - Nó thở dài - Nói là dẫn tao đi chơi, vậy mà hai người bọn họ chả quan tâm gì đến tao.

- Mày đi với ai nữa à?

- Ờ, còn một ông chú nữa, - Nó uống một ngụm nước rồi nói - Mẹ tao quen ông ta hồi năm ngoái, trong lúc đi công tác ở ngoài Bắc. Đợt vừa rồi, sinh nhật tao ấy, hai người lại gặp nhau lần nữa. Chả hiểu sao ông ấy lại đòi cưới mẹ tao, trong khi trẻ hơn mẹ tao tận năm tuổi. Vậy mà ma xui quỷ khiến thế nào mẹ tao lại đồng ý. Thế là có chuyến đi chơi dài đằng đẵng hai tháng trời vừa rồi. Mà hai người họ đi chơi với nhau thì đi đi, - Nó vừa nhai rôm rốp mấy miếng bánh trong miệng vừa nói - Đem tao theo làm chi không biết. Cảm giác cứ như người thừa vậy, thà ở nhà đi biển còn sướng hơn.

- Dù sao thì cô Hà trông vẫn còn trẻ đẹp mà. - Tôi cho một miếng bánh vào miệng.

- Ê, mày nói vậy là có ý gì, - Nó lườm tôi một cái - Mẹ tao gần bốn mươi rồi đấy.

- Ý gì là ý gì, tao chỉ nói bề ngoài trông mẹ mày trẻ hơn tuổi thực thôi. Nếu ông ta thương cô Hà thật lòng thì cần gì phải quan tâm đến tuổi tác chứ.

- Xin lỗi, dạo này tao nhạy cảm quá - Nó ngả người vào chiếc ghế sofa - Mày nói đúng, dù sao thì mẹ tao cũng ở vậy hơn mười sáu năm rồi. Nhưng tao cứ thấy ghét ghét ông ta sao ấy. Tao có linh cảm ông ta không phải người tốt, mà linh cảm của tao thì rất ít khi sai. Mày có biết cái gì gọi là linh cảm của con gái không?

- Hình như tao có nghe chị Nhã nói vài lần, - Tôi suy nghĩ một chút rồi nói - Thỉnh thoảng chị ấy lại than vãn: "Rõ ràng mình đã linh cảm vậy rồi mà, sao lại sai được".

- Ờ, - Nó cầm lấy ly nước và uống một ngụm - Chắc chị ấy đặc biệt. Nhưng đa phần linh cảm của tao là đúng.

- Linh cảm kiểu gì mà nhìn ai cũng thành người xấu vậy. - Tôi cười ha ha nói.

- Nhưng ông ta là người xấu thật. - Nó la lên.

- Thôi được rồi, - Tôi cố nhịn cười - Mà ông ta đã làm việc gì xấu chưa?

- Có, ông ta sờ vào người mẹ tao, chỗ này, chỗ này và chỗ này nữa - Nó chỉ vào cái eo của mình, rồi nhấc người lên chỉ vào mông, sau đó thì là ngực - Chưa có gì với mẹ tao hết mà ông ta đã như vậy rồi, mà còn làm việc đó trước mặt một đứa con gái nữa chứ. Mày nói xem có xấu không?

- Ờ, - Tôi gãi gãi mũi khi thấy nó chỉ vào ngực trái - Có thể người lớn có suy nghĩ khác, nhưng đúng là cũng nên giữ ý tứ trước mặt con nít.

- Mày nói ai con nít?

- Tao không có ý đó. - Tôi giả vờ nhấp một ngụm nước.

- Còn nữa, cái ghế này cũng là ông ta chọn - Nó vỗ vỗ vào cái ghế sofa đang ngồi - Trông xấu không thể tưởng tượng được. Người bình thường chả ai có cái gu thẩm mỹ như vậy cả. Nếu con Misa mà còn ở đây thì tao sẽ bảo nó cắn nát cái ghế này ra, hoặc tự tao xé rách rồi đổ cho nó để mua cái ghế mới.

"Tội nghiệp con chó" - Tôi nói thầm.

- Mày nói sao?

- Không có gì, - Tôi ném một miếng bánh vào trong miệng - Đúng là cái ghế xấu thật.

- Ừ, làm hỏng cả cái phòng khách nhà tao.

- Ừ.

- Còn nữa, - Nó lại uống một ngụm nước và nói - Tuần trước ông ta còn lén lút vào phòng tao.

- Có chuyện đó sao, - Tôi hỏi, có chút lo lắng xen lẫn tò mò - Rồi có chuyện gì không?

- Không, lúc đó tao vừa tắm xong, khi về phòng thì thấy ông ta đang đứng ở đó. Thấy tao, ông ta nói có con mèo vừa chạy qua, cười một cái rồi bỏ đi. Thề, tao ghét cái điệu cười xấu xí đó kinh khủng, nó làm tao nổi da gà mỗi khi nhìn thấy.

- Rồi giờ ông ta đâu?

- Về quê rồi, sau khi mẹ tao đi thì ông ta cũng chẳng còn lý do gì ở lại đây nữa. Ài - Nó thở dài - Về để chuẩn bị đám cưới ở ngoài đó.

- Tao tưởng cô Hà không đi công tác nữa chứ.

- Chắc không nhiều như trước thôi, ngày mốt là mẹ tao về. Hồi trước mỗi lần mẹ tao đi là cả tháng, về được một hai ngày là lại đi tiếp. Lúc thì vào Nam, lúc thì ra Bắc, vậy nên nhà tao ở giữa giữa thế này cho tiện. - Nó lại lắc đầu thở dài - Tự nhiên giờ tao lại muốn mẹ tao cứ đi như trước, thế lại hay.

- Sao mày lại nghĩ vậy chứ?

- Tại mày đấy?

- Ơ, tao thì liên quan gì? - Tôi thực sự không hiểu cái lý do của nó.

- Mẹ tao ở nhà thì mày không qua đây được, mà tao thì cũng không thường xuyên qua nhà mày được, - Nó chống cằm vào giữa hai đầu gối, lấy ngón tay cào nhẹ mấy cái móng chân - Nghĩ thôi đã thấy chán rồi.

- Tao thấy cô Hà cũng thoải mái mà, tao qua nhà mày hay mày qua nhà tao có khác gì đâu.

- Không biết nữa, tao nghĩ nếu mẹ tao ở nhà thì tao sẽ không thấy thoải mái khi bên cạnh mày nữa, mà tao đi ra ngoài cả ngày thì cũng không được. Tao thấy chỉ có hai đứa như bây giờ, hoặc thêm chị Nhã nữa là tốt nhất.

- Ừ, tao cũng thấy vậy. À mà, bữa trước mày nói mua quà cho tao, có không?

- Không, - Con Vy lạnh lùng nói - Tao quên rồi. Chẳng phải mày nói chỉ cần tao là đủ sao?

- Ờ, thì.. - Tôi vừa cười vừa gãi đầu nhìn nó - Tao chỉ hỏi vậy thôi.

- Thực ra thì cũng có, nhưng không phải bây giờ.

Tôi chợt nhớ ra vài tháng nữa là tới sinh nhật mình. Tôi không biết mình sẽ được tặng món quà gì, nhưng việc con Vy bắt tôi đợi lâu như vậy khiến tôi có chút mong chờ. Con Vy lại đánh đàn cho tôi nghe cho đến khi mặt trời đã đứng bóng. Trước khi ra về, tôi được nó tặng một món quà khác: Một nụ hôn lên má.

Chương 26
Tháng Mười Một, những cơn mưa rơi ồ ạt không ngừng nghỉ. Năm nào cũng vậy, bầu trời hút nước lên trong suốt một năm, rồi để dành đến cuối năm trút xuống một lượt. Mưa đã bắt đầu từ giữa tháng Mười, đến nay đã gần ba tuần mà vẫn còn nặng hạt. Nước tràn ngập khắp nơi khi mưa chỉ vừa rơi được vài ngày, và cứ thế mỗi lúc một dâng lên. Từ những góc tường tận trong cùng của con xóm, nước mưa chảy thành dòng đổ ra ngoài đường lớn. Những nhà có bậc thềm cao thì còn tốt, chỉ có những tia nước bắn lên cánh cửa, đọng thành giọt rồi lại rơi xuống dòng chảy bên dưới. Còn những nhà có bậc thềm thấp ngang mặt đường như nhà tôi thì nước mưa tràn ngập vào tận bên trong.

Dù đã chặn vài bao cát ngoài cửa, mặt nước trong nhà tôi vẫn không ngừng dâng lên, ngập đến cổ chân. May mắn là tôi đã kịp vớt đôi dép của mình trước khi nó chuẩn bị trôi theo dòng nước. Sau khi tát được một ít nước ra ngoài, tôi lại phải chạy lên gác xem thế nào. Qua những lỗ thủng trên mái nhà, nước mưa cứ rơi xuống không ngừng. Từng giọt, từng giọt rơi vào những cái thau được lót giẻ bên trong, những tiếng lộp độp hòa vào tiếng mưa rào rào bên ngoài, và tiếng lầm rầm trên mái. Bốn bức tường, chỗ nào cũng bị mưa thấm qua, làm màu của lớp vôi đậm lên trông thấy. Cánh cửa sổ bị gió thổi kêu lạch cạch không ngừng, nhưng nó vẫn kiên cường ngăn không cho những hạt mưa bay qua song cửa. Tôi lấy tấm giẻ đã ướt nhẹp trên khe hở chỗ cửa sổ và nhét một tấm giẻ khác vào. Tôi đổ hết nước trong những cái thau vào một cái duy nhất, nước mà ngập cao hơn mấy cái giẻ thì lại bắn ra khắp nơi. Đem cái thau xuống dưới và đổ ra dòng nước bên ngoài cửa, tôi thả nó xuống giữa nhà. Nhìn cái thau trôi bập bềnh trên mặt nước, tôi chợt nhớ lại ánh mắt của anh Tư đã từng nhìn tôi, khi tôi gấp thuyền thả đầy nhà cũng trong một ngày mưa lớn như thế này.

- Thôi kệ đi con, - Mẹ tôi nói, bưng tô cơm từ dưới bếp lên đưa cho tôi - Có tát bao nhiêu thì cũng không hết được, chờ hết mưa là nó tự rút thôi. Ăn cơm đi rồi còn học bài.

- Dạ. - Tôi đón lấy tô cơm rồi ngồi ăn trên bậc thang.

Mẹ tôi cũng ôm một tô cơm như vậy, ngồi trên chiếc ghế dài bằng gỗ đặt kế bên cửa ra vào. Trời mưa nên chẳng dọn dẹp gì hết, mỗi người một cái tô như vậy cho khỏe. Sau khi ăn hết phần cơm của mình, tôi rửa chén rồi lên gác học bài. Chỗ cái bàn học của tôi cũng bị dột, năm ngoái ba tôi đã trám lại cái lỗ đó, nhưng giờ thì lại xuất hiện một cái lỗ khác cách chỗ cũ chỉ năm cen-ti-mét. Mặt bàn đã bị một cái thau lớn chiếm giữ, tôi lấy sách vở ra một góc nhỏ để học, cả căn gác cũng bị mấy cái thau chiếm gần hết chỗ. Đến giờ đi ngủ, tôi giăng mùng bên ngoài một cái thau, đặt một tấm giẻ lớn lên trên rồi lấy cái thau ra, sau đó mới trải chiếu bên trong. Nằm nghe mưa rơi, tôi lẩm nhẩm lại bài học trong miệng rồi chìm vào giấc ngủ.

Sáng hôm sau, tiếng quét nước bằng chổi xương làm tôi tỉnh giấc. Tôi dụi mắt và nhìn về phía cửa sổ, những tia nắng dịu nhẹ đã trở lại sau bao ngày mất tích. Bên ngoài, tiếng mưa rơi đã không còn, tôi kéo tấm giẻ ở khe cửa sổ xuống, vắt khô rồi giắt lên song cửa, sau đó mở cánh cửa ra một cách từ từ. Những giọt nước mưa còn sót lại trên cửa sổ rơi xuống theo quán tính, làm ướt bàn tay tôi, sáng lấp lánh dưới ánh nắng ban mai. Nhìn bầu trời trong xanh không một gợn mây, tôi thích thú hít thở mùi hương của sự ấm áp ngắn ngủi. "Rồi trời sẽ lại mưa sớm thôi" - Tôi nghĩ. Thỉnh thoảng sẽ có vài ngày nắng hiếm hoi như thế này, nhưng sau đó trời sẽ lại mưa lần nữa, cho đến tận tháng Mười Hai, hoặc thậm chí đến tháng Một năm sau.

"Tíc tíc tíc tíc" - Tiếng kêu của cái đồng hồ báo thức vang lên, tôi tắt đi rồi tranh thủ lấy quần áo ra phơi. Tôi đi xuống dưới và thấy sàn nhà đã được lau sạch sẽ và khô ráo. "Chắc mưa tạnh lúc nửa đêm, trước khi mẹ tôi đi chợ" - Tôi đoán. Sau khi đánh răng, rửa mặt và ăn sáng xong, con Vy cũng vừa đến. Mặc lại bộ đồng phục đã ba ngày chưa giặt, tôi ngửi thấy có chút mùi mồ hôi đang lên men, nhưng cũng đành chịu. Tôi chỉ có hai bộ đồng phục, và một bộ thì đang lắc lư trên cây phơi đồ. Nhìn đồng hồ, tôi chỉ mới đem đống quần áo ra phơi được có ba mươi phút, nhưng vẫn phải lấy hết tất cả vào. Tôi không dám chơi trò đỏ đen với thời tiết, bởi trước giờ tôi chỉ toàn đen chứ chưa lần nào thấy đỏ. Cái nắng dìu dịu của ban mai chẳng giúp đống quần áo khô được bao nhiêu, nhưng có còn hơn không.

Cho tới khi tôi đi học về, trời vẫn còn nắng chang chang. "Thôi kệ, biết đâu mình không đem quần áo vào thì trời lại mưa" - Tôi tự an ủi. Mùi tóc thơm của con Vy thoang thoảng qua mũi khiến tôi vui hơn một chút.

- Ê, nếu tối nay không mưa thì đi chơi nha. - Con Vy nói.

- Ừm, mấy giờ?

- Tầm sáu rưỡi, bảy giờ tao qua.

- Ờ. - Tôi gật đầu.

"Sáu rưỡi, bảy giờ" của con Vy thường là "bảy giờ", nhưng lúc tôi chắc rằng đó là "bảy giờ" thì đáp án của nó lại là "sáu rưỡi". Hầu như lúc nào một trong hai người chúng tôi cũng phải đợi người còn lại, và thường thì người đó là tôi. Những lúc phải đợi tôi, nó lại cằn nhằn, và chúng tôi cũng cãi nhau vài lần về chuyện giờ giấc. Nhưng sau khi nghe mẹ tôi kể chuyện về ba, tôi không bao giờ chọn "bảy giờ" hay cãi nhau với nó nữa.

Mẹ tôi kể hồi hai người mới quen nhau, bà thường thử lòng ba tôi bằng cách hẹn ông từ rất sớm và bắt ông phải đợi, còn hai chị em bà thì đứng sau ô cửa sổ nhìn ra ngoài xem thế nào. "Bà ngoại con vẫn thường dặn chị em mẹ rằng chỉ nên chọn người đàn ông biết kiên nhẫn với mình" - Mẹ tôi nói - "Tiền bạc hay vẻ bề ngoài cũng chỉ như những món đồ trang sức, mà trang sức đeo trên một khúc gỗ thì chẳng có ý nghĩa gì". Tôi có cảm giác hình như mẹ đã hiểu hơi sai về lời căn dặn của bà ngoại, nhưng không muốn nói ra.

Thế là trong suốt nửa năm, mẹ bắt ba tôi phải đợi như vậy, nhưng chưa bao giờ ông kêu ca hay bực dọc. Ông vẫn yêu thương mẹ tôi bằng tất cả những gì ông có, dù khi đó ông cũng chẳng có gì. Một lần, mẹ tôi lại hẹn ông như vậy, nhưng bà ngoại tôi đột nhiên bị bệnh nên cả nhà đều đi hết ra trạm xá. Mẹ tôi phải ở lại chăm sóc bà ngoại và quên luôn cuộc hẹn của mình. Sáng hôm sau khi về nhà, bà mới thấy ba tôi ngồi dựa lưng vào bức tường rào bên ngoài và ngủ gục ở đó, dưới gốc cây táo. Ba tôi cũng sợ ma lắm, nhưng vì mẹ tôi mà ông chẳng còn sợ gì nữa. Thế là hai tháng sau, khi bà ngoại tôi đã khỏe lại, ba tôi mang trầu cau qua hỏi cưới mẹ tôi và được mọi người đồng ý.

Nhưng trước ngày đám cưới diễn ra, chiến tranh ập đến, mọi người lạc mất nhau. Mẹ tôi từ con gái của một gia đình khá giả trở thành một người lang thang không nơi nương tựa, và phải may mắn lắm mới có thể sống sót trong thời loạn lạc. Bà được một gia đình nông dân cưu mang và giúp họ làm đồng để kiếm cái ăn qua ngày. Khi ấy, mẹ tôi vẫn là một cô gái xinh đẹp nên có nhiều thanh niên gần đó muốn được kết duyên cùng, nhưng bà từ chối tất cả. Nhiều mùa xuân qua đi, tuổi trẻ và nhan sắc của bà cũng dần phai đi, mấy bà mai mối cũng chẳng buồn nhắc đến bà nữa. Mẹ tôi tưởng rằng sẽ ở vậy cả đời, nhưng cuối cùng thì ba tôi cũng tìm thấy bà, và hai người bên nhau cho đến tận bây giờ.

Còn rất nhiều chuyện về ba tôi nữa, và mỗi câu chuyện đều cho thấy ba thương mẹ tôi đến mức nào. Mẹ tôi vẫn thường hay "khoe" mấy chuyện đó với chị Nhã và dặn dò mấy anh em tôi phải giống như ba, không được bỏ rơi người con gái của mình. Nhìn vẻ bề ngoài lúc nào cũng nghiêm khắc và lạnh lùng của ba, tôi chưa bao giờ nghĩ ông lại dịu dàng đến thế. Nhưng chắc chỉ có mỗi mẹ tôi là được thưởng thức sự dịu dàng đó của ông. Đối với chúng tôi, ông toàn nghiêm khắc thôi

Chương 27
Dạo gần đây, chúng tôi ít khi hẹn nhau ở nhà của con Vy. Cô Hà đã kết hôn với người đàn ông lần trước nó kể, và giờ thì người đó đã là cha dượng của nó. Ông ta kiếm được một công việc ở Nha Trang và cũng đã chuyển đến nơi đây sống, trong ngôi nhà của con Vy. Ngoài những giờ đi làm, cô Hà và ông ta thường xuyên có mặt ở nhà. "Vì bọn họ mà tao phải trốn trong phòng cả ngày" - Con Vy ấm ức nói. Tôi có gặp bọn họ vài lần, khi đang đứng ngoài cổng để đợi con Vy cùng đi học. Mỗi lần như vậy, bọn họ lại hỏi tôi rất nhiều chuyện, nhất là người đàn ông ấy. Ông ta tên Đạt, vóc người dong dỏng cao, có một gương mặt cũng khá điển trai, với vài đường góc cạnh vừa đủ để tạo nên nét nam tính. Nụ cười của ông ta cũng không xấu như con Vy kể, nhưng tôi không thích ánh mắt của ông ta khi cười. Đôi mắt ấy híp lại không phải vì vui vẻ, mà giống như đang che giấu những suy nghĩ của ông ta. Con Vy không thích tôi tiếp xúc nhiều với ông ta nên dần dần chuyển chỗ hẹn sang nhà tôi.

Cả buổi chiều hôm ấy, bầu trời vẫn trong xanh thoáng đãng, chỉ có vài áng mây trắng nhẹ trôi lững lờ. Đúng sáu giờ rưỡi, tôi đã chuẩn bị xong mọi thứ và sẵn sàng chờ người con gái của mình đến. Mẹ tôi đã quá quen với cái cảnh tôi ngồi dưới chân cầu thang, nhìn ra cửa để chờ con Vy. Như nhiều lần trước đó, con Vy xuất hiện khi kim đồng hồ vừa quá bảy giờ mười một chút. Nó diện một bộ váy màu cam nhạt kín đáo, những lớp vải voan mỏng uốn quanh, gợn sóng và kéo dài đến tận đầu gối. Trông chiếc váy của nó như đuôi của một con cá vàng, nhưng chút rối ren ấy không đủ làm nó khó khăn trên chiếc xe đạp. Dưới những lọn tóc được tết lại một cách duyên dáng, cùng với gương mặt được trang điểm nhẹ nhàng, nó nở một nụ cười khiến cho cả con hẻm nhỏ tràn đầy ánh sáng. Tôi chợt hiểu ra rằng hơn bốn mươi phút chờ đợi của mình là xứng đáng, cho dù lâu hơn nữa cũng đáng.

Chúng tôi đi ăn chân gà nướng ở gần trường, sau đó đạp xe dọc theo con đường Trần Phú để hóng gió biển. Dừng xe lại bên cạnh một công viên, chúng tôi tìm một tấm ghế đá và ngồi xuống. Lúc này, con Vy mới lấy cái hộp được che rất kỹ trong giỏ xe ra và đặt vào giữa chúng tôi. Là một chiếc bánh kem nhỏ, vừa đủ cho hai đứa ăn. Nó cắm từng cây nến bên trên và cẩn thận thắp lên từng ngọn lửa nhỏ. Vì không đủ chỗ để cắm mười bảy cây nến nên nó chỉ cắm có bảy cây. Tôi nhìn gương mặt chăm chú ấy, mỗi lúc một sáng lên bởi chính những ngọn lửa nó đang thắp. Từng cơn gió của mùa đông vẫn lạnh lùng thổi, nhưng có một ngọn lửa cũng đang không ngừng sưởi ấm trái tim tôi.

- Chúc mừng sinh nhật! - Con Vy giơ hai tay lên và nói to.

- Cảm ơn nha. - Tôi hạnh phúc nhìn đứa con gái đang ngồi trước mặt mình.

Thực ra thì ngày hôm sau mới đến sinh nhật tôi, nhưng có lẽ vì sợ trời mưa nên con Vy tranh thủ tổ chức sớm một ngày. Chúng tôi vừa hát bài Happy Birthday vừa vỗ tay theo nhịp. Trước khi thổi tắt những ngọn nến, tôi ước rằng hai chúng tôi sẽ mãi mãi vui vẻ bên nhau như lúc này. Tôi hi vọng rằng những ánh nến sẽ mang theo điều ước của mình bay đi thật xa, đến nơi nó cần đến. Sau khi ăn hết cái bánh kem, con Vy đưa cho tôi một chiếc hộp nhỏ và nói:

- Quà sinh nhật của mày nè.

Tôi đưa tay nhận lấy hộp quà, cẩn thận tháo chiếc nơ màu đỏ và lớp giấy gói màu xanh dương bên ngoài. Một chiếc chìa khóa kiểu trung cổ màu trắng bạc nhỏ nhắn, xinh xinh, sáng lấp lánh giữa những hạt xốp mịn như những bông tuyết. Trên tay nắm của nó là những đường hoa văn tinh tế được chạm khắc một cách tỉ mỉ, và xuyên qua cái lỗ nhỏ là một sợi dây chuyền bằng bạc. Tôi cầm sợi dây lên và nhìn chiếc chìa khóa lắc lư trước mắt. Ánh mắt tôi xuyên qua chiếc lỗ khóa, lén nhìn đôi mắt đang cười của con Vy.

- Đẹp lắm! - Tôi mỉm cười nhìn vào đôi mắt lấp lánh như pha lê ấy.

- Cái gì đẹp? - Nó hỏi lại.

- Mày.. - Tôi nói - Biết là tao khen cái chìa khóa rồi còn hỏi.

- Mày muốn chết phải không? - Nó lấy ngón tay chọc vào eo tôi.

- Không, không - Tôi v ừa cười nắc nẻ vừa chống cự trước sức tấn công của nó - Tao sai rồi. Mày mới đẹp nhất, đẹp hơn cả thần tiên tỷ tỷ trên TV nữa.

- Nói cho mày biết, - Nó xoay xoay ngón trỏ trước mắt - Tao vừa học được chiêu Nhất Dương Chỉ đó.

- Thôi, tao sợ mày rồi. - Tôi nắm lấy tay con Vy, và chúng tôi im lặng nhìn nhau. Dường như có một cơn gió vừa cuốn lấy tâm hồn chúng tôi bay đi thật xa, bay lên bầu trời bao la kiếm tìm những ngôi sao, bay giữa đại dương rộng lớn dạt dào sóng biển. Ở đó, tôi chỉ thấy một đôi mắt long lanh đang nhìn mình.

"Tí tách".

Những hạt mưa rơi xuống đánh thức tôi khỏi cơn mộng tưởng. Chúng tôi vội vã rời khỏi công viên. Tôi đưa con Vy chiếc áo khoác của mình và đạp xe nhanh nhất có thể, cố gắng chạy trốn khỏi cơn mưa. Chúng tôi tìm đến dưới một mái hiên và ngồi tựa vào nhau, hi vọng hơi ấm của cơ thể sẽ làm bớt đi lạnh giá của cơn mưa. Tôi vòng cánh tay qua ôm lấy bờ vai đang khẽ run lên của con Vy. Những dòng nước chảy từ những cái rãnh trên mái hiên xuống, không ngừng rửa sạch mùi gió biển đang bám vào chiếc xe đạp. Màn mưa trắng xóa cả không gian trước mắt chúng tôi, chẳng thể nhìn thấy bên ngoài có những gì. Xa xa, ánh vàng của ngọn đèn đường le lói trong mưa, yếu ớt rọi lên hai đôi chân khép nép bên bậc thềm. Tôi nhìn cơn mưa và không biết đang là mấy giờ nữa, nhưng nếu cứ như vậy thì chúng tôi chỉ có thể đội mưa về.

- Xin lỗi, lúc nãy tao quên mang theo áo mưa. - Tôi nói.

- Không sao, - Con Vy khẽ cựa đầu trong lồng ngực tôi - Lúc nào cũng sẵn sàng cho mọi chuyện có khi lại mất hay. Mà nhìn mày như vầy cũng đẹp trai lắm đó.

Tôi vẫn nhìn ra ngoài màn mưa và khẽ nở một nụ cười, cảm giác có chút thỏa mãn.

- Mai là thứ Bảy à? - Nó chợt hỏi.

- Ừ, sao vậy? - Tôi cúi xuống nhìn nó.

- Sinh nhật tao là thứ Bảy, sinh nhật mày cũng thứ Bảy, trùng hợp nhỉ.

- Trùng hợp thật - Tôi nói - Mà hình như năm ngoái cũng vậy.

- Nếu vậy thì - Nó chớp chớp đôi mắt - Thứ tự các ngày trong tuần của tháng Ba giống với tháng Mười Một à?

- Ờ ha, cũng đúng. - Tôi suy nghĩ rồi gật đầu.

- Tao với mày đều sinh vào ngày Tám.

- Đúng rồi.

- Mày có nghĩ rằng mày sinh ra là để dành cho tao không?

Tôi phì cười trước những liên tưởng của con Vy. Nhiều người vẫn hạnh phúc với nhau mà ngày sinh tháng đẻ của họ có liên quan gì với nhau đâu. Tôi luồn tay vào giữa những sợi tóc ướt át của nó và nói:

- Chúng ta sinh ra là để dành cho nhau.

Con Vy nằm im lặng một lát rồi từ từ ngồi dậy. Và hình như ánh mắt nó vẫn không rời khỏi gương mặt tôi. Cảm giác con Vy cứ nhìn mình chăm chú như vậy khiến tôi phải quay mặt qua nhìn nó. Giữa cơn mưa lạnh giá, hơi thở run rẩy của chúng tôi chạm vào nhau và hòa làm một. Chúng tôi cứ thế tiến tới gần, gần nhau hơn nữa. Đôi hàng mi cong dài khẽ mấp máy rồi đóng lại, con Vy lim dim như một con mèo nhỏ đang say ngủ. Hơi thở của nó đã chạm vào môi tôi, kêu gọi một cách đều đặn và dồn dập. Đôi môi tôi run lên, chạm nhẹ vào bờ môi ngọt ngào, êm ái ấy. Rồi chúng tôi vòng tay ôm lấy nhau, hơi thở mỗi lúc một gấp gáp. Tôi cảm nhận được mùi thơm nhàn nhạt của bánh kem nơi đầu lưỡi và say mê nếm trọn hương vị ngọt ngào ấy. Tôi tưởng như cả cơ thể mình đang tan chảy, bắt đầu từ bờ môi, đầu lưỡi, đến toàn bộ gương mặt, rồi lan ra những nơi khác. Chúng tôi hòa tan hoàn toàn vào nhau, vào trong không khí và cả màn mưa. Tôi không còn cảm nhận được bất cứ thứ gì nữa, kể cả bản thân mình. Phút giây ấy, tôi chỉ còn là một nụ hôn..

Chương 28
"Kéttt".

Tiếng cửa sắt kéo dài làm tôi trở về với trạng thái thực thể và tách ra khỏi cơ thể của con Vy. Ánh đèn từ trong nhà xuyên qua khe cửa, soi rõ từng hạt mưa bay bay giữa không trung. Một người phụ nữ đã có tuổi bước ra nhìn chúng tôi, sau đó nhìn màn mưa một lúc rồi kéo cánh cửa lại.

- Không biết bà ấy có thấy không nhỉ? - Con Vy ngậm chặt môi lại, cố gắng không cười thành tiếng.

- Chắc không đâu. - Tôi cũng cố nén cười, với tay lấy chiếc áo khoác bị rơi xuống đất, giũ vài cái rồi lại khoác lên người nó.

Chúng tôi lại ngồi tựa vào nhau, con Vy khẽ ngân nga vài câu hát trong bài November Rain:

.. So never mind the darkness

We still can find a way

'Cause nothin' lasts forever

Even cold November rain..​

Một lát sau, cánh cửa sắt mở ra lần nữa. Người phụ nữ lại xuất hiện, trên tay bà là một chiếc áo mưa cánh dơi. Bà chìa chiếc áo mưa cho chúng tôi, mỉm cười và gật gật đầu. Hình như bà không nói được, nhưng ánh mắt đôn hậu ấy đã nói lên tất cả. Chúng tôi cảm ơn bà và nhận lấy chiếc áo mưa. Trong màn mưa trắng xóa, cái bóng của chúng tôi lướt đi dập dềnh trên mặt nước. Từng vòng quay của chiếc xe đạp vẫn cứ quay đều, rẽ làn nước qua hai bên. "Không có gì tồn tại mãi mãi cả, dù là cơn mưa tháng Mười Một lạnh giá", nhưng cảm giác về bờ môi ngọt ngào ấy sẽ theo tôi đến suốt cuộc đời.

Tưởng như cơn mưa sẽ phải nhiều ngày nữa mới tạnh, nhưng sáng hôm sau, bầu trời lại trong xanh như một ngày trước đó. Sau hai tiết học cuối tuần, chúng tôi tìm đến mái hiên hôm trước để trả lại cái áo mưa, và cũng không quên cảm ơn người phụ nữ ấy lần nữa. Chiều Chủ Nhật, một trận mưa lại đến và nó kéo dài gần cả tháng. Tôi chợt nhận ra những suy tính của mình về thời gian và thời tiết trong những ngày gần đây đều hoàn toàn sai bét. Nhưng có lẽ con Vy nói đúng, lúc nào cũng sẵn sàng cho mọi chuyện có khi lại mất hay. Nếu như chúng tôi không tổ chức sinh nhật trước một ngày và gặp trận mưa ấy, nếu như tôi lo sợ trời sẽ mưa và mang áo mưa theo, có lẽ chúng tôi cũng chỉ ăn bánh kem xong rồi về. Tôi nắm chiếc chìa khóa lành lạnh trên cổ, nhìn những giọt mưa thấm qua lỗ thủng trên mái nhà rồi rơi xuống, sau đó từ từ chìm vào trong giấc ngủ.

Một buổi chiều mưa tháng Mười Hai, tiết thể dục kết thúc và chúng tôi rời khỏi trường. Tôi không hiểu sao nhà trường có thể bắt học sinh của mình ngồi chen chúc trong cái nhà đa năng chật chội ấy, chỉ để ngửi mùi mốc trên quần áo của nhau. Trời thì mưa tầm tã, chúng tôi đã thấy đủ mệt mỏi vì giờ học chính thức rồi chứ nói gì đến giờ thể dục, vậy mà vẫn phải đến trường chỉ để điểm danh. Tôi chở con Vy trên chiếc xe đạp được một đoạn thì nó vỗ vào lưng tôi và bảo dừng lại. Nó chỉ sang bên kia đường, dưới mái hiên của một hiệu sách cũ, một chú chó đang run lên vì lạnh.

Con chó nằm trên bậc thềm, khuất sau một cái tủ được trùm kín bằng những tấm ni lông trắng và có dây xích quấn quanh nên hơi khó nhìn thấy. Từng nhúm lông vàng đã bết lại, con chó ngồi dậy, xoắn người để giũ hết nước mưa đi, khiến cho bộ lông xù lên trông rất đẹp. Chân đứng không vững và suýt ngã, nó cố gắng lấy lại thăng bằng rồi mệt mỏi nằm xuống. Nó duỗi ra hai cái chân trước và gục đầu lên trên, nhắm hờ đôi mắt. Cái bụng phình lên rồi co thắt lại, nó thở mạnh một hơi làm lớp da chỗ cái mõm khẽ phập phồng. Hóa ra chó cũng biết thở dài.

Con Vy mở cái ô ra che rồi đi trước, còn tôi thì dắt xe đạp theo sau. Con chó nhướng mày, hai mắt liếc qua liếc lại khi chúng tôi tiến đến, tỏ vẻ cảnh giác. Nó nằm lui lại và dựa sát người vào cánh cửa sắt, đảo mắt liên tục. Cánh cửa đã bị khóa ngoài, những hạt mưa vẫn chưa trôi hết lớp bụi mờ trên lỗ khóa. Cái tô thức ăn của con chó trống trơn và sáng bóng màu nhôm, chỉ còn một vài hạt cơm khô dính lại. Có lẽ vì bị bỏ đói lâu ngày nên trông nó rất mệt mỏi, ngay cả sủa cũng không ra hơi.

Con Vy mở cặp ra, lấy bịch snack ăn dở trong tiết thể dục và cho nó một miếng. Con chó ngửi ngửi miếng bánh, trong lúc vẫn nhìn chăm chăm vào chúng tôi, sau đó lại nằm gục xuống. Con Vy đặt miếng bánh lại gần mũi nó, nhưng nó chỉ gầm gừ rồi quay đi. Miếng bánh đầy cám dỗ, và nó muốn tránh đi càng xa càng tốt. Con Vy lấy một miếng bánh ra ăn, rồi lấy thêm một miếng nữa đặt gần miếng bánh cũ. Con chó lấy chân trước khều miếng bánh rơi ra khỏi bậc thềm, rồi lại gục đầu xuống. Tôi im lặng nhìn mọi thứ diễn ra, không biết nói điều gì.

Con chó bắt đầu gầm gừ to hơn khi con Vy đưa tay lại gần người nó. Những hạt mưa lạnh giá làm bàn tay nhỏ ấy trở nên trắng như tuyết. Tiếng gầm gừ rõ hơn khi bàn tay đã khá gần với lớp lông xù ở vai con chó. Con chó hắt xì một tiếng, rồi lại gầm gừ nhìn con Vy. Tôi muốn ngăn hành động đó lại, nhưng con Vy ra hiệu cho tôi im lặng. Cuối cùng, bàn tay của con Vy cũng chạm vào bộ lông vàng của con chó.

"Gràoo.. phập" một tiếng, bàn tay của con Vy đã nằm trọn giữa hai hàm răng của con chó. Tôi vội thả chiếc xe đạp xuống và chạy tới, nhưng con Vy quay lại và bảo tôi đừng tới gần. Tôi nhìn bàn tay nó, những chiếc răng chỉ in nhẹ lên trên làn da tưởng như trong suốt ấy. Con chó cứ ngậm như vậy, con Vy cứ ngồi đó, còn tôi thì đứng nhìn một người một chó đang cố gắng giao tiếp với nhau. Một lát sau, con chó nhả bàn tay của con Vy ra, thở dài một cái rồi nằm xuống, mặc cho đứa con gái trước mặt vuốt ve bộ lông của mình. Con Vy cho nó một miếng bánh khác, lần này nó ngửi kỹ hơn, liếm nhẹ vài cái rồi bắt đầu ăn. Và khi đã ăn được miếng đầu tiên, miếng thứ hai, thứ ba cũng nhanh chóng được nó xơi tái. Chẳng bao lâu, cả bịch bánh snack đã chẳng còn miếng nào. Con Vy xé hết cái bịch ra rồi trải thẳng trước mặt con chó, và con chó liếm sạch sẽ, không để lại một hạt bụi nào. Ăn xong, nó liếm mép rồi nhìn con Vy, và cả hai người chúng tôi đều hiểu nó muốn gì.

- Tội nghiệp, chắc mày đói lắm. - Con Vy vuốt ve bộ lông con chó.

- Để tao đi mua thêm. - Tôi nói, dựng chiếc xe lên và đạp đi.

Cách đó không xa có một tiệm tạp hóa nên tôi không mất nhiều thời gian. Khi tôi quay lại, hai đứa nó đã trở nên thân thiết với nhau. Tôi mua hai bịch snack lớn nhưng con chó chỉ ăn được thêm một chút rồi ngừng. Mặc dù vẫn tỏ ra thèm thuồng, nhưng có vẻ như cái dạ dày teo tóp của nó không đủ chỗ để chứa thêm thứ gì nữa. "Con chó khôn thật" - tôi nghĩ, lấy một miếng bánh bỏ vào miệng. Con Vy đem cái tô nhôm của con chó hứng một ít nước mưa, lấy khăn giấy lau qua rồi đổ nước từ chai nước của nó vào. "Bụng nó còn yếu, không uống nước mưa được" - con Vy nói. Nó đặt tên cho con chó là Maxi, dù không nói ra nhưng tôi cũng biết đó là cách đọc lái lại của Misa. Tôi và con Vy vừa chia nhau bịch snack còn lại vừa ngồi chơi với con Maxi đến tận xế chiều. Ngồi trên xe đạp, tôi ngoái đầu ra sau hỏi:

- Lúc nãy mày không sợ nó cắn à?

- Mày thử đi rồi biết. - Nó nói.

- Vậy tức là mày có sợ.

- Tao không biết nữa, lúc đó tao nghĩ tới việc nó sẽ bị chết đói nhiều hơn.

- Giờ tao mới biết để chó ngoạm một cái như vậy là làm thân được với nó. - Tôi cười haha nói.

- Ờ, bữa nào mày cũng thử đi.

- Thôi, mặc dù tao cũng thích chó lắm, - Tôi nói - Nhưng hình như bọn nó không thích tao. Nó mà cắn là khỏi có tay để viết bài.

- À tao quên mất, - Con Vy nói - Lúc nãy đưa tay trái cho nó mới đúng, lỡ có bị cắn cũng còn viết bài được.

Tôi không biết nói gì với nó nữa, đành im lặng và tiếp tục đạp xe về nhà. Con Vy tựa đầu vào lưng tôi, đưa bàn tay đón lấy những hạt mưa trong lành.

Chương 29
Kể từ sau ngày hôm ấy, tôi và con Vy đều tranh thủ một ít thời gian trong ngày để đến chơi với con Maxi và cho nó ăn. Chúng tôi lót lại cái ổ cho nó và làm thêm một cái mái che ở bên trên, như vậy nó sẽ không còn thấy lạnh vào những ngày trời mưa nữa. Trông thấy chúng tôi hay đến chăm sóc con chó, một bà lão sống gần đó đến hỏi han vài thứ. Rồi bà mời chúng tôi vào nhà uống nước và kể cho chúng tôi biết đôi chút về con Maxi.

- Ông Thuấn, người chủ trước của con chó - Bà ấy nói - Sống ở đây cũng hơn ba chục năm rồi. Không ai biết ông ấy từ đâu tới, người nói là chạy giặc, người đồn là trốn nợ, nhưng cụ thể thì không ai rõ, mà ông ấy cũng không nói. Ông ấy khá trầm tính và cô độc. Kể ra thì cuộc đời ông ấy khổ lắm chứ chẳng sung sướng gì. Hồi mới tới, ông ấy còn dẫn theo vợ và một đứa con gái nhỏ nữa. Ông ấy dựng một cái chòi nhỏ ở đó, - Bà lão chỉ vào cái hiệu sách - Rồi cả nhà ba người cùng chung sống bên trong. Hai vợ chồng cặm cụi làm đủ nghề kiếm sống, phải để đứa con gái ở nhà một mình rồi nhờ hàng xóm trông hộ. Nói chung là hồi đó ai cũng khổ, ai cũng bận, có quan tâm thì cũng chẳng để mắt cả ngày được. Thế là đứa nhỏ đi lạc mất, cô Thuấn ngồi khóc lóc ba ngày ba đêm, còn ông Thuấn thì cũng chẳng còn tâm trí làm lụng gì, chỉ ở nhà với vợ. Nhưng sau đó ông ấy cũng đi làm lại, cô vợ thì qua một thời gian tinh thần cũng khá lên. Rồi cô Thuấn lại có bầu, hai vợ chồng lấy hết tiền để dành để xây một cái nhà nhỏ và mở một quầy báo. Lúc đó thiếu tiền, hai người còn phải chạy lòng vòng khắp nơi để mượn nữa. Cô Thuấn ở nhà trông sạp báo với may quần áo, như vậy cũng đỡ khổ. Sau đó, bọn họ sinh được một đứa con gái dễ thương lắm, nhưng cô Thuấn chỉ vừa kịp nhìn thấy đứa nhỏ là tắt thở. Từ đó tới giờ cũng gần ba chục năm nên không ai nhớ tên cô ấy, - Bà thở dài - Mỗi khi nhắc tới chỉ gọi là cô Thuấn. Rồi ông Thuấn cứ vậy mà nuôi con, chạy hết nhà này đến nhà kia xin sữa, nhìn thương lắm. Lúc đầu, ông ấy vừa đi làm vừa mang đứa nhỏ theo, nhưng cứ như vậy khiến con bé bị bịnh miết. Ông ấy mở một quán nước ở trước nhà, bên cạnh quầy báo, như vậy đứa nhỏ cũng đỡ khổ, nhưng được một thời gian thì lại dẹp đi vì ế quá. Sau đó, ông mở một hàng sách cũ, lúc này thì cuộc sống của ông mới khá lên một chút. Rồi từ cái hàng sách cũ, ông cũng gom góp đủ tiền để nhập thêm sách mới về bán. Ông bán được lắm, mới hai năm mà đã trả hết nợ, rồi hai năm nữa là đủ tiền để sửa lại cái nhà, gần giống với cái nhà mà hai đứa đang nhìn thấy đằng kia. - Bà nhấp một ngụm nước rồi nói tiếp - Cô con gái lớn lên cũng ngoan, nó tên gì nhỉ - Bà khẽ nhăn trán để suy nghĩ - À, nó tên Xuân, vì được sinh vào mùa Xuân. Con bé biết nghe lời với lễ phép lắm, sáng nào cũng phụ ba nó đem báo đi bán, cả xóm ai cũng thương. Nhiều lúc bà với mấy người trong xóm thấy tội nên cho nó tiền, nhưng nó không nhận, còn cho kẹo thì nó cười hì hì - Bà lão cười - Nhận lấy rồi vòng tay lại cảm ơn. Mà con bé học cũng rất giỏi nữa, đám con nít trong xóm chả có đứa nào học lại nó. Học xong cấp ba, hình như nó học trường của mấy đứa luôn thì phải, - Bà nhìn vào bảng tên con Vy và nói - Nó thi Đại Học gì trong ở Sài Gòn đó, nhưng không đậu. Xong nó xin xét điểm vào trường Thủy Sản rồi học ở đây luôn. Ở đây, con bé vẫn đứng nhất trường, - Bà nói - Suốt bốn năm liền, năm nào nó cũng được học bổng. Rồi nó ra trường và nhanh chóng tìm được một công việc ổn định. Được một hai năm gì đó thì con bé làm quen được một anh Tây, sau thời gian tìm hiểu thì anh này tới nhà gặp ông Thuấn để hỏi cưới con bé. Nhìn anh này cũng đẹp trai, cao ráo và hiền lành nên ông đồng ý. - Bà lại uống một ngụm nước, trầm ngâm một lát rồi nói tiếp - Khoảng ba bốn năm trước, anh này có việc phải rời khỏi Việt Nam và muốn con bé đi cùng, nhưng con bé thì không chịu xa ba nó. Tối đó, bà nghe ông Thuấn la nó dữ lắm. Từ khi chuyển tới đây, đó là lần đầu tiên ông ấy lớn tiếng như vậy. Bà chỉ tình cờ đi ngang qua thôi, nhưng bởi vậy mới biết được là lúc trước nó cố tình thi rớt để ở lại Nha Trang. Cuối cùng, con bé cũng chịu theo chồng nó đi nước ngoài, còn ông Thuấn thì lủi thủi ở nhà một mình từ đó. Đi được một hai năm, nó có ghé về thăm ba nó một lần. Nghe nói cuộc sống của nó cũng tốt lắm, nó còn gửi cho ba nó một đống tiền nữa. Thế là ông ấy không bán sách báo nữa, nhưng vẫn giữa nguyên cái cửa hàng của mình như cũ, không xê xích bất cứ thứ gì trong đó cả. Buổi sáng thì ông ấy lau chùi sạch sẽ từng cuốn sách một rồi đi uống cà phê tới tận trưa mới về, buổi chiều thì ông ấy ngồi trước nhà đọc sách cho tới chiều tối, và ngày nào cũng vậy. Khoảng một năm trước, ông ấy xách ở đâu về con chó đó. Lúc mới về nhìn nó ghê lắm chứ không như bây giờ, người thì còi cọc, lở loét tùm lum, lông thì bị trụi gần hết. Mấy ông xóm trong tưởng ông ấy định làm thịt con chó nên cứ qua hỏi xin chút mồi, xong toàn bị ông ấy xách chổi đuổi đi. Thực ra thì mọi người cũng đùa thôi, - Bà lão cười nói - Thấy ông ấy cô đơn quá nên lâu lâu cũng kiếm chuyện cho vui, chứ nếu muốn ăn thật thì nó không còn gặp được hai đứa đâu. Ông ấy nuôi hay lắm, chỉ mới ba bốn tháng mà con chó mập ra hẳn, lông lá cũng bắt đầu mọc lại, tới giờ thì dài được như thế kia. Nó thơm lắm chứ không như mấy con chó khác, ngày nào ông ấy cũng tắm cho nó, xong mới tắm cho mình. Đám nhóc trong xóm thích ôm con chó lắm, mỗi ngày phải hít hít vài cái thì mới ăn ngon, ngủ ngon được. Sáng thì ông ấy dắt nó đi lòng vòng ngoài biển rồi dắt về để trước nhà, tối thì lại dắt nó vào trong. Ông ăn cái gì thì nó cũng ăn cái đó, ông đi đâu thì nó đi theo đó, ông ngủ ở đâu thì nó ngủ ở đó, hai chủ tớ cứ thế sống qua ngày. Tưởng cuộc sống của ông ấy cuối cùng cũng coi như khổ tận cam lai - Bà lắc đầu thở dài - Ngờ đâu hai tháng trước tự nhiên bị trúng gió, nằm ngay đơ trước nhà. Lúc đó buổi trưa, mọi người đang nghỉ ngơi thì nghe tiếng chó sủa inh ỏi nên mới biết. Ông ấy được đưa đi bệnh viện nhưng không qua được, trước lúc mất cũng không được nhìn mặt đứa con gái yêu của mình lần cuối. Con Xuân về không kịp gặp ba, nó khóc quá trời, nhưng rồi cũng phải đi. Con bé muốn đem con chó theo nhưng không được, mỗi lần ẵm nó lên là nó lại giãy đành đạch, còn cắn con bé một cái. Rồi con chó cứ nằm trước cửa như vậy tới giờ. Lúc đầu nó còn dễ chịu, ai cho đồ nó cũng ăn. Nhưng càng ngày nó càng hung dữ, ai tới gần là nó lại gầm gừ như muốn cắn, nhất là mấy ông đưa chủ của nó đi bệnh viện. Rồi đồ người ta cho nó cũng không ăn nữa. Đồ ăn dọn ra để đó không được phải dọn vô, dần dần mọi người cũng mặc kệ nó. - Bà thở dài một hơi nữa - May mà có mấy đứa, chứ không cũng không biết nó nhịn thêm được bao lâu.

Nghe tiếng sụt sịt từ mũi con Vy, tôi lấy khăn giấy trong cặp của nó đưa cho nó. Chúng tôi ngồi lại và nghe bà kể một ít chuyện nữa rồi xin phép ra về khi chiều muộn. Trong lúc chờ tôi lấy xe, con Vy đi ra trước để ngồi với con Maxi. Khi tôi dắt chiếc xe ngang qua cánh cửa nhà bà lão, bà giữ tay tôi lại và nói:

- Dù có như thế nào, cháu cũng phải đối xử tốt với con bé, đừng để nó buồn đó.

- Dạ, - Tôi gãi gãi đầu nói - Cháu biết rồi.

Bà lão nhìn tôi cười và đưa ngón tay cái lên. Bà nhờ tôi đem cái tô của con Maxi vào cho bà, sáng bà sẽ chuẩn bị đồ ăn để chúng tôi đem ra cho nó. Bà sợ chúng tôi tốn tiền mua đồ ăn.

- À phải rồi, - Tôi quay lại nhìn bà và nói - Con chó trước đây tên gì vậy bà?

- Hả, nó không có tên.

- Dạ, vậy ông Thuấn hay gọi nó là gì ạ?

- Thì cứ gọi là chó thôi. - Bà lão nhìn tôi cười.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #readoff