Chương 1: Thành An
Sài Gòn, ngày mùng hai tháng mười một năm 1963.
"Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa bị ám sát."
"Tổng thống Ngô Đình Diệm bị ám sát."
"Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ rồi, bị lật đổ rồi."
Một vài người tay cầm tờ báo chạy dọc khu chợ ở Gia Định không ngừng hét lớn về cái chết của Ngô Đình Diệm, Tổng thống Đệ nhất của Việt Nam Công Hòa. Ông ta cũng là lãnh tụ của Đảng Cần lao Nhân vị, đảng cầm quyền lớn nhất của miền Nam Việt Nam bấy giờ.
"Về nhà thôi, ngày hôm nay sẽ không dễ dàng trôi qua như thế."
Một đứa trẻ trên tay còn cầm con cá đã chết đứng thinh lặng giữa phố chợ đang náo loạn mà như chẳng hề biết thế cuộc trên mảnh đất mình đang đứng. Nó tự hỏi rốt cuộc thì Ngô Đình Diệm mà người ta vừa sợ vừa nể phục kia là ai. Tại sao lại bị người ta ám sát chết một cách thật dễ dàng.
"Nó lại ăn cắp cá của nhà ai kia? Đúng là cái loại mất dạy từ trong bụng."
"Trông cái mặt gian xảo của nó đi, thật chẳng khác nào cái thứ phản quốc."
"Thì cũng một dòng máu phản quốc mà ra cả. Còn nhớ đến Lê Công Luận một thời cũng là có gương mặt khiến người ta lầm tưởng là kẻ tốt, cuối cùng cũng chính là hắn đem đồng bào mình giết hại. So với Đệ nhất Tổng thống Diệm cũng chẳng khác là mấy đâu."
Những lời nói mà ngày nào họ cũng nhắc trên miệng, nhắc nhiều quá cho nên nếu như trời đang nắng mà chợt đổ mưa họ cũng sẽ đổ lỗi vì nó xúi quẩy.
"Thành An, đi về thôi...mẹ đang đợi."
"Dạ."
Hai đứa trẻ, một trai và một gái dắt tay nhau đi qua bãi lầy để có thể trở về nhà trước khi trời muộn. Thành An tay vẫn cầm con cá đã chết, người ta vứt đi rồi nhưng đối với cậu đó chính là một món quà mà cậu có thể cho người bạn của mình.
"Hôm nay chị đi học có vui không?"
"Vui chứ, có nhiều bạn lắm. Em có muốn đi học cùng với chị không?"
"Dạ muốn...em cũng muốn đi học."
"Vậy để chút xíu nữa về chị sẽ nói mẹ cho em đi học cùng trường với chị, em học ở chỗ kia xa quá mà không có mấy bạn."
Thành An nghe Mộng Bình hứa sẽ nói với mẹ cho mình được đi học trong trường thì tâm vui mừng khôn xiết. Cậu cũng muốn được như chị mình, đi học có tập sách và có cả bạn bè.
"Dì sẽ cho em đi học chung với chị thật hả?"
"Không biết nữa nhưng mà mẹ sẽ đồng ý đó."
"Dạ."
Mộng Bình vừa nói xong liền nhìn đến tay của Thành An đang cầm một con cá đã chết mà cau mày.
"Em lại lấy của ai à?"
"Không có, người ta vứt nó đi rồi nên em mới nhặt."
"Em nhặt về làm gì? Cá chết rồi chị không thèm ăn đâu."
Thành An không nói thêm gì nữa mà đem con cá giấu sau lưng. Cậu vẫn luôn không hiểu vì sao bất kể mình làm cái gì người xung quanh cũng đều không thích, thậm chí họ còn cố tình ghét.
"Chị có ghét em không?"
"Không, sao lại ghét?"
"Vậy còn dì? Dì có ghét em không?"
Mộng Bình nhăn mặt suy nghĩ một lúc rồi cũng lắc đầu như chắc nịch.
"Mẹ sẽ không ghét em, vì chúng ta là người nhà."
"Nhưng mọi người rất ghét em, ai cũng ghét em."
Mộng Bình cũng chẳng hiểu vì sao người ta lại ghét Thành An mặc dù cô bé vẫn luôn nhìn thấy em trai mình rất đáng yêu lại còn cực kì ngoan ngoãn. Thế rồi tâm hồn của những đứa trẻ ở độ tuổi lên mười cũng chẳng thể suy nghĩ được quá nhiều thứ. Mỗi ngày vẫn vui vẻ với hành trình của mình và trở về nhà với bữa cơm đạm bạc buổi tối.
"Thành An đâu?"
"Em nói em sẽ về sau nên con về trước, em ghé qua cái miếu nhỏ kia hình như là thăm một con chó."
"Lại lén lút đem đồ ăn cho mấy con chó đó rồi. Nhà thì nghèo, ăn còn không đủ mà suốt ngày chỉ lo làm phước cho thiên hạ. Cái nhà này nuôi nó chứ làm gì có ai mà rảnh hơi vậy."
Mộng Điệp nói xong liền kéo tay Mộng Bình xuống dưới bếp. Từ trong chiếc chạn gỗ lấy ra một chén thịt gà còn nóng vội vã đưa cho con gái hối thúc.
"Con ăn mau đi."
"Con đợi em về ăn chung được không mẹ?"
"Em có phần rồi nên không phải đợi, ăn cho mau còn tắm rửa học sách nữa."
Nghe Mộng Điệp nói đã phần thức ăn cho Thành An nên Mộng Bình cũng không nghĩ ngợi gì đem chén thịt gà kia ăn đến ngon lành. Nhà nghèo quá nên thi thoảng mới có một bữa thịt thịnh soạn thế này, mỗi lần như vậy thì Thành An đều phải ăn sau.
"Thịt ngon quá, sau này mẹ hay mua thịt đi."
"Để mẹ bán thêm được ít nón thì sẽ mua thịt đều, ăn đi con, ăn như vậy mới có sức mà học lên."
Mộng Điệp chăm sóc cho con gái từng li từng tí, ngay cả bữa cơm cũng có phần khác biệt. Thành An đôi lần chứng kiến nhưng vẫn cảm thấy đó là lẽ dĩ nhiên vì Mộng Điệp luôn nói rằng bà nhận nuôi cậu vì cậu không còn người thân, hoàn toàn không phải người nhà.
Thành An ngồi ở ngoài đợi cho Mộng Bình ăn hết phần cơm của mình rồi đi tắm mới bước vào cúi đầu chào như một thói quen.
"Thưa dì con mới về."
"Ừm...đợi chị tắm xong lên học bài thì con cũng đi tắm rồi ăn cơm đi. Phần cơm của con dì để ở trong cái rá kia, ăn xong nhớ thu dọn cho gọn gàng nghe."
"Dạ, con cảm ơn dì."
Mộng Điệp nhìn Thành An đôi lúc cũng cảm thấy không nỡ nhưng hoàn cảnh bất đắc dĩ mới phải chọn một bỏ mười. Lời hứa năm nào đối với Luận sẽ chăm sóc cho Thành An tử tế hiện tại chẳng khác nào gánh nặng đè trên vai. Vẫn là khác máu tanh lòng, những thứ tốt nhất bà vẫn muốn dành cho con gái mình trước tiên. Dẫu sao việc không vứt bỏ đứa trẻ này ở những năm loạn lạc đó cũng xem như đã làm phước vì sự thật thì chẳng một ai muốn nhận nuôi hậu duệ của kẻ phản quốc.
Đợi Mộng Điệp lên nhà trên rồi Thành An mới giở phần cơm của mình ra ăn. Không có thịt, chỉ có một chén canh rau và hai con cá khô nhỏ như mọi lần. Cậu bé vẫn vui vẻ ăn hết và cảm thấy thức ăn này thật quý vì làm mình no bụng.
Ngôi nhà này thực sự rất nhỏ, nó chẳng bằng căn nhà cũ lúc trước. Vào một ngày nào đó cách vài năm về trước cậu đã chứng kiến Mộng Điệp khóc lóc cả mấy tháng trời, thậm chí còn đổ bệnh đến mức tiều tụy đi trông thấy. Hỏi ra mới biết bao nhiêu tích cóp của bà đều bị ngụy quyền cướp mất. Ngay cả ngôi nhà để làm nơi hương khói cho cha của Mộng Bình cũng chẳng giữ được. Một nhà ba người lại lưu linh tìm chốn ở, may thay có người rủ lòng thương cho họ một mảnh đất nhỏ này để cất nhà. Nhìn thấy sự bất lực của người phụ nữ đã ngoài năm mươi vì cái nghèo đột ngột ập tới cho nên cậu bé cũng chẳng muốn đòi hỏi thêm gì nữa.
"Mẹ ơi! Mẹ cho Thành An đi học chung với con đi, đừng bắt em học ở chỗ xa như vậy nữa. Mấy quan tây hay đi tuần qua chỗ đó, em đi học như vậy ngộ nhỡ người ta bắt đi mất thì sao?"
"Không ai bắt đâu, bắt nó về thì người ta càng phiền hà chứ ham hố gì mà bắt. Con không có lo chuyện của em nữa, lo học đàng hoàng cho mẹ là được rồi."
"Nhưng mà..."
Mộng Bình còn chưa nói xong đã bị Mộng Điệp răn dạy.
"Con không nhìn thấy mẹ tuổi này rồi vẫn còn khổ hay sao? Mẹ làm gì có tiền để lo cho một lúc hai đứa học hành đàng hoàng. Mẹ chỉ có một mình con thôi cho nên tất cả những gì mẹ có thì mẹ đều phải cho con. Thành An nó là con trai, cho dù nó không học thì sau này lớn lên sức dài vai rộng đi đâu cũng có thể làm thuê làm mướn kiếm ra đồng tiền. Con là con gái, sức lực không có, chân yếu tay mềm nếu không học hành, không có kiến thức thì sau này làm sao mộng vào nhà giàu, làm sao đổi đời? Con phải nhìn vào mẹ bây giờ mà phấn đấu, học hành cho tốt để sau này có cơ hội bước chân vào giới trí thức thượng lưu. Khi đó gả cho một người có gia cảnh thì sướng cái thân con, mẹ cũng xem như an lòng mà nhắm mắt."
Có một chút tủi thân đang chế ngự trong lòng nhưng Thành An vẫn chọn trở thành một đứa trẻ an phận, ai cho mình cái gì thì nhận cái đó không cầu tranh đoạt của người khác. Trời đã tối hẳn nhưng cậu lại chẳng muốn vào nhà vì sợ phải ghen tị với Mộng Bình. Một đứa trẻ mười tuổi chưa phải là lớn nhưng hoàn toàn có thể hiểu được thái độ của những người xung quanh mình. Bây giờ có muốn cũng chẳng thể nhỏ lại, càng không thể cầu rằng phải chi bản thân mình đừng lựa chọn được sinh ra.
Thành An đi đến miếu nhỏ gần đó, nơi này vắng vẻ nên chẳng có ai lui tới. Mỗi ngày cậu đều ghé qua đây khi kết thúc một ngày bôn ba bên ngoài kiếm từng đồng bạc lẻ đem về.
Một con chó toàn thân đều ghẻ lở vì bị bính mảnh bom nổ lững thững đi từ phía trong miếu ra rồi nằm phục bên cạnh cậu. Nó đã rất yếu rồi nhưng vẫn không chịu đi, mỗi ngày cứ nằm ở trong miếu đợi cậu ghé qua thăm và cho ăn.
"Sao mày vẫn không chịu ăn cá đi, ăn để mau lành bệnh nữa. Không chịu ăn rồi lỡ mày chết đi thì không còn ai để tao tâm sự nữa đâu."
Con chó kia vẫn nằm im một bên nghe Thành An nói, nó mệt mỏi vẫy đuôi như đang muốn chứng minh nó vẫn sẽ luôn ở đây để lắng nghe cậu tâm sự. Có lẽ cũng chỉ có một mình cậu không chê nó hôi tanh, thậm chí còn nhường cả bộ quần áo của mình lót cho nó nằm.
"Mày đừng chạy ra ngoài vào ban ngày, cũng đừng theo tao chạy ra chợ nữa. Tao sợ họ trông thấy mày sẽ bắt về giết thịt, ngoan ngoãn ở đây tao sẽ tìm đồ ăn cho mày nha. Nhà tao rất nghèo nên không thể đem đồ ăn của dì cho mày được vì dì sẽ không thích đâu."
Con chó nằm gác đầu lên chân Thành An như chẳng muốn xa chủ nhân nhỏ tuổi này của mình. Cũng đã hai ba năm nay nó vẫn luôn ở bên cậu quấn quýt. Mỗi ngày theo cậu ra chợ thì bị người ta đánh đến độ chảy máu ướt cả bộ lông rậm rạp cũng bám riết theo sau. Chẳng vì sao cả vì họ nghĩ cậu đem theo chó để nó phá phách rồi tha trộm thịt cá. Mặc dù có lúc bị đánh đến gãy mất một chân thì nó vẫn tò tò đi theo phía sau cậu không rời. Chỉ đến khi nó bị dính một mảnh bom nổ trong một lần loạn lạc thì mọi thứ mới tệ đi như bây giờ. Đến hơi thở của nó cậu cũng vẫn nghe ra được rằng đang dần yếu đi.
"Hay tao không gọi mày là Ki nữa, đặt cho mày cái tên khác ha. Tao hay đến chùa ăn cơm nên nghe thầy nói súc sanh là kiếp luân hồi nên nếu trong hình hài súc sanh thì phải giác ngộ để mong chuyển kiếp thành người. Tao lại đặt tên mày là Giác Ngộ, sau này cho dù mày chết đi cũng sẽ ghi nhớ những đau đớn mày đã trải qua trước khi đến với kiếp người."
Những lời này Thành An nghe mấy sư thầy trong chùa nói những lúc cậu đến đó ăn cơm. Ở nơi đó cậu cảm thấy rất thoải mái, yên bình và nhất là mọi người luôn cho cậu ăn no bụng. Nói không ngoa nhưng thực sự Thành An đã lớn lên nhờ cơm của nhà chùa, cơm đạm bạc nhưng ăn vào cảm thấy chẳng vương nợ.
"Giác Ngộ, mày có muốn đi thăm cha với tao không? Bỗng nhiên cảm thấy muốn được đến đó nằm ôm họ. Nếu họ còn sống chắc là sẽ thương tao như dì thương chị Bình vậy. Cha sẽ mua thịt ngon cho tao ăn, sẽ cho tao đi học ở trường. Rồi cha sẽ nói cho những người ghét tao hiểu, tao không phải là con của kẻ phản quốc. Kẻ phản quốc mà họ nói không phải là tên của cha đâu, cha chắc chắn là người tốt."
Giác Ngộ nghe xong thì chẳng con quẩy đuôi nữa, nó lại ngồi cách xa Thành An một khoảng rồi nằm xuống nhìn về hướng ngôi mộ đất ở cách đó rất xa mà kêu ư ử trong miệng. Phải đến lúc cậu bé đứng dậy rời đi thì nó mới lững thững đi theo phía sau. Đêm nay Thành An lại ra mộ của cha mình ngủ vì ở nơi này cậu thấy ấm áp chứ chẳng hề sợ hãi bất cứ điều gì.
Tháng mười một gió hiu hiu lạnh, Thành An nằm gác đầu lên mô đất đã bị nước mưa rửa trôi đi mất một phần. Trên mộ đã mọc cỏ xum xuê, che lấp đi tấm bia viết vội kia mà mỗi lần cơn gió thổi qua lại nghe tiếng nhánh cỏ cạ vào nhau kêu loạt xoạt. Rồi thì tiếng muỗi cứ vo ve trên đỉnh đầu nhưng có lẽ những âm thanh mộc mạc đó lại ru cho cậu một giấc ngủ ngon.
"Cha ơi! Con muốn được ôm cha."
Đêm về khuya tối, sương xuống làm ướt cả nhánh cỏ tươi tốt trên mộ đất, Thành An ngủ một giấc không mộng mị. Giác Ngộ nằm ở bên cạnh mắt tinh anh nhìn về phía xa mà hai tai vểnh lên không ngừng vẫy đuôi như gặp lại người quen của mình. Nó đứng lên rồi lững thững đi đến sau đó nằm phục xuống đất ngay bên dưới chân Thành An tru lên từng tiếng như xé toạc cả màn đêm tĩnh lặng.
Sáng sớm khi mặt trời vừa ló dạng, Thành An mới lười biếng mở mắt sau một giấc ngủ ngon. Cậu có thói quen ngủ rất sâu, một khi đã ngủ thì sẽ không màng đến bất cứ điều gì nữa. Thế nhưng lúc tỉnh dậy thì lại cực kì nhanh nhẹn, không có lấy một động tác thừa.
"Về thôi Giác Ngộ, trời sáng rồi."
Thành An quỳ lạy trước mộ cha mình rồi dẫn theo con chó trở về. Đêm hôm qua có lẽ là lần đầu tiên cậu cảm nhận được sự ấm áp ngay trong giấc ngủ dưới màn sương. Cũng không biết là cảm giác gì nhưng trong tâm lại cảm thấy hài lòng vô cùng vì nghĩ rằng hai người đang nằm sâu dưới lòng đất kia bằng cách nào đó đã trở về ôm cậu. Nghĩ tới đó cậu lại vui vẻ nhảy chân sáo trở về nhà để tiếp tục một ngày mới như bao ngày đã qua.
"Con lại đi đâu cả đêm hôm qua mà quần áo lại bẩn vậy hả? Con không thấy dì đã phải vất vả bao nhiêu để nuôi con không mà cứ bày thêm việc ra cho dì nữa? Biết vậy ngày trước dì không hứa cái gì cả, cứ thế bỏ con ở ngoài đường ai nuôi thì nuôi đi."
"Con xin lỗi...con...con đến mộ của cha, con...con ngủ quên ở đó."
Cái nghèo thực sự rất đáng sợ, Mộng Điệp cũng biết rằng không nên đối xử với một đứa trẻ hiểu chuyện như vậy nhưng lại chẳng thể nào làm khác đi được. Thành An và Mộng Bình càng lớn thì càng phải tiêu tốn nhiều thứ mà sức khỏe của bà giờ đây cũng chẳng còn đủ để gánh trên vai lời hứa năm nào. Tuổi xuân cũng không còn, chỉ vì bươn chải kiếm ăn mà nhan sắc cũng mất đi. Ca nương Mộng Điệp nức tiếng Sài thành năm nào giờ chỉ còn là dĩ vãng. Chồng mất, một mình nuôi con lại còn đèo bòng thêm một đứa trẻ để bao người nghi kỵ năm xưa lấy ngụy sinh ra nghiệt chủng. Ấm ức trong lòng nhưng không thể nói ra cho nên năm này qua tháng nọ bà đối với Thành An cũng có chút gì đó cảm thấy phiền.
"Sau này hạn chế tới mộ đó đi, mai này người ta biết tới đào lên thì tội gánh không nổi."
"Dạ...nhưng mà tại sao họ lại đào lên? Cha con nằm ở đó cũng đâu làm gì ai đâu."
"Không hỏi nữa, là con trai thì phải chăm chỉ một chút sau này còn làm trụ cột gia đình. Chị Bình của con cũng khổ chứ chẳng sung sướng hơn con đâu. Bây giờ lo cho chị học đến nơi đến chốn, sau này chị có thể vào nhà giàu thì chị sẽ lại lo cho con thôi. Hôm nay ra hàng rau của bà Ba phụ bà bán hàng, hôm qua bà có nhắn dì nhưng dì không tiện ra chợ nên con đi thay dì. Nói với bà Ba là con đến làm thay đặng cuối ngày bà còn trả công cho. Không nói không rằng người ta không trả cho đồng bạc nào thì tiền đâu ra mà ăn."
Thành An lễ phép đáp lời sau đó lui ra phía sau nhà rửa mặt thật sạch sẽ, thay một bộ đồ mới xong cũng nhanh chân ra chợ kiếm tiền. Cậu vừa ra khỏi nhà một lúc thì Mộng Điệp cũng nhìn đến Giác Ngộ đang nằm trước cổng nhà. Nhìn mình mẩy của nó ghẻ lở mà không dám nhìn cũng chẳng dám đụng vào. Biết đây là con chó mà Thành An đã lén nuôi mấy năm nay nên bà cũng không mấy thiện cảm. Nghĩ rằng bấy lâu cậu lấy cơm gạo của nhà đi nuôi chó thì toan tính sẽ kêu người đến bắt nó đến lò mổ lấy vài đồng trang trải.
"Người còn chưa ăn đủ còn ở đó mà lo cho chó."
Mộng Điệp ra cổng dùng cây khẽ đánh vào người Giác Ngộ nhưng nó mệt mỏi đến mức chẳng còn muốn bỏ chạy nữa. Đêm hôm qua nó tru của một đêm dài, sáng ra tỉnh dậy Thành An đã thấy nó yếu đến kiệt quệ. Nó theo chân cậu về đến nhà rồi cứ thế nằm ở đó, một bước cũng không đi.
Lúc bị Mộng Điệp dùng cây đánh vào người nó nhe nanh ra như thể ngay lập tức chạy đến cắn. Thuở trước khi nó còn là một con chó khỏe mạnh, cả ngày chạy theo Thành An, bất cứ ai muốn động vào cậu nó cũng sẽ lao ra cắn xé khiến bọn họ rất sợ. Hiện tại bị thương đến cả người lở loét chỉ có thể nằm một chỗ chờ chết nhưng vẫn biết kẻ nào muốn làm hại mình.
"Grừ...grừ..."
"Giỏi lắm, mày còn định cắn tao hả? Con chó bẩn thỉu, hôi thối này sắp chết rồi mà vẫn còn muốn ra oai. Để tao kêu người đến bắt mày đến lò mổ hóa kiếp cho mày đi nha. Thành An nó ăn tốn cơm tốn gạo, đem bán mày gán cơm cho thằng bé đi cũng được, dù sao thì bao nhiêu năm nay mày cũng đã ăn biết bao nhiêu đồ ăn trong nhà rồi."
"Grừ...grừ..."
Giác Ngộ hai mắt như sắp khóc, nó dùng chút lực tàn cuối cùng của mình cố gắng đứng dậy rời khỏi căn nhà này. Có lẽ là nó không muốn chết như thế, hoặc có lẽ nó không muốn bỏ lại cậu chủ nhỏ của mình ở lại không ai bầu bạn.
"Bắt nó lại đi, con chó này cũng to nên trả cho tôi thêm một chút."
"Rồi, rồi...trả thêm cho bà chút đỉnh. Đáng ra là không mua đâu vì nó ghẻ lở như vậy thì ăn được mấy chỗ đâu. Thương gia cảnh bà nghèo khó nên mới mua cho đó."
"Cảm ơn, cảm ơn..."
Giác Ngộ bị bắt bỏ vào trong bao, nó cố gắng giãy dụa mấy cái trước khi bị người mua chó kia đánh một gậy vào đoạt mạng. Kết thúc kiếp chó khổ sở này rồi chẳng biết có được giác ngộ trở về kiếp người như Thành An từng nói hay không. Chỉ biết là người bạn duy nhất ở bên cạnh lắng nghe cậu tâm sự đã không còn nữa.
"Nè làm nhanh lên đi, làm cái gì mà ngồi thất thần vậy? Mày có muốn lấy công không hả?"
"Dạ có, con muốn lấy công."
"Muốn thì làm lẹ lên cái đi, chiều nay tao giảm nửa công của mày cho chừa."
Nghe người ta nói giảm nửa công thì Thành An vội vàng lau mồ hôi trên mặt tiếp tục làm mặc dù bụng đã đói đến run rẩy. Buổi sáng về nhà còn chưa kịp ăn thứ gì đã chạy ra chợ, làm đến nửa buổi chiều cũng chẳng có ai cho ăn gì.
"Bà đừng trừ công của con, con sẽ ở lại làm thêm một chút nên bà đừng có bớt. Con phải mang đủ công về cho dì con nữa, không có tiền thì nhà không có gì để ăn cả."
"Thôi đi, dì cái gì mà dì, nó là mẹ mày đấy. Cái loại lăng loàn đã chẳng thèm nói làm gì mà còn tỏ ra thanh cao. Mày đừng có mà dễ dãi bị mẹ mày lừa như vậy chứ hả. Có dì nào không thân thích máu mủ mà nuôi mày trong khi nhà nghèo kiết xác không. Dì cái thằng cha mày á mà dì."
"Trời ơi, Mộng Điệp đó hồi xưa nổi tiếng là mỹ nhân ở cái đất Sài thành này cơ mà. Qua lại với biết bao nhiều thằng tây, đếm không xuể đâu. Cái loại đàn bà mà lang chạ, ngủ với cả thằng ở đợ trong phòng trà sinh ra nhỏ con gái kia chứ đâu."
Thành An sinh ra sau muộn nên những chuyện của quá khứ cậu chẳng hề tỏ tường. Ai nói gì thì nghe nấy, dẫu có buồn cũng để trong lòng mà chẳng hé răng nửa lời thanh minh. Mà cho dù có thanh minh thì họ cũng chẳng thèm nghe, có chăng là họ càng nói nặng lời.
"Tôi nói dì cháu là cái gì, ả Mộng Điệp đó còn qua lại với Lê Công Luận nên mới đẻ ra nó. Sợ người ta nói là lấy ngụy quyền, phản quốc nên mới lấp liếm lừa bịp thiên hạ thôi. Năm đó kẻ phản quốc kia bị xử bắn cô ta còn đem đứa con trai này đến nơi đó đội khăn tang mà lẽ nào là giả à?"
"Mặt mày nó cũng dễ thương nhưng sao tôi cảm thấy không thiện cảm được. Có trách thì trách cha nó năm xưa quá tàn độc, bởi vậy nhìn cái mặt nó liền thấy ghét."
"Vậy rốt cuộc thì nó là con của Lê Công Luận hay là kẻ phản quốc bị xử bắn vậy nhỉ?"
Câu hỏi này bỗng dưng lại trở thành chủ để để bàn tán, mặc kệ người phải nghe những lời này chỉ là một đứa trẻ và nó thì chẳng hề hay biết chuyện gì đã xảy ra trong quá khứ.
"Bởi ta nói, lăng loàn quá giờ đẻ con ra không biết là của ai nên giấu nhẹm đi. Nhưng mà dù là con của ai thì cha của nó vẫn là ngụy quyền, là tên bán nước. Rồi sau này nó lớn lên cũng sẽ học thói gian manh đó thôi. Đời cha nó chạy theo Pháp làm chó thì đến đời nó lại chạy theo đế quốc Mỹ mà hại đồng bào.
"Không phải đâu, cha con không phải là Lê Công Luận. Cha con là Lê Thế Thành, không phải là ông đó đâu."
Nói xong câu đó, Thành An khóc nấc lên rồi ngất xỉu khiến những người xung quanh đồng loạt cảm thấy sợ hãi.
"Giỏi giả vờ, y chang mẹ của nó."
"Kệ nó đi, một nhà thấp kém từ trên xuống dưới."
Bọn họ vẫn không ngừng nói mặc kệ Thành An nằm bất động ở đó. Có ông chú tốt bụng đi qua thấy vậy liền đem cậu bé vào một chỗ gọn gàng để không bị người ta dẫm lên. Ánh mắt nhìn về những kẻ buôn bán kia mà lắc đầu thở dài.
"Bắt nạt một đứa trẻ thì có khác gì bọn ngụy quyền đâu, thanh cao gì ở đây."
Thành An nằm ở đó đến xế chiều mới tỉnh, cả ngày không được ăn uống gì lại còn vắt sức làm để kiếm tiền nên mới kiệt sức. Lúc tỉnh dậy tay vô thức sờ xuống bụng mà thấy nó xẹp lép nên càng tủi thân. Rồi chiều nay về nhà mà không có tiền thì sẽ áy náy với dì mà không dám ăn cơm cũng nên.
"Có đói bụng không? Cầm lấy cái này ăn đi, ai lại nhịn đói đến ngất xỉu như vậy?"
"Cảm ơn ông, cháu cảm ơn ông..."
"Ăn đi rồi còn về nhà kẻo trời tối rồi."
Thành An tay cầm hai cái bánh bao mà mặt ỉu xìu nhìn về phía khu chợ đã sắp tản. Bụng thì đói thật nhưng nghĩ đến nguyên một ngày không làm được gì giúp đỡ gia đình thì miếng ăn cũng nuốt không trôi.
"Sao thế? Sao không ăn đi."
"Dạ, cháu để cái này đem về nhà cho chị, đem về nhà sẽ ăn."
"Ăn ở đây đi, một lát nữa ông sẽ cho thêm ít tiền về đưa cho mẹ. Còn nhỏ thế này thì đừng có nhịn ăn, nhịn ăn sẽ không lớn được đâu."
Dứt lời, người đàn ông kia rút từ trong túi áo ra cho Thành An mấy tờ tiền cũng tương đối lớn. Trông thái độ thì chẳng phải là bố thí, chỉ là muốn giúp đỡ một đứa trẻ hiểu chuyện như thế này.
"Cầm lấy đi."
"Dạ không, nó lớn quá nên cháu không dám nhận đâu. Ông cất đi ạ, cháu nhận hai cái bánh này thôi."
"Cầm lấy, cất cho kỹ vào. Cái này ông chỉ cho riêng cháu, không cần phải cho ai hết. Nhớ đây là tiền người khác cho mình vì mình xứng đáng được nhận, còn những kẻ không xứng đáng thì một xu cũng không cho."
Nói xong người đàn ông kia lại lấy ra mấy tờ tiền lẻ đưa cho Thành An đem về nhà. Ông ta vuốt lấy gương mặt của cậu rồi ngắm nhìn nó một lúc mới đứng lên rời đi.
"Sau này sống cho thật tốt, nếu còn có cơ hội ông sẽ quay lại đây thăm. Hiện tại ông không thể thường xuyên đến đây vì nhiệm vụ có chút khó khăn. Dù sao cũng đã thấy rồi, sau này đừng đi đâu cả, có như vậy chúng ta mới có thể gặp lại."
"Ông ơi! Ông là ai vậy ạ? Sau này cháu có tiền thì phải tìm ông ở đâu?"
Nghe câu hỏi của Thành An, người đàn ông kia đưa tay phủi phủi áo cho cậu rồi nhấn mạnh cái tên của mình như để cho cậu ghi nhớ.
"Ông tên Bùi Huy Thực, người ta hay gọi là Bùi Nhiệm. Ông ở tít ngoài Hà Nội vào trong này để làm nhiệm vụ, với cả... tìm mộ phần của em trai ông thôi."
"Hà Nội...là ở đâu vậy ông?"
"Thưa đồng chí thiếu tướng, chúng ta đi thôi, sắp trễ giờ rồi."
"Đợi tôi một chút."
Bùi Nhiệm đi cũng không nỡ nên lại một lần nữa ngồi xuống trước mặt Thành An nói nhỏ.
"Là quê hương của một người tên Trịnh Vấn Vũ."
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top