HOA ĐẠO GEORGE OHSAWA
GEORGE OHSAWA (SAKURAZAWA NYOICHI)
NGÔ THÀNH NHÂN, NGUYỄN HỒNG GIAO dịch
Hoa Đạo
Hội văn hóa Đông Phương Nhật -Pháp
NHÀ XUẤT BẢN VĂN NGHỆ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH, 1991
•HOA ĐẠO CỦA GEORGE OHSAWA
NGÔ THÀNH NHÂN & NGUYỄN HỒNG GIAO DỊCH TỪ BẢN TIẾNG PHÁP “Le Livre des Fleurs”
Giải nhất HARADA
CỦA NHÀ XUẤT BẢN LỊCH SỬ NGHỆ THUẬT Plon, Paris
MỤC LỤC
LỜI NÓI ĐẦU3
CHƯƠNG MỘT:
VÀI DÒNG LỊCH SỬ9
CHƯƠNG HAI:
CÁC LOÀI HOA25
CHƯƠNG BA:
KỸ THUẬT CẮM HOA45
CHƯƠNG BỐN:
CÂY CẢNH THU NHỎ (BONSAI)63
CHƯƠNG TÁM:
TRIẾT LÝ VỀ HOA79
PHỤ LỤC:
BÀI HOA95
THAY LỜI BẠT:
HOA LÁ CỎ CÂY VÀ TÌNH TỰ DÂN TỘC105
LỜI NÓI ĐẦU
Tôi có một người giúp việc, mỗi lần sắp xếp mầy lọ hoa và chậu cây cảnh nhỏ (bonsai) là cô này cứ quay phía sau ra trước. Cô không sao hiểu thấu trạng thái hài hòa huyền diệu mà một người Nhật chính thống phải cảm thấy được dù trong một bó hoa đơn giản khéo sắp xếp. Dường như cô xa lạ với nghệ thuật hoa cành không phải do thân phận thấp hèn, vì ở Nhật ai cũng muốn trở thành nghệ sĩ, nhất là trong lãnh vực chơi hoa, mà có lẽ cô thiếu khiếu thẩm mỹ. Vì vậy, khi nói về hoa với người Pháp, tôi sợ bị hiểu sai, và tôi càng lo hơn nữa nếu phải nói với những người phương Tây thiếu phần tinh tế, vì ở đây chúng ta bước vào một lãnh vực trưng bày tâm hồn sâu thẳm của người Nhật, luôn luôn bí ẩn và khó hiểu đới với người phương Tây.
Tuy nhiên không gì đơn giản, mộc mạc hơn tâm hồn người Nhật. Tôi nghĩ rằng không có nước nào trên thế giới như ở Nhật người ta tổ chức những chuyến xe lửa chở khách nhàn du đi nghe tiếng chim sơn ca hót lúc nửa đêm, xem hoa anh đào nở, hoặc ngắm những lớp tuyết đầu tiên tô điểm núi non. Vào mùa hè, tại các ga xe lửa ở Nhật có dán những tờ áp phích mời gọi công chúng tham dự trò săn đom đóm. Nhưng đừng vội nghĩ đây là săn bắn thật sự, vì người Nhật chưa từng săn bắn mua vui cho đến khi phong trào từ bên ngoài nhập vào trong nước. Săn đom đóm chỉ là một cuộc đi chơi đến vùng quê Hotaru để ngắm nhìn những côn trùng sáng ngời bay lượn và dùng tay bắt chúng đùa chơi một lúc rồi thả ra. Cũng có những chuyến xe đặc biệt chở khách đi thưởng ngoạn cảnh trăng lên trên những đồi thông lửng lơ sương già… Tương tự những tay nhiếp ảnh ở châu Âu săn lùng cảnh đẹp, nhưng ở đây người ta thích hưởng cảm giác nhất thời hơn là thu vào phim ảnh. Thật vậy, ý muốn vật chất hóa mọi điều kỷ niệm của người phương Tây đối với người Nhật dường như ấu trĩ, vì có khác chi giữ mãi trong bình một bó hoa tàn. Phải quay mặt đi chỗ khác, đừng nhìn những vật đã chết, nhất là những vật từng có thời tươi đẹp. Người Trung Quốc xưa đã dùng hai động từ diễn tả khả năng nhìn thấy: “thị” là thấy bằng mắt, và “ngộ” là thấy bằng tâm hồn.
Đôi khi cũng nên nhắm cặp mắt xác thịt và mở những con mắt tinh thần để thưởng thức một cụm hoa Nhật Bản. Các đóa hoa tượng trưng một thời tươi đẹp, và với vẻ yên lặng dịu mềm, hoa đưa ta ra ngoài biên giới của thời gian. Những đường nét uyển chuyển của hoa không chỉ đẹp mắt, mà còn chứa đựng bí ẩn của tạo hóa, bí ẩn này chỉ phơi bày với những ai biết trân trọng ngắm nhìn.
Sự trân trọng đó, hay nói đúng hơn là lòng yêu thương trìu mến (người ta không biết diễn tả thế nào cho chính xác khi thấy người nông dân chất phác cúi chào cây cải trước khi cắt lá, cũng như dân quê nước Pháp làm dấu thánh giá trước khi cắt xẻ bánh mì) là một tình cảm tự nhiên và thật sâu sắc trong tâm hồn người Nhật, tình cảm đó vấn vương trong mọi tầng lớp xã hội, kể cả những người tưởng chừng hờ hững.
Tôi tin rằng những người đánh xe ngựa ở Paris ngày trước không có khiếu về thơ ca, cũng như về các loại hình nghệ thuật khác. Gán cho họ khả năng đó sẽ làm họ họ bật cười. Tại Nhật Bản, những người kéo xe tay, xét về nhiều phương diện, chằng khác gì những người đánh xe ngựa ở Paris, nhưng khác mọi điều là họ tự hào biết thưởng thức hoa cảnh. Họ thường ngồi hàng giờ với những chậu cảnh tí hon trong khi chờ khách. Họ tỉa tót, lau chùi, dịu dàng xới đất, nhất là yên lặng ngắm nhìn. Đôi khi có người hỏi mua một chậu, nhưng chưa chắc họ đã bán, mặc dù vài chục đồng yên (tiền Nhật – LND) không phải là điều bác kéo xe không thèm muốn, hơn nữa bác còn bị bạn bè, những người chỉ thích cờ bạc đỏ đen chế nhạo. Có thể một người sẽ hỏi: “Tại sao cậu không bán ? Giữ lại để làm gì cho tổ khổ thân?”. Bác kéo xe trả lời: “Thế tại sao cậu không đem con cậu ra bán?”.
Đám trẻ con Nhật Bản lớn lên giữa những bông hoa. Chúng thấy mẹ chúng kính cẩn mang hoa cắm vào lọ quý đặt trên khán thờ (tokonoma). Dù trong những nhà nghèo nhất, chúng cũng thấy hoa trên bàn thờ tổ tiên ngày Tết. Dù không bắt buộc phải có hoa lạ, hoa
quý, hồn thiêng tổ tiên mới hài lòng. Hoa đồng mộc mạc cũng đủ lắm rồi, và còn lý tưởng nữa là khác, vì hoa đồng gợi nhờ hương vị của thiên nhiên. Những bậc thầy vĩ đại của nghệ thuật cắm hoa - tại vì Nhật Bản có nhiều tay chơi sành điệu, riêng ở Tokyo đã có mấy ngàn người - là những nghệ sĩ chân chính không bao giờ khinh bỉ những loài hoa dại. Họ thường đưa học trò ra đồng, đến vùng ven rừng hoặc bờ ao, và sau khi ra đề mục sáng tác, họ để từng đệ tử diễn tả cảm xúc của mình trước những bông hoa dại.
Người ta không thể nào tha thứ một đứa trẻ phá hoại hoa, vì cho đó là một tội lỗi đê hèn còn hơn hành hạ các xúc vật: Người ta xem tất cả các loài hoa đều thiêng liêng, tuy ở nhiều mức độ khác nhau; đầu đàn là hoa cúc, loài hoa dành cho nhà vua, thường dân không được phép thêu vẽ trên y phục của mình. Phụ nữ Nhật Bản bắt đầu được dạy nghệ thuật cắm hoa từ năm 12 tuổi. Nếu người mẹ có thì giờ rảnh rỗi thì chính bà dạy co con; bằng không, cô gái được cho đi học với mội bậc thầy, cũng y như người châu Âu học dương cầm và vĩ cầm. Đức tính khiêm tốn và yên lặng của hoa được nêu cao để các cô gái noi theo.
Hoa có đủ tính chất như con người. Nghe thế, chắc chắn những người có đầu óc thực dụng, quen nhìn những thể rắn chắc của phương Tây sẽ bật cười; nhưng đừng quên rằng tuy đã phủ bên ngoài lớp sơn hiện đại, người Nhật vẫn giữ được tâm trạng mộc mạc hồn nhiên không khác mấy với tổ tiên của họ ngày trước. Cũng như người nguyên thủy, họ gắn cho mỗi sự vật một linh hồn nghiêm khắc, tàn nhẫn cho một số sự vật, và linh hồn quảng đại, bao dung cho những sự vật khác, như hoa chẳng hạn
Ngày xưa, các võ sĩ (samurai) trẻ tuổi đều biết nghệ thuật cắm hoa, vì đây là một môn học trong chương trình huấn luyện của họ. Vào thời đó, chiến sĩ là thi sĩ. Ngày nay, những nhà quý tộc, những bậc phong lưu gọi là có văn hóa đều biết cắm hoa như một bà chủ nhà gương mẫu. Cùng với tài cắm hoa, họ trồng cây thu nhỏ trong những chậu cảnh tí hon; có những bộ sưu tập cây cảnh thu nhỏ nổi tiếng đáng giá cả gia tài.
Chuyện kể về hoa rất nhiều, chuyện nào cũng hấp dẫn người nghe, trẻ cũng như già. Chẳng hạn câu chuyện sau đây: trong một đêm đông tuyết giá, một võ sĩ nghèo tiếp một nhà sư gần chết cóng. Để có củi nhen lửa sưởi ấm nhà sư, chàng đã chặt các cây cảnh quý – gia tài và tình yêu duy nhất trên đời mình. Đâu ngờ nhà sư chính là Đại hoàng thân Tokiyori tốt bụng, và vì thế là chàng võ sĩ giầu lòng nhân ái được thưởng xứng đáng. Đấy là đề tại của một vở kịch danh tiếng có từ thời Tokugawa, đến nay vẫn được trình diễn và mỗi lần trình diễn, sự hy sinh cao cả của người võ sĩ cùng số phận hẩm hiu của những cây cảnh đẹp vẫn còn khiến khán giả mủi lòng rơi lệ.
Trong thiên nhiên, tất cả đều đẹp, tất cả đều tốt lành hoàn hảo, và ấy là điều đầu tiên người Nhật đã tin. Chỉ tại những tật xấu đáng ghét của con người làm tất cả hư hỏng, suy đồi, còn thiên nhiên vẫn là nguồn thanh khiết, mà hoa là những gì được thiên nhiên chắt chiu bảo dưỡng thì làm sao không thể yêu hoa?
Phải yêu hoa nếu muốn tỏ lòng biết ơn Trời Đất. Có yêu hoa, ta mới thấy mình hòa hợp với thế gian. Không nên dùng hoa, như hoa bày tỏ, với chủ tâm phàm tục hoặc để trang trí. Hoa không phải là vật trang sức mà tượng trưng nhiều điều. Trong những ngôi nhà Nhật Bản mà người phương Tây trông trổng trải trơ trụi lạ lùng, có những vách ngăn bằng giấy cách ly tầm mắt của người trong nhà với thế giới bên ngoài, thì hoa biểu thị tính chất bao la của thiên nhiên. Tính biểu thị này trước hết phải trung thực. Không nên trình bày những bó hoa, bình hoa và những chậu cây cảnh thu nhỏ như những mô hình thực vật học, mất tính hiện thực và quân bình, không còn là biểu tượng nghệ thuật, và chỉ phục vụ cho tính chất phù phiếm của con người. Hoa dùng để biểu dương vinh quang của tạo hóa, chứ không phải để phô trương thanh thế của phàm nhân. Vì vậy, không nên dùng hoa để trang trí. Hoa phải là điểm tập trung mọi ánh mắt.
Tất cả mọi vật phải góp phần làm hoa nổi bật, như thể hoa là hình tượng sống của thần linh; và sau cùng, hỏi hoa có xứng thế không? Người Nhật tin rằng rất xứng.
Chơi hoa không những là một nghệ thuật mà còn là một triết lý đạo đức. Chính vì thiếu hiểu biết hoàn toàn, nên người ta mới dùng hoa làm vật trang hoàng. Nều không, làm sao giải thích sự kiện những con người hiện đại như chúng ta xem sự lưu tâm chăm sóc mà Đông phương cổ kính dành cho hoa là hơi quá đáng và đôi lúc lố lăng? Dưới thời Đường và Tống của Trung Hoa, triều đình dành cho mỗi loài hoa một người phục vụ đặc biệt, người này là một đạo sĩ biết nghề làm vườn có nhiệm vụ săn sóc hoa, cọ rửa lá cành với một bàn chải êm ái bằng lông thỏ. Khi mùa xuân đến, Hoàng đề Đường Trần Nhân Tông dẫn đoàn nhạc sĩ của triều đình đến trỗi những khúc nhạc du dương cho hoa thưởng thức. Làm sao người ta có thể nghĩ ra những chuyện ngây thơ như thế nếu không tôn thờ tính chất bao la và hoàn hảo của thiên nhiên phản ánh qua hoa?.
Ở Nhật Bản ngày nay, người nông dân vẫn còn xem mọi sinh vật là Trời, nhất là cây cỏ. Thấy gạo rơi trên mặt đất, người ấy sẽ nhặt lên, trìu mến phùi sạch đất, đem cúng tổ tiên rồi mang cho vợ.
Dân gian có câu: “ Gạo tức là Phật”, nhưng chúng tôi không bao giờ nói “Hoa tức là Phật”. Điều đó quá rõ ràng.
CHƯƠNG MỘT
VÀI DÒNG LỊCH SỬ
Từ triều đại Nara đệ nhất (710 -793) hoa đã đi vào lịch sử Nhật Bản. Nara ngày nay là một thành phố có nhiều đền đài cổ kính và những khu đất thiêng trong đó thú vật được sống tự do, có những con hươu cái đến ăn trong lòng bàn tay du khách. Ngày xưa, Nara là thủ đô đứng đầu về phương diện nghệ thuật, thủ đô thanh lịch như trong chuyện thần tiên, và Nara đã chứng kiến thời kỳ huy hoàng nhất của nền văn minh Nhật Bản.
Sử sách lưu truyền giới tạo nhân mặc khách thời bấy giờ thường tổ chức những cuộc du ngoạn xem hoa, gửi cho nhau những loài hoa hữu ý kèm mầy vần thơ tự tác; họ còn đua nhau sáng chế nhiều kiểu cắm hoa độc đáo. Chính Hoàng hậu Somedono kiều diễm cũng tự tay mình cắm mấy cành hoa Anh đào mỗi lần đón tiếp đức vua; và để thắt chặt mối dây liên hệ vốn có giữa giới thượng lưu quý tộc và hoa, cứ lệ đầu năm, cả hai vị ra trước thần dân thưởng thức món canh truyền thống nầu bằng thứ cỏ cây tượng trưng hòa hợp hoàn hảo của vũ trụ.
Vào thời kỳ hạnh phúc đó, có thể nói là một thời kỳ vàng son, mọi người là thi sĩ. Cuốn “Vạn chiếc lá” (Manyoshu) là một cuốn sách dày gồm những bài thơ do nhiều người thuộc đủ tầng lớp xã hôi sáng tác còn lưu truyền đến nay. Ông hoàng, bà chúa, người ăn xin, kỹ nữ, đạo sĩ, nhà sư, giới quý tộc, giới võ sĩ đạo vv… tất cả đều góp tiếng trong tập thơ này. Vào những lúc khác, sự sắp xếp chung này có thể là một sự hỗn loạn khó chấp nhận, nhưng ở đây lại làm ta cảm thấy tập thơ rất tuyệt vời. Lời trong tập thơ là của quần chúng, và ngày nay đọc lại, ta tưởng chừng đang sống giữa những người đã ra đi từ bao thế kỷ, và trong ta tự nhiên gợn lên niềm cảm hứng sống động tươi mát. Trong khoảng 5000 bài thơ, phần nhiều là nói về hoa. Một tuyển tập thơ khác cũng nổi danh không kém tập “xưa nay” (Kokinshu) gồm những bài thơ tả cảnh, tả tình thương tương tự.
Cả đến huyền thoại cũng nói lên lòng sùng hoa của người Nhật. Khi trẻ con bẻ cành hoa hay chiếc lá, người ta dạy chúng đọc câu kinh sám hối: “Con hằng thành tâm cầu đắc quả Phật, chứng ngộ Niết bàn”. Kèm theo kinh cầu là một câu chuyện lịch sử.
Cách đây hơn hai nghìn năm, một vị hoàng tử con hoàng hậu Maya đang buồn bã trầm tư trong vườn thượng uyển, không thiết nhìn hoa thơm cỏ lạ vì mãi tưởng nhớ người mẹ hiền đã mất. Bổng nhiên, từ một đám mây sáng chói màu tím hơn cà, Đức Phật Monszyu hiện xuống và nói:
-Con có muốn gặp lại mẹ không?
-Ô! Con muốn lắm! Hoàng tử trả lời.
-Vậy con hãy theo ta đi đến cuối vườn.
Quả thật, từ cái ao cuối vườn mọc lên những bụi sen trắng xinh xinh, trong đó có một đóa hoa rất lạ vươn thẳng lên, cao hơn các hoa khác. Nhìn một lúc, hoàng tử lại thấy hoàng hậu Maya mẹ chàng, khoác chiếc áo lấp lánh ngọc ngà, đang mỉm cười trìu mến đưa tay về phía chàng.
Cả hai mẹ con hàn huyên đủ chuyện, nhất là về lòng từ bi của Đức Phật, cho đến khi
đóa hoa đẹp cùng bà biến mất cũng trong đám mây màu tím hoa cà, hoàng tử òa ra nức nở.
Lúc ấy hoàng tử mới lên 7 tuổi, nhưng chàng đã cảm nhận được sứ mệnh thiêng liêng của mình, sứ mệnh đó đã khiến người trở thành một bậc đại thánh. Hoàng tử rời bỏ cung vàng điện ngọc đi vào núi sâu sống cuộc đời tu hành khắc khổ, nhưng quanh người lúc nào cũng có hoa sen trắng thơm. Người đã để lại cho đời tập kinh ca ngợi hoa sen. (Diệu Pháp Liên Hoa Kinh - LND).
Phải chờ đến thế kỷ thứ 8, người ta mới thật sự biết thế nào là nghệ thuật cắm hoa. Trước đó, người Nhật theo trường phái nguyên thủy, chỉ biết cắm hoa vào bình để trang trí, gọi là cắm theo kiểu “tùy hứng” (Nageire). Nhưng đến thế kỷ thứ 8, Nhật Bản bắt đầu du nhập
văn minh Trung Hoa và đạo Phật. Từ trước, nước Nhật sống hoàn toàn riêng biệt, không có tôn giáo nào khác hơn là thờ cúng tổ tiên và một số tín ngưỡng cổ truyền; bỗng nhiên, cũng như Tây phương cận đại, Nhật Bản tiếp xúc với một nền văn hóa phát triển rất cao và với một tôn giáo có những tín điều và lễ nghi rõ rệt, cùng một nghệ thuật rất tinh vi. Đền chùa mọc lên khắp nơi, nhờ biết bao hy sinh và công của cúng dường: nhiều đền chùa ngày nay vẫn còn tồn tại, có khi còn thêm tráng lệ hơn xưa. Người ta đã đốn những cây đẹp nhất để dùng xây cất và nhiều phụ nữ đã hy sinh mái tóc để bện thành dây thừng kéo lôi vật liệu. Những dây thừng bằng tóc này hiện vẫn còn lưu giữ tại những tiên đình gần cổng và trong những căn hầm dưới đất.
Ở bất cứ thời đại nào, con người cũng dùng hoa để cúng lễ. Hoa nào cũng hướng về trời như để tỏ lộ niềm tin. Thực ra, các kiểu cắm hoa trong thời kỳ từ thế kỷ thứ 8 đến thế kỷ thứ 14 đều theo môn phái thẳng đứng Rikkwa. Điều rất lạ đối với tâm hồn Nhật Bản là người ta dùng quá nhiều hoa nhân tạo. Cách cắm hoa thuần túy mang tính chất tôn giáo; kích thước bài trí lại quá đồ sộ, rập theo khuân khổ các đền chùa có cái rộng thênh thang có thể chứa được những nhà thờ kiểu gô tích.
Ban đầu, người ta trình bày những cụm hoa cứng đờ, ngay thẳng như lòng tin của những người mới nhập đạo. Theo đúng nghĩa, Rikkwa, là “hoa đứng thẳng” (lập hoa). Nhưng càng về sau, qua nhiều thế hệ, cách cắm hoa và triết lý về hoa càng trở nên uyển chuyển, mềm mại phù hợp hơn với tính tình của chủng tộc. Nghệ thuật cắm hoa bắt đầu nảy nở và trở nên tinh vi vào thế kỷ 14. Bảy thế kỷ không hẳn là một thời gian đủ lâu để có thể được một nghệ thuật hoàn chỉnh. Vả lại, cũng cần những ảnh hưởng bất ngờ để đưa đẩy nghệ thuật đến chỗ toàn hảo, nhất là nghi thức uống trà, du nhập đồng thời từ Trung Hoa, đã góp phần nâng cao nghi thức chơi hoa. Người ta thiết lập phòng trà riêng biệt trong ngôi nhà ở. Có lối vào xuyên qua một mảnh vườn bố trí hết sức thơ mộng, phòng trà có một cửa vào nhỏ thấp mà trước khi vào, khách cởi kiếm cùng những lo âu nào nhiệt của cuộc đời bỏ lại ở đấy.
Trong phòng chỉ có mấy chiếc chiếu, vài bức tranh, và hoa… Hoa trong phòng phải hòa điệu với tranh. Không bao giờ người ta đặt một bình hoa mùa xuân bên cạnh một bức tranh bày cảnh tuyết phủ.
Phòng trà phải cho ta cảm giác an bình và thanh cao thanh thoát nhờ sự hài hòa của màu sắc, sự tinh sạch và trật tự chi li của những vật bài trí, và hoa ở đây không thể là hoa như từng thấy trong các đền chùa những thế kỷ trước. Hoa đã trở nên sống động hơn và gần gũi con người, mà con người thì lúc nào cũng tin kính Trời Phật như tin bậc sinh thành.
Cách sắp xếp hoa cũng thu gọn hơn nhiều, giới hạn trong khuôn khổ nhỏ hẹp của căn phòng.
Điều cần lưu ý là nếu tưởng phòng trà (salon de the) như phòng khách (salon) của phương Tây sẽ không cảm thấy hết không khí của căn phòng bé nhỏ gọi là trà thất (chashitsu) nơi người Nhật thường vào để tĩnh tâm uống một tách trà trái lại, phòng khách ở châu Âu là nơi phô trương lộng lẫy nhất trong nhà để người ta khoe khoang giàu sang, của cải, trưng bày những gì quý giá nhất, tủ bàn quý nhất, những vật trang trí hiếm lạ nhất.
Một người mới bước vào phòng khách có thể nhận ra ngay sở thích và tính tình của chủ nhân. Ở Nhật thì không như thế, phòng trà là nơi râm mát cho người ta dừng chân nghỉ ngơi giữa cơn khô hạn của cuộc đời. Người Nhật không ngại ngùng tạo cho phòng trà vẻ nghèo nàn, một sự nghèo nàn tao nhã. Trong phòng trà tuyệt đối không có vật gì mới mẻ, vì không gì khó chịu hơn là sự thiếu cá tính của đồ vật mới. Vật cũng như người đều có một tâm hồn, và tâm hồn đó chuyển theo thời gian.
Phân định chi ly, tinh tế, quan tâm đến những vật bé nhỏ, coi thường những gì quan trọng: đó là người Nhật. Nếu đột nhiên thấy được hàng nghìn cuốn sách viết về hoa, và có thể ghi lại những cuộc tranh luận xoay quanh những kiệt tác vang bóng một thời này, người ta sẽ nhận định rằng người Nhật là một dân tộc vi tế nhất trên thể giới.
Vào thế kỷ 15 - 1445, khi thuyền của người Bồ Đào Nha, những người da trắng đầu tiên, chở đầy nô lệ da đen đi vào các cửa biển miền Nam, tập Sendenshu hay “Nguyên lý về hoa” ra đời. Tác giả là đại văn hào Soami Nakao, phụ đạo của hoàng tử Shogun Yoshimasa, người về sau trở thành một Mạnh Thường Quân của nghệ thuật, nhất là nghệ thuật trà và hoa.
Năm 1525, một cuộc thi hoa được tổ chức tại Kyoto. Có lẽ đây là cuộc thi hoa hậu đầu tiên trong lịch sử nước Nhật. Ngày nay, mỗi năm đều có hàng trăm cuộc triển lãm hoa.
Hai môn phái xưa, Nageire (cắm hoa tùy hứng) và Rikkwa (cắm hoa đứng) dần dần tan rã. Một số người cầu kỳ cố bám lấy môn phái đầu, còn môn phái sau chỉ tồn tại trong các đền chùa và trong cung đình hoàng tộc.
Người ta lại đua nhau theo một môn phái mới, môn phái Tkebana (sắp hoa). Môn phái này chia ra nhiều chỉ phái, ba chi phái chính là Ikebana, Enshu và Aoyama. Mỗi chi phái có ba kiểu: thực (vrai), động (dynamique), và tạp (complexe) hoặc trôi (coule).
Kiểu thực là gì? Là kiểu căn bản, tôn trọng tính tự nhiên của cây hoa, không uốn nắn thành những đường cong gượng ép. Kiểu này gồm ba cành hay ba thân cây, “ba” là số tượng trưng: phần trên tượng trưng Trời, phần dưới tượng trưng Đất, và phần giữa tượng trưng Người. Vì ba sức mạnh thiên nhiên này phải cùng hòa hợp để tạo thành vũ trụ hữu tình, nên phải để các cành hoa tự giữ tư thế quân bình với nhau mà không gò bó. Tất nhiên hình thức nhìn chung hơi cứng. Kiểu động thì muốn trình bày cụm hoa cho có vẻ linh hoạt. Phần dưới không khác kiểu thực, nhưng ở giữa ba phần chính có chen kín đáo một ít cành nhỏ. Hoa cắm theo kiểu này thường được đặt dưới khán thờ (tokonoma).
Trái lại, hoa cắm theo kiểu tạp hay trôi là để đặt trên khán thờ. Từ trên, những cành hoa “chảy” xuống, cho người xem cảm giác mệt mỏi, buông xuôi. Những bậc thầy của chi phái Enshu cho rằng kiểu trôi diễn tả cảnh xuống dốc của đời người, như là hoa oằn cong dưới sức nặng của tuyết giá mùa đông và mọi vật đang trôi về vực thẳm. Vì thế, đầu mút của những cành cây càng ra xa càng hạ thấp xuống. Chính những năm cuối của đời người trôi qua nhanh nhất.
Với kiểu thực, chi phái Enshu, diễn tả “sự khai mở” trong đơn giản và mạnh mẽ. Nhìn kỹ một cụm hoa cắm theo kiểu thực của chi phái Enshu, ta có cảm giác nhìn một bàn tay trẻ sơ sinh đưa thẳng lên trời. Đó là lúc khởi đầu sự sống.
Cũng theo chi phái Enshu, kiểu động diễn tả tuổi thanh xuân đầy khát vọng, hứa hẹn và nhiệt tình. Đó chính là những bắp thịt đang nảy nở của chàng trai mới lớn, và nét diễm kiều tươi tắn đang phát lộ của cô gái dậy thì. Cá tính dần dần hình thành, biến đổi và trở nên phức tạp. Con người đã sẵn sàng đầu tranh để sinh tồn.
Hành trình vào nghệ thuật không dừng lại nơi đây. Vô số môn phái được lập ra, danh tiếng những bậc thầy vang lên rồi lịm tắt, các cuộc tranh luận kéo dài vô tận và kịch liệt hơn bất cứ cuộc bút chiến nào về hội họa ở Âu châu, vì chơi hoa là một nghệ thuật đại chúng, phổ cập khắp nơi, một người phu xe cũng có thể tự hào mình là tay điêu luyện chẳng khác chi một nhà quý tộc. Mỗi lần một vua mới lên ngôi, mỗi lần một ma chay, cưới hỏi, hoặc có lễ hội cổ truyền, người ta đều cắm hoa để nói lên sự vui mừng hoặc thương xót, hoặc bày tỏ niềm tin những tập tục lưu truyền của tổ tiên. Hoa nói một thứ tiếng mà ai cũng hiểu.
Nhưng kỹ thuật càng cải thiện, quy tắc càng nghiêm ngặt, thì hoa tuy vẫn giữ vẻ mỹ miều, cũng bị gò ép hình thức như chữ viết. Những bó hoa trở nên cứng đờ như hoa đá. Vì vậy người ta thấy cần phải đổi thay, và chẳng bao lâu sự đổi thay đã đến.
Đầu thế kỷ 16, người ta trở về với kiểu Nageire nguyên thủy. Người ta bảo: “Hãy đặt hoa vào lọ rồi không động đến nữa. Trở về, trở về với tự nhiên”. Các bậc thầy nghệ thuật uống trà đã đi tiên phong trong phong trào trở về tự nhiên, nhiệt tình nhất là Rikiu, đến nỗi có người thiếu hiểu biết cho rằng chính Rikiu, đã sáng lập ra môn phái Nageire.
CÁC KIỂU CẮM HOA
Sau bao phen thỏa hiệp, người ta thấy cần có một nghệ thuật ứng biến. Cho đến các môn phái cổ điển cũng chịu ảnh hưởng phong trào này một cách sâu xa mà chính họ cũng không ngờ đến. Để chống trả, họ buộc lòng phải lập ra những chi phái Nageire ngay trong môn phái họ. Phái chủ trương tinh xảo đã công nhận bị phái nguyên thủy, chủ trương tự nhiên, đánh bại.
Môn phái chủ trương sắp hoa (Ikebana) dường như chìm trong giấc ngủ. Vì quá thèm khát phóng túng, quá thèm khát tả thực, nên không còn ai muốn nghĩ đến những kỷ luật cả. Tuy nhiên môn phái Ikebana, từng giữ địa vị độc tôn nhiều thế kỷ, đã ăn sâu vào tâm hồn người Nhật. Nhờ môn phái này, người ta hiểu được mọi nghi lễ và giới luật mà lúc ban đầu không ai biết nguyên lai.
Môn phái này phát triển song song với các môn phái của nghệ thuật uống trà đã tạo ra những lễ nghi và những cách xã giao kiểu Nhật mà đối với người nước ngoài trăm nghìn lần chi li và khó nhọc hơn phép xã giao và các nghi lễ châu Âu. Chẳng hạn người ta phân định các kiểu cắm hoa, kiểu nào để dưới khán thờ, kiểu nào để trên, kiểu nào để bên phải, kiểu nào để bên trái. Trong thiên nhiên không bao giờ có sự cân đối hoàn toàn; cây cối cũng vậy, có bên phải và có bên trái, có phía trước và có phía sau, hướng Nam và hướng Bắc.
Cây ở nơi thấp, như trong chốn bùn lầy, hồ ao, không giống hoặc không có cùng hình tướng và không chung một tâm hồn với cây trên núi. Thế thì làm sao mà người ta không phân phương hướng trong nhà người Nhật theo đúng hình ảnh của thiên nhiên?
Vả lại, trong cùng gian nhà, mỗi chỗ mỗi khác về phương diện ánh sáng, phối cảnh, không khí và có chỗ trọng, chỗ không. Theo nguyên tắc, một người khách hàng đáng tôn quý thì càng được mời ngồi cuối phòng, gần bàn thờ tổ tiên, nơi được xem là trung tâm của căn nhà. Những người không được trọng vọng lắm sẽ ngồi gần của ra vào. Biết kể bao giờ cho hết những nguyên tắc chi li trong lãnh vực này? Các nguyên tắc đó rất khó nói ra, mà mỗi người tự hiểu không cần phải học. Biết được như thế, bạn sẽ không còn ngạc nhiên nếu thấy một người Nhật do dự, băn khoăn khi bạn tiếp người đó tại nhà bạn mà chỉ mời một câu: “Mời ông ngồi”. Đối với người Nhật, tất cả các chỗ ngồi trong phòng không đồng giá trị, biết ngồi chỗ nào?
Đó là một cảm quan đặc biệt của người Nhật, cảm quan về chỗ ngồi. Và trong thời hiện
đại, cảm quan đó đã gây cho chính họ lắm chuyện bực mình.
Trên đỉnh các núi cao ở Nhật, đều có đền chùa, vài nơi có đường xe treo đưa khách thập phương lên viếng. Nhưng người tín đồ chân chính không nên dùng phương tiện này mà phải đi bộ leo núi trước khi đến chùa cầu nguyện, phải chuẩn bị tinh thần để quán tưởng bằng cách hành xác, giống như tín đồ đạo Thiên Chúa phải vác cây thánh giá khổ hạnh nếu muốn đến thiên đàng. Đứng trên sân thượng của những tòa nhà cao tầng ở các thành phố lớn như Kyoto dựa vào lưng và núi, người ta có thể dùng ống nhòm theo dõi, mỗi tháng hai lần, những đoàn người hành hương nối chân nhau lên núi. Có một nhà sư cùng đi với họ, thỉnh thoảng nhà sư thổi tù và khuyến khích, và tất cả cùng ngân nga một điệp khúc cổ xưa còn được tôn sùng:
Rokkon / shòjò …(Lục căn / thanh tịnh)
Oyama/ wa/ seiten… (Vĩ đại sơn / thị / Tây phương) Rokkon / shòyò…
Oyama…wa…seiten…
(Dịch nghĩa:
Sáu căn yên lặng
Ngọn núi thiêng liêng là Tây Phương…)1
Phần đông mặc y phục trắng, màu thiêng liêng, trên vai trên lưng có nhiều dấu đỏ do những người giữ chùa in lên trông rất đẹp mắt. Những dấu này tương tự như một loại chiếu nhập cảnh để vào xứ sở tưởng tượng của đức tin.
Núi Maya sau lưng thành phố Kobe, núi Hiyei phía bắc thành phố Kyoto, núi Nairta gần thị trấn Chiba v.v... đều có đền chùa trên chót đỉnh. Vì thế người Nhật không hiểu tại sao trên những đỉnh núi cao ủa dãy Alpes haty Pyrenee lại không có nhà thờ. Đối với người Nhật thì đặt ở nơi cao cái gì được tôn quý nhất là điều tự nhiên.
Vả lại, để chỉ cái cao quý nhất về vật chất cũng như tinh thần, trong tiếng Nhật chỉ có mỗi chữ Kami (thần) Kami là phần trên hết của mọi vật, đồng thời có nghĩa là đứng đầu, là chủ, là vua, là Trời. Trời ở trên cao nhất. Vì vậy, những vật gì đáng để chỗ thấp, giày dép chẳng hạn, mà đem để chỗ cao, thì người Nhật xem là “phạm thượng”, xúc phạm đến trật tự thiên nhiên, tức là xúc phạm đến Trời. Trái lại, không nên để những gì mình yêu quý sát gần dưới đất. Ở châu Âu hoặc ở Mỹ, người ta thường thấy những bình đựng kẹo có hình chiếc guốc. Thật là lố bịch! Chẳng khác gì người nông dân Pháp tha thiết với tiền, lại đem tiền nhét vào tất (vớ len)!
Vậy là mỗi khi đi ra khỏi xứ, cái gì cũng làm người Nhật phải đắn đo suy nghĩ và thấy khó chịu. Ngược lại, một người Âu châu viếng thăm nước Nhật cũng thế. Phần lớn nguyên nhân chính của sự chi li tinh tế (hay đúng hơn là sự rắc rối) trong nghi lễ của người Nhật là lòng tôn sùng các loài hoa. Do đó, trên khán thờ, lọ hoa luôn luôn đặt trước một bức danh họa; công trình của Trời phải đứng hàng đầu, rồi mới đến công trình của người. Đối với người Nhật, hoa không phải dùng để trang trí phòng khách, mà phòng khách được tạo ra là để làm hoa nổi bật. Nhiều họa sĩ phương Tây có thói quen đáng ghét là ký tên mình phía trên cao của bức họa. Người Nhật sẽ cho là xấc xược nếu thấy trên bình hoa đặt ở trên khán thờ có bức họa kèm theo chữ ký, và sẽ khinh bạn vô cùng nếu bạn đặt bó hoa người ta mới tặng trên lò sưởi sau lưng một tấm hình chụp.
Vào thế kỷ 16, môn phái Nageire thống trị hầu hết mọi nơi. Chỉ trong các đền chùa, môn phái này mới nhường chỗ cho môn phái Rikkwa. Ở các phòng trà, hoa được bài trí theo môn phái Nageire, thích hợp với khuôn khổ nhỏ hẹp của gian phòng (3m x 3m). Qua thế kỷ sau, các môn phái cũ được phục hưng. Nhiều danh sư của môn phái Ikebana, những người kế thừa các nghệ nhân thế kỷ 14 -15 tái xuất hiện ở các thành thị. Lúc đó quần chúng đang nghiêng về môn phái Nageire đã làm trở ngại bước tiến của môn phái Ikebana. Trong cuộc tranh chấp truyền kiếp giữa đông đảo quần chúng và giới thượng lưu quý tộc, phần thắng thường nghiêng về giai cấp sau. Cuối cùng, môn phái Ikebana ở Chiba, cải cách trên căn bản cũ, khôi phục được địa vị đã mất trong hơn thế kỷ. Nhiều cuộc triển lãm hoa toàn quốc được tổ chức. Người ta lại có dịp trông thấy những cành hoa kích thước lớn mà môn phái Nageire ở các phòng trà đã làm lãng quên. Điển hình nhất là những kiểu Koryu, Enshu thời Edo dưới triều lãnh chúa Tokugawa (1600 -1871). Ngay cả ở Osaka, một thành phố thương mại, cũng có một chi phái riêng, chi phái Misho.
Môn phái Nageire, từng lấn ra ngoài phạm vi nhỏ hẹp của phòng trà bây giờ phải thu về và chia làm hai chi phái, chi phái chính dành cho nghi lễ phòng trà và chi phái tự do. Trong số những nhân vật chủ chốt của chi phái đầu có Hoga và Gahu; chi phái sau có Hosei, Seiga, Manso, Seibo v.v… Ngoài ổ kháng cự nhỏ này, khắp nơi đều theo môn phái Ikebana. Chưa bao giờ người ta trông thấy một cuộc phục hưng rộng lớn như vậy. Cũng nên nói rằng mặc dù kỹ thuật phức tạp, cách bố trí hoa của phái Ikebana vẫn thích hợp với giới tư sản trung lưu
1 Theo Phật giáo, con người sở dĩ đau khổ vì bị “lục căn” lôi cuốn. Lục căn là nhãn (mắt), nhĩ (tai), tỷ (mũi), thiệt (lưỡi), thân (thể xác) và ý (ý nghĩ). Muốn thoát khổ thì phải diệt dục vọng do sáu căn gây ra bằng cách tu hành. “Tây phương” là tên gọi cõi Phật - LND
hơn phái Nageire. Cũng như ngành hội họa đơn sắc (một màu), mà những nhà sành điệu ưa thích, không còn hợp thời bằng những bức tranh rực rỡ của Outamaro.
Trong những thập niên đầu sau cuộc cách mạng 1868, Nhật Bản quá bận rộn trong việc đồng hóa với văn minh phương Tây, nên nghệ thuật cắm hoa bị phai mờ trong một thời gian. Người Nhật nhập khẩu bất cứ thứ gì họ trông thấy ở Âu Mỹ. Hậu quả là trong khoảng 50 năm vô số kiểu mẫu thời trang về mọi mặt văn chương, hội họa, kiến trúc… kế tiếp nhau xuất hiện. Các môn phái, từng tồn tại ở châu Âu, một hoặc hai thế hệ, qua Nhật chỉ sống độ một mùa hay một năm. Người Nhật như đang ở trong một buổi chợ phiên tràn ngập vô số loại hàng khác nhau, làm khách mua khó lựa chọn.
Tuy nhiên, sau cuộc đại chiến, cơn sốt hạ dần. Nước Nhật lấy lại sự tự tin và nhận thấy lòng ái mộ hoa của mình vẫn không thay đổi. Nhiều môn phái mới thành hình. Nghệ thuật cắm hoa được đem dạy tại các trường nữ như là môn luân lý, và được xem trọng nhất trong các môn học.
Mới đây, nhiều nghệ nhân trẻ đã lập ra một môn phái cắm hoa mới mà họ gọi là trường phái văn minh đồng hóa. Như tên gọi, môn phái này muốn tổng hợp hai nền văn minh Nhật Bản và Tây Phương, hòa giải hai nước Nhật xưa và nay, cũ và mới. Môn phái này tự hạn chế không đưa ra những nguyên tắc chuẩn xác như các môn phái cũ, nhất quyết theo tinh thần hiện đại và chối bỏ tất cả các kỷ luật mà các môn phái trước đã tự áp đặt cho mình. Nhật Bản hiện đại khác Nhật Bản cổ xưa rất nhiều. Đồng thời với những sản phẩm chế biến nhập khẩu từ Âu Mỹ, tư tưởng phương Tây đã vượt qua biên giới nước Nhật. Muốn vứt bỏ ảnh hưởng này chỉ là một việc làm hoài công. Đó là điều mà các thế hệ mới đã hiểu.
CHƯƠNG HAI
CÁC LOÀI HOA
Ở Nhật Bản ngày xưa, hàng năm có xuất bản một tập lịch hoa, trong đó chỉ rõ từng loài hoa, vào lúc nào hoa đẹp nhất, cùng những vườn trại tư nhân trồng hoa có giá trị. Nhiều thế hệ nghệ nhân vườn cảnh đã nổi danh nhờ tài trồng hoa.
Khi xem những tập lịch xưa đó (ngày nay rất hiếm), người ta rất đỗi ngạc nhiên tại sao chỉ ở một chỗ mà có không biết bao nhiêu loài hoa. Nội trên bờ một cái ao, người ta thấy hàng mấy trăm loại khác nhau. Sắp theo mẫu tự la tinh, thí dụ bắt đầu bằng vần S thì có: Sawaguruma, sawagikyo, sawatorano, sasagoke, sagiso, sankakui, saziomodaka, sansyomo, sivone, siranesenkyu, sirobanaenreiso, sikaui , sirabizikain, simayoz, sizusiroso, suira, suzumenotogasasi, suzumenoteppo, suiren, sekiko v.v…
Đây là chỉ mới kể đến những cây có tên bắt đầu với mẫu tự S. Các mẫu tự khác cũng có danh sách tương tự. Thí dụ với mẫu tự K, người ta thấy: kawahone, kawasisa, katasirogusa, kawaraninzin, kakitsubata, kanokoso, kasasuge, kawaratokusa, kangarei, kitwihime, kuroguwai, kusayosi, konagi, kogama v.v…
Tại sao ở Nhật nhiều hoa đến thế? Lý do rất dễ hiểu. Không phải vì người Nhật biết nhiều hoa đẹp như hoa ở châu Âu, mà vì từ lâu họ đã tập yêu những loài hoa hèn mọn, những loài hoa xấu hổ, những hoa bên đường bị khách bộ hành giẫm lên, những hoa mà người lái đò lấy mái chèo đánh vẹt qua một bên vì cản trở lưu thông trên mặt nước. Không một loài hoa nào, không một giống lá nào mà người Nhật không khám phá vẻ đẹp. Ngay cả cây cỏ tầm thường nhất cũng có một cái tên. Nhưng tên riêng chưa đủ, mỗi loại cây, cũng như người và các đầng thần linh, còn có một lô bí danh, biệt danh tên gọi trong thơ văn, tên gọi trào phúng hoặc tôn kính. Vả lại, càng tập cách yêu hoa như người Nhật, người ta càng nhận thấy rằng đây không chỉ là một nghệ thuật đơn thuần và càng không phải là nghệ thuật trang trí. Muốn chơi hoa, trước hết phải biết thực vật học, vật lý học, hóa học, sử học, địa lý học và cả y học nữa. Chỉ khi nào thấu triệt các khoa học này, người ta mới có thể trở thành một bậc thầy về hoa.
Trước tiên là thực vật học: phải nghiên cứu cách thức dinh dưỡng của các loại cỏ li ti cũng như của các cây cao lớn, phải am tường phong cách chăm bón và biết cách gây những giống cây mới. Phương Tây không dạy cho chúng tôi tí gì về vấn đề này. Hơn nghìn năm nay, những người làm vườn Nhật Bản đã biến cải những giống cây hoang dại đến độ người ta không còn nhận ra chúng nữa.
Kế đó phải là một nhà hóa học, hay đúng hơn là một nhà luyện kim. Phải biết nên pha vào chất gì cho cánh hoa nhỏ lại, đồng thời làm hoa thêm vẻ mỹ miều. Phải biết dùng chất gì để biến đổi màu hoa. Tại sao chất muối nhôm làm hoa adisai dần dần ngả sang màu xanh? Tại sao có thể dùng cây chua me đất (katabami) đánh gương soi bằng bạc?
Rất nhiều vần đề đã được giải quyết từ thời xưa. Phải là một nhà bác học mới giải thích được tại sao chỉ trong một loại cây hoa hosenka (Phụng tiên, Móng tay, Nắc nẻ, Chân đèn) lại chứa đủ các thứ cần thiết để làm tăng vẻ đẹp của người phụ nữ: một thứ sơn móng tay tốt nhất, một thứ kem xoa tay tuyệt hảo, một thứ nhuộm tóc thượng phẩm, một thứ son môi màu đỏ thật tươi.
Nhưng người ta không thể hiểu thấu nghệ thuật cắm hoa, nếu không biết thơ văn Nhật Bản. Biết bao kiệt tác được viết ra để ca tụng loài hoa. Tiểu thuyết “Trúc điểu” (Teketori) (thế kỷ thứ 8) kể chuyện một cô gái sinh ra trong rừng trúc; tập thơ “Vạn Diệp” (Mannyoshu) gồm năm nghìn bài thơ rất hay đến độ người ta so sánh với lá. Một câu thơ hay cũng như một chiếc lá: thơ tự nhiên tuôn ra dưới ngòi bút của thi nhân một cách dễ dàng, cũng như lá tự nhiên đâm ra trên cành không chút nào gò bó.
Sau hết nghệ thuật chơi hoa cũng đòi hỏi kiến thức về y học. Ai cũng biết y học cổ truyền phương Đông dựa vào cây cỏ. Hàng năm, cứ đến ngày mùng 5 tháng 5, người Nhật chưng cây xương bồ (shobu) trong nhà. Sau khi để khách ngắm nghía, người ta tuốt lá để nầu nước tắm. Đó là một loại thuốc giúp người Nhật chịu đựng thời tiết giao mùa từ lạnh sang nóng; vì ở Nhật khí hậu không ôn hòa như ở Pháp; mùa hè rất nóng, mùa đông rất lạnh. Những chất độc tích lũy do ăn nhiều thứ nặng nề trong suốt mùa đông sẽ sinh ra nhiều chứng bệnh, nếu không nhờ hoa lá phòng ngừa, điều tiết. Nền y học cây cỏ này tinh tế đến độ phân biệt được tác dụng khác nhau của những là Thược dược, tùy theo lá đó thuộc cây Thược dược hoa trắng hoặc đỏ.
Người Nhật đặt cho hoa nhiều tên gọi rất nên thơ. Một số hoa có đến hàng trăm tên. Những tên gọi này không những diễn tả vẻ đẹp của hoa, mà còn nói lên phẩm hạnh, khí sắc, tính tình, tâm hồn - phản ánh thu nhỏ đại hồn vũ trụ - của mỗi loài hoa.
Chẳng hạn như hoa gladiola (lay ơn, glaieul), có lúc được gọi là datedogu, nghĩa là “làm duyên”; có lúc gọi là oyodo - “nước lặng”, hoặc hoóu - “phượng hoàng con mới nở”, hoặc saru - odori - “con khỉ nhảy múa”.
Hoa cúc còn có tên inkun ussi - “người hiền ở ẩn”, hoặc akinagusa - “loài hoa không biết u buồn của mùa thu”, hoặc enreikyaku - “khách quý”. Nghệ thuật cắm hoa Nhật Bản có mục đích giới thiệu hoa về phương diện tinh thần, nên phải sành tâm lý học. Thí dụ hoa Cát cánh (còn gọi là hoa phong lệnh, hoa có cái hình chuông - LND) có vẻ đẹp bình dân, mùa hè trông rất duyên dáng, nhất là lúc khí trời oi bức khiến người ta dễ bỏ qua nét lười biếng. Nhưng loài hoa này thiếu phong thái trầm tĩnh thường gặp ở các loài hoa quý phải tự biết mình cao sang.
Nếu cần lựa chọn, nên chọn loại Cát cánh persifolia xinh xắn với vẻ khiêm tốn hơn là loại Cát cánh medium dường như chẳng chú ý đến vẻ hớ hênh của mình. Vả lại, loài hoa này còn là một tấm gương kín đáo bên cạnh các loài hoa Bụt màu sắc lòe loẹt, lọ vẻ vênh vang như sau một trận thắng. Hoa Bụt là thứ hoa thời đại thích hợp với những người mới nổi lên giầu có, một loài hoa tiêu biểu cho sự kiêu căng phù phiếm.
HÌNH VẼ
Hoa nắc nẻ (balsamine) thì tầm thường, tiểu tư sản, đỏm dáng, lễ phép, nhưng hạ lưu. Thứ hoa này thiếu cả vẻ trong sạch, hoàn toàn không có ý thức đạo đức. Trái lại, hoa Chua me đất đồng nghĩa với sự đơn giản thanh cao. Từ thủa xa xưa, hoa này thường được trang hoàng trên huy hiệu của nhiều danh gia vọng tộc, và vẽ trên quạt của các vị công nương. Người ta có thể thấy hàng trăm huy hiệu mang hình hoa Chua me đất. Cho đến ngày nay, người ta vẫn còn thấy những hình hoa chua me đất tuyệt đẹp trang hoàng trên lưng, trên vai, hoặc ở vạt trước áo kimono của nhiều người Nhật. Người nước ngoài sẽ phải ngạc nhiên khi biết đấy không phải là những kiểu hình hiện đại, mà trái lại, kiểu mới nhất cũng đã có cách nay hàng bao thế kỷ.
Tính cao quý của hoa luôn luôn là tấm gương cho người Nhật. Vì thế không gì tự nhiên hơn khi họ chọn hình hoa để tổ điểm bình khí. Khác với Âu châu, các huy hiệu Nhật Bản chỉ trang trí hình hoa, hình ngũ cốc, rau quả, mà hiếm khi hình thú. Nếu dùng hình thú, họ cũng chọn những động vật trông giống hình hoa, như bướm chẳng hạn; không bao giờ có những hình ảnh gợi lòng hiếu chiến, hận thù nhìn thấy khó ưa. Tất cả trông như những tập sách hình gây cho trẻ con cảm quan mỹ thuật. Ngoài hình ảnh các tạo vật thiên nhiên, người ta chỉ thấy hình dụng cụ làm vườn vẽ trên huy hiệu.
Khoảng 30 huy hiệu lấy đề tài bông lúa, hơn 100 lấy đề tài cây Tùng, bông Hoàng đậu, bông Cúc hoa của nhà vua và hoàng tộc. Người Nhật thường thích tìm lại trong những đám con cháu của một gia đình vọng tộc tính nết của những loài hoa vẽ trên gia huy. Đấy là một cách thực hành khoa tâm lý về hoa.
Vả lại, khoa tâm lý về hoa đương nhiên phải có.Mỗi loài hoa có một quê hương, một môi trường thích hợp, một gia đình, cùng những ước ao và cảm nhận. Như cây Tây hà liễu (tamaris juniperina) trong khung cảnh ngàn cây bao phủ đã vẽ nên một bức tranh của học phái miền Nam. Trước mắt người ta dường như hiện lên đại lục Trung Hoa, một nước Trung Hoa tiền sử, bao la, đầy triết lý, huyền ảo, im lìm nhưng hùng mạnh.
Cây Tây hà liễu trông rất đẹp trong những ngày mưa, khí trời êm dịu làm lòng người đâm ra dễ dãi. Những bậc thông thái ngày xưa cho rằng Tây hà liễu có khả năng báo hiệu trời mưa. Vì thế, họ gọi nó là loài linh mộc, “phù thủy gọi được mưa”. Khi mây đen xuất hiện, lá cây, li ti như những mũi kim, dựng đứng chĩa thẳng lên trời. Người ta còn gọi Tây hà liễu là cây độc nhất tam xuân vì mỗi năm cây ra hoa ba lần.
Vị nữ hoàng kiều diễm của Trung Hoa ở thế kỷ thứ 8 mà người ta sánh với nữ hoàng Cleopatre Ai cập, rất quý chuộng loài Tây hà liễu. Cây này gợi cho ta cảm giác êm ả của cô đơn, những miền hoang vu bát ngát, những đồng bằng bao la của Trung quốc, nơi chôn vùi những nền văn minh không lưu tâm tích trong sự lạnh lùng của thời gian vô tận.
Hisi (trapa natans) hay cây Ấu nước là loại cây duyên dáng và hữu ích. Tất cả dân Nhật
đều quen thuộc với trái (củ) của loại cây này, có hình thù kỳ dị mà mùi vị giống như hạt dẻ.
Mùa hè người ta đổ xô về thôn quê để xem hoa Ấu, những đóa hoa nhỏ nhắn có bốn cánh trắng phớt hồng, với những cọng cây rỗng ruột đầy hơi, giống như những ống phao len lỏi trong đám rong rêu. Ban ngày hoa gần như khép lại, tối đến nở ra và suốt đêm hoa hướng về mặt trăng như để ngắm nhìn trăng cho thỏa thích. Yêu hoa Ấu nhất là những cặp tình nhân lướt nhẹ trên những con thuyền im lặng. Và từ nghìn xưa hoa Ấu được nhiều thi nhân ca tụng, nhất là nhà thơ Trung Hoa nổi danh Bạch Cư Dị.
Đến mùa thu người ta đi hái những trái Ấu nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Thứ trái này dùng hạ sốt, giải khát và trị chứng giật mình ban đêm của trẻ con rất hiệu nghiệm. Tại Thượng Hải và Bắc Kinh, đám hàng rong thường bán trái Ấu cho người nước ngoài vì họ rất thích ăn. Vỏ Ấu có gai được tán thành một màu tím dùng làm nhang hoặc bỏ vào lư trầm xông rất thơm. Phần nạc được dùng làm món ăn, thường ghế với cơm thành món cơm củ Ấu.
Tiếng Nhật có hàng chục tên để gọi hoa, trái, lá của loại cây kỳ lạ này. Trái gọi là mizukuri (thủy lật) - trái lật nước, shikaku (nhạn lại hồng) - một loại trái ngả mầu đỏ khi các đoàn ngỗng trời lánh về phương Nam. Hoa Ấu thường được gọi là “ thủy kỳ nữ”.
Nếu bạn có dịp đến Kyoto hay một thành phố cổ kính nào của Nhật Bản, bạn hãy mở các cửa sổ ra cho thật sớm. Tiếng chiêng thiêng sẽ thức tỉnh bạn. Tại cố đô của nước mặt trời mọc, chiêng là một thứ đĩa tròn bằng đồng đường kính hơn hai ba thước và dày 10 phân. Mặt chiêng khắc hàng nghìn chữ Tàu của cả một bộ Kinh Phật. Vị tu sĩ phụ trách đánh chiêng sử dụng chiếc đùi khoan thai chậm rãi. Đó là tiếng chiêng đánh thức. Âm thanh ngân nga giống như cái lay trìu mến của một bà mẹ khi đánh thức con, chẳng chút gì giục giã vội vàng. Bạn có đủ thì giờ để từ trạng thái đê mê giao cảm với Phật trong vô thức của giấc mộng (mà mộng như thế là thường là mặc khải) chuyển qua tỉnh thức. Hãy đến bên cửa sổ, lúc đó bạn sẽ nghe những tiếng rao tươi vui của những đoàn thiếu nữ tỏa ra trên các nẻo đường trong sương mai. Đó là những người con gái trong hương thôn ở núi đồi lân cận đội những thúng hoa xuống bán. Các bà nội trợ đã quen chừng ra đón và mua một bó hoa nhỏ để đặt lên bàn thờ Phật và tổ tiên.
Trong không khí ban mai yên tĩnh mà nghe những tiếng rao lảnh lót, tươi vui ấy thực không gì thú vị bằng:
Hana….heei…hana .. hei Hana…iran kai ei!
(Hoa ….đây…..hoa….đây Ra mua hoa đây!)
Tại Kyoto có tất cả 29 chợ hoa, có những chợ chuyên bán hoa để cắm, những chợ khác bán các loại hoa đặc biệt dùng trong dịp ma chay. Khách hàng của những chợ đầu thuộc giới trí thức, trưởng giả, văn nhân. Khách của những chợ sau thuộc đủ giai tầng xã hội. Tất cả mọi người đều tin rằng ngôn ngữ của hoa dành chung cho người chết cũng như người sống, không ai không cần đến hoa.
Nói đến “chợ hoa” ở đây ta không nên nghĩ đến hình ảnh chợ hoa ở Paris hoặc ở một thành phố phương Tây nào khác. Người Nhật ưa chuộng vẻ đẹp của lá, cây, cỏ, cũng như ưa chuộng hoa. Cho nên trong các chợ hoa, không những người ta thấy đủ loại hoa, mà còn có những thứ rêu bám trên đá, những cành tùng rất lớn cưa từ trên núi đem xuống có thể tươi được ba tháng, những thứ có li ti, và những cây cổ thụ thu nhỏ sống hàng thế kỷ trong những cái chậu lớn bằng bàn tay.
Có nhiều hoa biếm lạ từ xa đưa đến, như hoa rẻ quạt (Diên vĩ) núi (iris montaganard) bán với giá rất đắt, nhất là mỗi khi có những đám tang lớn. Mọi người đua nhau tỏ tình thân thiết với người quá cố danh vọng. Phần nhiều hoa và cành cây được gửi đến như một món hàng, nhưng những hoa quý, cành quý đều có nhân viên đi theo chăm sóc như thể đối với người sống. Tầm cỡ hoa, cành lớn mấy cũng không sao, vì nhà của người Nhật là để chứa cây và hoa. Dường như người Nhật vẫn nhớ đời sống tiền sử xa xưa khi tổ tiên họ còn ở quần đảo Mã lai. Bấy giờ, người ta dựng lên túp lều bằng lá trên một cây lớn, chống bằng những cây tre. Người Nhật sống cũng như chết giữa thiên nhiên. Những ngôi nhà ở Nhật hiện thời, vách bằng giấy, kiến trúc nhẹ nhàng, rất sáng sủa, thoáng khí (người phương Tây cho là lạnh lẽo) vẫn cho họ cảm giác như đang sống ngoài trời. Với các khung cửa giấy che khuất những cảnh tượng khó trông ngoài đường, họ tưởng chừng đang sống trên quê cha đất tổ mười nghìn năm về trước.
Nếu người Nhật đến châu Âu, sống trong những căn nhà gạch nặng nề màu xám, có các khung cửa sổ quá hẹp, hoặc sống trong những căn phòng chung cư luôn luôn u tối. Họ sẽ có cảm giác đang sống trong hang đá vào thời còn ăn lông ở lỗ để tránh thú dữ. Những ngôi nhà đồ sộ ở thành phố, mặc dù người ta cố gắng tạo đủ tiện nghi, và những ngôi nhà kiểu cách ở nông thôn một nửa chìm dưới đất chỉ là một hình thức cải tiến của hang động tiền sử. Trong các vách tường của những ngôi nhà này vẫn còn phảng phất nỗi sợ hãi thường ám ảnh con người nguyên thủy. Vả lại, trông chúng chẳng có chút gì gọi là sự sống. Nếu trong đó có hoa, thì tất cả hầu hết như bị cắt trụi chỉ còn lại đầu hoa.
Không thể nào nói hết trong tập sách nhỏ này tất cả các loài hoa Nhật Bản. Ta chỉ nói đến cây Xương bồ (iris kaempferi) một loại cây hoa đặc biệt thuộc khoa Diên vĩ mà ở Nhật ai cũng biết lịch sử, phổ hệ, những huyền thoại, những bài thơ ca tụng nó, cùng những công dụng trong y học và mỹ thuật. Chúng ta đã biết hàng năm vào thời gian mùa thu từ lạnh sang nóng, người ta thường dùng lá cây nấu nước tắm vì nó có tác dụng rất hay. Thử hỏi tục lệ này đã có lâu chưa? Khó mà biết được, vì ngày nay cả sử sách xưa cổ nhất cũng đã nhắc đến. Có thể Xương bồ là một trong những vật tổ của các bộ lạc người Nhật thời thượng cổ. Cũng có thể các hoàng đế dược sư ngày trước vì muốn phổ biến công dụng trị liệu của loại cây này nên đã đặt ra một ngày quốc lễ trọng đại dành cho nó. Thật khó xác định. Ban đầu ngày lễ mừng cây Xương bồ chỉ giới hạn trong cung điện nhà vua, đến đời Heian (thế kỷ thứ tám) tục lệ này mới lan ra dân chúng. Ngày nay đến ngày 5/5, nhà nào cũng chưng một bó Xương bồ. Mùa đông người ta dùng rễ chế ra một thứ rượu gọi là Xương bồ tửu mà từ lâu đã được dùng chữa bá bệnh. Các hiệu thuốc ở những thành phố lớn đều bày bán nhiều loại thuốc Xương bồ. Tối
đến người ta kê đầu lên gối độn lá Xương bồ để ngủ, trên áo gối có in hình hoa Xương bồ.
Tập tục này đã có hàng nghìn năm nay rồi.
Không thành phố nào, dù nhỏ đến đâu, mà không có vườn trồng cây Xương bồ. Tại Tokyo có hai vườn danh tiếng. Một vườn của Horiki và vườn kia ở trong Hoàng thành.
Xương bồ, gọi theo tiếng Nhật là Syobu, ban đầu chỉ là một loài cây dại sống rất lâu, có hoa màu lục nhạt, lá dài và mảnh giống như lá lay-ơn ngày nay. Nhưng loại Xương bồ trong vườn hay Xương bồ cho hoa (hana - syobu, iris kaempferi) chỉ mới có từ vài thế kỷ nay. Người ta gây giống và cải thiện loài cây này là gia đình nghệ nhân Matsudaira. Vì bất cứ ai đến xin hạt giống, những nghệ nhân bậc thầy này đều cho, nên ngày nay xương bồ hoa là loại cây phổ biến nhất.
Một ẩn bản nổi tiếng của Hiroshige có in hình khu vườn Horikiri đang lúc nở hoa. Đấy là nơi hò hẹn của những người thanh lịch ở Tokyo (lúc bấy giờ gọi là Edo). Đẹp nhất là đứng trên đồi Kodaka nhìn xuống khu vườn, hoa lốm đốm tím, trắng phủ đầy những vùng nước rộng.
Người sáng lập khu vườn mất ngày 8/7/1868 sau khi sung sướng được nhìn các cây Xương bồ yêu dấu của mình nở hoa. Trong quyển nhật ký để lại và sau đó được công bố, ông viết; “Năm giống hoa mới mà tôi gây được năm nay còn to hơn và đẹp hơn các giống khác. Vẻ đẹp của chúng rất kỳ lạ, không có gì so sánh được. Thật là một phần thưởng xứng đáng cho 60 năm công khó của tôi!
Nhật Bản được xem là đất lý tưởng của loài Anh đào. Thật vậy, không xứ nào có nhiều Anh đào như ở Nhật, nhất là những loài Anh đào có hoa. Lẽ dĩ nhiên khi người Nhật trông thấy những cây Anh đào xinh đẹp mọc hoang đầy rừng núi, họ nghĩ ngay đến việc đem về trồng trong vườn họ. Những loài Anh đào đã thuần thục thường được trồng ở trung quanh các đền chùa và hai bên vệ đường. Điều kỳ lạ là màu lá Anh đào khác nhau từng cây. Có những cây ban đầu lá ửng nâu, cây khác lá mầu hồng nhạt, có cây lá màu lục tái pha vàng. Hoa thì thường trắng như tuyết, hoặc điểm hồng. Vào thế kỷ thứ 8, Hoàng đế Nhật Bản ra lệnh trồng nhiều loài Anh đào có hoa. Từ thế kỷ thứ 17 Đại Công Tước Hideyoshi cho tổ chức những Hội Xem Hoa tại vùng núi Yoshino, mỗi loài hoa đều có bảng tên kèm theo danh sách những người đến thưởng lãm. Nhiều bậc quý tộc danh vọng, tướng tá, nhiều văn nhân, nghệ sĩ đến tham dự. Đáng chú ý là ở Nhật những danh tướng đều yêu hoa. Đô đốc Togo, người vừa mất, cũng không tránh khỏi thông lệ này.
Ngày nay những thắng cảnh hoa Anh đào được chăm sóc đặc biệt và được luật pháp bảo vệ. Người ta xem đó là tài sản quốc gia.
Loài hoa Anh đào phổ thông nhất là Anh đào núi (yama - sakura). Khắp nơi trên nước Nhật, miền bắc cũng như miền nam đều có. Loài Anh đào này có hoa trắng, cây rất to và thường sống hàng 7, 8 thế kỷ. Lá non đâm chồi vào mùa xuân, hầu như cùng lúc với những nụ hoa tạo ra khung cảnh sắc màu trắng, lục, vàng, nâu chen lẫn nhau hòa hợp một cách tuyệt đẹp. Nhiều ấn bản xưa đã ghi lại cảnh hòa hợp này. Và mỗi lần xuân đến, các tay yêu hoa lại ra công sao chép.
Anh đào núi còn có một loại khác, loài Hồng Sơn Đào (beni - yama - sakura), có đặc điểm là các bẹ hoa và bẹ là dính liền nhau rất kỳ lạ, còn vỏ cây đượm mầu nâu sậm. Ở miền Trung và miền Bắc Nhật Bản có rất nhiều loài Anh đào này.
Kế đến là loại Anh đào do người trồng gọi là Lý đào (sato - sakura). Ban đầu chỉ thấy loài Anh đào này trong các vườn, về sau được phổ biến rất nhanh và nơi nào cũng thấy. Hoa có thứ đơn, thứ kép, nhưng lớn hơn hoa Anh đào núi, màu sắc thì trắng hoặc hồng nhạt, hoặc đỏ thắm, ít khi có màu vàng hoặc lục. Hình dáng cành cây cũng khác nhau. Vài loại có cành gần như đâm thẳng ra, loại khác có cành rủ xuống như cây lệ liễu. Các loại quen thuộc nhất là Nhất Dạng (ichiyo), Hoàn toàn (kwanzan) và Phổ Hiền Tượng (fugenzô). Người ta thích loại
thứ nhất vì mùa xuân càng đi tới thì màu hồng của hoa càng biến ra sắc trắng. Loại thứ nhì có cành rủ xuống. Từ giữa đóa hoa ló ra hai lá xanh nhỏ, trông thật thanh nhã.
Anh đào Nhiễm Cát Dã (Some - yoshino) là loại mới có. Loại này xuất hiện tại Tokyo vào đầu triều đại Minh Trị (Meiji) 1868. Đây là một sản phẩm khoa học của những nhà trồng vườn Nhật Bản. Do đó, cây lớn rất nhanh, nhưng vẫn giữ dáng yêu kiều. Loại Anh đào này có đặc tính là lá chỉ hiện ra khi hoa đã hoàn toàn nở rộ. Vì thế trong thời gian mấy ngày, người ta thấy những cây Anh đào như phủ mây tuyết trắng xóa, không lẫn màu nào.
Những cây Anh đào Tiết Phân Điểm hay Bỉ ngạn (equinotial cherry trees, higan - sakura) có kích thước rất lớn. Đó là những cây Anh đào khổng lồ, sống qua nhiều thế kỷ, một loại Anh đào người ta thấy chung quanh các đền chùa với cành rủ xuống.
Cuối cùng trong các loại Anh đào phổ biến còn có loại Anh đào Phú Sĩ; loại Anh đào Trưởng Chỉ (choshi - sakura) có lá mép răng cưa và đài hoa cái đinh; loại Anh đào mùa đông hoa đỏ và loại Anh đào tứ quý mỗi năm ra hoa nhiều lần.
Ngoài hoa Xương bồ và hoa Anh đào còn nhiều loại hoa có thể được xem là hoa tiêu biểu cho quốc gia Nhật Bản. Thật ra từ nhiều thế kỷ nay, mỗi ngày lễ đều có một loại hoa riêng. Lễ hội dân gian cũng là lễ hội của hoa. Tết nhất là dịp vinh dự cho cây tùng và cây mơ. Tháng ba đến lượt hoa Đào (mận, doi), tượng trưng cho sự trong trắng. Vào dịp này, các cô gái chưng bày búp bê trên một hoặc nhiều cái kệ trang hoàng những nhành hoa Đào. Tháng 7 là tháng của Tre, một loại cây thiết dụng, không những dùng để trang hoàng, mà mụt măng tre còn dùng để nấu món ăn với cơm, và thân tre được dùng làm đồ đạc trong nhà. Tháng 10 là hội của cây Phong đỏ, người ta lũ lượt kéo nhau đến tận những ngọn núi kế cận Tokyo để ngắm nhìn không chán rặng Hồng phong nổi bật trên nền lục sẫm của bách tùng và nền trời luôn luôn xanh ngắt vào mùa này. Chiều về,người ta cắm những cánh Hồng phong vào lọ đặt khắp nơi, rồi đến đêm, người ta đi dự hội trăng vào đúng ngày 16 -10. Tục truyền mặt trăng, được ví với một nàng tiên mặc chiếc áo ánh ngời màu bạc, ưa thích một vài loại hoa. Tất cả có 7 loại, một con số linh thiêng. Phải cắm các loại hoa này vào những lọ đất đặc biệt màu trắng, để trên một cái bàn gỗ trắng bên cạnh những cái bánh ngọt chất thành hình nón và những đĩa rau quả xanh tươi.
Tóm lại, ngoại trừ một vài thứ cây mà tên gọi và hình dáng gợi nỗi u buồn, các loại ngũ cốc dùng để dinh dưỡng không nên phí phạm và vài loại hoa chỉ sống một ngày, tất cả những loài hoa khác đều thấy trưng bày trong nhà người Nhật. Các sách nói về nghệ thuật cắm hoa đều chỉ rõ những loại hoa nào cần nên trưng bày mỗi tháng. Sau đây là danh sách hoa từng tháng:
Tháng Giêng: Tùng, vạn thọ, mai (mơ), liễu, lan, nhật quang, trà hoa Tháng Hai: Mai đỏ, trà hoa, mai vàng
Tháng Ba: Rẻ quạt, đào, thược dược (mẫu đơn)
Tháng Tư: Thược dược, bông bụt, xương bồ, thược dược cỏ, cúc Tháng Năm: Bông bụt, xương bồ, cúc
Tháng Sáu: Cúc, hoa mãn thiên (hanamanten), vạn tuế chi (mankeisi) Tháng Bảy: Cúc mùa hè, cúc đông
Tháng Tám: Mai bát sóc (hassakubai), lan nhật quang, cúc đông.
Tháng Chín: Vạn Niên thanh, lan nhật quang, mai bát sóc.
Tháng Mười: Cúc, lan nhật quang, vạn quế chi, mai tứ quý (toshibai), thược dược, trà hoa.
Tháng Mười Một: Cúc, lan nhật quang, mai, trà hoa, lạp mai (rô bai), vạn quế chi, cúc mùa đông.
CHƯƠNG BA
KỸ THUẬT CẮM HOA
Một bậc thầy hoa cảnh ngày nọ đi xem triển lãm hội họa. Ông dừng nhìn bức tranh vẽ nhánh hoa huệ giữa một khu vườn. Sau khi ngắm nghía hồi lâu, vị hoa sư bèn hỏi tác giả bức tranh:
-Có phải ông vẽ phỏng theo một nhánh hoa mà người ta cắt bán cho ông không?
-Thưa thầy, đúng vậy. Nhưng sao thầy biết?
-Có cái gì thiếu vắng ở nhánh hoa của ông khiến tôi thấy được đây là hoa chết chứ không phải hoa sống. Cái thiếu vắng đó là quầng sáng vô hình của sự sống tuy tôi không cắt nghĩa được nhưng cảm thấy rõ ràng.
-Thưa thầy, quả là cặp mắt của thầy không phải cặp mắt người phàm…
Những họa sĩ Nhật Bản lúc nào cũng lo lắng, có thể nói là bị ám ảnh phải làm sao lột tả được sự sống, nay đành nhường bước trước các bậc thầy của nghệ thuật cắm hoa. Một họa sĩ trứ danh sẽ cho rằng mình bị sỉ nhục khi nghe có tay thợ săn đứng nhìn bức tranh của mình vẽ cảnh một con heo rừng đang nằm ngủ dưới gốc cây mà nói: “Đấy là con heo rừng chết”. Xét về danh dự thì những bậc thầy của nghệ thuật cắm hoa còn khó tính hơn nhiều. Kỹ thuật của họ rất tinh vi, phức tạp, điêu luỵên, và tất cả đều nhằm một điều: Tự Nhiên không bao giờ có tình trạng sắp xếp hoa cân đối, cân đối chỉ có trong đầu óc tưởng tượng non nớt. Tạo hóa không bao giờ bày ra cảnh cân xứng tuyệt đối. Cân xứng là đồng nghĩa với bất động, với chấm dứt. Trái lại, cái gì không cân đối cho ta cảm giác chưa hoàn thành, và chính điều đó mới diễn tả được sự sống. Vì cuộc sống không phải là một tình trạng mất cân bằng thường trực cần được bù đắp bằng cách này hay cách khác đó sao?
Phải cương quyết gạt bỏ mọi nguyên tắc trang trí của phương Tây, nếu muốn hiểu vẻ đẹp của một bó hoa Nhật Bản. Nghệ thuật cắm hoa không phải là nghệ thuật trang trí hoặc thứ yếu, mà phải là nghệ thuật đứng hàng đầu, nghệ thuật cao quý nhất trong các nghệ thuật.
Nghệ thuật cắm hoa không chỉ dành riêng cho phái nữ. Những bậc đại danh quý tộc Nhật Bản thường là những bậc thầy của nghề hoa. Ngay cả các vị đế vương cũng dành thì giờ nhàn rỗi dùng hoa diễn tả vũ trụ quan của mình, chẳng hạn như Hoàng đế Gomiduno, sống cùng thời vua Louis 14 nước Pháp.
Vả lại, kích thước của một vài cụm hoa đủ cho thấy nghề chơi hoa cảnh chẳng phải là một nghệ thuật nho nhỏ dành cho phái yếu.
Thí dụ ngày 8 -3 -1692, người ta cúng Phật hai cái độc bình cao 2m35 có cắm hoa. Cành hoa bên trên, tính từ mực nước trong bình, cao 9m60; như vậy chiều cao tổng cộng của bình hoa gần 12 m. Thêm một cành phụ dài 5m40, một cành đâm ngang qua bên phải dài 4m50. Một cành khác từ dưới đâm lên chồm ra phía trước dài 2m50. Đường kính của cành lớn nhất khoảng 23cm…
Mặc dù các tuyệt tác này đã mất từ lâu, nhưng người ta được biết những chi tiết trên qua các họa bản sao chép từ thời trung cổ.
Những tài liệu xưa nhất về nghệ thuật cắm hoa còn giữ đến ngày nay có từ năm 1117 dưới thời Hoàng đế Toba.
Sách xưa nhất là quyển Tuyên Truyền Thư (sendensho) viết cách đây 6 thế kỷ, có nêu khoảng 50 quy tắc giúp hiểu sơ bộ ngôn ngữ tượng trưng của các loài hoa. Trong sách có chỉ rõ những loài hoa nào thích hợp với các chiến sĩ trước khi ra trận, không nên có cành, lá nào rủ xuống vì gợi sự yếu đuối, mà phải mang hình thức cứng cáp, mạnh mẽ, đầy nhựa sống như loài tùng bá lúc nào cũng xanh. Không nên dùng cây phong hay hoa trà ẻo lả, hoặc các loài hoa chóng tàn.
Sách cũng chỉ dẫn cách cắm một lọ hoa để tặng cụ già, khác với lọ hoa dành tặng thanh niên, một người mới lấy vợ hoặc lấy chồng. Trong đêm tân hôn, người vợ cũng phải biết cắm hoa theo hình thức nào để chờ đón lang quân.
Cuốn “Tuyên truyền thư” còn in cả một tập lịch hoa, chỉ rõ những ngày lễ chính trong năm cùng các loài hoa phù hợp với từng ngày lễ. Sách cũng dạy kỹ thuật cắt cành, cách xem xét từng cọng hoa trước khi cho vào lọ để hoa hút nước dễ dàng, cách lựa chọn phối hợp hoa để khỏi phạm những hình thức cấm kỵ tượng trưng điềm gở.
Trong số sách xưa về kỹ thuật, còn có quyển Thủ bản của Ikenobô (1542) và quyển Hội Thi Trăm Bình Hoa viết bằng chữ Hán của lão hòa thượng Gekken.
Quyển thứ nhất gồm 4 chương nói về những nguyên tắc cắm hoa, các lỗi cần tránh, và những quy luật về thời gian và không gia. Cuối cùng, sách có lời khuyên không nên truyền bá nghệ thuật này ra nước ngoài.
Quyển thứ hai được biên soạn vào dịp có hội thi hoa lớn tổ chức năm 1599 để xây cất chùa Daiunzi tại Kyoto. Đó là một quyển khái luận quan trọng về hoa của chi phái Ikenobo. Lúc ấy có nhiều hoàng thân quốc thích, nhiều viên chức cao cấp, giới hiệp sĩ, tu sĩ, học giả tham dự dưới sự bảo trợ của Nabutada, một trong những vương hầu quyền uy (daimyo) của thế kỷ. Ngày nay vẫn còn số lớn những bộ sưu tập các kiểu hình cắm hoa đẹp nhất được in bằng bản gỗ có màu.
Đến thế kỷ 17 lại xuất hiện một quyển khái luận về hoa rất nổi tiếng của môn phái Nageire hiện thực, chủ trương trở về nghệ thuật cổ sơ, là quyển Nageire Gia Truyền Thư (Naigeire Kadenshu).
Đồng thời môn phái Rikkwa cũng trình bày lý thuyết và kỹ thuật của môn phái mình trong bộ Rikkwa Chỉ Nam (Rikkwa Sinan), một bộ sách lộng lẫy gồm bốn tập, trong đó liệt kê hầu hết các loài hoa.
Thử tưởng tượng chúng ta là đệ tử của một môn phái hoa đạo. Trước mắt là một ôm Xương bồ mới cắt buổi sáng. Những cây này rất thẳng và hơi cứng. Vì vậy, chúng ta phải sắp xếp tất cả thành một cụm thẳng theo tính chất tự nhiên của chúng, nhưng bắt buộc phải diễn tả được sự mềm mại lả lướt, đặc tính của sự sống.
Phải lấy mấy nhánh? Ba, năm, bảy, hoặc nhiều hơn, ngay cả đến 15, nhưng luôn luôn phải là số lẻ. Vì số lẻ là số không cân đối, con số sống động. Bình hoa của chúng ta như vậy sẽ tránh được tính chất cân đối chết cứng.
Phải làm thế nào cho mắt người nhìn thấy ba điểm chín, dù là từng đóa hoa hoặc những chùm hoa, nhưng toàn thể phải quân bình, diễn tả được sự hòa hợp hoàn toàn của Trời, Đất và Người.
Thí dụ chúng ta lấy số ba. Trước hết, chọn lấy một hoa thật đẹp mới nở hoặc chớm nở. Hoa ấy phải có cọng dài nhất để khi cắm hoa sẽ ở vị trí cao nhất trong toàn cụm. Hoa này tượng trưng cho Trời, cứu cánh của cuộc đời, thể hiện và phát triển mọi phẩm hạnh mà tội lỗi thế gian không cho nẩy nở.
Hoa này phải có mặt trước và mặt sau phân biệt rõ ràng. Nếu hoa còn ở sinh trưởng trong chốn ao hồ, thì không phải bất cứ cánh hoa nào cũng hướng về mặt trời để tạ ơn. Hoa cũng có một bộ mặt như người.
Vị trí các đài hoa (lá bẹ) cho biết hướng nhìn của hoa. Đài cao nhất ở phía sau, đài thấp nhất ở phía trước. Đài trước nhỏ hơn dài đài sau và gọi theo chuyên môn là “vành hoa”.
Như vậy, khi hoa nở, hai cánh mở ra hai bên, một cánh khác ngã ra phía trước phơi nhụy cái và những nhụy đực ra ánh sáng. Thế là hoa bắt đầu ý thức về thế giới bên ngoài. Thật là một cảnh tượng thê thảm khi thấy những nhà buôn hoa phương Tây đặt trong lọ những đóa hoa quay lưng hoặc úp mặt vào nhau như người ta thường cột những đoàn cừu và bò vào trong các bãi sát sinh ở Chicago.
Lá cũng có bộ mặt. Mặt phải có hai đường gân, mặt trái chỉ có một. Tự nhiên lá phải nhìn về hoa chính (sin), hoa cao nhất như đã nói trên. Phải chọn những lá đều đặn có đường nét hài hòa và ghép thành từng chùm hai hoặc ba lá tùy theo lá đi kèm với hoa chính (sin), hoa phó (soe) hoặc hoa phụ (tome). Các chùm lá cũng phải tránh cân đối để diễn tả tính vận động, tiêu biểu cho sự sống và sự tăng trưởng. Phải cho người xem cái cảm giác như trông thấy các lá nẩy ra liên tiếp cách khoảng không đều. Móng lá (đầu cong của lá) phải quay vào nhau.
Thí dụ trên bàn trước mặt ta có ba cành hoa và năm chùm lá. Bây giờ chúng ta phải ấn định chiều dài theo quy tắc của môn phái Ikendo. Tốt nhất chúng ta nên chọn một cái lọ chòn vì Xương bồ là loại cây thẳng. Phía trước, ta sẽ cắm ba chùm lá đầu tiên thể hiện sự chuyển tiếp giữa đất (lọ) và mấy cành hoa. Kế đó là hai đóa hoa, trong đó một còn đang búp, vì phải có trước mắt mọi giai đoạn của cuộc đời. Phía sau là đóa hoa cuối cùng chen giữa hai chùm lá. Thêm hai nhánh nhỏ, mà một có hình cái nạng giữ toàn thể đứng vững, chỉ còn sửa qua là xong.
Lá phải ghép dính vào nhau ở bên dưới, dường như chúng mọc ra một lần. Cũng cần biết màu lá và hình lá cũng phải hòa hợp với nhau như trong thiên nhiên. Những tay nhà nghề chỉ khéo chọn một chút là làm các chùm lá ăn khớp với nhau. Những người mới tập sự thường có thói quen thấm nước để dán lá lại với nhau, nhưng khi nước khô thì hỏng hết.
Hoa chính (sin) hơi nghiêng sang bên trái, vì bên trái tượng trưng cho sự khôn ngoan, đức tin và lương tri. Hoa mở về phía trước, nhưng không nhìn thẳng. Vả lại, không có hoa nào nhìn thẳng về phía trước, mà cũng chẳng có hoa nào nhìn qua một bên. Hơn nữa, dù đứng bất cứ nơi nào trong phòng cũng không thể trông thấy bề lưng của hoa. Hai đóa hoa phụ sẽ hướng về hoa chính một cách nhẹ nhàng, cũng như cả cụm hoa. Phải có sự thống nhất. Thống nhất là công việc của giới thượng lưu trong lãnh vực hoa đạo cũng như về phương diện xã hội. Do đó, một khi đóa hoa chính nở, cũng đủ tạo thế thăng bằng cho toàn bộ.
Việc lựa chọn, xếp đặt hoa Xương bồ trên lý thuyết tưởng chừng đơn giản nhưng trên thực tế đã được nhiều thế hệ xem là rất khó.
Trong các môn phái hoa đạo, người ta thường bắt đầu học tập với đề tài cây Mai. Nhưng đồi với người “ngoại đạo”, việc cắm Mai thường có nhiều khó khăn. Nhất là người nước ngoài không hiểu biết những quan hệ gần gũi và tập tính của Mai, nên không có được những tình cảm mà loại cây này gợi cho người Nhật.
Gần thành Kyoto có con sông Nguyệt Vựng (sukigasa) (vầng trăng) nổi tiếng về Mai: các cành hoa rụng xuống trôi theo dòng nước đầy cả mặt sông trong màu xanh nhạt của sương mai, khiến người ta có cảm tưởng nhìn một con đường trải hoa đang di chuyển. Nhiều chim họa mi đến làm tổ trên những cành Mai và người Nhật từ các nơi kéo về thức suốt đêm để thưởng ngoạn cảnh tuyệt vời hoa trôi, chim hót.
Vả lại, họa mi là loài chim ưa Mai nhất. Một kiểu cắm hoa rất cổ điển có đề tài Mai với họa mi (Mai điểu). Đó là cách trình bày khó nhất, cũng như kiểu Mai dưới làn nước (Mai Thủy). Còn cắm Mai theo ba kiểu thực, động và trôi thì nhiều.
Nói chung, các nhánh Mai phải được lựa chọn làm sao khi cắm sẽ kết hợp với nhau một cách tự nhiên và hợp thành một tổng thể hài hòa. Khi nhìn, ánh mắt sẽ bất giác chú ý đến chỗ giao nhau của các cành làm nền cho toàn thể.
Còn một thứ cây thường dùng trưng bày là cây Diệp Lan (Baran) (lan lá) toàn lá màu xanh lục. Lá to và rất cân đối. Thoạt trông thì lá nào cũng như lá nấy, nhưng nhìn kỹ mới thấy nhiều điểm dị biệt: lá thì cuống ngắn, lá cuống dài, lá hẹp, lá rộng, lá cụt, lá rút nhỏ.
Dùng Diệp lan làm hoa cảnh sẽ tạo nên một tổng thể màu xanh lá cây tuyệt đẹp, một bản giao hưởng tuyệt vời của màu xanh lục, với những sắc thái khác nhau phân biệt nhờ độ sáng và phản chiếu.
Một người mới tập sự tưởng dễ sắp đặt lá Diệp lan, không cần nhọc trí lựa cọng, lựa hoa hay lựa nụ. Nhưng càng đi sâu nghiên cứu thì mới thấy khó. Dầu sao Diệp lan rất được các tay chơi hoa ưa thích, người mới nhập môn cũng như những bậc thầy. Bắt đầu vào nghề người ta thường chọn Diệp lan, mà đến giai đoạn chót, khi thành thạo, cũng chọn Diệp lan.
Trước hết, việc chọn lá rất khó, vì có chọn kỹ, người cắm mới tạo ra được những tác dụng như ý. Vả lại, lá Diệp lan không thể cắt bỏ bớt đuôi hoặc đầu, vì người xem sẽ nhận thấy ngay; trong khi những loại cây thường có lá dài ở ruộng đầm có thể cắt bỏ một phần mà không chướng mắt. Còn một khó khăn khác thường làm những người mới nhập môn nản chí là phải làm sao giữ được các lá sát vào nhau mà không cưỡng ép hoặc làm cho gãy nứt. Điều này không phải trở bàn tay là làm được, vì lá Diệp lan mình trơn, dễ trượt. Hơn nữa, Diệp lan là một loại lá không chịu uốn ép như những loại cây lá khác.
Thường người ta dùng 3, 5, 7, 9, 11, 13 hay 15 lá. Quy luật số lẻ bao giờ cũng được tôn trọng. Theo môn phái Ikenobo, phổ biến nhất có ba kiểu bài trí mà chúng ta đã nói ở trước: kiểu thực, kiểu động, và kiểu tạp hoặc trôi. Mấy kiểu này tượng trưng ba giai đoạn của cuộc đời. Nhưng chỉ sau một thời gian thực hành lâu ngày, người ta mới khám phá được bí quyết của nghệ thuật cắm hoa và một trong những ngành của nghệ thuật này cần phải nghiên cứu; đó là bài trí những loại lá đơn (hamono). Rất dễ thẩm định tài nghệ của một tay sành nghề khi người đó sắp đặt những lá Diệp lan.
Những hình ảnh ở trang sau tượng trưng cách cắm hoa chín lá theo ba kiểu: thực, động và trôi. Mới nhìn qua toàn thể cũng có thể nhận ra sự khác nhau giữa các kiểu. Kiểu thứ nhất ngay thẳng, thơ ngây. Kiểu thứ hai nở ra một cách dịu dàng hòa hợp. Kiểu thứ ba như trôi vào giai đoạn chót.
Cần ngắm thật lâu và nhiều lần mới lãnh hội được ý nghĩa và vẻ đẹp của hoa, của lá. Trong những cuộc triển lãm hoa, người ta im lặng và trân trọng ngắm nhìn như đang ở trong khung cảnh đền thờ. Mọi thứ đều trầm tư và sám hối trong tâm. Để gợi niềm thích thú, và để nghệ thuật phát huy vai trò giáo dục, cần phải thực hiện mỗi kiểu cắm hoa nhiều lần.
Hoa Cúc là chúa của các loài hoa Nhật Bản, là hoa của Thiên Hoàng (hoàng đế nước Nhật), bởi vì hoa cao quý. Người ta gặp hoa Cúc trong những bức tranh kiệt tác, trên những đồ sơn mài làm bằng gỗ quý, trên những vật chạm trổ, trên vải trên áo quần và những hàng thêu lịch sự nhất. Chỉ những ai biết ca ngợi vẻ đẹp của hoa Cúc mới thật sự là thi nhân.
Đã nhiều tay sành điệu có tham vọng bày ra những kiểu cắm hoa Cúc mẫu mực nhưng ít người thành công. Dầu sao, xưa hay nay, tên tuổi họ vẫn được người đời nhớ mãi. Vả lại, những cuộc thi hoa Cúc thường lấn át các cuộc thi hoa khác về lượng cũng như về phẩm.
Tôi không dám có tham vọng dạy cách cắm hoa Cúc, mà chỉ biết trình bày các nguyên tắc mà thôi. Cũng như người quản lý một trường tập ngựa gặp con ngựa nòi. Người ấy có thể biết tất cả những gì phải làm, nhưng vì là chủ nhân của trường, nên không bắt buộc người ấy phải là người cưỡi ngựa giỏi.
Và hoa Cúc chính là con ngựa nòi trong lãnh vực hoa. Vì vậy, mặc dù Cúc là loài hoa vô địch, và vì loài hoa vô địch, Cúc sẽ gây lúng túng cho những ai không phải hành nghề.
Nghệ thuật cắm hoa, có mục đích làm nổi bật đức tính và vẻ đẹp của các loài hoa, phải tỏ ra bất lực trước hoa Cúc, vì hoa Cúc vừa mới chào đời đã có đủ những gì tốt lành cao quý. Chỉ sợ nghệ thuật sẽ làm giảm giá trị của hoa. Lá Cúc rất mong manh; Cúc không bao giờ cho phép người ta mó tay vào, vì sẽ lưu dấu vết; cành Cúc rất mảnh khảnh, động đến là gãy, muốn uốn cong cũng khó; và sau cùng, Cúc là một loài cây khó hút nước.
Cúc có nhiều loại, có loại mọc hoang, sinh ở miền núi hay tại ruộng đồng, còn loại khác đều do người trồng. Trong đám Cúc vườn, có loại hoa lớn riêng lẻ, có loại nhiều hoa nhưng hoa nhỏ.
Loại Cúc dễ bày nhất là Hạ Cúc - Cúc mùa hè, còn gọi là Cúc Azuma. Hãy thử trình bày loại Cúc này, vì chúng ta mới nhập môn Kiểu tổng hợp Thập cúc (mười hoa cúc) là kiểu cắm quen thuộc nhất.
Hoa thứ nhất phải là hoa đẹp nhất. Hoa thứ nhì là một hoa còn nụ. Hoa thứ chín là hoa hàm tiếu. Hoa thứ năm, sáu, bảy, tám cũng là những nụ búp. Một cây Cúc trong vườn khi đơm hoa cũng theo thứ tự này. Phần ba thân cây phía trước dưới không bao giờ có hoa. Hoa thứ bẩy và thứ tám phải là những nụ búp chắc nhất, nghĩa là non nhất.
Ta đã biết hoa Cúc hút nước rất khó khăn. Muốn Cúc hút nước, ta có thể dùng nhiều phương pháp, hoặc là đem thui dưới thân thể nó khỏi úng, rồi cắm thân cây vào một cái thùng đầy nước trong nhiều giờ, đó là phương pháp cũ, hoặc là bóp nát phía dưới thân Cúc rồi nhúng vào nước đang sôi.
Phương pháp mới là nhúng thân cây vào một dung dịch rượu cồn pha tinh dầu bạc hà.
CHƯƠNG BỐN
CÂY CẢNH THU NHỎ (BONSAI)
Đối với người châu Âu, nghệ thuật cây cảnh hay nghệ thuật trồng cây thu nhỏ là một điều kỳ lạ nữa góp thêm vào những điều kỳ lạ khác ở Phương Đông. Đồi với người Nhật, nghệ thuật trồng cây cảnh là một khoa thẩm mỹ và cũng là một môn triết học. Trong khi hoa đạo giáo dục về đạo đức, thì nghệ thuật cây cảnh bổ túc cho nền giáo dục đó.
Người ta dễ nhận thấy tính tình một con người qua các cây cảnh người ấy trồng, cũng như đoán biết tính tình một nhà hội họa qua các bức tranh của tác giả. Đổi lại, những cây cổ thụ tí hon trồng trong các chậu thu gọn trong khuôn khổ bé nhỏ mọi bộ môn nghệ thuật và mọi ngành khoa học, trong đó hiển nhiên có thuật làm vườn, vì người chơi cây cảnh phải là tay làm vườn lành nghề và có cả kỹ thuật kiến trúc, vì một cây dù nhỏ bé đến đâu cũng là một đài kỷ niệm thiên nhiên có kích thước vô cùng tinh tế, biến đổi tùy theo môi trường, tùy theo các loại cỏ rêu mọc dưới gốc, tùy theo mực nước ngập tràn bộ rễ, và tùy bòng hòn non bộ được xây dựng bên cạnh. Cũng có cả khoa sinh lý học và thuật trường sinh, vì cây cảnh càng lâu đời càng đẹp. Người phương Đông có truyền thuyết ca ngợi và tôn trọng tuổi già. Có nhiều cây cảnh tí hon sống hàng thế kỷ. Cứ mỗi lần đông đến, vũ trụ lắng vào giấc ngủ, thì người ta đem trồng xuống đất để chúng lấy sức. Rồi xuân về, người ta lại đưa chúng vào chậu dành riêng. Để có chậu vừa ý, đôi khi người chơi phải tốn nhiều năm lục tìm khắp các cửa hàng đặc biệt và các tiệm bán đồ xưa.
Cây cảnh là một công trình nghệ thuật dài lâu, không chút gì giống củ uất kim hương hoặc của lan dạ hương người ta thường đặt trên bờ của sổ để thỉnh thoảng ngắm nhìn. Cây cảnh được lưu truyền từ đời cha đến đời con. Người ta thường thấy có người mất hết gia tài sự nghiệp mà vẫn không chịu bán mấy cây cảnh tí hon của cha để lại, mà chính người cha cũng đã thừa hưởng của tiền nhân.
Trong các gia đình danh vọng, người có nhiệm vụ chăm non các chậu cảnh mới thật là chủ nhân ông. Người ấy là y sĩ của cây, đồng thời là một nhà luyện kim, ngày nào cũng nghiêng mình trên mấy mẫu đất dựng trong các lồng kính. Một người lương thiện không thể tránh khỏi lời đàm tiếu của dư luận chung quanh khi bán một chậu cảnh mà không có ý kiến của người giữ cây. Người giữ cây có một quyền lực tinh thần vô cùng thiêng liêng đối với các tác phẩm mà ông ta ra công vun vén. Phải được người giữ cây cho phép mới được định đoạt số phận của các chậu cây cảnh. Phân tán các cây cảnh chẳng khác nào bắt mất con cái của người giữ cây.
Trồng cây cảnh thu nhỏ là một nghệ thuật ít tốn kém mà một người kéo xe cũng như một người giàu có hoặc dòng dõi quý tộc đều có thể thực hiện. Trong bất cứ phòng khách nào của người Nhật cũng có chỗ dành cho chậu cảnh. Chậu cây, đặt trên một chiếc bàn con, phải vừa tầm nhìn của khách ngồi trong phòng để khách thấy được toàn thể mà khỏi nhướn người lên hoặc ngước mắt. Như thế khách mới đủ bình tĩnh nhận xét tâm tính và thị hiếu của chủ nhà biểu hiện trong chậu cây yêu quý. Trong phòng hầu như thiếu vắng đồ đạc, sắc màu đơn điệu, không có những chỗ nhô ra trên vách, không có cửa kính trong veo, chính những đặc điểm này làm khách phải đưa mắt nhìn về giữa phòng nơi đặt chậu cây tí hon.
Thưởng thức một vật bé nhỏ như thế thì thật ân cần chăm chút biết bao, và những cây cảnh xuất khẩu qua tận châu Âu chắc hẳn thấy cô đơn lắm!
Nghề trồng cây cảnh có lẽ bắt nguồn từ Trung Hoa và đã xuất hiện từ đời Đường, Tống, nhưng chỉ tồn tại ở Nhật. Từ lâu Nhật Bản đã quen nhập khẩu văn minh, tôn giáo ngoại lai và thường hay phát triển nó lên.
Nhưng cuối cùng, cái gì qua Nhật cũng biến thành tinh tế. Có lẽ những chậu cảnh Trung Hoa giống như những chậu Diệp lan, thường được bày tại nhiều khách sạn ở Paris, trông hơi hỗn độn và không ý nghĩa bao nhiêu, mặc dù rất đẹp. Trái lại, ngày nay những chậu cảnh
Nhật Bản đều theo những quy luật rõ ràng chính xác như trong thi ca, và những quy luật ấy rất nhiều. Mục đích cao cả của một chậu cảnh là tượng trưng cho vũ trụ trong sự khắc khổ và khôn ngoan muôn đời.
Kích thước của chậu trồng cây có thể lớn đến 6 syaku (khoảng 1m26), nhưng luôn luôn là hình chữ nhật và nông. Thường thì người ta dùng chậu có kích thước nhỏ hơn, khoảng 40cmx30cm. Chậu nông có rất nhiều ích lợi. Trước hết là do yêu cầu về thực vật học: nếu chậu quá sâu, rễ được nuôi dưỡng dài thì cây sẽ lớn mất đi sự hài hòa, hoa và lá cũng biến dạng. Kế đến, chậu tượng trưng cho đất, nguồn sinh dưỡng tất cả, phải gây nên ấn tượng về không gian. Sau cùng cây cảnh tí hon phải được xem như một tác phẩm mỹ thuật đặt trên một cái đài; vì vậy dùng chậu nông, dẹt là thích hợp hơn hết.
Cây cảnh thu nhỏ tiêu biểu cho một cây già lâu năm, đứng trơ trọi một mình trong vũ trụ bao la, có dáng dấp và phong thái rất đẹp. Tạo được hình ảnh như thế cho một cây bé nhỏ chỉ cao 30cm thường do trồng bằng hạt quả là việc không phải dễ dàng. Nhưng đó lại là một điều cần thiết. Bất cứ vật gì muốn được xem là toàn thiện, thì không những phải đủ các đặc tính vật chất, mà còn mang một tính chất không thể cân lường, không thể nhìn thấy (luôn luôn hướng về cõi vô hình) thường được gọi là “Sabi”.
Chữ “Sabi” không thể dịch ra tiếng Pháp. Chữ Pháp gần nghĩa nhất có lẽ là “patine” (lớp mốc, rêu phong bám vào những đồ cổ bằng đồng, vào mặt đá, mặt bia). Nhưng Sabi có tính chất tinh tế hơn nhiều. Những bậc thầy nổi tiếng về nghệ thuật trồng cây cảnh có rất nhiều bí quyết tạo cho cây lớp rêu phong ấy. Vì vậy, nghề trồng cây cảnh tí hon thường là gia truyền.
Vài loại vỏ cây xù xì nhưng mềm tự nhiên có được rêu phong, còn phần đông không có.
Một cây hoàn hảo về mọi mặt những thiếu điểm này cũng xem như chưa đạt.
Có nhiều đặc tính góp phần tạo ra cảm giác già nua cực độ. Cứ nhìn vào hình dáng, con mắt người thường cũng có thể từ xa ước đoán tuổi tác của một cây trong cánh đồng.
Từ lúc mới mọc cho đến khi chết, không một bộ phận nào của cây giữ nguyên tỉ lệ kích thước, vóc dáng và màu sắc của lá, cành, rễ đều vô tình đổi thay theo năm tháng. Tất cả các đặc tính ấy làm sao tái tạo chi li trong một mô hình thu nhỏ?
Lẽ dĩ nhiên là có những quy ước gọi là những ngoại luật (licences) về thẩm mỹ tương tự những ngoại luật thi ca. Đừng quên rằng chơi cảnh tí hon là một nghệ thuật. Và là nghệ thuật cao quý nhất theo tinh thần Nhật Bản.Chẳng hạn người ta có thể châm chước một cây cảnh có lá không tương xứng với thân và cành, vì tương đối lớn, mặc dù đã tìm mọi cách làm chúng nhỏ đi và tạo được lớp rêu phong cần thiết. Người ta cũng chấp nhận một thân cây to đến độ nào đó quá khổ so với chiều cao. Từ tấm bé người Nhất đã quen với những nguyên tắc thẩm mỹ đại loại như thế nên không thấy khó chịu, gai mắt, cũng như người Pháp không hề khó chịu khi nghe một vở kịch thơ.
Đầu cây càng già thì càng tròn, giống như cái tán. Trái lại, cây còn non thì đầu nhọn, cho thấy tham vọng chưa được thỏa mãn, trông thật trơ tráo. Cây cũng như người lúc nào cũng phải biết yên phận. Không gì khó coi hơn một cây mà không biết nhẫn, cứ chĩa đầu, hất mặt lên trời. Đó là thiếu sự quân bình, thiếu khôn ngoan, là cải lại sự minh triết của tạo hóa luôn luôn biết rõ những gì cần thiết cho từng người, từng vật.
Muốn tạo cho phần trên cùng của cây cảnh bé nhỏ dáng cong tròn xinh xắn, cần phải tác động bằng nhiều yếu tố. Hiệu quả nhất vẫn là độ cạn của chậu. Các cành cây đều lệ thuộc ít nhiều vào rễ, vì rễ nuôi cành. Rễ mà đâm thẳng xuống thì đầu cây phải nhọn. Rễ đâm ngang thì đầu bằng. Vả lại, khi mùa đông đến, người ta bưng cây ra đặt xuống đất trong vườn theo phương pháp hồi xuân thì những cành bên trên cứ cuốn chĩa lên trời vì rễ đâm xuống.
Do đó, một cây cổ thụ hoàn toàn lý tưởng, nghĩa là thể hiện được sự quân bình thiêng liêng trong vũ trụ, phải có đầu trên hơi cong tròn. Nếu không cây mất hết nghĩa lý, và không một đức tính nào khác có thể bù vào khuyết điểm căn bản đó. Tuy nhiên, người ta cũng thấy
vài cây cổ thụ có những cành bên trên ngả mạnh về sau như bị cuồng phong xô dạt. Đó là những cây thể hiện sự khổ não của những người không muốn yên phận. Khi đã đến đỉnh chót cuộc đời, nếu họ không muốn tự hạ mình xuống, thì mặc kệ họ! Quy luật vũ trụ sẽ bẻ gãy họ. Và đó là lẽ tuyệt đối vô thượng của nhà Phật.
Một cây cảnh toàn hảo không mang dấu vết nhân tạo mà kể cả những vết uốn nắn mà nó đã trải qua. Cũng như một người đàn bà từ nhỏ đã được giáo dục trong kỷ luật sắt, luôn luôn phải giữ nụ cười cùng nét kiều diễm và không bao giờ để lộ những nỗi đau khổ, hoặc như một hiệp sĩ từ chiến trường về phải quên tất cả những vết thương trên mình, không được kể lể với bất cứ ai chàng gặp trên đường. Cây cảnh bé nhỏ cũng vậy, không nên thổ lộ điều gì.
Vỏ cây có thể sần sùi, lồi lõm không đều, mặc dù phủ lớp rêu phong, nhưng không mang dầu vết chắp nối, chiết cắt. Những cành vô dụng đều được cắt bỏ từ khi mới nhú, như người ta chữa trị tật xấu của trẻ con ngay khi chúng còn thơ ấu. Tại sao? - Tại vì mọi bộ phận của cây đều góp thành tổng thể hài hòa, cành không nên già hơn rễ, mà rễ cũng không được non hơn cành.
Nếu có sự khác biệt về độ tuổi thì cây càng già, sự khác biệt càng giảm. 50 năm có nghĩa gì đâu đối với một cây cảnh sống hai, ba thế kỷ! Chỉ duy nhất sự kiện sống lâu cực độ cũng đủ xóa mờ mọi khuyết điểm. Một thực thể mà Trời Phật cho phép vượt qua giới hạn thông thường của thời gian là một thực thể Trời Phật thương và đáng được thương. Nhưng trừ trường hợp đặc ân cực hiếm này, muốn có một cây cảnh cổ thụ tí hon thì phải trồng bằng hạt.
Khi chiết cành để trồng, có nhiều phương thức để xóa đi những cách biệt về tuổi tác có thể thấy giữa thân, cành và rễ. Phương thức thông thường nhất là đem phơi nắng. Tất cả sẽ nhanh chóng bắt lấy một màu đồng bộ che mờ những cách biệt. Trong toàn cây cảnh, không nên xem nhẹ bộ phận nào. Ở phương Tây, không ai lưu tâm đến rễ, những chính rễ góp phần rất lớn vào việc tạo ra cảm giác về sức mạnh và sức sống. Một cây cổ thụ già nua, mặc dù nhỏ bé, là biểu hiện của lòng dũng cảm và chiến thắng. Nó đã chiến thắng trong cuộc đấu tranh sinh tồn nhờ gắn bó không nguôi với vùng đất mẹ. Rễ của nó ví như những cánh tay níu mẹ mãi đến lúc chết. Một cây không trông thấy rễ trồi lên mặt đất thì chẳng khác chi cây giả, và người ta sẽ hỏi tại sao nó còn đứng được. Biết đến bao giờ những người làm vườn ở châu Âu mới đủ lòng chiếu cố gốc rễ của cây?
Để giữ cây thăng bằng, rễ phải tỏa ra nhiều hướng, ít nhất cũng ba hướng, nhưng ra nhiều hướng quá cũng không tốt.
Chơi cây cảnh là một cách để thể hiện cá tính cũng như mọi công trình nghệ thuật, nhưng những phương tiện sử dụng phải hết sức đơn giản. Toàn thiện và đơn giản là một. Một cây to, nhiểu tuổi thường có nhiều cành. Nhưng riêng cây cảnh thu nhỏ có những quy ước bắt buộc phải tạo ra cảm giác già nua cực độ với càng ít cành càng hay.
Lẽ dĩ nhiên cành trên cây thu nhỏ không phải đâm sao cũng được. Những cành đâm đối xứng gọi là “cành xương cá”, hình thức này thường bị khinh chê. Nghệ thuật Nhật Bản không ưa cân đối. Chỉ những vật thấp hèn mới cần cân đối để được vững vàng, thoải mái. Người ta cũng không ưa những cành đưa thẳng ra trước chĩa vào người xem. Kiểu cành này được ví như những mũi dao hăm dọa đầy vẻ kiều căng. Sau cùng phải nói đến thân cây, không nên để thân cây bị lá cành che lấp, nhưng cũng không quá trơ chụi.
Người xa lạ với nghệ thuật, khi xem cây cảnh thu nhỏ chỉ nhìn phần bên ngoài. Họ không tìm ra những gì bị che phân nửa lớp lá đầu. Nhưng chính những phần ở giữa và phía sau mới đáng thưởng thức. Một người sành điệu bao giờ cũng đứng nhìn phía sau để phê phán một cây trồng cảnh. Người ấy không khi nào nhìn nhầm góc cạnh dành cho khách thưởng lãm, và không khi nào đặt một chậu cây cảnh phía trước ra sau như mấy cô giúp việc.
Cũng chính vì thế mà cách đây 50 năm khi người Nhật chưa biết nhiều về đồ đạc làm bằng gỗ của phương Tây. Và chưa có quan niệm gì về cách chế tạo các đồ đạc đó, những
người mua đầu tiên đòi xem cho được bên trong và mặt quay vào vách; họ sửng sốt vì thấy ván những nơi này không được bào trơn và đánh bóng như các mặt ngoài. Dù sao, điều này cũng gây cho họ cảm tưởng không tốt về nền văn minh hiện đại.
Vậy chúng ta cũng nên cẩn thận, chớ phê bình một cây cảnh tí hon theo cách nhìn của người phương Tây.
Theo nguyên tắc, các nhánh cây cảnh không được dài hơn thân cây. Phải làm sao các cành có nét lượn lờ duyên dáng hơn những đường uốn éo của thân, nhưng đừng để các cành lớn mau, vì như thế sẽ bị mất đi lớp rêu phong quý. Thứ rêu phong ấy mắt người chưa thành thạo không trông thấy được, lại là một cái gì thật quý, không nên để mất. Có thể nói đó là một giá trị tinh thần. Những loại cây có lá nhỏ hình kim ít phát triển ở đầu cành, nhưng những loại cây lá rộng thì ngược lại, đầu cành phát triển mạnh, điều này làm giảm bớt giá trị và phá hủy vẻ duyên dáng của lớp rêu phong. Chỉ cây Phong và cây Du lá khía (zelkwa crenele) được miễn theo quy luật này, vì thế, từ bao thế kỷ người ta vẫn thích dùng mấy loại cây này để trồng cảnh.
Đến đây chúng ta cũng chưa nói gì về lá. Mà thật vậy, các sách xưa không xem lá là bộ phận cần thiết của cây cảnh mà chỉ cho biết lá cần được thu lại, càng nhỏ càng hay. Tuy nhiên lá là y phục của cây. Có những cây cảnh đẹp nhờ trụi lá, như cây Du chẳng hạn, nhưng đó là ngoại lệ. Người ta gọi chúng là “cây lạnh lẽo” thường xuất hiện trên bàn phòng khách vào mùa đông. Bấy giờ người ta sẽ thưởng thức được cảnh các cành ra nhánh liên tục, trên thân chúng lấm tấm những đốm sáng li ti. Đấy là những mầm nảy ra lá mới. Những loài cây khác như cây Phong được trưng vào đầu mùa xuân khi chồi non vừa nhú.
Nội hình dáng lá cũng gây nhiều tranh luận miên man. Có người cho rằng lá hình tua như lá cây Cẩm tùng (nishiki) lá lý tưởng nhất. Người khác thì thích là hình trái tim như lá cây hoa Trà, hoặc hình thuyền như lá cây Đào. Tất cả đều cho rằng cây có giá trị chỉ nhờ lá, và dường như không mấy lưu ý đến hoa. Điều này hoàn toàn khác với thị hiếu của người phương Tây. Tây phương chỉ thích về hào nhoáng, lộng lẫy và màu sắc lòe loẹt. Trái lại, Đông phương thích những gì khiêm tốn, kín đáo, một màu. Cũng như hội họa đơn sắc cổ truyền Nhật Bản ở châu Âu rất ít người thưởng thức, vẻ đẹp của những chiếc lá nhỏ ít hy vọng được người Âu châu để ý.
Điều làm cho người Nhật say mê nhất là màu sắc biến đổi không đều tùy theo thời tiết của lá. Những đốm tròn li ti trên thân lá; màu xanh tươi mát khi thì đậm như màu tùng Ezo, khi thì lợt như trên cây Đào; màu vàng rực rỡ như ngọn lửa bùng của những chiếc lá mới nổi bật trên nền sậm của những cành lá già; cả một vẻ đẹp sống động mà Tây phương thường không nhận thấy.
Hoa ở cành chỉ là phụ thuộc. Thật vậy, mùa hoa quá ngắn ngủi mà mục đích của cây cảnh thì tiêu biểu cho sự vĩnh cửu, trường tồn; mùa hoa là một giai đoạn khoe khoang ngạo nghễ mà mục đích của cây thì tiêu biểu cho sự khiêm nhường.
Ở Nhật cũng có những cây trồng chậu (hachiue) ra hoa rất đẹp, nhưng điều đó không quan hệ gì với cây cảnh thu nhỏ. Cây cảnh thu nhỏ bất cứ mùa gì cũng đẹp, dù đang ra hoa hoặc đã trụi hoa cũng được người ta ưa thích. Thiên nhiên luôn luôn phô bày vẻ đẹp toàn thiện.
Người nước ngoài khi đến thăm nước Nhật thường ngạc nhiên vì không thấy hoa đẹp khắp nơi như họ tưởng tượng. Họ thường cho rằng Nhật Bản là xứ lý tưởng của các loài hoa. Thế mà ngay cả trong vườn của các gia đình vọng tộc, họ chẳng thấy mấy hoa mà chỉ thấy nhiều lá, cỏ rong rêu là những thứ ban đầu họ không để ý.
Một trong những lý do đặc biệt khiến người ta ít quan tâm đến hoa trong những chậu cảnh tí hon là không thể thu nhỏ kích thước của hoa cho hòa hợp với các phần khác của cây, mà hoa còn khó thu nhỏ hơn lá. Cây cảnh có đủ cỡ vì kích thước chậu có cái rộng đến 2m x
2m, nhưng phần lớn không quá cao 30cm. Những năm gần đây, người ta còn thấy một kiểu chơi cây cảnh bỏ túi với những cây tí hon trồng trong chậu có cạnh chỉ từ 3 đến 4cm.
Như vậy cây hoa Trà trồng cảnh không hợp vì quá lớn. Anh đào và Hải đường (Kaido) cũng bị loại vì lý do tương tự; cọng hoa quá dài không thu ngắn được. Tuy nhiên, một loại Anh đào núi mới được khám phá - Anh đào Phú Sĩ - lại có thể trồng làm cây cảnh.
Vài loại cây khác như Bách nhật hồng (Tử vi) (Sarusuberi) cũng bị chê, vì đến mùa hoa, cành vươn ra quá dài, phá thế thăng bằng của cây và lớp rêu phong bớt phần duyên dáng.
Nhìn chung, số cánh hoa, nhiều hoặc ít, cũng góp phần tạo dáng cho hoa. Cánh hoa càng nhiều thì càng dài và càng làm dáng hoa tăng phần tao nhã. Không hiểu tại sao người ta thường thích những cánh hoa lẻ và ít quý hoa chùm bằng hoa đơn chiếc. Có lẽ chính đặc tính lẻ loi, cô độc này đi đôi với tính khiêm tốn và thận trọng, tạo ra vẻ đẹp cho cây Mai Nhật Bản.
Sau cùng để loại bỏ hoàn toàn ảo tưởng về vấn đề này, cũng cần biết thêm hoa Nhật hầu như không có hương thơm. Loài hoa tím thành Parme (Cố đô nước Ý) đem về trông tại Tokyo gần như không còn thơm nữa. Vì đâu có sự kiện này?
Xin nhường các nhà sinh vật học hiện đại trả lời. Tuy nhiên không nên cho rằng mũi người Nhật ít thính hơn người phương Tây. Trái lại, hơn nghìn năm nay người Nhật đã có Hương Đạo (Kodo) - nghệ thuật thẩm mỹ bằng khứu giác và là một khoa học rất thú vị về giai điệu của mùi hương.
Nhiều loại cổ thụ được người thưởng thức vào mùa đơm trái. Những cây này được gọi là mimono, nghĩa là cây cảnh có trái. Trong số này có thể kế đến cây Hồng, Đỗ Trọng Trung Hoa.
Các loại lựu, lê cũng là cây cảnh có trái, nhưng vào mùa hoa, cũng cho hoa. Hai cây này vừa là mimono, vừa là hanamon nghĩa là loại cây cảnh cho trái lẫn cho hoa.
Thật ra, sự phân loại này có tính chất bình dân. Hoa cũng như trái không phải là lý do tồn tại của nghệ thuật cây cảnh thu nhỏ.
Sắc màu phong phú nhất dành cho trái cây mùa thu. Trong văn học Trung Hoa có rất nhiều chuyện cổ tích nói về trái cây, nhất là trái đào. Nhưng người Nhật, hơn bất cứ dân tộc nào, để ý nhiều đến vẻ đẹp của trái cây.
Thật vậy, ngay cả văn học phương Tây thường nói đến màu lá mùa thu, với vẻ hài hòa tuyệt diệu không ai không thấy, nhưng với trái cây thì không như thế. Phải chăng trái cây chỉ có giá trị như một thức ăn?
Một bài thơ dân gian ngắn cho thấy sự ưa thích đặc biệt của người Nhật đối với trái cây.
Một ngày mùa thu trôi qua Trên cành cây Hồng
Những con quạ đậu… Mùa đông đã đến
Vỏ những quả lật
Xòe ra như bàn tay mở rộng. Những hạt ngọc sương long lanh Cũng có quyền sắp vào hàng Những quả nho sáng nay.
Cây cổ thụ trồng chậu, tiếng Nhật là bonsai. Bonsai gồm hai từ; bon (bồn) nghĩa là chậu, và sai (tài) nghĩa là trồng.
Phân tích từ ngữ như vậy để thấy rằng trong nghệ thuật cây cảnh, cái chậu không phải là một yếu tố kém phần quan trọng.
Đáng ngạc nhiên là ở châu Âu, người ta giao phó việc làm khung hình cho các lái buôn chỉ biết có tiền. Ở Nhật, làm khung là cả một nghệ thuật, nằm trong chương trình giáo dục thẩm mỹ. Không người nào thích chơi tranh mà không lo phần trang sức cho tranh. Thật đáng buồn khi ở châu Âu có những cây lùn rất đẹp bị đặt trong mấy cái chậu kệch cỡm, nhiều khi chậu còn được bọc thêm vải lụa diêm dúa đỏ, trắng, hoặc vàng.
Một cây cảnh thu nhỏ bonsai mà cách biệt với chậu thì không còn là bonsai nữa. Một cây phong đỏ tía mà không ở trong cái chậu màu lục nhạt thì còn nghĩa lý gì! Chậu là nhà của cây. Suốt đời, cây cảnh thu nhỏ thường ở luôn trong chậu không hề thay đổi.
Dĩ nhiên đây không phải là những quy luật nhất định, mà tự mỗi người phải suy nghĩ
tìm tòi.
Biết bao người chơi cây cảnh phải lặn lội tự nơi này đến nơi khác để tìm cho ra một cái chậu có hình, sắc và chất liệu ưng ý. Nhiều lúc phải mất nhiều ngày, tay sành điệu mới về đến nhà một biểu chiều, ôm cái chậu trong tay. Người ấy xông đến cây, hối hả chuyển cây qua chậu mới, rồi mang vào phòng đặt lên bàn để ngắm nghía, không hay biết là mình đã vung đất tứ tung. Nếu hoàn toàn hợp thì sung sướng biết bao!
Một kỳ công to lớn! Người ấy sẽ mang chậu cây vào buồng ngủ, đặt bên cạnh gối để ngủ…Nhưng có khi ngày hôm sau lại phải ra đi tìm nữa, vì thấy chậu cảnh chưa toàn nhất theo ý của mình
Phần lớn chậu Nhật, không sánh kịp các chậu Trung Hoa. Chậu Trung Hoa quý giá ở chất sứ, chất sành. Thực vậy, nói đến chậu trồng cảnh là nói đến chậu Trung Hoa. Chậu Trung Hoa phần lớn có màu sẫm và kín đáo. Nếu tình cờ ta gặp một Trung Hoa màu trắng, chậu ấy phải xưa nhiều thế kỷ, thường phủ lớp “rêu phong” quý hiếm.
Chậu tượng trưng cho đất, mà đất không gợi sắc hung hăng. Màu xám tro là màu tự nhiên của đất. Chậu cũng phải làm người nhìn nghĩ đến không gian, đến khoảng trống khôn lường của thời gian; và đó là một lý do để chọn màu tro xám.
Vả lại, chậu phải được đặt trong phòng khách trên một cái bàn, và không gì xám hơn một phòng Nhật Bản. Nó làm ta nghĩ đến phía trong yên tĩnh của một ngôi đền, ngôi đền tại gia. Ở trong đó, không nên để con mắt phải khó chịu vì những màu sắc thô bạo.
Màu chậu cũng phải là gạch nối chuyển tiếp giữa màu phòng và màu cây cảnh. Tất cả phải hòa hợp. Đối với những cây xanh bốn mùa, như loài tùng bách, màu chậu thường là nâu tía (shidei), hoặc có thể pha lẫn hai màu tím đậm và xanh đen (namako).
Đối với cây lá đỏ thì dùng màu lục nhạt (seizi). Một cây phong đỏ trong chậu màu lục nhạt sẽ khiến ta nghĩ đến tranh vẽ của danh họa Corot. Màu nâu tía trong trường hợp này sẽ quá nặng nề.
Nhân đây cũng nên lưu ý, với những cây có nhiều cành xõa ra như tóc, dùng màu trắng, nhất màu trắng “rêu phong” thì tuyệt. Màu trắng cũng thích hợp với những cây có hoa tím, còn màu xanh lá cây, màu vàng thì hoàn toàn lạc điệu.
Cũng nên nói qua đường nét của chậu. Về điểm này, người Nhật luôn luôn ưa chuộng những đường dài suôn sẻ, không khúc chiết, rất đơn giản về hình thức, và tất cả các góc đều tròn. Những đường đứng rất ngắn, hạn chế bởi chiều sâu cạn cợt của chậu. Nhìn toàn khối, người ta cảm thấy từ đó toát ra một sự êm đềm, một sự im lìm bình thản, diễn tả được sự yên tĩnh hoàn toàn của đất, ẩn tàng sức bật mạnh mẽ của vạn vật tượng trưng bằng cây cảnh tí hon.
CHƯƠNG NĂM
TRIẾT LÝ VỀ HOA
Ngày nay không còn nơi nào trên hành tinh này chưa được khám phá, không miền đất nào không có đường giao thông băng qua ngang dọc, và cả đến không gian cũng được thám hiểm, nhưng vẫn còn một vùng tuyệt đối bí mật, hầu như khó hiểu, khó lý giải, vì quá xa lạ và các giác quan chưa hề nhận biết, đó là tâm trạng của những dân tộc có vị trí đối nghịch nhau trên mặt địa cầu.
Cho rằng Nhật Bản chỉ đối nghịch với chấu Âu về vị trí địa dư là nhận xét phiến diện.
Sự đối nghịch này gồm cả các mặt tâm lý, luân lý và mỹ thuật.
Chúng tôi đã chứng minh rằng nhờ có các loài hoa mà ta thấy được vẻ đẹp ở bên kia không là đẹp đối với ta bên này; nhưng chúng tôi lại không biết nguyên do tại sao có sự trái ngược đó, nhất là chúng tôi không tin sự trái ngược nơi nào cũng có . Tuy nhiên, không có gì để nói tổng quát hơn, và nói về hoa thì chẳng có nhiều khác biệt, nên chúng tôi đã dùng hoa làm điểm khởi đầu.
Có người sẽ cãi: “Người Nhật chẳng khác gì chúng tôi, vì đã hơn mấy chục năm nay người Nhật cũng sản xuất những thứ như chúng tôi, chế ra những dụng cụ như chúng tôi, tóm lại là cũng có chung một nền văn minh như chúng tôi”
Chữ “Nhật” tương đương với chữ “văn minh”, nghĩa là “trí sáng suốt” hoặc “trí sâu sắc”. Chữ ấy có giá trị thuần túy tinh thần. Nếu nói “một nền văn minh vật chất” thì quả là vô nghĩa. Cũng thế, nếu nói những nhà bác học thông thái có tiếng khôn ngoan mà chỉ nhắm đến mục đích cải thiện vật chất không thôi thì đó là điều một người Nhật chính thống không sao quan niệm được.
Quốc gia Nhật Bản là một quốc gia có đẳng cấp. Dân chúng tuy vẫn đổ xô vào tiền tài như các nơi khác, nhưng vẫn ca tụng sự thanh liêm. Ở nước Nhật xưa, các giai cấp xã hội được phân chia theo thứ tự: sĩ (giới trí thức), nông (người làm ruộng), công (người làm thuê) và thương (giới buôn bán). Thương gia là hạng người giàu nhất, nhưng bị xem thường nhất.
Đến nay cũng thế, tại các buổi tiệc linh đình ở hoàng cung những người ngồi kề cận Thiên hoàng là giới trí thức nghèo, những hiền đức, còn các nhà tỷ phú sắp xếp tận cuối bàn. Dù Nhật Bản cố gắng hết sức bắt chước người phương Tây trong mọi chi tiết sinh hoạt, cũng không thể nào cải đổi quy luật đã có. Nhật Bản tha thiết với những giá trị vô hình, với sự thanh bần cao quý, với cái chết trên đài vinh dự.
Khi một vị thủ tướng lên nắm chính quyền, dù người đó nguyên là một đô đốc hoặc một tướng lãnh, báo trí đều đua nhau mô tả vật dụng, đồ đạc của ông. Thường người ta thấy tất cả tài sản của thủ tướng chỉ vẻn vẹn cái giường nhỏ bằng sắt.
Trong Hoàng Cung còn lưu giữ ba bảo vật thiêng liêng từ thời tiền sử; đó là một viên ngọc quý, tượng trưng cho lòng quảng đại; một tấm gương soi, tượng trưng cho sự soi xét mình; và một thanh gươm, tượng trưng cho công lý. Trong khi đó, ở Âu châu, người ta dùng cái cân làm biểu tượng cho công lý khiến dễ liên tưởng đến chuyện buôn bán.
Nhưng ta hãy trở lại với hoa.
Đức Phật Thích Ca một ngày kia chỉ vào một đóa hoa và nói với các môn đệ đang tập hợp quanh Ngài: “Hôm nay ta truyền lại cho các người tất cả bí quyết trong giáo lý của ta. Bí quyết ấy là đây!”. Không ai trong đó hiểu Ngài muốn nói gì. Chỉ có một đệ tử mỉm cười nhìn Ngài.
Phật Thích Ca bảo người đệ tử: “Người đã hiểu. từ này ta cho phép ngươi thay ta thuyết pháp”.
Một trái táo rơi đã tạo cho Newton cơ hội tìm ra các nguyên lý về lực hấp dẫn. Nhưng đối với người Nhật, chỉ cần một chiếc lá rơi giữa những sắc màu diễm lệ của mùa thu cũng đủ cho thấy sự hư ảo của mọi vật, sự chóng qua của tất cả những gì mà kẻ điên rồ mới muốn giữ
mãi, cùng sự chán chường do vật hữu hình gây ra. Dù trải qua bao nhiêu thế kỷ, người không được thừa hưởng lòng quý chuộng những gì tâm linh, vô hình, vô thể thì một sự kiện nhỏ nhoi đó cũng đủ gợi sáng trong tâm. Chỉ có người điếc tâm hồn mới không nghe được tiếng nói của hoa lá, cỏ cây. Hoa có tiếng nói của hoa, cũng như tất cả những cảnh đẹp thiên nhiên đều đều có tiếng nói: Biển cả, đại dương, sông núi, ruộng, đồng đều bày tỏ hùng hồn làm con người thấm thía, không còn gì để nói thêm, mà có nói thì cũng nghèo nàn thô thiển, chẳng đáng vào đâu so với tiếng nói của muôn đời ấy.
Người Nhật biết nghe lời nói của hoa lá, cỏ cây, côn trùng, hay chim chóc. Chúng đều đồng thanh nói rằng cứ mỗi cử chỉ, mỗi hành động, mỗi ý muốn của con người đều sai lầm hoặc phạm thượng. Con người xét ra quá nhỏ nhoi, và thường phạm sai lầm. Tốt hơn con người nên từ bỏ tất cả để sống như hoa đồng, cỏ nội. Làm được như thế, con người sẽ hưởng hạnh phúc đời đời. Tục ngữ có câu: “Bỏ tất cả là được tất cả”.
Đương nhiên nghệ thuật Nhật Bản phải mang đặc tính y như tâm hồn người Nhật.
Lúc mới du nhập nền văn minh Trung Hoa, người Nhật mô phỏng theo hai tông phái của các bậc thầy: Bắc tông và Nam tông. Tông phái miền Bắc là hiện thực, trung thành với hữu hình và màu sắc. Tông phái miền Nam là lý tưởng hơn là hình thức, tính chất bên trong hơn là dáng vẻ phù phiếm bên ngoài. Bắc tông dùng những màu sắc tự nhiên. Nam tông chỉ dùng mực xạ (mực đen) hòa với nước, tông phái này chỉ tìm vẻ đẹp lý tưởng và tinh thần.
Tông phái miền Nam tự nhiên gần gũi với tinh thần thật sự của người Nhật là khinh thường vật chất. Nhưng những nghệ sĩ thời bấy giờ (lừng danh nhất là ba anh em nhà Nakao Noami, Geami và Soami) tỏ ra thiếu khả năng diễn tả tình thương phổ quát. Họ để cho ngọn bút lông của họ tự do đưa đẩy theo năng lực huyền bí trong tâm tư. Họ khinh miệt hình thức, nhưng đồng thời để mất cả sắc mầu. Tuy nhiên, do đặc tính của thiên tài, họ đã lập ra một môn phái về hoa. Hoa trở nên một nguyên liệu mới cho mỹ thuật. Sắc điệu của hoa thay đổi vô cùng, người ta cho rằng chính Đức Phật A Di Đà đã định ra chuyện đó. Trái lại, hình hoa thì có hạn, và điều này là một thuận lợi vì chính sự hữu hạn của hình xác định được ngôn ngữ của loài hoa. Từ đó, nghệ thuật Nhật Bản đã tìm ra cách thức diễn tả đặc thù và tự phát triển bằng những phương tiện của riêng mình.
Người ta có thể ngạc nhiên khi nhìn thấy cách phối cảnh lạ lùng ở những bức họa xưa của người Nhật. Những đường nét phía trước thì ngắn, trái lại, những đường nét phía sau thì dài hơn. Thí dụ, để thể hiện một khối vuông, thì mặt phía sau được vẽ lớn, còn mặt phía trước thì vẽ nhỏ hơn. Tại sao lại có cách phối cảnh lạ đời như vậy?
Cũng chỉ vì một lý do: Người Nhật luôn quan tâm đến sự sâu sắc, vô hình. Người phương Tây chỉ để ý đến những gì họ trông thấy rõ ràng hoặc rờ mó được. Người phương Đông thì chú trọng đến những gì họ không thể tới.
Người ta dễ nhận thấy đầu óc của người Nhật đòi hỏi sự vô tư tuyệt đối, sự thanh tịnh tuyệt vời và coi thường vật chất hữu hình. Vì vậy, văn minh phương Tây đối với họ chưa thật là văn minh.
Chữ “giàu có” theo tiếng Nhật không giống chữ giàu có của phương Tây, mà có nghĩa là tâm hồn không vướng bận lo âu, không đau khổ, giày vò. Đó là một trạng thái của tâm hồn.
Theo nhận thức của người Nhật thì phải định nghĩa nghệ thuật như thế nào? Syakaku, một triết gia danh tiếng ở triều đại thứ 6, trong quyển Thẩm Mỹ Học cho rằng nghệ thuật là sự rung cảm, sự phập phồng nhịp nhàng theo vận tiết của vũ trụ.
Một định nghĩa như thế, đa số người phương Tây khó mà hiểu được. Nhưng điều khó lý giải nhất là cái vũ trụ được người Nhật nói đến, cái vũ trụ vô hình, có vẻ đẹp vô thể mà những nghệ sĩ Nhật Bản đang ngụp lặn trong đó.
Thế gian có hai mặt hữu hình và mặt vô hình. Mặt hữu hình thì những giác quan bình thường như thính giác cũng có thể nhận biết. Nhưng để nhận biết mặt thứ hai thì phải có sự
soi sáng từ bên trong. Điều kỳ diệu nhất theo nhận thức của một người Nhật chính là ở mặt vô hình này mới thể hiện được sự đồng nhất. Về phương diện hữu hình thì mỗi cái mỗi khác; trên thế gian không thể tìm ra hai bộ mặt giống hệt nhau hoàn toàn. Trái lại, đối với một người biết rung cảm thì tất cả đều chung một linh hồn, từ vật nhỏ nhất đền vật lớn nhất, cả đến trời đất và Thượng Đế, người. Vì vậy mọi công trình nghệ thuật có thể thực hiện bằng nhiều phương cách. Hội họa có thể dùng màu hoặc không cần màu sắc vẫn tạo được sự rung cảm ở người xem.
Nghệ thuật không thể là nô lệ của sự vật. Nghệ thuật không tự khép mình vào mỗi việc mô phỏng thiên nhiên, nếu không, nghệ thuật chỉ là việc sao chép, chụp hình. Nghệ thuật phải làm sao dẫn dắt tâm hồn vào tận thế giới hư linh, vô ảnh. Cho nên, vấn đề ở đây không phải là kỹ xảo hoặc tài năng vặt vãnh của con người, mà là thấy được vô hình, vô thể và ôm giữ được những gì không thể nắm bắt.
Nếu một triết gia La Mã thường khởi đầu bằng hình học, những hiền nhân Hy lạp thường thông thạo số học, thì bậc hiền triết Đông phương phải am tường các quy luật của hình số tinh thần. Đó là môn hình học không gian bốn chiều được tính bằng dịch số dựa vào nguyên lý tâm nguyên. Nguyên lý không gian bốn chiều này là chìa khóa mở mọi cánh cửa của khoa học và nghệ thuật.
Về thơ cũng thế. Những bài thơ hay nhất ở phương Tây đều do cách kết cấu chữ. Người ta ra sức trau chuốt cho chữ được vang dội, được sáng lạn, được rõ ràng đến cực độ. Trái lại, mặt kia thì che giấu, cũng như một tấm vải người ta không muốn phô bày mặt trái.
Khi thưởng thức thơ Tây phương, người Nhật cảm thấy thiếu một cái gì, một thứ sinh chất cần cho sự sống. Một bài thơ Tây phương chỉ là cái đẹp chết, không hồn.
Đổi lại, thơ ca Nhật Bản không khi nào được hiểu thấu đáo ở ngoài quê hương người Nhật. Việc phiên dịch luôn luôn tai hại cho một bài thơ Nhật. Nhưng nếu đã dịch thì sẽ còn lật lại hoàn toàn, thay vì diễn tả mặt tinh thần lại chỉ bày có mặt vật chất thì còn tai hại biết bao! Trong khi thơ văn phương Tây nhằm mục đích cho thấy dù sao cõi đời không đến nỗi xấu xa nhỏ mọn như người ta tưởng, thì thơ văn Nhật Bản triệt để mong muốn giải thoát chúng ta ra khỏi thế gian trần tục. Chỉ vỏn vẹn có mấy chữ (17 hay 31 âm), một bài thơ Nhật muốn nhắc ta nhớ lại nhịp rung của vũ trụ vô hình mà chúng ta thường quên; thơ Nhật muốn gợi cho tâm hồn nỗi niềm tưởng nhớ một quê hương vô hình.
Không thể trích riêng những câu hay trong một bài thơ Nhật Bản, mà cũng không nên làm thế, vì vẻ đẹp của câu thơ riêng biệt sẽ là vẻ đẹp vật chất, vẻ đẹp thế gian, tức là vẻ đẹp tầm thường. Cả đến những người từng dịch thơ văn Nhật Bản ra tiếng nước ngoài cũng không biết rằng chưa có ai trong họ làm nên trò trống.
Mà làm sao họ biết được! Thí dụ như khi họ chỉ dịch chữ mizu là “nước”, chữ toku là “đức hạnh” mà chẳng nói thêm điều gì. Đối với các nhà thơ phương Tây, nước là một chất đẹp lấp lánh muôn màu, gợn sóng hoặc có nhiều xoáy rất tao nhã. Nhưng đối với thi sĩ Đông phương, nước là một gương mẫu cho mọi đức hạnh của con người. Nước rất khiêm tốn khi nào cũng ở nơi thấp nhất. Nước tiêu biểu cho sự vâng lời, thủ phận, vì hình nước dập khuôn theo những vật chứa. Nhưng kỳ thật nước là nguồn sinh lực cho mọi thứ, cầm thú, cỏ cây không có nước thì chết. Nước xói mòn những thứ cứng như sắt đá, và cả đến lửa, nước cũng không sợ…
Tiếc thay! Chúng ta không thể nói nhiều hơn nữa về điều này. Mỗi lúc chúng ta càng thấy rõ chỗ bất lực của mình không thể dùng lời lẽ đễ diễn tả sự vô hình. Tuy nhiên, nếu cần so sánh, chúng ta có thể nói thêm thơ văn phương Tây giống như tấm hình chụp chậm, còn thơ văn Nhật Bản là bức ảnh chụp nhanh.
Về tình yêu cũng thế, rất khó giải thích tình yêu của người Nhật gồm có những thứ gì. Chẳng hạn tình yêu hoa lá của người Nhật như ta đã biết, ở châu Âu không có tình nào tương tự. Ở châu Âu không ai yêu hoa say đắm như người Nhật. Có người cãi lại: “Người ta vẫn yêu
thú vật đấy chứ!”. Đúng thế, người ta vẫn bảo vệ thú vật, chống lại mọi sự ngược đãi, nhưng thật ra đó chỉ là một sự tính toán. Nếu hành hạ thú vật, chúng sẽ làm việc ít đi, hoặc trở nên hung hiểm, hoặc tiếng kêu la của chúng trong các đường phố lớn sẽ làm nào động, rấy tai khách bộ hành. Lòng tốt ấy là lòng tốt có tính toán của nhà chăn nuôi, của kẻ bóc lột (vỗ béo để lợi dụng sức lao động hoặc làm thịt). Bất cứ ai ý thức về quyền lợi của mình đều có “lòng tốt” ấy.
Tình yêu có hàng chục từ diễn tả trong tiếng Nhật. Chúng ta đã biết người Nhật là những chuyên gia về những gì liên quan đến tinh thần. Vì vậy, cũng đừng ngạc nhiên khi thấy có quá nhiều từ để diễn tả tình yêu. Những từ này không thể nào dịch hết ra tiếng Pháp. Cũng như trước đây một thế kỷ, khó có ai dịch cho người Nhật hiểu được chữ “điện năng” hay chữ “đầu cơ”. Người Nhật phân biệt tình yêu bằng những từ konomi (…..hảo, ưa thích), ai (….. ái, thương yêu), natsukashimi (….hoài, thương nhớ), shitashimi (…..thân, thân thương), itsukushimi (…..từ, thương xuống), kanashimi (….bi, thương xót)v.v… nhưng chỉ một chữ là đủ diễn tả tình yêu của người phương Tây, dù với đối tượng nào, chữ đó là konomi. Konomi biểu thị tình yêu thô sơ nhất, duy vật nhất, ích kỷ nhất. Vì vậy, nếu các bạn (người Âu châu) nói yêu hoa, người Nhật sẽ cho rằng đó có lẽ chỉ là konomi, và như thế bạn bị xem là người kém văn minh.
Một xã hội mà trong đó mọi người đều ước ao chiếm hữu ít nhất, và giới lãnh đạo thượng lưu là những người nghèo thì quả là một xã hội lạ kỳ. Ngay cả ngày nay ở Nhật, quân đội một cơ cấu mạnh nhất lại ngèo. Quân đội đối lập với tư bản. Chính vì tác động của văn minh vật chất đã tạo thế lực cho tư bản. Ngày xưa, ai nấy đều hướng về những cái vô hình.
Nhưng cái vô hình có thể dùng làm căn bản cho một chủ nghĩa cộng đồng. Chủ nghĩa cộng đồng của Nhật với những giá trị tư tưởng đã trải qua biết bao thế kỷ và rất lạ là chủ nghĩa đó không hề nguy hại cho khoái lạc vật chất và phồn vinh của quốc gia.
Chữ “giàu” như đã nói, đúng ra là chỉ diễn tả một trạng thái tâm hồn hơn là một mức độ phồn vinh hoàn toàn làm chủ vật chất thay vì nô lệ, đó là lý tưởng của Lão tử. Nhưng người ta có thể đạt được điều đó bằng vũ lực, bằng tiền tài trên phương diện vật chất hay không? Nếu tin là có thì quả là tin tưởng hão huyền, vì con người quá ư bé nhỏ, yếu đuối. Con đường duy nhất hay “chính đạo” giúp ta thành tựu là con đường giải thoát, từ bỏ tất cả. Con đường này dường như khó đi, nhưng thật ra dễ nhất, chỉ bước đầu là khó mà thôi.
Nếu giàu mà thích yên tĩnh nội tại và cảm giác nghe bất lực không cưỡng lại được thời gian, không gian và sức hấp dẫn thì giàu cũng như không. Người ta không thể chăm chú nhìn đống vàng chống chất, vừa lắng lòng để ý từng giây phút trôi qua, cùng sự bao la của thế giới và từ đó quay về nhìn lại tính chất nhỏ nhoi của mình với thân phận bị giam hãm trên thế gian. Thế giới hữu hình là một tổng thể, không thể phân chia để chỉ chọn lấy những điều tiện lợi mà khước từ những điều phiền toái. Cơ chế tâm trí của con người chỉ biết tiếp thụ những khoái cảm vật chất, thích ăn ngon, mặc đẹp và hưởng thụ những tiện nghi sang trọng. Nó không giúp ta cảm nhận được sự mong manh của đời sống vật chất. Điều mà chúng ta tưởng có lợi cho mình một trăm phần trăm thật ra chỉ là sự đổi chác. Vật chất ban cho ta, mà vật chất cũng lấy lại của ta.
Cũng có người đạt được hạnh phúc cùng với của cải. Nhưng điều đó không có nghĩa là người ta nhờ có của cải mà đạt được hạnh phúc. Sự trùng hợp đó không phải là ngẫu nhiên. Người ta bắt đầu xây dựng hạnh phúc bằng những cố gắng tích cực hợp với tính cách của họ, chỉ có thế thôi. Nói chung, người phương Tây thường bắt đầu theo cách đó. Đầu óc của họ là thực tế và xây dựng. Ở Đông phương thì không như thế. Khí hậu phương Đông làm cho con người có tâm trạng tiêu cực thụ động.
Ở Đông phương rất khó mà quan niệm một người có ít nhiều giá trị lại chú tâm đến sự giàu sang. Trái lại, ở Tây phương người ta tin rằng tiền tài là dấu hiệu của sức mạnh. Hai nhận thức trái ngược nhau, cũng như vị trí đối nghịch ở hai bên trái đất.
Có hai con đường đưa đến một mục đích. Con đường của phương Tây là trước hết phải thu thập cho nhiều những giá trị vật chất, những hiểu biết máy móc, tiền của, rồi ngủ nghỉ và quên hết những đau khổ. Con đường của người phương Đông là sự tự mình giải thoát ra khỏi tất cả những chi phối của vật chất.
Thật ra, những người được hạnh phúc do con đường thứ nhất đã xa rời của cải lúc họ đang góp nhặt. Họ không biết rằng họ đã thỏa mãn một nhu cầu tinh thần chứ không phải vật chất. Nếu thực sự họ là những người duy vật, họ sẽ muốn có nhiều tiền để hưởng thụ, nghĩa là họ sẽ tiêu xài rộng rãi, thỏa thích. Nhưng trái lại, họ chỉ muốn góp nhặt để làm sao càng ngày càng có nhiều thêm. Như vậy họ tiêu xài cách nào?
Đó là một vấn đề mà họ không muốn tự đặt ra. Thế thì từ trong thâm tâm, họ cũng đã thể hiện một sự tổng hợp hoàn toàn về vũ trụ bao la. Vũ trụ này có hai mặt: mặt vật chất hữu hình và mặt tinh thần vô hình. Trong bản thể tiểu vũ trụ, con người cũng có hai mặt đối với ai biết thấy. Những người mông muội chỉ thấy một mặt đó là lòng ham muốn vàng bạc và khoái lạc do vàng bạc đem lại. Tuy nhiên, xét kỹ vẫn thấy ở họ một ước vọng hướng về cõi vô hình.
Bạn có thể giàu bao nhiêu cũng được, điều ấy không hề gì, miễn là tâm hồn bạn thoát ra ngoài của cải. Bạn có thể chiếm hữu mọi thứ bạn muốn, những hãy đem cho người khác những gì họ mong cầu ở bạn.
Ngày xưa ở Nhật có một nhà quý tộc trẻ tuổi, hào hoa và hết sức giàu. Chàng có một số đồ quý giá do Thiên hoàng ban cho dòng họ tổ tiên. Chàng xem chúng quý hơn sinh mạng và tuyên bố người nào làm vỡ một chiếc bình sẽ bị mất đầu.
Ngày nọ, người ái thiếp của chàng muốn thử tình yêu của đức lang quân, bèn đem một chiếc độc bình ra đập vỡ. Chàng không nói một tiếng. Nhưng đến khi nàng cho biết nỗi lo âu sợ chồng quý trọng chiếc bình hơn yêu thương vợ. Điều này làm chàng chán nản vô cùng. Tại sao người vợ đầu ấp tay gối lại có thể nghĩ rằng chồng mình quý các đồ vật như vậy? Nhà quý tộc liền lần lượt đem hết bảo vật đập vỡ từng cái trước đôi mắt kinh ngạc của người vợ, rồi rút kiếm chém luôn đầu nàng.
Đấy, tình yêu của người Nhật là như thế. Tình yêu của người Nhật không phải là tình yêu vật chất. Qua nhiều thế kỷ, người Nhật tin chắc rằng sự khinh thường đó là dấu hiệu của sự cao cả. Triết lý, nghệ thuật, xã hội học của họ đều dạy rằng nghèo nàn là trường hợp huấn luyện sự thanh cao.
Chỉ ở nước Nhật xưa người ta mới thấy quang cảnh khác thường là ai nấy cũng đua nhau thi ân báo đức. Có một nghề lý tưởng là nghề ăn xin và đi giang hồ. Bố thí và đãi khách chẳng qua là việc mậu dịch đổi chác, đổi những vật hữu hình để lấy những thứ vô hình. Thật là một công việc vô cùng có lợi!.
Người nào cũng muốn tỏ ra xứng đáng được đứng vào thành phần nghèo và được trọng vọng, cũng như một sự bảo hiểm qua lại hay là một cuộc chơi hụi có lợi. Cơ chế kỳ lạ đó lại sinh ra điều kỳ lạ khác là xem thường của cải, thì của cải lại dồn dập đến. Bởi tổ chức xã hội có giai cấp thấp nhất lên giai cấp cao nhất.
Động lực duy nhất của tất cả là sự quý chuộng những gì không đo lường được, những gì vô hình. Rốt cuộc, tự nhiên những người sẵn sàng hy sinh của cải lại trở nên giàu có.
Ngày nay, sau khi một yếu tố ngoại lai - tức văn minh phương Tây - được đưa vào, cơ cấu mới xảy ra xáo trộn hoàn toàn. Nhật Bản ngày nay đang trên đường tìm về quê hương tinh thần.
Một phần lý tưởng cũ vẫn còn. Nước Nhật xưa vẫn chưa chết hẳn. Dù những cơn sóng cả của văn minh vật chất cứ dồn dập ồn ào đến, nước Nhật cũ vẫn không muốn tin rằng một ngày kia mình sẽ bị văn minh vật chất ngập tràn.
Nếu không từ bỏ thái độ cực đoan thô bạo thì cuộc sống xung đột chưa từng thấy sẽ không tránh khỏi. Một bên là những người muốn tóm thu tất cả, một bên là những người muốn hy sinh tất cả. Đời sống của phe thứ nhất là giá trị vật chất không nên phung phí. Lòng
can đảm của họ là tích cực và thuần thúy. Phe sau thì xem nhẹ mạng sống, lòng can đảm của họ không xuất phát từ hy vọng ở sự thành công mà bắt nguồn từ thái độ lãnh đạm cao cả.
Phe nào sẽ thắng trong sự tranh chấp quyết liệt này?
Chính là những người thực hiện được nhiều nhất trong thâm tâm của họ sự hòa hợp huyền diệu giữa vật chất và vô hình theo mô hình vũ trụ bao la. Đó là những người Nhật lãnh hội nhiều nhất chủ nghĩa thực nghiệm, và những người Âu biết dựa vào giá trị tinh thần.
Một nhà kiếm thuật lừng danh là ông Musasi, một đại danh quý tộc sống vào thời Tokugawa (thế kỷ 17) đã để lại trong tập tùy bút những nguyên tắc tinh thần chỉ đạo cho một cuộc đời đầy chiến đấu. Ông viết:
“Không luyến ái, không ham muốn vật chất hữu hình Không nuối tiếc điều gì.
Không ưa thích điều gì.
Không sợ chết.
Không thèm khát của cải người khác.
Không oán ghét một kẻ ác nào.
Theo ông thì giá trị của một nhà kiếm đạo (kendo) trong các đức tính tinh thần.
Thật vậy, nhiều chiến sĩ của nước Nhật ngày xưa đều là những triết gia hay nghệ sĩ tại Nhật có bảo tàng viên Musasi còn lưu giữ những phẩm điêu khắc và tranh họa của nhà kiếm thuật danh tiếng này.
Một bậc thầy kiến thuật khác là ông Nitoryo, người sáng lập môn phái song kiếm, cũng là một nhà hội họa và điêu khắc nổi tiếng.
Những vĩ nhân ngày xưa thường xuất sắc đồng thời trong nhiều lãnh vực khác nhau. Điều đó chứng tỏ không có một kỹ thuật nào là biệt lập. Nghệ thuật Nhật Bản vì thế không dựa vào một điểm tựa vật chất. Nghệ thuật Nhật Bản là sự biểu lộ một chân lý triết học, danh từ này được dùng ở đây với nghĩa cao cả nhất.
Nghệ thuật Nhật Bản không đưa ra quy luật. Nghệ thuật Nhật Bản hướng về cái thực, nhưng có một hiện tượng khó hiểu ở đây là thực nằm trong thế giới đối nghịch, trong tưởng tượng. Nếu dịch cho đúng nghĩa chữ Nhật thì thực trở thành tưởng tượng, mà tưởng tượng lại là thực.
Diễn tả cho được những khác biệt này là điều quá khó. Chỉ có một sự vật cụ thể, chẳng hạn như hoa, mới cho ta thấy được.
Bây giờ, khi đã hiểu phần nào triết lý do hoa đem lại, bạn hãy ẩn mình trong một căn phòng không bàn, không ghế như trong phòng trà Nhật Bản. Trước mặt bạn là tách trà xanh không pha đường. Ban đầu mới nhấm, nước trà gần như chẳng có mùi vị gì, nhưng dần dần trà sẽ thanh tẩy con người bạn xóa tan vật chất tính. Trước khi trở thành một thức uống, ngày xưa trà Nhật là một thứ thuốc. Trà liệu pháp (phương pháp chữa bệnh bằng trà) đã được một nhà thông thái trứ danh ông Eisai - công bố cách đây 10 thế kỷ. Khi uống trà, không nên uống quá nhiều. Nếu uống nhiều quá bạn sẽ thấy mình trôi qua một thế giới khác như khi dùng ma túy, cả đến hoa ta cũng không trông thấy nữa.
Dù sao điều thú vị chính là tình trạng lơ lửng trên không giữa trời và đất, khác chi một con rồng. Hoa đi vào nước Nhật từ đó.
PHỤ LỤC
BÀI HOA
Một trong những loại bài phổ biến nhất ở Nhật và có thể xem là tiêu biểu cho quốc gia Nhật Bản vì mọi đẳng cấp xã hội đều thích chơi, là lấy ý từ các loài hoa. Đó là bộ bài có vẽ hình hoa. Người ta chơi loại bài này trong gia đình, cũng có khi chơi trong quán nước. Những cô ca sĩ Nhật (geisha) trong khi chờ khách, mỗi lần bà chủ quay lưng đi, thường chia bài chơi với nhau. Lá bài rất nhỏ, chỉ độ 2cm x 3cm (giống bài tứ sắc việt nam - LND), có thể thu gọn vào tay khi bất ngờ…loại bài này được gọi là “bài kỹ nữ”.
Những lá bài thông thường thì lớn gấp đôi, nhưng không lớn bằng các lá bài tây. Bộ bài gồm tất cả 48 lá cứ mỗi tháng 4 lá.
Những lá bài tháng giêng thuộc loài tùng bách. Một ngọn bút lông ngây thơ nhưng dành kiểu thức đã vẽ ra hình dáng những cây tùng trên nền trắng, biểu hiện thơ ca, vì những bài thơ thường được viết trên một băng giấy. Một lá bài nữa có hình chim hạc, loài chim tượng trưng cho năm mới, và sau con chim là hình mặt trời mọc.
Tháng 2 là tháng của cây mai. 4 lá bài của tháng này mang hình hoa mai. Hai lá đầu đơn giản. Trên hai lá còn lại có vẽ hình băng giấy của thi nhân và hình chim họa mi loài chim nhạc sĩ thường thích làm tổ trên cây mai.
Tháng 3 là tháng hoa anh đào nở. Từ nghìn xưa cứ vào mùa xuân, người Nhật thường về nông thôn thưởng ngoạn biết đi pích ních dựng lều cắm trại trước người phương Tây rất lâu. Những nhân vật đương quyền thường tổ chức những cuộc du ngoạn có lều hoa. Họ mang theo những tấm màn kết bằng hoa đẹp đủ màu để chắn xung quanh địa điểm vui chơi với mục đích che gió và gợi nhớ nghệ thuật của con người. Lá thứ 4 trong loạt bài mùa xuân vẽ lại bức tranh mỹ lệ đó trang trí bằng hoa cúc, tựa hồ đang thả trôi theo dòng nước.
Tháng 4 là tháng cây hoàng đậu. Lá bài thứ 4 của cây này có vẽ hình chim quốc (đỗ quyên, Hotootoghishu) ở vùng núi xa thường hót lúc nửa đêm. Chính vì để nghe loài chim này hót mà người ta tổ chức các cuộc du ngoạn trên. Cứ quá nửa đêm là chim cút bắt đầu cất tiếng, và người ta thấy bóng chim tung tăng hiện trên hình trăng lưỡi liềm.
Rồi đến tháng 5. Đó là mùa hoa lan huệ. 4 là bài tháng này có vẽ những chùm hoa lan tuyệt đẹp.
Tháng 6 là tháng hoa thược dược. Ở Nhật Bản rất nhiều hoa thược dược, và người ta rất thích hoa này. Có nhiều vườn nhất là những vườn đặc biệt, trồng toàn thược dược. Về y học từ xa xưa, thược dược đã được dùng làm thuốc. Y học Nhật Bản cũng noi theo y học Trung Hoa dùng cây thược dược. Hai lá bài sau của tháng 6 một lá có hình băng giấy đề thơ màu xanh, một lá có hình hai con bướm và một đám mây đỏ, biểu thị sự hằng hữu của Trời.
Tháng 7 là tháng dành hoa hổ chi tử (lespedese) lưỡng sắc, một loài cây rừng có hoa rất khéo mà người ta thường lũ lượt đi xem như xem hoa anh đào trong tiết tháng 3. Lá bài thứ 4 của tháng này có vẽ hình một con heo rừng.
Trong những đêm ấm trời tháng 8, người Nhật thường đi thưởng nguyệt (xem trăng). Hai lá bài đầu của tháng 8 cho thấy một cánh đồng hiu quạnh màu đen, dưới một bầu trời chưa có ánh trăng. Qua lá thứ 3 bắt đầu xuất hiện một đoàn thiên nga vỗ cánh bay ngang. Đến lá thứ tư đã có hình trăng tròn hiện ra trên đỉnh đồi.
Tháng 9 là tháng hoa cúc, loài hoa yêu quý của vua Nhật. Trên tất cả vạn dụng của Thiên Hoàng đều có vẽ, thêu hoặc khắc hình hoa cúc 16 cành. Lá bài thứ 4 của tháng này có vẽ cái chén sơn mài, tặng phẩm của hoàng gia.
Tháng 10 là tháng của cây hồng phong, một lài cây đặc biệt của Nhật Bản có lá màu đỏ
tuyệt đẹp, nổi bật trên nền trời xanh ngắt của mùa thu. Đã bắt đầu có lá ngã vàng, có lá màu
đỏ, những lá khác vẫn còn xanh. Trên mặt bài, người ta thấy lá phong quay cuồng đủ hướng.
Lá bài thứ 4 của tháng này vẽ hình con hươu cái.
Tháng 11 là tháng mưa. Lá bài đầu của tháng này mang một hình vẽ bí ẩn ẩn mà từ bao thế kỷ người ta chỉ biết sao y bản chính, nhưng chẳng ai hiểu ý nghĩa ra sao. Điều này thật ra cũng chẳng gây trở ngại nào cho người Nhật. Lá bài thứ hai mang hình những con chim yến trốn giữa những cành liễu rủ. Lá bài thứ tư đặc biệt ở chỗ mang hình một nhân vật, là Đại sư Dohu - một trong ba bậc thầy của Thư Pháp Nhật Bản (nghệ thuật viết chữ đẹp).
Thuật viết chữ Hán hay chữ Nhật bằng bút lông là một nghệ thuật ngang hàng với hội họa. Trong nhà người Nhật thường treo những câu thơ nổi tiếng viết bằng chữ lớn được đóng khung như một bức tranh. Xét về mặt nghệ thuật, văn học Âu châu tương đối nghèo nàn.
Đại sư Dohu khi còn trẻ là cậu học trò viết chữ xấu nhất lớp, nhưng ông lười biếng không muốn sửa đổi. Phải chờ đến ngày nọ có một con nhái dạy cho ông bài học kiêng nhẫn. Vào một ngày mưa ông đang đi dạo dưới rặng liễu bỗng thấy một con nhái cố sức nhảy lên một cành cây, nhưng cành cây quá cao, nhái nhảy hơn trăm lần mà vẫn rớt xuống. Cuối cùng nhái nhảy mãi cũng thành công. Dohu cho đó là một bài học, và từ ngày ấy ông ra công chuyên cần tập viết cho đến lúc thành tài.
Tháng chạp là tháng dành cho một loài hoa đặc biệt khác của nhà vua hoa cây đồng (paulownia imperalis). Đó là loài hoa ưa chuộng và là quốc huy Hoàng đế Taiko (thế kỷ 16), một Napoleon Nhật Bản. Lá bài chót của tháng này vẽ hình con chim phượng hoàng từ trời bay xuống. Phượng hoàng là loài linh điểu mở màn một năm mới.
Chơi bài hoa phải có hai người, bốn người hoặc nhiều hơn tùy theo cách chơi. Thí dụ
cách chơi tính 600 điểm.
Bài 600 điểm chơi hai người. Mỗi người bắt 8 lá. 8 lá khác lật ra để trên bàn. Hai mươi bốn lá úp còn lại là bài.
Một ván bài tính 600 điểm. Như đã nói, hai lá bài đầu của mỗi tháng là bài đơn, mỗi lá tính 1 điểm. Lá thứ 3 mười điểm. Lá thứ 4 có khi 10 điểm, có khi 20 điểm. Người nào bắt lên được 600 điểm trước là thắng cuộc. Vì vậy, người nào cũng cố bắt cho được một tay bài gồm những lá nhiều điểm nhất. Có những quy ước tính điểm riêng cho từng loại bài bắt lên.
Những lá bài có hình bằng giấy đề thơ màu xanh được tính thêm 150 điểm. Những là bài có băng giấy đề thơ màu đỏ cũng thế. Những lá bài thứ 4 của loạt bài có hình cây tùng, cây đồng, hình mặt trăng được tính 60 điểm. Loạt bài có tính thú vật, heo rừng, hươu cái, bươm bướm được tính thêm 300 điểm.
THAY LỜI BẠT
HOA LÁ CỎ CÂY VÀ TÌNH TỰ DÂN TỘC
Ngô Ánh Tuyết
Thời học cấp ba, tôi đã băn khoăn lưỡng lự trong quan niệm sống, vừa muốn giữ gìn hương khói cổ truyền vừa muốn lao vào khoảng sáng muôn màu hiện đại. Đến khi lên đại học. Tôi được cha tôi đưa vào phương pháp thực dưỡng Macrobiotics - Một đường lối y học dưỡng sinh kết hợp đông tây - do nhà triết y Nhật Bản Sakurazawa nyoichi (George ohsawa) đề xướng. Tôi mới thật sự tìm ra lời giải đáp những ray rứt bấy lâu. Trong số các tác phẩm của giáo sư Ohsawa viết bằng tiếng Nhật, Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Ý, chính cuốn “ Le Livre Des Fleurs” (Hoa Đạo) khơi môi thông dòng. Những vui buồn của tác giả về dân tộc Nhật đã gợi niềm đồng cảm trong tôi về dân tộc mình.
Một người sinh ở Huế, lớn lên phiêu bạt phương xa, gần đây có dịp trở về thăm lại chốn xưa. Người ấy đi trên những đường học trò vẫn rợp bóng cây, qua cầu Trường Tiên nhìn dòng sông Hương vẫn hình dáng cũ, mà sao lòng thấy thờ ơ xa cách, dường như chốn này chẳng phải là Huế. Mãi đến mùa xuân ra Bắc gặp lúc phục sinh của những lễ hội cổ truyền tưng bừng thanh sắc, và quay vào Sài gòn một buổi đầu thu thấy khắp phố phường rộ nở những tà áo dài thơ trắng nữ sinh, người ấy mới nhận ra điều đã làm cho mình cách xa với Huế, đó là sự vắng cái “quầng sáng vô hình của sự sống”, như lời một bậc thầy hoa cảnh phê bình bức tranh vẽ phỏng một nhánh hoa huệ đã bị cắt lìa khỏi gốc, được ghi trong quyển “Hoa đạo”.
Ai đó sẽ bảo: “Mọi nỗi niềm trên chỉ là hoài cổ, luyến tiếc quá khứ không mấy đẹp hay!”.
Thật ra, không một ai trong chúng ta có thể và có quyền chối từ quá khứ, bởi quá khứ là nền cho hiện tại và tương lai. Nói cụ thể hơn, lịch sử như một dòng sông bao gồm nhiều khúc. Không thể chỉ khúc sông thuận lợi cho sinh hoạt hiện thời hoặc khúc chảy lững lờ thơ mông giữa vùng trù phú xinh tươi, mà phải nghĩ đến cả cội nguồn ở chốn núi rừng hoang vu hiểm trở. Không có nguồn làm sao có sông. Nguồn kiệt thì sông cũng cạn. Tuy nhiên, sông không cố định mà luôn trôi chảy. Bởi thế, đừng nên ngăn sông để chặn cầm con nước khiến nước dâng lên gây lụt, mà phải khai thông cho dòng xuôi hòa biển cả. Đời người cũng vậy, đó là chuỗi thời gian liên tục xưa nay và mãi xoay mãi trong chu trình vĩnh cửu của tự nhiên: sinh, thành, hoại, diệt… Chu trình này được nghệ thuật hoa cảnh Nhật Bản diễn tả hoàn chỉnh với ba kiểu cắm hoa thực, động và trôi.
“Ngắm kỹ một cụm hoa cắm theo kiểu thực (mode vrai) của phái Enshu, ta có cảm giác nhìn một bàn tay trẻ sơ sinh đưa thẳng lên trời. Đó là khởi đầu sự sống.
“Kiểu động (mode dynamique) diễn tả tuổi thanh xuân đầy khát vọng, hứa hẹn và nhiệt tình. Đó chính là những bắp thịt đang nảy nở của chàng trai mới lớn, và là nét diễm kiều tươi tắn đang phát lộ của cô gái dậy thì. Cá tính dần dần hình thành, biến đổi và trở nên phức tạp. Con người đã sẵn sàng đầu tranh để sinh tồn.
“Kiểu trôi (mode coule) cho thấy cảnh xuống dốc của đời người như hoa oằn cong dưới sức nặng của tuyết giá mùa đông, và mọi vật đang trôi về vực thẳm. Chính những năm cuối của đời người trôi qua nhanh nhất… (Hoa Đạo).
Lên rồi xuống đó là sự thường, là quy luật bất khả cưỡng mà con người muốn sống thanh thản như cỏ cây hoa lá, cần phải tuân theo. “… Một cây cổ thụ hoàn toàn lý tưởng, nghĩa là thể hiện được sự quân bình thiêng liêng nhất trong vũ trụ, phải có đầu trên hơi tròn. Nếu không cây mất hết nghĩa lý không một đức tính nào bù được… Tuy nhiên, người ta cũng thấy vài cây cổ thụ có cành hoa bên trên ngả mạnh về sau như bị cuồng phong xô dạt. Đó là những cây thể hiện sự khổ não của những người không muốn yên phận “Hoa Đạo”.
So với không gian vô biên và thời gian vô tận của vũ trụ, thân phận con người quá nhỏ nhoi, ngắn ngủi ví như bọt nước thoáng hiện rồi tan biến trên mặt đại dương hoặc như hạt bụi mờ phai trong gió. Có lẽ sau bao năm lăn lóc đầu tranh, biết rõ thế thái nhân tình, người ta mới cảm được điều đó và hiểu được những gì thiên nhiên nhắn nhủ. Phải lắng lòng để cảm để hiểu, và khi lòng đã lắng thì “chỉ cần một chiếc lá rơi giữa những sắc màu diễm lệ của mùa thu cũng đủ cho thấy sự hư ảo của mọi vật, sự chóng qua của những gì mà kẻ điên rồ mới muốn giữ mãi, cùng sự chán chường do vật chất hữu hình gây ra. Dù trải bao thế kỷ, người không được thừa hưởng lòng quý chuộng những gì tâm linh, vô hình vô thể, thì một sự kiện nhỏ nhoi đó cũng đủ gợi sáng trong tâm…” (Hoa Đạo).
Thật ra, trên đời này dường như chưa có ai hoàn toàn mãn nguyện với những gì mình có, mà luôn luôn thấy hiểu, cứ mãi kiếm tìm, nhiều lúc chẳng biết tại sao. Thật vậy, mọi sự mọi vật trong trần thế có thể phân ra hai bên đối lập mà người Á Đông gọi là Âm và Dương. Đối lập nghĩa là trái ngược và bên thừa bên thiếu, bên có cái này bên kia không có, nên Âm và Dương luôn luôn thu hút nhau, tìm nhau để bổ túc theo từng cặp như đàn ông và đàn bà, tinh thần và xác thịt, năng lượng và vật chất, danh và lợi, bệnh tật và sức khỏe, đêm và ngày, tĩnh và động, xanh và đỏ, mát và nóng, thảo mộc và động vật, v.v…
Như vậy, cỏ cây xanh mát, yên tĩnh là đối lập nhưng bổ túc cho động vật, kể cả con người, có máu nóng đỏ và năng động. Riêng với con người, thì hoa lá cỏ cây không những an định tinh thần, mà còn nuôi dưỡng xác thân. Cỏ cây đã âm thầm luyện lọc các chất vô cơ có trong trời đất thành chất hữu cơ cần cho sự sống của người mà không hề đòi hỏi đáp đền ơn đức. Một sự hy sinh cao cả biết bao! Thế mà con người lại tỏ ra vô ơn, xem thường ngũ cốc, rau đậu mà thiên nhiên dành cho chủng loại để đòi thêm cái quyền tha hồ ăn thịt những con thú dữ, hoặc chê bai thô cứng nên ra sức xát chà thật trắng, tinh lọc thật kỹ, rồi dùng cả hóa chất nhân tạo để cưỡng ép thức ăn theo đòi hỏi giác quan. Vì vậy, thay vì “dinh dưỡng” lại hóa ra “đầu độc”, và con người vô ơn đã phải chịu hậu quả nặng nề, trước hết là bị giam cầm trong ngục tù bệnh hoạn.
Chúng ta có thể che mắt thế gian, né tránh pháp luật của xã hội, nhưng đối với lưới trời
- pháp luật của thiên nhiên - tuy lồng lộng vô hình, nhưng không ai qua lọt. Bởi thế, điều khôn ngoan nhất để có một cuộc đời lành mạnh an vui là hòa theo dòng sông “ vốn dĩ như thế” của tự nhiên và ôm lấy cỏ cây với tình yêu vô bờ bến. Xét cho cùng, tình yêu chẳng qua là một hiện tượng tự nhiên, biểu hiện nguyên lý tối thượng của vũ trụ: Âm và Dương hấp dẫn để bổ túc cho nhau. Đấy chính là nguồn động lực vĩ đại tạo nên vũ trụ cùng vạn vật mà các nhà hiền triết xưa nay rao giảng, và cũng là nguồn cảm hứng muôn đời của thế nhân.
Em yêu ơi! Thoáng giây anh chợt cảm Cung tình yêu bật chạm bởi Thiêng liêng Rung ngân lên trong sâu lắng hồn riêng Là sức sống triền miên xoay vũ trụ.
Và chợt đó, như hương hoa khai nụ,
Chớm tình riêng ấp ủ ở hồn ta
Đang nhẹ nhàng, thật nhẹ tỏa lan ra Và êm ả bao trùm lên vạn hữu!
Em có biết tình yêu là vĩnh cửu,
Là hằng sinh, hằng hữu ở muôn loài?
(thơ Nguyễn Diên Tiên Phước)
Đối với con người trong các động lực thúc đẩy tồn sinh, mạnh nhất phải kể đến tình yêu xác thịt (tình dục) và tình yêu ăn uống (đói khát). Tình dục chỉ để lưu truyền nòi giống và
nhiều người có thể chế ngự. Trong khi đói khát quan hệ đến sự sống còn nên vô cùng mãnh liệt. Muốn biết được sức mạnh của đói khát, chỉ cần nhịn ăn nhịn uống vài ngày sẽ rõ.
Khi nhắc đến tình yêu, người Á Đông thường hiểu theo bảy mức độ:
1)tình nhục dục
2)tình cảm giác
3)tình cảm tính
4)tình trí thức
5)tình xã hội
6)tình lý tưởng
7)tình bao la
Tình bao la, tình yêu cấp 7 là tình yêu không phân biệt, không ngăn ngại, ôm vào lòng tất cả với sự kiên nhẫn vô cùng và vui vẻ hy sinh. Chính đây là tình thiêng liêng mà người phụ nữ Việt Nam cổ truyền hằng ấp ủ. Và cũng với tình yêu này dành cho hoa lá mà người Nhật đã tôn việc chơi hoa lên hàng đạo giáo.
Người Nhật có Hoa Đạo (kwado), trong khi người Việt Nam xem ra không có. Phải chăng người Việt kém phần tinh tế và thiếu óc thẩm mỹ?
Xét về văn hóa nghệ thuật, dân tộc Việt Nam không kém nước nào, có khi hơn là đằng khác. Ngay cả trong việc ướp xác thường gây ấn tượng kinh sợ, trình độ nghệ thuật của người Việt cũng đạt đến mức điêu luyện. Các nhà khảo cổ học thế giới lấy làm kinh ngạc về xác ướp của hai vị sư chùa Đậu, không những còn đủ mọi bộ phận cơ thể, trải qua mấy trăm năm vẫn không suy chuyển dù chịu bao biến động đổi dời, mà còn trông như hai pho tượng sống động, tuyệt tác của điêu khắc. Nói đến điêu khắc thì 18 tượng gỗ la hán chùa Tây Phương cũng là bằng chứng của nghệ thuật. Những tượng gỗ này không những có giá trị tôn giáo, mà còn diễn tả mọi tâm trạng của con người rất tinh vi. Với hoa lá cỏ cây cũng thế, Việt Nam không thiếu những nghệ nhân hoa cảnh có tài mà nét đặc trưng là hòn non bộ. Trời đất thiên nhiên với núi đồi, cây, nước, thú, người (thường là tiên ông đánh cờ và bộ tứ ngư, tiều canh mục), và cả đến những công trình nhân tạo như đền đài, cầu cống được thu lại trong khoảng không bé nhỏ vừa đủ làm dịu đi những căng thẳng đời thường và gợi niềm cảm khái về lẽ tồn sinh.
Đem núi rừng xa đặt ở đây,
Mây xanh, mây trắng một hồ đầy! Gót sen, có thảm trăng xinh nhé! Không rượu, hương lòng cũng đủ say!
(thơ Vương Từ)
Song, nghệ thuật hoa cảnh không được người Việt tôn thành đạo giáo vì hai lý do. Lý do thứ nhất, như đã nói, cái gì thiếu, hiếm thì hấp dẫn và được quý trọng; trái lại, cái gì nhiều, thừa thãi thì dễ bị xem thường bỏ bê. Có thể nói dân tộc Việt Nam sinh ra và lớn lên trong một tấm chăn thực vật muôn sắc, có những giống cây cổ đại không nước nào có.
Một thầy thuốc Trung Quốc qua Việt Nam hành nghề đã than: “Người Việt chết trên đồng thuốc mà không hay biết!” Môi trường bán nhiệt đới của Việt Nam là miền đất lành cho cỏ cây phát triển, trong khi môi trường phương Bắc lạnh hơn của Nhật Bản thì không thuận lợi bằng. Giáo sư Ohsawa khi qua thăm Việt Nam có bày tỏ: “Các bạn thật sung sướng vì có hàng nghìn loại cây cỏ ăn được, trong khi ở Nhật Bản chỉ độ 500!” Hoa lá cỏ cây đã trở thành chất sống, là thịt, là sương, là hồn của dân tộc Việt Nam. Điều này thể hiện trong ngôn ngữ. Người Việt thường có thói quen dùng hoa lá cỏ cây diễn tả ý tình như qua mấy đoạn ca dao sau đây:
Trúc xinh, trúc mọc đầu đình
Em xinh, em đứng chỗ nào cũng xinh
Trèo lên cây bưởi hái hoa,
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân, Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc
Em có chồng, anh tiếc lắm thay!
Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh bông trắng, lại chen nhị vàng!
Nhị vàng, bông trắng, lá xanh
Gần bùn, mà chẳng hôi tanh mùi bùn!
Ca dao là một loại thơ truyền khẩu dân gian không rõ tên tác giả. Mỗi bài có thể ngắn hoặc dài gồm từng đoạn hai câu lục bát (một câu 6 chữ và một câu 8 chữ) hoặc 4 câu song thất lục bát (2 câu 7 chữ, một câu 6 chữ và 1câu 8 chữ). Ca dao Việt Nam không những phong phú, ý vị (có người sánh với kinh thi do khổng tử san định), mà còn là loại thơ mang chất nhạc tiêu biểu cho giọng nói của người Việt. Một nhà ngôn ngữ học phương Tây đã nhận xét: “ Người Việt nói như chim hót” không những chim hót, giọng nói Việt Nam còn đượm hương tươi mát của hoa lá cỏ cây. Ngay cả trong nước khi có dịp nghe các cô gái Việt Nam chính thống (chưa lai căn) chuyện trò đều mê mẩn quên hết mọi chuyện trên đời. Mà đôi lúc cũng quên hết để dọn hồn cảm nhận âm nhạc Việt Nam.
Âm nhạc phương Tây lấy thanh âm làm trọng, trong khi âm nhạc Việt Nam làm nổi bật sự tĩnh lặng thâm trầm. Để hiểu được điều này, bạn hãy dạo chơi trên một cánh động thôn dã vào buổi hoàng hôn se se lạnh. Mặt trời sắp tắt ở dãy núi xa, và trong khung cảnh ấy mỗi cánh chim đơn độc chầm chậm bay qua. Chợt bạn nghe đâu đây vẳng tiếng chuông chùa. Âm thanh mơ hồ đó làm bạn càng ý thức hơn về sự tĩnh mịch và nỗi êm ả trong lòng càng thêm sâu lắng.
Lý do thứ hai khiến người Việt không có “ Đạo” về hoa hoặc một hệ thống giáo điều rõ rệt, chính là ở tinh thần phóng khoáng, không chịu gò mình vào một khuân khổ cứng nhắc cố định. Người Việt sốt sắng đón nhận mọi nền văn minh văn hóa ngoại lai, có khi quá đáng, nhưng rồi ra, tất cả đều bị biến đổi, dung hợp, hòa trộn với truyền thống dân tộc. Thí dụ Phật giáo Thiền tông từ Trung Quốc du nhập vào Việt Nam đã chuyển ra một sắc thái khác, tiêu biểu là hai phái Thiền Thảo Đường Đời Lý (thế kỷ 11 -12) và Thiền Trúc Lâm Đời Trần (thế kỷ 13) Thiền học Việt Nam là sự phối hợp hài hòa giữa đạo và đời, vừa hướng về tâm linh thoát tục, vừa nêu gương sáng của con người xã hội đầy đủ đức tài.
Các Thiền sư, tiêu biểu là các vị khai tổ như Lý Thánh Tông của phái Thảo Đường và Trần Nhân Tông của phái Trúc Lâm, cũng là những nhà xã hội tài ba, những chiến sỹ lỗi lạc, vừa là những thi nhân lai láng hồn thơ. Các vị vua Trần có thông lệ khi thấy tuổi cao sức yếu liền nhường ngôi cho con để lo bề tu tâm dưỡng tính, song nếu cần, vẫn tham gia việc nước với vai trò cố vấn cho triều đình. Nước Việt dưới thời Lý Trần rất thịnh trị hùng cường nhờ vua Minh, tôi giỏi, quan dân một lòng, đã để lại đời sau những trang sử đẹp không những về chiến công, mà cả về ấm no hạnh phúc.
Có thể nói truyền thống Việt Nam là tôn kính đất trời thiên nhiên, thờ phụng tổ tiên cha mẹ, trọng người tài đức không kể lạ quen, thương người, cần cù nhẫn nại, giản dị, thật thà và vui cười trong mọi hoàn cảnh. Có người hẳn phê bình “dân tộc ta gì cũng cười, vui cũng cười, khổ cũng cười, sướng cũng cười, chẳng biết đâu phân biệt tốt xấu!” Thử hỏi hạnh phúc là gì?
Chẳng phải là niềm vui sống đó sao? Niềm vui đó không thể có thật với tiền tài hay uy quyền vật chất, mà là sức khỏe của cơ thể cùng sự thanh thản, thoải mái của tinh thần. Trong cuộc sống ngày càng căng thẳng, nụ cười thật đáng giá ngàn hoa.
HOA ĐẠO
George Ohsawa Ngô Thành Nhân và Nguyễn Hồng Giao dịch
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nguyễn Quốc Thủ
Chịu trách nhiệm bản thảo: Hồng Duệ
Biên tập: Bích Tiên
Sửa bản in: Lê Đình Bích
Bìa và trình bày: Nguyễn Công Phú
Nhà xuất bản văn nghệ thành phố HỒ CHÍ MINH, 1991
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top