Phần thứ nhất
Đâu cần phải tha thứ cho bằng hết lỗi lầm mới có thể yêu thương....
Vào cái ngày đầu tiên Nakajima ngủ lại nhà tôi, tôi mơ thấy mẹ.
Phải chăng là do đã lâu rồi tôi mới ngủ cùng phòng với ai đó?
Lần gần nhất tôi ngủ chung phòng với người khác là lần có bố, mẹ và tôi, ba người trong buồng bệnh của mẹ.
Mỗi lần mở mắt, sau khi yên tâm là mẹ chưa ngừng thở, tôi lại ngủ tiếp. Sàn bệnh viện hóa ra rất bụi, tôi cứ ngắm đi ngắm lại hoài một chỗ bụi bám. Giấc ngủ không thật sâu, hễ choàng tỉnh là lại nghe tiếng chân y tá đi ngoài hành lang. Tôi có cảm giác "ở bệnh viện an tâm hơn bên ngoài kia, vì trong này có rất nhiều người đang cận kề cái chết."
Khi ở dưới đáy vực, ta sẽ thấy nơi chốn ấy có một sự ngọt ngào riêng, không giống bất cứ một nơi nào khác.
Đây là lần đầu tiên, kể từ ngày mẹ mất, tôi mơ thấy mẹ.
Có những khi mẹ xuất hiện rời rạc trong một cơn mộng chập chờn, nhưng chưa bao giờ mẹ ở lại giấc mơ tôi lâu và rõ ràng thế này, làm tôi cảm thấy như lâu lắm rồi mình mới được gặp mẹ.
Nói về một người đã mất theo cách như vậy nghe thật buồn cười, nhưng đúng là tôi đã nghĩ thế.
Chẳng có gì lạ khi bảo rằng trong mẹ tôi gần như có hai con người. Hai con người ấy cứ đến rồi đi bên trong hình hài bà như hai nhân cách khác nhau.
Một người rất xã giao, tươi tắn, phong trần, sống gấp và sành điệu. Người kia thì tinh tế, khác nào một đóa hoa yếu mềm, luôn run rẩy chực rụng trước cả một cơn gió thoảng.
Phần nhân cách tựa đóa hoa ấy chẳng hề dễ hiểu, nên mẹ, vốn rất mực xởi lởi, chỉ chú tâm nuôi dưỡng phần tính cách phóng khoáng hơn cả đàn ông kia. Mẹ tưới nước cho nó bằng nhiều cuộc tình và bón phân cho nó bằng lời khen ngợi của thế nhân.
Mẹ sinh tôi mà không lấy bố.
Bố là giám đốc một công ty xuất nhập khẩu nhỏ ở một phố thị nhỏ bên rìa Tokyo. Còn mẹ là một mama xinh đẹp vừa phải trong một câu lạc bộ hạng sang cũng ở phố thị nhỏ bé ven đô ấy.
Lần nọ trong một buổi chiêu đãi, bố được mời tới câu lạc bộ vàmê mẹ ngay từ cái nhìn đầu tiên. Mẹ cũng rất có cảm tình với bố. Trên đường về, hai người ghé quán cơm Hàn Quốc, cười như nắc nẻ, thích thú gọi đủ mọi món và ăn uống thân mật bên nhau.
Tối hôm sau, hôm sau nữa, vào cả những ngày tuyết rơi, bố vẫn đều đặn tới câu lạc bộ, để rồi hoàn toàn trở thành người tình của mẹ hai tháng sau đó. Bất chấp tình huống khiến họ quen nhau, việc phải mất đến hai tháng tìm hiểu làm tôi tin rằng tình yêu của họ là chân thật.
Mỗi lần tôi hỏi tại sao bố mẹ lại cười như nắc nẻ, thì y như rằng cả hai đồng thanh đáp: "Quán đấy chẳng có lấy một người Nhật, bố mẹ loanh quanh mãi giữa đêm khuya mới tìm thấy nó. Nhưng có đọc được thực đơn đâu, đành gọi bừa, kết quả là họ đem ra toàn những món mình không biết hoặc cay khủng khiếp, lại nhiều quá sức tưởng tượng, làm bố mẹ buồn cười." Tuy nhiên, tôi chắc chắn không phải vậy.
Tôi tin rằng, bấy giờ họ vui sướng và phấn khích đến thế chỉ bởi một lý do đơn giản là, người kia đang ở trước mặt mình. Ngoài xã hội họ có thể thế này thế khác, nhưng đối với tôi, họ luôn là hai con người đáng yêu. Họ hay cãi vã, song chỉ toàn những cãi vã kiểu trẻ con.
Mẹ muốn có con nên ngay sau đó tôi ra đời, mặc dù mẹ và bố không cưới xin chính thức. Nghĩ cũng thật lạ, vì trước đấy bố chưa có vợ con nào khác, ngay cả bây giờ cũng không.
Nhà nội phản đối quyết liệt, bố không muốn lôi mẹ vào chuyện này, thành thử tôi đã lớn lên như một đứa con hoang có thừa nhận.
Trên đời đâu thiếu những chuyện như vậy. Vả chăng bố ở bên chúng tôi phần lớn thời gian, nên tôi chẳng thấy mình có gì đáng thương.
Song thú thực từ thâm tâm, tôi cảm thấy chán ngấy hoàn cảnh ấy.
Chán ngấy cái phố thị ấy, sự sắp đặt ấy, tất cả mọi thứ. Tôi muốn quên bằng hết. Mẹ qua đời thậm chí là một cớ hay để kiếp này tôi khỏi phải quay về đó. Trừ việc gặp bố, tôi hầu như chẳng còn chút quyến luyến nào.
Bố mau chóng bán ngôi nhà mà tôi và mẹ từng sống rồi gửi tiền vào tài khoản cho tôi, nói là để tôi khỏi vướng bận chuyện tranh chấp với họ hàng. Tôi không thích, vì cảm thấy nó giống như một dạng bồi thường thiệt hại tinh thần, nhưng dù gì cũng là tài sản do mẹ để lại. Nhà bán đi, mọi dấu tích của tôi tan biến theo, nhưng tôi không đau buồn.
Ví dụ ban ngày mà đến quán bar của mẹ, sẽ thấy mọi thứ đều tối tăm, hơi dơ bẩn, mùi rượu và thuốc vương vất đâu đấy gây cảm giác vô cùng trống rỗng. Những bộ quần áo màu mè của mẹ đưa từ tiệm giặt là về trông mỏng tang dưới ánh mặt trời.
Ấy là tất cả những cảm nhận của tôi về vùng đất cũ.
Cảm nhận vẫn nguyên vẹn đến tận lúc này, khi tôi đã gần ba mươi tuổi.
Lần cuối cùng gặp mặt, bố chăm chú nhìn tôi, đang ngày càng giống mẹ, mắt ngấn lệ.
"Đáng lẽ mọi thứ bây giờ mới bắt đầu. Bố mẹ định về già sẽ sống một cuộc đời thật nhàn tản, cùng nhau đi đây đi đó. Mẹ con bảo dứt khoát phải làm một vòng quanh thế giới bằng tàu thủy. Ai ngờ chuyện xảy ra thế này. Giá mà bố đừng băn khoăn về công việc, còn mẹ đừng ngại xin nghỉ ít bữa ở câu lạc bộ để có thể thu xếp đi ngay thì hay biết mấy."
Uống được rượu, lại thích giao du nên chắc hẳn trước đây bố chơi bời ra trò, nhưng tôi tin là kể từ ngày ở bên mẹ, bố chẳng còn qua lại với ai một cách nghiêm túc nữa.
Mặc dù bố là tay chơi cự phách, xét theo một thứ quan niệm khuôn sáo kiểu như đã là tay chơi thì phải thế này thế nọ, nhưng riêng về mặt hình thức, bố chỉ là một ông chú hói đầu tỉnh lẻ chẳng chệch đi đâu được, làm gì cũng quê kệch, từ đầu đến chân chẳng bới đâu ra được nét gợi tình.
Một người không hề sành điệu. Một người nghiêm túc tới nỗi dân chơi đích thực phải phì cười nếu trông thấy.
Bố vốn dĩ là con người đơn giản, phải sống với những ràng buộc về địa vị, về chuyện kế nghiệp gia đình mà chẳng hề quan tâm đến việc vùng thoát ra khỏi đó.
Trong vai trò giám đốc công ty xuất nhập khẩu ở một phố thị nhà quê, bố tạo cho người ta ấn tượng vềmột người có gốc gác con nhà địa chủ chỉ đang cốt làm cho xong, cho đủ lệ bộ những việc phải làm theo khuôn mẫu đã định.
Tôi nghĩ trong cuộc đời bố, mẹ là đóa hoa duy nhất tỏa ra hương thơm tự do.
Bố không bao giờ trộn lẫn không gian riêng của hai người với bất kỳ thứ gì khác. Ở trong đó, bố như được là mẫu người mà mình mong muốn, cứ về đến nhà là bắt tay tu bổ mái ngói, chăm sóc vườn cây, ra ngoài ăn cùng mẹ, xem bài tập của tôi, sửa xe đạp cho tôi.
Nhưng hai người không bao giờ có ý định rời bỏ mảnh đất ấy để đi tìm cuộc sống của riêng mình. Ở bên nhau trong hoàn cảnh ấy mới chính là cuộc sống của họ.
Giờ đây điều bố lo sợ nhất có lẽ là việc tôi muốn cắt đứt quan hệ với bố.
Tôi nghĩ mối lo sợ ấy không thường trực, mà chỉ như một cơn lạnh bất chợt lướt dọc sống lưng bố mà thôi.
Rằng biết đâu một ngày kia tôi sẽ nói với bố: "Tên họ của chúng ta ngay từ đầu đã khác nhau, nên kể từ giờ chúng ta là người dưng."
Đôi khi, bố bất ngờ chuyển tiền vào tài khoản hoặc gửi đồ ăn tới cho tôi. Tôi sẽ gọi điện cảm ơn. Nỗi lo sợ của bố truyền qua ống nói nghe thật khẩn thiết.
Chúng ta vẫn còn là cha con phải không? Một cảm giác đại loại như vậy.
Tôi cảm ơn bố và nhận tiền, nhưng chưa từng nói rõ dù chỉ một câu rằng quan hệ cha con mình vẫn sẽ tiếp tục. Vì tôi chưa bao giờ cho rằng mối quan hệ của chúng tôi thuộc diện cần phải nói ra điều đó. Cho dù bố đang cảm thấy thế nào với nỗi day dứt mơ hồ trong lòng, và cho dù tôi có định cắt đứt quan hệ thật, thì bố vẫn là bố.
Riêng về phần mình, tôi chẳng để tâm tới những chuyện như thế.
Nếu cơ nhỡ, tôi rất sẵn lòng được nhờ cậy bố, nhưng khi bố mua cho tôi món này món nọ, thì thể nào những kẻ đố kỵ tham lam cũng tới dòm dỏ (tôi biết bọn họ chỉ đơn giản là muốn nhìn ngó mà thôi) khiến tôi thấy phiền toái.
Tôi thấy phiền toái với mọi thứ định níu giữ tôi lại nơi ấy. Tôi chỉ muốn dừng lại ở những gì tối thiểu.
Trong mắt tôi, dường như có một sợi xích đã cột chặt chân bố mẹ vào với nhau, rồi cột chặt họ với phố thị đó, mặc dù bản thân họ chưa chắc đã nhận ra.
Vì thế, tôi thường xuyên ấp ủ một điều: ấy là có thể chạy trốn bất cứ lúc nào. Tôi hay nghĩ, giả dụ mình có bạn trai, rồi lỡ ra thật lòng, tổ chức đám cưới linh đình trong một khách sạn hay đâu đấy ở phố thị này, lại không may mang bầu nữa, thì coi như chấm hết.
Thế nên, ngay cả khi bạn bè cùng trang lứa vô tư yêu đương hoặc mơ mộng chuyện cưới xin, tôi vẫn cứ thờ ơ. Trong lúc hành động tôi luôn suy xét đến hậu quả. Ngay sau khi tốt nghiệp cấp ba tôi liền lấy cớ lên Tokyo học đại học để ra khỏi nhà cho thật nhanh.
Tôi cảm nhận được bằng chính cơ thể, về sự phân biệt đối xử, tuy có gượng nhẹ nhưng chắc chắn tồn tại, mà mình đang chịu đựng.
Có một bầu không khí luôn vây chặt lấy tôi theo kiểu "gọi là con cái danh gia trong vùng, chứ bản chất chẳng qua là đứa con gái ngoài giá thú của một mama quán bar mà thôi", nó tỷ lệ thuận với mức độ nổi tiếng của bố, mà bố thì chỉ nổi tiếng trong khu phố thị này.
Khi đến Tokyo, trở thành một sinh viên vô danh chuyên ngành nghệ thuật, tôi gần như bay bổng vì nhẹ nhõm.
Có lẽ đến hết đời tôi cũng không quên được cảm giác khi thấy những kẻ đầy lòng hiếu kỳ cùng hứng thú lẫn ganh ghét vận bộ đồ đen sặc vẻ hình thức và đãi bôi, dát lên mình sự nghiêm trang giả tạo, gắn lên bộ mặt đau buồn ánh mắt sáng trưng đến nhìn vào bên trong quan tài mẹ... Cái cảm giác chỉ muốn đập tan bầu không khí giả dối và đội lốt ấy bằng một điệu múa khỏa thân cho bõ ghét.
Thân xác mẹ đã được lửa tẩy sạch, không để ánh mắt bẩn thỉu nào có thể in dấu lên đó. Tôi không nghĩ mình lại cảm thấy nhẹ nhõm đến thế khi mẹ bị hỏa thiêu. Trang phục của mẹ, vẻ đẹp của mẹ, quy mô đám tang mà bố chẳng tiếc tiền chuẩn bị dường như đã hoàn toàn thỏa mãn lòng hiếu kỳ của bọn họ.
Với vai trò tang chủ, tôi đứng ra đọc lời điếu, cố gắng mỉm cười hoặc thỉnh thoảng lau nước mắt, nhưng không nói với ai về cảm giác mỉa mai đang dâng lên trong mình.
Đó là một cảm giác thanh cao mà những kẻ đang cố sống cố chết gắn cho kiếp nhân sinh vốn không có hình thù một thứ hình thù nào đó chẳng bao giờ hiểu được.
Nhưng may thay, cô hàng xóm và một vài người bạn ít ỏi của mẹ đã đem lại cho tôi tình cảm đầm ấm, giúp tôi có được những giây phút dễ chịu, rồi cùng uống với nhau một tách trà nóng.
Cuộc đời chắc chắn vẫn còn những mặt tốt. Thật tiếc khi phải công nhận rằng giữa cái xấu, ta mới thấy mặt tốt rõ hơn. Không dùng lời, nhưng ánh mắt của họ nói với tôi rằng: "Chúng ta biết con đang tổn thương."
... Khi trông thấy bố bám chặt lấy quan tài khóc nức nở, tôi đã nghĩ mình không bằng bố. Bố dồn cả tâm tư cho mẹ, còn tôi thì toàn để ý tới những điều vô nghĩa.
Trước câu chuyện tình thế kỷ (tất nhiên chỉ đối với hai người họ) ấy, tôi chỉ là cô con gái nhỏ đang run lên vì mất mẹ. Hoặc cũng có thể, đây đơn giản là sự khác biệt giữa chồng và con.
Phải rồi, ngày hôm đó, mẹ đã đến trong giấc mơ tôi, không phải cái nhân cách kia mà là phần con người tựa một đóa hoa của mẹ.
Phần con người thân thương như một cánh hoa mỏng thẹn thùng rung rinh trong bóng nắng.
Mẹ nói chuyện với tôi, trong khung cảnh của căn buồng bệnh từng chứng kiến những ngày cuối cùng của đời mẹ. Suốt một thời gian dài mẹ không thể nhỏm dậy, nên khi thấy mẹ ngồi tựa lưng vào thành giường, tôi bỗng thấy nhớ mẹ quá.
Gió từ cửa sổ thổi vào, ánh nắng cũng lung linh. Mặc bộ đồ ngủ màu hồng giống một nữ sinh trung học trong chuyến dã ngoại cuối cấp, mẹ như đang ở giữa quầng sương mù đẹp đẽ. Những bó hoa thăm hỏi tựa hồ nhòa tan trong vầng hào quang của mẹ.
Mẹ chói chang quá khiến tôi cứ phải nhìn hồi lâu vào đám bụi bám trên bậu cửa sổ. Mẹ nói:
"Chihiro ơi, mắc sai lầm một lần thôi là suốt cả cuộc đời con sẽ sống trong bồn chồn, nóng nảy giống như mẹ. Con hiểu không? Lúc nào cũng nóng giận hoặc quát tháo tức là đang phải lệ thuộc vào người khác đấy."
Con hiểu, con hiểu. Con biết thật ra mẹ không phải kiểu người thích mắng mỏ ai đó, hoặc gập mình trước những khách hàng quan trọng để duy trì quán bar, hoặc quát tháo bố qua điện thoại mỗi lần bố không tới và rằng "biết làm sao được khi tôi chẳng phải là vợ chính thức mà chỉ là vợ hờ của ông thôi", mẹ đâu có con mắt lõi đời như vậy; mẹ thật ra không giống đóa hoa dại nở ngoài đồng mà là kiểu người mang trong mình sự tinh tế và trong suốt đến rùng mình, như đóa hoa âm thầm nở trên vách đá cao vút chẳng ai khác ngoài chim chóc, hươu nai lui tới.
Hẳn là bố đã nhận ra điều đó. Hẳn là bố luôn nhìn nhận mẹ theo cách hiểu riêng của mình.
Bởi khi thả lỏng mình bên bố, lúc nào mẹ cũng như một thiếu nữ. Hai người giống bọn con nít ấy. Nhưng chỉ tại xã hội, hay nhân thế, hay những thứ tương tự đã không để hai người tạo dựng một thế giới riêng, phải vậy không?Mà hai người cũng không có được sự can đảm hay liều lĩnh để tạo dựng thế giới riêng ấy, phải vậy không? Mọi chuyện chấm dứt giữa khi cuộc đời tạm bợ vẫn đang chiếm giữ vị trí của cuộc đờithực sự, phải vậy không?
Tôi chỉ nghĩ thầm trong bụng, vậy mà, chắc tại trong mơ nên mẹ gật đầu thật dễ dàng. Rồi mẹ nói:
"Kỳ thực mẹ không muốn thế. Mẹ ghét trang điểm, ghét phẫu thuật thẩm mỹ, mẹ sợ bệnh viện, sợ nhìn thấy những người tìm đến bệnh viện để làm đẹp. Thú thật là mẹ rất sợ đau. Khi được khuyên làm, mẹ chỉ mơ hồ cảm thấy cần thiết, và thế là quyết định. Đến lúc bước vào phẫu thuật thực sự, mẹ lại thấy sợ, và để đánh lừa bản thân, mẹ đã biến nó thành chuyện cười, nhưng tinh thần thì mãi mãi tổn thương."
"Hơn nữa, mẹ đâu có muốn cằn nhằn suốt ngày với bố con. Nhưng mẹ chỉ sợ bố con đi mất, vì thế mới cố níu cho thật chặt. Mặc dù biết rằng còn có bao nhiêu cách bày tỏ khác mà không cần cáu giận, nhưng mẹ vẫn làm thế. Tự lúc nào mẹ đã dấn bước vào con đường này, con đường không thể quay ngược trở lại. Bất an khiến bất an càng thêm chồng chất, rồi mẹ nhận thấy đóng kịch để che giấu tình cảm thật của mình thì dễ được chấp nhận hơn, nên cứ trượt dài theo hướng đó. Mẹ không dừng lại được nữa. Và rốt cuộc, mẹ chết mà không thay đổi được gì."
"Con biết không, từ chỗ hiện giờ, khi dùng tầm nhìn bao quát xem xét lại những ngày đã qua, mẹ hiểu ra rất nhiều điều. Mẹ nhìn thấy biết bao nhiêu chuyện, không phải những chuyện gây hối hận đâu, mà lại chính là những việc mà mẹ đã không cần phải lo lắng. Bởi vậy mẹ muốn nói..."
"Chỗ hiện giờ" có phải là thiên đường không? Có thiên đường sao hả mẹ? Tôi thầm hỏi, nhưng mẹ chỉ cười lấp lửng rồi tiếp:
"Một kẻ sĩ diện như mẹ có quá nhiều nỗi sợ nên để bảo vệ mình, mẹ chỉ còn cách làm như thế. Nhưng con thì đừng vậy. Luôn luôn giữ ấm bụng, thả lỏng con tim và cơ thể để máu đừng bốc lên đầu. Hãy sống như một bông hoa con nhé. Đó là quyền lợi. Là việc nhất định con có thể làm khi hãy còn sống. Chỉ cần như thế thôi."
Mẹ cười tươi. Phải rồi, hãy giữ ấm bụng là câu mẹ thường nói với tôi hồi bé mỗi lần tôi ngủ hở bụng để mẹ phải đắp lại chăn cho. Nhớ đến câu nói ấy, tôi bỗng trào nước mắt dẫu đang trong mơ.
Hồi nhỏ, nửa đêm mỗi lần tỉnh giấc và hé mắt ra nhìn, tôi lại thấy mẹ đang vỗ nhè nhẹ vào cái bụng để hở của tôi, sửa sang áo ngủ rồi đắp lại chăn cho tôi.
Bằng cơ thể, tôi đã học được rằng: "Được yêu là thế. Là khi một người 'muốn chạm vào mình, muốn tỏ ra dịu dàng với mình'".
Vì vậy tôi không bao giờ có phản ứng trước một tình yêu giả tạo. Đây là ý nghĩa của việc "được nuôi nấng" chăng?
Con muốn gặp lại mẹ một lần nữa, mẹ ơi. Con muốn được chạm vào người, được ngửi mùi của mẹ.
Khi nghĩ rằng ngay cả cái quán bar hơi dơ bẩn lúc ban ngày giờ đây cũng không còn nữa, tôi bỗng thấy nhớ thương.
Cho dù không phải một chốn tuyệt vời, nhưng đó đã từng là nơi chắp cánh cho tôi. Là thế giới có mùi của mẹ. Là nơi hơi ấm cũng nhiều như sự huyên náo. Tôi vẫn còn là đứa trẻ cần đến cha mẹ, vậy mà tự lúc nào đã phải bước đi một mình.
Trong mơ, tôi nhận thấy cảm giác đau buồn tăng lên gấp đôi, cõi lòng thì yếu mềm hẳn, tưởng chừng sắp bị nghiền nát tới nơi.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top