Bước đột phá về thể chế của công tác hộ tịch, nền tảng phục vụ Nhân dân
Luật Hộ tịch - Bước đột phá về thể chế của công tác hộ tịch, nền tảng phục vụ Nhân dân
Việc Luật Hộ tịch được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 8 đã tạo bước đột phá về thể chế của công tác hộ tịch, nền tảng phục vụ Nhân dân. Là cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ cho công tác đăng ký và quản lý hộ tịch, là cơ sở quan trọng để xây dựng hệ thống đăng ký và quản lý hộ tịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, thân thiện với người dân, phục vụ tốt hơn các yêu cầu của người dân và các cơ quan, tổ chức.
Đây là lần đầu tiên nước ta có một văn bản luật điều chỉnh công tác hộ tịch, tạo cơ sở pháp lý vững chắc để ngành Tư pháp tiếp tục chuẩn hóa, kiện toàn đội ngũ công chức tư pháp - hộ tịch, khẳng định mạnh mẽ vai trò của công tác này trong hoạt động tư pháp. Luật Hộ tịch đề cao tầm quan trọng của việc đăng ký khai sinh và cấp Giấy khai sinh, đồng thời quy định việc cấp Số định danh cá nhân khi đăng ký khai sinh. Số định danh cá nhân là số được cấp cho mỗi công dân Việt Nam, không lặp lại ở người khác. Số này cũng chính là số thẻ căn cước công dân được cấp khi đủ 14 tuổi. Quy định xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử để lưu giữ thông tin hộ tịch của cá nhân (song song với cơ sở dữ liệu giấy), đồng thời kết nối, với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Thông tin hộ tịch của người dân sẽ được quản lý tập trung, thống nhất; các Bộ, ngành, địa phương có thể lấy thông tin công dân từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.
Luật Hộ tịch mở ra cơ hội cho người dân có quyền lựa chọn phương thức phù hợp, thuận tiện nhất để thực hiện yêu cầu đăng ký hộ tịch, như việc gửi hồ sơ trực tiếp, qua bưu chính hoặc thông qua hệ thống đăng ký trực tuyến trong điều kiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin cho phép.
Cùng với đó, Luật đã quy định cá nhân có quyền lựa chọn cơ quan đăng ký hộ tịch cho mình mà không phải phụ thuộc vào nơi cư trú như trước nay. Theo quy định của Luật, cá nhân có thể được đăng ký hộ tịch tại cơ quan đăng ký hộ tịch nơi thường trú, tạm trú hoặc nơi đang sinh sống.
Điểm đáng chú ý là Luật quy định rõ việc miễn phí đăng ký hộ tịch cho người thuộc gia đình có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, người khuyết tật; đăng ký khai sinh, khai tử đúng hạn, giám hộ, kết hôn của công dân Việt Nam cư trú trong nước.
Thủ tục đăng ký hộ tịch sẽ được đơn giản, cắt giảm tối đa những giấy tờ không cần thiết. Khi đăng ký hộ tịch, người dân được cấp trích lục hộ tịch. Với những sự việc hộ tịch quan trọng liên quan trực tiếp đến đời sống hàng ngày của người dân như khai sinh, kết hôn, sau khi đăng ký, người dân vẫn được cấp bản chính giấy khai sinh, giấy chứng nhận đăng ký kết hôn.
Với quan điểm thực hiện phân cấp mạnh cho chính quyền địa phương/cơ sở, Luật quy định Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết toàn bộ các việc đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài và thay đổi, cải chính hộ tịch cho người từ đủ 14 tuổi trở lên, trừ việc đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra tại Việt Nam có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam thường trú tại khu vực biên giới còn người kia là công dân của nước láng giềng thường trú tại khu vực biên giới với Việt Nam; kết hôn, nhận cha, mẹ, con của công dân Việt Nam thường trú ở khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng thường trú ở khu vực biên giới với Việt Nam, khai tử cho người nước ngoài cư trú ổn định lâu dài tại khu vực biên giới của Việt Nam. Ủy ban nhân dân cấp xã đăng ký các việc hộ tịch còn lại.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, yếu kém của đội ngũ công chức Tư pháp – hộ tịch hiện nay, Luật Hộ tịch quy định cụ thể về tiêu chuẩn công chức trong lĩnh vực này phải có trình độ trung cấp luật trở lên, được bồi dưỡng nghiệp vụ hộ tịch và có trình độ tin học phù hợp. Trước khi luật có hiệu lực (01/01/2016), Bộ Tư pháp sẽ rà soát, bồi dưỡng nghiệp vụ hộ tịch, chuẩn hoá đội ngũ công chức Tư pháp - hộ tịch và đến trước ngày 01/01/2020 phải hoàn thành việc đào tạo lại đối với toàn bộ đội ngũ này.
Tác giả: Quốc Anh
1j
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top