Tự Do

Từ sau đám ma ông Còn, cụ Hết bỗng trở thành người đàn ông "bận rộn" nhất xóm. Sáng cụ đi sớm, tối cụ về trễ, có hôm về muộn tới mức con nhỏ giúp việc chờ mở cửa mà gật gà gật gù, suýt ngã ra ghế. Thấy cụ đi miết, nhưng cả nhà chẳng ai dám hó hé hỏi: "Cụ đi đâu, gặp ai, làm gì?" Vì tụi nó hiểu, giờ cụ tự do rồi, đừng dại mà đụng tới.
Cả đời cụ Hết đã làm tròn trách nhiệm của mình, phải nói là "xuất sắc đến mệt mỏi." Nào là lấy vợ, sinh con, nuôi dạy tụi nó thành tài, dựng vợ gả chồng cho tụi nó, rồi giao của cải, rồi phụ chăm cháu, rồi cháu lớn lại sinh chắt. Cụ tự nhủ: "Cái vòng lặp này mà không dừng lại, chắc tao cũng... ngưng thở theo!"
May mà giờ cái "nhiệm vụ không hồi kết" đó coi như chấm dứt. Cả nhà cụ Hết đã đoàn tụ bên kia, để lại mình cụ Hết với cái sân trống. Buồn thì cũng buồn, nhưng cụ nghĩ: "Buồn hoài được gì? Tụi nó đoàn tụ, viên mãn hết rồi. Còn tao? Tao còn sống nhăn đây mà!"
Vậy là cụ quyết định sống cho mình. Mỗi lần ra khỏi cổng, cụ hít một hơi như thể đánh dấu: "Giờ là thời của tao, mấy đứa nhỏ đừng có hòng rầy rà!"
Ban đầu, cụ Hết chỉ lang thang loanh quanh gần nhà, kiểu như "làm quen với tự do từ từ." Cụ lân la kết bạn với mấy ông cụ xóm bên, nhưng sau vài lần trà nước, cụ phát hiện ra một sự thật đau lòng: tụi ông cụ kia cũng bị quản thúc tại gia y chang cụ hồi trước. Người thì bị con cái canh gắt, người thì đau chân đau lưng, có đi được cũng chỉ tới cái ghế đá trước nhà là hết hơi.
Mà oái oăm hơn, cụ nghe loáng thoáng mấy đứa con của tụi nó còn cấm cửa, không cho cha mẹ tụi nó giao du với cụ Hết. Lý do? Nghe đâu tụi nó sợ cụ Hết "nhiệt tình quá," dắt nguyên đội ông bà lão đi luôn, mà đi theo kiểu... không về.
Cụ Hết nghe mà tức muốn bật ngửa: "Ủa, tao trông giống kiểu đầu nậu chuyên dụ người lớn tuổi trốn nhà lắm hả?!" Nhưng tức thì tức, cụ cũng không giận lâu, chỉ cười xòa: "Thôi, tụi nó nói sao thì cứ để vậy, mình tự do là được rồi!" Thế là cụ quay xe, tự làm bạn với chính mình, còn mấy ông cụ kia thì cứ ở nhà mà sợ hão!
Từ việc lang thang loanh quanh xóm, giờ cụ Hết "nâng cấp" phạm vi lên quận kế bên, hẳn quận 5. Điệu bộ cụ thì khỏi nói, lịch sự chuẩn phong cách: quần dài, áo sơ mi đóng thùng, dây nịt da, đội thêm cái nón bê rê cũ. Tay cầm cây gậy chống, nhưng thiệt tình, gậy chỉ để cầm cho có phong cách. Chỉ đôi khi đi bộ lâu quá, cụ mới chống xuống nghỉ một chút. Cụ nghĩ: "Tuổi này mà không cầm gậy, coi bộ hơi... kỳ."
Đi ra đường, cụ đúng kiểu "người của công chúng." Ai cũng ngoái lại nhìn, không biết vì cụ già một cách "ấn tượng" hay vì cụ cứ lang thang một mình trông tội tội. Có người lẩm bẩm:
"Con cháu ông đâu mà để ông già đi một mình vậy trời?"
Đỉnh điểm là bữa nọ, cụ đứng chờ đèn đỏ ở ngã tư. Một chiếc xe máy tạt qua, người lái dúi vào tay cụ tờ một trăm ngàn rồi rồ ga chạy mất. Cụ đứng đó, chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra, muốn trả lại cũng không kịp. Cầm tờ tiền, cụ lắc đầu cười khổ:
"Ủa, chớ mình nhìn giống vậy thiệt hả?!"
Cụ Hết đi ngoài đường mà phong thái đúng kiểu "người không còn gì để mất." Cụ không vội, cứ nhàn nhã bước từng bước, chậm rãi mà khoan thai như thể tận hưởng từng giây phút của tự do. Ai trên đường cũng bận rộn, còn cụ thì cứ như đang đi dạo trong công viên.
Đi được vài trăm mét, cụ mệt thì cụ ngồi bệt xuống vệ đường, bệ cây, hay ghế đá, chẳng câu nệ chỗ nào. Cụ nghĩ bụng: "Giờ mình có tất cả thời gian trên đời, mắc gì phải gấp?"
Khi nào đói, cụ Hết lại ghé vào một quán ăn ven đường, chậm rãi gọi một tô mì nhỏ hay tô phở "con nít." Ở tuổi cụ, ăn uống đâu cần nhiều, chỉ cần no bụng là được. Mà lạ cái, cụ đi ăn ở đâu cũng được mời chào đon đả: "Ông cụ, mời vô đây! Cụ ngồi ghế này cho mát!" Đến khi ăn xong, cụ nằng nặc móc tiền ra trả, thì chủ quán cứ phẩy tay: "Thôi cụ ơi, cụ ăn nhiêu đây mà lấy tiền coi sao được!"
Ban đầu cụ còn ngượng, sau thành quen. Cụ nghĩ: "Trả được thì trả, còn không lấy thì thôi, cũng hổng ép!"
Cứ thế, cụ đi lang thang khắp nơi, như thể cả cái thành phố đã biến thành cái sân nhà của mình. Đi tới khi mệt thì cụ ngồi nghỉ đâu đó, xong lại thong thả đứng dậy đi tiếp. Mỗi khi chán, cụ lại bắt một chiếc xe ôm về nhà. Mà khổ, mấy bác xe ôm thấy cụ già cả, cũng không chịu lấy tiền. Có lần, cụ dúi tờ tiền vào tay bác xe ôm, bác còn lắc đầu:
"Cụ để dành mua bánh ăn, con lấy sao đặng!"
Thành ra, cụ Hết nhìn lại túi tiền của mình mà tự cười: "Ủa, vậy là có tiền, mà xài hổng được, cũng đâu khác gì hổng có!"
Cụ Hết giờ đây tự do đúng nghĩa, không ai cấm cản, chẳng ai quản thúc. Mặc dù cái cơ thể của cụ đôi khi cũng rệu rã, khớp gối thì kêu răng rắc, có lúc còn phải xài tã. Nhưng cụ nghĩ: "Hề chi! Quan trọng là còn đi được, còn thở được, vậy là ngon rồi!"
Thế nhưng, tự do cũng không phải lúc nào hoàn hảo. Vì giờ đây, có một chuyện làm cụ Hết phải băn khoăn, mà nói thiệt, lúc đầu cụ cũng hơi... ớn. Đó là từ sau đám ma của thằng Hải, cụ bỗng... thấy ma!

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top