Cụ Hết.

Quận 6, những năm 2000. Một ngày mưa đầu mùa đổ ào ào, mát rượi, như muốn dập tắt cái nóng chảy mỡ từ con đường Nguyễn Văn Luông. Hàng cây ven đường, vốn bị cả khu coi như "kỳ đà cản mũi," bỗng xanh mướt lên kỳ lạ.
Ngày thường, mấy cây này chỉ có hai công dụng: làm chỗ đổ nước lèo thừa từ xe hủ tiếu gõ, hoặc "nhà vệ sinh dã chiến" cho mấy ông nhậu. Chăm sóc? Đừng mơ! Ai cũng lầm bầm nó chắn mặt tiền quán, sống hay chết cũng chẳng ai thèm quan tâm.
Vậy mà cơn mưa đầu mùa lại giống như phép lạ. Nước mưa ào xuống, rửa sạch hết tô nước lèo, bụi bặm, thậm chí cả "di sản" của mấy bợm nhậu. Hàng cây đứng thẳng tắp, tỏa ra màu xanh mơn mởn, như vừa đi spa về. Giữa dòng đời tấp nập, tụi nó vẫn hiên ngang sống, như muốn nói: "Kệ mấy người, tui vẫn khỏe!"
Hôm đó, ông Còn "đi" sau một cơn đau tim. 75 tuổi, tiền sử bệnh tim lâu năm, nghe tới đây thì ai cũng gật gù kiểu: "Ừ, tới lúc rồi." ông Còn từng làm chủ một tiệm tạp hóa lớn có tiếng, nhưng đã nghỉ bán từ 10 năm trước, giao hết cho thằng lớn lo. Vợ ông thì mất cách đây đúng một năm. Cuộc đời ông tính ra cũng tạm gọi là viên mãn, chỉ trừ một chi tiết hơi ngược đời: ông già của ông, cụ Hết, năm nay hơn 90 nhưng vẫn "chạy phà phà."
Cụ Hết khỏe một cách khó hiểu. Da có nhăn nheo nhưng giọng thì vẫn sang sảng, mấy chứng bệnh vặt như đau khớp, đau lưng cũng không làm cụ xi nhê. Đây đã là lần thứ ba cụ phải "tiễn" con mình – một việc mà đáng lẽ cụ không nên có kinh nghiệm. Hai lần trước, hai người con khác của cụ lần lượt ra đi,cũng vì bệnh già, để lại cụ đứng giữa đám tang mà ai cũng ngại nói gì với cụ. Lần này, cụ lại tiếp tục vai "khách mời bất đắc dĩ" trong đám ma của ông Còn.
Đứng trước chiếc quan tài của thằng lớn, cụ Hết trông lạc quẻ y như khách lạ. Thắp nhang hay không? Lạy hay không? Cụ cứ bước ra bước vô, mắt nhìn cái hòm mà mặt như đang suy tính bài toán khó. Người nhà cũng chẳng dám mở lời, vì nghĩ bảo ông cha thắp nhang cho con mình thì... kỳ kỳ, sao nghe trái tự nhiên. Cả không gian tang lễ trở nên ngộp thở, tiếng muỗi bay nghe rõ hơn cả tiếng thở dài.
Rồi, may mà có thằng Tuấn, cháu đích tôn của cụ, con lớn ông Còn, lanh trí kéo cụ Hết ra khỏi bầu không khí ngượng ngập. Nó nhỏ nhẹ:
"Nội ơi, nội ngồi đây lâu chắc mỏi rồi. Hay nội vô trong nghỉ chút nha?"
Cụ Hết gật gù đi theo, nhưng trước khi khuất bóng sau cánh cửa, cụ còn quay lại, nhìn cái quan tài mà buông một câu:
"Chắc tụi nó qua bển dành đất trước cho tao."
Cả nhà im như thóc, không biết khóc hay cười. Có người cố nhịn mà vai rung bần bật. Đợi cụ Hết vừa đi khuất, cả gian nhà bỗng như bật van xả, một trận cười rần rần pha lẫn tiếng nấc nghẹn. Thiệt tình, trong cảnh tréo ngoe như vậy, không cười thì cũng chẳng biết làm gì khác!
Hồi ba đứa nó còn khỏe, tụi nó ép cụ Hết vô chế độ "hưu non." Tụi nó nói: "Ba lớn tuổi rồi, giờ nhà có điều kiện, ba ngồi chơi xơi nước, tụi con lo hết!" Nghe thì ấm lòng, nhưng thiệt ra, cụ Hết thấy không khác gì bị "tạm giam tại gia."
Thời trẻ, cụ đã quen bị bà vợ quản thúc: "Ông đi đâu? Làm gì? Sao không ở nhà phụ tui?" Cụ lén đi uống ly cà phê mà bà cũng tra hỏi như công an thẩm vấn. Vậy mà giờ đây, cụ tưởng thoát kiếp bị kềm, ai dè vừa thoát bà vợ đã dính ngay ba đứa con.
Cụ tính ra ngoài dạo phố cho khuây khỏa, tụi nó lại cấm tiệt: "Ba lớn tuổi rồi, lỡ đi lạc như mấy cụ trong xóm, tụi con tìm không ra thì phiền lắm!" Cụ nghe mà tức, thầm nghĩ: "Ủa, tụi bây tính tao là con nít chắc? Tao đi nửa đời người rồi chớ bộ!" Nhưng cũng đành chịu, vì tụi nó nói đúng... nửa phần. Thế là cụ đành quanh quẩn trong xóm, làm bạn với mấy ông cụ gần nhà.
Nhưng khổ nỗi, từng ông lần lượt "đứt bóng," cụ chưa kịp than thì mấy ổng đã đi hết lượt. Cụ nhìn quanh, thấy không còn ai để rủ rê, đành chuyển qua chơi với tụi nhóc trong xóm. Hồi đầu thì vui lắm, tụi nhỏ cứ quấn quýt bên cụ. Khi thì cụ Hết chỉ tụi nó làm diều, làm cầu lông, khi thì kể chuyện ngày xưa. Nhưng tụi nhỏ lớn nhanh như thổi, đứa nào cũng lần lượt "ra riêng" vì phải đi học, đi làm.
Vậy là cụ Hết hết người để giải sầu, lại tiếp tục ra ra vào vào cái sân nhỏ trước xóm, chỉ làm bạn với mấy quyển sách.
Giờ đây, thằng lớn nhất trong bộ "ba đứa nhỏ" nhà cụ đã khăn gói đi đoàn tụ với ông bà. Cụ Hết đứng trước sân, nơi người ta còn đang lục đục dọn mấy bộ trống kèn của đội nhạc đám ma. Cụ chống hông, mắt nhìn xa xăm, lòng lâng lâng: "Tới lượt tao tự do rồi! Giờ tao muốn đi đâu thì đi, không ai cấm cản nữa."
Cụ hít một hơi dài, như để tận hưởng trọn vẹn cái mùi vị của tự do – mùi nhang khói lẫn mùi cháo lòng đâu đó ngoài hẻm. Cụ bước tới cổng, chân vừa nhấc khỏi ngưỡng cửa thì khựng lại, gãi gãi đầu:
"Ủa, tự do rồi mà... giờ đi đâu đây ta?"
Đứng ngẫm một lúc, cụ lẩm bẩm: "Hay đi ăn hủ tiếu gõ? Mà mới ăn sáng. Hay qua nhà ông Sáu? Ổng đứt bóng hồi năm ngoái..." Nghĩ tới nghĩ lui, cụ đành quay vào nhà, lẩm bẩm thêm: "Tự do kiểu này cũng... lạ ha!"

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top