Chơi Ngải.

Những năm 2000, khu quận 5 quận 6 rộ lên tin đồn râm ran rằng: muốn giàu nhanh thì cứ... chơi ngải. Mà ngải thì nghe đâu của mấy ông thầy bùa dưới quê mới biết luyện sao cho "chuẩn bài". Người nào muốn thỉnh ngải thì phải tìm đúng thầy có tâm, chứ trật lất là coi như ôm hoạ sát thân.
Có lẽ vì cái tin đồn đó mà trong khu, dân làm ăn hễ nghe phong thanh ai chơi ngải, hay có ông thầy nào luyện ngải mát tay là kéo nhau tụ lại tám tới bến. Nào là giàu lên vùn vụt, nào là phải chăm sóc ngải kỹ lưỡng như nuôi con mọn. Tò mò thì tò mò, nhưng ông Nhân, vốn là tay làm ăn đàng hoàng có tiếng, nhất quyết không dây vào mấy chuyện này.
Phần vì ông đã có cụ Hết – vị "thầy phong thuỷ gia truyền siêu cấp vô địch".
Phần vì ông cũng hơi nhát, lỡ nuôi không nổi ngải, để nó "quật" thì sao.
Nhưng cuộc đời làm ăn đâu thiếu những buổi trà dư tửu hậu. Trong một buổi nhậu lai rai, ông Nhân tình cờ nghe được câu chuyện này:
Bà Hạnh, một đại gia sản xuất đồng hồ có tiếng trong khu, vừa nhấp trà vừa nhíu mày vẻ đầy bí hiểm, bắt đầu câu chuyện:
"Tui nói mấy ông nghe, cái trò chơi ngải này không có giỡn đâu! Mang nó về nhà mà nuôi, giàu thì giàu, nhưng phải biết cho nó ăn. Không là xong phim!"
Ông Chung, một ông trùm gia công bao bì, ngồi kế bên thì thắc mắc, mặt ngơ ngác:
"Ủa bà nói gì kỳ vậy? Tui nghe nói ngải là cái cây mà. Cây thì ăn uống kiểu gì?"
Bà Hạnh búng tay một cái, làm bộ như người từng trải:
"Ông không biết chứ ngải mà đói, nó quậy tan nhà tan cửa luôn đó ông à! Nuôi là phải cúng đồ mặn. Gà vịt, trứng, máu tươi... Ông không cúng, nó không cho ông yên đâu!"
Ông Chung nghe xong thì xanh mặt, xua tay lia lịa:
"Thôi tui xin! Làm ăn không được thì làm lại chứ dính vô cái thứ này, chưa giàu đã chết!"
Tuy miệng thì bảo, "Tui đâu cần mấy cái ngải này!", nhưng tính tò mò của ông Nhân thì không chịu ngồi yên. Ông quay qua bà Hạnh, giả bộ hững hờ:
"Bà chỉ tui chỗ coi. Không phải tui ham gì đâu, nhưng mà cũng muốn biết coi... cái ngải nó ra làm sao, để biết mà còn tránh nó!"
Bà Hạnh nghe vậy, cười khẩy một cái, rồi nháy mắt đầy bí ẩn:
"Ông cứ tới cái chùa gần chợ Lớn. Nhưng nghe tui dặn kỹ: đừng vô chính điện làm gì. Đi vòng ra cổng sau, ở đó có cái phòng nhỏ riêng biệt. Gặp thầy Giác, thầy từng là chuyên gia sên ngải. Nhưng tui cũng nghe đồn thôi nha, đừng hỏi thêm!"
Nghe tới đây, ông Nhân nuốt nước bọt cái "ực". Hôm sau, không đợi ai nhắc, ông lật đật xách xe tìm tới cái chùa bà Hạnh nói.
Chùa nằm trong một con hẻm nhỏ yên tĩnh, nhưng phía trước thì náo nhiệt vô cùng. Đủ thứ hàng quán bày biện hai bên: bán nhang đèn, đồ phong thuỷ, rồi lại có nguyên xe bánh mì to đùng nằm ngay góc cổng. Mùi bánh mì thơm lừng làm ông Nhân hơi "lạc trôi" một chút, suýt nữa thì tấp vào mua ổ bánh mì chả cá.
Đi vào trong sân chùa, ông thấy một ông sư già đang nhàn nhã quét lá. Động tác ông sư chậm rãi, nhẹ nhàng, như kiểu lá rơi bao nhiêu thì ông quét bấy nhiêu, không vội vã. Cảnh này khiến ông Nhân thấy yên lòng đôi chút, nhưng rồi nhớ lời bà Hạnh dặn, ông liền nhanh chân đi ra phía cổng sau.
Nghe ông Nhân hỏi thầy Giác, ông bảo vệ nhìn ông một lượt từ đầu tới chân, như để đánh giá xem ông thuộc dạng "nghiêm túc" hay chỉ tới chơi. Rồi ông bảo vệ chỉ tay về góc sân, giọng nhát gừng:
"Dựng xe gọn vô đó đi, rồi ra mà ngồi chờ. Ở đây ai cũng phải chờ tới lượt hết!"
Ông Nhân lật đật dựng xe, quay lại đã thấy một hàng dài người ngồi chen chúc trước căn phòng nhỏ của thầy Giác. Có người ngồi nghiêm trang như đi họp phụ huynh, có người vẻ mặt âu lo như vừa trúng tờ giấy báo nợ, lại có người ngồi chắp tay cầu khấn, miệng lầm bầm như luyện khẩu hình.
Ông Nhân ngó cảnh đó, lòng hơi chùng xuống:
"Trời đất, đông vậy? Tưởng chừng mình tới sớm, ai ngờ đông ngang bến xe ngày Tết!"
Ngồi đợi, ông bắt đầu nghe mấy người trong hàng rỉ tai nhau về thầy Giác.
Thầy Giác năm nay tầm hơn bốn mươi. Hồi trước, thầy là "chuyên gia coi bói" nổi danh ở chợ An Đông. Mỗi ngày khách kéo tới đông nghẹt, xếp hàng dài từ sáng tới tối, nói thầy "phán câu nào trúng câu đó".
Nhưng rồi, có một ngày thầy... buồn chuyện gia đình, cụ thể là mâu thuẫn gì thì không ai biết rõ. Người thì bảo thầy bị vợ bỏ, người khác lại nói thầy thất tình, không chịu nổi áp lực. Kết quả là thầy bỏ hết, lên chùa xin đi tu.
Có điều, thầy bảo mình "vẫn còn nhiều việc đời chưa giải quyết xong", nên sư trụ trì ở đây không cho thầy thọ giới chính thức. Thầy được ở lại chùa, nhưng phải cạo đầu, mặc áo nâu, và sống trong căn phòng nhỏ tách biệt ở cổng sau.
Thế là thầy tiếp tục hành nghề "tư vấn tâm linh", mà dân tình gọi nôm na là... coi bói. Người nào gặp thầy cũng nói thầy phán chuẩn không cần chỉnh, nhưng phải kiên nhẫn chờ lâu vì số lượng khách đông như chợ Tết.
Nghe tới đây, ông Nhân ngồi không yên, bụng vừa tò mò vừa nôn nao, không biết thầy Giác sắp nói gì khi gặp mình. Rồi ông liếc qua hàng dài trước mắt, tự nhủ:
"Chắc mai mốt thầy mở thêm cái máy phát số thứ tự thì ngon lành hơn!"
Hơn một tiếng ngồi đợi, cuối cùng ông Nhân cũng đến lượt. Cửa phòng mở ra, ông bước vào, một mùi trầm hương thơm ngát lập tức xộc vào mũi.
Căn phòng của thầy Giác là sự kết hợp hoàn hảo giữa nghiêm túc và... phô trương. Trầm hương thơm nức, máy lạnh chạy ào ào, kệ sách đầy ắp các loại sách, nhìn qua là thấy sự phân chia rõ ràng: bên trái là sách Phật giáo, bên phải là mớ kinh dịch, tử vi, phong thủy... như thư viện di động. Dưới kệ là tủ kính trưng bày đủ loại vòng tay, đá quý, và mấy món đồ phong thủy trông cứ như bày hàng trong chợ.
Thầy Giác ngồi sau bàn gỗ, dáng thấp, bụng hơi phệ, mặc áo cà sa vàng óng, trông chẳng giống một sư tu hành gì cả mà giống hơn một ông chủ cửa hàng phong thủy đang sẵn sàng chốt hàng cho khách.
Thầy Giác cười gượng gạo, ngồi thẳng người lại: "Hôm nay ông anh đến xem tử vi hay là coi gia trạch phong thủy?"
Ông Nhân không để ý đến câu hỏi, mà thẳng thừng vào vấn đề: "bà Hạnh giới thiệu, Tôi nghe nói ông rành về Ngải. Tui tới đây tìm hiểu để phòng hờ."
Vừa nghe tới chữ "Ngải", mặt thầy Giác biến sắc, mắt ông giật bắn lên. Ông Nhân thấy rõ cái vẻ hoang mang trên mặt thầy, còn ông thầy Giác thì vội vàng ra cửa, khép lại thật chặt rồi kéo rèm cửa che kín mít, như thể sợ cả khu phố nghe được.
Quay lại bàn, thầy Giác thì thầm, giọng khẽ khàng: "Đúng là trước đây tôi có làm nghề đó, nhưng tôi bỏ rồi... Cái đó không ổn chút nào đâu."
Ông Nhân cười, xua tay: "Tui chỉ muốn tìm hiểu về ngải để lỡ tui có đắc tội với ai bị người ta bỏ ngải, tui còn biết mà né hoặc gỡ"
Thấy ông Nhân là người lớn tuổi, có vẻ là dân làm ăn trí thức, lại được bà Hạnh là mối quen lâu năm giới thiệu, thầy Giác nghĩ chắc ổng chỉ muốn nghiên cứu cái huyền bí này thôi, thầy Giác nhướng mày hỏi lại: "Thật không? Ông chỉ nghiên cứu thôi à?"
Ông Nhân cam đoan: "Hôm nay tui chỉ muốn nghiên cứu để tránh né thôi, không có mục đích gì khác."
Thầy Giác gật gù, như thoáng yên tâm mặc dù ở ông Nhân có vẻ gì đó đáng để thầy giác trút tâm sự về đời mình. Rồi ông đứng dậy, ra ngoài nói lớn: "Hôm nay không tiếp khách nữa, bà con đợi mai ghé lại nhé. Thầy sẽ giảm giá!" Rồi quay lại bảo ông bảo vệ ngừng nhận khách, rồi vào pha ấm trà, tiếp chuyện với ông Nhân.
Thầy Giác từ từ mở lời, giọng điệu như thể kể chuyện xưa: "Hồi xưa, đúng là tui có học sên ngải, luyện ngải từ mấy ông thầy phép ở dưới quê. Cái vùng đó đất độc, linh thiêng lắm, cây cỏ gì cũng có thể luyện ngải, chứ không cần phải đúng cây ngải mới được. Ban đầu tui học được mấy chiêu nhỏ, ví dụ như luyện ngải yêu, ngải ăn nói, mấy chiêu dễ dễ."
Ông thầy Giác hít một hơi rồi nói tiêp:
"Nhưng về sau, tui luyện rồi không cần mấy ông thầy nữa, mấy cây ngải tự nó dạy tui luôn. Cây nào tui cũng có thể nói chuyện, nó còn chỉ tui cách luyện ngải tiền, ngải làm đẹp, rồi cả ngải để hại người nữa.
Khi tui học luyện, ngải càng mạnh, tui càng học được nhiều trò mới. Đến lúc mấy ông thầy phát hiện tui có khả năng nói chuyện với ngải, họ bảo tui làm hư chuyện rồi, không thể kiềm được nữa, nên họ đuổi tui thẳng cổ!"
Ông thầy nói mà mặt vẫn tỉnh bơ, như thể chuyện đuổi cổ là một chuyện bình thường.
Thầy Giác tiếp tục kể, giọng kể như thể đang tỏ ra thật thản nhiên: "Rồi tui đi lên Thành Phố, lang thang mấy khu chợ để coi bói dạo. Lâu lâu có mấy người nhờ tui sên ngãi. Nhưng nhớ lại mấy ông thầy nói tui làm hư chuyện, tui quyết định không làm cho ai hết. Nhưng rồi có một hôm, có một ông bán thuốc lá dạo lại làm quen với tui, mời đi nhậu rồi nhờ tui sên cho ông một cây ngãi để ông ăn nói cho dễ. Ông nói khổ quá, muốn ăn nói hay hơn để làm ăn đổi đời. Ngải ăn nói dễ nhất, mà tui nghĩ cũng chẳng hại ai, ông bán thuốc lá thì cũng khổ, tui nghĩ làm giúp ổng cũng không sao.
Ai ngờ đâu, từ đó ổng phất lên như diều gặp gió. Mở mấy xe bán thuốc lá ngay chợ cũ, rồi gặp tui, trả tui nhiều tiền để nhờ tui sên thêm một cây ngãi thu hút tiền. Lúc đó tui đang thiếu tiền cưới vợ, thấy cũng có lý, nên tui nhắm mắt làm luôn cho ổng một cây ngãi thu hút tài lộc.
Mà không ngờ, từ đó ổng trở thành đầu nậu bán thuốc lá rồi thành ông trùm trong thế giới ngầm. Không chỉ bán thuốc lá nữa, ổng còn tổ chức buôn lậu thuốc qua biên giới! Tui bắt đầu thấy cây ngải tui làm cho ổng mạnh quá rồi. Giống như hai cây ngải đó thành tinh rồi cũng nên.
Nên mỗi lần ổng muốn gặp tui để bắt tui luyện thêm tui lại né. Ổng cho người tìm tui thông qua vợ con tui, tui phải đưa hai mẹ con về quê rồi tá túc tại cái chùa này. Mấy trò luyện ngải đó, giờ tui cũng không dám đụng tới nữa!"
Thầy Giác thở dài, giọng nặng trĩu: "Tui cũng không hiểu sao tui lại kể hết cho ông nghe. Chắc tại tui cảm thấy ông có cái gì đó... có thể giúp được tui, dù tui cũng không rõ ông có cái gì. Nhưng thôi, ông giữ kín giùm tui. Tui không muốn vợ con tui bị phiền hà nữa."
Thầy ngừng một lát, rồi nhấn mạnh, giọng trầm thấp: "Mấy cây ngãi đó, tụi nó không phải thứ tầm thường. Tụi nó biết nói, biết nghĩ. Mà khi ai nuôi tụi nó lớn, tụi nó sẽ lớn mãi. Đến lúc tụi nó mạnh quá, chủ của nó cũng không còn kiểm soát được, rồi tụi nó quay lại nuốt chửng chính người nuôi mình."
Ông Nhân nghe tới đây mà lạnh sống lưng, tóc gáy dựng đứng. Lời nói của thầy Giác như lẩn quẩn trong đầu ông, đầy u ám.
Thầy Giác cố gắng an ủi: "Nhưng ông anh yên tâm, đừng đụng tới mấy cái trò đó là chẳng ai hay ngãi nào đụng được tới ông anh đâu. Còn tui, tui vẫn đang tìm cách để hai cây ngãi tui lỡ sên cho ông trùm thuốc lá kia không lớn nữa. Nếu không, hậu quả chắc chắn khó lường."
Nghe tới đây, ông Nhân bỗng nhớ tới cụ Hết – một huyền thoại trong làng tâm linh, người từng giải quyết bao nhiêu ca khó nhằn nhất trong khu vực. Ông liền đề nghị:
"Hay ông thử hỏi cụ Hết xem sao. Nhiều khi cụ biết cách chỉ cho ông."
Thầy Giác thoáng giật mình, mắt trợn lên như vừa nghe thấy tên một nhân vật thần thoại. Ông đã nghe danh cụ Hết từ lâu qua lời kể của các khách đi coi bói. Dù cụ mới nổi tiếng gần đây, nhưng ai cũng bảo cụ là "chân nhân bất lộ tướng" – người vừa cao tuổi nhất vùng, vừa không sống nhờ cái nghề tâm linh này. Khác với thầy Giác, cụ Hết chỉ ra tay khi được nhờ và tuyệt đối không dính dáng tới tiền bạc hay lợi nhuận.
Thầy Giác lẩm bẩm, như nói với chính mình:
"Vậy là giờ tui – một người tư vấn tâm linh – lại phải đi gặp một bậc thầy tâm linh khác để được... tư vấn."
Nói xong, thầy Giác thở dài, rồi nhìn ông Hồng với ánh mắt cảm kích. "Chắc tui phải đi thử một lần."
Ông Nhân bật cười, xua tay: "Yên tâm, tui giữ bí mật giùm ông. Nhưng mà ông nợ tui chầu cà phê nghen!"

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top