Chay hay mặn

Khu nhà cụ Hết đúng chuẩn vị trí "vàng": vừa gần chợ, vừa gần chùa. Vì vậy, khu sạp đồ mặn thì khỏi bàn, bạt ngàn, nhưng khu sạp bán đồ chay cũng không kém cạnh, mà có khi còn bán đắt hơn mấy khu chợ khác.
Điều đáng nói là, dù có hai phe "mặn" và "chay," nhưng cả hai sống với nhau rất chan hòa, vui vẻ. Mỗi ngày, lính sạp này qua cà rởn với lính sạp kia, như kiểu đối tác chiến lược. Ngày ăn chay, sạp đồ mặn bán ít lại, còn ngày thường thì sạp đồ mặn lên ngôi. Người ăn chay trường cứ trung thành với sạp đồ chay, còn người ăn chay theo ngày thì tuần này ghé sạp này, tuần sau lại ghé sạp kia, luân phiên đều đặn như lịch trực.
Thành ra, chẳng ai giành chén cơm của ai, mà còn góp phần làm cho cả khu chợ rộn ràng như hội. Người mua lẫn người bán đều tấm tắc:
"Đúng là một khu chợ văn minh, chan hòa, chay mặn đủ cả!"
Nhưng đó là chuyện thường ngày, chứ tới ngày Tết hay ngày giỗ, khu chợ gần nhà cụ Hết lại trở nên náo nhiệt theo cách khác: không ai nhường ai khi nói về chuyện... cúng kiếng. Trong một buổi họp chợ gần Tết, cả hai phe "chay" và "mặn" ngồi họp mà như sắp lao vào trận chiến.
Ông Năm Tàu Hủ, đại diện phe đồ chay, vỗ bàn cái rầm:
"Cúng kiếng dù ở đâu cũng vậy, phải cúng đồ chay thì ông bà mới độ!"
Bà Ba bán thịt heo nghe vậy liền bật dậy, chỉ tay cãi lại:
"Ông nói tầm bậy tầm bạ! Cúng chay thì mấy cụ làm sao có sức mà gồng gánh con cháu?"
Bà Năm bán gà luộc đơm thêm:
"Đúng rồi! Xưa giờ cúng gia tiên toàn cúng gà luộc. Ai ăn chay thì cúng chay, chứ hùi xưa ông bà ăn mặn mà cúng chay, vậy coi sao được?"
Bà Chín bán mì sợi, đứng giữa ranh giới "chay mặn đều bán," chỉ lắc đầu nói vài câu kiểu huề vốn:
"Tui thấy vầy, ông bà nào hồi xưa ăn chay thì cúng chay, ăn mặn thì cúng mặn, vậy là hợp lý nhất."
Nghe vậy, bà Bảy bán cơm chay đập cái vá xuống rổ cơm:
"Vậy tui hỏi bà, lỡ mấy cụ ăn mặn, mà con cháu bây giờ ăn chay hết, cúng đồ mặn xong không ai ăn, rồi đổ cho chó hả?"
Vừa nghe tới câu "đổ cho chó ăn," phe đồ mặn sôi máu, gườm gườm đứng dậy. Phe đồ chay thấy vậy cũng chẳng vừa, chuẩn bị lao ra "giao lưu vài đường cơ bản."
Tình hình căng như dây đàn, thì chú bảo vệ chợ vội vàng chạy vào, dang tay can:
"Thôi thôi, bình tĩnh! Chay hay mặn gì cũng từ từ. Giờ có gì qua nhà cụ Hết hỏi. Cụ sống gần trăm tuổi, cái gì cụ chẳng biết!"
Nghe vậy, cả chợ liền dừng tay, đồng loạt gật gù: "Ừ ha, cụ Hết mà nói thì chắc ăn!" Rồi đợi tan chợ, cả hai phe xếp hàng rồng rắn kéo nhau qua nhà cụ, chuẩn bị chờ "cao nhân" phán xử.
Hôm đó, cụ Hết không có ở nhà. Con bé giúp việc đứng dựa cây chổi, thông báo một cách trịnh trọng:
"Cụ đi rồi, có người mời cụ đi coi phong thủy."
Cả đám người nghe xong liền ồ lên, mắt tròn mắt dẹt:
"Trời đất! Không ngờ gần chợ mình lại có cao nhân ẩn dật. Kỳ này nhất định phải gặp được cụ hỏi cho ra lẽ!"
Thế là đám đông lố nhố đứng tụ trước nhà cụ, nói chuyện rôm rả. Anh Tuấn, cháu nội cụ Hết, nghe ồn ào liền tò mò bước ra, giọng vui vẻ:
"Ủa, bà con tụ họp đông vui quá, có chuyện gì không?"
Ông Năm Tàu Hủ nhanh nhảu đáp, vẻ nghiêm trọng y như đang trình bày vấn đề quốc gia:
"Anh Tuấn ở đây lâu năm, chắc cũng có chút ý kiến sáng suốt. Tụi tui đang cãi nhau xem cúng kiếng thì nên cúng chay hay mặn để ông bà phù hộ cho con cháu."
Anh Tuấn nghe xong, cố giữ nét mặt nghiêm túc, nhưng trong lòng muốn cười lăn ra đất. Anh cười nhẹ rồi phán như thầy giải quyết hòa bình:
"Vậy thế này, sắp tới nhà ai có giỗ, cứ làm cả chay lẫn mặn. Sau đó mời cụ nhà qua dự. Cụ ăn xong chắc chắn sẽ phán cho ra lẽ."
Nghe xong, cả đám người như được khai sáng, vỗ đùi đen đét:
"Ừ, đúng rồi, nhờ cụ Hết phán là ai cũng phải nghe theo, cụ là người cao tuổi nhất khu này mà"
Vậy là cả chợ đồng lòng lập kế hoạch, ai cũng háo hức chờ ngày cụ Hết "ngự giá vi hành" để đưa ra phán quyết cuối cùng cho cuộc tranh luận.
Hôm đó, đám giỗ nhà một ông chủ sạp gần chợ, cũng gần nhà cụ Hết. Bình thường gia chủ chỉ làm mâm cơm đơn giản, mời bà con trong nhà tới ăn. Nhưng lần này thì khác. Ngay giữa lúc chợ đang tranh cãi vụ cúng chay hay mặn, đám giỗ bỗng dưng được "tài trợ" bởi cả hai phe, biến thành một sự kiện linh đình.
Trong nhà không đủ chỗ, gia chủ phải sắp bàn dài ra cả làn đường khu chợ. Đám giỗ mà như lễ hội, khách mời toàn là nhân vật máu mặt trong khu. Đã vậy, nhiều người còn đề nghị được mang theo cả người nhà, người quen. Lý do? "Ăn giỗ là phụ, nghe cụ Hết phân xử chay mặn mới là chính!"
Đặc biệt, có cả ông Nhân – người "fan cứng" của cụ Hết, nhiệt tình lăng xê cụ nhất. Nhờ cụ Hết coi cái nhà cúng mà ông Nhân làm ăn phất lên như diều gặp gió, nên giờ cứ hễ mở miệng là ca ngợi cụ như bậc thánh sống. Chuyện ông Nhân kể lan xa, ai cũng nghe, ai cũng tò mò muốn tận mắt thấy "cao nhân" trong xóm.
Chỉ có cụ Hết là hoàn toàn không hay biết gì. Cụ vẫn giữ lối sống thong dong, ngày ngày lang thang du ngoạn khắp nơi, tận hưởng cái tự do của mình. Sáng đi, tối mịt mới về. Con bé giúp việc chẳng bao giờ biết cụ đi đâu, mà nó cũng không dám hỏi. Từ lần đi chung qua nhà ông Nhân, nó mặc định mỗi lần cụ vắng nhà là cụ được mời đi... coi phong thủy.
Trong khi cả khu chợ háo hức chờ đợi "cao nhân" phán xử, cụ Hết vẫn đang ung dung nhấp trà và tán chuyện với mấy con ma ở một góc nào đó, chẳng hay rằng sắp trở thành "trọng tài bất đắc dĩ" cho cuộc chiến chay mặn náo nhiệt nhất năm.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top