Xài luật cứng

   Hôm 12-4, Ủy ban châu Âu (EC) đã trình các giải pháp của mình ra Nghị viện châu Âu (EP) tại Strasbourg (Pháp). EC, trong vai trò hành pháp, đã chỉ đạo các quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU) phải công bố các dữ liệu kế toán và thuế của các tập đoàn đa quốc gia hoặc doanh số, lợi nhuận, ngưỡng trần tính tiền thuế mà tập đoàn đa quốc gia phải nộp ở mỗi nước thành viên. 

   Các biện pháp này được hai Ủy viên châu Âu là Pierre Moscovici, người phụ trách vấn đề thuế, và người đồng nhiệm đặc trách bình ổn tài chính Jonathan Hill chuẩn bị từ lâu để ngăn chặn các tập đoàn lớn đặt trụ sở và khai thuế ở nước thành viên áp thuế ít. Nay là dịp quá tốt, quá phù hợp để các giải pháp của họ được xem xét nghiêm túc và nhanh chóng nhất. 

   Theo các biện pháp mới mà EC đề xuất, tất cả tập đoàn đa quốc gia có chi nhánh tại EU, nếu có doanh thu từ 750 triệu euro trở lên sẽ phải công bố các thông tin về doanh số, kế toán và lợi nhuận... Lợi nhuận thu được ở quốc gia nào sẽ phải nộp thuế ở ngay đó. Tất cả những thông số này sẽ được cơ quan thuế của các nước thành viên EU chia sẻ cho nhau một cách tự động. 

   Các tập đoàn không có chi nhánh ở EU cũng bị yêu cầu cung cấp thông tin hoạt động tầm toàn cầu của mình và đặc biệt phải cung cấp chi tiết các hoạt động của mình tại những quốc gia nằm trong danh sách các thiên đường thuế. 

   Hàng loạt công ty đa quốc gia như Amazon, Google, Facebook, Coca-Cola..., sắp tới sẽ phải ra trước EP để trình bày ý kiến của họ về các đề xuất mới nói trên của EC.

   Dù vậy các giải pháp này vẫn bị các tổ chức phi chính phủ xem là chưa mạnh tay nhằm đạt được tính minh bạch từ các tập đoàn đa quốc gia. 

   Chẳng hạn Tổ chức phi chính phủ One đặt những câu hỏi khó trả lời: tại sao chỉ những "ông lớn" có doanh thu trên 750 triệu euro mới phải công bố thông tin? Liệu có kiểm soát được hoạt động của các tập đoàn ở những nước không là thành viên của EU? Tổ chức One chỉ rõ: "Không có được những thông tin đó thì sẽ không thể biết được gì nhiều hơn về hoạt động của các tập đoàn đa quốc gia ở các thiên đường tài chính và do đó cũng không thể phát hiện các cơ chế trốn thuế". 

   Bộ giải pháp lần này của EC thật ra đã được thai nghén sau vụ rò rỉ thông tin về các trường hợp trốn thuế trong vụ bê bối được gọi tên là LuxLeaks hồi tháng 11-2014. Vụ đó đã lật tẩy vai trò hỗ trợ của một số quốc gia, trong đó có Luxembourg, cho các tập đoàn trốn thuế.

   Vụ việc đã làm hoen ố ngày nhậm chức chủ tịch EC của ông Jean-Claude Juncker bởi lẽ vào thời điểm xảy ra vụ bê bối, ông Juncker là thủ tướng kiêm nhiệm bộ trưởng tài chính của Luxembourg! 

   Trong giải pháp mới đệ trình, EC cũng đề nghị thành lập một danh sách mới về các thiên đường tài chính cho EU. Ông Moscovici lý giải: "Cứ xem trường hợp Panama. Nước này chỉ bị chín nước thành viên EU (Pháp mới điều chỉnh) xem là thiên đường tài chính. Như thế là không ổn. Chúng ta rất cần có một danh sách chung cho EU với những tiêu chí phân loại như nhau và các biện pháp trừng phạt mạnh như nhau"

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top