Ra đi vì quá khứ

Kỳ thực là cho đến nay vẫn chưa có gì chứng minh vợ chồng thủ tướng Iceland có trốn thuế hay không. Vợ ông, bà Anna Sigurlaug Pálsdóttir, có mở một công ty tên Wintris ở quần đảo Virgin thuộc Anh hồi năm 2007 để quản lý tài sản cá nhân có được từ tiền bán doanh nghiệp đại lý độc quyền xe Toyota ở Iceland.

Ông Gunlaugsson là đồng sở hữu của Công ty Wintris cho đến năm 2009, tức thời điểm ông được bầu làm nghị sĩ. Khi đó, để tránh dính líu, ông “bán” lại cổ phần của mình cho vợ với giá 1 USD! Về mặt luật pháp, chuyện đó không có gì sai trái.

Nhật báo Anh The Guardian khẳng định “không thấy chứng cứ nào cho thấy chuyện trốn thuế, gian lận thuế hay thủ lợi bất minh từ phía thủ tướng Gunlaugsson, phía bà Anna Sigurlaug Pálsdóttir hay Công ty Wintris”. Đến tối 4-4, thủ tướng Gunlaugsson còn nói cứng rằng không có lý do gì để từ chức.

Quả thực là khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, chính quyền Iceland từng thực thi luật kiểm soát tài sản nghiêm ngặt nhằm tránh tình trạng chảy máu tài chính trong khi gia đình ông Gunlaugsson mở công ty ở Virgin từ năm 2007.

Nhưng trước thông tin hé lộ ở thời điểm năm 2016 này, không trách được người dân nghi ngờ thủ tướng của mình “từng có thời điểm không tin tưởng vào đồng nội tệ và hệ thống tài chính của đất nước”, và họ thậm chí kết tội ông là nói dối khi ra tranh cử hồi năm 2014 với quyết tâm “chống lại các quỹ đầu tư nước ngoài và hệ thống tài chính quốc tế” đang o ép buộc đất nước Iceland phải thực thi các chính sách ngặt nghèo thắt lưng buộc bụng.

Vì thế tiếng nói của hàng chục ngàn người dân trên đường phố thủ đô Reykjavik hôm 4-4 đã nhanh chóng có tác dụng ở đất nước 330.000 dân này. Lý do nổi giận xuất phát từ việc người dân cho rằng thực tế khó khăn hiện tại là do giới lãnh đạo chính trị vô trách nhiệm và tư lợi.

Cho đến năm 2008, Iceland từng có giai đoạn phát triển tài chính loạn xạ:

doanh thu các ngân hàng ở Iceland chiếm đến 1.035% GDP của đất nước!

Thời đó ở Iceland có quá nhiều người giàu nhanh chóng. Nhà báo Iceland Sigrún DavÍðdóttir khẳng định thời đó “ở Iceland nếu bạn không có công ty bình phong thì xem như bạn chả ra gì” và các ngân hàng hầu như chỉ chuyên tâm làm chuyện lập ra các công ty bình phong để thu phí dịch vụ quản lý.

Một thời loạn như thế đã tạo ra mối quan hệ nguy hiểm ăn sâu bám rễ của giới lãnh đạo chính trị với hệ thống tài chính.

Người dân vẫn cho rằng thời kỳ “phát triển bong bóng” 2000-2008 là do các chính trị gia phái bảo thủ tạo ra và khích lệ, trong đó có hai vị thủ tướng là David Oddsson (sau đó trở thành chủ tịch Ngân hàng Trung ương Iceland) và Geird Haarde (sau đó bị kết án hồi năm 2012 về trách nhiệm điều hành đất nước trong giai đoạn khủng hoảng 2008).

Vì thế, trong tình cảnh đất nước khó khăn mà người dân phát hiện thấy lãnh đạo chính trị có nhiều tiền bỏ ở nước ngoài thì làm sao kìm nén nổi sự giận dữ.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top