Bài Làm
Đọc “Rừng xà nu” của Nguyễn Trung Thành viết vào năm 1965, rút từ tập “Trên quê hương anh hùng Điện Ngọc”, để lại ấn tượng sâu đậm cho độc giả chúng ta không chỉ là những nhân vật như cụ Mết, Tnú, Dít, Mai, những con người Tây Nguyên bất khuất kiên trung thủy chung với Cách mạng, mà còn là hình tượng Cây xà nu - một hình tượng độc đáo bao trùm toàn bộ tác phẩm. Chính hình tượng cây xà nu đã tạo nên vẻ đẹp hùng tráng, chất sử thi, lãng mạn cho câu chuyện về làng Xôman bất khuất kiên cường.Đọc tác phẩm này điều mà người đọc nhận ra trước tiên là hình tượng cây xà nu đã trở thành một hình tượng chủ đạo xuyên suốt tác phẩm gắn bó với cuộc sống và mọi sinh hoạt của dân Xôman.
Trong bài viết “Về truyện ngắn Rừng xà nu”, tác giả Nguyên Ngọc (bút danh là Nguyễn Trung Thành” đã tâm sự: “Ngay từ năm 1962, trên đường vào miền Nam công tác, đến tỉnh Thừa Thiên, giáp Lào, tôi được chứng kiến những rừng xà nu bát ngát xanh tít tận chân trời. Đấy là những cây họ thông, hùng vĩ và cao thượng, man dại và trong sạch. Mỗi cây cao vút vạm vớ nhựa ưá ra, tán lá vừa thanh nhã vừa rắn rỏi”. Những cây xà nu có phẩm chất đặc biệt ấy đã gây ấn tượng mạnh mẽ và khơi nguồn cảm hứng cho tác giả ba năm sau (1965) tạo dựng lên hình tượng cây xà nu đặc sắc này.
Hình tượng cây xà nu được tác giả miêu tả từ nhiều góc độ và đưa lại hiệu quả thẩm mỹ đặc biệt. Trong truyện ngắn này, nhà văn không chỉ mở đầu và kết thúc truyện bằng hình ảnh rừng xà nu bát ngát đến chân trời, mà đã gần 20 lần nói đến “Rừng xà nu”. “Cây xà nu”, “nhựa xà nu”, “lửa xà nu”… Chất sử thi của thiên truyện sẽ không trở thành giọng điệu chính của tác phẩm, nếu thiếu đi hình tượng cây xà nu được khai thác từ nhiều góc độ, được lặp đi lặp lại nhiều lần đến như vậy, nhất là “các đồi xà nu" – 4 lần; “Rừng xà nu" – 5 lần. Thủ pháp điệp trùng khi mô tả cây xà nu đó, vừa làm nền cho toàn bộ diễn biến của câu chuyện, vừa gây ấn tượng sâu sắc cho người đọc về cây xà nu.
Nhưng xà nu không chỉ có mặt trong đoạn mở đầu và đoạn kết, mà nó còn hiện diện trong suốt câu chuyện về Tnú và làng Xôman của anh. Xà nu gắn bó với cuộc sống sinh hoạt hàng ngày như đã từ ngàn đời nay thân thuộc với dân làng: ngọn lửa xà nu nấu ăn trong mỗi bếp, đuốc xà nu soi sáng đường rừng đêm, lửa xà nu cháy bập bùng trong nhà ưng tập trung cả dân làng. Khói xà nu đen nhẻm thân hình lũ trẻ; khói xà nu còn làm tấm bảng đen cho anh Quyết dạy Tnú, Mai học chữ cụ Hồ.
Xà nu còn tham dự vào những sự kiên quan trọng của cuộc sống làng Xôman: ngọn đuốc xà nu cháy sáng trong tay cụ Mết dẫn cả dân làng đi vào rừng sâu lấy giáo mác đã giấu kỹ về chuẩn bị cho cuộc nổi dậy. Đêm đêm cả dân làng thức mài vũ khi dưới ánh đuốc xà nu. Giặc đốt hai bàn tay Tnú bằng giẻ tẩm nhựa xà nu, lửa xà nu đốt lên lòng căm thù trong lòng người dân Xôman. Rồi ngọn lửa đuốc xà nu soi sáng rực cả làng cái đêm khởi nghĩa; soi rõ xác 10 tên lính nằm ngổn ngang quanh đống lửa …Hình tượng cây xà nu qua ngòi bút Nguyễn Trung Thành đã trở thành một nhân chứng về tội ác của chiến tranh hủy diệt; là người chứng kiến cho sự giác ngộ, hy sinh thầm lặng và sự quất khởi của người dân Xôman.
Mở đầu tác phẩm, tác giả đã vẽ ra trước mắt người đọc một bức tranh toàn cảnh về nỗi đau thương đội bom đạn giặc Mỹ gây ra. Tác giả đã đặt ngay cây Xà nu vào bối cảnh khốc liệt của chiến tranh “ Làng nằm trong tầm đại bác của giặc…”. Cây Xà nu vừa là người chứng kiến sự tàn khốc của chiến tranh, vừa là đối tượng hủy diệt của bom đạn kẻ thủ “Cả rừng xà nu hàng vạn cây, không cây nào bị thương. Có những cây bị chặt đứt ngang thân mình, đổ ào như một cơn bão”. Ở một chỗ khác, tác giả tả kỹ hơn “nơi chỗ vết thương nhựa ứa ra tràn trề thơm ngào ngạt long lanh nắng hè gay gắt, rồi dần dần bầm lại đen và đặc lại quện thành cục máu lớn”. Hình ảnh đó gợi lên nỗi đau thương mất mát, lòng căm thù, kết tụ ý chí phản kháng.
Hình tượng Cây xà nu còn là hình ảnh tượng trưng cho cuộc sống và phẩm chất người dân Xôman nói riêng, Tây Nguyên nói chung: như giàu khát vọng tự do, giải phóng, phẩm chất anh hùng, sức sống mãnh liệt của các thế hệ nối tiếp nhau....Chính vì hình ảnh Cây xà nu mang ý nghĩa tượng trưng, nên sự miêu tả loài cây này, luôn luôn được tác giả đặt trong sự đối chiếu với con người, gợi ra những liên tưởng về đời sống và số phận cùng phẩm chất của họ. Cây xà nu rất ham ánh sáng và khí trời: “nó phóng lên rất nhanh để tiếp lấy ánh nắng”. Cũng như Tnú, như dân làng Xôman yêu tự do, khát khao ánh sáng. Bất chấp sự hủy diệt tàn khốc của bom đạn kẻ thù, cây xà nu vẫn vươn lên với một sức sống mãnh liệt không gì tiêu diệt, tàn phá nổi “Bên cạnh một cây Xà nu mới ngã gục, đã có 4, 5 cây con mọc lên ngọn xanh rờn hình nhọn như mũi tên lao thẳng lên bầu trời”, cũng như các thế hệ làng Xôman, lớp này kế tiếp lớp khác đứng lên, tiếp tục cuộc chiến đấu:
“Tuốt gươm không chịu xuống quỳ
Tuổi xanh chẳng tiếc sá chi bạc đầu
Lớp cha trước, lớp con sau
Đã thành đồng chí chung câu quân hành”
(Tố Hữu)
Anh Quyết hy sinh thì có Tnú, Mai. Mai ngã xuống giữa tuổi thanh xuân tràn đầy nhựa sống như Cây xà nu bị chặt đứt ngay giữa thân mình, thì Dít đã lớn lên, và nhanh chóng đến không ngờ trở thành Bí thư chi bộ, chính trị viên xã đội. Rồi những bé Heng, thế hệ tiếp theo của Dít cũng đang lớn lên tiếp bước đàn anh. Chính cụ Mết cũng đã khẳng định được cái sức sống bất tử ấy như một chân lí giản dị: “Không có cây gì mạnh bằng cây xà nu đất ta, cây mẹ ngã, cây con mọc lên. Đố nó giết hết rừng xà nu này”.
Nhưng ở rừng xà nu còn xuất hiện những cây khác vững chãi, không chịu khuất phục trước giông bão, đạn bom của kẻ thù “ưỡn tấm ngực lớn của mình che chở cho xóm làng”. Phải chăng đó là hình ảnh cụ Mết - hiện thân của tinh thần quật khởi, người đã nuôi ngọn lửa khát vọng tự do, gắn bó với Cách mạng? “Có những Cây xà nu cành lá xum xuê như những con chim đã đủ lông mao, long vũ, đạn đại bác không gíêt nổi chúng. Những vết thương của chúng chóng lành như trên một cơ thể của chúng chóng lành như trên một cơ thể cường tráng”. Tất cả nối tiếp nhau tạo thành một đội ngũ trùng trùng điệp điệp như rừng xà nu nối tiếp nhau chạy đến chân trời.Thủ pháp nghệ thuật so sánh, đối chiếu như một ẩn dụ trên đây trong khi mô tả Cây xà nu, đã tạo nên sự chuyển hóa, hòa hợp giữa hình tượng thiên nhiên và con người, tạo nên một bản hợp xướng đầy chất thơ hào hùng tráng lệ về sức sống bất diệt và cuộc chiến đấu bất khuất kiên trung của nhân dân Tây Nguyên giành tự do.
Tóm lại, hình tượng xà nu là một sáng tạo nghệ thuật độc đáo của Nguyễn Trung Thành. Nó được dùng như một ẩn dụ gợi cho người đọc nghĩ đến con người Tây Nguyên yêu tự do, dồi dào sức sống, bất khuất kiên trung, thủy chung với Cách mạng. Như thế là hình tượng Cây xà nu đã được tác giả đưa lại cho biết bao ý nghĩa mới mẻ giàu tính chất thẩm mỹ và ý nghĩa nhân sinh, trở thành linh hồn tác phẩm.Vì vậy, tác giả đã đặt cho truyện của mình cái tên thật có ý nghĩa: “Rừng xà nu”.
Nguồn : vnweblogs.com
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top