hinh thanh, ban chat, gia tri, thuoc tinh phapluat

Sự hình thành, bản chất, giá trị xã hội, các thuộc tính cơ bản của pháp luật.

1. Sự hình thành:

- Theo các nhà kinh điển chủ nghĩa Mác- Lênin, trong xã hội Cộng sản nguyên thủy chưa có pháp luật nhưng như mọi xã hội, xã hội cộng sản nguyên thủy cũng cần đến trật tự, ổn định để tồn tại và phát triển, từ đó xuất hiện những quy tắc xử sự chung. Đây chính là những quy tắc xã hội bao gồm tập quán và các tín điều tôn giáo. Tập quán xuất hiện một cách tự phát, dần dần được cộng đồng thị tộc, bộ lạc chấp nhận và trở thành quy tắc xử sự chung mang tính chất đạo đức và xã hội.

Quy phạm xã hội trong xã hội cộng sản nguyên thủy có đặc điểm:

+ Thể hiện ý chí phù hợp với lợi ích của tòan thể thị tộc, bộ lạc.

+ Chúng điều chỉnh cách xử sự của những con người liên kết với nhau theo tinh thần hợp tác, giúp đỡ.

+ Chúng được thực hiện một cách tự nguyện theo thói quen của từng thành viên thị tộc, bộ lạc.

Tuy nhiên, vẫn có sự cưỡng chế trong trường hợp chúng bị vi phạm nhưng sự cưỡng chế không phải do một bộ máy đặc biệt của xã hội nguyên thủy thực hiện mà do toàn thị tộc tự tổ chức.

- Các quy phạm này phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội nguyên thủy- xã hội chưa có tư hữu và giai cấp. Khi chế độ tư hữu ra đời, xã hội phân chia giai cấp có lợi ích đối lập nhau. Các tập quán không còn phù hợp vì tập quán thể hiện ý chí chung và bảo vệ lợi ích của mọi thành viên trong cộng đồng thị tộc, bộ lạc. Tầng lớp có của luôn hướng hành vi của mọi người phù hợp với lợi ích của riêng họ. Lợi dụng địa vị xã hội, họ giữ các tập quán có lợi, vận dụng, biến đổi nội dung các tập quán sao cho phù hợp với ý chí của giai cấp thống trị nhằm mục đích củng cố và bảo vệ một trật tự xã hội mà họ mong muốn. Bằng sự thừa nhận của nhà nước, các quy tắc tập quán đã bị biến đổi trở thành những quy tắc xử sự chung. Con đường thứ nhất hình thành pháp luật.

- Mặt khác, những quan hệ xã hội đa dạng và phức tạp mới phát sinh trong quá trình phát triển của xã hội đặt ra yêu cầu phải có những quy tắc mới để điều chỉnh. Tổ chức quyền lực mới ra đời( nhà nước) đã tiến hành hoạt động xây dựng các quy tắc xử sự mới trong nhiều lĩnh vực. Hoạt động này lúc đầu còn đơn giản, nhiều quyết định của tòa án và cơ quan hành chính được coi là những quy tắc xử sự chung có tính chất bắt buộc. Hệ thống pháp luật được hình thành dần dần cùng với việc thiết lập và hòan thiện bộ máy nhà nước. Nhà nước ban hành nhiều văn bản nhằm củng cố chế độ tư hữu và quy định đặc quyền của giai cấp thống trị trong xã hội. Con đường thứ 2 hình thành pháp luật.

Xuất phát từ nguồn gốc trên, pháp luật không thể được mọi thành viên trong xã hội có giai cấp thực hiện một cách tự giác. Vì vậy, nhà nước có một bộ máy chuyên cưỡng chế, đảm bảo cho pháp luật được thi hành nghiêm chỉnh.

Quy tắc xử sự mới ra đời- quy tắc pháp luật- là quy tắc xử sự chung thể hiện ý chí của giai cấp thống trị do nhà nước đặt ra hoặc thừa nhận và được đảm bảo thực hiện bằng cưỡng chế nhà nước.

2. Bản chất.

- Bản chất của pháp luật thể hiện trước hết ở tính giai cấp của nó. Biểu hiện:

+ Pháp luật phản ánh ý chí nhà nước của giai cấp thống trị trong xã hội, nội dung ý chí đó được quy định bởi điều kiện sinh hoạt vật chất của giai cấp thống trị. Do nắm trong tay quyền lực nhà nước, giai cấp thống trị đã thông qua nhà nước để thể hiện ý chí của giai cấp mình một cách tập trung, thống nhất thành ý chí của nhà nước. ý chí của giai cấp thống trị được cụ thể hóa trong các văn bản pháp luật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.

+ Tính giai cấp còn thể hiện ở mục đích điều chỉnh các quan hệ xã hội. Trong xã hội có giai cấp, sự điều chỉnh pháp luật trước hết nhằm mục đích điều chỉnh các quan hệ giai cấp. Pháp luật chính là yếu tố điều chỉnh về mặt giai cấp các quan hệ xã hội nhằm định hướng cho các quan hệ xã hội phát triển theo một mục tiêu, một trật tự phù hợp với ý chí của giai cấp thống trị, bảo vệ và củng cố địa vị của giai cấp thống trị. Pháp luật là công cụ thể hiện sự thống trị giai cấp.

-Bản chất giai cấp của pháp luật luôn là vấn đề hàng đầu khi nghiên cứu pháp luật của một kiểu nhà nước. Sự biểu hiện tính giai cấp trong các kiểu pháp luật khác nhau không giống nhau.

+ Pháp luật chủ nô là pháp luật của giai cấp chủ nô, do giai cấp này đặt ra trước hết vì lợi ích của nó. Pháp luật chủ nô công khai quy định quyền lực vô hạn của chủ nô và tình trạng vô quyền của giai cấp nô lệ.

+ Tính giai cấp của pháp luật tư sản thì không dễ nhận thấy. Trong pháp luật tư sản có nhiều quy định về quyền tự do, dân chủ, làm nhiều người lầm tưởng pháp luật tư sản là phápluật chung của xã hội, không mang tính giai cấp, do nhân dân xây dựng và vì lợi ích của nhân dân. Thực chất, pháp luật tư sản trước hết thể hiện ý chí của giai cấp tư sản và mục đích trước hết phục vụ lợi ích giai cấp tư sản.

+ Trong những điều kiện lịch sử nhất định, rất có thể lợi ích của giai cấp thống trị phù hợp với lợi ích chung của giai cấp khác, của cả xã hội. Ví dụ: trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, lợi ích của giai cấp thống trị địa chủ phong kiến và triều đình pháp luật về cơ bản phù hợp với lợi ích của tòan dân tộc. Pháp luật ở những thời điểm lịch sử nhất định, người ta có thể tìm thấy nhiều quy định phù hợp với lợi ích chính đáng của mọi tầng lớp trong xã hội.

3. Giá trị xã hội của pháp luật.

-Bên cạnh tính giai cấp không thể coi nhẹ giá trị xã hội to lớn của pháp luật. Có thể nói rằng các quy phạm pháp luật là kết quả của sự" chọn lọc tự nhiên" trong xã hội. Trong cuộc sống hàng ngày, cá nhân và tổ chức có quan hệ với nhau rất đa dạng và được thể hiện trong hành vi xử sự khác nhau. Xã hội thông qua nhà nước ghi nhận những cách xử sự hợp lý khách quan, được đa số đông chấp nhận, phù hợp với lợi ích của số đông trong xã hôi. Cách xử sự này được nhà nước thể chế hóa thành những quy phạm pháp luật.

Nói cách khác, những hành vi, cách xử sự phổ biến, trải qua bao biến cố xã hội, bỏ qua và vượt lên những yếu tố ngẫu nhiên, được khái quát hóa thành những quy phạm pháp luật mang tính ổn định và chuẩn mực. Dưới góc độ này quy phạm pháp luật mang tính quy luật vì nó phản ánh được chân lý khách quan, có thể coi quy phạm pháp luật là quy luật khách quan của xã hội, là chân lý khách quan. Khía cạnh này đồng thời thể hiện tính xã hội của pháp luật.

- Mặt khác, giá trị xã hội của pháp luật còn thể hiện ở chỗ, một quy phạm pháp luật vừa là thước đo của hành vi con người, vừa là công cụ kiểm nghiệm các quá trình, các hiện tượng xã hội, là công cụ để nhận thức xã hội và điều chỉnh các quá trình xã hội.

* Ngày nay người ta còn thường nói đến tính dân tộc, tính mở... của pháp luật bên cạnh tính giai cấp, tính xã hội và giá trị xã hội của pháp luật.

+ Pháp luật mỗi nước muốn được người dân chấp nhận là của mình thì nó phải được xây dựng trên nền tảng dân tộc, thấm nhuần tính dân tộc. Nó phản ánh được những phong tục, tập quán, đặc điểm lịch sử, điều kiện địa lý, trình độ văn minh văn hóa của dân tộc.

+ Nó cũng phải là hệ thống pháp luật mở, sẵn sàng tiếp nhận những thành tựu của nền văn minh văn hóa pháp lý của nhân loại để làm giàu cho mình.

4. Các thuộc tính cơ bản của pháp luật.

- Thuộc tính của sự vật, hiện tượng: là những tính chất, dấu hiệu riêng có của sự vật, hiện tượng.

- Thuộc tính của pháp luật: là những tính chất, dấu hiệu riêng biệt, đặc trưng của pháp luật.

- Pháp luật có 3 thuộc tính:

a) Tính quy phạm phổ biến: Quy phạm là tế bào của pháp luật.

- Cũng như các quy phạm pháp luật, các quy phạm đạo đức, tập quán, tín điều tôn giáo, các quy định có tính điều lệ đều có chứa những quy tắc xử sự chung. Nhưng khác với quy phạm trên, quy phạm pháp luật có tính quy phạm phổ biến. Tính quy phạm phổ biến chính là cái để phân biệt pháp luật với các quy phạm xã hội khác. So với các quy phạm xã hội khác, pháp luật có tính bao quát hơn, rộng khắp hơn. Xét về mặt nguyên tắc, pháp luật có thể điều chỉnh một phạm vi quan hệ xã hội bất kỳ nào đó. Đây chính là ưu thế của pháp luật so với các vi phạm xã hội khác.

- Các quy phạm pháp luật được áp dụng nhiều lần trong không gian và thời gian. Việc áp dụng những quy phạm này chỉ bị đình chỉ khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung hoặc thời hạn đã hết.

- Tính phổ biến của pháp luật dựa trên ý chí của nhà nước"được đề lên thành luật". Pháp luật làm cho ý chí này có tính chất chủ quyền duy nhất trong một quốc gia. Chính quyền lực chính trị đem lại cho pháp luật tính quy phạm phổ đặc biệt- tính quy phạm phổ biến.

b) Tính xác định chặt chẽ về mặt hình thức.

- Tính xác định về mặt hình thức thể hiện nội dung pháp luật trong những hệ thống nhất định. Điểm rõ nét nhất của pháp luật là ở chỗ nội dung của nó được xác định rõ ràng, chặt chẽ. Tính xác định rõ ràng, chặt chẽ, nhằm đảm bảo nguyên tắc"bất cứ ai được đặt vào những điều kiện ấy cũng không thể làm khác được".

- Nội dung của pháp luật phải được quy định rõ ràng, sáng sủa, chặt chẽ, khái quát trong các khoản của mọi điều luật, trong các điều luật, trong một văn bản pháp luật và toàn bộ hệ thống pháp luật nói chung. Nếu các quy phạm pháp luật quy định không đủ, không rõ, không chính xác sẽ tạo ra những kẽ hở cho sự chuyên quyền, lạm dụng, những hành vi vi phạm pháp luật như tham ô, lãng phí, tham nhũng, phá hoại, vi phạm nghiêm trọng pháp chế. Nội dung của pháp luật phải được biểu hiện bằng ngôn ngữ pháp luật rõ ràng, chính xác dưới hình thức nhất định của pháp luật.

- 1 quy phạm pháp luật, 1 văn bản pháp luật có thể hiểu theo nghĩa này, cũng có thể hiểu theo nghĩa khác, trong cách viết có sử dụng những từ "vân vân" và các dấu (...) không thể gọi là 1 quy phạm, 1 văn bản có tính xác định chặt chẽ về mặt hình thức.

c) Tính được đảm bảo bằng nhà nước.

- Pháp luật do nhà nước ban hành hoặc thừa nhận, nhà nước đảm bảo thực hiện, điều đó có nghĩa là nhà nước đã trao cho các quy phạm pháp luật tính quyền lực bắt buộc đối với mọi cơ quan, tổ chức và công dân, tức là pháp luật mới trở thành quy tắc xử sự có tính chất bắt buộc chung.

- Tùy theo mức độ khác nhau mà nhà nước áp dụng các biện pháp về tư tưởng, tổ chức, khuyến khích, kích thích... kể cả biện pháp cưỡng chế cần thiết để đảm bảo cho pháp luật được thực hiện đúng. Khi pháp luật thể hiện đầy đủ nguyện vọng, ý chí, lợi ích của đông đảo nhân dân trong xã hội thì nó cũng được mọi người trong xã hội tôn trọng và tự giác thực hiện, khi đó không phải dùng biện pháp cưỡng chế của nhà nước.

- Tính đảm bảo bằng nhà nước có thể được hiểu dưới 2 khía cạnh.

+ Khả năng tổ chức thực hiện của nhà nước bằng cả phương pháp thuyết phục và cưỡng chế.

+ Chính nhà nước đảm bảo cho tính hợp lý, uy tín của nội dung quy phạm pháp luật, nhờ đó nó có khả năng được thực hiện trong cuộc sống một cách thuận lợi.

- Tính quyền lực nhà nước chính là yếu tố không thể thiếu bảo đảm cho pháp luật được tôn trọng và thực hiện. Đây cũng là điều khác nhau căn bản giữa pháp luật với các quy phạm xã hội khác.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top