hinh thai kt_xh cs, dac trung xh: xhcn(o vn)

6. Phân tích những quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin về những điều kiện cơ bản của sự ra đời hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa.

* Khái niệm hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa

Hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa là một chế độ xã hội phát triển cao nhất hiện nay, là chế độ có quan hệ sản xuất dựa trên sở hữu công cộng về tư liệu sản xuất, thích ứng với lực lượng sản xuất ngày càng phát triển, tạo thành cơ sở hạ tầng có trình độ cao hơn so với cơ sở hạ tầng của chủ nghĩa tư bản; trên cơ sở hạ tầng đó có kiến trúc thượng tầng tương ứng thực sự là của nhân dân.

Cũng như mọi hình thái kinh tế - xã hội khác, hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa có quá trình phát triển từ thấp đến cao do sự trưởng thành về kinh tế và các quan hệ xã hội phù hợp, thể hiện ở từng thời kỳ, giai đoạn khác nhau, kế tiếp và thống nhất với nhau.

* Các điều kiện cơ bản của sự ra đời hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa

Sự thay thế hình thái kinh tế - xã hội tư bản chủ nghĩa bằng hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa là hợp quy luật. Sự thay thế đó có nguồn gốc kinh tế - xã hội sâu xa, đó là miếng đất hiện thực tư bản chủ nghĩa.

Những điều kiện cơ bản của sự ra đời hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa:

Thứ nhất, khi nền sản xuất tư bản chủ nghĩa càng phát triển, dựa trên sự phát triển của khoa học - kỹ thuật và công nghệ hiện đại làm cho lực lượng sản xuất phát triển không ngừng với trình độ xã hội hóa ngày càng cao, vượt khỏi giới hạn chật hẹp của quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa. Mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất với quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa là mâu thuẫn kinh tế cơ bản của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Mâu thuẫn này dẫn đến mâu thuẫn xã hội, mâu thuẫn giai cấp không thể điều hòa được giữa giai cấp công nhân và nhân dân lao động với giai cấp tư sản.

Thứ hai, trong xã hội tư bản chủ nghĩa có hai giai cấp cơ bản, tiêu biểu nhất, đối lập nhau về lợi ích cơ bản, đó là giai cấp công nhân đại biểu cho lực lượng sản xuất hiện đại, xã hội hóa ngày càng cao và giai cấp tư sản thống trị xã hội đại biểu cho quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa. Hai giai cấp này mâu thuẫn với nhau ngày càng rõ rệt, sâu sắc và gay gắt. Các cuộc đấu tranh giai cấp của giai cấp công nhân chống giai cấp tư sản áp bức, bóc lột phát triển từ thấp đến cao.

Thứ ba, trong xã hội tư bản chủ nghĩa xuất hiện những tai họa cho cả  giai cấp công nhân, nhân dân lao động và cho cả nhân loại cũng như môi trường thiên nhiên (áp bức, bóc lột, bất công, phân hóa giàu nghèo, phân biệt chủng tộc, chiến tranh xâm lược, lối sống văn hóa, đạo đức suy đồi, tệ nạn xã hội phức tạp, ô nhiễm môi trường...).

Đến khi xuất hiện những tình thế, thời cơ, tạo ra những điều kiện cần và đủ thì cách mạng xã hội chủ nghĩa nổ ra. Cách mạng xã hội chủ nghĩa nổ ra và thắng lợi sẽ mở đầu cho sự ra đời hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa. Tuy nhiên, trong thời đại hiện nay, có những nước tư bản chủ nghĩa mới ở trình độ trung bình và những nước chưa qua chủ nghĩa tư bản cũng có thể nổ ra cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa để bước sang hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa.

Vậy, những điều kiện để những nước tư bản chủ nghĩa trung bình và những nước chưa qua chủ nghĩa tư bản lên hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa là:

Một là, chủ nghĩa tư bản chuyển thành chủ nghĩa đế quốc gây chiến tranh xâm lược các thuộc địa, gây tai hoạ cho hàng trăm quốc gia dân tộc, làm xuất hiện những mâu thuẫn cơ bản và gay gắt của thời đại mới:

  - Mâu thuẫn giữa giai cấp công nhân và giai cấp tư sản.

  - Mâu thuẫn giữa chủ nghĩa đế quốc xâm lược với các quốc gia dân tộc thuộc địa, phụ thuộc

   - Mâu thuẫn giữa các nước tư bản - đế quốc với nhau.

   - Ở hàng trăm nước nông nghiệp, vẫn còn mâu thuẫn giữa địa chủ và nông dân, tư sản với nông dân, trong đó nổi lên mâu thuẫn giữa tư bản - đế quốc xâm lược và bè lũ tay sai phong kiến với cả dân tộc bị áp bức, bóc lột, mất độc lập tự do.

Hai là có những tác động toàn cầu của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, của học thuyết Mác Lênin ... thức tỉnh các dân tộc vùng lên giành độc lập dân tộc. Nhiều nước sau khi giành được độc lập dân tộc đã chọn con đường phát triển đi lên hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa.

7. Phân tích những đặc trưng cơ bản của xã hội xã hội chủ nghĩa. Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định những đặc trưng cơ bản của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam như thế nào?

* Quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin

Chủ nghĩa xã hội là giai đoạn thấp của hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa. Nó có sự khác nhau về chất và nguyên tắc xây dựng so với Chủ nghĩa tư bản. Dựa vào cơ sở lý luận khoa học của các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin và thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội, chúng ta có thể nêu ra những đặc trưng cơ bản của chủ nghĩa xã hội như sau:

Đặc trưng thứ nhất: Cơ sở vật chất - kỹ thuật của Chủ nghĩa xã hội là nền sản xuất công nghiệp hiện đại.

Chỉ có nền sản xuất công nghiệp hiện đại mới đưa năng suất lao động lên cao, tạo ra ngày càng nhiều của cải vật chất cho xã hội, đảm bảo đáp ứng những nhu cầu về vật chất và văn hóa của nhân dân, không ngừng nâng cao phúc lợi xã hội cho toàn dân. Nền công nghiệp hiện đại đó được phát triển dựa trên lực lượng sản xuất đã phát triển cao. Ở những nước thực hiện sự quá độ "bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa lên chủ nghĩa xã hội", trong đó có Việt Nam thì đương nhiên phải có quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa để từng bước xây dựng cơ sở vật chất-kỹ thuật hiện đại cho chủ nghĩa xã hội.

Đặc trưng thứ hai: Chủ nghĩa xã hội đã xóa bỏ chế độ tư hữu tư bản chủ nghĩa, thiết lập chế độ công hữu về những tư liệu sản xuất chủ yếu

Thủ tiêu chế độ tư hữu là cách nói vắn tắt nhất, tổng quát nhất về thực chất của công cuộc cải tạo xã hội theo lập trường của giai cấp công nhân. Tuy nhiên, không phải xóa bỏ chế độ tư hữu nói chung mà là xóa bỏ chế độ tư hữu tư bản chủ nghĩa.

Chủ nghĩa xã hội được hình thành dựa trên cơ sở từng bước thiết lập chế độ sở hữu xã hội chủ nghĩa về tư liệu sản xuất, bao gồm sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể. Chế độ sở hữu này được củng cố, hoàn thiện, bảo đảm thích ứng với tính chất và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, mở đường cho lực l­ượng sản xuất phát triển, xóa bỏ dần những mâu thuẫn đối kháng trong xã hội, làm cho mọi thành viên trong xã hội ngày càng gắn bó với nhau vì những lợi ích căn bản.

Đặc trưng thứ ba: Chủ nghĩa xã hội tạo ra cách tổ chức lao động và kỷ luật lao động mới

Qúa trình xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là một quá trình hoạt động tự giác của đại đa số nhân dân lao động, vì lợi của đa số nhân dân. Chính bản chất và mục đích đó, cần phải tổ chức lao động và kỷ luật lao động mới phù hợp với địa vị làm chủ của người lao động, đồng thời khắc phục những tàn dư của tình trạng lao động bị tha hóa trong xã hội cũ.   

Đặc trưng thứ tư: Chủ nghĩa xã hội thực hiện nguyên tắc phân phối theo lao động - nguyên tắc phân phối cơ bản nhất

Chủ nghĩa xã hội bảo đảm cho mọi người có quyền bình đẳng trong lao động sáng tạo và hưởng thụ. Mọi người có sức lao động đều có việc làm và được hưởng thù lao theo nguyên tắc “làm theo năng lực, hưởng theo lao động“. Đó là một trong những cơ sở của công bằng xã hội ở giai đoạn này.

Đặc trưng thứ năm: Chủ nghĩa xã hội có Nhà nước xã hội chủ nghĩa là nhà nước kiểu mới, nhà nước mang bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân rộng rãi và tính dân tộc sâu sắc; thực hiện quyền lực và lợi ích của nhân dân.

Nhà nước xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Thông qua nhà nước, Đảng lãnh đạo toàn xã hội về mọi mặt và nhân lao động thực hiện quyền lực và lợi ích của mình trên mọi mặt của xã hội. Nhân dân lao động tham gia nhiều vào công việc nhà nước. Đây là một “nhà nước nửa nhà nước”, với tính tự giác, tự quản của nhân dân rất cao, thể hiện các quyền dân chủ, làm chủ và lợi ích của chính mình ngày càng rõ hơn.

Đặc trưng thứ sáu: Chủ nghĩa xã hội đã giải phóng con người thoát khỏi áp bức bóc lột, thực hiện công bằng, bình đẳng, tiến bộ xã hội, tạo những điều kiện cơ bản để con người phát triển toàn diện.

Mục tiêu cao nhất của chủ nghĩa xã hội là giải phóng con người khỏi mọi ách áp bức về kinh tế và nô dịch về tinh thần, bảo đảm sự phát triển toàn diện cá nhân, hình thành và phát triển lối sống xã hội chủ nghĩa, làm cho mọi người phát huy tính tích cực của mình trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nhờ xóa bỏ chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa mà xóa bỏ sự đối kháng giai cấp, xóa bỏ tình trạng người bóc lột người, tình trạng nô dịch và áp bức dân tộc, thực hiện được sự công bằng, bình đẳng xã hội.

Những đặc trưng trên phản ánh bản chất của chủ nghĩa xã hội, nói lên tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội. Và do đó, chủ nghĩa xã hội là một xã hội tốt đẹp, lý tưởng, ước mơ của toàn thể nhân loại. Những đặc trưng đó có mối quan hệ mật thiết với nhau. Do đó, trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội cần phải quan tâm đầy đủ tất cả các đặc trưng này.

* Những đặc trưng cơ bản của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam

Căn cứ vào tình hình cụ thể của đất nước và những đặc trưng của chủ nghĩa xã hội theo quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin, trong ”Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ qúa độ lên chủ nghĩa xã hội“, Đảng ta đã xác định những đặc trưng của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam mà chúng ta sẽ xây dựng là:

-  Do nhân dân lao động làm chủ.

- Có một nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hưũ về các tư liệu sản xuất chủ yếu.

- Có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

- Con người được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột, bất công, làm theo năng lực, hưởng theo lao động, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện cá nhân.

- Các dân tộc trong nước bình đẳng, đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ.

- Có quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân dân tất cả các nước trên thế giới”.

Những đặc trưng trên đều mang tính dự báo. Với sự phát triển về kinh tế và xã hội của đất nước, thời đại, những đặc trưng sẽ được tiếp tục bổ sung, phát triển trong tiến trình phát triển của cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #dsd