Hinh nhu la tinh yeu
HÌNH NHƯ LÀ TÌNH YÊU
Buổi chiều thật lặng lẽ. Đường phố nhảy múa với màu áo và hình người qua lại. Khi ngọn đèn ở ngả tư đường bật sáng màu xanh, đoàn xe cộ hối hả hướng nhanh về phía trước, chen chúc nhau trong tiếng còi ồn ào. Con đường của thành phố bao giờ cũng quay cuồng trong tiếng động náo nhiệt.
Nhưng chiều nay, buổi chiều thật lặng lẽ.
Bên trong cánh cửa kính thủy tinh, bàn ghế sắp đặt cạnh nhau. Mỗi ghế một người ngồi. Trên bàn là một ly rượu gì đó, một ly bia, nước ngọt hay cà phê.
Một điếu thuốc lên khói từ giữa hai ngón tay, điếu thuốc không còn biết hiệu gì vì mùi vị đã dửng dưng trong miệng. Từ một chỗ ngồi như thế nhìn ra ngoài đường. Trời đã chiều nhưng vẫn còn chói chang ánh nắng. Thành phố nóng bức này đã đến mùa nóng nhất, cơn mưa không hề thấy từ hơn tháng nay.
Sự khao khát bóng mát của những cây cổ thụ trong rừng, cơn mưa mát lạnh của miền núi, đám mây đẹp của không khí vùng cao nguyên luôn luôn có một vẻ sầu muộn. Tất cả đã xa tôi trong một khoảng thời gian dài. Cũng như Châu. Tôi đã xa Châu thật lâu, năm hay sáu năm gì đó không một lần gặp lại, hình bóng tưởng bám chặt trong người như loài hoa bí leo kín mát hiên, nhưng thật ra dần dần buông thả, rơi lìa. Một trái cây trứng cá đã chín mùi cũng lìa cành như thế, rơi trên đất không vang một tiếng động nhỏ.
Khuôn mặt của người thiếu nữ giờ đây mơ hồ lạ lùng như một người bộ hành nào đó đi dưới cơn mưa. Giọt nước mưa chảy đầy bao phủ trên khuôn mặt một màu trắng lóng lánh, thật huyền ảo nhưng dấu kín hết những dấu hiệu nào quen thuộc. Bây giờ nếu Châu có đứng ở góc phố kia, thật gần với chỗ tôi ngồi. Cho dù trời không mưa, trời soi sáng cho mọi người nhận thấy từng lớp bụi bặm trên vỉa hè, tôi cũng không nhận ra Châu, tưởng chừng như một cô gái nào lạ mặt như trăm ngàn cô gái chiều này đã đi qua trước mắt.
Bây giờ có lẽ tôi không còn phân biệt được Châu với người khác. Sự xa lạ ấy đáng kinh ngạc và làm tôi buồn bã.
Con đường từ thành phố Ban Mê Thuột đi lên Suối Nhà Đèn, đến ngã rẽ có một trũng đất thấp hơn mặt đường, ngôi trường Châu học ở đó. Hai hàng nhà lợp tôn thấp, sân đất đỏ bốc mùi bụi dưới gót chân của học trò trong ngày trời nắng, hay lầy lội thứ bùn đỏ ngầu đặc biệt của miền núi này. Châu ngồi trong lớp học có cánh cửa quay ra đường và thế là trên con đường ấy mỗi ngày tôi đi qua lại chục lần để nhìn soi mói vào lớp học. Những khoảng cách khá xa từ mặt đường cho đến chỗ ngồi của Châu ở góc lớp không bao giờ cho phép tôi nhìn thấy Châu. Tôi chỉ nhìn thấy cặp mắt bực dọc của thầy giáo nhìn tôi và những nụ cười đùa cợt của bọn con gái. Nếu Châu đừng chăm chú với bài giảng của thầy (Châu lúc nào cũng có vẻ chăm học cả), Châu cũng đừng thì thầm nói chuyện với lũ bạn bên cạnh, Châu nhìn ra ngoài khung cửa sổ một đôi lần sẽ nhận thấy tôi rất rõ ràng. Một thằng con trai ít khi hớt tóc, đôi mắt lúc nào cũng ngơ ngác tìm kiếm ai, và mặc dầu trời chỉ hơi lạnh cũng mặc cho bằng được một chiếc áo len màu đỏ chói để cho người khác dễ nhận thấy (thật ra là cho Châu). Tôi đó.
Trước giờ vào học và sau khi tan học, tôi bắt gặp đôi mắt Châu nhìn tôi đúng hai lần. Tôi không biết làm gì hơn là nhe răng ra cười và chờ đợi một nụ cười trả lại. Tính tôi đơn giản đến nổi có thể hạnh phúc trong ngày khi được ai cười với mình. Và Châu đã cười, nụ cười tươi tắn không có vẻ gì điệu bộ cả. Tôi yêu chết được những nụ cười tự nhiên như thế, nó dễ nhận thấy hơn là một cái nhếch mép. Mẹ tôi thường bảo con gái cười như thế là cười toe toét trông vô duyên lắm, nhưng tôi không đồng ý với mẹ tôi về điều này chút nào, Châu có duyên chết đi được chứ, đôi mắt không phải là thứ mắt bồ câu hay nai vàng thường tả trong tiểu thuyết, đôi mắt ấy nhỏ và sáng rực rỡ cùng với đôi môi. Thời tiết của Ban Mê Thuột gần như lạnh thường trực, Châu cũng chưa đến tuổi được ba má cho phép dùng son môi, nên đôi môi của Châu thường xanh xao. Nhưng điều ấy có hề gì đâu, tôi vẫn yêu màu xanh từ khi mỗi lần đi học Châu đều mặc chiếc áo dài màu xanh (cái trường Trung học Công lập Ban Mê Thuột bê bối này có một quy luật thật thơ mộng là bắt buộc tất cả học trò đều phải mặt đồng phục xanh, áo trắng ở đây rất mau bẩn vì đường xá nhiều bụi bặm).
Về sau tôi yêu thương những màu xanh suốt đời. Có lần tôi đã ngạc nhiên vì điều ấy và sự hồi tưởng về Châu đã trả lời cho tôi. Bắt đầu từ màu áo xanh của Châu trong những buổi chiều màu xám tro, rừng cây xa màu xanh và rêu con đường đất đỏ nâu. Rồi đến tất cả những màu xanh, màu của da trời, của biển, ngọc thạch, của rêu rong, của sông, của mắt đàn bà Tây phương, của lá cây, bao thuốc Bastos xanh, và cả màu xanh nhạt của khói thuốc.
Ngoài hai lần gặp nhau ở trường, tôi và Châu gần như gặp nhau và trò chuyện suốt ngày. Nhà của hai đứa cách nhau một bãi cỏ và một vườn cây đu đủ cao lêu nghêu. Những cây đu đủ không biết ai đã trồng từ bao giờ, chỉ biết khi nhà tôi đến ở đó, trái đu đủ đã chín ửng vàng thật nhiều. Thằng em trai tôi thường leo lên hái, tôi cũng thường leo lên nhưng không phải để hái trái cây, chí cốt cho tầm mắt nhìn thấy xa hơn, nhìn thấy Châu đang lui hui đổ thóc vào chuồng gà sau nhà bếp.
Người ta dầu đã già hay chưa già, thường có thói quen tìm lại những phút giây ban đầu của một đời, hay của một tình yêu. Tôi cũng có thói quen ấy. Ban đầu của tôi như thế nào nhỉ?
Gia đình tôi mới dọn lên Ban Mê Thuột, ở trong một khu cư xá, tôi chưa quen biết ai ở xung quanh cả. Tôi ở mãi trong nhà, đứng bên cạnh cửa sổ để nhìn ra khung cảnh cao nguyên thật mới mẻ đối với tôi. Đường đất gập ghềnh, những chiếc xe ngựa lóc cóc đi chậm rãi, ngôi chợ nhỏ lúp xúp ở cổng số một, và thỉnh thoảng một hai người đàn bà Thượng đóng khố để ngực trần đi qua. Cảnh tượng trầm tĩnh của miền núi có một vẻ đẹp làm tôi ngây ngất như không khí lạnh của trời. Tôi đứng lặng người như thế hoài cho nên khi Châu vào trong nhà đứng gần bên tôi, tôi cũng không hề biết. Đến khi giọng nói lạ lùng ấy vang lên:
- Đứng làm gì mà thừ người ra thế?
Tôi giật mình và không biết trả lời sao, Châu tiếp tục:
- Sao không có ai ở nhà cả? Tôi sang mượn cái bàn là, nhà tôi ở sát bên cạnh, chỗ kia kìa...
Tôi nhìn theo ngón tay chỉ của Châu và cũng chưa nói được gì. Châu quan sát tôi chăm chú như một bà soeur trìu mến nhìn cậu học trò nhỏ mới ghi tên học nội trú. Giọng nói con gái Bắc nghe đáng yêu biết bao, giọng ấy khi nói những câu tầm thường nhất như là "mượn cái bàn là" nghe vẫn êm đềm ghê gớm. Châu ngạc nhiên:
- Sao không nói gì cả thế? Nhà có bàn là cho tôi mượn một lát đi, không tôi về liền bây giờ à.
Cái chữ "về" của Châu làm tôi kinh hãi. Tôi gật đầu và lí nhí nói đại ý sẽ lấy bàn là cho Châu mượn ngay. Tôi chạy đi tìm trong khi Châu ngồi xuống tự nhiên trên ghế, trong trí óc non dại của tôi thầm mong rằng Châu sẽ ngồi đó suốt đời. Nhưng Châu bỗng đứng dậy khi tôi loanh quanh khắp các xó xỉnh mà vẫn không tìm thấy gì cả.
- Thôi để lát nữa tôi qua mượn cũng được, tôi về nhé.
Lại chữ "về" đáng sợ ấy. Tôi cố gắng tìm một câu để nói với Châu.
- Chị ngồi xuống đó một tí, tôi kiếm được liền mà.
Châu ngồi xuống, mắt vẩn vơ nhìn bức hình con cá voi trắng dán trên bàn tôi, và nói:
- Đừng tìm nữa, tôi ngồi đây chơi một lát được không?
- Được quá. Chị ngồi đây suốt ngày cũng được.
Châu mỉm cười vẻ thân mật, đôi mắt Châu dịu dàng hơn nhưng giọng nói vẫn hất hàm như một người chị.
- Này nhà mới dọn lên đây phải không? Trước kia ở đâu thế?
- Ở Quy Nhơn.
- Quy Nhơn là ở đâu?
- Ở biển... ở đó có biển, biển cũng đẹp như núi ở đây. Chị chưa bao giờ thấy biển à?
Đôi mắt Châu hình như lùi xa để nghĩ ngợi, tôi rất buồn khi thấy ai có một đôi mắt xa xăm như thế.
- Có chứ... có một lần thôi. Trước nhà tôi ở ngoài Bắc, vào đây bằng tàu biển, chỉ thấy biển có lần đó mà bây giờ không nhớ gì cả. Rồi cả nhà lên Ban Mê Thuột, ba me ở đây hoài buồn nghê... Nhưng này tên gì thế?
- Tên ai?
Châu đưa ngón tay chỉ vào tôi. Tôi thầm nghĩ sao Châu phá phách quá trời, nhưng tôi cũng trả lời:
- Tôi tên Tuấn, nhưng tôi ghét cái tên đó lắm. Chị có thể gọi tôi bằng tên khác, gọi là Ngự được không?
- Được chứ. Nhưng sao gọi là Ngự.
- Vì hình như tôi sinh ra ở Bến Ngự.
- Bến Ngự là ở đâu thế?
Tôi đứng dậy đưa tay lên chỉ vào chấm nhỏ trên bức bản đồ Việt Nam. Từ Huế lên Ban Mê Thuột xa lắm, đi máy bay mất vài giờ còn đi xe hơi xa hơn nhiều, đến ga Ninh Hòa phải đón xe đò lên Ban Mê Thuột, đường này đi rộng rãi lắm và có hai ngọn đèo nhưng đèo ở xứ này không thấm vào đâu so với đèo Hải Vân ở giữa Huế và Đà Nẵng...
Tôi khoái chí vì lần đầu tiên nói với con gái một câu dài như thế. Châu vẫn tiếp tục hỏi:
- Ngự học lớp mấy rồi đấy?
Tôi trả lời và Châu ngạc nhiên:
- Thế là học bằng tôi rồi, còn nhỏ mà học giỏi nhỉ.
Tôi nổi sùng chết được. Châu làm ra vẻ người lớn thế nhưng có lẽ chỉ bằng hay hơn tôi một tuổi là cùng. Tôi không thèm nhìn Châu nữa và cầm bâng quơ mấy tập báo trên bàn. Tôi lật ra từng trang nhưng không nhìn thấy gì hết những hình vẽ và những chữ đầy trang giấy. Châu cũng quay mặt nhìn ra ngoài đường và một thằng quỷ quái nào đó đạp xe ngang qua cười tình với Châu làm tôi buồn chết được. Tôi định nói Châu về đi cho rồi, nhưng Châu lại gợi chuyện, bao giờ Châu cũng nói trước cả:
- Ngự bao nhiêu tuổi rồi đấy?
Tôi trả lời và Châu ngạc nhiên, Châu bớt cái vẻ đàn chị đối với tôi:
- Thế là bằng tuổi tôi rồi. Thôi đừng gọi tôi là chị nữa, gọi là Châu đi nhé. Lúc nào rỗi qua nhà tôi chơi, nhà tôi kia kìa... có chuồng gà vui lắm mà mấy đứa em trai lớn cũng gần bằng Ngự .
Châu bỗng nhíu mày, hay có lẽ cố làm ra như thế.
- Lạ thật! Sao tụi mình cái gì cũng giống nhau, học cùng lớp lại cùng một tuổi.
- Có cái khác chứ. Tôi là con trai còn Châu là con gái.
- Dĩ nhiên rồi. Ngự ăn nói gì vô duyên thế!
Môi Châu trề ra như một múi cam tươi gợi cảm ngon lành. Con gái khi có đôi môi đẹp thì nó làm cái trò gì cũng đẹp, dầu cho có trề môi dưới ra dài thòng...
....
Mời bạn tìm đọc tiếp câu chuyện và những truyện ngắn đặc sắc khác trong tập truyện ngắn "Hình như là tình yêu" - Tác giả: Hoàng Ngọc Tuấn đang được phát hành rộng rãi.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top