Phân tích "Bài thơ về tiểu đội xe không kính"

   Phạm Tiến Duật là nhà thơ quân đội từng tham gia hoạt động trên chiến trường Trường Sơn trong những năm kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Những sáng tác của ông tập trung thể hiện hình ảnh thế hệ trẻ trong cuộc kháng chiến chống Mĩ với giọng điệu sôi nổi, trẻ trung, hồn nhiên, tinh nghịch mà sâu sắc. "Bài thơ về tiểu đội xe không kính" được Phạm Tiến Duật sáng tác vào năm 1969 và được xem là bài thơ mang nhiều nét độc đáo qua tài thơ văn đậm phong cách riêng của tác giả. Trong đó, ông đã khắc họa hình ảnh những chiếc xe không kính qua đó làm nổi bật hình ảnh những người lính lái xe Trường Sơn với tư thế hiên ngang, tinh thần lạc quan, dũng cảm, bất chấp khó khăn, nguy hiểm cùng với đó là ý chí chiến đấu sôi sục để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

   Như chúng ta đã biết, trong những năm chống Mĩ cứu nước, Trường Sơn chính là nơi đã hội tụ không ít những con người yêu nước quả cảm. Họ đã tình nguyện đến với Trường Sơn bằng sức trẻ và lòng nhiệt huyết của tuổi thanh xuân. Và trong "Bài thơ về tiểu đội xe không kính", Phạm Tiến Duật đã giúp cho người độc cảm nhận sâu sắc hơn về vẻ đẹp của những chiến sĩ lái xe. Qua hai câu đầu ở khổ thơ đầu tiên, đó là lời giới thiệu về người bạn đồng hành của người lính trên chiến trường đầy gian khổ thật độc đáo:

    "Không có kính không phải vì xe không có kính
    Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi"

   Câu thơ mang tính khẩu ngữ với những từ phủ định để làm rõ hình dạng của những chiếc xe đang đi trên đường Trường Sơn. Đó là những chiếc xe không kính do sự tàn phá của bom đạn kẻ thù. Sự khốc liệt của chiến tranh đã làm những chiếc xe biến dạng và gần như đã hư hỏng hoàn toàn:

    "Không có kính rồi xe không có đèn
      Không có mui xe thùng xe có xước"

   Chính cách sử dụng điệp ngữ trong hai câu thơ đã vẽ lên một hình tượng thơ độc đáo. Xe không kính, không đèn, không mui, thùng xe đầy vết xước nhưng xe vẫn lao nhanh về phía trước để hoàn thành nhiệm vụ. Không chỉ gợi lên hiện thực về chiến tranh tàn khốc mà qua hình ảnh đó, tác giả đã để người đọc hình dung được những gian khó mà những người lính lái xe phải đối mặt cùng với người đồng đội- những chiếc xe không kính. Người lính cũng có cách giải thích rất dí dỏm về lí do xe không có kính, thực ra là để nói về những mất mát và ác liệt của chiến tranh, vậy mà giọng thơ lại bình thản, thể hiện cái nhìn lạc quan và bản lĩnh kiên cường của người chiến sĩ lái xe.
   Làm nhiệm vụ trên những chiếc xe không còn nguyên vẹn_không kính, thế nhưng người lính lái xe vẫn giữ tư thế ung dung và bình thản:

    "Ung dung buồng lái ta ngồi
      Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng.

      Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng
      Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim
      Thấy sao trời và đột ngột cánh chim
      Như sa như ùa vào buồng lái."

   "Ung dung" là tư thế ngồi thanh thản và thong thả. Nếu đặt vào hoàn cảnh chiến tranh đầy gian khổ thì tư thế trên là biểu hiện cho sự hiên ngang và lòng dũng cảm, ngoan cường. Điệp từ "nhìn" và "thấy" đã tạo nên âm hưởng dồn dập, thể hiện giọng thơ khoẻ khoắn, đầy năng lượng bởi tốc độ của những chiếc xe lúc này cũng bon bon trên đường Trường Sơn để chi viện cho miền Nam. Từ ngữ "nhìn thẳng" thể hiện rõ thái độ của người lính lái xe, họ sẵn sàng đối đầu với những thử thách khắc nghiệt khi ngồi trên những chiếc xe không kính. Phạm Tiến Duật đã nhập thân vào người lính lái xe đó qua từ "ta", để có thể thấu hiểu đến tận cùng cái cảm giác khi ngồi sau tay lái của những chiếc xe không kính. Đó là sự cảm nhận tất cả từ bụi, từ gió, rồi trời sao, cánh chim,...như sa, như ùa vào buồng lái. Chúng ta không nên hiểu những câu thơ này như một lời kể khổ của những người lính lái xe không kính, mà ngẫm kĩ và suy xét cho đúng thì với người chiến sĩ, làm việc với những chiếc xe không kính cũng có cái thú vị riêng. Thú vị vì vì nhờ những chiếc xe không kính này mà sự giao hoà, giao cảm giữa con người và thiên nhiên có vẻ đã thuận lợi và trở nên gắn bó hơn.
   Cái nhìn của người lính vào thiên nhiên, vũ trụ là cái nhìn đậm chất lãng mạn . Ta nhận ra trong tâm hồn người lính vừa có chất nghệ sĩ mà vừa có tính ngang tàng của nghề nghiệp, lại thêm vào đó chính là khí phách anh hùng vốn có của người chiến sĩ Trường Sơn:

    "Không có kính, ừ thì có bụi
     Bụi phun tóc trắng như người già
     Chưa cần rửa, phì phèo châm điếu thuốc
     Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha.

     Không có kính, ừ thì ướt áo
     Mưa tuôn, mưa xối như ngoài trời
     Chưa cần thay, lái trăm cây số nữa
     Mưa ngừng, gió lùa khô mau thôi."

   Lái xe không kính thì " bụi phun tóc trắng", "mưa tuôn, mưa xối như ngoài trời", đó là những hình ảnh rất thực. Điệp ngữ " không có kính" , "ừ thì có" và "chưa cần" khiến cho giọng thơ mạnh mẽ thể hiện rõ tíng cách ngang tàng và thách thức thể hiện thái độ bất chấp, xem thường nguy hiểm của người lính lai xe. Người lính đã vượt lên khó khăn một cách rất nhẹ nhàng, tiếng cười "ha ha" rất sảng khoái và kiểu hút thuốc "phì phèo" rất tôi của người lính. Những câu thơ với cách nói dí dỏm đã làm nổi bật tâm hồn trẻ trung, sôi nổi của người lính lái xe trên tuyến đường Trường Sơn một thời máu lửa.
   Một trong những vẻ đẹp của người lính lái xe chính là tình đồng đội gắn bó. Đó là nguồn sức mạnh đã giúp họ vượt qua tất cả:

    "Những chiếc xe từ trong bom rơi
    Đã về đây họp thành tiểu đội
    Gặp bè bạn suốt dọc đường đi tới
    Bắt tay qua cửa kính vỡ rồi.
   
    Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời
    Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy
    Võng mắc chông chênh đường xe chạy
     Lại đi lại đi trời xanh thêm."

   Càng khó khăn gian khổ, họ càng gắn bó keo sơn. Không chỉ chia nhau từng điếu thuốc mà trong bom đạn nguy hiểm những người lính lái những chiếc xe không kính đã tụ họp lại thành một tiểu đội. Tiểu đội này không phải là "tiểu đội 1" hay "tiểu đội 2" mà là "tiểu đội xe không kính". Nếu trong bài thơ "Đồng chí", những người lính "thương nhau tay nắm lấy bàn tay" thì những người lính trong bài thơ này lại "bắt tay qua cửa kính vỡ rồi". Một cái bắt tay qua khung cửa kính đã vỡ không chỉ là chút đùa vui mà cũng đủ làm ấm lòng và động viên nhau. Cái bắt tay đó giúp con người xích lại gần nhau hơn trong nhiều cái chung: chung hoàn cảnh, chung bếp lửa, chung bát đũa và nhất là đi chung con đường với vô vàn thách thức hiểm nguy phía trước. Ta thấy dù trong khoảnh khắc nào của cuộc hành quân thì những người lính lúc nào cũng động viên nhau, chào hỏi nhau. Trên đường đi, học bắt tay nhau qua cửa kính, lúc nghỉ thì cùng nhau châm điếu thuốc, cùng ăn chung bát đũa. Tất cả nhận nhau là người cùng một gia đình, để rồi họ lại cùng nhau lên đường : "lại đi lại đi trời xanh thêm". Câu thơ này không chỉ chan chứa hy vọng về một tương lai tốt đẹp đang đến gần mà còn là tinh thần lạc quan của người lính lái xe. Một số biện pháp tu từ trong điển hình trong bài thơ như : đảo vị trí các từ trong cụm từ  (phì phèo châm điếu thuốc), hoán dụ (Những chiếc xe từ trong bom rơi/ Đã về đây họp thành tiểu đội), điệp ngữ (lại đi lại đi) đã góp phần khẳng định vẻ đẹp tâm hồn của những người chiến sĩ lái xe trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước.
   Kết thúc bài thơ, tác giả đã viết:

    "Không có kính rồi xe không có đèn
    Không có mui xe, thùng xe có xước
    Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước
    Chỉ cần trong xe có một trái tim."

   Chỉ trong bốn câu thơ mà điệp từ "không" được nhắc lại ba lần, một mặt để nhấn mạnh sự khó khăn, mức độ ác liệt của chiến trường, mặt khác lại khẳng định quyết tâm của những người lính. Xe dù không có kính, dù không có đèn thì xe vẫn lao đi vun vút. Bom đạn kẻ thù có thể làm xe thêm biến dạng nhưng không thể lấn át đi tinh thần chiến đấu của những người lính lái xe và xe chạy không chỉ vì có một động cơ máy móc mà còn có cả động cơ tinh thần "vì miền Nam phía trước". Đối lập với những cái không có ở trên là đó là trái tim_là sức mạnh tinh thần giúp người lính chiến thắng bom đạn kẻ thù. Trái tim ấy thay thế cho tất cả những thiếu thốn: không kính, không đèn, không mui đee tiến lên phía trước vì miền Nam thân yêu. Cách sử dụng biện pháp hoán dụ trong câu thơ " chỉ cần trong xe có một trái tim" đã làm nổi bật tinh thần yêu nước thiết tha của những người lính lái xe. Chính điều đó đã cho thấy vẻ đẹp của thế hệ trẻ Việt Nam trong những năm tháng kháng chiến chống Mĩ cứu nước đầy gian lao, khắc khổ.
 
   Tóm lại, Phạm Tiến Duật đã giúp người đọc cảm nhận sâu sắc hơn về hình ảnh những người chiến sĩ lái xe Trường Sơn trong thời kì kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Tác giả đã thêm vào bài thơ những chất liệu hiện thực của cuộc sống ở chiến trường qua ngôn ngữ thơ mạnh mẽ, tự nhiên và nhiều biện pháp tu từ đặc sắc. Qua đó, chúng ta càng thêm khâm phục và yêu mến những người lính lái xe lạc quan, dũng cảm, bất chấp nguy hiểm để hoàn thành nhiệm vụ, góp phần làm nên thắng lợi vẻ vang cho dân tộc và mang đến cho toàn dân một cuộc sống hòa bình và hạnh phúc.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top