Tiết Dương - đứa trẻ giữa dòng đời

Như phần mô tả nha, đây là những cảm nhận và phân tích nhân vật của ta, hem phải truyện đâu nhớ!!! 😜

Còn vì sao là Hiểu Tiết?? Tất nhiên là vì ta ship Hiểu Tiết rồi.

Vậy tại sao lại là "Tĩnh"?? Không phải vô duyên vô cớ đặt tên mà quơ bừa, đơn giản là nó nằm trong chuyên mục "Tĩnh" trên WordPress ta mới lập ra, thế thui!!! 😎😎😎

Bài viết sẽ dựa trên những cảm nhận, trải nghiệm của hơn 20 nồi bánh chưng, kiến thức về tâm lý học, chiêm tinh cũng như kinh nghiệm đi khai vấn tâm lý của ta. Cho nên bài viết sẽ mang tính cá nhân hóa rất cao, cũng khá lộn xộn nữa.
👉 Lưu ý trước khi vào!!

_______________

Một hòn đá làm rung động mặt hồ

Miêu tả khúc đàn Không, không dây không trục.

*

     Đã từng có nhiều người hỏi ta, vì sao thích Tiết Dương? Hầu hết những người bạn ta quen, nếu họ có đọc "Ma đạo Tổ sư" thường sẽ rất ngạc nhiên khi ta nói ta thực thích Tiết Dương.

     Đúng, Tiết Dương là một nhân vật phản diện, với nhiều người cậu ta đen chẳng thể đen hơn, không thuốc chữa, không thể tha, chết chưa hết tội, kết thúc trong truyện vẫn là quá nhẹ nhàng cho những gì cậu ta đã làm.

     Ta hiểu vì sao người ta cảm thấy như thế, ta cũng không có ý định "tẩy trắng" hay thanh minh cho Tiết Dương. Đơn giản với ta, nếu Tiết Dương không như thế sẽ không phải Tiết Dương trong lòng ta nữa.

     Ta đến với "Ma đạo tổ sư" là do Tiết Dương, khi ta nghe bài "Thảo mộc" trên Youtube. Lúc ta biết bài hát xoay quanh điểm nhìn của Tiết Dương, cộng thêm những lời giảng giải của chị gái (chị ta lúc đó ý đồ lôi kéo ta về với Ma đạo, lôi kéo tận mấy năm mới thành công :v), ta đã tự hỏi, rốt cuộc, cuộc đời của người này đau khổ đến cỡ nào. Mang theo thương cảm và tò mò ta đã tìm đến "Ma đạo tổ sư", cuối cùng lọt hố đến giờ vẫn chưa thoát ra được.

     Ta rất thích Vong Tiện, rất thích, và trong truyện, hai người này đã quá trọn vẹn, vì thế ta không đọc thêm đồng nhân hay fanfic về Vong Tiện nữa, với ta hai người ấy như vậy đã là đủ rồi. Nhưng Tiết Dương lại là một câu chuyện khác, khắc khoải, tiếc nuối, đau đớn, không cam, cảm xúc của ta đơn giản hóa đi thì tóm gọn thành bốn tính từ này.

     Với ta, Tiết Dương như một đứa trẻ vậy. Ta đoán tuổi tâm hồn của Tiết Dương đã dừng lại ở năm bảy tuổi đoạn chỉ ấy. Khi con người ta bị tổn thương ở một khía cạnh nào đó trong cuộc sống và vết thương ấy không được chữa lành, tuổi tâm hồn người ta sẽ dừng ngay ở thời khắc bị tổn thương ấy. Nó sẽ thành "vết thương chưa lành" hoặc cũng có thể không thể lành lại được khi người ta không biết cách xoa dịu hay đắp thuốc cho nó. Hầu hết những vết thương khó lành của con người lại được hình thành trong vòng từ 6 đến 8 năm đầu tiên của cuộc đời. Vì sao nó lại khó lành?? Vì những nỗi đau ấy sẽ đi thẳng vào trong tiềm thức của chúng ta, giai đoạn từ 0 đến 8 tuổi là giai đoạn não bộ phát triển mạnh mẽ nhất, giống như một cánh cửa mở rộng và đón nhận tất cả mọi thứ vậy, chính vì thế mà mới mong manh và dễ bị tổn thương như thế. Khi đã đi vào trong tiềm thức, nó trở thành những gì sâu xa, lắng đọng ở bên trong, người ta ví tiềm thức giống như biển cả, còn ý thức con người là con thuyền trôi trên đó. Bên dưới mặt nước đấy là gì, không ai đoán được. Khi bị tổn thương, vết thương ấy sẽ đóng khung con người ta lại, và để ta dừng ở độ tuổi của vết thương đó, cho đến khi cái lồng ấy được phá bỏ và đứa trẻ thoát ra được, lúc đó mới tiếp tục lớn, người ta gọi đấy là "chữa lành".

     Tiếc rằng lại chẳng ai có thể lôi Tiết Dương ra khỏi cái hộp ấy, bản thân cậu cũng không thể. Từ nhỏ lang bạt đầu đường xó chợ, những dòng miêu tả về cuộc đời Tiết Dương không nhiều, thời thơ ấu lại càng không, ta không biết chính xác Tiết Dương đã trải qua, đã gặp gỡ những gì, nhưng để từ một đứa ăn mày rách rưới trở thành Quỳ Châu nhất bá, cái giá phải trả hẳn không nhỏ. Ngụy Vô Tiện đi theo quỷ đạo vì bất đắc dĩ, với ta Tiết Dương cũng vậy, không tu không sống được, không như thế không thể tồn tại.

     Những gì Tiết Dương thể hiện ra, từ ngôn ngữ đến cử chỉ, trong mắt ta đơn giản giống như "trả thù đời". Con người tổn thương người khác theo cách mà họ bị tổn thương. Một người sống trong một gia đình có lối ăn nói cay nghiệt, chì chiết, thường (nhớ là "thường" thôi nhé) cũng sẽ sử dụng bạo lực ngôn từ để đả thương người khác. Tiết Dương không phải kẻ tham vọng và dã tâm như Kim Quang Dao, cũng chẳng ham mê xa hoa nhục dục, tiền bạc hay quyền lực, có lẽ, cậu sống là để trả thù, trước là Thường gia, sau là Tống Lam và Hiểu Tinh Trần, ngoài trả thù ra, cái gì sẽ làm lẽ sống của cậu nữa? Đứa trẻ ấy không được xoa dịu, vết thương ấy không được chữa lành, tất cả hành động của Tiết Dương đều ngây ngô như một đứa trẻ, chú ý đến ta, chú ý đến ta, nhìn ta đi, đó là lý do vì sao Tiết Dương không ngần ngại thể hiện hết những gì ác liệt, xấu xa nhất của mình, như một con nhím xù lông và cho người nếm hết gai độc của mình, khoa trương và ồn ào, không kiêng kị, tùy tiện, cũng kiêu ngạo và đầy tàn độc. Điều Tiết Dương muốn có lẽ là nhìn những người đó chày da tróc vẩy, chật vật không sao chịu nổi, không làm gì được giống như đứa trẻ bảy tuổi năm ấy dưới bánh xe ngựa, thế gian đã đối xử với ta như thế nào, ta trả thế gian như vậy.

     Trên đời thường sẽ phân thành ba loại người, một là kẻ đấu tranh đến cùng, hai là chấp nhận rồi thay đổi cho phù hợp và cuối cùng là chấp nhận rồi buông xuôi. Ta sẽ chỉ bàn đến hai cái đầu, đơn giản vì với ta Hiểu Tinh Trần là loại người đầu tiên, còn Tiết Dương là loại thứ hai. Kiên trì và đấu tranh đến cùng, không đánh mất đạo của mình dù bị chèn ép thế nào, Hiểu Tinh Trần trong ta là như vậy, quân tử như ngọc (sẽ có bài về Hiểu Tinh Trần sau). Còn Tiết Dương, bị ép đến cùng đường mà phải lựa chọn "ẩn mình" (*). Kiên tâm và chọn thay đổi, con đường của ai dễ dàng hơn? Đấu tranh giữ lại bản tâm của mình là một điều rất khó, ta phải thừa nhận và cũng rất ngưỡng mộ điều ấy, gập ghềnh và trắc trở. Còn thay đổi để tồn tại, nhìn có vẻ dễ sống hơn, dễ thở hơn, lại ít ai biết được cái giá phải trả đằng sau nó lại là cái gì, thay đổi đồng nghĩa với buông bỏ hay làm mất đi một cái gì đó. Vậy con đường nào dễ dàng hơn, rốt cuộc cũng chẳng thể nào so sánh được. Giống như một người chưa từng có gì và một người từng có tất cả rồi mất hết, ai đau hơn ai? Câu hỏi này ai có thể trả lời? Nỗi đau khác nhau, cảm nhận con người khác nhau, đâu cùng hệ quy chiếu mà so sánh được.

(*ẩn mình ở đây là học cách khoác lên mình những tấm áo giáp, treo lên mặt nạ che đậy những gì mềm mại nhất của bản thân)

      Ta nghĩ sẽ có những lúc, Tiết Dương sẽ cảm thấy mình đã sai và có ý muốn "nếu được quay trở lại...." đó là lý do vì sao ba năm Tiết Dương an ổn sinh hoạt ở nghĩa trang, ngoại trừ ban đầu ác liệt lừa Hiểu Tinh Trần đồ thôn dân, còn lại cũng không làm gì quá tàn độc cho đến khi Tống Lam đến. Tuy nhiên, có đôi khi con người ta lựa chọn một con đường có lẽ vì một lý do nào đó rất quan trọng, nhưng càng đi, con đường phía trước lại trở thành lý do để người ấy tiếp bước. Thay đổi theo hướng ngược lại dường như là điều không thể. Nó tựa như việc xóa sạch tất cả những gì mình có từ trước đến nay, phủ định hết thảy những gì mình đã làm, phủ định luôn con người cũng như lẽ sống từ trước tới giờ của mình. Có những lựa chọn không thể quay đầu. Bảy tuổi năm ấy Tiết Dương đã lựa chọn cho mình. Mưa đục giáng xuống, giáng luôn cả tang thương, núi non rộng lớn chính tà do ai quản? Quay trở lại rồi thì làm sao? Liệu rằng thay đổi được gì? Mà vốn không thể quay lại, mọi chuyện cũng đã xảy ra rồi, đã lừa sao không tiếp tục lừa đi? Dù sao, đường lui bao giờ cũng là con đường khó đi nhất. Độc ác với người cũng độc ác với chính bản thân mình. Trả thù đời, lại cũng như trả thù mình. Làm tất cả vì muốn sống, lại cũng như chẳng để ý mạng sống của mình. Tận cùng của nhân tâm là tận cùng của hiểm ác, cũng là tận cùng của hư vô. Người như vậy, đau khổ làm sao!

     Dù Tiết Dương thuộc nhóm thứ hai, chấp nhận cuộc đời và thay đổi bản thân, nhưng bên trong cậu cũng có những phản kháng ngầm của riêng mình. Thị ngọt thị hơn cả mạng, kẻ khổ đau lại thích đường biết bao. Khi những khát khao thủa thơ ấu xa không thể với, không thể có được, nhiều người sẽ lựa chọn từ bỏ và chỉ coi đó như một ảo mộng của mình. Tiết Dương vẫn giữ lại đặc tính hảo ngọt của đứa bé trai năm ấy. Một chút ngọt ngào nơi đầu lưỡi, một viên đường nắm lấy sống chết không buông lại hệt như muốn bù đắp một phần nào đó cho những cay đắng đã nếm qua của cuộc đời. Không chấp nhận việc Hiểu Tinh Trần toái hồn, tám năm điên cuồng tìm cách tụ hồn, lại cũng như dã tràng xe cát biển Đông.

     Ta từng đọc một số bài phân tích, nhiều người nói Hiểu Tinh Trần ôn nhu như nước. Ôn nhu ta thừa nhận, còn nước, ta thấy giống Tiết Dương hơn. Xét về nguyên tố trong Chiêm tinh - hoàng đạo, với ta Hiểu Tinh Trần mang nhiều đặc trưng của nhóm cung đất, tiêu biểu là Xử Nữ: chắc chắn, kiên định, chú trọng tiêu chuẩn, sạch sẽ về thể chất, thanh khiết về tâm hồn, hợp tác, đoán biết nhu cầu của người khác. Còn Tiết Dương thiên về nguyên tố nước nhiều hơn, cũng là nguyên tố khó nắm bắt nhất, địa hạt của xúc cảm, sâu thẳm, kín đáo, nhạy cảm, mông lung và mờ mịt. Ta từng ngồi bàn luận với chị gái Tiết Dương sẽ thiên về nước của Song Ngư hay của Bọ Cạp. Kí hiệu của Song Ngư là hai con cá, một con lên và một con xuống, điều đấy tạo lên vế cân bằng. Song Ngư bị tổn thương là khi một trong hai con cá suy yếu hoặc chết đi và phá vỡ thế cân bằng đó, nếu là Tiết Dương, con cá đi lên đã chết, chỉ còn con cá kéo xuống vô cùng thôi. Cuối cùng hai đứa vẫn chọn là Bọ Cạp: đào sâu, mãnh liệt, bí ẩn, che dấu, thất thường, sắc sảo, thù dai và bạo lực. Về nhạy cảm và sắc sảo, điều này khá rõ, Tiết Dương giỏi trong việc nhìn nhận và nắm bắt cảm xúc của người khác, ta thực đánh giá rất cao thông minh cảm xúc của Tiết Dương, nắm bắt cảm xúc là một chuyện tác động lên là một chuyện khác, trong Trí tuệ Cảm xúc thì việc tác động lên cảm xúc của người khác gọi là "instrumental emotion" - "cảm xúc công cụ" là một việc tương đối khó, cần được sử dụng cẩn thận và đúng cách, Tiết Dương thuần thục hai cái này, áp dụng đặc biệt tốt lên đối thủ :v. Sâu thẳm và kín đáo, ta thực cảm thấy trong truyện có lẽ không nhân vật nào có thể hiểu được Tiết Dương, quá mâu thuẫn, hoặc cũng có thể chẳng ai nguyện đi lý giải cậu ta cả. Ngụy trang quá tốt, giấu mình đi quá tốt, thâm hiểm lại nằm sâu bên trong. Tiết Dương cũng chẳng chủ động đi thân cận ai, duy nhất một lần đêm đông nói về bảy tuổi đoạn chỉ, lại cũng không nguyện nói hết, vạch ra khoảng cách nhất định. Một viên đường đầu giường của ngày hôm sau phần nào chạm đến đứa trẻ bảy tuổi ấy, lại chẳng nắm được gốc rễ sâu xa, Hiểu Tinh Trần không thể đập vỡ lớp vỏ và an ủi đứa trẻ bên trong, Tiết Dương không nguyện ý, Hiểu Tinh Trần cũng không đủ tinh tế. Hình tượng Tiết Dương trong ta là có một đôi mắt đen bóng, rất đen, nuốt hết đủ màu sắc vào bên trong, tĩnh lặng như một mặt hồ, sâu thẳm như biển cả, và chẳng ai biết bên trong đôi mắt ấy đang nghĩ gì. Nhiều khi ta nghĩ, liệu rằng Tiết Dương giỏi che dấu quá, không để ai nắm được tâm can mình, che đến mức cả bản thân mình cũng không nhận ra chăng? Ba năm nghĩa trang là gì? Tám năm thủ thành là gì? Tiết Dương có nhận ra điều gì không? Có thể là có, cũng có thể là không. Câu hỏi này, lại cũng chẳng có câu trả lời chính xác.

     Ngoài ra, ở một góc độ nào đó, nghe thì có vẻ vô lý, nhưng ta thấy Tiết Dương cũng thuộc người dịu dàng. Tiết Dương không phải người chú ý tiểu tiết của cuộc sống, tùy tiện, phóng túng, không câu nệ, lại ngồi gọt táo thành hình con thỏ, một thứ rất dễ thương!!!! Ta tự nhận ta cũng là một đứa khéo tay, thêu thùa, may vá, nấu ăn, làm đồ handmade, vẽ vời, gấp giấy... nói chung thuộc về vận động tinh là rất OK (chị gái ta rất tận hưởng điều này 🙄🙄), ấy thế mà ta không gọt táo thành hình con thỏ được!!! Vì thế trong ta thêm một điều nữa, Tiết Dương rất khéo tay, nghĩ nghĩ, lăn lộn từ bé đến lớn không khéo cũng có thể thành khéo ha. Ở trong phiên ngoại Ác hữu, khi Kim Quang Dao đến thanh lâu tìm Kim Quang Thiện và nghe được lời của lão coi thường mẹ mình, hai người đơn giản chỉ đứng đấy, Kim Quang Dao đứng gần một canh giờ, Tiết Dương cũng đứng gần một canh giờ (gần 2 tiếng đồng hồ), gặm lê và nhìn ra ngoài cửa sổ, sau đó, đi ra khỏi thanh lâu rất lâu, Tiết Dương mới bắt đầu trào phúng Kim Quang Dao. Ta đánh giá rất cao chi tiết này, với tính cách của Tiết Dương, đứng yên một chỗ ngắm cảnh ngoài đường hai tiếng, vô vị, quả là phí thời gian, cậu hoàn toàn có thể bỏ đi. Nhưng tại sao Tiết Dương vẫn ở lại? Lại còn cùng Kim Quang Dao đi về?? Với ta, nó giống như Tiết Dương an ủi Kim Quang Dao vậy, để cho hắn có đủ không gian riêng tự trầm mặc, rồi phá vỡ im lặng ngượng ngập giữa hai người, trong lời Tiết Dương nói cũng mang theo ý bảo vệ Kim Quang Dao dù khó nghe chết đi được, nhưng như thế mới là Tiết Dương, lưu manh đất Quỳ Châu chẳng buông lời an ủi ai hết. Ngoài ra, ở luyện thi tràng, khi họ Hà miệt thị Kim Quang Dao là con kỹ nữ, Tiết Dương đang ngồi chơi, như đại gia xem kịch, nghe hết câu Tiết Dương rút Giáng Tai bạt đầu lưỡi Hà Lam. Lúc đầu ta đọc, ta không chú ý cho lắm, đọc lại mới thấy, nhìn thì có vẻ bình thường không có ngụ ý gì, cơ mà sao giống vô thức bảo vệ Kim Quang Dao thế. Vụn vặt bằng đấy, gom góp thành chút ôn nhu của Tiết Dương.

     Trong mắt ta, Tiết Dương là kẻ vô tâm vô phế, tàn khốc, chẳng phải người hiền lành gì hết, tùy tâm sở dục, mù mịt và không điểm tựa. Tiết Dương nói ba năm nghĩa trang là một hồi trò chơi không sai, đến khi Hiểu Tinh Trần tự sát, hắn điên cuồng, không khống chế được cảm xúc của mình, đập phá mọi thứ. Một lần nữa, phản ứng như vậy quả như một đứa trẻ đánh mất đi thứ đồ chơi yêu thích nhất của mình, lại dùng tám năm để đi sửa chữa, lại tiếp tục chơi với mình, cố chấp vô cùng, ngây thơ vô cùng, đứa trẻ ấy vẫn ngồi khóc và quấy phá bên trong.

     Về Hiểu Tinh Trần, Tiết Dương là kẻ phức tạp, tình cảm cậu dành cho y cũng khó nói theo, ban đầu giống thứ đồ chơi, có cũng được không có cũng chẳng sao, gặp dịp thì chơi. Sau đó, dần dần sinh ra ấm áp, dù sao Hiểu Tinh Trần là người đầu tiên có thể chạm đến đứa trẻ bảy tuổi kia, một chút vuốt ve an ủi cho một tâm hồn chưa bao giờ có lại có thể sinh ra lưu luyến và chấp niệm, nó khá giống tình cảm gia đình, một kẻ dù cô độc cũng cần một chỗ dừng chân, một chút che chở, một chút quan tâm. Đáng tiếc hay, Tiết Dương không hạ xuống hết phòng bị của mình, thói quen là điều đáng sợ của con người, đã quen giấu diếm, bộc lộ sẽ càng ngượng mặt, càng đi lại càng sai, rốt cuộc quay đầu là gì? Đường về là gì? Mờ mịt như màn sương Nghĩa Thành. Hiểu Tinh Trần không hiểu Tiết Dương vì y chưa bao giờ trải qua như Tiết Dương, Tiết Dương không hiểu Hiểu Tinh Trần, vì cậu chẳng phải Hiểu Tinh Trần, khác đường chung quy khó chung đường, tự như hai đường thẳng cắt nhau, duy nhất một chung điểm rồi xa nhau mãi mãi. Lúc Hiểu Tinh Trần mắng Tiết Dương ghê tởm, nó giống như một đường roi quất thẳng vào đứa trẻ bên trong, tổn thương, bi ai, tức giận, ta sai chỗ nào?? Ta rốt cuộc sai chỗ nào để người ta đối xử với ta như thế???  Âm độc lại hiện hình.

    

     Đến cuối cùng, Mặc Hương cũng thực ý tứ khi Tiết Dương bị chặt đứt tay trái, không biết sống chết. Tay trái, đoạn chỉ, viên đường. Cắt, cắt hết, cắt luôn chấp niệm, hòa vào màn sương.

*

*

Một tiếng sấm vang rền làm rung động cỏ cây.

______________________


P.S.  Ta chèo Hiểu Tiết đơn giản vì ta rất muốn Tiết Dương được hạnh phúc, đứa trẻ ấy tổn thương đủ rồi, Hiểu Tinh Trần lại là người duy nhất có thể chạm vào đứa bé bên trong, dù rất ít. Ta muốn Tiết Dương được yêu thương, được chiều chuộng, vuốt ve và an ủi, an nhiên bình yên một đời. Ta thích ôn nhu, ân cần, chu đáo công, với ta Tiết Dương thuộc dạng thích được chiều chuộng hơn là đi chiều người khác, kiêu ngạo và bừa bãi, ngạo kiều như loài mèo, đi chăm sóc bảo hộ cho người khác thì hơi khó.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top