TRỢ LÝ ELON MUSK

Đàm phán lương là chuyện vô cùng rủi ro, nhưng không làm thì không được!


Mary Beth Brown là một trợ lý lâu năm của Elon Musk. Cô đã sát cánh bên cạnh anh như hình với bóng trong suốt 12 năm.


Nếu đã từng quan sát một ngày làm việc của CEO, bạn sẽ biết trợ lý là vị trí căng thẳng đến mức nào. Họ gần như phải hy sinh đời sống cá nhân vì công việc, liên tục di chuyển và thực hiện nhiệm vụ.


Theo Ashlee Vance - tác giả cuốn tiểu sử về Elon Musk, vai trò của Brown còn lớn hơn vậy. Đôi lúc, cô phải tự mình đưa ra các quyết định kinh doanh, chẳng khác nào một giám đốc thực thụ. Sau hơn một thập kỷ hỗ trợ hết mình cho CEO Tesla nhưng chỉ được nhận mức lương của trợ lý, Brown đã đến gặp anh và đề xuất tăng lương cho xứng đáng với công sức mình bỏ ra.


Hành động tiếp theo của Musk là một bước đi không ai ngờ tới, nhưng hoàn toàn phù hợp với một người thực dụng như anh. Vị tỷ phú này bảo Brown hãy nghỉ việc 2 tuần; nếu cô ấy thực sự đóng vai trò không thể thiếu trong công ty, sự vắng mặt này nhất định sẽ để lại tác động không nhỏ.


Khi Brown quay trở lại văn phòng sau 2 tuần gián đoạn, Musk thông báo tin "sét đánh": họ đã tìm được cách làm việc hiệu quả mà không cần đến cô. Vì thế, vị trí trợ lý cũng không còn cần thiết nữa.


Vị tỷ phú này có đề nghị Brown một vị trí khác trong công ty, nhưng không để cô hưởng mức lương giám đốc. Kết quả là người phụ nữ này từ chối.


Có phải đây là một cách tàn nhẫn và máu lạnh để chấm dứt hợp đồng của nhân viên? Có phải Brown đã chờ quá lâu mới hỏi xin tăng lương để xứng đáng với những gì mình cống hiến? Người ta vẫn tự hỏi những điều này nhiều năm sau đó, biến câu chuyện trở thành một chủ đề tranh luận sôi nổi trong giới chuyên gia nhân sự.


* Chúng ta có thể rút ra bài học gì?


Dù Elon Musk còn tranh cãi về một số chi tiết, tác giả Vance vẫn khẳng định rằng câu chuyện này đến từ nguồn tin đáng tin cậy. Dù sự thật là gì, nó cũng để lại nhiều bài học sâu sắc về "trò chơi đàm phán".


Tránh tỏ ra tự phụ


Ai ở vị trí lãnh đạo đều hiểu một điều: chẳng nhân viên nào là không thể thay thế. Việc thay đổi nhân sự diễn ra khá thường xuyên, bởi ông chủ nào cũng muốn cấp dưới làm việc hiệu quả nhất, dù phải trả bao nhiêu tiền. Họ biết cách giảm thiểu rủi ro và chuẩn bị sẵn sàng trong trường hợp nhân viên muốn ra đi.


Đàm phán lương phải có lợi cho cả hai bên


Quá trình đàm phán thường thất bại khi bạn đề xuất mức lương cao hơn cho cùng một khối lượng công việc. Thay vào đó, hãy trình bày một dự án mà bạn có thể thực hiện nhằm giúp công ty tiết kiệm hoặc kiếm được nhiều tiền hơn, để bù đắp chi phí tăng lương cho bạn. Khi đó, cuộc đàm phán mới có khả năng thành công.


Đề xuất mức tăng nhỏ, nhưng thường xuyên


Nếu bạn đã lĩnh hội được 2 bước quan trọng trên, hãy biến chúng thành thói quen. Truyền thông thường đưa tin về sự phát triển chóng mặt của các công ty khởi nghiệp, nhưng trên thực tế, quá trình này diễn ra rất từ từ. Để gia tăng cơ hội đàm phán thành công, bạn nên hỏi xin nhiều đợt tăng lương nhỏ, thay vì đề xuất một mức tăng lớn.


Dù là nhân viên hay ông chủ, bạn hoàn toàn có thể kiểm soát nguồn thu nhập của mình. Bí quyết nằm ở chỗ: bạn phải có chiến lược và căn đúng thời gian. Hãy xác định rõ giá trị bản thân, tìm cách đàm phán để có lợi cho cả mình lẫn đối tác và quản lý.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top