Chương 10 (Kết)
Thời tiết mùa hạ ở Amsterdam khá mát mẻ, chỉ là trời thường xuyên mưa ẩm ướt cả ngày.
Gấp lại quyển sách vừa đọc xong rồi trả về trên giá, tôi gỡ kính xuống nhìn ra cửa sổ tiệm cà phê. Mưa dày nặng hạt đập vào kính cửa trong suốt, trong tiệm bật điều hoà nên mặt kính trong cũng phủ lớp sương làm mờ đi khung cảnh đường phố bên ngoài.
Nhìn kiểu này hẳn mưa sẽ còn kéo dài, tôi buồn chán đứng dậy dạo một vòng xung quanh. Tiệm cà phê này được coi lâu đời nhất ở Amsterdam, tủ gỗ lớn trong góc trưng đầy đĩa than đủ loại phân theo thập niên cùng bộ sưu tập tách trà phong cách baroque, bên cạnh đó là một chiếc dương cầm đứng màu gỗ đỏ.
Hôm nay là ngày đầu tuần, trong tiệm cũng chỉ có lác đác vài vị khách lớn tuổi. Là một khách quen, thậm chí còn xưng anh em tốt với chủ hiện tại của tiệm, tôi quen thói kéo khăn phủ, mở nắp đàn rồi ngồi xuống, rải ngón nhanh qua phím đàn vài lần khởi động tiết tấu rồi mới bắt đầu chơi một bài hoàn chỉnh.
Cây đàn này đã cũ lắm rồi nhưng chất lượng âm thanh vẫn rất ổn định, tiếng đàn réo rắt vang vọng khắp không gian như muốn lấn át tiếng mưa bên ngoài. Thời tiết cuối cùng vẫn là chịu thua, lúc tôi chơi tới bài thứ ba mưa đã nhỏ lại dần rồi tạnh hẳn.
Đang đứng dậy định ra về thì chợt có người gọi 'Hey' một tiếng. Tôi quay đầu, đó là một vị khách nữ trung niên ngồi ở bàn gần đó, bà ấy vẫy chào hỏi tôi bằng tiếng Anh lơ lớ, hỏi tôi có phải nhạc sĩ dương cầm không.
Tôi lịch sự đáp, "Đã từng."
"Bản nhạc cuối cùng cậu đàn có tên không?"
"Có, tên là Blue Gravity."
"Nghe thật giàu cảm xúc." Bà ấy mỉm cười: "Tôi tin rằng đằng sau bản nhạc này có một câu chuyện."
Vị khách này bảo rằng mình có một buổi chiều nghỉ ngơi không có gì làm,
tôi nhìn ngoài trời mưa đã tặng hẳn, nghĩ một hồi liền quyết định dẫn bà ấy đến phòng tranh bên kia đường.
Vừa bước vào cửa phòng tranh, đập vào mắt khách ghé thăm sẽ là một bức tranh màu bột khổ ngang, vẽ một con thuyền gỗ lơ lững giữa những tầng mây, bầu trời trong tranh chuyển từ hồng cam đến tím rồi dừng lại ở xanh tối thẫm như mực. Lau khô giày ở thảm nơi bậc cửa xong, tôi kéo rèm ra cho ánh sáng bên ngoài lọt vào làm cả không gian bừng sáng. Sau đó mới dẫn bà ấy đến trước bức tranh, bảo rằng đây chính là khởi nguồn của bản độc tấu đó.
Có một nhà du hành sống trên một chiếc thuyền không trọng lực, mỗi ngày đều phiêu bạt trên bầu trời. Ai nhìn lên cũng thấy cuộc sống chu du đó thật lý tưởng, nhưng thật ra anh ta không hạnh phúc tới vậy. Anh ta không thể rời khỏi thuyền, cứ thế sống với lơ lửng vô định cùng chao đảo dữ dội do gió lốc gây ra, vậy nên anh ta đã dành cả cuộc đời đi tìm kiếm mỏ neo để đỗ con thuyền này lại.
"Thế cậu ấy có tìm được không?"
Có, một ngày nọ nhà du hành tìm thấy ở giữa biển cả có một ngư dân đang neo chiếc thuyền phổ thông của mình lại nghỉ ngơi sau một ngày làm việc.
Anh ta liền đánh bạo hỏi: "Có thể cho tôi mượn chiếc mỏ neo của cậu một chút không? Đổi lại, tôi sẽ cho cậu thật nhiều của cải quý giá trên thuyền."
"Tôi không cần của cải quý giá." Ngư dân lắc đầu, "Đổi lại, chỉ cần kết giao với tôi được không?"
Cả mặt biển rộng lớn này cũng chỉ có con thuyền đánh cá của ngư dân, ngày đêm cậu ta đều vất vả mưu sinh, cũng không sợ mệt mỏi, chỉ là có chút cô đơn.
Ngư dân đưa cho nhà du hành mỏ neo để con thuyền không trọng lực tạm thời đứng yên giữa không trung. Bọn họ đều không thể rời khỏi thuyền của mình, nhưng việc một người ở trên một người đứng dưới cũng không ảnh hưởng lắm tới việc bọn họ nói chuyện rất vui vẻ. Mặt trời dần lặn xuống, ngư dân mới nói đầy tiếc nuối: "Tôi phải sang vùng lân cận đánh bắt đêm rồi."
Nhà du hành định trả lại mỏ neo, ngư dân lại từ chối, cười nói rằng ban đêm nơi đấy gió rất to, anh cứ giữ lại dùng tới khi tôi quay lại đi.
Đêm đó gió lốc từ đâu bỗng dạt tới, con thuyền bay có mỏ neo giữ lại đứng yên vững vàng, nhưng nhà du hành vẫn cảm thấy cơ thể mình như cũ chao đảo ngả nghiêng giữa cơn lốc. Lửng lơ giữa bầu trời không trọng lực nào có thể giữ lại hóa ra không phải con thuyền, mà là chính anh ta.
Rất nhiều ngày sau ngư dân vẫn chưa trở lại, nhà du hành đành đi tìm cậu, mới biết được vùng biển lân cận vừa có cơn bão quét qua, sóng dữ vùi xuống mọi thứ không để lại dấu vết.
Vị giám tuyển lặng người một hồi rồi hỏi tôi, "Vậy anh ta có tìm được người bạn kia để trả lại mỏ neo không?"
Tôi lắc đầu.
Giống như nhà du hành mắc kẹt trên bầu trời bao la, ngư dân đã nhận lấy cái ôm vĩnh viễn bởi đại dương nơi cậu ấy thuộc về.
"Bản độc tấu lúc nãy đã đủ động lòng rồi, hoá ra câu chuyện đằng sau còn thú vị hơn." Vị giám tuyển lắc đầu, lấy trong túi ra một tấm danh thiếp, "Tôi đề nghị tác phẩm này nên được nhiều người biết đến hơn."
Nhìn trên danh thiếp đề tên giám tuyển phòng tranh thành phố, tôi cười bảo: "Ngài cảm thấy bút lực của bức tranh đủ tiêu chuẩn sao? Người vẽ chỉ là một người nghiệp dư."
Bà ấy dùng ánh mắt sâu kín nhìn tôi: "Nghệ thuật không có cái gọi là tiêu chuẩn, hơn nữa, giá trị của tác phẩm nghệ thuật nên được xác định bằng câu chuyện của chúng."
"Cảm ơn, nhưng tôi đã hứa với một người rằng bức tranh này sẽ thuộc về nơi đây."
"Thế thì thật đáng tiếc." Vị giám tuyển nhún vai, lúc được tôi tiễn ra cửa bà ấy nói đùa, "Tôi đành đợi đến khi chủ nhân phòng tranh này tán gia bại sản vậy."
Tôi bật cười, bảo rằng phòng tranh này mở cửa cả tuần trừ thứ hai, luôn luôn hoan nghênh những vị khách như bà ấy ghé qua.
Sau cơn mưa mặt trời bắt đầu ló dạng, nước đọng thành cũng bên ngoài phản chiếu tia nắng ánh lên lấp lánh. Tôi kéo kín rèm lại để ánh sáng không chạm tới tranh trong phòng, khoá cửa trước rồi quay người đi vào xưởng vẽ nhỏ nằm ở sâu đằng sau.
Phòng tranh này vốn là của vị hoạ sĩ già người bản địa. Lúc chuyển tới vào thành phố bốn năm trước tôi trùng hợp được dịp làm hàng xóm của ông ấy, vốn chỉ vì thấy ông ấy tuổi cao lại không con cháu người thân nên mới thường xuyên tới giúp trông coi, vậy mà thời gian thấm tháp trôi qua tôi đã trở thành chủ nhân mới của phòng tranh này.
Thú vị là ở đây trưng bày tranh của nhiều hoạ sĩ từ có tiếng tới vô danh, chỉ tuyệt đối không có tranh của ông ấy. Tuy tính cách hơi lập dị thất thường nhưng vị hoạ sĩ này là một người rất thú vị, hằng tuần ông ấy đều lấy lý do kiểm tra ghé qua phòng tranh, tôi cũng hiểu ông ấy là cảm thấy cô đơn nên vẫn luôn vui vẻ tiếp đón. Chúng tôi thường xuyên dành cả buổi chiều vắng khách để trò chuyện về ty tỷ đề tài, mà phần lớn là ông ấy tuôn trào vô số quan điểm cá nhân trong hội hoạ và nghệ thuật nói chung.
Ông ấy thường bày tỏ đắc ý với lý tưởng sáng tác của mình, nguyên văn theo lời ông ấy là "đặt trái tim và linh hồn vào tác phẩm, đánh rơi lý trí ở giữa đường rồi."
Ông ấy cũng từng nói, nghệ thuật vốn dĩ được định sẵn là con đường cô đơn, những kẻ trông có vẻ kiêu ngạo đứng đơn độc trên đỉnh tháp ngà như chúng tôi trong lòng đều chứa đựng một khát khao hết sức tầm thường, đó là tìm kiếm sự đồng cảm từ người khác.
Dù sao thì con người cũng là loài sống cộng sinh tinh thần, chúng tôi sợ hãi âm sắc của bản thân chẳng được nghe thấy, cứ thế trầm đục đâm vào vách gỗ mềm rồi bị lãng quên. Chỉ khác là có người chọn bước vào hào quang nổi bật dễ thấy nhất để hội tụ càng nhiều linh hồn đồng điệu, cũng có người hèn nhát ẩn mình nơi vực thẳm để âm vang tự vọng lại làm bạn với chính mình, cảm thấy vậy là đủ.
Tôi cười nói với ông ấy, thật ra có tìm được tâm giao tri kỷ không cũng chẳng quan trọng. Suy cho cùng cốt lõi của nghệ thuật chính là cảm xúc, nỗi cô đơn thường được xem là chất bào mòn độc hại cho tâm tính cũng có thể xúc tác ra linh cảm, có thể khơi ra thái cực cảm xúc bành trướng nhất, còn rất dễ gây nghiện.
Bởi vì chúng ta đều là những cá thể mang âm sắc tần số độc lập, xác xuất tìm được đồng điệu tuyệt đối gần như bằng không. Linh hồn con người còn dễ bị vô số yếu tố ngoại cảnh lẫn vô hình làm cho liên tục đổi hình đổi dạng, đến đi tan hợp đôi khi cũng chỉ xuất phát từ thay đổi nhỏ nhất nơi tâm tư bọn họ. Càng trông đợi nhiều càng dễ thất vọng, càng tin tưởng gửi gắm mới càng dễ rơi vào thất lạc tuyệt vọng.
"Nghe thật bi quan." Vị hoạ sĩ già gật gù, "Nhưng đôi khi cảm xúc mãnh liệt như vậy mới là sợi dây bền chặt nhất treo giữ linh hồn nghệ thuật của chúng ta trên đỉnh cao."
Lời này tôi không có ý kiến, cũng chẳng để tâm mấy, người tìm kiếm thăng hoa nghệ thuật để tạo ra tác phẩm để đời cũng không phải tôi.
Trong phòng còn đậm mùi sơn màu cùng chất tẩy rửa, tôi mở hết cửa sổ trong phòng ra rồi đeo tạp dề lên. Bên cửa sổ lớn đặt một khung tranh lớn ở vị trí nhiều ánh sáng nhất, tôi ngồi xuống ghế đẩu rồi bóp màu ra khay, tiếp tục quá trình hoàn thiện bức tranh còn đang dang dở này.
Vẽ tranh là một công việc có thể gây mất khái niệm thời gian, đến lúc ánh dương ngoài cửa sổ chuyển màu vàng mật ong rồi tôi mới dừng tay lại.
Trầm tư nhìn mảng màu còn bóng ướt trên vải toan, hồi lâu sau tôi mới quay sang hỏi, "Cậu thấy màu xanh này có nhạt quá không?"
HẾT.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top