sun-kissed boulevard
Một cái sequel khác của cái series không hiểu sao lại được sinh ra, nhưng vì mình vẫn có nhu cầu đóng góp thêm nên cứ viết tiếp vậy. Tóm tắt đại khái thì đây là sequel của cả "cuộn tròn" luôn, vì timeline của nó xảy ra sau đấy, Vũ và Nhân đang ở chung (ăn cơm trước kẻng đã đời rồi mới ở chung nên thoải mái lắm). Fic không có gì đáng để tâm, trừ vài đoạn mình chửi bậy. Đây là một fic với vai trò bổ sung thêm character build cho Kim Cơ Nhân vì mình thấy viết chưa đã tay ở "cuộn tròn". Không hợp vui lòng clickback để bảo vệ mental health của bạn, mình chưa hết deadline nên đang hơi ché đỏ, xin đừng chọc mình điên. Chúc mọi người đọc fic vui vẻ.
Cái fic này được published vào đúng sinh nhật Kim Giin nên mình nghĩ có thể viết thêm bên lề một chút. Trong chuyên ngành của mình, có một cụm luôn được nhai đi nhai lại là trust-the-process, và mình nghĩ Kim Giin là sự tồn tại hợp lý nhất cho câu nói này. Ít nhất là với mình, một đứa lúc nào cũng nóng tính và luôn chỉ đợi kết quả đầu ra hơn là nhìn vào quá trình của sản phẩm. Tuyển thủ Kiin là một người sinh ra để chứng minh cho mình thấy ngược lại rằng bạn bắt buộc phải đi từ một đến mười, vì sau cùng bạn chỉ là một con người bình thường và hiếm hoi lắm sẽ có một cơ hội cho bạn vụt lên thành ngôi sao lớn. Trust-the-process rất quan trọng, Kim Giin hẳn đã phải tin vào điều này mới có thể kiên nhẫn đến thế trong một ngành nghề có tuổi thọ cực thấp như tuyển thủ thể thao điện tử; và nhìn vào thành quả bây giờ thì mình nghĩ thật may mắn vì cuối cùng cuộc đời không bạc đãi bất cứ ai tin vào tôn chỉ này. Thật may mắn vì mình đã gặp được một con người trải qua những chuyện na ná mình để có niềm tin làm nô lệ tư bản hơn. Thật sự rất vui vì thấy được người truyền cảm hứng làm một con người nhỏ bé bình thường với ý chí mạnh mẽ như thế. Mình tin Kim Giin sẽ còn đi được xa, và mong sao GenG 24 sẽ đi cùng tuyển thủ Kiin thêm nhiều năm nữa.
Btw, mình có thấy mọi người khen fic của mình trên confession và tíc tóc =)))) mình cám ơn mọi người rất nhiều và thật sự thì mình giao tiếp rất chán đời nên không biết phải bày tỏ gì hết, xin lỗi mọi người vì không vào reply tử tế mong mọi người bỏ qua :') sự ủng hộ của người đọc là niềm vui cho mình quậy tiếp rất nhiều, mà kể cả không có thì mình vẫn quậy banh chành ra rồi sẽ xóa nếu cảm thấy cần thiết =)))) một lần nữa thì cám ơn mọi người đã ghé qua fic mình rất nhiều.
***
"Gia tài em chỉ có bàn tay
Em trao tặng cho anh từ ngày ấy
Những năm tháng cùng nhau anh chỉ thấy
Quá khứ dài là mái tóc em đen
Vui, buồn trong tiếng nói, nụ cười em
Qua gương mặt anh hiểu điều lo lắng
Qua ánh mắt anh hiểu điều mong ngóng
Anh nghĩ gì khi nhìn xuống bàn tay?"
(trích "Bàn tay em"-Xuân Quỳnh, từ tập thơ "Tự hát" xuất bản năm 1984)
***
Có một điều tôi vĩnh viễn không hiểu được rằng, tại sao anh Vũ lại thích ngâm thơ sau khi làm tình đến vậy ? Đồng ý là tất thảy con người trên hành tinh này đều sinh ra vì một sứ mệnh không tên nào đó và chìm đắm trong niềm vui của riêng họ; nhưng mà thật quái lạ, dù có yêu nhau thêm bao lâu, tôi vẫn không sao hình dung được những gì nảy số trong đầu Tôn Thi Vũ khi cuộc yêu trên giường của chúng tôi kết thúc. Sự khác thường trong cung cách và hành động của con người anh luôn cuốn lấy, dính chặt linh hồn chúng tôi lại với nhau: chỉ để một lúc nào đó tôi bỗng nhiên thốt ra cái ý tưởng của mình trong vô thức, và anh sẽ dịu dàng cùng tôi gỡ bỏ từng khúc mắc chẳng đáng để bận tâm ấy như một tư vấn viên chuyên nghiệp. Tôi nghĩ đó là lý do mối quan hệ của cả hai có thể đi xa, từ bạn giường thành người yêu và sắp sửa thành vợ chồng, dù cho đôi khi tiếng nói của con người tôi không vang vọng đến anh và ngược lại. Mẹ luôn nhắc tôi rằng dù tôi có cưới thêm mười người đi chăng nữa hay không; tôi vẫn là con của mẹ, và nếu là cốt nhục của bà, tôi phải kết hôn với người thật lòng muốn lắng nghe mình từ những vấn đề nhỏ nhặt nhất. "Chìa khóa vàng cho hôn nhân bền vững đấy"; lần trước chúng tôi đi siêu thị với nhau, lúc lựa mấy củ hành tây, mẹ bỗng dưng thao thao bất tuyệt cho tôi nghe về mấy chuyện như thế: về việc giữ lửa gia đình, quan tâm chồng con ra sao, san sẻ trách nhiệm trong hôn nhân như nào, vân vân và mây mây- đến mức tôi nghĩ, nếu những lời ấy có thể chuyển hoá thành vật, chắc hẳn xe đẩy hàng của mẹ và tôi sẽ đầy ắp tới mức báo động đỏ. Cứ tưởng tượng linh tinh như thế khiến khóe miệng tôi lại dãn ra trong vô thức, giống như lúc anh Vũ phàn nàn với tôi về công việc của anh bằng những ngôn từ hết sức phong phú tới ma quỷ vậy. Cười muốn ngã lăn ra sàn. Sống chung với nhau mấy năm khiến cho những thói quen của Tôn Thi Vũ dần dần ảnh hưởng tới cuộc đời của tôi thế đấy.
Tôn Thi Vũ là người thuộc về nghệ thuật, trong quan điểm của tôi từ lúc quen nhau tới khi đào sâu vào cuộc đời đối phương vẫn luôn là như vậy. Anh thích vẽ (dù Vũ luôn đối xử với nó hằn học như thể kẻ thù truyền kiếp bao năm mới hội ngộ), thích sáng tác mấy dòng caption thú vị cho tôi đăng ảnh trên Instagram, biết ăn mặc chải chuốt sao cho bảnh tỏn hết mức; và vì thế việc Tôn Thi Vũ yêu thơ ca nhạc hoạ đất mẹ đối với tôi chưa bao giờ là sự bất ngờ lớn lao. Kiểu như nó là việc ngẫu nhiên sẽ xảy ra với một con người như anh, trong thâm tâm tôi luôn giữ lại cái ý tưởng ấy cho mình. Nên dù chẳng bao giờ biết được thói quen ngâm thơ sau khi làm tình của anh xuất phát từ đâu, tôi vẫn không ghét và chưa khi nào từ chối lắng nghe cái quãng giọng trầm ấm ấy lảng vảng quanh tai mình. Sẽ luôn là những đường nét chạy dọc khắc hoạ cơ thể anh với mồ hôi bỏng rát là chất liệu chính; một căn phòng mờ mờ ánh đèn vì chúng tôi thống nhất với nhau rằng, làm chuyện này trong không gian ảo mộng như thế kích thích gấp trăm lần sáng trưng; bàn tay tôi bủn rủn đan lấy những đốt ngón tay có vài vết chai mình tìm thấy được nơi anh trong bóng đêm, sau khi cao trào trôi qua- cạn kiệt hoàn toàn sức lực đến mức phải nằm thở phì phò một lúc. Vào thời khắc ấy, Tôn Thi Vũ sẽ lẩm bẩm cho tôi nghe một bài thơ nào đấy anh biết và thuộc lòng: thường sẽ là thơ tình, của Xuân Diệu hoặc Huy Cận hoặc Chế Lan Viên; Vũ thích ba người đàn ông biết viết những con chữ tạc khắc trong đầu anh nhất, nhưng tất nhiên, chẳng phải bài nào anh cũng nhớ mặt gọi tên. Não con người có giới hạn, nhất là khi cả cuộc đời của người tôi yêu luôn dành hết cho công việc và gia đình, nên chuyện bắt anh nhớ hết tất thảy những gì các nhà thơ của đất này đã sáng tác thì chắc kiếp sau cũng chẳng làm nổi. Nếu đó là sở thích của anh, hãy cứ để Vũ thoải mái loay hoay với nó. Người đàn ông ấy luôn nói với tôi rằng đó là điều anh thích nhất ở con người tôi, miễn chẳng có gì đe doạ thay đổi hoàn toàn cuộc sống này, tôi sẽ luôn đối diện với cả thế gian bằng gương mặt như một con rô-bốt được lập trình sẵn, lạnh nhạt, quyết đoán và khôn ngoan, một cách có tính toán, Vũ hay đùa như vậy. "Vì bản thân anh bất ổn, nên lúc nào anh cũng mong có một ai đó đủ tỉnh táo để đi với mình, kiểu người sẽ để anh sống ở thế giới của anh và quan tâm anh khi anh cần, chứ không phải mọi lúc. Nghe rất vô lý nhưng em có nghĩ là kể cả sau khi kết hôn, chúng ta vẫn cần có không gian cá nhân không ?". Vũ hay tâm sự mấy chuyện kiểu vậy, tôi gọi nó là di chứng môn Triết học đại cương; nhưng tất nhiên, những điều vu vơ ấy cũng bỏ ngỏ thêm dòng suy nghĩ trong tôi. Chuyện kết hôn và có con, thỉnh thoảng tôi lại ngẩn ngơ nghĩ về nó như một ký ức nằm xa lắc xa lơ ở nơi nào đó trong não bộ mình.
Trong căn hộ chúng tôi sống cùng nhau luôn có sự đối lập nhất định được hình thành từ mỗi cá nhân. Tỉ như giá sách chung của tôi và Vũ: sách Tiếng Anh đặt cạnh tập thơ Tiếng Việt; catalogue Kiến trúc nằm dưới tạp chí Kinh tế; ngổn ngang cùng chúng là những món đồ lưu niệm của mỗi chuyến du lịch chúng tôi đi cùng nhau- một năm bốn mùa mỗi mùa một chuyến, thế là cái giá sách lại càng phải tải thêm một núi đồ bên cạnh những tập giấy trĩu nặng. Tôi không biết những người yêu nhau khác ra sao, thú thật thì chưa bao giờ tôi quan tâm tới việc họ bày tỏ tình cảm của mình với đối phương như nào; nhưng với tôi và Vũ, chuyện được chia sẻ công việc của bản thân với người yêu là biểu hiện chắc chắn nhất của tình yêu loài người trong thời buổi xã hội hiện đại này. Tôn Thi Vũ chưa bao giờ giấu giếm tôi về những thứ anh tạo nên, từ cái hồi mới quen biết anh đã luôn như vậy- phơi hết ruột gan cho tôi xem, dù nhiều lúc tôi chẳng bao giờ hỏi tới. Anh kể với tôi về công việc kiến trúc sư kèm theo say mê xen lẫn ghét bỏ, những câu phàn nàn than trời rằng mỗi ngày thức dậy Vũ đều hối hận vì đã theo đuổi ngành nghề này, nhưng rồi phút mốt anh lại vào bếp ôm lấy eo và hỏi tôi rằng nếu anh nhận án tù vì tội rút ruột công trình thì tôi có chạy án cho anh không ? Nhiều khi, nhà thơ trên giường của tôi thích đặt tấm thân bé tẹo này đây vào mấy tình huống giả tưởng dở khóc dở cười như thế ấy. Anh Hy đã hướng dẫn tôi, với những câu hỏi kỳ quặc của anh Vũ (và anh Hách), thứ duy nhất chúng tôi cần nói với họ là cẩn thận không khéo từ án số biến thành án chữ, và thế là cả hai người đàn ông ấy sẽ tự động im lặng rời đi, không quấy nhiễu như mấy đứa trẻ nữa. Thật thần kỳ làm sao, tôi nghĩ- cái chuyện anh Hy không sống với anh Hách đủ lâu như tôi với Vũ, nhưng anh luật sư trẻ ấy lại biết rõ những ngón đòn triệt hạ mấy trò đùa vớ vẩn của kiểu đàn ông các anh. Cứ như thể Kim Quang Hy đã dành cả kiếp trước, kiếp trước nữa, sống chung với những người tình có tính cách nghịch ngợm đến khó hiểu, chỉ để đúc rút kinh nghiệm vận hành cuộc đời ở kiếp này. Nhưng mà ở kiếp nào cũng phải gặp gỡ mấy người kiểu vậy thì hẳn là một lời nguyền; nên từ tận đáy lòng tôi không mong chuyện như thế xảy ra với bất cứ ai trên cõi đời này. Làm người mệt lắm, nên tôi chỉ có thể dành tình yêu cho ai yêu mình- Tôn Thi Vũ chẳng hạn.
Hồi mới bắt đầu mối quan hệ, thú thật tôi chưa từng mơ tới viễn cảnh tiến xa được như ngày hôm nay. Trong một khắc nào đấy ở quá khứ, cụ thể là lúc tốt nghiệp đại học, cả hai chúng tôi đều cảm thấy bị huỷ diệt hoàn toàn bởi chính những thứ bản thân đã kiến tạo nên trong quá trình trở thành người lớn. Mối quan hệ tình ái nằm giữa lằn ranh của xác thịt và trái tim, ngành học chúng tôi từng chấp nhận và hứng thú khi mới mười tám đôi mươi, công việc tương lai giữa cái thời buổi kinh tế thị trường bấp bênh như con thuyền không tìm được bến, làm thế nào để gìn giữ các mối quan hệ- tất cả chúng đã trộn lẫn vào nhau, như bột bánh và vụn sô-cô-la của món bánh quy tôi thích; nhưng kết quả ra lò lại là một con quái vật phiền não chỉ đem lại u uất nhiều hơn hy vọng, trong cái cuộc đời vốn đã hết sức thảm hại của đôi tình nhân không tên tuổi là tôi và anh. Tôn Thi Vũ là người đáng lo hơn cả, vì sau cùng tôi vẫn có gia đình hỗ trợ; còn anh là mặt đối diện của cuộc đời tôi, khi đằng sau người đàn ông này chỉ có một con đường hơn hai mươi năm đã đi thật khó để quay đầu trở lại. Nói cách khác, Vũ hoàn toàn phải tự lo cho tương lai của anh (và tôi) sau khi ra trường. Điều kỳ diệu là anh chàng kiến trúc sư nhà tôi đã làm được, dù hành trình từ một thực tập sinh đến phó phòng thiết kế đã khiến anh trên dưới trăm lần tự hoài nghi năng lực của bản thân và than phiền với tôi mỗi đêm; Tôn Thi Vũ đều kinh qua và chấp nhận rằng chuyện gì đến hãy cứ để nó ở nguyên vị trí như vậy. Kết quả thì sự nghiệp của anh đã phần nào ổn định vào năm thứ tư cả hai sống với nhau, và sau khi thảo luận chán chê mê mỏi từ trên giường xuống tới bếp nấu, chúng tôi chính thức mơ đến việc ra mắt gia đình đối phương để tính đến chuyện tương lai lâu dài. Một quãng đời, tôi nghĩ, mình ấy mà đã ở cạnh người đàn ông này được bảy năm: từ khi mới mười tám đôi mươi cho đến lúc hằng ngày mở mắt ra, điều duy nhất có thể nghĩ tới là tháng này rồi sẽ kiếm thêm được bao nhiêu gom vào quỹ trăng mật sau cuối. Chúng tôi có chung một giấc mơ được bay đến miền Nam nước Ý sau lễ kết hôn, cùng tham gia một workshop xa xỉ phẩm nào đó và đi quanh quảng trường Silicy rực lên dưới ánh nắng, với cây gelato vị hạt dẻ cười trong một tay và bên còn lại thuộc về đối phương mãi mãi. Với những người trẻ đau khổ ở thành thị như chúng tôi, đây là một điều ước xa xỉ đến mức Thần Đèn cũng phải cúi mình. Nhưng tôi, Kim Cơ Nhân và Tôn Thi Vũ có nhau, và chúng tôi là hai người điên, điên đến mức đủ tự tin rằng chỉ cần bản thân có hai thứ: tiền và hộ chiếu; chúng tôi có thể cùng nhau dệt hoàn thiện tấm thảm mơ mộng này, dẫu cho thực tại trái khoáy như nào.Vũ luôn cổ động tôi như vậy và con người đây đã bị sự rực rỡ của anh thắp sáng toàn bộ tâm khảm.
Có một kỷ niệm rất đáng để bàn tới trong mối quan hệ của chúng tôi: chuyện cả hai đã vượt qua bài kiểm tra ra mắt của phụ huynh hai nhà như nào. Dù ban đầu lúc nào hai đứa cũng hứng khởi khi nghĩ đến chuyện được đặt bút ký chung một bản hiệp ước hôn nhân; sự thật sau đấy sẽ luôn quật ngã cả tôi và Vũ đảo điên theo cái chiều hướng mà định mệnh mong chờ. Bố tôi có một lời khuyên như này khi tôi rời nhà vào năm mười tám tuổi, ra ở riêng bắt đầu cuộc sống đại học, rằng đừng hy vọng cuộc đời sẽ nương tay với con dù con có là ai đi chăng nữa. Ông còn nói rất nhiều nhưng trí nhớ có hạn của tôi chỉ nhớ mỗi câu ấy, vì đại khái thì chỉ có mỗi nó được ghim trong đầu tôi cẩn thận như một kho báu vô ngần. Sự thật và cuộc đời đối với tôi có chung một tính năng: làm khổ con người ta đến mức trằn trọc không sao ngủ được khi đêm buông. Chuyện của tôi và Tôn Thi Vũ cũng vì cái lý do này mà đã phải mất thêm một khoảng thời gian ngắn nữa để suy tính; chúng tôi nên nói dối hay nói thật về mối quan hệ của mình và liệu dưới sự che giấu vụng về của tôi lẫn anh, bố mẹ hai bên đã ngờ ngợ ra điều gì chưa ? Dù đã gần ba mươi, chúng tôi vẫn là những đứa trẻ sợ bố sợ mẹ, dẫu cho điều cả hai làm khiến họ vui hay buồn thì đáy lòng vẫn cứ rộn rạo lo âu.
Khi gặp vấn đề bạn sẽ làm gì ? Tôi nghĩ phần lớn con người sẽ cố gắng phớt lờ nó như một cái mụn bất chợt mọc lên trên mặt và phần còn lại sẽ ngồi xuống từ từ giải quyết chúng. Tôn Thi Vũ là người đàn ông nằm ở thái cực nửa vời; anh sẽ vừa than phiền, chạy trốn, nhưng rồi tầm một tiếng sau, ta sẽ thấy anh tự đi tìm câu trả lời, cùng với sự giúp đỡ của bạn bè và người thân xung quanh. Tính cách của anh Vũ đã ảnh hưởng tới tôi, theo một hướng tích cực khi thời gian chúng tôi sống với nhau ngày một thêm dày. Từ đứa trẻ lúc nào cũng chỉ có một mình, ít nhất tôi đã chịu mở miệng ra thừa nhận rằng bản thân rất đau khổ khi mất đi một thứ gì đó quan trọng trong đời (chuyện con chó tôi nuôi đã mất vào năm tôi học năm thứ hai, bảy tuổi), hay khi cả hai bất đồng quan điểm: chúng tôi sẽ nói ra để đối phương hiểu chứ không im lặng để nuôi nỗi thù hằn trong mình. Và cứ như vậy thì Tôn Thi Vũ và tôi đều học được cách yêu một ai đó mà không làm hại bản thân mình, sau cả tá chuyện không đâu ập xuống bởi bàn tay của tạo hoá. Chúng tôi vẫn còn sống và sẽ cùng nhau giải quyết những khó khăn trước mắt mỗi ngày, còn chuyện tương lai được đến đâu thì tính. Trong khoảng thời gian tạm nghỉ để ngẫm lại về việc ra mắt các vị phụ huynh, chúng tôi đã tìm tới sự giúp đỡ của một vài người quen biết, dựa trên tính chất nghiêm túc và cần thiết của sự kiện này. Anh Vũ đến với vòng tay bạn bè để tìm câu trả lời, còn với tôi thì là người chị họ đã làm giáo viên môn Pilates cho mình được năm năm. Chúng tôi là một cặp chị em ăn ý dù chỉ mang cùng nửa huyết thống, theo một cách kỳ lạ nào đó. Chị lớn hơn anh trai tôi hai tuổi, mà đúng ra thì anh chị nào trong họ cũng lớn hơn tôi rất nhiều, và vì thế họ luôn coi tôi như đứa con đầu lòng chứ nào phải đứa em út ít. Chị cũng chẳng phải ngoại lệ, sau khi anh trai đi xa thì chị càng để tâm tới tôi hơn. Chuyện Kim Cơ Nhân năm hai mươi tuổi đi tập Pilates cũng là nhờ chị mà nên, sau một mùa Tết thấy tôi lên cân hơi nhiều và lưng hơi gù, chị họ đã rủ tôi đi tập để chấn chỉnh lại vóc người- đại khái là sợ tôi không kiếm được người yêu. Nhưng chị nào ngờ hồi đấy tôi tăng cân là do Tôn Thi Vũ vỗ béo, em gầy quá như này làm gì có sức với lại đụng chạm đau lắm ăn thêm cho có thịt mới êm được, trích nguyên văn mục đích vỗ béo rất bỉ ổi của anh; giống cách người ta nuôi chim sẻ rừng tròn quay như một quả bóng và trùm khăn khi ăn nó để tránh khỏi ánh nhìn của bề trên- nực cười đến mức điên rồ. Nhưng sau khi đi tập thì sức khoẻ của tôi cũng cải thiện kha khá, chuyện giường chiếu trở nên dễ chịu hơn trước rất nhiều vì được giãn cơ thường xuyên. Chẳng thể định nghĩa nó là may hay rủi nữa, một ý chỉ của Chúa cũng không chắc là đúng, nên tôi cứ thế chấp nhận chuyện xảy ra vì chưa tìm được điểm bất lợi cho mình.
"Thế là hai đứa muốn về ra mắt ? Nhưng mà đang lo lắng linh tinh ? Thằng Vũ cũng tốt mà, chúng mày cứ lo vớ lo vẩn."
Bà mẹ hai con đỡ lưng tôi cằn nhằn rằng cả hai chỉ để tâm mấy chuyện không cần thiết. "Hai bác còn mong mày cưới hơn chị, hiểu vấn đề không ? Giờ bác chỉ còn mày thôi em, nên hạnh phúc của mày được giá hơn cả tài sản nhà mình. Chị không nghĩ bác sẽ phản đối thằng Vũ đâu, trừ khi nó là một thằng chán đời không thuốc chữa nhưng nó giờ cũng làm được đến phó phòng rồi thì sợ gì không có ngày thành trưởng phòng ? Mày cứ thoải mái đi, đừng lo. Nghĩ nhiều da nhăn chồng chê đấy."
Chị họ có thể nói những điều như thế, tất nhiên là vì không biết rõ nguồn gốc của mối quan hệ kéo dài mấy năm giữa tôi và anh Vũ, chập chồng như nghìn con sông cùng đổ ra biển lớn ngoài kia. Dù không phải là kỷ niệm đáng quên; vì có bao nhiêu năm nữa trôi qua thì tôi vẫn sẽ nhớ cái đêm vĩnh biệt cuộc đời thiếu nam đồng trinh ấy, qua sự dịu dàng mãi mãi không bớt của Tôn Thi Vũ với mình. Từ đó đến giờ anh vẫn cứ như vậy, trừ lần khủng hoảng duy nhất vào năm cuối đại học, và đôi khi nó khiến tôi hoang mang rằng liệu chỉ có tình yêu có đủ để khiến người đàn ông ấy hành xử mẫu mực như thế ? Những chuyện như này không đáng để nói ra với bất cứ ai, vì sau cùng chúng chỉ là những mối lo âu sinh ra từ một tình yêu được biến chuyển quá đỗi kỳ ảo giữa hai người đàn ông tưởng chừng cả đời chẳng thể hoà hợp. Tôi không bàn luận với Vũ về vấn đề này, vì chắc chắn anh sẽ giãy nảy giận dỗi tôi nghi ngờ tình yêu bao năm của cả hai, vả lại công việc của anh cũng bận rộn nên mấy chuyện như này chỉ càng khiến anh thêm phiền não mà thôi. Tôi mang sự lo âu này đi suốt nửa cuối tháng tư đến đầu tháng năm, vào năm thứ năm cả hai đắp chung tấm chăn mềm.
***
"Tuần sau anh với thằng Hách đi Đà Nẵng công tác cái dự án khu đô thị mới khởi công. Chắc cũng mất tầm nửa tháng đấy, dự tính tầm mười hai hoặc mười ba anh về."
"Trùng hợp nhỉ, em cũng đi Sapa tuần tới với phòng kinh doanh. Chủ yếu kiểm tra lại chất lượng trước mùa du lịch với xem có mở được dịch vụ gì nữa không, cũng phải nửa tháng nữa mới xuống nên anh về có khi tự ăn cơm một mình đấy."
"Mình cược với nhau xem ai về trước không ?". Tôn Thi Vũ ôm tôi, nhào qua nhào lại lớp mỡ quanh eo, "Em không có nhu cầu, anh đi lại cẩn thận cho em bớt lo là phúc ba đời rồi.". Miếng táo vừa đứt khỏi vỏ lập tức được nhét vào miệng anh Vũ để tôi không phải nghe thêm bất cứ trò đùa giỡn ngớ ngẩn nào nữa. Ấy là một buổi tối thứ sáu, chỉ vài tiếng trước khi thứ hai đến và cả hai chúng tôi đều phải ra khỏi nhà vì công việc của mình. Trở thành người lớn là một nỗi đau, tôi nghĩ, dù có là xuân hạ thu đông, dù có đau khổ và chứa chan u uất, chúng tôi vẫn phải đi làm để nuôi lấy miệng ăn và tương lai không biết sẽ ngả về đâu của một kiếp người. Có lẽ vì trưởng thành với quá nhiều nỗi thất vọng về cuộc đời nên dường như chưa bao giờ tôi nghĩ đến chuyện mười, hai mươi năm nữa mình sẽ là ai và sẽ sống ra sao; song nhìn sang người đàn ông ngồi cạnh mình hí hoáy nhắn tin chọc ghẹo mấy người bạn là mùa hè của cuộc đời tôi lại nở rộ thêm một chút, một chút. Đã có những tháng ngày tôi thấy Tôn Thi Vũ chẳng đáng để mình níu kéo, có mấy lúc tôi lại cảm giác rằng linh hồn này sẽ chết nếu không được anh chống đỡ- cuộc đời tôi nếu là một bộ phim sẽ là thể loại bi hài kịch, khi người ta mếu máo miệng đến mức khán giả bối rối chẳng biết đang khóc hay cười. Bản thân tôi lúc nào cũng trong trạng thái nước đôi như vậy ấy, và giờ đây giữa những ngày mùa hè đầu tiên xa anh Vũ, sự chập chờn ấy theo tôi đến mức kể cả khi đặt lưng nằm cạnh anh vẫn chẳng sao yên lòng được.
Tôi nghĩ bản thân không có khái niệm ghen tuông hay lo lắng trong tình yêu, tất cả đều tại và nhờ sự hiện diện của Tôn Thi Vũ trong cuộc đời này. Chuyện người đàn ông đầu tiên và duy nhất tôi yêu là anh có lẽ chỉ nên ở lại với tâm hồn này, vì có nói ra cũng thật khó để tin, giữa một thời đại người ta thay người yêu hai tháng một lần, còn nhanh hơn dứt bỏ cái áo đã mua hai năm có lẻ bắt đầu sờn rách. May mắn, tính mạng, tình cảm, lẽ tin- tất thảy đều được Kim Cơ Nhân này đây đem ra và đặt cược vào Tôn Thi Vũ; và dầu tình ái không nên là một trò chơi, tôi vẫn cứ nhắm mắt chờ đợi xem khi nào toàn bộ những điều kể trên ấy kéo nhau sụp đổ như những quân bài domino dưới nấm mồ quan hệ của cả hai người. Toàn bộ may mắn tôi có ở cuộc đời này đã dồn vào việc giúp tôi ở cạnh anh Vũ dài lâu, khiến tôi vào một khoảng thời gian trước đây mới bàng hoàng nhận ra rằng, hình như mình thích người đàn ông này, thích đến điên mất rồi. Điên đến mức không nhìn được chuyện anh thích tôi, và tự dưng tôi thấy hơi thẹn. Bắt một người chờ đợi kẻ đồng trinh tinh thần như mình có đáng không, tôi cứ tự vấn mình mãi. Kể cả khi đã dọn về chung sống với nhau suốt mấy năm, sự đắn đo về khái niệm của tình yêu trong tôi vẫn cứ duy trì không thể nào suy giảm; tôi biết anh Vũ yêu tôi và giữa chúng tôi là tình cảm song phương qua lại giữa hai người trẻ bình thường. Cái quan hệ giường chiếu chết dẫm kia đã đi nhảy vực cùng những lo âu năm cuối đại học của cả hai; cũng như chẳng bao giờ có thể leo lên từ nơi ấy được nữa. Nhưng dường như bất cứ mùa hè nào đi qua cũng khơi dậy trong lòng tôi nỗi bất an chẳng thể nào gọi tên và ngủ yên, và dần dà cứ thế chúng đã tích tụ theo tôi lên tới tận Sapa xa cách Hà Nội, xa cách Tôn Thi Vũ.
Sáng thứ hai, anh Vũ khởi hành rất sớm. Tám giờ chuyến bay sẽ cất cánh và trừ hao cả quãng đường di chuyển ra Nội Bài thì anh đã vươn vai dậy từ lúc sáu giờ hơn, kéo theo là tôi đang ngủ yên trong vòng tay ấy- như một con mèo, anh đùa, tôi chun mũi, chớp mắt mấy cái. Thế là tỉnh táo được năm mươi phần trăm và chúng tôi kéo nhau đi vệ sinh cá nhân rồi ăn sáng. Mọi ngày trôi qua trong mấy năm gần đây đều như thế này, trừ những ngày lễ lớn; không có thói quen này có khi còn đáng lo hơn chuyện hai người đàn ông trưởng thành chen chân chọc ngoáy nhau trong nhà vệ sinh lúc đánh răng rửa mặt. Vũ quẹt bọt lên mặt tôi, tôi đá chân anh. Buổi sáng của những người trẻ chưa kết hôn ở đô thị hiện đại là như vậy đấy.
"Đây nhé Vũ ơi, em để trong túi zip cho anh dễ tìm rồi nhé.", tôi giơ mấy gói thuốc và các vỉ viên ra, hướng dẫn Tôn Thi Vũ cách sử dụng từng loại như hệt ngày xưa mẹ hay làm với mình. "Này là viên hoạt huyết, đề phòng nếu anh thấy đau đầu. Thuốc cảm dạng bột, pha với nước nóng, hơi đắng nhưng uống hiệu quả lắm. Men tiêu hoá dạng ống, nếu anh không ăn rau nhiều thì nhớ mỗi ngày một ống nhé. Xịt chống muỗi em để cùng xịt chống nắng nhé, cẩn thận dùng sai.". Anh vừa lắng nghe mấy lời càm ràm của tôi, vừa chỉnh lại cổ áo thẳng thớm gọn gàng. Bình thường thì Vũ sẽ ăn mặc khá thoải mái và lịch sự khi đi làm, và rất hiếm khi tôi nhìn thấy anh chịu mặc vest hay mấy loại quần áo nghiêm túc như này. Chắc hôm nay có buổi họp mặt, suy đoán đầu tiên nảy ra trong đầu tôi là vậy. Rồi tôi lại mơ tưởng tới cái dáng vẻ của anh trong bộ đồ cưới, liệu có giống như giờ khắc này, tại tính chất của hai sự việc quá khác nhau nên thật khó để ta mường tượng ra. Cái áo vest đen được tôi đắp lên người anh, Tôn Thi Vũ đi tới đi lui, quay trước quay sau kiểm tra một lần nữa; anh tiến đến ôm tôi vào lòng, mùi Neroli Portofino man mát mơn man quanh cánh mũi tôi- mùi hương của anh, thuộc về chúng tôi, dù nó được bày bán ở khắp Trái Đất này nhưng trên người Vũ mang cảm giác thật khác lạ.
"Anh đi nhé, yên tâm sẽ cố gắng về sớm với em nếu xong việc nhanh. Em có muốn mua gì không để anh tìm cho ?"
Tự nhiên tôi rất thèm chè hạt sen long nhãn. Quả nhiên mùa hè đã về, đến mức đầu lưỡi cũng có những khát khao nhuốm mùi thân thương. Mẹ hay nấu chè hạt sen vào những hôm oi bức và dần dà tôi cũng hình thành thói quen giống bà từ lúc nào chẳng hay. Hạt sen ở Đà Nẵng rất ngon- một loại đặc sản hàng hiếm, mẹ nói, lúc nào mẹ cũng canh để mua một ít cấp đông để thích thì nấu cho cả nhà.
"Anh tìm mua hộ em một ít hạt sen tươi nhé, tầm hai cân thôi. Nhớ là hạt sen tươi nhé, đem về em nấu chè cho anh."
"Được rồi, hạt sen tươi chứ gì. Đã nhớ, đã nhớ. Em đi đường chiều nay cẩn thận nhé. Nhớ gọi hoặc nhắn cho anh lúc đến nơi nhé. Giờ anh đi đây."
Tôn Thi Vũ xách vali ra khỏi nhà, hướng về thang máy chung của toà chung cư hai người bọn tôi đang ở. Khoảnh khắc cánh cửa tự động đóng lại, tôi lủi thủi quay về phòng ngủ thêm một giấc đến tận chín rưỡi. Lăn qua lăn lại không thể ngủ thêm nữa nên tôi đành xuống giường ăn trưa gộp cùng bữa sáng, xem lại "Cunk On Earth" lần thứ bao nhiêu không thể nhớ vì đây là series yêu thích của tôi lúc chỉ có một mình. Ai cũng có ước mơ được bò vào trong "Bữa tối cuối cùng" và phản bội Chúa hoặc cầm súng viết nên lịch sử nước Mỹ; với tôi nó chỉ được thực thi trong đầu mình cùng những trò đùa vớ vẩn như cách cô MC phát ngôn mà thôi. Thú vui tội lỗi của mỗi cá nhân. Ăn uống và giải trí xong xuôi, tôi bắt đầu sắp xếp vật dụng cá nhân vào vali để đầu giờ chiều khởi hành. Vì chẳng biết được khi nào Tôn Thi Vũ sẽ trở về, nên đột nhiên không khí trong nhà càng lúc càng khiến tôi thêm chán nản. Đi lên Sapa lúc này có lẽ là một lựa chọn tốt: vừa có thể làm việc, thay đổi không khí, lại vừa được nghỉ ngơi đi chơi, cũng như tôi sẽ có thêm thời gian ở một mình để cân nhắc chuyện hôn nhân tương lai cuộc đời.
Không phải tôi không quen ở nhà một mình, trên đường lên thị trấn tựa đầu vào cửa kính trên xe đang bon bon chạy qua từng cánh rừng tôi nghĩ. Chỉ là chúng tôi, anh Vũ và tôi ấy, đã sống với nhau lâu đến mức, cứ một người đi ra ngoài sẽ phải báo cho người còn lại để họ yên tâm ở nhà. Tôn Thi Vũ cũng chẳng phải lần đầu đi công việc xa người yêu mấy hôm; hồi mới vào nghề anh còn đi nhiều hơn và tôi thì chẳng có trở ngại gì với chuyện sáng sớm thức dậy anh đã rời khỏi nhà. Thói quen được tập đi tập lại nhiều lần sẽ trở thành bản năng, chuyện lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ trở thành điều hiển nhiên. Chúng tôi đã tập trung năng lượng cho sự nghiệp của bản thân tới mức, dù có cách mặt hay không thể trò chuyện; có khi cả hai đứa cũng chẳng để tâm và nếu xong xuôi, chúng tôi sẽ vẫn hẹn nhau ở một quán cà phê nào đó giao nhau giữa hai công ty để ngồi lê đôi mách mấy chuyện vớ vẩn từ trên trời rơi xuống. Sẽ là lúc tan tầm, cả hai đem cặp táp rời khỏi văn phòng, leo lên xe chạy đến chỗ hẹn. Chúng tôi sẽ tình cờ gặp nhau đối diện hai bên đường chờ đèn đỏ; có khi là tôi thấy anh Vũ trước hoặc ngược lại, mỉm cười khiêu khích, rồi khi đèn xanh bật sáng sẽ phóng đi, để mặc đối phương ngẩn ngơ đuổi theo sau. Trò này vui tới mức bao nhiêu năm rồi tôi và Tôn Thi Vũ vẫn chưa biết chán; dù biết trước diễn biến và kết quả, nhưng mỗi ngày đều có những biến số khác nhau, thế nên tính chất của chúng cũng có thể đổi thay ít nhiều. Tôi nhớ về anh mà bật cười lặng lẽ; đường vào thị trấn ngày một gần hơn khi lấp ló tôi đã thấy những tốp nhà gỗ san sát nhau, nằm im lìm dọc theo con dốc. Lần công tác này của anh khiến tôi cảm thấy khác lạ, có lẽ là do chúng tôi chưa bao giờ xa nhau đến mức không biết ngày trở về, chưa bao giờ có những trò cá cược như rằng ai sẽ về trước về sau, đại loại thế. Hoặc do tôi có nỗi niềm riêng, về chuyện kết hôn ấy, và khi chưa được giải quyết trọn vẹn, nó sẽ luôn sống trong dạ dày tôi như một món ăn không thể tiêu hoá, trôi nổi lềnh bềnh trong bể axit và khiến người ta ngày đêm trằn trọc không sao chịu nổi. Tôi đã lên Sapa với một cảm xúc như vậy đấy.
Một tuần trôi qua trên khu nghỉ dưỡng thật bình yên, thậm chí còn hơi nhạt nhẽo. Trừ khi có công việc cần giải quyết thì phòng ban chúng tôi đều đánh lẻ với nhau đi chơi quanh thị trấn, đợi đến tối thì dắt díu đi ăn khám phá ẩm thực địa phương mới lạ. Những thứ này đương nhiên tạo được niềm vui mấy ngày đầu, song một tuần trôi qua thì ai cũng bắt đầu chán ngán, chết dần chết mòn. Chúng tôi tự hỏi làm thế nào để du khách có thể ở lại nơi này được những một tuần (có những đoàn thậm chí ở được đến hai tuần) để chơi, và tất cả đều thống nhất rằng có lẽ thời gian họ ở ngoài còn nhiều hơn ở resort, hoặc họ thật sự đến đây chỉ để thư thái tâm hồn. Chúng tôi mang sứ mệnh khác: đi làm con tốt thí cho công ty kinh doanh, bởi thế chẳng thể nào vui nổi cũng là đúng. Đến ngày thứ tư của tuần thứ hai thì một vài thành viên xin phép về Hà Nội trước vì nhà có việc, chủ yếu là các chị đồng nghiệp của tôi- những người đã lớn tuổi và có gia đình đàng hoàng cần bàn tay phụ nữ chăm sóc. Mấy người trẻ như tôi thì tiếp tục bị cầm tù trên đây, ngoại trừ việc ăn ngủ nghỉ, chúng tôi còn phải viết báo cáo thực nghiệm và đề xuất ý tưởng mới phát triển cho khu nghỉ dưỡng. Để giải quyết vấn đề buồn khổ kéo dài, chúng tôi quyết định trở về lịch đi làm bình thường, sáng chăm chỉ tối nằm chơi. Có những hôm, chúng tôi còn kéo qua phòng nhau đánh bài, uống bia, hát karaoke, cốt chỉ để xua tan cái sự đìu hiu tựa như màn sương đêm đêm giăng xuống bao quanh khu resort ven đồi này. Chuyện sẽ cứ như thế tiếp diễn với tôi nếu không có sáng thứ sáu, Tôn Thi Vũ đột nhiên nhắn tin cho tôi sau hơn một tuần biệt tăm mất tích. Thói quen khó bỏ: anh sẽ tự nhốt mình, cách ly với mạng xã hội cho đến khi hoàn thành công việc. Vũ nhắn liên tục mười hai tin, có lẽ anh đã xong xuôi ổn thỏa với dự án rồi.
"Hí hí hí/Anh đã xong việc/Tầm ngày mai là được thả rồi/Đã mua hạt sen cho em/Khen anh đi/Anh đang check lịch chuyến bay/Mua vé sớm cho đỡ đội giá vậy/Mai anh bay tầm chín rưỡi sáng/Chắc là hai ba tiếng gì đấy là về nhà thôi/Em làm việc có bận không/Cẩn thận sức khoẻ nhé/Anh nhớ em muốn khùng huhu."
Mười hai tin nhắn được gửi từ năm rưỡi sáng, lúc tôi vẫn còn đang say sưa ôm gối thay cho anh mà ngủ. Khi đọc được cũng đã chín rưỡi sáng, tôi bò xuống giường cầm theo điện thoại, sửa soạn để xuống nhà ăn chung xin đầu bếp một tô bún cá. Có một điều rất đặc biệt ở món này chỉ có tôi và Tôn Thi Vũ biết, từ cái hồi chúng tôi lên Sapa với nhau lần đầu lúc tốt nghiệp đại học vì gia đình muốn tôi có kinh nghiệm quản lý doanh nghiệp. Món ăn này ban đầu được nấu theo kiểu Hà Nội, song vì anh Vũ góp ý; nó đã được biến tấu thành một món mang nửa hương vị Hà Nội nửa hương vị Hải Phòng, với một mùi cay dịu đặc trưng của món bún cá cay truyền thống quê anh. Đó có lẽ là lý do dù lên đây bao lần đi nữa thì tôi vẫn tình nguyện băng đèo vượt núi mà đi, vì chẳng nơi đâu có món ăn nửa mùa như bát bún cá trên này. Món ăn được tôi và anh Vũ trộn lẫn những trải nghiệm cá nhân mà tạo nên, một kỉ niệm đáng nhớ. Tôi húp cạn đến giọt cuối cùng mà nhớ đến người đàn ông đã lâu không gặp mặt, và bỗng dưng tôi muốn lao về Hà Nội, trước cả anh, thật nhanh, thật nhanh. Tôi sẽ nấu cho anh món anh thích vào mùa hè: sườn xào chua ngọt, rau muống luộc có bát canh vắt thêm miếng chanh, đậu phụ luộc và vài quả trứng ốp la lòng đào hay chín kỹ. Tôi sẽ ăn cùng anh, nói chuyện với anh, về những thứ trên trời dưới biển chúng tôi chẳng tài nào hiểu được nhưng rồi sẽ kết thúc bằng câu thôi kệ đi. Thời gian ở trên đây một mình đã khiến tôi ngộ ra rằng thật khó chịu khi không có ai để nói, cũng như không có người thật lòng hiểu mình và biết mình mong muốn gì. Tôi cũng nhớ anh, nước mắt tôi trực trào ra khi nhớ lại những gì anh nhắn. Tôi muốn có Tôn Thi Vũ trong đời biết bao, và dầu phải nói dối hay nói thật về chuyện cả hai, tôi vẫn muốn đưa anh đến trước mặt bố mẹ mình, xin hai người cho phép những người trẻ ngu xuẩn chúng tôi đến với nhau thật lòng.
Và tôi mong anh cũng muốn thế. Tôi phải nói với anh Vũ lúc trở về những suy nghĩ của mình mà thôi.
Tôn Thi Vũ lên máy bay lúc chín rưỡi sáng hôm sau, anh nhắn với tôi một tin cuối trước khi cất cánh. Hôm nay, chúng tôi cũng vừa kết thúc quá trình trải nghiệm và viết báo cáo phát triển doanh nghiệp. Cả một bầy người trẻ hân hoan dọn sạch căn phòng đã gắn bó gần hai tuần, leo lên xe xách cái thân xác mệt mỏi lượn đèo vài tiếng để về với mái nhà dưới Hà Nội ấm êm. Đi ô tô lâu hơn máy bay rất nhiều, nên kiểu gì Vũ cũng về trước mình, tôi nghĩ trong lúc xe đang lăn bánh xuống núi. Trên đường đi ngược lại là những đoàn lên nghỉ ngơi cuối tuần, chúng tôi cùng nhau rùng mình. Hai tuần vừa qua là quá đủ, một tuần đã buồn chán kinh khủng rồi, may là được về sớm hơn dự kiến. Cảm nghĩ suốt mười mấy ngày qua của tôi với chuyến công tác này là như bị nhốt trong một bể cá bé tí vậy. Tưởng tượng bản thân là một con cá cảnh, cả ngày những điều duy nhất bạn làm là lượn qua lượn lại cho người khác ngắm, đến giờ thì được ăn và rồi lại lặp đi lặp lại những hành động như thế cho tới lúc qua đời. Tôi nghĩ phần lớn cá vàng đều chết yểu sau vài tuần được nuôi ở nhà vì lý do ấy, hoặc không. Vì trong ký ức thời thơ ấu của tôi, những con vật ấy yếu đuối đến mức chúng ra đi lúc nào chẳng ai hay, và vì giá trị không cao nên có thể thay đi đổi lại bao lần cũng được. Đời sống của một nhân viên tư bản có lẽ cũng chỉ cầm hơi dài hơn được chút so với mấy con cá, nhưng tôi không ngu đến mức viết những thứ này nộp cho trưởng phòng của mình. Có lẽ tôi đang vui quá trớn. Sắp được về với người mình yêu ai lại không vui cho được chứ ? Tôi ngủ thiếp đi giữa chặng đường khi không khí ồn ào trong xe dần lắng xuống. Tất cả mọi người như được thả ra từ một bể cá đau khổ, vui đến mức bình lặng chảy trôi theo dòng nước.
Hai giờ chiều. Thiếu mười phút nữa là đúng hai giờ chiều, tôi mới đặt chân về trước cửa căn hộ đã ở bao năm. Anh Vũ hẳn đã về từ lâu, chuyến bay hạ cánh cũng được gần hai tiếng gì đấy. Tôi nhập mã, chậm chạp đẩy cửa ra. Cả căn phòng yên tĩnh không ngờ, chỉ có tiếng quạt thổi vù vù làm tôi ngờ ngợ à may quá vẫn có người ở nhà với mình. Tôi di chuyển vào bên trong, nhìn thấy vali của Tôn Thi Vũ nằm ngang một góc phòng khách, đè trên đấy là một thùng xốp be bé. Chắc là hạt sen tươi tôi nhờ anh mua, đúng là chán đời. Đáng lẽ phải bỏ ra cất vào tủ lạnh hộ tôi luôn đi chứ ? Nhưng rồi tôi cũng chẳng khác gì anh, lặng lẽ đẩy cái vali vào một bên hành lang, nhón chân đến bên chiếc sofa duy nhất trong nhà. Anh Vũ ngủ im lìm trên đó, quạt trần bay phấp phơ những sợi tóc tách nếp khỏi keo được anh vuốt từ sáng sớm. Sơ mi sọc tím hoa cà nhăn nhúm những chỗ khuỷu tay hay bàn tay anh đè lên, chân vắt trên tay bành của ghế. Một tư thế ngủ thoải mái tới mức tiếng ngáy của anh nhè nhẹ trôi quanh căn phòng, cá chắc người đàn ông này không nghĩ tôi về sớm thế nên mới vắt lưỡi lên ngủ như này.
Tôi quỳ xuống bên ghế, ngắm nhìn Vũ tay trên trán, tay trước ngực mà đánh một giấc không biết trời có sập hay không. Rón rén đặt những ngón tay nhảy nhót trên bụng anh, tôi đi từng bước từng bước, dẫu biết thừa anh sẽ tỉnh vì căn bệnh thính ngủ mãn tính của mình. Tôi trêu đùa anh, đồng thời cũng cảm nhận được rằng qua hơn chục ngày không có tôi ở bên, anh đã thay đổi ít nhiều. Gác mặt lại gần hơn để quan sát, hình như tóc bạc của Vũ đã mọc thêm, da cũng sạm hơn một chút. Râu không cạo cẩn thận vẫn còn lún phún và quầng thâm dưới mắt trông dày đáng kể. Tôi chép miệng một cái, chợt, anh nắm lấy tay tôi. Cá là người đàn ông này tỉnh từ lúc tôi về nhà rồi, nhưng cái tính anh, cái tính nghịch ngợm quái đản của anh vẫn muốn trêu chọc tôi một chút cho đã cơn nghiện trêu người. Anh Hạo luôn bảo rằng tôi xứng đáng nhận được huân chương Cống hiến vì đã chịu đựng thằng bạn điên điên dở dở của anh.
"Sao em lại trêu anh thế ?". Vũ chống chế tôi với ánh mắt hờn dỗi. Tất nhiên, anh đang diễn cái nét giả trân ngốc nghếch mua vui cho tôi và thành thật mà nói tôi rất thích điều này. "Lâu lắm không gặp sợ anh quên em như nào thôi.". Tôi cười phớ lớ như một đứa trẻ. Tôn Thi Vũ không đôi co, anh co người lại ngáp một cái cho tỉnh táo. Hôn lên mu bàn tay tôi một cái, chúng tôi nhìn nhau cười như thể đã phải nín nhịn rất lâu mới được gặp lại đối phương.
"Em đã rất nhớ anh."
"Anh cũng thế. Lại đây anh xem có rớt cân thịt nào không nào, em có uống sắt đầy đủ không đấy, thiếu máu nguy hiểm lắm nhé, giữ gìn sức khoẻ là ưu tiên hàng đầu của chúng mình mà."
Tôn Thi Vũ ôm tôi trong lòng, nắn qua nắn lại từng mảng thịt để kiểm tra chắc chắn. Tôi mắng anh mới là người rớt thịt đấy, phí công tôi nuôi cơm anh; nhưng tất cả những gì Vũ đáp lại là dụi đầu vào cổ tôi làm nũng như một đứa bé. Mùi Neroli quen thuộc lởn vởn quanh mũi như một bảo hiểm tinh thần toàn vẹn: tôi cảm thấy an toàn khi chìm người trong vòng tay anh, trong mùi hương này. Vũ bảo mùi Bianco Latte của tôi thật thơm; mấy ngày anh đi họp, đi xã giao, toàn phải ngửi mấy mùi không đâu vào đâu và điều ấy khiến người đàn ông này nhận ra rằng anh yêu mùi hương trên cơ thể tôi tha thiết nhường nào. Mềm mại và ngọt thanh, êm ái và dễ chịu. Bianco Latte và Bubble Bath. Vũ nói với một giọng nhè nhè, tưởng như anh đang say, ôi anh nghĩ mình phải cám ơn trời đất đã cho anh có người yêu thích mùi nhẹ mũi như này.
"Anh này, chuyện kết hôn, em nghĩ mình nên bịa chuyện với bố mẹ chân thành một tí. Chắc bố mẹ sẽ tin thôi tại mình cũng lớn đùng rồi mà."
"Anh cũng thấy thế. Mấy hôm đi nhậu, thằng Hách cũng bảo rằng nên nói dối tí chứ đừng khai thật, không phụ huynh động kinh mất. Đại khái là mình bịa lý do quen nhau, nhưng nói thật đoạn ở chung cũng được nhỉ ? À, anh nhớ uống thuốc chống say rượu và ăn lót dạ trước khi đi nhậu đó, khen anh đi!"
"Ừ, ừ. Đến khổ với anh. Mình nên tính đến chuyện đi trăng mật ở đâu luôn thôi, em háo hức khúc này nhất. Anh có nơi nào muốn đi không ? Tiền mình cũng dư phết rồi."
"Đi Ý, đi Ý đi. Anh nghĩ em cũng giống anh, chúng mình lập quỹ chung bao năm đến lúc đem ra xài là vừa rồi."
Rồi chúng tôi vẽ ra cả tá chuyện với nhau ở tương lai: về đám cưới, về trăng mật, về biểu cảm của bố mẹ hai bên khi biết về quan hệ của tôi và anh Vũ, về một căn nhà mang phong cách Indochine cổ điển xen lẫn hiện đại được người đàn ông tôi yêu thiết kế, về đứa trẻ chúng tôi muốn có với nhau- một đứa tính nết chắc chắn là sự trái khoáy của cả tôi và anh cộng lại không biết có chia đều không. Chỉ nghĩ tới thôi cũng thấy tương lai có hy vọng, tôi nằm trong vòng tay anh, tiếng quạt trần vẫn quay đều đều trên mái đầu. Nắng tháng năm đổ lên mặt sàn hâm nóng cả căn phòng lúc về chiều, nhưng kệ đi. Mặt trời bên kia mùa hạ đang làm việc của nó, còn mặt trời bên cạnh tôi đang vui vẻ xoay quanh thế giới của riêng hai người.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top