Chương 9
Những ngày tiếp theo, đương nhiên Tạ Tranh không thể rời khỏi phòng. Nhìn ngắm mây chầm chậm trôi qua ô cửa sổ, sự buồn chán không thể tả, cô chỉ có thể vẽ tranh xong đi ngủ, ngủ dậy thì ăn, ăn xong lại tiếp tục vẽ, nhàm chán.
Nhưng bên cạnh vẫn còn Bội Sam bầu bạn, cô bé sắp trở về nên quấn quýt bên cô không ngừng, Thủy Vi Nhã sau khi tan làm thì cũng rút vào phòng cô, Lục Tú và Châu Hàn Quân giữ phép lịch sự, đứng ngoài cửa hỏi han vào câu, không tiến vào phòng. Lê Kình không ghé nhưng vẫn hỏi thăm, nhìn qua cửa sổ thấy cô còn thức thì sẽ nhắn tin cho cô, nhắn đến đêm khuya vẫn không muốn ngủ.
Ngày mai lên trạm xá tái khám, Tạ Tranh tranh thủ vẽ nốt phần tranh còn đang dở. Dùng một chút màu trắng nhấn nhá trên nền xanh dương đã có sẵn, sau đó một chút đen, một chút vàng nhạt, trước mắt hiện ra cảnh núi tuyết Ngọc Long hùng vĩ.
Có tiếng bước chân phát ra từ cầu thang, trầm ổn đi về phía phòng mình, không hiểu sao Tạ Tranh có chút mong chờ, cô đã hy vọng người đến là Lê Kình. Song lại sững người khi người đến thăm cô là chị quản lý Lê Diệu.
"Tôi vào phòng một lúc được không?"
"À vâng, chị vào đi."
Lê Diệu nhìn quanh phòng, khắp nơi đều có hai, ba bức tranh đã vẽ xong xếp chồng lên nhau, kích cỡ cũng khác, phong cảnh rất quen mắt, nhưng quan trọng là không sắp đặt bừa bộn, cũng không có màu vẽ nào rơi trên sàn nhà. Tạ Tranh tuy thích đi đây đi đó nhưng không náo nhiệt, sống rất tĩnh lặng như mặt hồ mùa thu, đá không rơi vào thì nhất định yên bình.
Lê Diệu từng chứng kiến nhiều người làm nghệ thuật đến đây thuê phòng, sau vài tuần thì căn phòng tan nát vì cái thứ gọi là 'hy sinh vì nghệ thuật'. Nhạc sĩ viết lời xong vứt giấy đủ xó, diễn viên nửa đêm diễn cảnh khóc lóc ầm ĩ trong phòng, ca sĩ thì đàn hát không để ai ngủ, vũ công thì nhảy ầm ầm... Tuy bây giờ có hai nghệ sĩ Tạ Tranh và Châu Hàn Quân nhưng vẫn gọi là tuyệt nhất so với những người trước.
Ngồi trên ghế sofa sau lưng Tạ Tranh, Lê Diệu nhướn cổ xem bức tranh cô đang vẽ, chậc lưỡi khen rất đẹp, dù chưa hoàn chỉnh nhưng vẫn dễ dàng hình dung cảnh tượng mà cô muốn vẽ. Hai người không tính là thân nên Tạ Tranh đoán chị ấy đang câu giờ, để tâm tịnh, vì có chuyện muốn nói nhưng chưa thể mở lời.
"Tạ Tranh, tôi nói chút chuyện với cô được không?"
Bắt đầu, Tạ Tranh ngay lập tức dừng vẽ, xoay hẳn người về phía Lê Diệu, chứng tỏ rằng mình đang nghiêm túc muốn nghe.
"Về chuyện A Kình muốn mở rộng thêm quán cà phê của nó, cô có thể giúp tôi khuyên nó đừng làm vậy không?" Lê Diệu có chút suy sụp, những ngày qua gây gỗ những chuyện không đâu với chồng vì cơn đau đầu do Lê Kình mang đến.
Chị thở dài: "Phần đất nó muốn xây thêm là bãi đất nghĩa trang, nếu mở rộng thêm sẽ phải lấy ý kiến người thân của các ngôi mộ, lấy giấy chứng nhận xác thực của trưởng thôn và cần được cấp quyền sử dụng đất, không chỉ rắc rối về hình thức, tốn thời gian và còn cần rất nhiều tiền, nhỡ như nhà nào không chịu còn phải chuẩn bị cả tiền bồi thường. Tôi chính là sợ A Kình kham không nổi, tuy kinh doanh có chút phát đạt nhưng cũng cần chừa đường lui."
"Sao chị không bảo anh ấy như thế?"
"A Kình sẽ không hiểu, tuy nó ở đây đã lâu nhưng không hiểu ý, chỉ hiểu lòng. Tuy bây giờ bà con tin tưởng nó nhưng sau này hẳn sẽ nảy sinh rủi ro. Bây giờ nếu nó đi xin ý kiến, đương nhiên sẽ có phần lớn chấp thuận. Nhưng sau này thì sao, con cháu người ta cần chỗ chôn nhưng lại bị nó chiếm mất, không làm càn cũng quấy rối làm ăn, mấy đời tiếp theo cũng sẽ sống không yên. Với lại A Kình tin rằng đây là mảnh đất ông bà để lại và tôi đứng tên thay nên mới nhất quyết như thế."
Tạ Tranh gật gù, xem như đã hiểu, con người Lê Kình đang sống theo cách một ăn cả ngã về không, chưa lo tính tới chuyện sau này. Tạ Tranh lại nghĩ khác, nếu có gặp bất trắc sau này thì hẳn anh sẽ giải quyết được, anh vừa có tiếng nói vừa có học thức, dùng lời lẽ chắc chắn sẽ khiến tình thế thay đổi. Nhưng mà để anh đối đầu với người quen thì có lẽ sẽ không khả quan.
"Thật ra trong lòng Lê Kình, tôi không có vị trí cao đến thế, nói đôi ba lời không thể dễ dàng thay đổi tình hình." Tạ Tranh mỉm cười: "Nhưng tôi vẫn sẽ giúp, chỉ là chị đừng trông chờ vào tôi quá nhiều."
Ngoài mặt biểu cảm an tâm nhưng trong lòng Lê Diệu biết, nếu Tạ Tranh nói nhất định sẽ có lay động, dù ít hay nhiều. Vị trí trong lòng như Tạ Tranh mà nói, dù cao hay thấp thì vẫn khác rất nhiều so với cô. Tuy Lê Kình chưa từng thừa nhận nhưng cô biết, đó là sức mạnh của tình yêu.
"Nếu tôi và Lê Kình cãi nhau, tôi sẽ bỏ về Thượng Hải ngay đấy!" Lời này chỉ là đe doạ cho vui, chứ thật sự người lỗ vốn là cô, tiền thuê vẫn chưa hết mà đã bỏ đi.
"Được được được. Chuyện này xong thì đến nhà tôi ăn cơm vài bữa đi, chồng tôi muốn gặp cô một lần."
Chồng chị muốn gặp cô? Nghe ra có vài phần... gian díu?
Lê Diệu thấu cái nhìn bỡ ngỡ của Tạ Tranh, suýt chút ôm bụng lăn ra đất mà cười. Cô vừa mang giày vào vừa đáp: "Cả thôn đang đồn ầm rằng cô là bạn gái của A Kình, đến tai chồng tôi nên anh ấy biết, bảo dù không phải người yêu thì cũng muốn gặp vì anh ấy cho rằng, nhất định cô là người rất xứng với A Kình nên mới có tiếng lành đồn xa như vậy."
Rời khỏi phòng Tạ Tranh, Lê Diệu vừa đi vừa mỉm cười. Nhớ đến 'sức mạnh của tình yêu' hẳn là nhớ đến bản thân cô rồi. Trước khi kết hôn, Vĩ Thành là kẻ đầu đường xó chợ, là A Q* phiên bản thực, nhưng vì một lần cô đang bị kẻ xấu rình rập, được anh cứu nên thương nhớ anh rất đậm sâu. Dù gia đình ngăn cản nhưng Lê Diệu tin chắc mình sẽ thay đổi được anh. Kết quả là Vĩ Thành không những tốt tính lên mà còn có cho mình một xưởng gỗ, tuy vẫn còn người đặt điều về anh nhưng cô mặc kệ, điểm tốt của anh chỉ cần mỗi cô thấy là được.
*A Q: nhân vật A Q trong "AQ chính truyện" là truyện vừa duy nhất của Lỗ Tấn được đăng tải lần đầu trên "Thần báo phó san" ở Bắc Kinh trong khoảng thời gian từ 4 tháng 12 năm 1921 đến 12 tháng 2 năm 1922. Câu chuyện kể lại cuộc phiêu lưu của A Q, một anh chàng thuộc tầng lớp bần nông ít học và không có nghề nghiệp ổn định. A Q hay bắt nạt kẻ kém may mắn hơn mình nhưng lại sợ hãi trước những kẻ hơn mình về địa vị, quyền lực hoặc sức mạnh. Anh ta tự thuyết phục bản thân rằng mình có tinh thần cao cả so với những kẻ áp bức mình ngay trong khi anh ta phải chịu đựng sự bạo ngược và áp bức của chúng.
Lê Kình ở quán cà phê, đang thảo luận với công nhân thi công thì điện thoại rung lên, anh chầm chậm mở ra xem thì phát hiện là Tạ Tranh nhắn đến. Cô bảo bây giờ muốn trang trí cái cửa ở tiệm cà phê giúp anh, còn bắt anh lựa chọn, một là anh đến dẫn cô đi, hai là cô đến một mình vẫn được.
Liên tưởng đến cái chân bị thương, lại nhớ đến phòng của Tạ Tranh nằm ở tầng hai, còn phải đem theo màu vẽ lỉnh kỉnh đi xuống lầu, chắc chắn không an toàn. Lê Kình giao lại công việc cho thi công, xong liền bỏ của chạy lấy người, một mạch chạy đến dãy trọ đón cô.
Lần trước anh nhờ nên Tạ Tranh đã làm ngay. Cánh cửa này đã trang trí được một nửa, do chuyến đi chơi thú vị làm ảnh hưởng đến tiến độ nhưng chỉ cần Tạ Tranh ra tay là đâu vào đấy, đảm bảo không thể gây thất vọng, được khẳng định bằng tài năng của cô.
Rừng lá phong mà Tạ Tranh lên ý tưởng rất đẹp và đơn giản, bố cục hay đường nét đều dễ nhìn. Bề rộng cánh cửa nhỏ nên chỉ vẽ một cây lá phong già nua đứng giữa một khu đất hoang tàn nhưng vẫn oai phong mạnh mẽ, lá phong màu vàng màu đỏ tệp với màu cửa, tất cả đều hài hòa và phù hợp với hình tượng của quán.
Lê Kình một tay đỡ Tạ Tranh đi vững, tay còn lại cầm dụng cụ vẽ giúp cô. Thấy dáng vẻ chật vật này khiến anh buồn cười và bất lực, nói: "Đợi sau khi chân lành hẳn rồi làm tiếp cũng được mà."
Tạ Tranh nhảy lò cò một chân nên thở dốc, vẫn hiên ngang đáp trả: "Sau khi chân khỏe thì tôi sẽ chạy đi chơi, sẽ bỏ xó cái cửa của anh."
Chuyện này hoàn toàn có thể xảy ra.
Tạ Tranh bày màu ra bảng, dùng cọ nhỏ tỉ mỉ trang trí lại phần cũ rồi mới tiếp tục làm tiếp phần mới. Cả quá trình, từ lúc cô nhận lời đến khi hoàn tất đều có Lê Kình đứng bên cạnh, vững chắc cầm dù che nắng che mưa cho Tạ Tranh chuyên tâm vẽ. Cũng vì thế mà anh nhận ra, khi cô chú tâm làm việc rất cuốn hút, nhìn qua khung cửa nhỏ thôi chưa đủ, ở khoảng cách này mới nhận thấy rõ Tạ Tranh yêu việc vẽ đến thế nào.
Những bức tranh cũng có linh hồn, và linh hồn chúng được lấy cảm hứng từ linh hồn của người họa sĩ.
Đưa Tạ Tranh về đến tận phòng, nhìn mớ bòng bong mà cô bày ra, tuýp màu vẫn chưa đậy kín, bảng màu vẫn chưa được làm sạch, nên Lê Kình muốn giúp cô dọn.
"Tôi... vào phòng được không?" Nam nhân xồng xộc vào phòng nữ nhân thì không hay lắm, anh ngại ngùng xin phép như một đứa trẻ. Tạ Tranh gật đầu, tay chỉ lên ghế sofa, ý bảo anh có thể ngồi ở đấy.
Đây cũng là lần đầu tiên Lê Kình vào phòng Tạ Tranh, ban đầu mọi thứ chỉ được nhìn thấy thông qua hai ô cửa sổ nên không quan sát rõ, bây giờ tận mặt chứng kiến từng ngóc ngách thì có chút choáng ngợp. Tranh vẽ cực kỳ nhiều, tuy anh có thấy cô ngồi vẽ nhưng chỉ được hai bức là cùng, không ngờ lại chất đống nhiều như thế.
"Có muốn lấy một bức không?" Tạ Tranh nghiêng đầu: "Tôi tặng."
"Tại sao phải tặng trong khi tôi có thể mua?"
Chưa gì mà lời lẽ đã chua ngoa, nhảy lò cò thêm một đoạn về đến phòng, Tạ Tranh bây giờ không còn hứng tranh cãi với anh, nghĩ ngợi một chút rồi cho bừa một lý do: "Xem như quà vì anh đã dạy tôi trượt tuyết."
Lê Kình ngồi xuống ghế, đầu hiện ra đoạn phim hai người ở núi tuyết Ngọc Long, dửng dưng đáp: "Tính sau đi."
Tạ Tranh đứng dậy đi lấy nước, Lê Kình vẫn không quên cô bị thương, bất giác níu tay cô lại, chân mày cũng nhíu theo: "Không đau sao, đừng đi lung tung."
"Đã hơn một tuần, mai đi tái khám chắc chắn sẽ sớm lành."
"Mai tôi đi với cô được không?"
Cô chuẩn bị hai ly trà hoa nhài mà Lục Tú mang tới thăm bệnh. Nói ra anh ta cũng thú vị, tính cách dở hơi nhưng thật ra rất đứng đắn.
Đáp lại: "Tôi đi cùng Bội Sam. Con bé sắp về nên bám tôi không ngừng."
Hai người yên lặng uống trà. Lê Kình đoán đã đến lúc mình rời đi, vốn dĩ chỉ bảo giúp cô dọn dẹp, việc xong hết rồi thì luyến tiếc ở lại làm gì. Thế mà anh đứng không nổi, cái ghế này chắc chắn có ma lực, giữ anh dai dẳng không buông.
Nhân lúc này, Tạ Tranh muốn thực hiện lời hứa.
"Anh thực sự muốn mở rộng quán sao? Không suy nghĩ lại?" Nói xong dùng hơi thổi vào ly trà, khói bay nghi ngút.
"Ừ." Lê Kình đáp rất lạnh nhạt. Tạ Tranh hỏi như thế tức là đã nghe Lê Diệu nói gì đó, ngoài ra còn chứng tỏ ra cô theo phe chị gái. Có chút không vui.
"Lê Kình." Cô đặt ly trà lên bàn, chân này gác chân kia lộ ra vết thương còn băng bó: "Tôi kể anh nghe một chuyện nhé?"
"Chuyện gì?"
"Chẳng phải anh luôn thắc mắc vì sao tôi đến được đây à?"
Anh chẳng hiểu tại sao cô phải giấu mình trong chiếc vỏ cũ kĩ chẳng tin vào ai hay tin bất cứ điều gì như thế... Tại sao cô cứ phải giả vờ hạnh phúc khi cô chưa một lần thử mở lòng với lấy hạnh phúc rồi nâng niu?
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top